ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 451/2003/QĐ.UB | Lào Cai, ngày 22 tháng 09 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ ĐẦU TƯ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KIÊN CỐ HÓA TRƯỜNG, LỚP HỌC.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND tỉnh ngày 21/6/1994;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng và Nghị định số: 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số: 159/2002/QĐ.TTg ngày 15 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thực hiện CT kiên cố hóa trường, lớp học;
Căn cứ Thông tư hướng dẫn số 58/2003/TT-BTC ngày 18/6/2003 của Bộ Tài chính về việc quản lý tài chính thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học;
Xét đề nghị của TT Ban chỉ đạo Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học tỉnh Lào Cai tại tờ trình số: 452/TT-BCĐ, ngày 8/9/2003 về việc phê duyệt quy định quản lý đầu tư thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý đầu tư thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học tỉnh Lào Cai giai đoạn 2003 - 2005 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Điều 2. Giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì cùng các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính - Vật giá, Kho bạc Nhà nước và UBND các huyện, thị xã tổ chức thực hiện.
Điều 3. Các ông Chánh văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thủ trưởng các ngành, các tổ chức đoàn thể có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 80/2003/QĐ.UB ngày 10/3/2003 của UBND tỉnh Lào Cai
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI |
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ ĐẦU TƯ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KIÊN CỐ HÓA TRƯỜNG, LỚP HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 451/2003/QĐ.UB ngày 22 tháng 09 năm 2003 của UBND tỉnh Lào Cai)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục tiêu và phạm vi áp dụng đầu tư
1. Mục tiêu
Xóa bỏ tình trạng học 3 ca vào năm 2003 và khắc phục tình trạng lớp học tạm, chưa đảm bảo tiêu chuẩn kiên cố vào năm 2005.
2. Phạm vi áp dụng
Quy định này áp dụng trong toàn tỉnh đối với các trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Điều 2. Nguồn lực đầu tư
- Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng các công trình nhà lớp học; cổng trường, hàng rào, nội thất theo thiết kế mẫu định hình.
- Nhân dân đóng góp công sức, tiền của để làm đường vào trường, trồng cây xanh; tự thống nhất giải phóng, san tạo mặt bằng để xây dựng trường, lớp học. Nhà nước chấp thuận cấp kinh phí đền bù, giải phóng, san tạo mặt bằng ở những nơi phải di chuyển nhiều, giá trị đền bù và khối lượng san tạo lớn, việc cấp kinh phí được thực hiện cho từng dự án cụ thể được UBND tỉnh duyệt trên cơ sở đề nghị của UBND các huyện, thị xã.
- Đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cho ngân sách địa phương.
Điều 3. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật
Quy mô xây dựng đáp ứng yêu cầu về số lượng học sinh, lớp học cho sự phát triển lâu dài theo tiêu chí trường chuẩn Quốc gia.
1. Các trường ở trung tâm của xã
Xây nhà cấp III hai tầng và một số nhà cấp III một tầng tùy theo số lượng lớp học và mặt bằng cụ thể để lựa chọn các mẫu nhà theo thiết kế mẫu của từng bậc học của Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học của Chính phủ (được ban hành theo Quyết định số 355/QĐ-BXD , ngày 28 tháng 3 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng) và thiết kế mẫu nhà lớp học trường Mầm non, Tiểu học, THCS (được ban hành theo Quyết định số: 1711/QĐ.CT, ngày 17 tháng 7 năm 2003, của UBND tỉnh Lào Cai).
2. Các điểm trường ở thôn, bản có địa hình phức tạp, điều kiện vận chuyển vật liệu khó khăn:
Xây nhà cấp IV (với cự ly vận chuyển vật liệu bằng thủ công lớn hơn 2 km) theo thiết kế mẫu nhà lớp học, được ban hành theo Quyết định số: 1711/QĐ.CT, ngày 17 tháng 7 năm 2003 của UBND tỉnh Lào Cai.
