ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 47/2008/QĐ-UBND | Đà Nẵng, ngày 14 tháng 11 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ ĐÀO TẠO BẬC ĐẠI HỌC TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC TRONG NƯỚC VÀ Ở NƯỚC NGOÀI BẰNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC DÀNH CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước dành cho học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục đích, yêu cầu
a) Góp phần phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học và công nghệ cho các cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố;
b) Việc hỗ trợ học bổng phải được quản lý, theo dõi, kiểm tra chặt chẽ, bảo đảm phát huy tích cực hiệu quả học tập, nghiên cứu của đối tượng được tham gia Đề án để đạt kết quả cao nhất.
2. Nguyên tắc chung
a) Đối tượng tham gia Đề án: Học sinh các trường trung học phổ thông do thành phố quản lý, trúng tuyển đại học nguyện vọng một vào những ngành đào tạo mà thành phố có nhu cầu, đáp ứng các điều kiện theo quy định, tự nguyện đăng ký tham gia Đề án và cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khi được nhận học bổng của Đề án;
b) Việc đào tạo bậc đại học theo Đề án là đào tạo chính quy tập trung tại các trường đại học có chất lượng tốt ở trong nước và ở nước ngoài;
c) Chỉ tiêu đào tạo, ngành đào tạo: Tùy theo nhu cầu đào tạo của thành phố, hàng năm UBND thành phố sẽ thông báo danh mục ngành đào tạo và chỉ tiêu đào tạo cho từng ngành học cụ thể;
d) Người tham gia Đề án chỉ được đăng ký dự tuyển đào tạo tại một ngành của một trường đại học trong nước hoặc ở nước ngoài. Việc đăng ký tham gia Đề án phải được tiến hành trước khi nhập học năm thứ nhất bậc đại học.
Trường hợp học sinh đã được thành phố xét chọn đi học trong nước có nguyện vọng xin chuyển sang học các trường đại học nước ngoài thì phải có kết quả học tập năm thứ nhất đại học trong nước đạt loại khá trở lên;
đ) Học bổng của Đề án được chia thành hai loại:
- Học bổng toàn phần được xác định là: Toàn bộ học phí theo quy định của cơ sở đào tạo; chi phí một lượt vé máy bay đi và về trong cả khóa học; sinh hoạt phí được UBND thành phố quy định cụ thể theo từng nước, từng vùng lãnh thổ và bảo hiểm y tế ở mức tối thiểu cho 12 tháng / 1 năm học. Khoản kinh phí này do thành phố cấp đủ 100%;
- Học bổng bán phần: Có giá trị bằng 70% so với học bổng toàn phần;
e) Thời gian hỗ trợ học bổng:
- Các năm học chính thức tại trường đại học đối với học trong nước;
- Các năm học chính thức và năm học dự bị ở trường đại học tại nước ngoài hoặc tại cơ sở của trường ở Việt Nam đối với học nước ngoài;
g) Việc hỗ trợ học bổng cho học sinh đi học ở bậc đại học được thực hiện theo phương thức trực tiếp đến từng gia đình học sinh, trên cơ sở hợp đồng tham gia Đề án, có sự chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Không giải quyết việc rút khỏi Đề án, trừ các trường hợp đặc biệt như sức khỏe không đảm bảo để tiếp tục học tập hoặc lý do chính đáng khác do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định;
h) Trường hợp học sinh đã được xét chọn đi học ở nước ngoài nhưng chưa đạt yêu cầu về ngoại ngữ theo quy định của cơ sở đào tạo, thì được bảo lưu kết quả xét chọn trong thời gian năm thứ nhất bậc đại học để học ngoại ngữ; chi phí học ngoại ngữ do học sinh và gia đình tự lo.
Đối với học sinh đạt giải các môn văn hóa tại các kỳ thi Olympic quốc tế hoặc khu vực Châu Á thì được thành phố hỗ trợ chi phí để học ngoại ngữ.
Nếu sau năm học thứ nhất mà kết quả về ngoại ngữ của học sinh không đạt yêu cầu thì kết quả xét chọn đi học ở nước ngoài sẽ không còn giá trị;
i) Việc chuyển kinh phí bằng ngoại tệ do Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn thực hiện theo Quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng:
- Học phí: Chuyển trực tiếp cho cơ sở đào tạo.
