ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 45/2009/QĐ-UBND | Biên Hòa, ngày 29 tháng 6 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT NGẬP LỤT TRÊN CÁC TUYẾN ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 952/TTr- SGTVT ngày 05 tháng 6 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giải quyết ngập lụt trên các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Giao thông Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ, đường thủy Đồng Nai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT NGẬP LỤT TRÊN CÁC TUYẾN ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 45/2009/QĐ-UBND ngày 29/6/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Quy chế này quy định việc phối hợp giải quyết ngập lụt trên các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giữa các đơn vị quản lý trực tiếp các tuyến đường do Trung ương và địa phương quản lý.
Điều 2. Trách nhiệm xử lý
1. Khu Quản lý đường bộ VII chủ trì xử lý ngập lụt trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai; Khu Quản lý đường bộ, đường thủy Đồng Nai chủ trì xử lý ngập lụt trên các tuyến đường tỉnh; UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa chủ trì xử lý ngập lụt trên các tuyến đường do địa phương quản lý.
2. UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa có trách nhiệm theo dõi tình hình mưa bão trên địa phương, kịp thời xử lý tình trạng ngập lụt. Trường hợp vượt quá thẩm quyền quy định, có thông báo kịp thời đến Sở Giao thông Vận tải để phối hợp xử lý.
3. Công an tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo an ninh, an toàn giao thông khi xảy ra ngập lụt.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Nội dung phối hợp phải liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tham gia phối hợp.
2. Bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động phối hợp; đề cao trách nhiệm cá nhân của Thủ trưởng cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và cán bộ, công chức tham gia phối hợp, đồng thời hoạt động phối hợp của các cá nhân không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của cơ quan phối hợp liên quan.
Chương II
NHIỆM VỤ CỦA CÁC ĐƠN VỊ KHI XẢY RA NGẬP LỤT TRÊN CÁC TUYẾN ĐƯỜNG
Điều 4. Đối với các tuyến quốc lộ
1. UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa chủ động, theo dõi để phát hiện kịp thời tình hình ngập lụt trên các tuyến đường, thông báo đến Sở Giao thông Vận tải, Khu Quản lý đường bộ VII (cơ quan quản lý các tuyến đường quốc lộ), Công an tỉnh Đồng Nai để đơn vị quản lý trực tiếp tuyến đường và các đơn vị có liên quan kịp thời nắm bắt được tình hình ngập lụt, có giải pháp xử lý kịp thời. Đồng thời UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa chủ động phối hợp với đơn vị chủ trì và liên quan cùng xử lý đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương.
2. Sở Giao thông Vận tải thông báo đến các đơn vị liên quan về tình hình ngập lụt đang xảy ra, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc để chủ động phối hợp xử lý với đơn vị chủ trì.
3. Đề nghị Khu Quản lý đường bộ VII có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý tình hình ngập lụt xảy ra. Kịp thời khảo sát thực tế, xem xét và xử lý theo từng trường hợp cụ thể ngập lụt xảy ra trên tuyến đường.
4. Công an tỉnh, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải phối hợp với đơn vị chủ trì và các đơn vị liên quan đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông trên tuyến.
Điều 5. Đối với các tuyến tỉnh lộ
1. UBND các xã, phường, thị trấn, chủ động, theo dõi để phát hiện kịp thời tình hình ngập lụt trên các tuyến đường, thông báo đến Sở Giao thông Vận tải; Khu Quản lý đường bộ, đường thủy Đồng Nai (cơ quan quản lý trực tiếp các tuyến đường tỉnh), Công an tỉnh để đơn vị quản lý trực tiếp tuyến đường và các đơn vị có liên quan kịp thời nắm bắt được tình hình ngập lụt, có giải pháp xử lý kịp thời. Đồng thời UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa chủ động phối hợp với đơn vị chủ trì và liên quan cùng xử lý đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương.
2. Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Khu Quản lý đường bộ, đường thủy Đồng Nai, các đơn vị trực thuộc triển khai nhanh các biện pháp xử lý đồng thời thông báo đến các đơn vị liên quan cùng phối hợp xử lý.
3. Khu Quản lý đường bộ, đường thủy Đồng Nai có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý tình hình ngập lụt xảy ra. Kịp thời khảo sát thực tế, xem xét và xử lý theo từng trường hợp cụ thể ngập lụt xảy ra trên tuyến đường.
4. Công an tỉnh, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải phối hợp với đơn vị chủ trì và các đơn vị liên quan đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông trên tuyến.
Điều 6. Đối với các tuyến đường do địa phương quản lý
1. UBND các xã, phường, thị trấn chủ động theo dõi để phát hiện kịp thời tình hình ngập lụt trên các tuyến đường, thông báo đến phòng Công thương, Phòng Quản lý đô thị, Công an huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa để đơn vị quản lý trực tiếp tuyến đường và các đơn vị liên quan có giải pháp kịp thời. Đồng thời UBND xã, phường, thị trấn chủ động phối hợp với đơn vị chủ trì, các đơn vị liên quan xử lý đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương. Trường hợp xảy ra ngập lụt quá lớn, khó kiểm soát và vượt quá thẩm quyền quy định, UBND huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa có thông báo kịp thời đến Sở Giao thông Vận tải để được phối hợp xử lý.
2. UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa chỉ đạo cơ quan quản lý chuyên môn, phối hợp cùng đơn vị quản lý tuyến đường bộ và các phường, xã liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp xử lý.
3. Công an các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, các đội thanh tra giao thông phối hợp với đơn vị chủ trì và các đơn vị liên quan đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông trên tuyến.
Điều 7. Phương án đối phó chung khi có mưa bão gây ngập lụt trên các tuyến đường
1. Khi có bão, mưa, lũ... gây ngập lụt tuyến đường, triển khai ngay các phương án đã xây dựng. Chỉ đạo việc tổ chức trực ban, bố trí lãnh đạo chủ chốt thường trực khi thấy xuất hiện có mưa lớn để xử lý các tình huống xảy ra.
2. Phân công cán bộ xuống ngay các cơ sở để chỉ đạo, triển khai phương án đối phó. Nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra mưa lũ, lũ quét cho đến khi thấy hiện tượng nước rút cán bộ mới trở về cơ quan.
3. Chỉ đạo, hướng dẫn, nhắc nhở nhân dân sống trong vùng bị ảnh hưởng, củng cố nhà cửa, kê gác lương thực, dự trữ lương thực, dầu thắp sáng tối thiểu trong 10 ngày, đề phòng bị chia cắt do tắc đường. Phát huy tinh thần cộng đồng, tự quản trong thiên tai, hoạn nạn.
4. Nhắc nhở nhân dân tuyệt đối không chủ quan trong thời gian có mưa lũ, nhất là các trường học. Cấm người, phương tiện qua lại ở những đoạn đường bị ngập và những nơi có dòng chảy xiết, các bến đò ngang, đò dọc. Nghiêm cấm các hoạt động trên sông suối trong thời gian mưa lũ lớn.
5. Đài Phát thanh Truyền hình huyện tổ chức thu phát lại các chương trình của Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, cập nhật, tổng hợp tình hình thời tiết, mưa bão và chỉ đạo của UBND huyện về khắc phục hậu quả mưa lũ.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm triển khai và theo dõi thực hiện Quy chế này, đồng thời tổng hợp những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung báo cáo Sở Giao thông Vận tải trình UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.