UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 42/2003/QĐ-UB | Lạng Sơn, ngày 31 tháng 12 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH THỦ TỤC, TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT HỘ KHẨU THEO CƠ CHẾ "MỘT CỬA" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp ngày 26/ 11/ 2003;
Căn cứ Quyết định số: 181/2003/QĐ-TTG ngày 4/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thực hiện cơ chế "Một cửa" tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương;
Căn cứ Nghị định số: 51/CP ngày 10/5/1997 của Chính Phủ về đăng ký hộ khẩu;
Căn cứ Thông tư số: 06/TT- BNV ngày 20/6/1997 của Bộ nội vụ (nay là Bộ công an) Hướng dẫn thực hiện Nghị định 51/CP ngày 10/5/1997 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành Quy định thủ tục, trình tự giải quyết hộ khẩu theo cơ chế "Một cửa" trên địa bàn tỉnh Lạng sơn.
Điều 2: Giao cho Giám đốc Công an tỉnh hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện Quyết định này.
Điều 3: Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/ 01/2004.
Điều 4: Chánh văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND và Trưởng Công an các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | T.M UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN |
QUI ĐỊNH
THỦ TỤC, TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT HỘ KHẨU THEO CƠ CHẾ "MỘT CỬA" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 42 /2003/QĐ-UB ngày 31 /12/2003 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh Lạng sơn)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Những căn cứ để ban hành quy định:
1. Căn cứ Nghị định số: 51/CP ngày 10/ 05/1997 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đăng ký quản lý hộ khẩu.
2. Căn cứ Thông tư số: 06/TT - BNV ngày 20/6/1997 của Bộ nội vụ (nay là Bộ công an) Hướng dẫn thực hiện Nghị định 51/CP của Chính phủ.
3. Căn cứ Quyết định số: 181/2003/QĐ - TTg ngày 04/ 09/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành qui chế thực hiện cơ chế " Một cửa" tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
Điều 2. Phạm vi áp dụng:
Quy định này áp dụng thủ tục, trình tự giải quyết hộ khẩu gồm: Đăng ký chuyển đi, đăng ký chuyển đến, đính chính họ tên, chữ đệm, ngày tháng năm sinh, đăng ký tạm trú, tạm vắng.
Chương II
ĐĂNG KÝ HỘ KHẨU CHO NGƯỜI CHUYỂN ĐẾN
Điều 3. Điều kiện nhập khẩu:
1. Người chuyển đến phải có nhà ở hợp pháp gồm một trong các trường hợp sau:
a. Nhà ở thuộc sở hữu của mình.
b. Nhà ở được quyền sử dụng hợp pháp (Có quyết định phân nhà, có hợp đồng thuê ).
c. Được chủ hộ gia đình đồng ý cho ở nhà hợp pháp của chủ hộ.
Nhà ở hợp pháp nói trên phải có đủ giấy tờ xác nhận về quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật. Phải đảm bảo vệ sinh, môi trường và đủ diện tích tối thiểu theo quy định, không trong diện đang tranh chấp, vùng quy hoạch phải dời chuyển.
2. Đối với người chuyển đến thị xã, Thành phố phải có thêm một trong các điều kiện sau:
a. Được cơ quan nhà nước cấp có thẩm quyền điều động, tuyển dụng vào làm việc ở địa bàn Thành phố.
b. Đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân đang công tác ổn định tại địa bàn thành phố.
c. Công chức, viên chức đang làm việc ở các huyện giáp ranh, hàng ngày về ăn ở với bố, mẹ (nếu chưa có vợ, chồng) vợ, chồng, con đang là nhân khẩu thường trú ở Thành phố.
d. Những người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, về nghỉ mất sức xin chuyển đến ở với con hoặc anh chị, em ruột (nếu không có vợ, chồng, con) đang là nhân khẩu thường trú ở Thành phố.
đ. Những người mất khả năng lao động bao gồm: Người tàn tật, mất trí, bệnh tật đến ở với bố, mẹ, con hoặc anh, chị, em ruột, chú, bác, cô, dì ruột, hoặc người đỡ đầu (nếu không có bố, mẹ, không có vợ, chồng, con) đang là nhân khẩu thường trú ở Thành phố.
e. Vợ xin về ở với chồng hoặc chồng xin về ở với vợ mà trong hai người đang là nhân khẩu thường trú ở Thành phố.
g. Người Việt nam định cư ở nước ngoài hồi hương được cấp có thẩm quyền cho về cư trú ở Thành phố.
h. Những người là nhân khẩu thường trú hoặc quê gốc ở Thành phố đi nghĩa vụ quân sự, đi công tác, học tập, lao động... ở nơi khác (kể cả ở nước ngoài) nay trở về hợp pháp và những người đi theo tại các điểm nêu trên.
i. Những người đã là nhân khẩu thường trú ở Thành phố đi tù, đi thi hành án quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại các trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hết hạn trở về không thuộc diện cấm cư trú ở Thành phố.
