TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 456-QĐ/TDTT | Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 1996 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CÔNG TÁC QUAN HỆ QUỐC TẾ TRONG NGÀNH TDTT
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 11/CP ngày 28/11/1992 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục TDTT;
Căn cứ Nghị định số 24/CP ngày 24/3/1995 của Chính phủ về việc xuất nhập cảnh;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ quan hệ quốc tế;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành "Quy định quản lý công tác quan hệ quốc tế trong ngành Thể dục Thể thao" kèm theo Quyết định này.
Điều 2: Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các văn bản trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.
Điều 3: Các thủ trưởng Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thể dục Thể thao, Giám đốc Sở Thể dục Thể thao, Sở Văn hoá - Thông tin - Thể thao các tỉnh, thành phố, cơ quan Thể dục Thể thao các ngành, thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Lê Bửu (Đã ký) |
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ CÔNG TÁC QUAN HỆ QUỐC TẾ TRONG NGÀNH TDTT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 456/QĐ-TDTT ngày 24/6/1996 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao)
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Mục đích công tác quan hệ quốc tế
1.1. Tăng cường, mở rộng quan hệ quốc tế về thể dục thể thao trong thời kỳ đổi mới, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
1.2. Thông qua giao lưu, học tập để tăng cường năng lực, tiềm lực của thể dục thể thao nước ta, góp phần xây dựng và phát triển sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong ngành Thể dục Thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao.
Điều 2: Nội dung công tác quan hệ quốc tế:
2.1. Thi đấu, biểu diễn tài nghệ thể thao, tập huấn, đào tạo vận động viên Việt Nam tại nước ngoài và vận động viên nước ngoài tại Việt Nam.
2.2. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ; trao đổi chuyên gia, huấn luyện viên, sinh viên với nước ngoài.
2.3. Tham quan, khảo sát, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa Việt Nam và nước ngoài.
2.4. Đăng cai, tổ chức các cuộc thi đấu, hội thảo, hội nghị quốc tế ở trong nước; Tham gia các hoạt động thi đấu, hội thảo, hội nghị ở nước ngoài; Cử người tham gia các tổ chức thể thao, các tổ chức khoa học thể dục thể thao quốc tế và khu vực.
2.5. Ký kết, triển khai các hiệp định, văn bản thoả thuận hợp tác thể dục thể thao giữa các tổ chức, cá nhân trong nước với nước ngoài.
2.6. Hợp đồng sản xuất, kinh doanh về thể dục thể thao. Hợp đồng tài trợ, quảng cáo, liên doanh, liên kết sản xuất trao đổi các trang thiết bị thể dục thể thao, trao đổi chuyên gia, kỹ thuật viên thiết kế, xây dựng các công trình thể thao.
Điều 3: Đối tượng thực hiện quy định này gồm các tổ chức Nhà nước, xã hội, cá nhân tham gia hoạt động thể dục thể thao trong và ngoài nước.
Điều 4: Phân cấp trách nhiệm quản lý công tác quan hệ quốc tế:
4.1. Tổng cục Thể dục Thể thao thống nhất quản lý, giám sát, kiểm tra công tác quan hệ quốc tế về thể dục thể thao của các cơ quan quản lý thể dục thể thao cấp tỉnh, thành, ngành, các tổ chức xã hội thể dục thể thao cấp quốc gia bao gồm: Uỷ ban Olympic Việt Nam, các Liên đoàn, Hội thể thao quốc gia, Hội thể thao các ngành.
4.2. Các Sở Thể dục Thể thao, Sở Văn hoá - Thông tin - Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan quản lý Thể dục Thể thao các Bộ, ngành:
4.2.1. Chịu sự quản lý, giám sát, kiểm tra về công tác quan hệ quốc tế của Tổng cục Thể dục Thể thao; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành đối với cấp tỉnh, thành và lãnh đạo Bộ đối với cấp ngành.
4.2.2. Chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo Bộ, ngành và Tổng cục Thể dục Thể thao về hoạt động quan hệ quốc tế của các Hội, Liên đoàn thể thao địa phương, ngành, thường xuyên giám sát, kiểm tra hoạt động đối ngoại của các Hội, Liên đoàn này.
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5: Trách nhiệm của Sở Thể dục Thể thao, Sở Văn hoá - Thông tin - Thể thao tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan quản lý thể dục thể thao cấp ngành:
5.1. Nội dung văn bản hợp tác thể dục thể thao giữa các tỉnh, thành, ngành với nước ngoài sau khi có sự thoả thuận của các cấp có thẩm quyền (Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành; lãnh đạo ngành và Tổng cục Thể dục Thể thao) mới được thảo luận với các đối tác nước ngoài và tiến hành ký kết.
5.2. Đăng ký với Tổng cục Thể dục Thể thao kế hoạch quan hệ quốc tế của năm sau vào tháng 10 năm trước. Trường hợp có kế hoạch đột xuất ngoài kế hoạch quan hệ quốc tế hàng năm đều phải được sự thoả thuận của Tổng cục Thể dục Thể thao trước khi thực hiện.
5.3. Các Sở Thể dục Thể thao, Sở Văn hoá - Thông tin - Thể thao tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Thể dục Thể thao các ngành trước khi cử đoàn ra, đón đoàn vào phải được sự đồng ý của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành hoặc lãnh đạo ngành và Tổng cục Thể dục Thể thao.
5.4. Chịu trách nhiệm quản lý người nước ngoài vào Việt Nam làm việc với cơ quan đơn vị mình.
5.5. Hàng năm, tổng kết đánh giá công tác quan hệ quốc tế và báo cáo Tổng cục Thể dục Thể thao vào tháng 12.
Điều 6: Cơ quan quản lý Nhà nước về thể dục thể thao cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngành, Hội, Liên đoàn Thể thao cấp địa phương không được xử lý các văn bản về quan hệ quốc tế của các Hội, Liên đoàn thể thao quốc gia ngoại trừ trường hợp được sự uỷ quyền của Tổng cục Thể dục Thể thao và Hội, Liên đoàn Thể thao quốc gia.