- Sinh hoạt phí: Chuyển cho gia đình học sinh.
3. Điều kiện được cấp học bổng toàn phần
Để được cấp học bổng toàn phần, học sinh phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
a) Học lực đạt loại giỏi, hạnh kiểm đạt loại tốt liên tục từ lớp 10 đến lớp 12 hệ phổ thông;
b) Thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt từ loại khá trở lên, trừ trường hợp được xét theo điểm c khoản 6 Điều 1 Quyết định này;
c) Trúng tuyển đại học nguyện vọng một vào ngành thành phố có nhu cầu và không có môn thi nào có điểm dưới 5;
d) Đạt Thủ khoa cấp trường trong kỳ thi tuyển sinh đại học (không tính điểm cộng thêm) hoặc đạt từ giải Nhì cấp thành phố trở lên trong các kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa. Môn đạt giải phải nằm trong các môn thi của khối thi đại học nguyện vọng một.
Đối với học sinh đạt giải Nhì cấp thành phố trở lên về môn Tin học thì ngành đăng ký học nguyện vọng một phải phù hợp với môn Tin học.
Trường hợp học sinh đạt giải Ba cấp thành phố trong các kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa thì phải có kết quả thi đại học nguyện vọng một đạt điểm cao;
đ) Có sức khỏe tốt;
e) Lý lịch bản thân và gia đình rõ ràng; bản thân và gia đình chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
g) Tích cực tham gia hoạt động xã hội, đoàn thể, văn nghệ, thể thao;
h) Có khả năng ngoại ngữ theo quy định của cơ sở đào tạo tại nước đăng ký đến học đối với trường hợp đi học ở nước ngoài;
i) Cam kết làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng quản lý ít nhất 07 (bảy) năm theo sự bố trí công tác của cơ quan có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp đại học.
4. Điều kiện được cấp học bổng bán phần
Để được cấp học bổng bán phần, học sinh phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
a) Các điều kiện nêu tại điểm a, b, c, đ, e, g, h khoản 3 nêu trên;
b) Đạt giải Khuyến khích cấp thành phố trở lên trong các kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa. Môn đạt giải phải nằm trong các môn thi của khối thi đại học nguyện vọng một.
Đối với học sinh đạt giải Khuyến khích cấp thành phố về môn Tin học ngành đăng ký học nguyện vọng một phải phù hợp với môn Tin học;
c) Cam kết làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng quản lý ít nhất 05 (năm) năm theo sự bố trí công tác của cơ quan có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp đại học;
d) Có đủ điều kiện tiêu chuẩn được cấp học bổng toàn phần nhưng gia đình học sinh chỉ có nhu cầu tham gia Đề án ở mức học bổng bán phần, thì được chấp nhận theo nguyện vọng gia đình học sinh.
5. Mức cấp học bổng hỗ trợ
a) Học ở trong nước:
Cấp đủ học phí theo thông báo của cơ sở đào tạo và các quy định hiện hành của Nhà nước. Sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế và chi phí đi lại được hỗ trợ cho 12 tháng/năm học.
Cụ thể như sau:
- Tại thành phố Hà Nội | 23.140.000 đồng |
- Tại thành phố Hồ Chí Minh | 23.140.000 đồng |
- Tại thành phố Huế | 18.070.000 đồng |
- Tại thành phố Đà Nẵng | 12.480.000 đồng |
Mức học bổng sẽ được điều chỉnh khi có sự thay đổi chính sách học phí của nhà nước.
b) Đối với học ở nước ngoài:
- Về học phí: Cấp đủ học phí theo thông báo của cơ sở đào tạo đối với học sinh được cử đi đào tạo.
- Về sinh hoạt phí: Mức sinh hoạt phí được tính cho 12 tháng/năm học, cụ thể:
- Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Vương quốc Anh | 12.000 USD |
- Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy | 12.000 USD |
- Úc | 10.524 USD |
- NewZealand | 9.300 USD |
- Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông | 6.000 USD |
- Trung Quốc, Đài Loan | 4.200 USD |
- Thái Lan, Philippines, Malaysia | 3.600 USD |
Mức sinh hoạt phí sẽ được điều chỉnh khi có sự thay đổi quy định về sinh hoạt phí của nhà nước.
