BỘ CHÍNH TRỊ | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 44-QĐ/TW | Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 1992 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUẢN LÝ CÁN BỘ
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII;
- Bộ Chính trị quyết định về việc quản lý cán bộ như sau:
Phần I
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1. Đảng trực tiếp và thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ.
a) Đại hội Đảng và Ban Chấp hành Trung ương quyết định đường lối, chủ trương, chính sách cán bộ và những tiêu chuẩn chung của cán bộ.
b) Các cơ quan lãnh đạo của Đảng quyết định phân công cán bộ và giới thiệu với Nhà nước, các đoàn thể nhân dân người giữ các chức vụ chủ chốt trong hệ thống chính trị phù hợp với vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, đã được Hiến pháp xác nhận.
c) Bộ Chính trị quyết định chế độ phân công, phân cấp quản lý cán bộ đối với các tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và các đảng đoàn, ban cán sự đảng các cơ quan trung ương.
d) Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng lãnh đạo công tác cán bộ ở các cơ quan nhà nước và các đoàn thể nhân dân thông qua các đảng đoàn, ban cán sự đảng các đảng ủy trực thuộc.
Các đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy lãnh đạo thực hiện các chủ trương của Đảng về công tác cán bộ ở các cơ quan nhà nước và đoàn thể nhân dân phù hợp với pháp luật của Nhà nước và điều lệ của đoàn thể nhân dân.
đ) Các cơ quan lãnh đạo của Đảng kiểm tra việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách cán bộ ở tất cả các cấp, các ngành.
Điều 2. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ.
a) Tập thể cấp ủy hoặc thường vụ cấp ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng xem xét quyết định theo nguyên tắc đa số việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu… đối với cán bộ thuộc thẩm quyền trực tiếp quản lý. Lãnh đạo cơ quan nhà nước và đoàn thể nhân dân thực hiện các quyết định nói trên đối với cán bộ của các tổ chức đó.
b) Cấp ủy viên, đảng viên là thủ trưởng cơ quan, đơn vị là người chịu trách nhiệm chính trước cấp ủy về công tác cán bộ trong lĩnh vực được phân công phụ trách.
Phần II
TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN QUẢN LÝ CÁN BỘ
Điều 3. Bộ Chính trị:
a) Quyết định các chủ trương, chính sách về công tác cán bộ theo nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương.
b) Chỉ định Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, các ban cán sự đảng ở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, các bộ và cơ quan ngang bộ, Ban cán sự đảng ngoài nước, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và một số đảng đoàn thể nhân dân ở cấp Trung ương.
c) Quyết định những vấn đề thuộc điểm a, Điều 2 đối với những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị trực tiếp quản lý quy định ở Điều 9, phần IV.
d) Chuẩn y ban chấp hành các đảng bộ trực thuộc Trung ương.
đ) Chuẩn bị trình Ban Chấp hành Trung ương quyết định những vấn đề về cán bộ thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Trung ương: giới thiệu người ứng cử vào các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; điều chỉnh, bổ sung thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; kỷ luật các Ủy viên Trung ương, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; chuẩn bị bổ sung Ủy viên Trung ương trong Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ và chuẩn bị nhân sự Trung ương Đảng khoá mới.
Điều 4. Ban Bí thư:
a) Chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác cán bộ.
b) Chỉ định một số đảng đoàn đoàn thể nhân dân ở cấp trung ương, các ban cán sự đảng ở các tổng cục và cơ quan tương đương trực thuộc Chính phủ.
c) Quyết định những vấn đề thuộc điểm a, Điều 2 đối với những cán bộ thuộc diện Ban Bí thư trực tiếp quản lý quy định ở Điều 10, phần IV.
d) Chuẩn y chủ nhiệm ủy ban kiểm tra các đảng bộ trực thuộc Trung ương.
đ) Chuẩn bị trình Bộ Chính trị quyết định những vấn đề về cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị trực tiếp quản lý.
Điều 5. Các cấp ủy đảng:
1. Đảng ủy Quân sự Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương
Chịu trách nhiệm trước Trung ương quản lý cán bộ quân đội và công an theo quy định của Bộ Chính trị.
2. Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy
a) Quyết định việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu… đối với trưởng ban, phó trưởng ban tỉnh ủy, thành ủy và tương đương; bí thư, phó bí thư, thường vụ huyện ủy, quận ủy và thị ủy; giám đốc, phó giám đốc sở và tương đương; chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch, phó chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã; cấp trưởng và cấp phó ban chấp hành các đoàn thể nhân dân ở cấp tỉnh, thành phố. Lãnh đạo cơ quan nhà nước và đoàn thể nhân dân thực hiện các quyết định nói trên đối với cán bộ của các tổ chức đó.
b) Chỉ định đảng đoàn, ban cán sự đảng một số cơ quan nhà nước, đoàn thể nhân dân ở cấp tỉnh, thành phố.
c) Chuẩn y ban chấp hành và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng bộ trực thuộc.
d) Chuẩn bị trình ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố những vấn đề về cán bộ thuộc thẩm quyền ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố quyết định: giới thiệu người ứng cử vào các chức danh chủ tịch Hội đồng nhân dân và chủ tịch uỷ ban nhân dân; điều chỉnh bổ sung thành viên thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban kiểm tra; kỷ luật tỉnh ủy viên, thành ủy viên và ủy viên ủy ban kiểm tra; chuẩn bị bổ sung ủy viên ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố trong Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ; chuẩn bị nhân sự ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố khoá mới.
