BỘ NỘI THƯƠNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 47-NT | Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 1963 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH “MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ BÁN HÀNG”
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 08-CP ngày 16 tháng 7 năm 1962 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nội thương;
Nhằm mục đích phát huy tinh thần hợp tác tương trợ, hợp lý hóa tổ chức lao động, phục vụ tốt khách hàng và nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý tài sản của Nhà nước;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ tổ chức kỹ thuật, Vụ trưởng Vụ Tài vụ, Vụ trưởng Vụ Kế toán,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành từ ngày 15 tháng 01 năm 1963 “Một số quy định về chế độ trách nhiệm của tổ bán hàng” kèm theo quyết định này. Mọi điều khoản trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 2. Các ông Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng vụ Tổ chức Kỹ thuật, Trưởng ban Thanh tra Bộ, các ông Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục trực thuộc Bộ, Giám đốc và Trưởng Ty, các Sở, Ty thương nghiệp khu, thành, tỉnh, các ông Trưởng phòng Thương nghiệp thị xã, huyện, khu phố, có nhiệm vụ thi hành và kiểm tra việc chấp hành quyết định này.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG |
MỘT SỐ QUY ĐỊNH
VỀ CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ BÁN HÀNG
MỤC I. - TỔ CHỨC TỔ BÁN HÀNG
Điều 1. Mỗi tổ bán hàng có ít nhất từ 5 người trở lên và không quá 20 người. Tổ nhiều người chia thành nhiều nhóm. Mỗi nhóm bán hàng có từ 2 đến 4 người cùng bán chung một số mặt hàng.
Nếu bán hàng 2 kíp thì tổ chia ra 2 phân tổ, mỗi phân tổ bán một kíp. Mỗi phân tổ gồm có nhiều nhóm.
Việc bố trí số người bán hàng cho từng tổ, từng nhóm, căn cứ vào mặt hàng phức tạp hay đơn giản, lúc đông khách hoặc vắng khách mà sắp xếp nhiều, ít. Có thể phân công cho từng cá nhân bán riêng lẻ một số mặt hàng, hoặc đối với một số mặt hàng phức tạp không thể để cá nhân bán riêng lẻ được thì phân công cho từng nhóm nhỏ, cố định càng ít người càng tốt, để dễ tính được năng suất lao động và quy được trách nhiệm vật chất rõ ràng.
Nhóm phải xây dựng trên tinh thần tự nguyện thỏa thuận với nhau, cùng chịu chung trách nhiệm vật chất để phát huy tinh thần hợp tác, tương trợ, hợp lý hóa sức lao động.
Điều 2. Tổ ít người và bán một kíp, có một tổ trưởng phụ trách. Tổ nhiều người, bán 2 kíp thì có thêm một hoặc hai tổ phó giúp việc tổ trưởng.
Tổ trưởng và tổ phó, mỗi người phụ trách một phân tổ trong kíp bán hàng của mình, trực tiếp phụ trách một nhóm và cùng bán hàng với những người khác.
MỤC II. – NHIỆM VỤ CHUNG CỦA TỔ
Điều 3. Nhiệm vụ chung của tổ là:
1. Hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch bán ra của tổ với năng suất lao động cao và tinh thần thái độ phục vụ khách hàng tốt.
2. Chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách, chế độ, phương thức, thể lệ thương nghiệp của Nhà nước và nội quy của cửa hàng.
3. Quản lý tốt tài sản của Nhà nước đã được cửa hàng giao cho tổ.
4. Đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt trong công tác, trong học tập, sinh hoạt để hoàn thành nhiệm vụ và phấn khởi công tác.
Điều 4. Về mặt tinh thần, toàn tổ phải chịu trách nhiệm chung trong việc thực hiện kế hoạch, chấp hành chính sách. Thái độ phục vụ khách hàng cũng như những hành động sai sót của từng cá nhân trong tổ, trong việc bảo vệ tài sản của Nhà nước.
MỤC III. – TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT CỦA CÁ NHÂN TRONG TỔ
Điều 5. Đối với những tài sản do tổ hoặc nhóm đã phân công riêng cho từng cá nhân quản lý từng phần việc như:
- Bán riêng một số mặt hàng;
- Thu tiền, đếm tiền, gói tiền;
- Viết hóa đơn, cắt phiếu, quản lý phiếu;
- Giao hàng;
- Vận chuyển hàng.