3. Về diện tích và vật liệu xây dựng
- UBND các cấp có trách nhiệm quy hoạch, cấp đủ diện tích đất theo tiêu chuẩn quy định của các nhà trường.
- Ở những nơi điều kiện khó khăn, có thể xây dựng mặt bằng theo nhiều cốt, theo đặc điểm địa hình.
- Số phòng học tùy theo yêu cầu cụ thể của từng điểm trường; căn cứ vào mặt bằng xây dựng và quy hoạch từng điểm trường để lựa chọn các mẫu nhà.
- Những nơi điều kiện vận chuyển nguyên vật liệu tới các điểm trường ở thôn, bản vùng cao, vùng sâu khó khăn, cho phép nung gạch tại chỗ, khai thác đá tại chỗ hoặc đúc gạch bằng đá nghiền trộn xi măng nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật đã chỉ dẫn trong thiết kế kỹ thuật thi công.
- Nơi có nguồn gỗ thì làm việc với cơ quan kiểm lâm lập phương án trình UBND tỉnh quyết định để được phép khai thác nhóm gỗ theo quy định.
Chương 2.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Lập kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình thuộc Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học
- Căn cứ vào quy hoạch mạng lưới trường lớp đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3377/QĐ.CT ngày 24/12/2002 của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai.
- UBND xã, phường, thị trấn và Hiệu trưởng các trường trên địa bàn, thống nhất xây dựng kế hoạch, đăng ký danh mục các công trình cần xây dựng kiên cố từng năm: 2003, 2004, 2005; lập biểu tổng hợp kế hoạch xây dựng và nhu cầu kinh phí gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo UBND huyện, thị xã. Các trường THPT: Hiệu trưởng đăng ký danh mục, lập biểu tổng hợp kế hoạch xây dựng và nhu cầu kinh phí từng năm, gửi Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
- UBND các huyện, thị xã tổng hợp gửi Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, trình UBND tỉnh phê chuẩn danh mục công trình, tổng mức vốn Nhà nước đầu tư cho từng huyện, thị xã theo niên độ kế hoạch.
- Đối với thiết bị đồ gỗ các phòng học giao cho Sở Giáo dục - Đào tạo xây dựng kế hoạch, trên cơ sở số lượng phòng học đã được đầu tư xây dựng và khả năng tài chính của từng năm, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 5. Thời gian khởi công và hoàn thành công trình
Thời gian khởi công và hoàn thành công trình được tính từ khi bắt đầu ký kết hợp đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu cho đến khi bàn giao công trình hoàn thành để sử dụng.
Thời gian thực hiện hoàn thành công trình được quy định cho từng cấp nhà; cụ thể như sau:
- Nhà lớp học cấp III hai tầng: Không quá 12 tháng.
- Nhà lớp học cấp III một tầng: Không quá 6 tháng.
- Nhà lớp học cấp IV: Không quá 4 tháng.
Điều 6. Phân cấp quản lý
1. Thẩm quyền phê duyệt dự án, dự toán
Do tính chất đặc thù của chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, xây dựng theo thiết kế mẫu định hình, UBND tỉnh phân cấp phê duyệt như sau:
- Đối với các dự án có mức vốn dưới 1 tỷ đồng: Giao cho UBND huyện, thị xã phê huyện.
- Đối với các dự án có mức vốn từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng: Không lập báo cáo đầu tư; UBND tỉnh phê duyệt tổng dự toán.
- Đối với dự án có tổng mức vốn trên 3 tỷ đồng: Phải lập dự án đầu tư; UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư và duyệt tổng dự toán.
- Phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán: Tất cả các công trình kiên cố hóa trường, lớp học phải áp dụng thiết kế và dự toán mẫu định hình đã được UBND tỉnh phê duyệt. Khi phê duyệt dự toán cho từng công trình, các cấp có thẩm quyền chỉ phê duyệt bổ sung phần bù giá vật liệu, cước vận chuyển, xử lý nền móng và san gạt mặt bằng (nếu có). Chế độ bù giá tiền lương như phụ cấp lưu động, phụ cấp khu vực theo chế độ hiện hành.
