BỘ GIÁO DỤC VÀ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 45/2006/QĐ-BGDĐT | Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH TIẾNG MÔNG DÙNG ĐỂ ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN DẠY TIẾNG MÔNG CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CÔNG TÁC Ở VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ giáo dục và đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật giáo dục;
Căn cứ Chỉ thị số 38/2004/CT-TTG ngày 09 tháng 11 năm 2004 của thủ tướng chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình tiếng Mông dùng để đào tạo giáo viên dạy tiếng Mông cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Chương trình tiếng Mông kèm theo Quyết định này là cơ sở để biên soạn giáo trình, tài liệu tiếng Mông dùng để đào tạo giáo viên dạy tiếng Mông cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG |
CHƯƠNG TRÌNH
TIẾNG MÔNG DÙNG ĐỂ ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN DẠY TIẾNG MÔNG CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CÔNG TÁC Ở VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 45/2006/QĐ-BGDĐT ngày 23 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH TIẾNG MÔNG DÙNG ĐỂ ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN DẠY TIẾNG MÔNG CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CÔNG TÁC Ở VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (sau đây gọi tắt là Chương trình)
Mục tiêu của Chương trình là đào tạo giáo viên dạy tiếng Mông cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi (sau đây gọi là học viên) đạt các yêu cầu cơ bản sau:
1. Có kiến thức cơ bản, mở rộng và nâng cao về tiếng Mông thuộc một số lĩnh vực: ngữ âm (đặc biệt về cách phát âm các phụ âm đầu, vần, thanh điệu), từ vựng, ngữ pháp, hoạt động giao tiếp; có hiểu biết về đời sống, văn hoá, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Mông.
2. Có kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết, đặc biệt là kỹ năng phát âm đúng để có thể giao tiếp thành thạo bằng tiếng Mông; có phương pháp dạy học tiếng Mông cho đối tượng là cán bộ, công chức công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông.
3. Có tinh thần bảo tồn và phát huy tiếng nói, văn hoá, phong tục, tập quán của dân tộc Mông; Có ý thức thực hiện chủ trương đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi.
II. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Phù hợp với đối tượng
Đối tượng học viên là những người có trình độ Trung học cơ sở trở lên, biết tiếng Mông, có nhu cầu hoặc được phân công đào tạo, bồi dưỡng về tiếng Mông và nghiệp vụ sư phạm theo chương trình ngắn hạn để trở thành giáo viên dạy tiếng Mông cho cán bộ, công chức chưa biết tiếng Mông công tác ở vùng dân tộc Mông. Xuất phát từ đặc điểm người học, Chương trình này thiết kế nội dung bám sát các chủ đề của đời sống xã hội thuộc những lĩnh vực công tác của học viên, nhằm làm cho nội dung học tập gắn với kinh nghiệm của học viên để tạo ra sự hứng thú trong việc học tập tiếng Mông.
Để phù hợp với đối tượng của Chương trình, nội dung Chương trình được biên soạn tinh giản, thiết thực, có tính thực hành cao, giúp học viên nhanh chóng đạt được mục tiêu đã đề ra khi kết thúc khoá đào tạo.
Để đáp ứng mục tiêu và yêu cầu, Chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng Mông được xây dựng theo cấu trúc đồng dạng nhưng nâng cao hơn so với Chương trình dạy tiếng Mông cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi, có bổ sung thêm khối kiến thức và kỹ năng sư phạm.
2. Giao tiếp
Để hình thành và phát triển các kỹ năng sử dụng tiếng Mông theo mục tiêu, Chương trình này cần được xây dựng theo quan điểm giao tiếp. Quan điểm này, chú ý rèn luyện và phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Việc dạy đọc và viết, dạy nghe và nói đều được coi trọng nhằm giúp cho học viên có năng lực giao tiếp trên cả kênh chữ và kênh lời. Kênh chữ sẽ giúp cho kênh lời phát triển vững chắc.
Chương trình thực hiện rèn luyện và phát triển các kỹ năng trên cơ sở các mẫu câu cơ bản, vốn từ thông dụng, các hoàn cảnh và chủ đề giao tiếp phổ biến. Chương trình chú trọng kết hợp chặt chẽ việc học trên lớp với thực hành giao tiếp trong công tác và đời sống hàng ngày.
3. Tích hợp
Để đạt được mục tiêu, Chương trình tích hợp dạy học các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; tích hợp dạy học kiến thức về tiếng Mông với bốn kỹ năng trên; tích hợp dạy học kiến thức và kỹ năng tiếng Mông với kiến thức về văn hoá Mông; kết hợp chặt chẽ việc trang bị kiến thức sư phạm về dạy tiếng Mông như ngôn ngữ thứ hai cho người lớn với hình thành và rèn luyện kỹ năng thực hành sư phạm. Quan điểm tích hợp của Chương trình được cụ thể hoá trong cấu trúc của từng bài học tích hợp: mỗi bài học có một bài khoá, trong bài khoá có một số yêu cầu rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; một số kiến thức về tiếng Mông, về văn hoá Mông, một số kiến thức phổ biến về khoa học, kinh tế, pháp luật, cung cấp cho học viên để họ có thể sử dụng tiếng Mông vào thực tiễn công tác của mình.
4. Tích cực
Chương trình chú trọng bồi dưỡng cho người học phương pháp tự học, tự đánh giá kết quả học tập. Học viên được học tập chủ động trong rèn luyện kỹ năng và tiếp cận kiến thức thông qua các hoạt động học tập tích cực như: sử dụng những kinh nghiệm, hiểu biết của mình vào việc học nghe, nói, đọc, viết; vận dụng những điều đã học được vào việc thực hiện nhiệm vụ công tác của mình ở địa phương. Học viên học các kiến thức về dạy tiếng Mông, đồng thời sẽ thực hành, vận dụng kiến thức đó vào việc soạn bài, dạy thử, hoàn thành một quá trình học tích cực. Học viên không chỉ được học dưới hình thức giáo viên dạy và đánh giá kết quả học tập mà còn được tổ chức tự học qua các hoạt động tham quan, thực hành tại địa phương và tự đánh giá kết quả học tập của cá nhân, kết quả học tập của các học viên khác.
1. Tổng thời lượng
Chương trình được thực hiện với thời lượng 750 tiết, mỗi tiết 45 phút.
2. Cấu trúc Chương trình và phân phối thời lượng
Chương trình gồm hai khối kiến thức và kỹ năng
a) Khối kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ, có thời lượng 630 tiết, bao gồm:
- 150 tiết học kiến thức về lịch sử, văn hoá của người Mông, phát âm và chữ viết tiếng Mông;
- 480 tiết học nghe, nói, đọc, viết tiếng Mông, các kiến thức về từ vựng, ngữ pháp, tập làm văn, hoạt động giao tiếp (học kiến thức tích hợp với học các kỹ năng).
b) Khối kiến thức và kỹ năng sư phạm có thời lượng 120 tiết, bao gồm:
- 50 tiết trang bị về phương pháp dạy học tiếng Mông cho người lớn như ngôn ngữ thứ hai;
- 70 tiết thực hành sư phạm.
