ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43/2006/QĐ-UBND | Đồng Hới, ngày 06 tháng 10 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN THỦY SẢN ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 224/1998/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Phát triển nuôi trồng thủy sản thời kỳ 1999 - 2010;
Căn cứ Quyết định số 112/2004/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Giống thủy sản đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 131/2004/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo vệ và phát triển nguồn lợi đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 10/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2006 của Thủ trướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể Phát triển ngành Thủy sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 29/2006/QĐ-UBND ngày 23 tháng 6 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình về việc ban hành Chương trình Phát triển thủy sản giai đoạn 2006 - 2010;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thủy sản tại Tờ trình số 178/TTr-STS ngày 06 tháng 7 năm 2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chính sách khuyến khích phát triển thủy sản áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này bị bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Thủy sản, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Cục trưởng Cục Thuế; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN THỦY SẢN ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2006/QĐ-UBND ngày 06 tháng 10 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)
Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động thủy sản trên các lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản, chuyển đổi nghề phù hợp có hiệu quả, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, thu hút lao động và tạo thêm việc làm từng bước tiến tới xóa đói giảm nghèo cho bà con ngư dân và cộng đồng, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; ngoài các cơ chế, chính sách Nhà nước đã quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển thủy sản nhằm đưa ngành Thủy sản Quảng Bình thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng.
Mọi tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực thủy sản, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đều được hưởng chính sách khuyến khích này.
Chương II
QUY ĐỊNH CÁC CHÍNH SÁCH
I. Chính sách về đất đai và mặt nước NTTS
Điều 2. Tạo điều kiện thuận lợi trong việc cho thuê đất, cấp quyền sử dụng đất cho các dự án, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ và các dự án sản xuất con giống nằm trong vùng quy hoạch.
Chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, mặt nước, mặt biển cho đầu tư phát triển thủy sản thực hiện theo Quyết định số 44/2004/QĐ-UB ngày 30 tháng 8 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình về việc ban hành quy định khuyến khích và ưu đãi đầu tư áp dụng tại tỉnh.
II. Chính sách chuyển đổi
Điều 3. Các hộ ngư dân đang hoạt động khai thác hải sản ven bờ, các nghề nằm trong danh mục cấm khai thác có dự án chuyển đổi nghề được duyệt thì được hưởng chính sách như sau:
1. Chuyển đổi sang nghề câu khơi được hỗ trợ một lần 20 triệu đồng (sắm nghề mới và phương tiện).
2. Chuyển đổi sang nghề rê khơi hoặc vây khơi được hỗ trợ một lần bằng 20% giá trị đầu tư nghề nghiệp, tối đa không quá 30 triệu đồng.
3. Chuyển đổi nghề khai thác kém hiệu quả sang nuôi thủy sản được hỗ trợ tối đa không quá 15 triệu đồng/ha.
Điều 4. Được hưởng chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang nuôi trồng thủy sản đối với những vùng tự chuyển đổi chưa được Nhà nước đầu tư:
1. Chuyển đổi các vùng trồng lúa, hoa màu có năng suất thấp qua nuôi thủy sản nước ngọt được hỗ trợ 3 triệu đồng/1ha.
2. Chuyển đổi các vùng đất trồng lúa, đất làm muối, đất sản xuất khác có năng suất thấp, kém hiệu quả sang nuôi thủy sản mặn lợ được hỗ trợ 6 triệu đồng/1ha.
3. Nuôi cá lúa kết hợp có đầu tư đào mương và đắp đê bao thì được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/1ha.
III. Chính sách đào tạo
Điều 5. Mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác hải sản vùng khơi và xa bờ được hỗ trợ kinh phí để đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng bằng 50% chi phí cho khóa học (chi phí đào tạo học viên phải nộp cho nhà trường theo quy định).
Điều 6. Hỗ trợ đào tạo nghề cho đội ngũ công nhân và những người lao động học nghề: Nuôi trồng, khai thác và chế biến bằng 40% phí đào tạo cho mỗi khóa học và không quá 1 triệu đồng/người/khóa.
IV. Chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ sản xuất
Điều 7. Lập quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng:
Hỗ trợ ngân sách đầu tư các vùng nuôi tập trung; các dự án phát triển cơ sở hạ tầng hệ thống thủy lợi cho các vùng nuôi thủy sản, bao gồm: Đê bao, cống, hệ thống kênh cấp, thoát nước chính, trạm bơm, các hệ thống đường giao thông, điện... thực hiện theo Quyết định số 224/1999/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 1999 và Quyết định số 132/2001/QĐ-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính Phủ.
Điều 8. Các tổ chức, cá nhân đầu tư đóng mới tàu khai thác hải sản vùng khơi và xa bờ thay thế tàu có công suất nhỏ khai thác ven bờ có công suất máy chính 60 CV trở lên được hưởng chính sách:
- Hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ.
- Hỗ trợ 50% chi phí mua phao cứu sinh, mức tối đa không quá 50.000đồng/chiếc (tùy theo loại nghề và phương tiện sử dụng để trang bị).
Điều 9. Phát triển con giống và nuôi thủy sản
1. Các xã miền núi phát triển nuôi trồng thủy sản được trợ giá 40% tiền giống và 100% cước phí vận chuyển từ nơi bán đến địa phương nuôi.
