ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43/1998/QĐ-UB | Bình Phước, ngày 01 tháng 04 năm 1998 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V BỔ SUNG QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ VIỆC NHẬP KHẨU GỖ TỪ CAMPUCHIA QUA CỬA KHẨU TỈNH BÌNH PHƯỚC - PHẦN QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI GỖ MUA BÁN TIỂU NGẠCH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp (sửa đổi) ngày 21 tháng 06 năm 1994.
- Căn cứ Công văn số 02/CP-KTTH ngày 13 tháng 01 năm 1998 và Công văn số 15/VPCP-KTTH ngày 19 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ về việc nhập gỗ từ Campuchia, Quyết định số 2997/NN-PTLN/QĐ ngày 18 tháng 11 năm 1997 của Bộ NN-PTNT về việc ban hành Quy định tạm thời về nhập gỗ Campuchia.
- Theo đề nghị của các Sở, Ngành: NN-PTNT, Hải quan, Kiểm lâm, Giao thông vận tải, TC-VG, BCH biên phòng Tỉnh, BCH quân sự Tỉnh, Công an Tỉnh và UBND Huyện Lộc Ninh.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này “Quy định tạm thời về tổ chức, quản lý việc nhập khẩu gỗ tiểu ngạch từ Campuchia qua cửa khẩu Tỉnh Bình Phước”.
Điều 2: Các ông Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Chủ tịch UBND Huyện Lộc Ninh, Thủ trưởng các Sở, Ngành có liên quan, Giám đốc các doanh nghiệp được phép nhập gỗ Campuchia qua cửa khẩu Tỉnh Bình Phước chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ VIỆC NHẬP KHẨU GỖ TỪ CAMPUCHIA QUA CỬA KHẨU THUỘC TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 43/QĐ-UB, ngày 01 tháng 04 năm 1998, của Ủy ban Nhân dân Tỉnh Bình Phước)
Thực hiện Công văn số 02/CP-KTTH ngày 13 tháng 01 năm 1998 và Công văn số 15/VPCP-KTTH ngày 19 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ, về việc nhập gỗ từ Campuchia, Quyết định số 2997/NN-PTLN/QĐ ngày 18/11/1997 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ban hành Quy định tạm thời về nhập khẩu gỗ Campuchia, và các quy định của các Bộ, Ngành có liên quan.
Ủy ban Nhân dân Tỉnh Bình Phước ban hành phần: Quy định đối với gỗ mua bán tiểu ngạch, bổ sung vào bản Quy định tạm thời về tổ chức, quản lý việc nhập khẩu gỗ từ Campuchia qua cửa khẩu thuộc tỉnh Bình Phước, do UBND Tỉnh ban hành theo Quyết định số 2245/QĐ-UB ngày 03 tháng 12 năm 1997, nội dung cụ thể như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG:
1) Đối với việc mua bán gỗ tiểu ngạch (là hàng hóa tiểu ngạch đặc biệt) từ Campuchia qua cửa khẩu thuộc tỉnh Bình Phước đều phải thực hiện theo đúng quy định:
- Chỉ có các doanh nghiệp Nhà nước trong Tỉnh và ngoài Tỉnh được UBND Tỉnh Bình Phước cho phép bằng văn bản, mới được phép tham gia mua, bán gỗ tiểu ngạch các loại, do các tổ chức kinh tế phía Campuchia sang bán tại hai cửa khẩu Hoa Lư và Hoàng Diệu; loại gỗ và cửa khẩu cho phép nhập tiểu ngạch do UBND Tỉnh quy định cụ thể đối với từng doanh nghiệp.
- Việc mua bán gỗ Campuchia tiểu ngạch phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của Hải quan và Kiểm lâm phía Việt Nam.
- Cho phép các doanh nghiệp Nhà nước được thanh toán tiền mua gỗ trực tiếp cho các tổ chức kinh tế phía Campuchia, sau khi đã hoàn thành thủ tục mua và giao nhận gỗ tại cửa khẩu biên giới. Tuyệt đối nghiêm cấm việc đưa người và phương tiện Việt Nam sang đất Campuchia để mua bán và giao nhận, vận chuyển và thanh toán tiền mua gỗ.