Điều 7:
7.1. Các cán bộ của Tổng cục Thể dục Thể thao, các địa phương, các Liên đoàn, Hội Thể thao quốc gia và địa phương được Tổng cục Thể dục Thể thao cử đi công tác nước ngoài phải báo cáo với cơ quan quản lý trực tiếp về nội dung, chương trình làm việc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ phải báo cáo kết quả cho Lãnh đạo Tổng cục và các đơn vị có liên quan của Tổng cục Thể dục Thể thao và địa phương.
7.2. Việc xuất cảnh của các cá nhân, tập thể phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành của Nhà nước. Tổng cục Thể dục Thể thao là cơ quan chịu trách nhiệm về việc phê chuẩn danh sách các đoàn đi nước ngoài thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực quản lý của Tổng cục.
Điều 8: Trách nhiệm của các Hội, Liên đoàn thể thao quốc gia:
8.1. Trình Tổng cục Thể dục Thể thao phê duyệt nội dung chuẩn bị làm việc, ký kết với nước ngoài.
8.2. Trước khi tiếp xúc làm việc với nước ngoài tại Việt Nam cần thông báo kế hoạch với Tổng cục Thể dục Thể thao.
8.3. Các đoàn ra, đoàn vào có dự kiến sử dụng đến ngân sách sự nghiệp Thể dục Thể thao phải được Tổng cục Thể dục Thể thao phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.
8.4. Các fax, điện tín, điện thoại, thư từ, tài liệu ra nước ngoài hoặc nước ngoài vào Việt Nam phải thực hiện theo quy chế bảo mật của ngành đã được ban hành, đảm bảo an ninh Tổ quốc, chặt chẽ về nội dung và tiết kiệm về tài chính, thông tin thể dục thể thao phải đảm bảo trung thực và chính xác. Các tài liệu, sách giáo khoa, băng hình nhận của nước ngoài đều phải báo cáo Tổng cục Thể dục Thể thao bằng văn bản để lãnh đạo Tổng cục quyết định sử dụng.
Điều 9: Trách nhiệm của các Liên đoàn, Hội thể thao các tỉnh, thành, ngành:
9.1. Được phép trực tiếp quan hệ với các Liên đoàn, Hội thể thao quốc tế khi các Liên đoàn, Hội thể thao quốc gia uỷ quyền trên cơ sở đã báo cáo với Tổng cục Thể dục Thể thao.
9.2. Việc đăng cai các giải quốc tế tại Việt Nam phải được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành hoặc lãnh đạo ngành và Tổng cục Thể dục Thể thao đồng ý bằng văn bản.
Tổng cục Thể dục Thể thao sẽ xem xét cho phép tổ chức các giải quốc tế trên cơ sở thông qua kế hoạch tổ chức và xác định nguồn kinh phí, các điều kiện đảm bảo về chuyên môn...
Điều 10: Hướng dẫn về thủ tục cử đoàn ra, đón đoàn vào về thể dục thể thao được ban hành kèm theo quy định này.
Điều 11: Thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước về Thể dục Thể thao cấp tỉnh, thành, ngành, Uỷ ban Olympic Việt Nam, các Liên đoàn, Hội thể thao cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành, Hội Thể theo các ngành, các đối tượng quy định tại điều 3 chịu trách nhiệm thi hành quy định này. Mọi quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.
QUY ĐỊNH
THỦ TỤC ĐOÀN RA ĐOÀN VÀO VỀ THỂ DỤC THỂ THAO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 456/QĐ-TDTT ngày 24/6/1996 của Tổng cục Thể dục Thể thao)
Điều 1: Thủ tục đoàn ra, đoàn vào do địa phương làm thủ tục:
1.1. Hàng năm, các Sở TDTT phải báo cáo Tổng cục TDTT kế hoạch quan hệ quốc tế của năm sau vào tháng 10 năm trước.
1.2. Hàng quý, các Sở TDTT phải gửi kế hoạch triển khai cụ thể về cử các đoàn ra, đón đoàn vào.
1.3. Các Sở TDTT phải báo cáo kết quả hoạt động quan hệ quốc tế cho Tổng cục TDTT 6 tháng một lần.
Điều 2: Thủ tục cử đoàn ra do Vụ Quan hệ quốc tế Tổng cục TDTT làm thủ tục xuất nhập cảnh đối với các địa phương, ngành có người tham gia đoàn như sau:
* Đối với cán bộ, vận động viên thuộc biên chế trả lương của cơ quan phải có:
- Quyết định cử cán bộ đi công tác nước ngoài của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, lãnh đạo ngành (trong quyết định cho VĐV đi thi đấu cần ghi rõ trong biên chế).
- 8 ảnh mầu cỡ 4 x 6 cm (các ảnh phải được rửa từ cùng một phim).
* Đối với cán bộ, VĐV hợp đồng của cơ quan phải có:
- Đơn xin cấp hộ chiếu có xác nhận đồng ý cho xuất cảnh của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố có dán ảnh 4 x 6 cm.
- 8 ảnh màu cỡ 4 x 6 cm (ảnh phải được rửa cùng một phim).
* Lệ phí làm hộ chiếu và thị thực xuất cảnh theo quy định chung của Nhà nước.
Tổng cục TDTT sẽ xử lý trong vòng 25 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định. Các trường hợp đặc biệt khẩn cấp Tổng cụ TDTT sẽ xem xét cụ thể và có phúc đáp sớm hơn.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.