2. Các trại sản xuất tôm giống có sản lượng đạt 5 triệu con tôm P15/vụ nuôi trở lên thì được hỗ trợ 2 triệu đồng/1 triệu con.
3. Nuôi lồng biển theo công nghệ mới có dự án được duyệt thì được hỗ trợ 20% chi phí đầu tư lồng nhưng không quá 20 triệu đồng/lồng.
4. Nuôi cá lồng trên hồ chứa được hỗ trợ 1 triệu đồng cho chi phí đầu tư lồng (loại lồng 15m3 trở lên).
V. Chính sách khai thác tìm kiếm thị trường
Điều 10. Hỗ trợ xúc tiến thương mại:
1. Các tổ chức, cá nhân có mặt hàng thủy sản xuất khẩu tỉnh hỗ trợ 30% chi phí xây dựng trang Website để xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm trên thị trường khu vực và thế giới (mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng).
2. Hỗ trợ 30% chi phí quảng bá giới thiệu sản phẩm, khai thác thị trường, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước.
3. Các tổ chức và cá nhân tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm thủy sản của tỉnh thì được hỗ trợ 50% tiền thuê mặt bằng.
VI. Chính sách khoa học công nghệ và khuyến ngư
Điều 11. Khoa học công nghệ và khuyến ngư
- Hỗ trợ di nhập và sản xuất giống thủy sản mới (lần đầu tiên có mặt trên địa bàn) khi có dự án được duyệt, mức hỗ trợ cho sản xuất lần đầu: 100% tiền tôm, cá giống bố mẹ, thức ăn, thuốc và hóa chất.
- Các trại giống cấp I thực hiện lưu giữ tôm, cá bố mẹ có dự án được duyệt thì được hỗ trợ 50% chi phí lưu giữ.
Điều 12. Để đẩy mạnh hoạt động khuyến ngư cơ sở. Những xã có 50 tàu khai thác hải sản trở lên hoặc có diện tích nuôi trồng thủy sản từ 20 ha trở lên được sử dụng một cộng tác viên khuyến ngư, mức hỗ trợ sinh hoạt phí cho mỗi cộng tác viên 100.000đồng/tháng.
Điều 13. Hàng năm, trích 0,5% tổng thu ngân sách trên địa bàn của tỉnh để bố trí cho hoạt động khuyến ngư. Ngoài ngân sách tỉnh các huyện, thành phố tùy theo khả năng của mình để bố trí một phần ngân sách hỗ trợ triển khai các hoạt động khuyến ngư trên địa bàn.
VII. Chính sách BVNL và bảo trợ rủi ro
Điều 14. Các tổ chức cá nhân tham gia vào lĩnh vực bảo tồn tài nguyên và phát triển nguồn lợi thủy sản, có dự án được phê duyệt tỉnh sẽ ưu tiên giao mặt nước, ao, hồ và được cấp phép khai thác các loài thủy sản theo quy định.
Điều 15. Hàng năm tỉnh trích nguồn kinh phí từ ngân sách 50 triệu đồng để hỗ trợ việc thả giống thủy sản vào các vùng nước tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Điều 16. Để phòng ngừa và xử lý dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản tỉnh có chính sách:
+ Hỗ trợ 50% kinh phí kiểm dịch, xét nghiệm bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh MBV cho tôm và một số đối tượng khác.
+ Hàng năm tỉnh trích một khoản kinh phí từ 100 triệu - 150 triệu đồng lập quỹ để hỗ trợ thuốc, hóa chất dập dịch cho các vùng nuôi thủy sản tập trung khi có dịch bệnh xảy ra.
Điều 17. Để giảm bớt thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản trong trường hợp do thiên tai bão lụt, dịch bệnh: Có biên bản xác định mức độ thiệt hại của Hội đồng cấp huyện, thành phố. Hội đồng cấp tỉnh thẩm định thì được hỗ trợ 40% tiền mua giống tại thời điểm cho các hộ, các đơn vị nuôi tôm bị thiệt hại, tiếp tục nuôi lại (nếu còn phù hợp thời vụ).
VIII. Khen thưởng, kỷ luật
Điều 18. Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc được khen thưởng theo quy định của Nhà nước. Những cá nhân, tổ chức lợi dụng chính sách để vụ lợi thì tùy theo mức độ gây thiệt hại sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 19. Trách nhiệm của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:
1. Sở Thủy sản
- Phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chính sách.
- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, cùng các ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển thủy sản. Đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện chính sách của tỉnh, tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết.
2. Sở Tài chính
- Chủ trì phối hợp với Sở Thủy sản, Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng hợp dự toán đề xuất bố trí kinh phí sự nghiệp hỗ trợ từ ngân sách trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo kế hoạch.
- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện định mức hỗ trợ, tổng hợp báo cáo quyết toán việc sử dụng kinh phí thực hiện chính sách.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Thủy sản tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh để bố trí nguồn vốn đầu tư theo các dự án phát triển thủy sản.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch hàng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh theo thẩm quyền, chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện việc thanh quyết toán kinh phí được phân bổ. Ngoài nguồn kinh phí của tỉnh hỗ trợ cho Chương trình các huyện, thành phố cân đối ngân sách để có sự hỗ trợ thêm trên địa bàn.
Trong quá trình thực hiện, có điểm nào chưa phù hợp, vướng mắc các địa phương, đơn vị báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh qua Sở Thủy sản để xem xét điều chỉnh bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.