1. Về kỹ năng
a) Kỹ năng ngôn ngữ
- Đọc rõ ràng, trôi chảy các giấy tờ thông dụng, đơn, thư, các tin ngắn, thông báo, các bài văn thuật việc, kể chuyện và miêu tả, các văn bản truyện, thơ dân gian có độ dài khoảng 250 đến 300 từ. Hiểu nội dung, ý chính và mục đích thông báo của văn bản. Hiểu ý nghĩa của một số thành ngữ, tục ngữ phổ biến thuộc các chủ đề được học. Có khả năng dịch văn bản đơn giản từ tiếng Mông sang tiếng Việt và ngược lại.
- Viết đoạn ngắn, bài ngắn có độ dài khoảng 150 từ thuộc các kiểu văn bản: tin tức, thông báo, thư trao đổi công việc, đơn, bài giới thiệu một vấn đề gần gũi, bài thuật việc, bài kể chuyện, bài miêu tả. Viết được (theo mẫu) một số giấy tờ thông dụng trong đời sống.
- Nghe hiểu thông tin trong các cuộc đàm thoại khoảng 200 từ; nghe – hiểu các bản tin phát thanh, các bài phát biểu, các bài phổ biến kiến thức khoa học, pháp luật khoảng 200 – 300 từ ghi lại được những thông tin quan trọng để hiểu rõ hoặc để đáp lại. Có khả năng dịch tóm tắt các văn bản đã nghe từ tiếng Mông sang tiếng Việt.
- Nói rõ ràng với phát âm và ngữ điệu tương đối sát phương ngữ Mông, câu nói đúng ngữ pháp và mục đích giao tiếp để có thể: trao đổi về một vấn đề gần gũi trong đời sống (phổ biến kiến thức, hướng dẫn công việc, vận động nhân dân làm theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước); trình bày rõ ý kiến của cá nhân về một vấn đề thuộc các lĩnh vực đời sống xã hội của vùng đồng bào dân tộc Mông, có độ dài khoảng 400 từ. b) Kỹ năng sư phạm
- Biết soạn giáo án dạy học phù hợp với đối tượng học viên.
- Có kỹ năng dạy học thể hiện được quan điểm tích hợp và tích cực hoá người học; biết tổ chức giờ học một cách hợp lý.
2. Về kiến thức
a) Kiến thức ngôn ngữ
- Biết cách phát âm đúng các phụ âm, vần, thanh điệu của tiếng Mông, đặc biệt là các phụ âm, thanh điệu không có trong tiếng Việt (các phụ âm tắc, phụ âm xát, phụ âm bật hơi, phụ âm tiền mũi, …). Biết viết các kí tự ghi phụ âm, vần, thanh điệu của tiếng Mông. Biết cách ghép phụ âm với vần, thanh điệu tiếng Mông thành từ.
- Có vốn khoảng 2000 từ thông dụng, cơ bản, từ văn hoá, thành ngữ, tục ngữ tiếng Mông thuộc các chủ đề được học.
- Biết được một số quy tắc cấu tạo từ trong tiếng Mông.
- Biết được các quy tắc đặt câu trần thuật đơn, câu hỏi, câu cầu khiến, câu cảm thán, câu ghép bằng tiếng Mông để đáp ứng yêu cầu giao tiếp xã hội và yêu cầu công tác.
- Biết cách viết một số văn bản thông thường bằng tiếng Mông (đơn, thư, bản tin, thông báo, bản chỉ dẫn).
- Có hiểu biết về phong tục, tập quán và văn hoá truyền thống; biết cách dùng những nghi thức lời nói phổ biến trong giao tiếp xã hội và biết cách ứng xử bằng ngôn ngữ phù hợp với văn hoá của dân tộc Mông.
b) Kiến thức sư phạm
- Biết các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tiếng Mông như ngôn ngữ thứ hai cho người lớn và cách vận dụng những phương pháp dạy học đó vào việc dạy học tiếng Mông cho cán bộ, công chức.
- Biết cách sử dụng có hiệu quả các tài liệu và thiết bị dạy học phục vụ cho việc dạy tiếng Mông.
- Biết phương pháp đánh giá kết quả học tiếng Mông của học viên.
1. Kiến thức ngôn ngữ
a) Phần học riêng (150 tiết)
- Khái quát về người Mông và tiếng Mông:
+ Tộc người Mông ở Việt Nam, quan hệ của người Mông với người thuộc các dân tộc khác ở Việt Nam;
+ Lịch sử tiếng Mông ở Việt Nam: nguồn gốc và quan hệ cội nguồn, quá trình phát triển ở Việt Nam. Tiếng Mông trong mối quan hệ với các ngôn ngữ khác ở miền Bắc Việt Nam như tiếng Thái, tiếng Tày, tiếng Nùng;
+ Chức năng xã hội của tiếng Mông ở Việt Nam: dùng để giao tiếp trong cộng đồng người Mông, để giao tiếp ở một số vùng có nhiều người Mông sinh sống;
+ Các ngành Mông và tiếng nói của các ngành Mông: 5 ngành Mông và 5 phương ngữ chính;
+ Các bộ chữ Mông hiện nay được biết ở Việt Nam: bộ chữ Mông được Chính phủ Việt Nam phê duyệt năm 1961 và chính thức dùng trong giao tiếp xã hội đến hiện nay, chữ Mông từ Mỹ, chữ Mông từ Trung Quốc nhập không chính thức vào Việt Nam gần đây.
- Một số đặc điểm riêng của tiếng Mông
+ Loại hình của tiếng Mông: đơn tiết, đơn lập, có thanh điệu
+ Một số điểm khác biệt của tiếng Mông so với tiếng Việt: hệ thống phụ âm đầu, vần, thanh điệu, ký tự ghi các âm, vần, thanh điệu; từ vay mượn trong tiếng Mông (từ vay mượn tiếng Hán cổ, từ vay mượn tiếng Việt), quan hệ từ; phương thức láy từ; cụm danh từ, cụm động từ và cụm tính từ: cấu trúc một số câu hỏi, câu cầu khiến.
- Ngữ âm và chữ viết Mông
+ Hệ thống phụ âm đầu, vần, thanh điệu (58 phụ âm, 24 vần, 8 thanh điệu) và hệ thống chữ viết ghi các phụ âm, vần, thanh điệu tiếng Mông, chú trọng các phụ âm, vần, thanh điệu tiếng Việt không có: luyện cách phát âm, viết chữ, tập chép câu, đoạn ngắn.
+ Cách ghép phụ âm, vần, thanh điệu thành từ: luyện ghép vần và đọc từ, câu ngắn, đoạn văn.
b) Phần học tích hợp với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết
- Ngữ âm và chữ viết
+ Đối chiếu phát âm phương ngữ Mông Lềnh với phát âm của các phương ngữ Mông khác (chủ yếu đối chiếu với phương ngữ Mông tại nơi có lớp học).
+ Quy tắc tạo âm tiết tiếng Mông.
+ Cách đọc từ láy, từ ghép.
+ Sự khác biệt của một số phương ngữ tiếng Mông.
+ Quy tắc viết hoa: tên người, tên địa lí, chữ cái ở đầu câu.