đ) Đề nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc bổ nhiệm, điều động, kỷ luật, nghỉ hưu… đối với cán bộ giữ chức vụ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp quản lý đang công tác ở địa phương.
e) Quyết định phân cấp quản lý cán bộ đối với cấp ủy huyện, quận, thị xã, xã, phường; các đảng đoàn, ban cán sự đảng trong tỉnh, thành phố.
3. Ban thường vụ huyện ủy, quận ủy, thị ủy
a) Quyết định việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu… đối với trưởng ban, phó trưởng ban huyện ủy, quận ủy, thị ủy và tương đương; đảng ủy viên hoặc chi ủy viên xã, phường và các tổ chức cơ sở đảng; trưởng, phó phòng huyện, quận, thị xã và tương đương; cấp trưởng và cấp phó ban chấp hành các đoàn thể nhân dân ở cấp huyện, quận, thị xã. Lãnh đạo các cơ quan nhà nước và đoàn thể nhân dân thực hiện các quyết định nói trên đối với cán bộ của các tổ chức đó.
b) Chỉ định đảng đoàn, ban cán sự ở một số cơ quan nhà nước và đoàn thể nhân dân cấp huyện, quận, thị xã.
c) Chuẩn y ban chấp hành và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng bộ trực thuộc.
d) Chuẩn bị nhân sự thuộc thẩm quyền của ban chấp hành đảng bộ huyện, quận, thị xã.
đ) Đề nghị với ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy việc thay đổi cán bộ công tác ở huyện, quận, thị xã, thuộc thẩm quyền ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quyết định.
4. Đảng ủy cơ sở (sẽ có hướng dẫn riêng).
Điều 6. Ban cán sự đảng và đảng đoàn
1. Ban cán sự đảng cơ quan nhà nước
a) Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu… đối với cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý. Lãnh đạo cơ quan nhà nước thực hiện các quyết định đó.
b) Kiến nghị về cán bộ của tổ chức mình thuộc thẩm quyền cấp trên quy định. Lãnh đạo tổ chức thực hiện các quyết định của cấp trên về cán bộ của tổ chức mình.
c) Lãnh đạo xây dựng và thực hiện quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn bị cán bộ cho các chức danh thuộc phạm vi phụ trách.
d) Tham gia với cấp ủy địa phương trong việc đề bạt, điều động và kỷ luật các giám đốc sở và tương đương.
2. Đảng đoàn ở các cơ quan dân cử
a) Quyết định bố trí, điều động, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu… đối
với cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý. Lãnh đạo tổ chức thực hiện các quyết định đó.
b) Kiến nghị về cán bộ của tổ chức mình thuộc thẩm quyền quyết định của cấp trên và lãnh đạo tổ chức thực hiện các quyết định của cấp trên về cán bộ của tổ chức mình.
c) Tham gia ý kiến với cấp ủy địa phương, các đảng đoàn, ban cán sự đảng có liên quan trong việc bố trí và kỷ luật cán bộ chủ chốt của các đoàn thể nhân dân công tác ở các ngành và địa phương.
d) Lãnh đạo xây dựng và thực hiện quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các chức danh thuộc phạm vi mình phụ trách.
Phần III
TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA CẤP ỦY VỀ QUẢN LÝ CÁN BỘ
Điều 7. Cơ quan của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư
1. Ban Tổ chức Trung ương
- Là cơ quan tham mưu cho Trung ương nghiên cứu về đường lối, chủ trương, chính sách công tác cán bộ. Hướng dẫn và kiểm tra việc chấp hành các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về công tác cán bộ ở các ngành, các cấp.
- Chủ trì tổng hợp tình hình đội ngũ cán bộ, trước hết là đội ngũ cán bộ thuộc danh mục do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp quản lý, kể cả đội ngũ cán bộ dự bị cho các chức vụ thuộc danh mục này.
- Thẩm định và trình những vấn đề về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
- Thẩm tra, xác minh những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp quản lý có vấn đề về lịch sử chính trị hoặc có nghi vấn chính trị.
- Được Ban Bí thư ủy nhiệm giải quyết một số vấn đề cụ thể theo quyết định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Tổ chức Trung ương.
- Quản lý hồ sơ lý lịch cán bộ thuộc danh mục do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp quản lý.