2) Tất cả các Doanh nghiệp Nhà nước tham gia mua gỗ tiểu ngạch từ Campuchia qua cửa khẩu thuộc tỉnh Bình Phước; phải thực hiện theo đúng các quy định có liên quan của Chính phủ và của Bộ NN-PTNT và UBND Tỉnh Bình Phước; và chịu sự quản lý của các ngành chức năng chính quyền địa phương có cửa khẩu nhập gỗ về việc quản lý người, phương tiện đi lại, hoạt động và tạm trú trong khu vực biên giới; về đăng ký tạm nhập, tái xuất người và phương tiện Campuchia vận chuyển gỗ qua kho bãi giao nhận trên đất Việt Nam…nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về tài sản, tính mạng, phương tiện của doanh nghiệp và trật tự, trị an cho khu vực biên giới.
3) Giao Bộ chỉ huy biên phòng, Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh, Cục Hải quan, Công an Tỉnh, Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp - PTNT, Sở Giao thông - Vận tải, UBND Huyện Lộc Ninh và Văn phòng UBND Tỉnh Bình Phước chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ chức trách có liên quan đến việc mua bán gỗ tiểu ngạch tại các cửa khẩu thuộc tỉnh. Tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra gỗ Campuchia nhập khẩu Tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các thủ tục quy định và chấp hành các quy định quản lý của Ngành và của địa phương có liên quan.
II. CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ:
1). Về việc đăng ký để được UBND Tỉnh cho phép nhập tiểu ngạch:
Sau khi thỏa thuận, hoặc ký kết hợp đồng mua bán với tổ chức kinh tế phía Campuchia, Doanh nghiệp Nhà nước trực tiếp đến liên hệ Văn phòng UBND Tỉnh, để được UBND Tỉnh Bình Phước xem xét và giải quyết. Hồ sơ xuất trình tại Văn phòng UBND Tỉnh gồm có:
1. Công văn xin nhập khẩu gỗ từ Campuchia qua cửa khẩu thuộc tỉnh Bình Phước của doanh nghiệp.
2. Hợp đồng kinh tế hoặc văn bản thỏa thuận mua bán gỗ.
3. Văn bản cho phép Tổ chức kinh tế đối tác phía Campuchia bán gỗ cho Việt Nam của Tỉnh trưởng (hoặc cấp có thẩm quyền tương đương) của Tỉnh đối diện cửa khẩu phía Campuchia.
Toàn bộ hồ sơ xuất trình phải là bản gốc, kèm theo 1 bản sao có công chứng; nếu văn bản viết bằng ngoại ngữ, phải có bản dịch của cơ quan dịch thuật có thẩm quyền.
2) Về đăng ký hồ sơ nhập khẩu tiểu ngạch tại Hải quan cửa khẩu và biên phòng:
Sau khi được UBND Tỉnh Bình Phước cho phép các doanh nghiệp đến đăng ký làm thủ tục nhập khẩu gỗ tiểu ngạch các loại tại Hải quan cửa khẩu và đồn biên phòng nơi được phép nhập. Hồ sơ đăng ký tại Hải quan cửa khẩu và đồn biên phòng gồm có:
1. Giấy giới thiệu của doanh nghiệp cử người đến làm việc tại hải quan và biên phòng.
2. Văn bản cho phép mua bán gỗ tiểu ngạch có quy định rõ số lượng, loại gỗ, cửa khẩu cho phép nhập của UBND Tỉnh Bình Phước.
3. Hợp đồng kinh tế hoặc văn bản thỏa thuận mua bán gỗ tiểu ngạch.
4. Tờ khai hàng hóa nhập khẩu tiểu ngạch do doanh nghiệp Việt Nam lập theo mẫu biểu và hướng dẫn của Hải quan cửa khẩu nhập.
5. Văn bản xác nhận về kiểm dịch thực vật. (Để đảm bảo thủ tục nhập khẩu được nhanh chóng, Sở NN và PTNT Tỉnh cử cán bộ kiểm dịch, có mặt và làm nhiệm vụ thường xuyên tại cửa khẩu cho phép nhập).
4) Về cửa khẩu cho phép mua bán gỗ tiểu ngạch:
Trước mắt chỉ được phép nhập khẩu gỗ theo phương thức mua bán tiểu ngạch qua 2 cửa khẩu thuộc tỉnh Bình Phước đã được Chính phủ cho:
- Cửa khẩu quốc gia Hoa Lư (giáp với huyện Snoul, tỉnh Kratie’, Vương quốc Cambodia).