3. Trường hợp đặc biệt khác thì Giám đốc công an Tỉnh báo cáo Chủ tịch UBND Tỉnh và Bộ trưởng Bộ công an quyết định.
Điều 4. Thủ tục chuyển đến:
1. Hồ sơ:
a. Giấy chứng minh nhân dân (người từ 15 tuổi trở lên).
b. Giấy chứng nhận chuyển đi (NK7).
c. Phiếu báo thay đổi nơi thường trú (NK5).
d. Giấy xác nhận nhà ở hợp pháp.
đ. Bản khai nhân khẩu (NK1) đối với người từ 15 tuổi trở lên.
e. Các giấy tờ khác có liên quan:
e.1. Giấy kết hôn (nếu vợ, chồng về ở với nhau), trường hợp không có giấy kết hôn có thể xuất trình giấy khai sinh của con hoặc giấy tờ khác để chứng minh mối quan hệ vợ, chồng.
e.2. Giấy khai sinh (nếu trẻ em mới sinh).
e.3. Hộ chiếu có dấu kiểm chứng của Công an cửa khẩu (đối với người Việt nam đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài về).
e.4. Giấy giới thiệu và chứng minh thư Quân đội hoặc giấy chứng nhận Công an (đối với người trong Công an, Quân đội xin đăng ký hộ khẩu gia đình).
e.5. Giấy của cơ quan xuất nhập cảnh. Tuỳ theo trường hợp cụ thể để xuất trình như: Giấy chứng nhận hồi hương, giấy chứng nhận về nước hoặc giấy giới thiệu.
e.6. Quyết định điều động, tuyển dụng, phục viên, xuất ngũ, nghỉ hưu, thôi việc.
e.7. Giấy ra trại (đối với người đi tù về), giấy ra trường (đối với những trường hợp đi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh về).
e.8. Sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể.
e.9. Đơn xin đăng ký hộ khẩu thường trú (có xác nhận Công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú).
2. Thời gian qui định:
a. Người chuyển đến trong thời hạn không quá 7 ngày (nếu ở thành phố), không quá 10 ngày ( nếu ở nông thôn) chủ hộ hoặc người mới chuyển đến phải đến Công an xã, thị trấn (nếu ở nông thôn), Công an huyện, Thành phố nơi chuyển đến để làm thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú.
b. Cán bộ làm công tác đăng ký hộ khẩu tiếp nhận hồ sơ phải kiểm tra, nếu thấy việc đăng ký hộ khẩu của công dân đã đủ thủ tục theo quy định thì nhận hồ sơ, viết biên nhận, hẹn ngày trả kết quả. Nếu hồ sơ còn thiếu thì hướng dẫn cho họ bổ sung và chỉ nhận hồ sơ đăng ký hộ khẩu khi đã đủ thủ tục.
c. Sau khi nhận hồ sơ phải đề xuất hoàn thành thủ tục đăng ký và cấp sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể để trả cho đương sự.
d. Thời gian giải quyết trả lời kết quả cho dân tối đa là 10 ngày (nếu ở nông thôn) và 20 ngày đối với những người xin vào Thành phố Lạng sơn.
3. Lệ phí: Những hộ, những người khi đăng ký hộ khẩu thường trú được cấp sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận hộ khẩu phải trả một khoản lệ phí theo quy định tại Thông tư số: 77/TT - BTC ngày 10/ 09/2002 của Bộ tài chính.
Chương III
ĐĂNG KÝ HỘ KHẨU CHO NGƯỜI CHUYỂN ĐI
Điều 5. Điều kiện:
Các trường hợp chuyển đi sau đây, chủ hộ hoặc người chuyển đi phải đến trình báo tại Công an nơi đăng ký nhân khẩu thường trú:
1. Chuyển đi trong phạm vi xã, phường, thị trấn hoặc ngoài phạm vi phường nhưng trong cùng nội thành, Thành phố Lạng sơn.
2. Chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn, huyện, Thành phố thuộc Tỉnh (kể cả trong và ngoài Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương).
Điều 6. Thủ tục:
1. Hồ sơ gồm có:
a. Xuất trình giấy CMND của người đến trình báo.
b. Khai "phiếu báo thay đổi về hộ khẩu, nhân khẩu".
c. Xuất trình sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể.
d. Xuất trình các giấy tờ khác có liên quan đến việc chuyển đi.