Hoặc sử dụng một số đồ dùng như: cân, dao, kéo, khóa vv… trách nhiệm cá nhân đã rõ ràng, không liên quan gì tới người khác, nếu để xảy ra thiệt hại đến tài sản của Nhà nước thì riêng cá nhân đó chịu trách nhiệm vật chất trước tổ về phần tài sản thuộc mình phụ trách.
Điều 6. Trường hợp đặc biệt người nào ở nhóm khác, tổ khác, trong cửa hàng, hoặc người cửa hàng được Chủ nhiệm hoặc cửa hàng trưởng và tổ đồng ý cho bán hàng trong tổ nào, nhóm nào, kíp nào, thì trách nhiệm vật chất của người này bắt đầu từ khi nhận việc đến khi nghỉ việc, giống như mọi người trong tổ, trong nhóm làm việc kíp ấy.
Điều 7. Người nào chỉ tham gia bán hàng trong khoản thời gian ngắn, không đầy một kíp, ở trong một nhóm nào, nếu toàn nhóm phải chịu trách nhiệm chung về thiệt hại xảy ra trong kíp bán hàng, thì mức độ trách nhiệm vật chất của người này do nhóm thương lượng và tổ quyết định.
MỤC IV. – TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT CỦA NHÓM
Điều 8. Trong buổi bán hàng, tất cả tài sản của tổ đã giao cho nhóm cũng như tự nguyện chịu trách nhiệm vật chất chung quản lý như: hàng hóa, tiền bán hàng, dụng cụ bán hàng (cân, thước, dao, kéo,vv..) sổ sách, tem, phiếu thu của khách mua hàng, vv… đều phải để ở nơi riêng biệt với tài sản của nhóm khác.
Mỗi khi xảy ra thiệt hại như: thiếu tiền, thiếu hàng, hàng hóa hư hỏng, đổ vỡ, rơi vãi, để kẻ gian lấy cắp, đồ dùng bị thất lạc,vv…nếu không tìm được nguyên nhân để quy được trách nhiệm cho người nào trong nhóm thì toàn nhóm bán hàng buổi đó cũng phải chịu trách nhiệm chung về vật chất.
Điều 9. Đối với những tài sản tổ đã giao cho từng nhóm quản lý như hàng mẫu để trình bày, trang trí không bán, hàng dự trữ trong quày, tủ, cả hai nhóm bán hàng sáng và chiều đều sử dụng và có trách nhiệm bảo quản, chăm sóc, nhưng do thiếu tinh thần trách nhiệm đã để xảy ra thiệt hại như: mối xong, chuột cắn, kém phẩm chất, mất không lý do, vv… nếu không tìm được nguyên nhân để quy được trách nhiệm cho cá nhân nào, nhóm sáng hoặc nhóm chiều thì cả hai nhóm đều chịu trách nhiệm chung về vật chất.
MỤC V. – TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT CỦA PHẨN TỔ (KÍP BÁN HÀNG)
Điều 10. Trách nhiệm vật chất của phân tổ bán hàng buổi sáng bắt đầu từ lúc nhận việc tới khi kiểm kê, bàn giao hàng xong cho kíp buổi chiều, nộp tiền bán hàng xong cho quỹ, ghi sổ bán hàng, nộp tem, phiếu thu của khách nua hàng cho cấp trên.
Trách nhiệm vật chất của phân tổ bán hàng buổi chiều bắt đầu từ khi nhận xong hàng của phân tổ buổi sáng giao lại đến hết giờ bán hàng buổi tối, sau khi nộp tiền, kiểm kê hàng, ghi sổ, nộp tem, phiếu.
Điều 11. Mỗi khi để xảy ra thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, do phân tổ mình quản lý, mà không tìm được nguyên nhân để quy được trách nhiệm cho người nào, nhóm nào thì toàn tổ bán hàng trong kíp ấy cũng phải chịu chung trách nhiệm vật chất về thiệt hại này (ví dụ: đồ dùng chung của tổ).
MỤC VI. – TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT CỦA TỔ
Điều 12. Mỗi tổ bán hàng chịu trách nhiệm vật chất trước Chủ nhiệm cửa hàng hoặc cửa hàng trưởng về toàn bộ tài sản cửa hàng đã giao cho tổ quản lý gồm: hàng hóa, tiền bán hàng, sổ sách, chứng từ, thiết bị quày tủ, công cụ trình bày hàng, dụng cụ bán hàng và những đồ dùng khác vv…
Mỗi khi để xảy ra thiệt hại đến tài sản trên đây, nếu không tìm được nguyên nhân để truy được trách nhiệm cho người nào, nhóm nào, hoặc kíp nào đã gây ra thiệt hại này thì toàn tổ chịu chung trách nhiệm vật chất.
