BỘ TƯ PHÁP SỐ: 459/1998/QĐ-BTP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 03 tháng 06 năm 1998 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ CỘNG TÁC VIÊN CỦA TỔ CHỨC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ.
Căn cứ Nghị định số 38/CP ngày 04/06/1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Quyết định số 734/TTg ngày 06/09/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 52/TTLT/TP-TC-TCCP-LĐTBXH ngày 14/01/1998 hướng dẫn thi hành Quyết định số 734/TTg ngày 06/09/1997 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 187/1998/TTLT-TCCP-TC-TP ngày 30/03/1998 hướng dẫn chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế cộng tác viên của tổ chức trợ giúp pháp lý.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở tư pháp và Giám đốc trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP |
QUY CHẾ
CỘNG TÁC VIÊN CỦA TỔ CHỨC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 459/1998/QĐ-BTP ngày 03/06/1998 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Cộng tác viên.
Cộng tác viên của Cục trợ giúp pháp lý và trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tổ chức trợ giúp pháp lý) là người được tổ chức trợ giúp pháp lý công nhận, ký hợp đồng cộng tác theo quy định tại Quy chế này.
Điều 2. Mục đích.
Hoạt động trợ giúp pháp lý của cộng tác viên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo, đối tượng chính sách và góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng này.
Điều 3. Đối tượng là cộng tác viên.
Bộ Tư pháp hoan nghênh chuyên viên pháp lý của các cơ quan tư pháp, tổ chức pháp chế ngành và các ban, ngành hữu quan; luật sư, luật gia công tác tại các tổ chức luật sư, tư vấn pháp luật; cán bộ pháp lý nghỉ hưu, sinh viên luật tình nguyện làm cộng tác viên cho tổ chức trợ giúp pháp lý; hoan nghênh các cơ quan, tổ chức động viên, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ của mình tham gia làm cộng tác viên.
Bộ Tư pháp cũng hoan nghênh các tổ chức luật sư, tư vấn pháp luật hợp tác với tổ chức trợ giúp pháp lý trong việc thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý.
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động.
Cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý phải chính xác, khách quan, vô tư, bảo đảm kịp thời và có hiệu quả; phải tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động trợ giúp pháp lý.
Chương 2:
CỘNG TÁC VIÊN
Điều 5. Tiêu chuẩn.
Cộng tác viên của tổ chức trợ giúp pháp lý phải có các tiêu chuẩn sau đây:
1. Là công dân Việt Nam đang cư trú tại Việt Nam;
2. Có bằng cử nhân luật hoặc có thời gian công tác pháp luật từ 5 năm trở lên;
3. Có năng lực hành vi đầy đủ; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người đang chấp hành hình phạt, người chưa được xóa án;
4. Có phẩm chất chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm và khả năng hoàn thành công việc được giao.
Sinh viên luật năm cuối có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điểm 1, 3, 4 Điều này cũng được xem xét để công nhận là cộng tác viên.
Điều 6. Thủ tục công nhận và cấp thẻ.
A. Việc công nhận cộng tác viên phải tuân theo các thủ tục sau:
1. Người có nguyện vọng làm cộng tác viên gửi một bộ hồ sơ tới tổ chức trợ giúp pháp lý bao gồm:
1.1 Đề nghị làm cộng tác viên;
1.2 Bản sao bằng cử nhân luật có chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc giấy xác nhận thời gian công tác pháp luật của cơ quan nơi người đó công tác. Giấy xác nhận của nhà trường có kèm theo bảng điểm các môn đã thi đối với đối tượng là sinh viên luật;
1.3 Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc của cơ quan nơi công tác.
2. Trong vòng 15 ngày, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, căn cứ vào tiêu chuẩn và nhu cầu sử dụng cộng tác viên, lãnh đạo tổ chức trợ giúp pháp lý sẽ xem xét việc công nhận hoặc không công nhận cộng tác viên.
3. Người được công nhận làm cộng tác viên sẽ được ký hợp đồng với tổ chức trợ giúp pháp lý.
Cán bộ được cơ quan chủ quản cử làm cộng tác viên theo đề nghị của tổ chức trợ giúp pháp lý sẽ được miễn làm các thủ tục quy định tại Mục A, Điểm 1 của Điều này.
B. Việc cấp thẻ cho cộng tác viên được thực hiện như sau:
1. Giao Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý ký, cấp thẻ cộng tác viên của Cục;
2. Giám đốc Sở tư pháp cấp thẻ cộng tác viên của trung tâm.
Điều 7. Quyền của cộng tác viên.
Cộng tác viên có các quyền sau đây:
1. Được cấp thẻ cộng tác viên;
2. Được bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý;
3. Được yêu cầu cung cấp những thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ cho việc trợ giúp pháp lý;
4. Được nhận bồi dưỡng và các chi phí hành chính hợp lý khác do tổ chức trợ giúp pháp lý trả theo quy định tại Thông tư liên tịch số 187/1998/TTLT-TCCP-TC-TP ngày 30/03/1998;
5. Được đề xuất ý kiến về cải tiến, mở rộng hoạt động của tổ chức trợ giúp pháp lý.
Điều 8. Nghĩa vụ của cộng tác viên.
1. Thực hiện trợ giúp pháp lý theo sự phân công của tổ chức trợ giúp pháp lý; ghi chép hồ sơ vụ việc và lưu giữ các văn bản trợ giúp pháp lý theo quy định chung;
2. Chịu trách nhiệm về nội dung vụ việc trợ giúp trước Tổ chức trợ giúp pháp lý và pháp luật;
3. Không được đòi hỏi bất kỳ khoản chi phí nào từ phía đối tượng được trợ giúp pháp lý;
4. Không được dùng thẻ cộng tác viên và lấy danh nghĩa cộng tác viên để môi giới làm ăn phi pháp hoặc thực hiện các hoạt động khác ngoài nhiệm vụ trợ giúp pháp lý được giao;
5. Tuân thủ Quy chế này, Quy chế về tổ chức và hoạt động của tổ chức trợ giúp pháp lý, quy tắc nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và các quy định có liên quan của pháp luật.
Điều 9. Hình thức cộng tác.
Cộng tác viên của tổ chức trợ giúp pháp lý có thể cộng tác theo hình thức sau:
1. Làm việc tại trụ sở tổ chức trợ giúp pháp lý;
2. Làm việc ngoài trụ sở theo thỏa thuận.
Chương 3:
KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Khen thưởng.
Cộng tác viên có thành tích trong hoạt động trợ giúp pháp lý được tổ chức trợ giúp pháp lý, Sở tư pháp, Bộ Tư pháp hoặc các cơ quan hữu quan, khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.
Điều 11. Xử lý vi phạm.
Cộng tác viên có hành vi vi phạm sau đây tùy theo mức độ sẽ bị tổ chức trợ giúp pháp lý đình chỉ việc cộng tác, thu hồi thẻ cộng tác viên và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật:
1. Không tuân thủ quy tắc nghiệp vụ trợ giúp pháp lý hoặc vi phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý;
2. Dùng thẻ cộng tác viên và lấy danh nghĩa cộng tác viên thực hiện các hoạt động không thuộc phạm vi công việc được tổ chức trợ giúp pháp lý phân công;
3. Yêu cầu đối tượng trả thù lao hoặc cố tình gây khó khăn cho đối tượng được trợ giúp pháp lý;
4. Vi phạm các quy định khác về hợp đồng cộng tác trợ giúp pháp lý.
Điều 12. Điều khoản thi hành.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh, tổ chức trợ giúp pháp lý phải đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế và quy định hiện hành của pháp luật./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.