- Từ vựng
+ Vốn từ khoảng 2000 từ cơ bản, thường dùng thuộc các chủ đề học tập (bao gồm cả một số thành ngữ, từ vay mượn).
+ Đối chiếu từ vựng giữa các phương ngữ Mông.
+ Từ vay mượn và quy tắc vay mượn từ trong tiếng Mông.
+ Các phương thức cấu tạo từ: ghép và láy
- Ngữ pháp
+ Từ loại: danh từ, cụm danh từ và trật tự từ trong cụm danh từ; động từ, cụm động từ và các phụ từ chỉ thời gian, chỉ hướng hành động trong cụm động từ; tính từ và cụm tính từ, cách lặp tính từ để biểu đạt ý nghĩa mức độ của tính từ; một số quan hệ từ đặc biệt là các quan hệ từ nối vế trong câu ghép.
+ Câu: câu trần thuật đơn có vị ngữ là phần giới thiệu; câu trần thuật đơn có vị ngữ chỉ hành động, trạng thái, cảm xúc; câu trần thuật đơn có vị ngữ chỉ đặc điểm, tính chất; câu hỏi không lựa chọn và câu hỏi có lựa chọn về người, vật, hành động, trạng thái, đặc điểm, thời gian, địa điểm, mục đích, nguyên nhân; câu hỏi giả thiết. Chú trọng câu hỏi có lựa chọn (ví dụ: Anh đã ăn cơm rồi, ăn cơm chưa?); câu cầu khiến; câu cảm thán; câu khẳng định và câu phủ định; câu ghép.
+ Các dấu câu dùng trong những câu đã học: dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu phẩy, dấu hai chấm, dấu chấm lửng, dấu ngoặc đơn, dấu ngoặc kép, dấu gạch ngang.
- Tập làm văn
+ Cách tạo lập đoạn văn chỉ dẫn, thuyết minh, kể chuyện, thuật việc.
+ Cách viết một vài văn bản thông thường: đơn, thư trao đổi công việc, thông báo, tin ngắn; cách viết bài văn kể chuyện, thuật việc, bài văn miêu tả, bài văn thuyết minh.
- Hoạt động giao tiếp
+ Một số nghi thức lời nói: chào gặp mặt và chào tạm biệt; hỏi thăm, chia vui, chia buồn, chúc mừng; cầu khiến lịch sự, nghi thức nói khi điều khiển cuộc họp hoặc phát biểu trước nhiều người.
+ Một số điều kiêng kỵ khi giao tiếp về phương diện ngữ âm, từ vựng và cách biểu đạt ý nghĩ.
- Một số phong tục, tập quán của người Mông: giới thiệu làm quen, mời cơm, nhà có kiêng, thờ cúng tổ tiên, ma chay, cưới xin.
2. Kỹ năng ngôn ngữ
a) Nghe và nói
- Nghe phân biệt được các phụ âm, vần, thanh điệu của tiếng Mông đặc biệt là những phụ âm tắc/xát, phụ âm bật hơi/không bật hơi, phụ âm tiền mũi/không tiền mũi, những phụ âm và thanh điệu không có trong tiếng Việt.
- Nghe - hiểu những câu hỏi đơn giản về người, vật, việc; những câu kể chứa một hoặc hai thông báo đơn giản; những câu cầu khiến mang tính chỉ dẫn; những câu bộc lộ cảm xúc. Đặc biệt nghe - hiểu câu hỏi và câu cầu khiến có cấu trúc và ngữ điệu thể hiện đặc điểm riêng của tiếng Mông.
- Nghe - hiểu đoạn hoặc bài ngắn có nội dung: thông báo, phổ biến kiến thức hoặc chính sách, chỉ dẫn hành động, thuật việc, kể chuyện. Ghi lại một vài ý chính khi nghe.
- Phát âm các phụ âm, vần, thanh điệu tiếng Mông.
- Đặt câu hỏi và trả lời những câu hỏi đơn giản về người, vật, việc; về đặc điểm, tính chất; về thời gian, địa điểm, mục đích, nguyên nhân, cách thức, phương tiện, số lượng.
- Trình bày thông báo ngắn, lời chỉ dẫn, giải thích đơn giản bằng câu có cấu trúc đơn giản.
- Trình bày một vấn đề có nội dung thuộc các chủ điểm đã học bằng một số câu đơn giản.
- Kể mẩu chuyện đã biết, đã chứng kiến; thuật việc đơn giản đã biết, đã làm.
- Sử dụng một số nghi thức lời nói phổ biến trong giao tiếp phù hợp với phong tục và văn hoá Mông: chào gặp mặt và chào tạm biệt, hỏi thăm, chúc mừng, chia vui, chia buồn, cầu khiến lịch sự, thưa gửi khi nói trước nhiều người.
b) Đọc
- Đọc các ký tự ghi phụ âm, vần, thanh điệu tiếng Mông, các chữ ghi âm tiết, từ.
- Đọc câu trong văn bản có ngắt hơi ở dấu câu, có ngữ điệu đúng với kiểu câu.
- Đọc - hiểu ý chính của văn bản ngắn thuộc các loại: bản tin, thư công việc, văn bản phổ biến kiến thức, chính sách, một số truyện, một số bài thơ dân gian của dân tộc Mông.
c) Viết
- Tập chép: các ký tự ghi phụ âm, vần; từ, câu, đoạn văn, bài văn ngắn.
- Viết chính tả (nghe – viết): các ký tự ghi phụ âm đặc biệt là các phụ âm tiếng Việt không có, các phụ âm tắc, xát, bật hơi, tiền mũi; vần, từ, câu, đoạn hoặc bài ngắn.
- Viết: thông báo, tin ngắn, lời chỉ dẫn, thư trao đổi công việc; đơn (theo mẫu); đoạn văn thuật việc, kể chuyện đã biết hoặc đã chứng kiến.
- Viết bài văn kể chuyện, thuật việc, miêu tả.
3. Các chủ đề học tiếng Mông
a) Gia đình, dòng tộc
- Quan hệ và tình cảm gia đình, dòng tộc.
- Đồ dùng, vật dụng trong sinh hoạt, sản xuất.
- Thu nhập và chi tiêu trong gia đình.
- Hôn nhân.
- Sinh đẻ có kế hoạch.
b) Bản làng, quê hương
- Các mối quan hệ tình cảm ở bản làng, quê hương.
- Các tộc người Mông và địa bàn cư trú của các tộc người Mông.
- Quy định, quy ước của bản làng.
- Đổi mới bản làng, quê hương .
c) Thiên nhiên, môi trường
- Mùa, thời tiết, khí hậu.
- Núi, rừng, nương, suối, sông, biển.
- Chim rừng, thú rừng.
- Vật nuôi cây trồng.
- Bảo vệ tài nguyên, môi trường (theo tập tục và theo pháp luật). d) Đất nước Việt Nam và các nước láng giềng
- Tổ quốc Việt Nam.
- Người Mông và các dân tộc trên đất nước Việt Nam.
- Các nước láng giềng: Trung Quốc, Lào, Cămpuchia và một số nước ở khu vực Đông Nam á.
