ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 47/2009/QĐ-UBND | Phan Thiết, ngày 05 tháng 8 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ GIẢI QUYẾT ĐÌNH CÔNG BẤT HỢP PHÁP XẢY RA TẠI DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 23/6/1994, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động ngày 02/4/2002 và Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động ngày 29/11/2006;
Căn cứ Chỉ thị số 06/2006/CT-TTg ngày 06/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo và chấp hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 29/TTr-SLĐTBXH ngày 22/6/2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế giải quyết đình công bất hợp pháp xảy ra tại doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trú đóng trên địa bàn tỉnh, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
GIẢI QUYẾT ĐÌNH CÔNG BẤT HỢP PHÁP XẢY RA TẠI DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 47/2009/QĐ-UBND ngày 05 tháng 8 năm 2009 của UBND tỉnh Bình Thuận
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc giải quyết đình công bất hợp pháp xảy ra tại doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Theo quy định tại Điều 173 Bộ Luật Lao động, cuộc đình công thuộc một trong những trường hợp sau đây là bất hợp pháp:
1. Không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể;
2. Không do những người lao động cùng làm việc trong một doanh nghiệp tiến hành;
3. Khi vụ tranh chấp lao động tập thể chưa được hoặc đang được cơ quan, tổ chức giải quyết theo quy định của Bộ Luật Lao động;
4. Không lấy ý kiến người lao động về đình công theo quy định tại điều 174a hoặc vi phạm các thủ tục quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 174b của Bộ Luật Lao động;
5. Việc tổ chức và lãnh đạo cuộc đình công không tuân theo quy định tại điều 172a của Bộ Luật Lao động;
6. Tiến hành tại doanh nghiệp không được đình công thuộc danh mục do Chính phủ quy định;
7. Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công.
Điều 2. Các cơ quan, tổ chức có liên quan bao gồm
1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là Chủ tịch UBND cấp huyện).
2. Các thành viên Tổ Công tác liên ngành thuộc huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là Tổ Công tác liên ngành) được thành lập theo Chỉ thị số 06/2006/CT-UBND ngày 14/7/2006 của UBND tỉnh về việc tăng cường chỉ đạo và chấp hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp.
3. Thủ trưởng các cơ quan chức năng cấp tỉnh: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Tư pháp và Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 3. Nguyên tắc giải quyết đình công bất hợp pháp
- Nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ và thống nhất;
- Tôn trọng pháp luật, phát huy dân chủ và ý kiến quyết định của người chủ trì;
- Lấy phương châm giáo dục, thuyết phục là chính trên cơ sở quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan theo luật định;
- Không sử dụng bạo lực, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật;
- Quá trình tiếp xúc, làm việc với các bên liên quan phải được phản ảnh bằng biên bản ghi nhận trung thực kết quả làm việc.
Chương II
TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT ĐÌNH CÔNG BẤT HỢP PHÁP
Điều 4. Khi xảy ra đình công bất hợp pháp, các cơ quan, tổ chức có liên quan quy định tại Điều 2 Quy chế này thực hiện giải quyết theo trình tự như sau
1. Chủ tịch UBND cấp huyện chủ trì họp cử Tổ Công tác liên ngành đến hiện trường để tìm hiểu, nắm tình hình, ổn định trật tự, có biện pháp ngăn chặn kịp thời những hành động quá khích làm thiệt hại đến tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người lao động, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân.
2. Tổ Công tác liên ngành hội ý nhanh, phân công các thành viên trong Tổ tiếp cận các bên tranh chấp (một bên là người sử dụng lao động và một bên là đại diện tập thể người lao động) để nắm thông tin, chứng cứ có liên quan; ghi nhận các yêu cầu, kiến nghị của tập thể người lao động và làm việc với người sử dụng lao động để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tranh chấp.
3. Thông qua việc nắm tình hình, Tổ Công tác liên ngành có trách nhiệm xem xét, phân tích, đánh giá nguyên nhân dẫn đến tranh chấp; nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết tranh chấp trên cơ sở quy định của pháp luật lao động.