2. Các ban của Trung ương
Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để nghiên cứu, thẩm định và kiến nghị với Bộ Chính trị và Ban Bí thư việc bố trí, điều động… đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp quản lý đang công tác ở các cơ quan trong khối.
Điều 8. Tổ chức giúp cấp ủy và ban cán sự đảng, đảng đoàn quản lý cán bộ
Các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương, các huyện ủy, quận ủy và thị ủy sử dụng bộ máy ban tổ chức cấp mình để giúp việc về công tác quản lý cán bộ.
Đảng đoàn và ban cán sự đảng sử dụng bộ máy tổ chức, cán bộ của cơ quan nhà nước và đoàn thể nhân dân để giúp việc quản lý cán bộ.
Phần IV
DANH MỤC CHỨC VỤ DO BỘ CHÍNH TRỊ VÀ BAN BÍ TRỰC TIẾP QUẢN LÝ
Điều 9. Chức vụ do Bộ Chính trị trực tiếp quản lý
1. Cơ quan trung ương
- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Trưởng ban của Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương; Giám đốc Học viện Nguyễn Ái Quốc; Viện trưởng Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; thành viên Đảng đoàn Quốc hội, thành viên Ban cán sự đảng Chính phủ; Bí thư Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Bí thư Ban cán sự đảng các bộ và cơ quan ngang bộ; Bí thư đảng đoàn một số đoàn thể nhân dân.
- Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội.
- Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước; Viện trưởng Viện Khoa học xã hội; Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam.
- Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
- Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
2. Địa phương
- Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch uỷ ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Quân đội và công an
- Ủy viên Đảng ủy Quân sự Trung ương.
- Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương.
- Tổng tham mưu trưởng.
- Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
- Tư lệnh quân khu, quân chủng.
- Đại tướng, thượng tướng, đô đốc hải quân.
Điều 10. Chức vụ do Ban Bí thư trực tiếp quản lý
1. Cơ quan trung ương
- Phó trưởng ban của Trung ương, Phó Văn phòng Trung ương, Viện phó Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Phó giám đốc Học viện Nguyễn Ái Quốc, Giám đốc các trường đảng Nguyễn Ái Quốc khu vực, Giám đốc Trường đại học Tuyên giáo, Phó tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Giám đốc Nhà xuất bản Sự thật; Ủy viên Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Ủy viên ban cán sự đảng các bộ và cơ quan ngang bộ; Ủy viên đảng đoàn đoàn thể nhân dân (trừ bí thư đảng đoàn một số đoàn thể nhân dân do Bộ Chính trị quản lý); bí thư, phó bí thư và ủy viên thường vụ các đảng ủy khối và đảng ủy trực thuộc Trung ương.
- Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Phó chủ nhiệm các ủy ban thường trực của Quốc hội.
- Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước, viện phó Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện phó Viện Khoa học Việt Nam; Tổng giám đốc và các Phó tổng giám đốc Đài phát thanh, Vô tuyến truyền hình, Thông tấn xã Việt Nam; Đại sứ Việt Nam ở các nước; Tổng cục trưởng các tổng cục trực thuộc Chính phủ và tương đương; Tổng giám đốc một số đơn vị kinh tế trọng yếu.
- Phó chánh án Toà án nhân dân tối cao, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
- Phó chủ tịch ban thư ký hoặc ban thường vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Phó bí thư và Ủy viên Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch hoặc Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật, Liên hiệp các Hội Hoà bình và hữu nghị, Hội nhà văn Việt Nam, Hội nhà báo Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam.
2. Địa phương
- Phó bí thư, ủy viên thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
3. Quân đội và công an
- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ.
- Chủ nhiệm các tổng cục Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ (trừ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng.
- Tổng cục trưởng các tổng cục thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ.
- Phó Tổng tham mưu trưởng.
- Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.
- Phó Tư lệnh quân khu, quân chủng.
- Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
- Tư lệnh các quân đoàn, Tư lệnh Bộ Tư lệnh biên phòng.
- Viện trưởng và Phó viện trưởng Học viện quân sự cao cấp.
- Viện trưởng Học viện chính trị quân sự.
- Viện trưởng Học viện lục quân.
- Trung tướng, thiếu tướng và chuẩn đô đốc hải quân.
Phần V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11.
Các cấp ủy đảng, ban cán sự và đảng đoàn căn cứ quyết định này để xây dựng quy chế quản lý cán bộ cho ngành và địa phương.
Ban Tổ chức Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quyết định này.
Điều 12.
Việc quyết định kỷ luật cán bộ thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng và hướng dẫn của Ban Bí thư và của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Điều 13.
Trong quá trình thực hiện nếu các cấp ủy đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng thấy có vấn đề gì chưa phù hợp thì phải xin ý kiến Ban Bí thư.
Quyết định này thay cho các quyết định trước đây về tổ chức quản lý cán bộ và có hiệu lực từ ngày ký.
| T/M BỘ CHÍNH TRỊ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.