BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4296/2004/QĐ-BYT | Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG THI ĐUA - KHEN THƯỞNG BỘ Y TẾ
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 49/CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 154/1998/QĐ-TTg ngày 25/8/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ và thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp;
Căn cứ Quyết định số 4240/QĐ-BYT ngày 26/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc thành lập Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Y tế (kèm theo Quyết định này).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành. Các quy định trước đây trái với quy định của Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3.Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục của cơ quan Bộ Y tế, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ và các thành viên của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG THI ĐUA - KHEN THƯỞNG BỘ Y TẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4296/QĐ-BYT ngày 02 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
I. MỐI QUAN HỆ LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG
1. Quan hệ làm việc giữa các thành viên Hội đồng:
a)- Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế, có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của Hội đồng.
b)- Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Y tế thay mặt Chủ tịch Hội đồng khi Chủ tịch Hội đồng vắng mặt hoặc được uỷ quyền có trách nhiệm chủ trì các cuộc họp Hội đồng; kiểm tra, đôn đốc công việc của Hội đồng, phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong toàn ngành Y tế.
c)- Phó Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn phong trào thi đua thực hiện kế hoạch công tác trong cán bộ, công nhân viên chức ngành y tế; phát hiện kịp thời và nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương "Người tốt, việc tốt" trong ngành Y tế.
d)- Các Uỷ viên của Hội đồng có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng thuộc lĩnh vực công tác được phân công phụ trách theo đúng hướng dẫn của Lãnh đạo Bộ và Biên bản họp của Hội đồng; thường xuyên phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến, đúc kết kinh nghiệm về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong lĩnh vực công tác của mình được phân công phụ trách; báo cáo kết quả công việc đó trong các cuộc họp của Hội đồng.
đ)- Uỷ viên Thường trực và Uỷ viên Thư ký của Hội đồng, có trách nhiệm tổng hợp và thường trực của Hội đồng; tham mưu và giúp Hội đồng về hướng dẫn phong trào thi đua và công tác khen thưởng toàn ngành.
2. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng:
a)- Hội đồng hoạt động theo nguyên tắc công khai, dân chủ, quyết định theo đa số.
b)- Khi xem xét và đánh giá về khen thưởng phải gắn với kết quả phong trào thi đua. Do đó nơi nào không có, hoặc có phong trào thi đua nhưng hiệu quả và chất lượng kém thì nơi đó không được xét khen thưởng. Phải bảo đảm tính hệ thống và tính liên tục trong thi đua, khen thưởng.
c)- Hội đồng tổ chức họp 3 tháng 1 lần. Trừ trường hợp đột xuất, Chủ tịch Hội đồng quyết định triệu tập. Các phiên họp Hội đồng chỉ hợp lệ khi có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng tham dự.
d)- Trường hợp cần thiết nhưng không tổ chức họp Hội đồng được thì Chủ tịch Hội đồng quyết định việc lấy ý kiến bằng văn bản thay cho biểu quyết tại cuộc họp.
II.QUY TRÌNH XÉT KHEN THƯỞNG CỦA HỘI ĐỒNG
1.Xét Huân chương,Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ:
Thường trực cho Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Bộ thực hiện theo quy trình sau:
a)- Hướng dẫn đơn vị chuẩn bị các thủ tục về hồ sơ khen thưởng theo quy định của Nghị định hướng dẫn thi hành Luật thi đua, khen thưởng.
b)- Thẩm định thành tích của các tập thể và cá nhân đề nghị khen thưởng.
c)- Lấy ý kiến nhận xét của các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam về các tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng.
d)- Tổng hợp thành tích, phiếu tín nhiệm của cơ sở, ý kiến của các Vụ, Cục , Thanh tra Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam, dự kiến mức khen thưởng gửi các thành viên Hội đồng nghiên cứu và xem xét trước khi họp Hội đồng. Nếu có vấn đề cần bổ sung, giải thích hoặc làm rõ, các thành viên Hội đồng phải thông báo sớm để vụ Pháp chế giải trình, bổ sung hoặc chuẩn bị thêm trước khi đưa ra cuộc họp Hội đồng.
đ)- Trình Chủ tịch Hội đồng triệu tập cuộc họp để xét khen thưởng. Vụ Pháp chế có trách nhiệm trình bày trước Hội đồng về từng trường hợp đề nghị khen thưởng.
e)- Tổng hợp và hoàn tất các thủ tục trình Lãnh đạo Bộ ký trình Thủ tướng Chính phủ (Qua Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương).