đ) Người Mông ơn Đảng, ơn Bác Hồ
- Cuộc sống của người Mông từ khi có đảng và Bác Hồ.
- Những mẩu chuyện về Bác Hồ.
- Các đảng viên ưu tú người Mông.
- Tình cảm của người Mông với Đảng và Bác Hồ.
e) Sản xuất, tăng thu nhập
- Chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng.
- Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.
- Kỹ thuật chế biến, bảo quản nông sản.
- Làm kinh tế gia đình.
- Các nghề truyền thống (trồng lanh, dệt thổ cẩm, ...).
- Những điển hình tiên tiến trong lao động.
g) Chăm sóc sức khoẻ
- Những tập quán có hại cho sức khoẻ.
- Cách phòng ngừa tai nạn, thương tích, cách phòng tránh một số bệnh.
- Vệ sinh ăn uống.
- Vệ sinh cá nhân, nhà ở, bản làng.
- Sử dụng an toàn các chất hóa học trong sinh hoạt, sản xuất.
- Các dược liệu truyền thống trong dân gian và điều trị bệnh bằng y học cổ truyền.
- Khám chữa bệnh tại trạm y tế, bệnh viện.
h) Giáo dục
- Người Mông xoá mù chữ và thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học.
- Người Mông học tập thường xuyên ở bản làng.
- Gương người Mông học tập tích cực (trẻ em, người lớn).
i) Bảo vệ Tổ quốc
- Truyền thống yêu nước và bảo vệ Tổ quốc của người Việt Nam.
- Thủ đoạn chia rẽ dân tộc và phá hoại hoà bình của những kẻ thù địch.
- Bảo vệ biên cương.
- Giữ gìn trật tự an ninh ở bản làng người Mông
- Những gương tốt người Mông bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an ninh bản làng, quê hương.
k) Văn hoá dân tộc
- Lịch sử dân tộc và truyền thống văn hoá Mông.
- Âm nhạc, văn học dân gian của người Mông.
- Trang phục của người Mông.
- Lễ hội và một số phong tục tập quán đẹp của người Mông.
- Xây dựng nếp sống văn hóa mới, gia đình văn hóa, bản làng văn hóa ở vùng người Mông.
- Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Mông.
l) Chính sách và pháp luật
- Chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc.
- Các quyền cơ bản và nghĩa vụ công dân.
- Một số vấn đề về pháp luật.
- Người Mông sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.
Những nội dung nêu ở mục 1, 2, và 3 được liên kết với nhau trong các cụm bài học tích hợp, mỗi cụm bài ứng với một chủ đề học tập. Tổng thời lượng cho các cụm bài học này là 480 tiết, thời lượng dành cho mỗi cụm bài dao động từ 25 đến 40 tiết. Dưới đây là một phương án liên kết chương trình đưa ra để các tác giả biên soạn tài liệu tiếng Mông dùng để đào tạo giáo viên dạy tiếng Mông cho cán bộ, công chức tham khảo.
Chủ đề học tập – Bài khoá | Kiến thức tiếng Mông và văn hoá Mông | Kĩ năng nghe, nói, đọc, viết |
1. Gia đình, dòng tộc - Quan hệ và tình cảm gia đình, dòng tộc. - Đồ dùng, vật dụng trong sinh hoạt, sản xuất. - Thu nhập và chi tiêu trong gia đình. - Hôn nhân. - Sinh đẻ có kế hoạch. | - Củng cố cách đọc một số phụ âm, thanh điệu tiếng Mông đã học: các phụ âm không có trong tiếng Việt, các phụ âm bật hơi, các phụ âm tiền mũi. - Từ ngữ về gia đình, dòng tộc; từ xưng hô; từ chỉ số đếm và sỗ thứ tự; từ chỉ thời gian. Một số thành ngữ, tục ngữ ca dao nói về chủ điểm gia đình. Từ đơn và ghép. - Câu trần thuật đơn có mô hình Ai – là ai? Ai - làm gì? Câu hỏi không lựa chọn về thời gian, công việc, số lượng, số thứ tự. Dấu chấm và dấu chấm hỏi. | - Hỏi và trả lời câu hỏi: về ngày, giờ và thời gian nói chung; về công việc làm; về số lượng, số thứ tự; về các thành viên và công việc của các thành viên trong gia đình (Khi nào thu hoạch ngô? Tháng này là tháng mấy? Nhà bạn có mấy người? Bao giờ anh đi chợ? Chồng chị đang làm gì? ...). - Nói lời giới thiệu về gia đình và công việc trong gia đình. - Luyện đọc từ ghép; luyện đọc bài khoá và trả lời câu hỏi về nội dung bài khoá. - Tập chép và viết chính tả nghe – viết một đoạn của bài khoá. |
2. Bản làng, quê hương - Quan hệ và tình cảm ở bản làng, quê hương. - Các tộc người Mông và địa bàn cư trú của các tộc người Mông. - Quy định, quy ước của bản làng. - Đổi mới bản làng, quê hương. | - Từ ngữ về bản làng và những chức danh trong bản làng, xã; từ ngữ về giao thông, các sinh hoạt ở bản làng; một số địa danh và từ chỉ các tộc người Mông ở Việt Nam. Một số thành ngữ, tục ngữ, ca dao nói về chủ điểm. Từ nghi vấn. Từ láy. - Danh từ, cụm danh từ và trật tự từ trong cụm danh từ. - Câu trần thuật đơn chỉ hành động, trạng thái, cảm xúc. Câu hỏi không lựa chọn về địa điểm, phương hướng, mục đích. Dấu gạch ngang. - Nghi thức giao tiếp và văn hoá ứng xử: cảm ơn, xin lỗi, hỏi thăm, chúc mừng, chia buồn. | - Nói và đáp lời cảm ơn, xin lỗi, hỏi thăm, chúc mừng, chia buồn. - Hỏi đáp về đường đi, địa điểm, phương hướng, mục đích, hành động, trạng thái, cảm xúc (Xin bác chỉ cho đường nào đi về bản ? Đi về bản lối này. Cảm ơn bác. Chúng ta giữ cây rừng để làm gì? Để tránh nước lũ...). - Nói lời giới thiệu về bản làng, xã. - Luyện đọc từ láy; luyện đọc bài khoá và trả lời câu hỏi về nội dung bài khoá; luyện tóm tắt bài khoá. - Tập chép và viết chính tả nghe – viết một đoạn của bài khoá. |
