ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 47/2013/QĐ-UBND | Ninh Thuận, ngày 31 tháng 7 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ (MẪU) SOẠN THẢO, THẨM ĐỊNH DỰ THẢO VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN, THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;
Theo đề nghị của Sở Tư pháp tại Tờ trình số 942/TTr-STP ngày 24 tháng 7 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế (mẫu) soạn thảo, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh (gửi kèm).
Điều 2. Trên cơ sở Quy chế (mẫu) Ủy ban nhân dân huyện, thành phố ban hành Quy chế soạn thảo, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phù hợp tình hình thực tế của địa phương;
Giao Giám đốc Sở Tư pháp tổ chức triển khai, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
QUY CHẾ (mẫu)
SOẠN THẢO, THẨM ĐỊNH DỰ THẢO VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN (THÀNH PHỐ) ….
(Ban hành kèm theo Quyết định số /2013/QĐ-UBND ngày / /2013 của Ủy ban nhân dân huyện (thành phố)…)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng điều chỉnh
Quy chế này quy định trình tự, thủ tục soạn thảo, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) do các phòng, ban, ngành (sau đây gọi tắt là cơ quan, tổ chức hữu quan) tham mưu Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) ban hành.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) phân công bao gồm:
a) Dự thảo chỉ thị, quyết định của Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) ban hành;
b) Dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện (thành phố) do Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) trình.
2. Quy định trình tự, thủ tục thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật:
a) Dự thảo chỉ thị, quyết định của Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) do các ban, ngành tham mưu trình Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) ban hành;
b) Dự thảo nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện (thành phố) do Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) trình.
Điều 3. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện (thành phố)
1. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân huyện (thành phố) là văn bản do Hội đồng nhân dân huyện (thành phố) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận ban hành theo hình thức nghị quyết và có đầy đủ các yếu tố quy định tại điểm b, c và điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.
2. Văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) là văn bản do Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) ban hành theo hình thức quyết định, chỉ thị và có đầy đủ các yếu tố quy định tại điểm b, c và điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị định số 91/2006/NĐ-CP .
Điều 4. Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện (thành phố)
Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06 tháng 5 năm 2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.
Điều 5. Soạn thảo quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp
Việc soạn thảo quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp được thực hiện theo quy định tại Điều 47, Điều 48 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và khoản 2 Điều 3 Nghị định số 91/2006/NĐ-CP .
Chương II
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC SOẠN THẢO VĂN BẢN
Điều 6. Nhiệm vụ của cơ quan chủ trì soạn thảo
Các cơ quan chuyên môn, tổ chức thuộc Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) chủ trì soạn thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) (sau đây gọi chung là cơ quan dự thảo) có các nhiệm vụ sau:
1. Khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ của xã hội ở địa phương liên quan đến dự thảo; nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng, văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên.
2. Tổ chức nghiên cứu thông tin, tư liệu có liên quan đến dự thảo.
3. Xây dựng dự thảo văn bản và tờ trình:
Dự thảo phải xác định hình thức, nội dung văn bản và các điều, khoản, điểm của văn bản dự kiến sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ (nếu có);
Tờ trình phải nêu rõ sự cần thiết phải ban hành hành văn bản, những điểm mới của dự thảo so với quy định của Nhà nước cấp trên; tính khả thi của văn bản và bố cục của văn bản.
4. Căn cứ vào tính chất, nội dung của dự thảo mà tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo văn bản theo quy định tại Điều 9 của Quy chế này.
5. Gửi đầy đủ hồ sơ thẩm định theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Quy chế này đến cơ quan thẩm định.
6. Cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến dự thảo được thẩm định theo yêu cầu của cơ quan thẩm định.
7. Thuyết trình về dự thảo khi có yêu cầu của cơ quan thẩm định.
8. Nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo văn bản trên cơ sở kết quả thẩm định của Phòng Tư pháp để trình Ủy ban nhân dân huyện (thành phố); đồng thời giải trình bằng văn bản về việc không tiếp thu ý kiến thẩm định và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) xem xét, trình Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) quyết định. Văn bản giải trình phải gửi đến Phòng Tư pháp, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện (thành phố).