Điều 13. Đối với những thứ hàng mà tổ bán hàng phải nhận ở cửa kho, thì trách nhiệm vật chất của tổ bán hàng bắt đầu từ khi thủ kho giao hàng xong, hai bên có kiểm nhận đối chiếu với sổ sách hẳn hoi. Mọi thiệt hại về tài sản xảy ra sau lúc đó và trên đường vận chuyển từ kho ra nơi bán hàng, do tổ bán hàng chịu trách nhiệm.
Điều 14. Đối với những thứ hàng mà tổ bán hàng nhận ngay tại nơi bán hàng thì trách nhiệm vật chất của tổ bán hàng bắt đầu từ khi tổ bán hàng nhận hàng xong, hai bên có kiểm nhận, đối chiếu với sổ sách hẳn hoi.
Điều 15. Đối với một số mặt hàng mà tổ bán hàng không có điều kiện kiểm nghiệm phẩm chất, hoặc cân, đong, đo đếm chính xác ngay khi nhận hàng của kho giao (hàng nguyên đai, nguyên kiện, nguyên tấm, nguyên bó, nguyên hộp, vv..) thiệt hại chỉ có thể phát hiện được khi đem hàng ra bán và không phải do thiếu tinh thần trách nhiệm của tổ gây ra, thì tổ bán hàng phải mời cấp trên trực tiếp đến chứng kiến, lập biên bản. Nếu không phát hiện kịp thời, hoặc tự ý bán ra hoặc hủy bỏ chưa có lệnh của Chủ nhiệm hoặc cửa hàng Trưởng thì tổ, nhóm hoặc cá nhân phải chịu trách nhiệm vật chất về số lượng hàng hóa này.
MỤC VII. – TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ TRƯỞNG, TỔ PHÓ.
Điều 16. Khi để xảy ra thiệt hại đến tài sản của Nhà nước do tổ mình quản lý, nếu chính bản thân mình, nhóm mình, phân tổ mình hoặc toàn tổ phải chịu trách nhiệm vật chất như đã quy định ở các điều trên đây, thì tổ trưởng, tổ phó phải chịu trách nhiệm vật chất như những người khác trong nhóm, trong tổ.
Nếu do thiếu kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở, giúp đỡ anh chị em trong tổ, thì khi có xảy ra thiệt hại đến tài sản của Nhà nước do tổ mình quản lý, dù bản thân mình không phải chịu trách nhiệm vật chất và về những thiệt hại ấy, tổ trưởng và tổ phó vẫn phải chịu trách nhiệm tinh thần trước tổ và trước Chủ nhiệm cửa hàng hoặc cửa hàng trưởng.
Điều 17. Mỗi khi xảy ra thừa thiếu tiền và hàng hoặc thiệt hại đến tài sản khác của Nhà nước, tổ trưởng, tổ phó, có sự hướng dẫn giúp đỡ của kế toán, phải kiểm điểm ngay trong nhóm trong phân tổ hoặc toàn tổ để tìm ra nguyên nhân, quy trách nhiệm cho cá nhân nào, nhóm nào, phân tổ nào đã gây ra thiệt hại và rút kinh nghiệm bổ khuyết.
Sự việc phải ghi vào sổ theo dõi thừa thiếu của tổ hoặc vào biên bản tùy theo trường hợp trong vòng 24 giờ có kế toán chứng kiến và chứng thực.
MỤC VIII. - ĐẾM TIỀN - NỘP TIỀN
Điều 18. Gần cuối giờ bán hàng hoặc khi đã bán hết số hàng mình được giao để bán trong kíp ấy, cá nhân hoặc nhóm bán hàng phải đếm tiền, thống kê tiền theo từng loại, ký tên vào những sấp tiền mình đã đếm, niêm phong rồi đem nộp ngay cho quỹ hoặc giao cho thủ quỹ đến nhận tại nơi bán hàng. Việc ghi chép sổ sách, kiểm kê hàng, cân đối tiền và hàng làm sau khi nộp tiền.