3. Thiên nhiên, môi trường - Mùa, thời tiết, khí hậu. - Núi, rừng, nương, suối, sông, biển. - Chim rừng, thú rừng. - Vật nuôi cây trồng. - Bảo vệ tài nguyên, môi trường (theo tập tục và theo pháp luật). | - Từ ngữ về mùa, các hiện tượng thời tiết ở vùng cao, cây trồng theo mùa của người Mông, chim, thú rừng có trong từng mùa, cảnh vật tự nhiên ở vùng cao. Một số thành ngữ, tục ngữ, ca dao nói về chủ điểm. Từ chỉ các đơn vị đo lường. Từ chỉ loại. - Động từ, cụm động từ và các từ chỉ hướng hành động, chỉ thời gian. - Câu hỏi lựa chọn và cách biểu đạt ý nghĩa lựa chọn trong câu hỏi. Câu cầu khiến và từ cầu khiến. Dấu chấm than. - Đoạn văn chỉ dẫn. - Một vài điều kiêng kị khi nói chuyện. | - Hỏi đáp những câu hỏi lựa chọn về hành động (Cháu đã đi học rồi / chưa? Bản ta có điện rồi / chưa?). - Nói và đáp lời cầu khiến trong các tình huống: yêu cầu, đề nghị, nhờ vả (Xin bác cho xem sổ khám bệnh! Xin chị nấu nước cho các cháu bé uống! Nhờ bà cho cán bộ nghỉ lại trong nhà để tránh lũ! ...). - Nói lời giới thiệu về: thời tiết và các mùa ở vùng cao, cảnh vật tự nhiên ở vùng cao, cây và con ở vùng cao, hoạt động bảo vệ môi trường ở vùng cao. - Luyện đọc bài khoá và trả lời câu hỏi về nội dung bài khoá; luyện tóm tắt bài khoá. - Tập chép và viết chính tả nghe – viết một đoạn của bài khoá. - Viết lời chỉ dẫn đơn giản. |
4. Đất nước Việt Nam và các nước láng giềng - Tổ quốc Việt Nam. - Người Mông và các dân tộc trên đất nước Việt Nam. - Các nước láng giềng: Trung Quốc, Lào, Căm- Pu-Chi-a và một số nước ở khu vực Đông Nam á. | - Từ ngữ về: lịch sử và địa lí Việt Nam, các dân tộc ở Việt Nam, tên một số nước trong khu vực Đông Nam á, các ngày lễ lớn ở Việt Nam và ở vùng người Mông. Một số thành ngữ, tục ngữ, ca dao nói về chủ điểm. - Tính từ và cách lặp tính từ để biểu đạt ý nghĩa mức độ của tính từ, cụm tính từ. - Câu trần thuật đơn có vị ngữ chỉ đặc điểm, tính chất. - Câu cảm thán và từ cảm thán. Củng cố các mẫu câu trần thuật, câu hỏi, câu cầu khiến đã học. Dấu chấm than. - Thư trao đổi công việc - Nghi thức nói chuyện trước nhiều người. | - Hỏi đáp về đất nước và con người Việt Nam, về các nước láng giềng. Hỏi đáp câu có mô hình Ai – thế nào? (Khu rừng này thế nào? Cháu bé thế nào?...). - Nói lời giới thiệu về đất nước Việt Nam, về người Mông ở Việt Nam. Trao đổi về tình đoàn kết của các dân tộc ở Việt Nam, về tình đoàn kết của nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước láng giềng. - Nói lời bộc lộ cảm xúc. - Luyện đọc bài khoá và trả lời câu hỏi về nội dung bài khoá; luyện tóm tắt bài khoá. - Tập chép và viết chính tả nghe – viết một đoạn của bài khoá. Viết tên địa lí Việt nam và tên địa lí nước ngoài. - Viết đoạn thuyết minh đơn giản về một vấn đề trong các chủ đề đã học. Viết thư trao đổi công việc. |
5. Người Mông ơn Đảng, ơn Bác Hồ - Cuộc sống của người Mông từ khi có Đảng và Bác Hồ. - Những mẩu chuyện về Bác Hồ. - Các đảng viên ưu tú người Mông. - Tình cảm của người Mông với Đảng và Bác Hồ. | - Từ ngữ về Đảng, Bác Hồ, tình cảm của người mông và nhân dân Việt Nam với Đảng và Bác. Một số thành ngữ, tục ngữ, ca dao nói về chủ điểm. - Từ địa phương và từ vay mượn trong tiếng Mông. - Câu để phủ định, từ chối, bác bỏ. Dấu chấm lửng. | - Hỏi đáp câu hỏi Vì sao? bằng gì? (Vì sao người Mông ơn Đảng, ơn Bác Hồ? Chúng ta về thủ đô bằng gì?...). Hỏi và đáp câu hỏi bằng lời phủ định, từ chối. - Nói về tình cảm của người Mông với Đảng và bác. Nói về công ơn của Đảng và bác Hồ đối với người Mông. - Nói lời từ chối , bác bỏ. - Luyện đọc bài khoá, trả lời câu hỏi để hiểu nội dung bài, tóm tắt bài. - Viết chính tả đoạn trích của bài khoá hoặc bài khoá ngắn. Viết đoạn văn thuyết minh nói về người Mông sống và làm việc theo chính sách của Đảng, lời dạy của Bác. |
6. Sản xuất, tăng thu nhập - Chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng. - Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. - Kỹ thuật chế biến, bảo quản nông sản. - Làm kinh tế gia đình. - Các nghề truyền thống (trồng lanh, dệt thổ cẩm, rèn, ...). - Những điển hình tiên tiến trong lao động. | - Từ ngữ về lao động sản xuất (vật nuôi, cây trồng, kỹ thuật canh tác, các nghề truyền thống...). Một số thành ngữ, tục ngữ, ca dao, truyện nói về chủ điểm. Từ ngữ về tiền tệ, giá cả. - Từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa và từ đồng âm. - Câu ghép; dấu phẩy; dấu hai chấm. | - Hỏi đáp về giá cả. - Nói lời chỉ dẫn về trồng trọt, chăn nuôi, làm nghề truyền thống, làm kinh tế gia đình, bảo quản nông sản. - Nói lời giới thiệu về những điển hình tiên tiến trong lao động ở địa phương - Luyện đọc bài khoá, tóm tắt bài khoá và trả lời câu hỏi về nội dung bài khoá. - Viết chính tả đoạn hoặc bài ngắn. Viết đoạn văn chỉ dẫn và đoạn văn thuyết minh (giới thiệu) về chủ điểm. |
7. Chăm sóc sức khoẻ - Những tập quán có hại cho sức khoẻ. - Cách phòng ngừa tai nạn, thương tích, cách phòng tránh một số bệnh. - Vệ sinh ăn uống - Vệ sinh cá nhân, nhà ở, bản làng. - Sử dụng an toàn các chất hóa học trong sinh hoạt, sản xuất. - Các dược liệu truyền thống trong dân gian và điều trị bệnh bằng y học cổ truyền. - Khám chữa bệnh tại trạm y tế, bệnh viện. | - Từ ngữ về sức khoẻ: bệnh tật, cách điều trị, cây thuốc dân gian, thuốc chữa bệnh, bệnh viện, trạm y tế, cách phòng ngừa và điều trị bệnh. Một số thành ngữ, tục ngữ, ca dao, truyện nói về chủ điểm. - Củng cố từ vay mượn, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ đồng âm. - Quan hệ từ. - Câu ghép nối vế bằng quan hệ từ. Dấu ngoặc đơn, dấu ngoặc kép. | - Hỏi đáp về bệnh tật và khám chữa bệnh. - Nói lời chỉ dẫn phòng và chữa bệnh, lời chỉ dẫn dùng thuốc, lời chỉ dẫn trồng cây thuốc dân gian. - Nói lời thuyết minh về chăm sóc sức khoẻ bằng cả câu đơn và câu ghép. - Luyện đọc bài khoá, trả lời câu hỏi để hiểu nội dung, tóm tắt bài khoá. - Viết chính tả trích đoạn hoặc toàn bài khoá ngắn. Viết đoạn chỉ dẫn, đoạn văn thuyết minh (giới thiệu, tuyên truyền) những nội dung thuộc chủ điểm. |