- Về bảo hiểm y tế và chi phí đi lại:
+ Bảo hiểm y tế được cấp ở mức tối thiểu cho 12 tháng / năm học trên cơ sở thông báo nhập học của trường đại học;
+ Cấp 01 (một) lượt vé máy bay khứ hồi (được tính một lần đi và một lần về) trong cả khóa học.
6. Thủ tục xét chọn tham gia Đề án
a) Học sinh đăng ký tham gia Đề án phải lập thủ tục tham gia trước khi nhập học năm thứ nhất bậc đại học;
b) Cơ quan thường trực quản lý Đề án lập danh sách học sinh đăng ký tham gia Đề án để trình Hội đồng xét tuyển của thành phố tiến hành xét chọn.
Trong trường hợp số lượng học sinh đăng ký tham gia Đề án nhiều hơn chỉ tiêu đã thông báo, Cơ quan thường trực quản lý Đề án có trách nhiệm phân loại và xếp điểm theo các tiêu chí như: thành tích học tập (xếp loại học lực, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm thi đại học (không có môn thi dưới 5 điểm), giải học sinh giỏi các môn văn hóa…); nhân thân gia đình (con liệt sĩ, con thương binh, gia đình có công với cách mạng…); thành tích hoạt động xã hội, đoàn thể (hoạt động Đoàn Thanh niên, hoạt động phong trào của lớp, trường…), trình Hội đồng xét tuyển xét chọn theo điểm từ cao xuống thấp đối với từng ngành đào tạo đến khi đủ chỉ tiêu;
c) Cơ quan thường trực quản lý Đề án lập thủ tục trình Hội đồng xét tuyển của thành phố xem xét đối với trường hợp học sinh đạt giải cấp quốc gia hoặc đạt thủ khoa cấp trường trong kỳ thi tuyển sinh đại học nhưng chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông loại trung bình do bị khống chế một môn dưới 6 điểm.
7. Hợp đồng tham gia Đề án
Hợp đồng tham gia Đề án là văn bản pháp lý thể hiện nội dung cụ thể của việc tham gia Đề án hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước với các nội dung chủ yếu như sau:
a) Quyền lợi của người tham gia Đề án:
- Được thành phố cấp học bổng toàn phần hoặc bán phần để được đào tạo bậc đại học tại các cơ sở đào tạo trong nước và ở nước ngoài;
- Có thể nhận học bổng khác của cơ sở đào tạo hoặc các tổ chức hoạt động hợp pháp khác với điều kiện phải thực hiện đầy đủ cam kết trong Hợp đồng tham gia Đề án. Khi nhận được học bổng khác, người tham gia Đề án phải báo cáo với Cơ quan thường trực quản lý Đề án biết để theo dõi;
- Được thành phố phân công, bố trí công tác phù hợp với chuyên ngành đào tạo và nguyện vọng sau khi tốt nghiệp đại học.
b) Nghĩa vụ của người tham gia Đề án:
- Tôn trọng và chấp hành luật pháp của Việt Nam và nước cử đến học; quy định của cơ sở đào tạo và Hợp đồng tham gia Đề án đã được ký kết;
- Cuối mỗi học kỳ và cuối mỗi năm học, phải gửi báo cáo kết quả học tập và rèn luyện của mình cho Cơ quan thường trực quản lý Đề án để theo dõi, kiểm tra, đồng thời thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo, hội họp theo quy định của Cơ quan thường trực quản lý Đề án;
- Tốt nghiệp đại học đạt từ loại Khá trở lên đối với học ở nước ngoài và đạt từ loại Giỏi trở lên đối với học ở trong nước; được cơ sở đào tạo đánh giá đạo đức tốt, không lưu ban trong quá trình học tập;
- Trong thời hạn 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày tốt nghiệp phải đến trình diện tại Cơ quan thường trực quản lý Đề án để lập thủ tục thanh toán chi phí đào tạo và chuyển sang giai đoạn thực hiện cam kết công tác tại thành phố Đà Nẵng theo Hợp đồng;
- Chấp hành quyết định, phân công công tác của cơ quan có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp về nhận công tác.