Những người đếm tiền, gói tiền và đi nộp tiền chỉ chịu trách nhiệm về thừa thiếu tiền nếu số tiền đã đếm không ăn khớp với số tiền ghi trong bảng kê, còn việc thừa thiếu do không cân đối giữa tiền thu vào và hàng bán ra trong buổi ấy thì do nhóm bán hàng chịu trách nhiệm chung nếu không quy được trách nhiệm cho người nào đã gây ra thiệt hại này.
MỤC IX. – KIỂM KÊ – BÀN GIAO
Điều 19. Mỗi khi thay đỗi người bán hàng nhóm bán hàng (thay đổi kíp) thì nhất thiết, phải kiểm kê bàn giao hàng và tài sản khác, có mặt bên giao hàng và bên nhận, có ghi rõ ràng số lượng hàng giao, nhận, tên người giao, tên người nhận và chữ ký của mỗi người.
Trường hợp đặc biệt, vắng mặt một bên giao hoặc một bên nhận, thì phải có tổ trưởng hoặc tổ phó chứng kiến việc khóa cửa quày tủ hoặc niêm phong hàng hóa khi giao, chứng kiến việc mở khóa quày tủ hoặc phá niêm phong khi nhận.
Điều 20. Sau khi kiểm kê và bàn giao hàng, nếu phát hiện ra thừa tài sản thì tài sản thừa thuộc về Nhà nước, nếu phát hiện ra thiếu tài sản, thì cá nhân nào, nhóm nào, tổ nào quản lý số tài sản ấy, phải chịu trách nhiệm vật chất như đã quy định ở các điều trên đây trong văn bản này.
Việc điều chỉnh thừa thiếu giữa bên giao và bên nhận nếu do kiểm kê nhầm lẫn phải được Chủ nhiệm hoặc cửa hàng trưởng duyệt y.
MỤC X. – TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ NHIỆM CỬA HÀNG HOẶC CỬA HÀNG TRƯỞNG VÀ GIAN HÀNG TRƯỞNG
Điều 21. Mỗi khi để xảy ra thiệt hại đến tài sản của Nhà nước do cửa hàng mình, gian hàng mình quản lý, nếu do thiếu tinh thần trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, thì tùy trường hợp cụ thể, chủ nhiệm cửa hàng hoặc cửa hàng trưởng, và gian hàng trưởng (nếu cửa hàng lớn chia thành nhiều gian) cũng phải liên đới chịu trách nhiệm về tinh thần cũng như về vật chất đối với thiệt hại của đơn vị mình.
Điều 22. Trong phạm vi đã quy định về nhiệm vụ quyền hạn đã có, chủ nhiệm cửa hàng hoặc cửa hàng trưởng có trách nhiệm phải tìm ra nguyên nhân, bổ khuyết những thiếu sót và giải quyết, xử lý những vụ thừa thiếu, thiệt hại đến tài sản của Nhà nước trong vòng một tuần lễ đến một tháng trở lại tùy theo sự việc lớn nhỏ để giáo dục chung và ngăn chặn kịp thời sự việc tái diễn.
MỤC XI. - THƯỞNG PHẠT VÀ PHỤ CẤP
Điều 23. Để khuyến khích việc bảo vệ và quý trọng của công, người nào trong cửa hàng, không kể ở bộ phận trực tiếp hay gián tiếp, hoặc nhóm nào, tổ nào đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, có sáng kiến, kinh nghiệm và biện pháp cụ thể phòng ngừa, phát giác, ngăn chặn tệ lãng phí, tham ô, hạn chế thiếu tiền và hàng hoặc các thiệt hại khác, sẽ được khen thưởng tùy theo sự cống hiến nhiều ít.
Điều 24. Để góp phần giáo dục ý thức trách nhiệm, ý thức làm chủ, ý thức bảo vệ và quý trọng của công, người nào, nhóm nào, tổ nào để xảy ra thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, tùy theo lỗi nặng nhẹ, phải chịu trách nhiệm bồi thường và xử lý theo quy định chung của Nhà nước và Bộ Nội thương đã ban hành.
Điều 25. Để khuyến khích tổ trưởng, tổ phó tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc bảo vệ tài sản của Nhà nước tổ trưởng và tổ phó mỗi tháng được lĩnh phụ cấp trách nhiệm vật chất theo tỷ lệ lương cấp bậc của mình (có văn bản riêng).
Ban hành kèm theo Quyết định số 47-NT ngày 15 tháng 01 năm 1963.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.