THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 445/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 07 tháng 04 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐÔ THỊ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2025 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng;
Xét đề nghị của Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chính sau đây:
1. Quan điểm
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam phục vụ mục tiêu xây dựng thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Việc hình thành và phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 phải bảo đảm:
- Phù hợp với sự phân bố và trình độ phát triển lực lượng sản xuất, với yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam;
- Phát triển và phân bố hợp lý trên địa bàn cả nước, tạo ra sự phát triển cân đối giữa các vùng. Coi trọng mối liên kết đô thị - nông thôn, bảo đảm chiến lược an ninh lương thực quốc gia; nâng cao chất lượng đô thị, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phù hợp từng giai đoạn phát triển chung của đất nước;
- Phát triển ổn định, bền vững, trên cơ sở tổ chức không gian phù hợp, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng; bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái;
- Xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật với cấp độ thích hợp hoặc hiện đại, theo yêu cầu khai thác, sử dụng và chiến lược phát triển của mỗi đô thị;
- Kết hợp chặt chẽ với việc bảo đảm an ninh, quốc phòng và an toàn xã hội; đối với các đô thị ven biển, hải đảo và dọc hàng lang biên giới phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ và giữ vững chủ quyền quốc gia.
2. Mục tiêu
Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế, góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ tổ quốc.
3. Các chỉ tiêu phát triển đô thị
a) Mức tăng trưởng dân số đô thị:
Năm 2015, dự báo dân số đô thị cả nước khoảng 35 triệu người, chiếm 38% dân số đô thị cả nước; năm 2020, dân số đô thị khoảng 44 triệu người, chiếm 45% dân số đô thị cả nước; năm 2025, dân số đô thị khoảng 52 triệu người, chiếm 50% dân số đô thị cả nước.
b) Phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị:
- Năm 2015, tổng số đô thị cả nước đạt khoảng trên 870 đô thị, trong đó, đô thị đặc biệt là 02 đô thị; loại I là 9 đô thị, loại II là 23 đô thị, loại III là 65 đô thị, loại IV là 79 đô thị và loại V là 687 đô thị.
- Năm 2025, tổng số đô thị cả nước khoảng 1000 đô thị, trong đó, đô thị từ loại I đến đặc biệt là 17 đô thị, đô thị loại II là 20 đô thị; đô thị loại III là 81 đô thị; đô thị loại IV là 122 đô thị, còn lại là các đô thị loại V.
c) Nhu cầu sử dụng đất xây dựng đô thị:
Năm 2015, nhu cầu đất xây dựng đô thị khoảng 335.000 ha, chiếm 1,06% diện tích tự nhiên cả nước, chỉ tiêu trung bình 95 m2/người; năm 2020, nhu cầu đất xây dựng đô thị khoảng 400.000 ha, chiếm 1,3% diện tích tự nhiên cả nước, trung bình 90 m2/người; năm 2025, nhu cầu đất xây dựng đô thị khoảng 450.000 ha, chiếm 1,4% diện tích tự nhiên cả nước, trung bình 85 m2/người.
d) Hạ tầng kỹ thuật đô thị:
- Tại các đô thị lớn, cực lớn (đô thị đặc biệt, đô thị loại I và II) có tỷ lệ đất giao thông chiếm từ 20 – 26% đất xây dựng đô thị, các đô thị trung bình và nhỏ (đô thị loại III trở lên) chiếm từ 15 – 20% đất xây dựng đô thị; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng ở các đô thị lớn đạt trên 35% vào năm 2015 và trên 50% vào năm 2025.
- Năm 2015 đạt trên 80%, năm 2025 trên 90% dân số đô thị được cấp nước sạch; 100% các đô thị được cấp điện sinh hoạt vào năm 2015; trên 80% các tuyến phố chính đô thị được chiếu sáng và trên 50% được chiếu sáng cảnh quan vào năm 2025; bảo đảm nước thải và chất thải rắn đô thị được thu gom và xử lý triệt để đạt tiêu chuẩn theo quy định.
- Cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông phát triển mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị và hội nhập kinh tế quốc tế; năm 2015 đạt trên 80% và năm 2025 đạt 100% chính quyền các đô thị từ loại III trở lên áp dụng chính quyền đô thị điện tử, công dân đô thị điện tử.
- Các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật khác phải bảo đảm theo quy chuẩn xây dựng và các quy định pháp luật của Việt Nam.