9. Chuẩn bị hồ sơ trình Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) theo quy định tại Điều 43 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, bao gồm:
a) Tờ trình và dự thảo quyết định, chỉ thị;
b) Báo cáo thẩm định;
c) Bản tổng hợp ý kiến về dự thảo quyết định, chỉ thị;
d) Các tài liệu có liên quan.
Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến
Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được dự thảo văn bản. Trường hợp quá thời hạn quy định mà không có văn bản trả lời việc tham gia ý kiến thì đương nhiên cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến góp ý dự thảo văn bản chấp thuận nội dung dự thảo. Thủ trưởng cơ quan đơn vị chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) về việc không tham gia góp ý, xây dựng văn bản.
Điều 8. Trách nhiệm của đối tượng chịu tác động được lấy ý kiến
Trong trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo gửi văn bản lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp thì phải xác định những vấn đề cần lấy ý kiến, địa chỉ nhận ý kiến. Trong thời hạn 7 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, đối tượng chịu tác động có trách nhiệm góp ý và gửi về cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản.
Điều 9. Lấy ý kiến về dự thảo
1. Khi soạn thảo, cơ quan soạn thảo phải lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện (thành phố); các phòng, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương có liên quan.
2. Các trường hợp sau đây cơ quan soạn thảo phải lấy ý kiến đối tượng chịu tác động của dự thảo:
a) Việc ban hành văn bản có ảnh hưởng quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh;
b) Có nội dung liên quan đến vấn đề quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng các công trình công cộng quan trọng trên địa bàn huyện (thành phố);
c) Có nội dung liên quan đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân.
3. Việc lấy ý kiến của các cơ quan tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản được thực hiện bằng các hình thức sau đây:
a) Lấy ý kiến trực tiếp thông qua các cuộc họp, hội nghị;
b) Lấy ý kiến bằng văn bản;
c) Lấy ý kiến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của địa phương;
d) Lấy ý kiến thông qua việc tiến hành khảo sát, phát phiếu thăm dò đến các đối tượng;
đ) Các hình thức lấy ý kiến khác.
Chương III
TỔ CHỨC THẨM ĐỊNH DỰ THẢO VĂN BẢN
Điều 10. Thẩm định văn bản
Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) ban hành phải được Phòng Tư pháp thẩm định. Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) không xem xét, ban hành văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức hữu quan trình mà chưa có văn bản thẩm định của Phòng Tư pháp.
Điều 11. Nội dung thẩm định
Thẩm định dự thảo văn bản bao gồm các nội dung sau đây:
1. Sự cần thiết ban hành văn bản.
2. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo.
3. Tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật;
4. Tính khả thi của dự thảo.
5. Ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản.
Điều 12. Hồ sơ thẩm định
Chậm nhất là 10 (mười) ngày trước ngày Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) họp, cơ quan soạn thảo phải gửi hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đến Phòng Tư pháp để thẩm định.
1. Hồ sơ dự thảo do các phòng, ban, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) chủ trì soạn thảo gửi đến Phòng Tư pháp để thẩm định (sau đây gọi là hồ sơ thẩm định) bao gồm:
a) Công văn đề nghị thẩm định;
b) Dự thảo tờ trình của các phòng, ban, đơn vị về dự thảo quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân huyện (thành phố);
c) Dự thảo quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân huyện (thành phố);
d) Bản tổng hợp ý kiến của các phòng, ban, đơn vị, cơ quan tổ chức hữu quan về dự thảo và bản sao ý kiến của mỗi phòng, ban, cơ quan, tổ chức đó; bản tổng hợp ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, ý kiến của nhân dân về dự thảo (nếu có); bản giải trình về việc tiếp thu, không tiếp thu ý kiến góp ý vào dự thảo;
đ) Các tài liệu có liên quan mà cơ quan soạn thảo tập hợp được trong quá trình soạn thảo.
2. Phòng Tư pháp có trách nhiệm tổ chức việc lưu trữ, bảo quản hồ sơ thẩm định, văn bản thẩm định và các tài liệu có liên quan theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Điều 13. Tiếp nhận hồ sơ thẩm định
1. Phòng Tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ thẩm định quy định tại khoản 1 Điều 12 của Quy chế này.
Trong trường hợp hồ sơ thẩm định thiếu một trong các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 12 của Quy chế này, Phòng Tư pháp có quyền yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung hồ sơ trong thời hạn 2 (hai) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
2. Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm bổ sung hồ sơ thẩm định trong thời hạn 3 (ba) ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu bổ sung hồ sơ của Phòng Tư pháp.