c) Vi phạm và xử lý vi phạm hợp đồng:
- Đối với trường hợp kết quả học tập không đạt loại khá trở lên ở 03 (ba) học kỳ liên tục tính từ năm học thứ nhất: Bị buộc chấm dứt hợp đồng và hoàn trả lại toàn bộ số học bổng đã cấp. Thời hạn hoàn trả tối đa là 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử lý của Ủy ban nhân dân thành phố;
- Đối với trường hợp được Ủy ban nhân dân thành phố cho rút khỏi Đề án vì lý do sức khỏe không đảm bảo tiếp tục học tập hoặc lý do chính đáng khác: Phải hoàn trả lại toàn bộ học bổng. Thời hạn hoàn trả tối đa là 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử lý của Ủy ban nhân dân thành phố;
- Đối với các trường hợp sau:
+ Tự ý bỏ học;
+ Đơn phương chấm dứt hợp đồng tham gia Đề án;
+ Không đến trình diện Cơ quan thường trực quản lý Đề án trong thời hạn 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày tốt nghiệp mà không có lý do chính đáng;
+ Không chấp hành sự phân công, bố trí công tác của cơ quan có thẩm quyền.
Bồi thường gấp 05 (năm) lần học bổng do thành phố cấp kể từ khi bắt đầu vào học đại học.
Thời hạn bồi thường tối đa là 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử lý của Ủy ban nhân dân thành phố.
Sau thời hạn nêu trên, gia đình và người tham gia Đề án không chấp hành việc hoàn trả hoặc bồi thường học bổng theo quy định, Cơ quan thường trực quản lý Đề án có trách nhiệm lập thủ tục đề nghị cơ quan pháp luật xử lý.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Thành lập Hội đồng xét tuyển học sinh tham gia Đề án:
Hội đồng xét tuyển chịu trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố trong việc xét chọn học sinh tham gia Đề án.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo là Cơ quan thường trực quản lý Đề án, chịu trách nhiệm:
a) Tổ chức thực hiện Đề án có hiệu quả; giới thiệu cơ sở đào tạo để cử học sinh đi học và tổ chức phổ biến, hướng dẫn cho học sinh đăng ký tham gia Đề án, chậm nhất vào tháng 02 hàng năm;
b) Thành lập bộ phận chuyên trách gồm 02 (hai) nhân viên biên chế và 03 (ba) nhân viên hợp đồng trực thuộc trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn nhằm tham mưu cho Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức, thực hiện Đề án, quản lý và theo dõi tình hình học tập, rèn luyện của học sinh trong suốt thời gian học tập ở các trường đại học cho đến khi tốt nghiệp đại học về nhận công tác tại thành phố;
c) Chỉ đạo Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn:
- Tham mưu cho Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất cho Hội đồng xét tuyển của thành phố về cách phân loại và xếp điểm trong trường hợp số lượng học sinh tham gia Đề án nhiều hơn chỉ tiêu đã thông báo; chuẩn bị nội dung các phiên họp của Hội đồng xét tuyển;
- Tiến hành ký kết Hợp đồng tham gia Đề án đối với gia đình học sinh và học sinh đã được UBND thành phố quyết định cho tham gia Đề án;
- Lập thủ tục thanh lý Hợp đồng, thanh toán chi phí đào tạo theo Hợp đồng đối với người tham gia Đề án đã tốt nghiệp đại học; bàn giao danh sách kèm theo hồ sơ cho Sở Nội vụ thành phố; đồng thời báo cáo kết quả thực hiện hàng năm cho Ủy ban nhân dân thành phố;
- Có biện pháp cụ thể để theo dõi và quản lý học sinh tham gia Đề án đang theo học;
- Căn cứ số lượng học sinh tham gia Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mức học bổng, các khoản chi phí cho công tác quản lý, điều hành Đề án như: trang thiết bị, kinh phí quản lý, đi lại liên hệ công tác, hội nghị, khen thưởng, thông tin liên lạc và các vấn đề liên quan khác, xây dựng dự toán chi cùng với việc lập dự toán chi hoạt động của đơn vị gửi Sở Tài chính xem xét thẩm định để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố bố trí trong dự toán chi ngân sách thành phố hàng năm;
- Sử dụng kinh phí đúng mục đích và lập đầy đủ các thủ tục thanh toán để hoàn tạm ứng cho ngân sách từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án được bố trí trong dự toán chi của trường hàng năm.