đ) Phát triển nhà ở đô thị:
- Năm 2015, bình quân đạt trên 15 m2/người;
- Năm 2025, đạt bình quân 20 m2/người.
4. Định hướng phát triển hệ thống đô thị quốc gia
a) Định hướng phát triển chung:
Hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 phát triển theo từng giai đoạn bảo đảm sự kế thừa các ưu điểm của định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998, phù hợp với các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ và hội nhập kinh tế quốc tế.
Định hướng phát triển chung không gian đô thị cả nước theo hướng bảo đảm phát triển hợp lý các vùng đô thị hóa cơ bản giữa 6 vùng kinh tế - xã hội quốc gia, giữa miền Bắc, miền Trung và miền Nam; giữa phía Đông và phía Tây; gắn với việc phát triển các cực tăng trưởng chủ đạo và thứ cấp quốc gia, đồng thời bảo đảm phát triển theo mạng lưới, có sự liên kết tầng bậc theo cấp, loại đô thị.
Từ nay đến 2015 ưu tiên phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng đô thị lớn và các khu kinh tế tổng hợp đóng vai trò là cực tăng trưởng chủ đạo cấp quốc gia; từ năm 2015 đến 2025 ưu tiên phát triển các vùng đô thị hóa cơ bản, giảm thiểu sự phát triển phân tán, cục bộ; giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2050 chuyển dần sang phát triển theo mạng lưới đô thị.
b) Định hướng tổ chức không gian hệ thống đô thị cả nước:
- Mạng lưới đô thị
Mạng lưới đô thị quốc gia được phân theo các cấp, bao gồm: các đô thị trung tâm cấp quốc gia; các đô thị trung tâm cấp vùng liên tỉnh; các đô thị trung tâm cấp tỉnh; các đô thị trung tâm cấp huyện; các đô thị trung tâm cụm các khu dân cư nông thôn (gọi tắt là đô thị trung tâm cấp khu vực) và các đô thị mới.
Mạng lưới đô thị cả nước được hình thành và phát triển trên cơ sở các đô thị trung tâm, gồm thành phố trung tâm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế như: Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, và Huế; thành phố trung tâm cấp vùng như: Hạ Long, Việt Trì, Thái Nguyên, Hòa Bình, Nam Định, Vinh, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Biên Hòa, Vũng Tàu và Cần Thơ; các thành phố, thị xã trung tâm cấp tỉnh, bao gồm 5 thành phố trung tâm quốc gia, khu vực và quốc tế, 12 đô thị là trung tâm cấp vùng đã kể trên và các thành phố, thị xã tỉnh lỵ khác; các đô thị trung tâm cấp huyện, bao gồm các thị trấn huyện lỵ và các thị xã là vùng trung tâm chuyên ngành của tỉnh và các đô thị trung tâm cấp tiểu vùng, bao gồm các thị trấn là trung tâm các cụm khu dân cư nông thôn hoặc là các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng trong các vùng ảnh hưởng của đô thị lớn, cực lớn.
- Các đô thị trung tâm các cấp được phân bố hợp lý trên cơ sở 6 vùng kinh tế xã hội quốc gia là:
+ Vùng trung du và miền núi phía Bắc, gồm 14 tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hòa Bình và Phú Thọ; trong đó được phân thành các tiểu vùng nhỏ hơn, bao gồm: vùng núi Đông Bắc Bộ; vùng núi Bắc Bắc Bộ và vùng núi Tây Bắc Bộ.
+ Vùng đồng bằng Sông Hồng, gồm 11 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, thành phố Hà Nội, Hải Dương, thành phố Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình;
+ Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, gồm 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận; trong đó được phân thành các tiểu vùng nhỏ hơn, bao gồm: vùng Bắc Trung Bộ, vùng Trung Trung Bộ và vùng Nam Trung Bộ;
+ Vùng Tây Nguyên, gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng;
+ Vùng Đông Nam Bộ, gồm 6 tỉnh, thành phố: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh;
+ Vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm 12 tỉnh, thành phố: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, thành phố Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
c) Các đô thị lớn, cực lớn
Các đô thị lớn, đô thị cực lớn như Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ …được tổ chức phát triển theo mô hình chùm đô thị, đô thị đối trọng hoặc đô thị vệ tinh có vành đai bảo vệ để hạn chế tối đa sự tập trung dân số, cơ sở kinh tế và phá vỡ cân bằng sinh thái. Vùng Thủ đô Hà Nội, vùng thành phố Hồ Chí Minh là các vùng đô thị lớn, trong đó Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là các đô thị trung tâm.
d) Các chuỗi và chùm đô thị
Tùy thuộc vào đặc điểm của điều kiện tự nhiên, các mối quan hệ và nguồn lực phát triển, các chuỗi và chùm đô thị được bố trí hợp lý tại các vùng đô thị hóa cơ bản; dọc hành lang biên giới, ven biển, hải đảo và trên các tuyến hành lang Đông – Tây, tạo mối liên kết hợp lý trong mỗi vùng và trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh quốc phòng.