2. Chủ đầu tư
- Giao UBND huyện, thị xã làm chủ đầu tư xây dựng các công trình trường, lớp học cấp III một tầng, hai tầng; các trường, lớp học mầm non, tiểu học, THCS.
- Sở Giáo dục và Đào tạo làm chủ đầu tư xây dựng công trình các trường THPT.
- UBND các xã, phường, thị trấn làm chủ đầu tư các công trình xây dựng các trường, lớp học cấp IV theo thiết kế mẫu định hình. Khuyến khích các xã, phường, thị trấn tự tổ chức xây dựng.
3. Ban giám sát
- Ở từng xã, phường, thị trấn có công trình xây dựng thuộc Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học (kể cả các công trình do UBND huyện, thị xã làm chủ đầu tư), thành lập 1 Ban giám sát công trình.
- Thành phần Ban giám sát ở xã, phường, thị trấn: Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban; các thành viên Ban giám sát gồm: Đại diện Hội đồng nhân dân, các tổ chức đoàn thể quần chúng của xã, Trưởng ban thanh tra nhân dân và đại diện hội phụ huynh học sinh.
- Nhiệm vụ của Ban giám sát công trình: Tổ chức giám sát toàn bộ quá trình thi công công trình theo quy định về trình tự đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành và quản lý chất lượng công trình xây dựng theo Quyết định số 18/2003/QĐ-BXD ngày 27 tháng 6 năm 2003 của Bộ Xây dựng.
3. Ban quản lý dự án (BQLDA)
- Do tính chất đặc thù của Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, xây dựng theo thiết kế mẫu định hình, phạm vi áp dụng cho ngành học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trong toàn tỉnh; vì vậy, việc thành lập BQLDA các cấp được quy định như sau:
Chủ đầu tư thành lập BQLDA; Thành phần BQLDA:
- Các công trình do sở Giáo dục và Đào tạo làm chủ đầu tư không phải thành lập ban quản lý dự án, sử dụng Ban quản lý Dự án các công trình xây dựng cơ bản của Sở Giáo dục và Đào tạo để thực hiện.
- Các công trình do UBND huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn làm chủ đầu tư:
+ Cấp huyện, thị xã: Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã làm trưởng BQLDA; các thành viên BQLDA, gồm: Cán bộ kỹ thuật có chuyên môn nghiệp vụ về xây dựng cơ bản, kế toán, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; Hiệu trưởng trường được đầu tư xây dựng, BQLDA huyện, thị xã do UBND huyện, thị xã quyết định thành lập. Trường hợp Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện, thị xã không đủ năng lực làm Trường BQLDA, UBND các huyện, thị xã có thể giao cho BQLDA của huyện, thị xã đảm nhận nhưng phải bổ sung các thành phần nêu trên.
+ Cấp xã: Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn làm trưởng BQLDA; các thành viên BQLDA, gồm: Cán bộ kỹ thuật có chuyên môn nghiệp vụ, kế toán, cán bộ tăng cường chương trình 135 ở xã, phường, thị trấn, Hiệu trưởng các trường được đầu tư xây dựng. BQLDA xã, phường, thị trấn do UBND huyện, thị xã quyết định thành lập.
- BQLDA được phép hợp đồng cán bộ kỹ thuật và kế toán XDCB nếu thấy cần thiết. Kinh phí hoạt động của BQLDA được lấy từ kinh phí chi phí QLDA trong dự toán công trình được duyệt.
5. Thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng thầu
- Đối với các gói thầu có giá trị dưới 1 tỷ đồng VN: Chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu theo quy định “chọn ít nhất 2 nhà thầu để trình xin chỉ định thầu”. Việc lựa chọn nhà thầu phải bảo đảm tư cách pháp nhân, các tiêu chuẩn về năng lực, kinh nghiệm và tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật. Công trình xây dựng trường, lớp học thuộc loại công trình phục vụ đặc biệt, nên ngoài nhưng tiêu chuẩn đã nêu, chủ đầu tư phải chọn các nhà thầu có kinh nghiệm và uy tín. Hồ sơ trình duyệt đối với chỉ định thầu do chủ đầu tư trình theo quy định tại văn bản số: 112/KH-ĐT. ĐT, ngày 10/4/2001 của Sở Kế hoạch và Đầu tư, chịu trách nhiệm về quá trình lựa chọn nhà thầu và các quyết định của mình. Giá chỉ định thầu tối đa thấp hơn giá dự toán xây lắp được duyệt ít nhất 3%.
- Đối với các gói thầu từ 1 tỷ đồng VN trở lên: Chủ đầu tư lựa chọn phương thức đấu thầu hạn chế hoặc rộng rãi và tổ chức đấu thầu theo quy định, chịu trách nhiệm về quá trình lựa chọn nhà thầu theo quy định của quy chế đấu thầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình. Khi lựa chọn nhà thầu ưu tiên các nhà thầu có nhiều kinh nghiệm, năng lực, đóng góp ủng hộ Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học.
Điều 7. Quản lý tài chính thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học
Các nguồn vốn để thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học chỉ được thực hiện cho các mục tiêu Chương trình ghi trong Quyết định số 159/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2002, của Thủ tướng Chính phủ và theo danh mục được duyệt; không được dùng cho các mục tiêu khác.
Việc quản lý tài chính thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học thực hiện theo Hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 58/2003/TT-BTC , ngày 18 tháng 6 năm 2003.
Điều 8. Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học các cấp.
Hàng năm, Ban chỉ đạo Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học các cấp lập dự toán chi hoạt động trình cơ quan Tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trách nhiệm của các cấp các ngành
1. Trách nhiệm chung
- Kiên cố hóa trường, lớp học và trách nhiệm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội; đặc biệt là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, Chính quyền và các Đoàn thể các cấp.
- Quá trình xây dựng các công trình thuộc Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học phải quán triệt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; nhằm phát huy dân chủ ở tất cả các khâu: Lựa chọn danh mục đầu tư, mặt bằng xây dựng, tổ chức thi công, nghiệm thu bàn giao công trình và quản lý sử dụng.
2. Trách nhiệm cụ thể
2.1. Các trường học
Hiệu trưởng các trường Mầm non, Tiểu học, THCS tham mưu với UBND xã; Hiệu trưởng các trường THPT và trực thuộc tham mưu với UBND huyện, thị xã; Xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, quy hoạch tổng thể mạng lưới trường, lớp học trên toàn địa bàn và quy hoạch tổng thể mặt bằng xây dựng từng khu trường, lớp học; tham gia vào các BQLDA; tiếp nhận công trình đã được nghiệm thu, quản lý sử dụng có hiệu quả; chủ động tổ chức vận động cha mẹ học sinh, giáo viên, học sinh, các tổ chức quần chúng nhân dân đóng góp công sức và kinh phí để tạo dựng cảnh quan môi trường, làm cho trường, lớp học ngày càng khang trang, sạch đẹp.
2.2. UBND xã, phường, thị trấn
Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học của xã, gồm: Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban; các thành viên là Hiệu trưởng các trường học, Trưởng ban văn hóa, Tài chính, cán bộ tăng cường Chương trình 135, Trưởng thôn, bản…
Có trách nhiệm huy động nhân dân đóng góp công sức và kinh phí cùng Nhà nước thực hiện tốt Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học trên địa bàn.
Chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của Chủ đầu tư, về chất lượng các công trình được phân cấp làm Chủ đầu tư.
2.3. Phòng Giáo dục và Đào tạo
Tham mưu, tư vấn cho UBND huyện, thị xã chỉ đạo thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học ở địa phương.