Thời điểm thẩm định được tính từ ngày cơ quan thẩm định nhận được đủ hồ sơ thẩm định.
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Tư pháp trong việc thẩm định
Trong quá trình thẩm định dự thảo văn bản, Phòng Tư pháp có nhiệm vụ, quyền hạn:
1. Yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thuyết trình về dự thảo trước khi thẩm định.
2. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cung cấp thông tin và tài liệu có liên quan đến dự thảo cần thẩm định.
3. Trong trường hợp cần thiết, tổ chức cuộc họp với sự tham gia của cơ quan chủ trì soạn thảo và đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan, các cộng tác viên công tác văn bản để thảo luận, trao đổi ý kiến về nội dung thẩm định; tổ chức hoặc cùng cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức khảo sát thực tế về những vấn đề thuộc nội dung của dự thảo.
Điều 15. Tổ chức việc tham gia nghiên cứu và thẩm định dự thảo văn bản
1. Tổ chức nghiên cứu, thường xuyên giữ mối liên hệ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nhằm bảo đảm chủ động trong hoạt động thẩm định dự thảo.
2. Khi xét thấy cần thiết, được quyền mời các đơn vị liên quan tham gia cuộc họp thẩm định dự thảo văn bản và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) về kết quả thẩm định dự thảo văn bản.
Điều 16. Thẩm định các dự thảo văn bản có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực
1. Đối với dự thảo quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; Phòng Tư pháp tổ chức cuộc họp với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức để thảo luận về nội dung dự thảo.
2. Thành phần cuộc họp gồm đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan, tổ chức có liên quan
3. Cuộc họp do Phòng Tư pháp (cơ quan chủ trì thẩm định) được tiến hành theo trình tự:
a) Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo thuyết trình về dự thảo hoặc cung cấp thêm thông tin và tài liệu có liên quan đến dự thảo;
b) Các thành viên tham dự cuộc họp thảo luận và phát biểu ý kiến, tập trung vào những vấn đề được quy định tại Điều 11 của Quy chế này;
c) Phòng Tư pháp kết luận.
Ý kiến tham gia của các thành viên tham dự cuộc họp và kết luận của Phòng Tư pháp phải được thể hiện trong biên bản cuộc họp.
Điều 17. Thời hạn thẩm định và gửi báo cáo kết quả thẩm định
1. Chậm nhất là bảy ngày trước ngày Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) họp, Phòng Tư pháp phải gửi báo cáo thẩm định đến cơ quan soạn thảo.
Thời gian thẩm định do Phòng Tư pháp thực hiện 2 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Báo cáo kết quả thẩm định gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) và lưu tại cơ quan thẩm định.
2. Đối với dự thảo văn bản theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) cần ban hành kịp thời để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân theo Điều 48 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 thì không áp dụng thời hạn thẩm định quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan chủ trì soạn thảo phải kịp thời gửi hồ sơ dự thảo văn bản đến thành viên Ủy ban nhân dân, chậm nhất là 1 (một) ngày trước ngày Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) họp.
Điều 18. Trách nhiệm của Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện (thành phố)
Văn bản quy phạm pháp luật trước khi Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) ban hành phải được xem xét, thông qua theo đúng quy định tại Điều 44 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) thực hiện nội dung này.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 19. Tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động soạn thảo văn bản.
2. Trưởng Phòng Tư pháp có trách nhiệm bảo đảm về điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động thẩm định dự thảo văn bản.
Điều 20. Kinh phí cho hoạt động soạn thảo và thẩm tra, thẩm định dự thảo văn bản thực hiện theo quy định hiện hành.
Điều 21. Trưởng Phòng Tư pháp chủ trì phối hợp với các phòng, ban, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) triển khai thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện, trường hợp có khó khăn, vướng mắc phản ánh kịp thời về Phòng Tư pháp tổng hợp trình Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) xem xét, quyết định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.