UỶ
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43/2008/QĐ-UBND |
Tam Kỳ, ngày 29 tháng 10 năm 2008 |
PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC QUẢN LÝ TỔNG HỢP VÙNG BỜ TỈNH QUẢNG NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Quyết định 158/2007/QĐ-TTg ngày 09 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam tại Tờ trình số 145 /TTr-TNMT ngày 25 tháng 9 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Chiến lược), gồm các nội dung sau:
I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU CỦA CHIẾN LƯỢC
1. Quan điểm:
1.1. Chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ là định hướng cơ bản cho các chương trình hành động trước mắt và lâu dài (đến năm 2020) để giải quyết những vấn đề phức tạp trong quản lý tài nguyên, môi trường vùng bờ, thông qua cơ chế điều phối, hợp tác liên ngành.
1.2. Phát triển bền vững, hài hòa giữa các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường là quan điểm cơ bản trong xây dựng Chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ tỉnh Quảng Nam. Phát triển đa cực, nhưng có trọng điểm, nhằm giảm thiểu các mâu thuẫn và phát triển cân đối, hài hoà giữa các ngành kinh tế vùng bờ. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.
1.3. Chiến lược đảm bảo cho tất cả các bên liên quan hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm khai thác, sử dụng một cách hợp lý tài nguyên và môi trường phù hợp với đặc thù về sinh thái vùng Quảng Nam.
2. Mục tiêu:
2.1. Mục tiêu chung: Phát triển kinh tế vùng bờ bền vững, bảo vệ nguồn lợi, tài nguyên và môi trường, hạn chế và giảm thiểu tác hại của thiên tai, cải thiện và nâng cao đời sống cộng đồng cư dân địa phương.
2.2. Mục tiêu cụ thể:
a) Nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực quản lý tổng hợp vùng bờ cho cán bộ và nhân dân các địa phương ven biển tỉnh Quảng Nam.
b) Ồn định và nâng cao đời sống nhân dân, tạo sinh kế cho người dân, nhằm thay thế các hoạt động kinh tế có ảnh hưởng đến môi trường.
c) Phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, ô nhiễm môi trường; đặc biệt môi trường tại các khu công nghiệp, đô thị, các khu du lịch, cửa sông và bến cảng; ngăn ngừa suy thoái tài nguyên vùng bờ, khuyến khích khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học và các giá trị văn hoá, lịch sử.
d) Hoàn chỉnh cơ sở pháp lý và tăng cường năng lực quản lý tài nguyên môi trường vùng bờ tỉnh Quảng Nam.
II. PHẠM VI, NỘI DUNG CỦA CHIẾN LƯỢC
1. Phạm vi
Vùng bờ tỉnh Quảng Nam được xác định cho giai đoạn 2008 - 2020 của Chiến lược này dựa trên ba yếu tố chính là: Vấn đề và các mối quan tâm đối với vùng bờ; Ranh giới hành chính; Khả năng quản lý của địa phương. Vùng bờ Quảng Nam được xác định bao gồm 06 huyện và thành phố ven biển: Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và cụm đảo Cù Lao Chàm. Về phía biển được giới hạn đến đường đẳng sâu 50m biển.
2. Các nhiệm vụ của chiến lược
2.1- Các hợp phần chính của chiến lược:
a) Xây dựng năng lực quản lý tổng hợp vùng bờ.
b) Khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, đảm bảo các nhu cầu sử dụng của thế hệ mai sau; phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường.
c) Bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái tài nguyên và môi trường, giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai.
d) Bảo tồn đa dạng sinh học và các vùng có giá trị tự nhiên, xã hội, lịch sử và văn hoá.
đ) Phát triển bền vững vùng bờ.
Tại mỗi hợp phần đều có kế hoạch hành động thực hiện chiến lược kèm theo. Tổng cộng có 16 kế hoạch hành động.
2.2. Kế hoạch hành động ưu tiên đến năm 2015:
a) Tuyên truyền và nâng cao nhận thức về quản lý tổng hợp vùng ven bờ cho cộng đồng và cán bộ chính quyền địa phương.
b) Xây dựng qui hoạch khai thác, sử dụng hợp lý và phát triển bền vững tài nguyên vùng bờ.
c) Quy hoạch khai thác, sử dụng các lưu vực sông nhằm giảm nhẹ thiên tai và phục hồi môi trường.
d) Thiết lập cơ chế điều phối đa ngành trong quản lý phát triển vùng bờ; đảm bảo sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan trong quá trình xây dựng, thực hiện các chương trình/kế hoạch và ra quyết định về quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển vùng bờ.