Chỉ đạo các trường học thuộc quyền quản lý thực hiện tốt trách nhiệm được giao.
Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học huyện. Theo dõi nắm chắc tình hình, tổng hợp báo cáo kịp thời việc tổ chức thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học ở địa phương. Chỉ đạo các trường học thuộc quyền quản lý sử dụng có hiệu quả cao các công trình sau khi nhận bàn giao.
2.4. UBND huyện, thị xã
Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học; thành lập Ban quản lý dự án xây dựng các công trình thuộc Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học trên địa bàn của huyện, thị xã.
Chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, các phòng ban chuyên môn thuộc UBND huyện, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học trên địa bàn, từ khâu Quy hoạch, lập kế hoạch đến việc tổ chức thực hiện, bàn giao đưa vào sử dụng.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học của tỉnh, trong quá trình thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học. Có trách nhiệm huy động nhân dân đóng góp công sức và tiền của để thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học trên địa bàn.
Tổ chức phong trào thi đua thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học ở địa phương.
Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Ban chỉ đạo Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học của tỉnh về chất lượng các công trình xây dựng trường lớp học được phân cấp làm chủ đầu tư. Chịu trách nhiệm về quá trình xét chọn nhà thầu theo quy định của Quy chế đấu thầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của Chủ đầu tư.
2.5. Sở Giáo dục và đào tạo
Tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học trên địa bàn. Thực hiện chức năng nhiệm vụ của cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học của tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các ngành thành viên Ban chỉ đạo Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học của tỉnh.
Chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, các thường trực thuộc thực hiện tốt trách nhiệm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng các công trình xây dựng thuộc Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học được phân cấp làm chủ đầu tư.
Điều 10. Chế độ báo cáo, kiểm tra
1. Báo cáo
- Định kỳ hàng tháng, UBND các huyện, thị xã phải lập báo cáo tình hình thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở tài chính - Vật giá, Sở Giáo dục và Đào tạo (theo mẫu 04/BC-TH gửi kèm thông tư số 58/2003/TT-BTC , ngày 18 tháng 6 năm 2003 của Bộ Tài chính). Thời gian gửi báo cáo: ngày 25 hàng tháng. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
- Định kỳ 6 tháng, 1 năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp báo cáo chung của toàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt để báo cáo Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính (theo mẫu 05/BÁO CÁO-TH gửi kèm thông tư số 58/2003/TT-BTC , ngày 18 tháng 6 năm 2003 của Bộ Tài chính). Thời gian gửi báo cáo: báo cáo 6 tháng gửi ngày 25/6 và báo cáo năm: gửi ngày 25/12.
- Riêng các báo cáo tài chính thực hiện theo thông tư số 44/2003/TT-BTC ngày 15/5/2003 hướng dẫn quản lý thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước; Thông tư số 45/2003/TT-BTC ngày 15/5/2003 hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư của Bộ Tài chính.
2. Kiểm tra
Thường trực Ban chỉ đạo chương trình kiên cố hóa trường, lớp học các cấp có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra các cơ sở, các trường về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Điều 11. Khen thưởng, kỷ luật
- UBND các cấp có hình thức ghi công đóng góp xây dựng của cá nhân và tập thể đối với Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học.
- Cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học của tỉnh, được UBND tỉnh khen thưởng theo quy định tại mục 4, phần II Công văn số: 578/CV-UB ngày 27/6/2003 của UBND tỉnh Lào Cai, về việc thi đua khen thưởng trong thực hiện 6 Chương trình KT-XH trọng tâm hướng về cơ sở.
- Cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị vi phạm quy định này, làm thất thoát vốn đầu tư, ảnh hưởng đến phong trào quần chúng nhân dân tham gia Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu gặp khó khăn, vướng mắc…, các địa phương, các ngành, cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh với cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học tỉnh (Sở Giáo dục và Đào tạo) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.