4. Tổ chức cuộc họp với các bên, đưa ra phương án giải quyết để các bên tham khảo, thương lượng giải quyết theo yêu cầu của mỗi bên. Nếu một trong hai bên không đồng ý với phương án giải quyết của Tổ Công tác liên ngành thì Tổ Công tác liên ngành hướng dẫn và yêu cầu các bên thực hiện giải quyết tranh chấp lao động theo đúng trình tự quy định tại Chương XIV Bộ Luật Lao động. Kết quả cuộc họp được lập thành biên bản và gửi các thành viên dự họp.
5. Tổ Công tác liên ngành tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả cuộc họp giải quyết cuộc đình công bất hợp pháp trình Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản đối với doanh nghiệp. Đồng thời, báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý các Khu công nghiệp (nếu xảy ra tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp) để theo dõi, hỗ trợ khi cần thiết.
6. Tổ Công tác liên ngành có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc doanh nghiệp nơi xảy ra đình công bất hợp pháp triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND cấp huyện.
7. Sau khi hoàn thành giải quyết đình công, các cơ quan, tổ chức có liên quan tiến hành cuộc họp rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp giải quyết đình công bất hợp pháp, tổng hợp kết quả giải quyết báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh biết theo dõi, chỉ đạo.
Chương III
TRÁCH NHIỆM GIẢI QUYẾT CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC CÓ LIÊN QUAN
Điều 5. Chủ tịch UBND cấp huyện
- Chủ trì xuyên suốt quá trình giải quyết đình công bất hợp pháp xảy ra tại doanh nghiệp đóng trên địa bàn quản lý; giao nhiệm vụ cho Tổ Công tác liên ngành tiếp xúc với các bên tranh chấp để tìm hiểu, nắm tình hình, ghi nhận các yêu cầu, kiến nghị của các bên; xem xét, phân tích, đánh giá nguyên nhân dẫn đến tranh chấp. Hướng dẫn các bên thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động đối với những nội dung liên quan đến tranh chấp về quyền và thương lượng, thỏa thuận những nội dung liên quan đến tranh chấp về lợi ích;
- Đối với đình công bất hợp pháp có tình tiết phức tạp, Chủ tịch UBND cấp huyện có văn bản đề nghị hoặc điện thoại trực tiếp đến thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan quy định tại Điều 2 Quy chế này phối hợp giải quyết;
- Xử lý theo quy định của pháp luật đối với những hành vi vi phạm pháp luật lao động (nếu có) sau khi xảy ra đình công bất hợp pháp;
- Chỉ đạo lực lượng Công an huyện có biện pháp xử lý đối với những đối tượng có hành vi kích động, lôi kéo, cản trở người khác thực hiện các quy định của pháp luật và những nội dung liên quan đến kết quả giải quyết đình công bất hợp pháp;
- Tổng hợp báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ tình hình và kết quả giải quyết đình công bất hợp pháp về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý các Khu công nghiệp (nếu xảy ra tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp) để theo dõi.
Điều 6. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lao động theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh; đồng thời hỗ trợ Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc:
+ Hướng dẫn giải quyết đình công bất hợp pháp có tình tiết phức tạp;
+ Hướng dẫn người sử dụng lao động và tập thể người lao động thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hoãn hoặc ngừng đình công (nếu có);
+ Chỉ đạo thanh tra lao động xử lý theo quy định của pháp luật đối với những hành vi vi phạm pháp luật lao động (nếu có) sau khi xảy ra đình công bất hợp pháp.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, triển khai các giải pháp phòng ngừa và giải quyết đình công bất hợp pháp;
- Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về giải quyết đình công bất hợp pháp xảy ra tại doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Điều 7. Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp
- Phát hiện, thông báo kịp thời đến Chủ tịch UBND cấp huyện, các cơ quan, tổ chức có liên quan về đình công bất hợp pháp xảy ra tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp;
- Cung cấp các thông tin về tình hình, đặc điểm của doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang xảy ra đình công bất hợp pháp. Theo đó, phối hợp, hỗ trợ kịp thời Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết đình công bất hợp pháp xảy ra tại doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp;
- Thực hiện các nhiệm vụ về quản lý lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp theo ủy quyền của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Tham gia góp ý về phương án giải quyết đình công bất hợp pháp và phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan, doanh nghiệp triển khai thực hiện phương án;
- Hướng dẫn người sử dụng lao động và tập thể người lao động thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hoãn hoặc ngừng đình công (nếu có) trong khu công nghiệp.