5. Định hướng tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị quốc gia.
a) Tổ chức không gian hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên phạm vi vùng hoặc liên vùng theo từng giai đoạn phù hợp với tiềm năng và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng, bảo đảm mối liên kết giữa các vùng trong nước và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Tập trung nguồn lực quốc gia để xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật mang tính chất vùng hoặc liên vùng như các tuyến đường bộ, đường sắt, hệ thống cảng hàng không, cảng biển trong đó có các tuyến đường bộ, đường sắt cao tốc Bắc – Nam, xây dựng mới các tuyến nhánh nối các đô thị với các vùng đô thị hóa cơ bản và các hành lang biên giới, ven biển, hải đảo.
Trong từng vùng lãnh thổ phải cân đối việc cấp năng lượng, cấp nước, giao thông, thông tin và truyền thông, thoát nước mặt, nước bẩn, vệ sinh môi trường, đáp ứng yêu cầu và mức độ phát triển của vùng và của đô thị.
b) Cải tạo và xây dựng mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong các đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại tùy theo yêu cầu và mức độ phát triển của từng đô thị. Chống lũ, lụt từ xa cho các đô thị; kết hợp quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi, thủy điện trên các lưu vực sông, trong đó khai thác và vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi, thủy điện đầu nguồn.
6. Bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn cân bằng sinh thái đô thị
- Xác định, bảo vệ và duy trì hệ khung thiên nhiên gồm rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, hệ thống vườn quốc gia, cây xanh mặt nước v.v.. gắn với đặc điểm của điều kiện tự nhiên trong từng vùng và trong mỗi đô thị.
- Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng, nguồn nước, khoáng sản, rừng, v.v…vào mục đích cải tạo và xây dựng đô thị.
- Quy hoạch cấu trúc đô thị hợp lý, đảm bảo đáp ứng các nhu cầu về chỗ ở, chỗ làm việc, đi lại, nghỉ ngơi giải trí cho người dân và toàn xã hội; bảo đảm tiêu chí đô thị xanh, sạch, đẹp.
7. Định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan đô thị
- Tổng thể kiến trúc cảnh quan của mỗi vùng và đô thị phải có bản sắc riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, dân số - xã hội, trình độ khoa học, kỹ thuật, truyền thống văn hóa lịch sử của địa phương và các yêu cầu phát triển mới. Tổng thể kiến trúc của mỗi đô thị phải kết hợp hài hòa giữa cải tạo với xây dựng mới; đổi mới môi trường văn hóa kiến trúc truyền thống.
- Hình thành bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị mới hiện đại, có bản sắc, góp phần tạo nên hình ảnh đô thị tương xứng với tầm vóc đất nước của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh công tác thiết kế đô thị nhằm nâng cao chất lượng không gian, chất lượng kiến trúc cảnh quan cho từng đô thị nói chung, không gian các khu vực trung tâm, các tuyến phố chính đô thị nói riêng.
- Đặc biệt quan tâm đến kiến trúc các đô thị là trung tâm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế như: Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; bảo vệ, tôn tạo kiến trúc cảnh quan tại các đô thị di sản, đô thị đặc thù như Huế, Hội An, Đà Lạt, Sa Pa; các khu phố cổ, phố cũ; các di sản lịch sử, văn hóa và các công trình kiến trúc cảnh quan có giá trị…
8. Lộ trình thực hiện
a) Giai đoạn từ nay đến năm 2015
- Ưu tiên phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế ven biển, hải đảo, cửa khẩu biên giới đóng vai trò là cực tăng trưởng chủ đạo, hoặc cực tăng trưởng thứ cấp quốc gia. Phát huy thế mạnh của mỗi vùng trọng điểm để các vùng này đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển chung của đất nước và trợ giúp các vùng khó khăn, có năng lực hội nhập kinh tế quốc tế với quy mô lớn và trình độ cao. Tập trung thu hút vốn đầu tư, phát triển các đô thị lớn, đô thị cực lớn đóng vai trò là hạt nhân, động lực phát triển chính của vùng, tạo ra thế phát triển cân bằng trên các vùng lãnh thổ quốc gia để góp phần thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế đất nước.
