ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 44/2011/QĐ-UBND | Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 23 tháng 8 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CÁC VỊ TRÍ ĐỔ BÙN NẠO VÉT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 40/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 2005;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Quyết định số 15/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2006-2015, định hướng đến năm 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 1048/TTr-SGTVT ngày 08 tháng 8 năm 2011 về việc phê duyệt quy hoạch các vị trí đổ bùn nạo vét trên địa bàn tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch các vị trí đổ bùn nạo vét trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Tên dự án: quy hoạch các vị trí đổ bùn nạo vét trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
2. Chủ đầu tư: Sở Giao thông vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu.
3. Mục tiêu quy hoạch:
- Đánh giá thực trạng nhu cầu của nạo vét và khối lượng bùn, đất, cát nạo vét.
- Rà soát điều chỉnh quy mô và vị trí các khu đổ bùn, đất, cát đã được phê duyệt.
- Đề xuất các giải pháp đổ bùn đất, cát nạo vét theo từng loại, và chính sách thực hiện.
4. Dự báo lượng bùn nạo vét trên địa bàn tỉnh:
- Từ nay đến năm 2020 thì tổng khối lượng nạo vét các dự án trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến là 71.305.327 m3, trong đó vật liệu là bùn đất khoảng 69.167.327 m3 chiếm 97,0% và vật liệu là cát khoảng 2.138.000 m3 chiếm 3,0% tổng khối lượng nạo vét.
- Tổng khối lượng bùn đất nạo vét duy tu hàng năm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ước tính 2.152.667 m3/năm sau khi các dự án luồng được nạo vét và đi vào hoạt động. Về thành phần cụ thể của bùn đất nạo vét duy tu sẽ được xác định cụ thể trong điều kiện thực tế.
5. Quy hoạch các vị trí đổ bùn:
a. Khu cù lao Mỏ Nhát (khu B)
Đây là khu vực cù lao nằm giữa sông Mỏ Nhát và rạch Ngã Tư có diện tích khoảng 163 ha có sức chứa chứa được khoảng 3.260.000 m3, để chứa các bùn hữu cơ có lẫn rễ cây do vậy không cho phép đổ ra biển. Về lâu dài, khi đất nạo vét có thời gian cố kết có thể sử dụng bãi đổ vào các mục đích khác.
b. Khu đổ tại vị trí ngoài khơi Vũng Tàu (khu A)
Đây là vị trí đã được quy hoạch vị trí đổ bùn của dự án cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (ODA), cách mũi Vũng Tàu 10 km. Để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và giảm thiểu tác động xấu tới môi trường biển, Khu A sẽ được điều chỉnh từ 100 km2 lên thành 225 km2. Ngoài ra, vị trí Khu A theo quy hoạch ban đầu có một phần dã được Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) xin quy hoạch đầu tư xây dựng 1 bến nhập dầu SPM. Vì vậy để đảm bảo khu đổ đất nạo vét không làm ảnh hưởng tới bến SPM này, khu A sẽ được dịch chuyển theo hướng Đông một khoảng 4,9km. Vị trí khu A nay được điều chỉnh có tọa độ như trong bảng sau:
Bảng tọa độ điểm khống chế vị trí đổ bùn ngoài khơi Vũng Tàu (Khu A)
Điểm | Tọa độ (hệ VN2000) | |
| EAST (M) | NORTH (M) |
A | 431 070,000 | 1 136 735,000 |
B | 446 070,000 | 1 136 735,000 |
C | 446 070,000 | 1 121 735,000 |
D | 431 070,000 | 1 121 735,000 |
6. Giải pháp xử lý khu vực đổ đất:
a) Khu A - Khu đổ tại vị trí ngoài khơi Vũng Tàu:
Để đảm bảo hoạt động đổ đất nạo vét tại ngoài khơi Vũng Tàu được an toàn, các tàu vận chuyển đất ra vị trí này để đổ phải là các tàu có phân cấp đăng kiểm ''Biển hạn chế III''.
Để xác định vị trí đổ bùn, đất ngoài khơi khu A tất cả các tàu chở bùn, đất nạo vét đem đi đổ ngoài khơi phải được nhà thầu tự trang bị thiết bị định vị GPS, máy chụp hình kỹ thuật số, bảng tên... Khi tàu ra tới vị trí được đổ (khu A) phải chụp hình, quay phim để ghi nhận đánh dấu vị trí đổ, thời gian đổ, khối lượng đổ... Đây là vị trí rất thuận lợi cho các sà lan vận chuyển và các loại tàu cuốc, tàu hút đổ đất nạo vét. Tại khu vực này, mọi phương tiện chuyên chở bằng đường thuỷ đều có thể di chuyển tới vị trí và đổ đất. Yêu cầu đối với phương pháp đổ tại vị trí này là phải có thiết bị dẫn bùn cát xuống sâu để tránh hiện tượng bùn cát khuếch tán đi xa vào các khu vực ven bờ.
b) Khu B - Khu cù lao Mỏ Nhát.