- Cửa khẩu tiểu ngạch Hoàng Diệu (giáp với huyện Shi ma, tỉnh Moldonkiri,”).
Trường hợp Chính phủ cho phép mua bán gỗ tiểu ngạch tại cửa khẩu khác, UBND Tỉnh sẽ có văn bản cho phép sau.
Nếu các doanh nghiệp tự ý móc nối đưa gỗ sang Việt Nam không qua các cửa khẩu do UBND Tỉnh quy định, hoặc qua các ngầm, ngõ ngách 2 bên cửa khẩu chính… đều bị xem là nhập lậu, và sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
5) Về gỗ mua bán tiểu ngạch:
Quy cách gỗ mua bán tiểu ngạch:
Đối với gỗ tròn, gỗ chế biến và gỗ xẻ theo quy cách áp dụng giống như gỗ nhập chính ngạch.
- Riêng đối với nọc tiêu: tạm thời xác định quy cách nọc tiêu là những đoạn gỗ có đường kính, bề dày trung bình nhỏ hơn 25cm; chiều dài ngắn hơn 5m, được sử dụng đơn vị tính bằng nọc; nếu là gỗ chưa qua cưa xẻ thành nọc, (đường kính >25cm; chiều dài >5m), thống nhất gọi là gỗ nọc tiêu thì phải lập lý lịch như gỗ tròn bình thường, đơn vị tính mét khối.
6) Về việc đăng ký xin tạm nhập, tái xuất người, phương tiện Campuchia vận chuyển gỗ tiểu ngạch sang Việt Nam và lập bãi giao nhận, kiểm hóa:
Thực hiện đúng theo những quy định như đối với gỗ nhập khẩu theo chính ngạch và quy định này. Việc lập kho bãi tập kết gỗ không được để trong vùng cấm, bãi tập kết để càng sâu trong đất liền càng tốt.
Giao cho UBND Huyện Lộc Ninh chủ trì, phối hợp với Bộ chỉ huy Biên phòng Tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn và kiểm tra, kiểm soát việc lập kho bãi tập kết gỗ; thực hiện đăng ký tạm trú; đăng ký người và phương tiện Việt Nam vào khu vực biên phòng phục vụ công việc quản lý kho bãi, bóc dở và vận chuyển gỗ nhập khẩu, cũng như tổ chức thu tiền thuê bãi đổ gỗ do doanh nghiệp Việt Nam nộp.
Doanh nghiệp nhập khẩu gỗ chịu trách nhiệm hoàn toàn về an ninh, trật tự; phòng cháy chữa cháy; bảo vệ vệ sinh môi trường và bảo vệ rừng tại khu vực kho bãi gỗ. Ngoài ra để việc bảo quản, tổ chức đo đếm kiểm tra và theo dõi xuất kho sau này được thuận lợi, gỗ tròn chứa trên bãi phải đổ thành từng dãy cách biệt, theo hướng lóng gỗ nằm ngang song song, không chồng chất quá cao, dọn sạch thực bì, cỏ rác và có đường cho xe vào để chữa cháy…để chủ động phòng cháy.
7) Về kiểm tra mua bán tiểu ngạch:
Tất cả gỗ mua bán tiểu ngạch từ Campuchia qua cửa khẩu biên giới thuộc tỉnh Bình Phước, đều phải chịu sự kiểm tra của Tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra gỗ Campuchia nhập khẩu Tỉnh, do UBND tỉnh Bình Phước ra quyết định thành lập. Để thuận tiện cho việc kiểm tra gỗ tiểu ngạch nhập cùng lúc tại 2 cửa khẩu, Tổ KTLN có trách nhiệm bố trí lực lượng thường trực, phối hợp với Hải quan, Đồn biên phòng cửa khẩu tổ chức kiểm tra chặt chẽ trong suốt thời gian cho phép nhập gỗ.
Phương pháp kiểm tra:
* Xác định cơ sở pháp lý để kiểm tra, đối chiếu:
Cơ sở pháp lý để kiểm tra, đối chiếu là: Khối lượng, số lượng gỗ do doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam tự khai báo trong Tờ khai hàng hóa nhập khẩu tiểu ngạch khi làm thủ tục tại Hải quan cửa khẩu.