Điều 8. Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh
- Chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở nắm tình hình, phát hiện và báo cáo kịp thời cho Chủ tịch UBND cấp huyện và Công đoàn cấp trên nguy cơ xảy ra đình công bất hợp pháp;
- Phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lao động cho người lao động. Hỗ trợ công đoàn cơ sở trực tiếp thương lượng với người sử dụng lao động;
- Vận động, giải thích cho tập thể người lao động hiểu rõ và thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động về giải quyết tranh chấp lao động và đình công;
- Chỉ đạo các cấp công đoàn có biện pháp đưa đình công bất hợp pháp trở thành đình công hợp pháp do tổ chức công đoàn lãnh đạo;
- Theo dõi, giám sát việc thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hoãn hoặc ngừng đình công (nếu có);
- Tham gia góp ý, đề xuất phương án giải quyết đình công bất hợp pháp và phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan, doanh nghiệp triển khai thực hiện phương án;
- Chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục giám sát việc thực hiện các nội dung mà người sử dụng lao động cam kết hay thỏa thuận thực hiện sau khi đình công;
Điều 9. Giám đốc Công an tỉnh
Chỉ đạo các đơn vị chức năng và Công an địa phương thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Thường xuyên đề ra biện pháp nắm tình hình, phát hiện và báo cáo kịp thời cho Chủ tịch UBND cấp huyện và Công an cấp trên về nguy cơ xảy ra đình công bất hợp pháp;
- Phối hợp tổ chức thực hiện những giải pháp ổn định tình hình an ninh, trật tự tại doanh nghiệp và địa bàn xung quanh nơi xảy ra đình công bất hợp pháp;
- Ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi kích động, quá khích, gây rối, cưỡng ép người lao động tham gia đình công bất hợp pháp và báo cáo kết quả xử lý cho Chủ tịch UBND cấp huyện, các cơ quan, tổ chức có liên quan và doanh nghiệp biết;
- Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND cấp huyện.
Điều 10. Giám đốc Sở Tư pháp
- Phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp để phòng ngừa và tránh tái diễn đình công bất hợp pháp xảy ra;
- Tham gia góp ý, đề xuất phương án giải quyết đình công bất hợp pháp và phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan, doanh nghiệp triển khai thực hiện phương án.
Điều 11. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Cung cấp thông tin về đăng ký kinh doanh, việc chấp hành các quy định sau đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp nơi xảy ra đình công bất hợp pháp;
- Tham gia góp ý, đề xuất phương án giải quyết cuộc đình công bất hợp pháp và phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan, doanh nghiệp triển khai thực hiện phương án.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Kinh phí hoạt động
- Kinh phí phục vụ cho hoạt động giải quyết đình công bất hợp pháp do ngân sách tỉnh chi bổ sung ngoài kinh phí hoạt động thường xuyên của các cơ quan, tổ chức có liên quan;
- Cán bộ, công chức, viên chức được cử tham gia hoạt động giải quyết đình công bất hợp pháp được hưởng chế độ phụ cấp theo quy định hiện hành;
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện chịu trách nhiệm lập dự toán kinh phí hoạt động trình UBND cùng cấp xem xét giải quyết;
- Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện có trách nhiệm cấp phát, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đúng theo quy định hiện hành.
Điều 13. Chủ tịch UBND cấp huyện, thủ trưởng các sở, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Giám đốc các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trú đóng trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế này.
Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện Quy chế này./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.