8. Giáo dục - Người Mông xoá mù chữ và thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học. - Người Mông học tập thường xuyên ở bản làng. - Gương người Mông học tập tích cực (trẻ em, người lớn). | - Từ ngữ về học tập, trường lớp, sách vở, văn bằng. Một số thành ngữ, tục ngữ, ca dao, truyện nói về chủ điểm. - Củng cố về danh từ và cụm danh từ. - Củng cố về câu trần thuật đơn có mô hình: Ai – là gì(ai)? Ai – làm gì? Ai – thế nào? - Văn bản: bản tin, thông báo. - Nghi thức giao tiếp với thầy cô giáo. | - Hỏi đáp về việc học tập ở địa phương. - Nói lời chào thầy cô giáo, lời xương hô, thưa gửi khi trao đổi với thầy cô giáo. - Nghe bản tin, báo cáo, câu chuyện thuộc chủ đề và nói lại một vài ý chính. - Luyện đọc, trả lời câu hỏi và tóm tắt bài khoá. - Viết chính tả trích đoạn hoặc bài khoá ngắn. Viết bản tin về giáo dục, thông báo về giáo dục, đoạn văn thuyết minh (giới thiệu, tuyên truyền) về giáo dục. |
9. Bảo vệ Tổ quốc - Truyền thống yêu nước và bảo vệ Tổ quốc của người Việt Nam. - Thủ đoạn chia rẽ dân tộc và phá hoại hoà bình của những kẻ thù địch. - Bảo vệ biên cương. - Giữ gìn trật tự an ninh ở bản làng người Mông - Những gương tốt người Mông bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an ninh bản làng, quê hương. | - Từ ngữ về bảo vệ Tổ quốc: truyền thống bảo vệ Tổ quốc, các lực lượng và những hoạt động bảo vệ Tổ quốc. Những thành ngữ, tục ngữ, ca dao, truyện nói về chủ đề. - Củng cố về động từ và cụm động từ. - Củng cố về câu hỏi và câu hỏi lựa chọn. - Văn bản: đơn, báo cáo. bài văn thuyết minh. | - Hỏi đáp về hoạt động bảo vệ Tổ quốc ở địa phương. - Luyện tập đặt câu hỏi lựa chọn. - Nghe kể chuyện về hoạt động bảo vệ Tổ quốc và kể lại những ý chính. Ghi tên một vài nhân vật trong câu chuyện đã nghe; Nghe bản tin, báo cáo, hợp với chủ đề và nói lại một vài ý chính. - Luyện đọc, trả lời câu hỏi và tóm tắt bài khoá. - Viết chính tả trích đoạn hoặc bài khoá ngắn. Viết bài văn thuyết minh (giới thiệu, tuyên truyền) về bảo vệ Tổ quốc. Viết đơn, báo cáo ngắn. |
10. Văn hoá dân tộc - Lịch sử dân tộc và truyền thống văn hoá Mông. - Âm nhạc, văn học dân gian của người Mông. - Trang phục của người Mông. - Lễ hội và một số phong tục tập quán đẹp của người Mông. - Xây dựng nếp sống văn hóa mới, gia đình văn hóa, bản làng văn hóa ở vùng người Mông. - Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Mông. | - Từ ngữ về văn hoá nghệ thuật (văn hoá nghệ thật chung và văn hoá nghệ thuật Mông). Một số thành ngữ, tục ngữ, ca dao, truyện nói về chủ đề. - Củng cố về tính từ và cụm tính từ. - Củng cố về câu cảm thán, câu cầu khiến. - Bài văn kể chuyện, thuật việc đơn giản. - Nghi thức mời, yêu cầu, đề nghị, nghi thức giao tiếp trong đám cưới, đám ma, lễ hội. | - Hỏi đáp về văn hoá dân tộc Mông (lễ hội, trang phục, nghệ thuật dân gian,...). Nói lời khen, chê. - Nói lời giới thiệu về một số lễ hội, trang phục, món ăn dân tộc của người Mông. Nói lời chỉ dẫn về bài trừ những hủ tục lạc hậu ở địa phương. - Nghe và kể lại một số ý chính trong câu chuyện đã nghe có nội dung hợp với chủ đề. - Luyện đọc, trả lời câu hỏi và tóm tắt bài khoá. - Viết chính tả trích đoạn hoặc bài khoá ngắn. Viết bài văn thuyết minh (giới thiệu, tuyên truyền) về bảo tồn và phát huy văn hoá Mông. Viết đoạn văn kể chuyện, thuật việc đơn giản. |
11. Chính sách và pháp luật - Chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc. - Các quyền cơ bản và nghĩa vụ công dân. - Một số vấn đề về pháp luật. - Người Mông sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. | - Từ ngữ về chính sách và pháp luật. Một số thành ngữ, tục ngữ, câu chuyện hợp với chủ điểm. - Củng cố về số từ, loại từ và quan hệ từ. - Củng cố câu phủ định, từ chối, bác bỏ - Củng cố các nghi thức nói: nói khi phát biểu ý kiến trước nhiều người, nói với người già, với thầy cô giáo. | - Hỏi đáp về một số chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước với đồng bào dân tộc (chính sách 135, cho vay vốn, xoá đói giảm nghèo). Hỏi đáp về một số luật cơ bản. - Nghe kể chuyện và kể lại nội dung chính của những câu chuyện đã nghe hợp với chủ đề. - Nói lời giới thiệu một số chính sách và pháp luật liên quan đến đời sống của người Mông. Nói lời chỉ dẫn bà con thực hiện một số chính sách và pháp luật - Luyện đọc, trả lời câu hỏi và tóm tắt bài khoá. - Viết chính tả trích đoạn hoặc bài khoá ngắn. Viết bài văn thuyết minh (giới thiệu, tuyên truyền) về chính sách và pháp luật, viết đoạn văn chỉ dẫn thực hiện một số chính sách, pháp luật. |
4. Kiến thức sư phạm
a) Chương trình và đối tượng học viên
- Đặc điểm của học viên người lớn đang công tác ở vùng dân tộc trong việc học tiếng dân tộc; những thuận lợi và khó khăn của người học.
- Giới thiệu Chương trình dạy tiếng Mông cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi; thực hành phân tích Chương trình.
- Giới thiệu tài liệu dạy tiếng Mông cho cán bộ công chức; thực hành phân tích tài liệu.
b) Phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học và cách thức đánh giá kết quả học tập
- Những hiểu biết chung về phương pháp dạy học và phương pháp dạy học mới nhằm tích cực hoá người học. Thực hành nhận biết phương pháp dạy học mới trong dạy tiếng dân tộc.
