TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 426-QĐ | Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 1994 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA TẬP THỂ THẨM PHÁN PHỤ TRÁCH VIỆC GIẢI QUYẾT YÊU CẦU TUYÊN BỐ PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP
CHÁNH ÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ vào Luật tổ chức Toà án nhân dân;
Căn cứ vào Luật phá sản doanh nghiệp được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 30-12-1993,
QUYẾT ĐỊNH
1. Trong trường hợp việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp do một tập thể Thẩm phán phụ trách thì trong Quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp phải nêu rõ họ và tên của các Thẩm phán được chỉ định phụ trách việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp và nêu rõ là Thẩm phán nào trong số các Thẩm phán đó được giao nhiệm vụ trách nhiệm tập thể Thẩm phán.
2. Ngay sau khi có Quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, Thẩm phán được giao nhiệm vụ phụ trách tập thể Thẩm phán phải tổ chức họp tập thể Thẩm phán để phân công nhiệm vụ cho từng Thẩm phán, cụ thể như sau :
- Thẩm phán được giao nhiệm vụ phụ trách tập thể Thẩm phán phụ trách chung toàn bộ hoạt động của tập thể Thẩm phán, tổ chức và chủ trì hội nghị chủ nợ.
- Một Thẩm phán được giao nhiệm vụ thu thập tài liệu, chứng cứ để lập hồ sơ giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.
- Một Thẩm phán được giao nhiệm vụ giám sát và kiểm tra hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quá trình giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp; giám sát việc thanh toán các khoản nợ mới phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp trong thời gian giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.
3. Trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao, nếu thấy cần quyết định về một vấn đề nào đó liên quan đến việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp hoặc thấy có vấn đề khó khăn, vướng mắc cần được tập thể Thẩm phán cho ý kiến để giải quyết thì Thẩm phán là thành viên của tập thể Thẩm phán phải báo cáo kịp thời với Thẩm phán được giao nhiệm vụ phụ trách tập thể Thẩm phán để tổ chức họp tập thể Thẩm phán thảo luận và quyết định.
4. Thẩm phán được giao nhiệm vụ phụ trách tập thể Thẩm phán có quyền triệu tập họp tập thể Thẩm phán hoặc yêu cầu từng thành viên của tập thể Thẩm phán báo cáo về tiến trình, kết quả việc thực hiện nhiệm vụ được giao và phải chịu trách nhiệm trước Chánh án Toà kinh tế Toà án cấp tỉnh về toàn bộ hoạt động của tập thể Thẩm phán trong việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.
5. Trong trường hợp việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp chưa kết thúc, mà có Thẩm phán trong tập thể Thẩm phán phụ trách việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp nhận nhiệm vụ công tác khác, đi công tác xa lâu ngày hoặc ốm đau kéo dài... thì Chánh toà Toà kinh tế Toà án cấp tỉnh theo yêu cầu của các Thẩm phán còn lại hoặc tự mình ra quyết định chỉ định bổ sung hoặc thay đổi Thẩm phán khác. Quyết định này phải được gửi cho các bên đương sự.
6. Tập thể Thẩm phán phải thảo luận và quyết định theo đa số đối với các vấn đề sau đây :
a. Ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ;
b. Ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp ;
c. Cho phép doanh nghiệp cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng, bán tài sản của doanh nghiệp hoặc thanh toán nợ có bảo đảm từ tài sản của doanh nghiệp ;
d. Xem xét khiếu nại của chủ nợ và doanh nghiệp mắc nợ về danh sách chủ nợ ;
đ. Ra quyết định bảo toàn tài sản thế chấp hoặc cầm cố, tổ chức việc xác định giá trị của tài sản đó ;
e. Ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp.
Trong trường hợp có một Thẩm phán vắng mặt thì hai Thẩm phán còn lại vẫn có thể thảo luận và quyết định về các vấn đề trên đây, nhưng quyết định chỉ có giá trị khi cả hai Thẩm phán đều thống nhất ý kiến với nhau.
7. Tất cả các thành viên tập thể Thẩm phán phải có mặt tại Hội nghị chủ nợ.
Trong trường hợp ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, tập thể Thẩm phán phải thảo luận và biểu quyết theo đa số về phương án phân chia giá trị tài sản của doanh nghiệp.
Các quyết định của tập thể Thẩm phán và biên bản Hội nghị chủ nợ phải được tất cả các thành viên tập thể Thẩm phán và thư ký hội nghị ký tên.
8. Sau khi quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp có hiệu lực, Chánh toà Toà kinh tế Toà án cấp tỉnh chỉ định một Thẩm phán là thành viên tập thể Thẩm phán phụ trách việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp đó giám sát việc bàn giao tài sản và các giấy tờ, tài liệu có liên quan giữa Tổ quản lý tài sản và Tổ thanh toán tài sản.
| Phạm Hưng (Đã Ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.