Đối với gỗ tròn theo yêu cầu khai báo số lóng, tổng khối lượng và khối lượng chi tiết như sau:
- Cụ thể đến khối lượng cho từng nhóm gỗ đối với từ nhóm I đến nhóm IV.
(Theo bảng phân loại 8 Nhóm của Việt Nam);
- Khối lượng tính chung cho gỗ từ nhóm V đến nhóm VIII.
(Theo bảng phân loại 8 Nhóm của Việt Nam).
Riêng đối với nọc tiêu đúng quy cách sử dụng, hoặc đã cưa xẻ theo quy cách sử dụng (có đường kính hoặc bề dày < 25cm; chiều dài < 5m) được phép khai báo theo số nọc…gỗ nọc tiêu chưa cưa xẻ ra đúng quy cách sử dụng phải khai báo khối lượng như gỗ tròn, gỗ xẻ sơ chế.
Khối lượng (số lượng) khai báo theo từng nhóm gỗ, loại gỗ sẽ là cơ sở pháp lý để đối chiếu với khối lượng (hoặc số lượng) theo từng nhóm gỗ, loại gỗ thực nhập, trong quá trình kiểm hóa, xử lý sai phạm và làm thủ tục xác nhận gỗ nhập khẩu tiểu ngạch hợp pháp.
Để đảm bảo tính chất mua bán tiểu ngạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai báo của doanh nghiệp, cũng như kiểm tra giám sát chặt chẽ của các ngành chức năng: Doanh nghiệp Việt Nam lập Tờ khai hàng hóa nhập khẩu tiểu ngạch cụ thể cho từng ngày, và phải nộp tờ khai cho Hải quan cửa khẩu và Trạm kiểm soát biên phòng trước khi nhập gỗ về Việt Nam.
* Kiểm tra sơ bộ tại Trạm kiểm soát cửa khẩu:
trạm kiểm soát Hải quan cửa khẩu kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ nhập khẩu gỗ tiểu ngạch và thực hiện việc kiểm tra sơ bộ để làm cơ sở pháp lý ban đầu. Trạm kiểm tra các quy định về an ninh trật tự trong khu vực biên phòng. Doanh nghiệp có trách nhiệm đưa gỗ vào đúng bãi tập kết đã đăng ký.
* Kiểm tra cụ thể tại kho bãi tập kết:
Do bộ phận thường trực của Tổ kiểm tra liên ngành Tỉnh bố trí tại cửa khẩu phối hợp cùng đại diện Hải quan cửa khẩu. Đồn biên phòng quản lý cửa khẩu nhập thực hiện và lập biên bản ghi nhận kết quả kiểm tra cụ thể cho từng Tờ khai Nhập khẩu hàng hóa tiểu ngạch.
Sau mỗi đợt nhập, với khối lượng gỗ nhập nhất định, theo yêu cầu của doanh nghiệp, Tổ kiểm tra tra liên ngành tiến hành tổng hợp các biên bản đã lập các biên bản đã lập, lập báo cáo và đề xuất hướng giải quyết, xử lý cho UBND Tỉnh xem xét, ra văn bản công nhận kết quả kiểm tra hoặc quyết định xử lý nếu có sai phạm.
a) Tiến hành kiểm tra, đo đếm, đánh mới số hiệu đầu lóng và đóng dấu búa kiểm lâm Việt Nam xác nhận gỗ có nguồn gốc mua bán tiểu ngạch từ Campuchia… để lập bộ lý lịch chính xác đối với toàn bộ (100%) số gỗ tròn thực nhập.
Phương pháp đo, trừ phẩm chất đối với gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ chế biến áp dụng theo quy định như nhập chính ngạch.
b) Đối với nọc tiêu:
- Nếu có kích thước tự nhiên hoặc đã cưa xẻ theo đúng quy cách sử dụng đã nêu ở trên không phải lập lý lịch chỉ cần đếm số nọc, và đóng búa KL-VN xác nhận nọc tiêu có nguồn gốc mua tiểu ngạch từ Campuchia.