- Các phương pháp dạy học tiếng cho người lớn: phương pháp rèn luyện theo mẫu, phương pháp thực hành giao tiếp, phương pháp phân tích ngôn ngữ, phương pháp đặt và giải quyết vấn đề, phương pháp đóng vai. Thực hành soạn giáo án dạy học thể hiện các phương pháp đã học.
- Các phương pháp dạy học cụ thể vận dụng trong dạy tiếng dân tộc ở từng loại bài học: phương pháp dạy nghe nói, phương pháp dạy đọc, phương pháp dạy viết. Thực hành phân tích thực trạng về phương pháp dạy tiếng Mông ở địa phương; thực hành soạn bài, dạy thử từng loại bài luyện kỹ năng tiếng (luyện nghe nói, luyện đọc, luyện viết).
- Sử dụng các học liệu và các phương tiện dạy học khác để dạy tiếng Mông thuộc các chủ đề học tập: sử dụng băng cát sét, băng hình, tranh ảnh, môi trường xung quanh để dạy tiếng.Thực hành soạn bài, dạy thử có dùng các học liệu và các phương tiện dạy học.
- Các hình thức tổ chức dạy học tiếng dân tộc cho người lớn: học cá nhân, học nhóm, học theo lớp. Thực hành soạn bài, dạy thử có dùng các hình thức tổ chức dạy học đã nêu.
- Phương pháp đánh giá kết quả học tập của học viên: kiểm tra vấn đáp, kiểm tra viết bằng các câu hỏi trắc nghiệm khách quan và tự luận, đánh giá qua các bài thu hoạch từ thực tế học tập tà dạy thử ở địa phương.
5. Kỹ năng sư phạm
- Thực hành nhận biết phương pháp dạy học mới trong dạy tiếng Mông.
- Thực hành soạn giáo án dạy học thể hiện các phương pháp dạy học, các phương pháp sử dụng học liệu và các phương tiện dạy học đã học.
- Thực hành phân tích thực trạng dạy tiếng Mông ở địa phương; soạn bài, dạy thử từng loại bài luyện kỹ năng nghe nói, luyện kỹ năng đọc, luyện kỹ năng viết theo tài liệu cho học viên.
- Thực hành kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên.
VI. Giải thích, hướng dẫn thực hiện chương trình
1.Tính pháp lý của bộ chữ tiếng Mông và vấn đề phương ngữ
a) Tính pháp lý của bộ chữ tiếng Mông
Bộ chữ tiếng Mông dùng trong Chương trình này là bộ chữ được Chính phủ phê chuẩn tại văn bản số 206 – CP ngày 27 tháng 11 năm 1961.
b) Vấn đề phương ngữ
Tiếng Mông có 5 phương ngữ. Khi xây dựng chữ viết Mông, những người làm chữ đã lấy phương ngữ Mông Lềnh, ở vùng Sa Pa là phương ngữ tương đối phổ biến làm căn cứ để xây dựng hệ thống chữ viết ghi âm. Bộ chữ này thể hiện tương đối đủ hệ thống ngữ âm của các phương ngữ khác trong tiếng Mông.
Tuy nhiên, do phương ngữ được chọn chỉ là tương đối phổ biến nên khi biên soạn tài liệu dạy học cần có mục đối chiếu các phương ngữ sau từng bài hoặc có bảng từ ngữ đối chiếu ở cuối tài liệu. Bên cạnh đó cần trang bị cho học viên các tài liệu công cụ như Sổ tay từ ngữ các phương ngữ tiếng Mông, Từ điển so sánh Việt – Mông, Mông - Việt để học viên tham khảo.
2. Cấu trúc nội dung của Chương trình
a) Khối kiến thức và kỹ năng tiếng Mông
- Giới thiệu một số hiểu biết khái quát về người Mông, tiếng nói và chữ viết Mông; dạy phát âm, viết chữ, ghép vần để phát âm được, đọc được tiếng Mông.
- Nội dung Chương trình được xây dựng đồng dạng với nội dung của Chương trình dạy tiếng Mông cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi, nhưng có mở rộng và nâng cao hơn. Tích hợp dạy kiến thức, kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Mông trong các bài học tích hợp. Mỗi cụm bài học tích hợp ứng với một chủ đề học tập. Trong mỗi chủ đề học tập, học viên được luyện cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, được học cả những kiến thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, tập làm văn, văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.
b) Khối kiến thức và kỹ năng sư phạm
Cung cấp kiến thức dạy tiếng dân tộc như một ngôn ngữ thứ hai cho người lớn; các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học chủ yếu; phương pháp sử dụng các học liệu và thiết bị dạy học; phương pháp đánh giá kết quả học tập của học viên và hệ thống kiến thức, kỹ năng sư phạm dạy tiếng Mông cho cán bộ, công chức (thông qua hoạt động thực hành soạn bài, dạy thử).
Sự phân chia các phần nội dung chỉ là sự phân chia tương đối để thuận tiện cho việc đánh giá kết quả học tập. Khi biên soạn tài liệu học tập, người biên soạn phải thể hiện sự tích hợp giữa nội dung kiến thức và kỹ năng về tiếng Mông trong phần 2 để người học trong lúc học nghe, nói, đọc, viết được nhận biết, củng cố các kiến thức về tiếng Mông và trong lúc học các kiến thức về tiếng Mông, có cơ hội sử dụng những kiến thức đó vào việc nghe, nói, đọc, viết. Như vậy trong các phần luyện nghe nói, luyện đọc, luyện viết có nội dung cung cấp tóm tắt các kiến thức về tiếng Mông để học viên sử dụng kiến thức tiếng vào thực hành các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, làm vững chắc các kỹ năng.
3. Tài liệu dạy học tiếng Mông
a) Ngữ liệu đưa vào tài liệu dạy học là các bài hội thoại, các bản tin, văn bản phổ biến kiến thức khoa học và đời sống, mẩu chuyện lịch sử, truyện dân gian, truyện vui, ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố nguyên bản tiếng Mông hoặc được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Mông. Ngôn ngữ trong các ngữ liệu cần giản dị, dễ hiểu, chuẩn mực, thể hiện các kiến thức về tiếng Mông đã nêu trong Chương trình.
b) Chương trình này là cơ sở để biên soạn giáo trình, tài liệu; thiết kế các thiết bị dạy học tiếng Mông phục vụ cho việc đào tạo giáo viên dạy tiếng Mông. Giáo trình, tài liệu và thiết bị dạy học cần được biên soạn và thiết kế phù hợp với phương thức đào tạo, phù hợp với đặc điểm của học viên.
4. Phương pháp và hình thức tổ chức dạy học
Để việc dạy tiếng Mông theo Chương trình này có hiệu quả, cần vận dụng các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của người học, tập trung vận dụng những phương pháp đặc trưng của môn học như thực hành giao tiếp, đóng vai, rèn luyện theo mẫu, phân tích ngôn ngữ, thảo luận, đặt và giải quyết vấn đề. Cần phối hợp các phương pháp nói trên một cách linh hoạt trong một bài học để phát huy được hết khả năng lĩnh hội của người học và tạo cho người học sự hứng thú cao trong học tập.