III. CÁC GIẢI PHÁP CHÍNH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC
1. Nhóm giải pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của cộng đồng
a) Nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên, môi trường biển, ven biển và những vấn đề quản lý liên quan.
b) Tăng cường năng lực và phương thức tuyên truyền: Đào tạo đội ngũ tuyên truyền, phát triển mạng lưới tuyên truyền rộng khắp các cơ sở, huyện, tỉnh. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp và các địa phương trong hoạt động tuyên truyền.
c) Xây dựng hệ thống hoạt động thông tin về tài nguyên, môi trường vùng bờ.
d) Huy động các bên liên quan vào công tác truyền thông môi trường: Tăng cường năng lực quản lý nhà nước, phục vụ phát triển bền vững vùng bờ cho các cơ sở, ban ngành và các địa phương. Huy động các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động quan trắc và cảnh báo sớm môi trường.
2. Nhóm giải pháp về thể chế, chính sách và công cụ kinh tế
a) Rà soát lại các văn bản pháp quy hiện có và chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.
b) Phân công các ngành, các cấp xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến quản lý và phát triển vùng bờ, với sự tham vấn rộng rãi của các bên liên quan và cộng đồng.
c) Xây dựng cơ chế tạo nguồn tài chính bền vững phục vụ quản lý tổng hợp vùng bờ.
d) Mở rộng hợp tác với thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi, hợp tác trong nước và ngoài nước, nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ để giải quyết các vấn đề liên quan.
đ) Đẩy mạnh việc thực hiện nguyên tắc người gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại tài nguyên phải chi trả để khắc phục, bồi thường. Từng bước áp dụng việc thu phí, thuế môi trường đối cới các cơ sở sản xuất, tổ chức, cá nhân xả chất thải các loại vào môi trường vùng bờ.
3. Nhóm giải pháp quy hoạch
a) Rà soát lại các quy hoạch, kế hoạch phát triển đảm bảo phù hợp với yêu cầu về sử dụng lâu bền tài nguyên và môi trường.
b) Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường vùng bờ đến năm 2015, xem đó là một bộ phận cấu thành của kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Quảng Nam.
c) Huy động sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan và cộng đồng trong xây dựng và thực hiện quy hoạch sử dụng tài nguyên và môi trường.
4. Nhóm giải pháp tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quản lý tài nguyên và môi trường vùng bờ
a) Xây dựng các cam kết về sử dụng và quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường vùng bờ giữa các cơ quan, cộng đồng cư dân.
b) Xây dựng cơ chế đồng quản lý để thu hút sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là các cộng đồng cư dân ven biển.
Điều 2. Tổ chức thực hiện và phân công trách nhiệm
- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện tốt chiến lược; tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Điều phối và Hội đồng tư vấn kỹ thuật đa ngành để hổ trợ thực hiện.
- Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí nguồn vốn trong kế hoạch hàng năm để thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ của tỉnh; xây dựng cơ chế, chính sách tài chính, tín dụng đảm bảo việc thực hiện được thuận lợi và có hiệu quả.
- Các Sở, Ban, ngành liên quan: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành cho phù hợp với Chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ của tỉnh; hợp tác, hỗ trợ với các ngành liên quan cùng thực hiện chiến lược để đảm bảo phát triển bền vững. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tích cực tham gia tìm kiếm các cơ hội đầu tư về bảo vệ tài nguyên và môi trường vùng bờ.
- UBND các huyện, thành phố ven biển: Rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tích cực tham gia và huy động sự tham gia của cộng đồng thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ của tỉnh.
- UBND các xã, phường: Tham gia điều chỉnh và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương. Vận động nhân dân thực hiện các hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường.
- Các tổ chức xã hội: Tích cực tuyên truyền, giáo dục, huy động cộng đồng tích cực tham gia thực hiện các hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường trên địa bàn địa phương.
- Các cơ quan nghiên cứu, tư vấn địa phương: Xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học cung cấp các thông tin cần thiết để thực hiện tốt Chiến lược đề ra.
Kinh phí thực hiện chiến lược được trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường, các dự án tài trợ trong và ngoài nước, các cá nhân tổ chức hoạt động kinh tế có liên quan trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ sau 10 ngày ký ban hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.