- Nếu là gỗ nọc tiêu chưa cưa xẻ, hoặc cưa xẻ chưa ra quy cách sử dụng, phải lập lý lịch cụ thể cho từng lóng, hoặc lập bảng kê gỗ xẻ theo từng quy cách của thanh bổ 2, bổ 4… tiến hành đóng búa xác nhận gỗ có nguồn gốc mua bán tiểu ngạch từ Campuchia.
Trường hợp khai báo nhập số nọc đúng quy cách sử dụng (khai báo số lượng nọc), thực tế nhập gỗ nọc tiêu lớn hơn quy cách sử dụng, để lợi dụng mang về xẻ thành nhiều nọc nhỏ, xem như nhập thừa số lượng (đúng ra phải khai báo như gỗ tròn hoặc gỗ xẻ sơ chế), khi phát hiện phải đo và lập lý lịch cụ thể cho từng lóng, hoặc bảng kê nếu là gỗ sơ chế có quy cách, sắc mộc đồng nhất để ghi vào biên bản về số lượng khối lượng gỗ sai phạm chính xác.
8) Về xử lý sai phạm phát hiện:
Xuất phát từ quan điểm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các Doanh nghiệp Nhà nước mua được nhiều gỗ tốt, gỗ có giá trị từ Campuchia… để đáp ứng kịp thời nhu cầu gỗ khôi phục thiệt hại sau cơn bão số 5; phát triển sản xuất trong nước và chế biến hàng xuất khẩu… Việc xử lý sai phạm phát hiện được qua kiểm tra gỗ mua bán tiểu ngạch từ Campuchia qua cửa khẩu thuộc tỉnh Bình Phước, thực hiện theo Nghị định số 01/CP ngày 03/01/1996 của Chính phủ và được quy định cụ thể như sau:
Sai phạm về khối lượng:
Khối lượng gỗ thực nhập so với khối lượng gỗ khai báo của từng Tờ khai Hải quan không được vượt quá dung sai cho phép: +- 10% đối với gỗ tròn, hoặc +- 5% đối với gỗ xẻ và gỗ chế biến. Nếu doanh nghiệp mua gỗ tiểu ngạch sai phạm về khối lượng sẽ bị xử lý:
Tỷ lệ % thừa khối lượng so với khối lượng khai báo | Mức phạt hành chính | ||
Đối với gỗ tròn | Đối với gỗ chế biến và gỗ xẻ | Bằng tiền | |
- Sai phạm từ 11% đến 30% | - Sai phạm từ 6% đến 15% | 2.000.000 đ | |
- Sai phạm từ 31% đến 50% | - Sai phạm từ 16% đến 25% | 5.000.000 đ | |
- Sai phạm từ 51% trở lên | - Sai phạm từ 26% trở lên | 10.000.000 đ | |
|
|
|
|
Sai phạm nhập gỗ tiểu ngạch sai nhóm gỗ, thừa số lóng, theo khai báo nhập:
Gỗ thực nhập có sắc mộc nằm ngoài các nhóm gỗ doanh nghiệp đã khai báo nhập, dẫn đến sai lệch về giá trị giữa nhóm gỗ khai báo hoặc thừa số lóng theo khai báo sẽ bị xử lý phạt vi phạm hành chính tùy theo mức độ sai phạm trên cơ sở đề nghị của Tổ kiểm tra liên ngành và bị tịch thu toàn bộ số lóng dư và khối lượng sai sắc mộc.
Sai phạm nhập nọc tiêu lớn hơn quy cách sử dụng, để lợi dụng cưa xẻ thành nhiều nọc nhỏ hoặc sử dụng vào mục đích khác:
Do khai báo nhập nọc tiêu không đúng quy cách sử dụng (khai báo theo số lượng), thực tế nhập gỗ nọc tiêu lớn hơn quy cách sử dụng (đúng ra phải khai báo theo khối lượng như gỗ tròn hoặc gỗ xẻ sơ chế) sai số cho phép là 10% đvt là m3, để lợi dụng mang về xẻ thành nhiều nọc nhỏ, hoặc sử dụng vào mục đích khá.