Để phát huy tính tích cực của học viên, cần thay đổi hình thức tổ chức dạy học trong một bài dạy. Cần phối hợp ba hình thức tổ chức dạy học (học cá nhân, học theo nhóm nhỏ, học theo lớp, tự học có hướng dẫn) trong một bài học, hay một cụm bài học. Hình thức học cá nhân được áp dụng trong các trường hợp giáo viên giao những nhiệm vụ phát hiện các đơn vị kiến thức nhỏ, rèn luyện các bộ phận kỹ năng của từng cá thể mà không đòi hỏi một sự hợp tác nào (ví dụ: phát âm đúng các âm, các từ, trả lời các câu hỏi nhỏ trong bài đọc, trình bày hiểu biết và kinh nghiệm của cá nhân về một vấn đề nêu trong bài học). Hình thức học theo nhóm nhỏ được áp dụng trong các trường hợp nhiệm vụ giáo viên giao cho người học đòi hỏi người học phải hợp tác với các học viên khác mới thực hiện được (ví dụ: học các bài hội thoại, học qua đóng vai, học qua thảo luận, trao đổi để soạn giáo án và dạy thử). Hình thức học theo lớp được áp dụng chủ yếu trong các trường hợp học viên nghe giáo viên giải thích, hướng dẫn, làm mẫu. Ngoài ra tuỳ theo điều kiện dạy học cụ thể, người dạy cần phối hợp tổ chức dạy học trong lớp với tổ chức tự học có hướng dẫn tại địa phương nơi học viên (cán bộ, công chức) công tác.
5. Đánh giá kết quả học tập
Mục đích của việc đánh giá kết quả học tập là để xác nhận kết quả học tập của học viên giúp cho học viên nhận biết được trình độ học tập của mình để tiếp tục nỗ lực hơn trong học tập; mặt khác việc đánh giá còn giúp cho giáo viên có những thông tin phản hồi về quá trình dạy học để giáo viên điều chỉnh nội dung và phương pháp dạy học trong từng bài sao cho chất lượng bài dạy đáp ứng mục tiêu tốt hơn.
a) Phương thức đánh giá
Việc đánh giá kết quả học tập của học viên được thực hiện theo các phương thức:
- Đánh giá thường xuyên (trong mỗi giờ lên lớp);
- Đánh giá định kỳ (cuối mỗi bài, cụm bài);
- Đánh giá cuối khóa. b) Nguyên tắc đánh giá
- Toàn diện: các nội dung học tập nêu trong Chương trình đều phải được đánh giá. Nội dung nào chiếm thời lượng học tập nhiều thì được thể hiện trong bài kiểm tra với số lượng câu hỏi và bài tập nhiều hơn những nội dung có thời lượng ít.
- Khách quan: sử dụng nhiều hình thức đánh giá và công cụ đánh giá để đảm bảo tính khách quan của công việc đánh giá. Cần sử dụng cả hình thức đánh giá vấn đáp và đánh giá bằng bài kiểm tra viết; sử dụng phối hợp cả câu hỏi trắc nghiệm khách quan, câu hỏi tự luận trong các bài kiểm tra viết, sử dụng cả hình thức viết báo cáo thu hoạch sau đợt thực tế hoặc sau đợt thực hành để đánh giá kết quả học tập.
c) Cách kiểm tra, đánh giá
Cách kiểm tra đánh giá cần đa dạng và phù hợp với từng kỹ năng. Tùy thuộc vào từng kỹ năng, có thể sử dụng phối hợp các loại công cụ sau đây: đánh giá bằng câu hỏi trắc nghiệm khách quan, câu hỏi tự luận; đánh giá bằng vấn đáp, đánh giá bằng bài viết, cụ thể như sau:
- Các kỹ năng đọc thành tiếng, viết chữ, viết chính tả được đánh giá qua hoạt động thực hành của từng học viên;
- Các kỹ năng đọc - hiểu, dùng từ, đặt câu được đánh giá bằng những câu hỏi trắc nghiệm khách quan và câu hỏi mở;
- Các kỹ năng nghe và nói được đánh giá bằng câu hỏi trắc nghiệm khách quan, câu hỏi mở, bằng hình thức vấn đáp;
- Các kỹ năng viết đoạn văn, bài văn được đánh giá bằng bài kiểm tra viết (tự luận);
- Các kỹ năng dạy học cần được đánh giá bằng bài kiểm tra viết, báo cáo thu hoạch của học viên sau đợt đi thực tế hoặc thực tập sư phạm, bằng quan sát của giáo viên trên các loại sản phẩm của học viên là giáo án và giờ dạy (đọc giáo án, dự giờ).
d) Cấp chứng chỉ
Việc xét cấp chứng chỉ cho học viên cần dựa trên kết quả quá trình học tập và kỳ thi cuối khóa.
6. Một số hình thức đào tạo
a) Đào tạo tập trung liên tục từ đầu đến cuối khóa học. Kết thúc khoá, học viên dự thi và được xét cấp chứng chỉ.
b) Đào tạo tập trung thành nhiều đợt, mỗi đợt học viên học một số học phần và dự kiểm tra sau học phần. Kết thúc khoá, học viên dự thi cuối khoá để được xét cấp chứng chỉ.
c) Kết hợp đào tạo với tự đào tạo. Những học viên đã biết tiếng Mông ở mức có thể giao tiếp thông thường thì có thể tự học theo tài liệu dưới sự hướng dẫn của giáo viên rồi dự kiểm tra học phần. Nếu đạt kết quả sẽ được dự thi cuối khoá để được xét cấp chứng chỉ.
7. Điều kiện thực hiện Chương trình
a) Có đủ giảng viên.
b) Có đủ cơ sở vật chất tối thiểu cho việc đào tạo: phòng học, thiết bị dạy học (cát sét và băng ghi âm, ti vi , đầu đĩa và đĩa hình).
c) Có đủ tài liệu học tập cho học viên, gồm cả Tài liệu học tiếng Mông cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc Mông và sách HƯớng dẫn dạy học cho giáo viên.
d) Có các loại sách bổ trợ cho học viên như: Từ điển Việt – Mông, Từ điển Mông – Việt, Sổ tay từ ngữ, ngữ pháp tiếng Mông; các tác phẩm văn học; các sách khảo cứu về ngôn ngữ và văn hoá Mông; các sách khoa học, pháp luật có liên quan tới nội dung của Chương trình.
Chương trình này khuyến khích học viên vận dụng những hiểu biết của mình vào quá trình học tập. Nội dung dạy các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Mông chính là những vấn đề mà học viên thường gặp trong công việc, vì thế học viên có thể nêu cách giải quyết vấn đề đó bằng tiếng Mông. Các kiến thức về tiếng Mông cần được thực hành, vận dụng vào việc soạn bài, dạy thử nhằm kết hợp chặt chẽ giữa học lý thuyết và thực hành sư phạm.
Những kiến thức và kỹ năng trong Chương trình đều hướng tới sự chuẩn bị tích cực cho học viên để họ có thể đảm nhận được công việc của một giáo viên dạy tiếng Mông cho cán bộ, công chức sau khi học xong Chương trình.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.