- Tiếp nhận, tạm ứng lại kinh phí cho sinh viên tham gia Đề án đã tốt nghiệp đại học tham gia Đề án 393 và thanh quyết toán toàn bộ kinh phí đã tạm ứng với Văn phòng Thành uỷ Đà Nẵng sau khi sinh viên kết thúc khoá học.
Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 393 (Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng) theo dõi, quản lý các sinh viên nói trên.
3. Sở Nội vụ thành phố có nhiệm vụ:
a) Xác định chỉ tiêu đào tạo và ngành nghề đào tạo, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố thông qua vào tháng 12 hàng năm;
b) Chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn làm tốt công tác định hướng, vận động học sinh theo học những ngành nghề mà thành phố có nhu cầu;
c) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố về việc bố trí công tác đối với người tham gia Đề án sau khi tốt nghiệp đại học.
4. Sở Ngoại vụ thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức xúc tiến và liên kết với các cơ sở giáo dục và đào tạo có uy tín ở nước ngoài nhằm giới thiệu học sinh tham gia Đề án.
5. Sở Tài chính thành phố có trách nhiệm thẩm định, tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố bố trí dự toán ngân sách thành phố hàng năm trên cơ sở dự toán kinh phí thực hiện Đề án do Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn đề nghị.
6. Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng có trách nhiệm đảm bảo việc cấp phát kinh phí kịp thời cho học sinh được xét chọn tham gia Đề án.
7. Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn chỉ đạo Bộ phận chuyên trách thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Đề án này.
Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp
a) Người đang tham gia Dự án hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước dành cho học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo Quyết định số 32/2006/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, vẫn tiếp tục thực hiện theo nội dung đã cam kết;
b) Hỗ trợ tăng thêm 30% mức sinh hoạt phí so với mức quy định tại Quyết định số 8921/QĐ-UB ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về việc phê duyệt định mức kinh phí đào tạo cho học sinh đủ tiêu chuẩn tham gia Dự án đào tạo bậc đại học tại các cơ sở trong và ngoài nước cho những người đang học tại các trường đại học trong nước từ năm học 2007 - 2008 trở về trước. Việc hỗ trợ tăng thêm mức sinh hoạt phí đối với các trường hợp này được áp dụng từ ngày 15 tháng 01 năm 2008 trở về sau;
c) Người được cử đi đào tạo ở nước ngoài từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 trở về sau và học đúng ngành và cơ sở đào tạo do thành phố lựa chọn thì được cấp đủ học phí theo thông báo của cơ sở đào tạo.
Đối với trường hợp được cử đi đào tạo ở nước ngoài từ năm học 2006 - 2007 trở về trước thì mức hỗ trợ sinh hoạt phí được tính trên cơ sở tách phần sinh hoạt phí trong toàn bộ kinh phí đã hỗ trợ trước đây (theo thông báo nhập học của trường đại học) và thực hiện bù chênh lệch so với mức học bổng của Đề án này (nếu có) và tính cho 12 tháng/năm học. Việc bù chênh lệch đối với các trường hợp này được áp dụng từ ngày 15 tháng 01 năm 2008 trở về sau.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế các Quyết định:
Quyết định số 32/2006/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc phê duyệt Dự án hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước dành cho học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;
Quyết định số 02/2008/QĐ-UBND ngày 04 tháng 01 năm 2008 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Dự án hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước dành cho học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ban hành kèm theo Quyết định số 32/2006/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng;
Hủy bỏ Quyết định số 8921/QĐ-UB ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc phê duyệt định mức kinh phí đào tạo cho học sinh đủ tiêu chuẩn tham gia Dự án đào tạo bậc đại học tại các cơ sở trong và ngoài nước.
Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Hội đồng xét tuyển học sinh tham gia Đề án, Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Ngoại vụ, Tư pháp; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.