Mọi trường hợp cố ý hay vô tình nhập nọc tiêu lớn hơn quy cách sử dụng, đều bị xử phạt hành chính như sau (trên cơ sở đề nghị của Tổ kiểm tra liên ngành):
- Quy cách, phẩm chất gỗ nọc tiêu thực nhập chỉ có thể cưa xẻ thành nhiều nọc tiêu nhỏ hơn, thì phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, tùy theo phẩm chất, sắc mộc và giá trị khi sử dụng vào mục đích khác.
9) Xử lý gỗ nhập tiểu ngạch sai phạm:
Toàn bộ khối lượng gỗ Campuchia nhập tiểu ngạch sai phạm sau khi có QĐ xử phạt hành chính và xử lý tịch thu, giao cho Sở Tài chính - Vật giá và Hội đồng định giá của Tỉnh xác định giá trị thực tế, tổ chức bán đấu giá theo quy định.
Ngoài các khoản tiền: Phạt hành chính (nếu có); Thuế nhập khẩu hàng hóa tiểu ngạch và lệ phí Hải quan theo quy định, Doanh nghiệp nhập gỗ tiểu ngạch từ Campuchia tại các cửa khẩu thuộc Tỉnh Bình Phước phải nộp các khoản về duy tu bảo dưỡng đường bộ và lệ phí thuê bãi gỗ theo mức quy định và nộp cho cơ quan chức năng như đối với chính ngạch.
Khối lượng gỗ thực nhập: được xác định trên biên bản kiểm tra của Tổ kiểm tra liên ngành hoặc quyết định xử phạt, văn bản công nhận kết quả kiểm tra của UBND Tỉnh Bình Phước là căn cứ pháp lý để doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục trước khi vận chuyển tiêu thụ.
Sau khi thực hiện đủ các thủ tục, doanh nghiệp đến tại Hải quan cửa khẩu, xuất trình bản chính văn bản công nhận kết quả kiểm tra (hoặc toàn bộ hồ sơ xử lý nếu có sai phạm) cùng với biên lai thu các khoản lệ phí phải nộp khác… Hải quan cửa khẩu chịu trách nhiệm kiểm tra doanh nghiệp đã chấp hành xử lý và có nộp đủ, nộp đúng số tiền phải nộp theo quy định, mới được phép làm thủ tục thanh khoản Tờ khai HQ: xử lý những sai phạm quy định về Hải quan, thu thuế nhập khẩu, sau đó mới xác nhận hoàn thành thủ tục Hải quan, và giải quyết cho xuất kho vận chuyển tiêu thụ.
10) Việc xuất kho vận chuyển và phúc kiểm gỗ nhập tiểu ngạch:
Thực hiện theo đúng các quy định như đối với gỗ nhập chính ngạch từ Campuchia.
Sau khi đã hoàn thành toàn bộ thủ tục, khi vận chuyển trên đường, doanh nghiệp chỉ chịu sự kiểm tra giám sát tại phúc kiểm của Tỉnh. Khi vận chuyển, doanh nghiệp đến trình báo tại Trạm phúc kiểm củ a Tỉnh trước (kèm theo hồ sơ và hóa đơn xuất kho của đợt vận chuyển đó).
Nghiêm cấm tất cả các lực lượng tổ chức kiểm tra dọc tuyến đường vận chuyển gỗ nhập có nguồn gốc từ CPC, trừ trường hợp vi phạm quả tang phải có lệnh của Thủ trưởng ngành đó. Thủ trưởng các ngành có liên quan chịu trách nhiệm trước UBND Tỉnh và pháp luật của Nhà nước, nếu để lực lượng của mình tổ chức kiểm tra trái phép đối với gỗ có nguồn gốc CPC trong quá trình vận chuyển của doanh nghiệp (nội dung này cũng được áp dụng đối với vận chuyển gỗ chính ngạch).
Trên đây là nội dung quy định đối với gỗ mua bán tiểu ngạch, bổ sung vào bản Quy định tạm thời về tổ chức, quản lý việc nhập khẩu gỗ Campuchia qua cửa khẩu đường bộ trên địa bàn Tỉnh Bình Phước, do UBND Tỉnh Bình Phước ban hành kèm theo Quyết định số 2245/QĐ-UB ngày 03 tháng 12 năm 1997, quy định này đã được thông qua các ngành có liên quan, đại diện doanh nghiệp có nhập khẩu gỗ tiểu ngạch và… thống nhất triển khai thực hiện.
Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.