2. Xét danh hiệu: Anh hùng lao động, Chiến sĩ thi đua cấp ngành, cấp toàn quốc:
Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng thực hiện quy trình sau:
a)- Hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng quy trình, thủ tục hồ sơ xét chọn và đề nghị xét phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động theo đúng quy định tại Thông tư số 16/1999/TT- BYT ngày 9/8/1999 của Bộ Y tế.
b)- Hướng dẫn các đơn vị viết báo cáo thành tích, tóm tắt thành tích của tập thể và cá nhân được đề nghị xét tặng.
c)- Thẩm định thành tích của các tập thể và cá nhân được đề nghị khen thưởng.
d)- Lấy ý kiến của các Vụ, Cục có liên quan, Thanh tra Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam về các tập thể, cá nhân được đề nghị tuyên dương Anh hùng.
đ)- Tổng hợp thành tích, phiếu tín nhiệm ở cơ sở, ý kiến của các Vụ, Cục có liên quan, Thanh tra Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam về các tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng và gửi đến các thành viên Hội đồng xem xét trước khi tiến hành họp Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Bộ.
e)- Sau khi đã hoàn tất thủ tục trên, Vụ Pháp chế báo cáo Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Bộ và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định để trình Lãnh đạo Bộ ký trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xét phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.
3. Xét Cờ Thi đua hằng năm của Chính phủ và Bộ Y tế:
a)- Căn cứ vào số lượng Cờ thi đua đã dự kiến, Vụ Pháp chế phân bổ chỉ tiêu và hướng dẫn các hệ công tác về thủ tục hồ sơ xét Cờ thi đua (Vào tháng 11 hằng năm).
b)- Các hệ công tác: căn cứ số Cờ thi đua của Hội đồng phân cho hệ mình, lập danh sách các đơn vị dự kiến tặng Cờ thi đua gửi về Vụ Pháp chế (vào cuối tháng 11 hằng năm); hoàn tất thủ tục hồ sơ của các đơn vị đề nghị tặng Cờ thi đua về vụ Pháp chế (vào tháng 12 hằng năm).
c)- Phối hợp với Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức kiểm tra, thẩm định những đơn vị được giới thiệu tặng Cờ thi đua.
d)- Tổng hợp và báo cáo Hội đồng về quá trình bình xét, thẩm định. Các Vụ, Cục có trách nhiệm bảo vệ thành tích của các đơn vị do mình giới thiệu trước Hội đồng.
đ)- Tổng hợp kết quả, hoàn tất thủ tục trình Lãnh đạo Bộ ký trình Thủ tướng Chính phủ (Đối với Cờ thi đua của Chính phủ) và trình Bộ trưởng ký Quyết định tặng Cờ thi đua của Bộ Y tế.
4. Xét Kỷ niệm chương " Vì sức khoẻ nhân dân":
Thực hiện theo Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sức khoẻ nhân dân"
5. Xét Bằng khen Bộ và các hình thức khen thưởng khác:
a)- Vụ Pháp chế chịu trách nhiệm tổng hợp danh sách, kiểm tra thủ tục hồ sơ theo quy định của các đơn vị đề nghị xét khen thưởng.
b)- Đối với việc xét tặng Bằng khen cho các chương trình, dự án, chuyên đề công tác thì cần phải có ý kiến của các Vụ, Cục chuyên môn liên quan.
c)- Sau khi hoàn tất thủ tục hồ sơ, Vụ Pháp chế trình Lãnh đạo Bộ xem xét và Quyết định.
6. Quy trình về hiệp y khen thưởng:
a)- Các tập thể và cá nhân do Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị Bộ Y tế hiệp y thuộc lĩnh vực công tác của Vụ, Cục nào thì lấy ý kiến nhận xét của Vụ, Cục đó. Nếu hiệp y cho Sở Y tế và Giám đốc Sở Y tế, thì lấy ý kiến của Vụ Tổ chức cán bộ. Tất cả các trường hợp đề nghị hiệp y đều phải có ý kiến của Thanh tra Bộ Y tế.
b)- Vụ Pháp chế tổng hợp và dự thảo công văn trình Lãnh đạo Bộ ký.
| BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.