ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 44/2005/QĐ-UB | Đà Nẵng, ngày 19 tháng 04 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐƯỜNG ƯU TIÊN VÀ TỐC ĐỘ TỐI ĐA CHO PHÉP TRÊN CÁC TUYẾN ĐƯỜNG THUỘC ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
ỦY BAN NHÂN DÂN
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
- Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;
- Căn cứ Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
- Căn cứ Quyết định số 17/2004/QĐ-BGTVT ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về việc ban hành Quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới lưu hành trên đường bộ;
- Theo đề nghị của Giám đốc sở Giao thông - Công chính tại Tờ trình số 1435/TT-GTCC ngày 23 tháng 11 năm 2004,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về đường ưu tiên và tốc độ tối đa cho phép trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2: Sở Giao thông - Công chính có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này, định kỳ hàng quý báo cáo UBND thành phố.
Điều 3: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 135/2002/QĐ-UB ngày 16 tháng 12 năm 2002 của UBND thành phố Quy định về tốc độ tối đa trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 4: Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc sở Giao thông - Công chính, Giám đốc Công an thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành.
| TM. UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG |
QUY ĐỊNH
VỀ ĐƯỜNG ƯU TIÊN VÀ TỐC ĐỘ TỐI ĐA CHO PHÉP TRÊN CÁC TUYẾN ĐƯỜNG THUỘC ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 44/2005/QĐ-UB ngày 19 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)
Chương I
ĐƯỜNG ƯU TIÊN
Điều 1: Đường ưu tiên là đường mà tại nơi giao nhau với đường khác thì xe chạy trên đường ưu tiên được ưu tiên đi trước, xe chạy trên đường khác phải nhường đường (trừ các xe được ưu tiên đi trước theo quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật Giao thông đường bộ).
Điều 2: Khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định tại Điều 1 Quy định này.
Điều 3: Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các đường sau đây là đường ưu tiên:
1. Tuyến Quốc lộ 1A (đoạn đi qua địa phận thành phố Đà Nẵng);
2. Tuyến Quốc lộ 14B (đoạn đi qua địa phận thành phố Đà Nẵng);
3. Đường Nguyễn Văn Cừ;
4. Đường Nguyễn Lương Bằng;
5. Đường Tôn Đức Thắng;
6. Đường Trường Chinh;
7. Đường Yết Kiêu;
8. Đường Ngô Quyền;
9. Đường Ngũ Hành Sơn;
10. Đường 2 tháng 9;
11. Đường Cách mạng tháng Tám;
12. Đường Lê Duẩn;
13. Đường Điện Biên Phủ;
14. Đường Đống Đa;
15. Đường Lê Văn Hiến;
16. Đường Trần Đại Nghĩa;
17. Đường Nguyễn Văn Linh;
18. Đường Nguyễn Tất Thành;
19. Đường Trần Hưng Đạo;
20. Đường Phạm Văn Đồng.
Chương II
TỐC ĐỘ TỐI ĐA
Điều 4: Người lái xe cơ giới phải điều khiển xe chạy với tốc độ được quy định tại Quyết định số 17/2004/QĐ-BGTVT ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành Quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới lưu hành trên đường bộ và Quy định này.
Điều 5:
1. Trong điều kiện thời tiết bình thường, đường khô ráo, khi không có biển báo “Tốc độ tối đa cho phép”, người điều khiển xe máy kéo, xe công nông và các loại xe có kết cấu tương tự không được điều khiển phương tiện vượt quá tốc độ tối đa 20km/h.
2. Trong điều kiện thời tiết không bình thường (trời mưa, đường trơn ướt, sương mù, địa hình miền núi, người điều khiển xe máy kéo, xe công nông và các loại xe có kết cấu tương tự phải cho xe chạy với tốc độ phù hợp, thấp hơn so với tốc độ tối đa quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 6:
1. Trong điều kiện thời tiết bình thường, đường khô ráo, khi không có biển báo “Tốc độ tối đa”, người điều khiển xe lam, xe ba gác máy và các loại xe có kết cấu tương tự không được điều khiển phương tiện vượt quá tốc độ tối đa quy định cụ thể như sau:
a) Trên đường ngoài khu đông dân cư thuộc ngoại thành, khi đường có dải phân cách cố định, tốc độ tối đa cho phép là 30km/h.
b) Trên đường ngoài khu đông dân cư thuộc ngoại thành, khi đường không có dải phân cách cố định, tốc độ tối đa cho phép là 20km/h.
c) Trên đường trong khu đông dân cư thuộc ngoại thành và trên đường nội thành, khi đường có dải phân cách cố định, tốc độ tối đa cho phép là 25km/h.
d) Trên đường trong khu đông dân cư thuộc ngoại thành và trên đường nội thành, khi đường không có dải phân cách cố định, tốc độ tối đa cho phép là 20km/h.
2. Trong điều kiện thời tiết không bình thường (trời mưa, đường trơn ướt, sương mù), địa hình miền núi, người điều khiển xe lam, xe ba gác máy và các loại xe có kết cấu tương tự phải cho xe chạy với tốc độ phù hợp, thấp hơn so với tốc độ tối đa quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
Điều 7: Các đoạn đường được phép chạy với tốc độ tối đa 40km/h
1. Tuyến Quốc lộ 1A đoạn từ km 904+900 đến km 914+000;
2. Tuyến Quốc lộ 1A đoạn từ km 933+500 đến km 935+500.
Điều 8: Các đoạn đường được phép chạy với tốc độ tốì đa 30km/h
1. Đường ĐT 602 (đoạn từ chân cầu An Lợi đến đỉnh khu du lịch Bà Nà);
2. Đường Trần Thị Lý (đoạn từ đường 2 tháng 9 đến đường Ngũ Hành Sơn);
3. Đường Nguyễn Văn Trỗi (đoạn từ đường 2 tháng 9 đến đường Ngô Quyền);
4. Các đường huyện (ĐH), đường xã (ĐX).
Điều 9: Ở nơi có biển báo “Tốc độ tối đa cho phép” mà trị số ghi trên biển báo lớn hơn tốc độ tối đa cho phép phương tiện cơ giới đường bộ quy định tại Quyết định số 17/2004/QĐ-BGTVT ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Quy định này, thì người lái xe chỉ được điều khiển phương tiện lưu hành với tốc độ tối đa cho phép phương tiện.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10: Sở Giao thông - Công chính
1. Phối hợp với Công an thành phố và các cơ quan chức năng liên quan khảo sát, kiểm tra và đề xuất bổ sung đường ưu tiên và tốc độ tối đa cho phép trên một số đoạn đường, tuyến đường cụ thể phù hợp với tình hình thực tế, trình UBND thành phố quyết định.
2. Lập kế hoạch trình UBND thành phố phê duyệt và tổ chức thực hiện việc lắp đặt biển báo hiệu đường bộ phù hợp với Quy định này và điều chỉnh biển báo hiệu đường bộ phù hợp với Điều lệ báo hiệu đường bộ Việt Nam.
3. Kiểm tra việc thực hiện Quy định này; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm.
Điều 11: Công an thành phố
Tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quy định này của các phương tiện tham gia hoạt động trên địa bàn thành phố và xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm.
Điều 12: Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, các ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân phản ảnh về Sở Giao thông - Công chính để nghiên cứu, tổng hợp, trình UBND thành phố sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.