- Thúc đẩy phát triển các đô thị là cực tăng trưởng thứ cấp tại các vùng Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long; trong đó chú trọng việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng sản xuất, phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ thương mại là trung tâm thu hút lao động bảo đảm tăng trưởng kinh tế đô thị, ổn định, tạo cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng thu ngân sách và tạo ra việc làm cho người lao động.
- Dành nguồn lực phù hợp để đầu tư, phát triển các đô thị trung bình và nhỏ, trên cơ sở khai thác triệt để các lợi thế, tiềm năng của tất cả các vùng, liên kết hỗ trợ nhau làm cho tất cả các vùng đều phát triển.
- Đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị, tạo môi trường thu hút đầu tư, cải thiện điều kiện sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển nông thôn mới.
- Ngăn chặn tình trạng phát triển đô thị lan tỏa thiếu kiểm soát, sử dụng hợp lý tài nguyên, đất đai, hạn chế san gạt lớn làm biến dạng địa hình, cảnh quan gây sạt lở, lũ lụt. Tập trung đầu tư, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường đô thị, gìn giữ giá trị văn hóa lịch sử của mỗi đô thị, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái đô thị và xây dựng các đô thị xanh, sạch, đẹp.
b) Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2025
- Thúc đẩy các vùng đô thị hóa cơ bản phát triển năng động, kinh tế vững mạnh, bảo đảm mối liên kết phát triển hài hòa giữa các vùng; giữa các miền Bắc, miền Trung và miền Nam, giữa phía Đông và phía Tây; giữa khu vực đô thị và nông thôn.
- Các đô thị đóng vai trò là trung tâm vùng, tiểu vùng, các chuỗi và chùm đô thị tại các vùng đô thị hóa cơ bản được đầu tư xây dựng, nâng cấp, xây dựng mới tương xứng với vị thế, vai trò, chức năng của từng đô thị, đảm bảo là nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
c) Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2050
Thúc đẩy việc xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có mối quan hệ và vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế, xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế.
9. Các giải pháp về cơ chế, chính sách chủ yếu phát triển đô thị
a) Giải pháp về tổ chức thực hiện
- Đổi mới cơ chế, chính sách phát triển đô thị trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý quy hoạch, quản lý nhà, đất; quản lý đầu tư xây dựng, quản lý khai thác sử dụng công trình đô thị, tạo ra sự thay đổi cơ bản đối với hệ thống đô thị cả nước.
- Nâng cao vai trò chức năng và quyền hạn của các Bộ, ngành và địa phương trong tổ chức, thực hiện, quản lý phát triển đô thị. Tăng cường phân cấp quản lý đô thị; nâng cao quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền đô thị các cấp.
b) Giải pháp về huy động vốn đầu tư
- Hình thành hệ thống quỹ đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, mở rộng nguồn thu và phương thức thu tại các đô thị; xây dựng cơ chế phát triển hạ tầng đô thị bằng nhiều nguồn vốn, theo hướng khuyến khích sự tham gia của các khu vực ngoài nhà nước.
- Đổi mới công tác quản lý đất đai và phát triển thị trường bất động sản; tiếp tục hoàn chỉnh và đổi mới chính sách về nhà và đất đô thị để ổn định đời sống và tạo nguồn lực phát triển đô thị.
c) Giải pháp về khoa học công nghệ - môi trường
Đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào mục đích cải tạo, xây dựng và hiện đại hóa đô thị; xây dựng chính quyền đô thị điện tử.
d) Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực
Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, nâng cao năng lực về quản lý và phát triển đô thị đối với lãnh đạo đô thị các cấp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Xây dựng
- Tổ chức công bố điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức việc thực hiện quy hoạch theo quy định của pháp luật;
- Rà soát, kiểm tra việc thực hiện các quy hoạch xây dựng vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả;
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển đô thị quốc gia 05 năm và 10 năm theo Định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt.
2. Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan xây dựng mô hình, cơ chế quản lý vùng đô thị theo Định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và làm rõ trách nhiệm quản lý sử dụng đất đai của từng địa phương theo quy hoạch xây dựng được duyệt.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng chương trình phát triển đô thị của địa phương mình; có kế hoạch và giải pháp để thực hiện có hiệu quả.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.