Để hạn chế tác động xấu của bùn và đất nạo vét đền môi trường xung quanh, kết cấu của khu đố bùn kiến nghị dùng bờ bao bằng đất tự nhiên xung quanh có hệ thống lọc nước và thoát nước. Bùn, đất nạo vét của các dự án sẽ được vận chuyển bằng sà lan từ vị trí nạo vét tới khu vực đổ bùn theo tuyến sông Mỏ Nhát. Tại vị trí đổ bùn, bùn sẽ được hút từ sà lan lên bãi bằng hệ thống đường ống và trạm hút cố định hoặc phun trực tiếp từ tàu nạo vét. Bùn, đất nạo vét sẽ được đổ từ giữa khu B và đổ xa hơn đường tim ngang và cao hơn cao trình san nền đất nạo vét, tạo độ dốc về 2 phía trước và sau. Qua bãi đổ gồm hỗn hợp cả bùn và nước, bùn được lắng đọng tại bãi, nước được thải lại sông qua một hệ thống xử lý ô nhiễm. Trong quá trình đỗ bùn các đơn vị đỗ phải có biện pháp kiểm tra nồng độ bùn tại các vị trí cửa tràn tránh tình trạng bùn lỏng chảy ra các kênh rạch xung quanh gây ảnh hưởng tới môi trường.
7. Tận thu nguồn cát nạo vét san lấp mặt bằng cảng:
Trong các dự án nạo vét luồng vào cảng, theo nghiên cứu phần lớn vật liệu nạo vét là bùn đất, tuy nhiên có một lượng vật liệu nạo vét là cát khoảng 2,258 triệu m3. Vật liệu là cát lẫn bùn này có thể tận dụng tốt cho san lấp mặt bằng xây dựng nhưng nằm phân tán trên các đoạn luồng. Do đó trong quá trình thi công nạo vét sẽ tận dụng nguồn cát nạo vét dùng cho san lấp mặt bằng cảng sẽ rất thuận tiện, tiết kiệm chi phí xây dựng cảng, giảm cự ly vận chuyển và thống nhất được tiến độ nạo vét luồng và xây dựng cảng.
8. Biện pháp giảm thiểu và giám sát môi trường:
a) Biện pháp giảm thiểu tác động tới môi trường:
- Các xe và xà lan vận chuyển bùn cát nạo vét phải hạn chế bụi ở mức thấp nhất như phải dùng bạt che phủ.
- Tạo lớp phủ thực vật bằng cách trồng cây tại bãi đổ sau khi bùn đất dã có thời gian cố kết đồng thời trồng cây xung quanh vị trí bãi dỗ.
- Giám sát việc đổ bùn đất nạo vét tại vị trí ngoài khơi Vũng Tàu đúng vị trí và đúng tiến độ đề ra.
- Có bờ bao quanh khu vực đổ bùn tại vị trí khu B.
- Tuyệt đối không đổ dầu máy, chất thải chứa dầu từ tàu nạo vét, các phương tiện nổi phục vụ thi công luồng xuống sông mà phải thu gom xử lý. Huấn luyện cho công nhân trên tàu nạo vét, sà lan, về phòng chống ô nhiễm.
- Xử lý đất bị ô nhiễm tại vị trí đổ đất bằng các biện pháp hóa học và sinh học.
- Xây dựng hệ thống thoát nước thải và thoát nước mưa tại khu vực đổ bùn.
- Thực hiện đền bù thoả đáng cho việc giải tỏa dân cư, nhà cửa các công trình hiện hữu.
b) Giám sát môi trường:
Để ngăn chặn các tác động đến môi trường trong quá trình vận hành, các mẫu thu gom (thông thường là nước thải và chất thải rắn) sẽ được giám sát thường xuyên để đảm bảo các ảnh hưởng của dự án trên đều nằm trong các thông số kỹ thuật thiết kế và đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Kết quả phân tích mẫu sẽ được ghi lại để kiểm tra để có biện pháp xử lý kịp thời. Chương trình giám sát môi trường là một phần quan trọng của dự án kiểm soát môi trường nó bao gồm một chương trình giám sát được thiết lập bởi chủ dự án và một chương trình giám sát môi trường để thanh tra kiểm soát và được thực thi bởi các cơ quan có thẩm quyền về môi trường. Các tổ chức này sẽ thực hiện chương trình giám sát trên cơ sở kết hợp với chủ dự án.
Điều 2. Quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện:
- Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng làu là cơ quan quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quản lý quy hoạch các vị trí đổ bùn, đất, cát nạo vét trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sau khi quy hoạch được phê duyệt.
- Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định bổ sung, điều chỉnh cụ thể đối với các vị trí đổ không trái với chức năng, quy mô của quy hoạch được duyệt, trường hợp cần bổ sung quy hoạch đã phê duyệt, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xem xét quyết định.
- Sở Tài nguyên và Môi trường kết hợp với Ủy ban nhân dân huyện Tân Thành quản lý chặt chẽ quỹ đất theo quy định của pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu đỏ bùn, đất, cát theo quy hoạch được duyệt.
- Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác quan trắc và giám sát môi trường đối với các vị trí đổ bùn hàng năm theo nhiệm vụ được giao.
- Cảng vụ Hàng Hải Vũng Tàu chịu trách nhiệm quản lý vùng biển đảm bảo các thiết bị đổ đất nạo vét đúng vị trí được quy hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 01/2007/QĐ-UBND ngày 04 tháng 01 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc phê duyệt quy hoạch các vị trí đổ bùn nạo vét trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên - Môi trường; Giám đốc Cảng vụ Hàng Hải Vũng Tàu; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các sở, ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.