2. Cơ quan Công an căn cứ vào các giấy tờ trên tiến hành giải quyết như sau:
a. Chuyển đi trong phạm vi xã, phường, thị trấn: Không phải cấp giấy chứng nhận chuyển đi, chỉ điều chỉnh trong sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể ở mục thay đổi.
b. Chuyển đi ngoài phạm vi xã, phường, thị trấn thuộc huyện, Thành phố Lạng sơn, Trưởng Công an huyện, Thành phố phải cấp giấy chứng nhận chuyển đi cho đương sự và thu hồi sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể lưu vào tàng thư hộ khẩu. Riêng người được chuyển đi ngoài phạm vi huyện, Thành phố thuộc Tỉnh ( kể cả trong và ngoài Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương) Khi cấp giấy chứng nhận chuyển đi còn phải chuyển hồ sơ hộ khẩu của họ đến tàng thư hộ khẩu của Công an nơi người đó chuyển đến.
3. Thời gian giải quyết: Việc chuyển đi kể từ khi nhận đủ thủ tục hợp lệ không qúa 3 ngày.
4. Lệ phí: Không thu.
Chương IV
ĐĂNG KÝ ĐIỀU CHỈNH BỔ SUNG, CẢI CHÍNH HỌ TÊN, CHỮ ĐỆM, NGÀY, THÁNG, NĂM SINH
Điều 7. Các thay đổi, bổ sung sau đây cần phải đính chính:
1. Có người chết, mất tích (theo luật dân sự biệt tích đã quá 6 tháng).
2. Có người đi nghĩa vụ quân sự (kể cả Quân đội, Công an).
3. Có người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép xuất cảnh từ 12 tháng trở lên (kể cả đi công tác, học tập, lao động hoặc định cư ở nước ngoài).
4. Có người bị thi hành án phạt tù trong các trại cải tạo, tập trung giáo dục chữa bệnh, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục.
5. Trường hợp một hộ tách thành nhiều hộ, hoặc nhiều hộ hợp thành một hộ.
6. Cải chính họ tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh khi có Quyết định của UBND tỉnh.
Điều 8. Thủ tục :
1. Hồ sơ gồm có:
a. Xuất trình giấy CMND, sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể.
b. Giấy khai sinh gốc (bản chính).
c. Quyết định cho phép thay đổi của Uỷ ban nhân dân Tỉnh.
2. Thời hạn qui định: Giải quyết không quá 7 ngày.
3. Thu lệ phí theo Thông tư số: 77/BTC của Bộ tài chính:
Khi đính chính các thay đổi trong sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể: Thu 5.000đ (năm nghìn đồng)/ lần đối với địa bàn phường, nội thành của Thành phố thuộc Tỉnh. 2.000đ (hai nghìn đồng)/ lần đối với xã, thị trấn miền núi, biên giới. Khu vực khác: 3.000đ (ba nghìn đồng)/ lần.
Chương V
ĐĂNG KÝ TẠM TRÚ, TẠM VẮNG
Điều 9. Đăng ký tạm trú:
1. Đối tượng phải khai báo đăng ký tạm trú:
a. Đối tượng đăng ký tạm trú là những người từ 15 tuổi trở lên ( kể cả Quân nhân, Công an nhân dân khi ra ngoài doanh trại) ở lại qua đêm ngoài phạm vi phường, xã, thị trấn nơi thường trú của mình với bất kỳ lý do gì đều phải trình báo tạm trú với Công an phường, xã, thị trấn hoặc đồn Công an nơi đến. Trường hợp cha, mẹ, vợ, chồng, con thường đến tạm trú ở nhà nhau thì khai báo lần đầu trong năm.
b. Khi có người đến trình báo tạm trú thì chủ hộ gia đình, Giám đốc khách sạn, hoặc người phụ trách nhà trọ, nhà khách, nhà ở tập thể trực tiếp hoặc cử người đến trình báo tạm trú tại các điểm đăng ký tạm trú, tạm vắng của Công an phường, xã, thị trấn hoặc đồn Công an sở tại trước 23 giờ ( nếu khách đến sau 23 giờ thì trình báo vào sáng hôm sau trước lúc khách đi).
2. Thủ tục gồm có:
a. Giấy CMND hoặc giấy tờ tuỳ thân khác của người tạm trú.
b. Khai "phiếu tạm trú, tạm vắng".
c. Cán bộ trực tại điểm đăng ký tạm trú, tạm vắng phải kiểm tra đối chiếu giữa nội dung ghi trong phiếu đăng ký tạm trú, tạm vắng với giấy tờ của khách; vào sổ và ký xác nhận vào phần phiếu cấp cho người trình báo.
3. Lệ phí: Không thu.
Điều 10. Đăng ký quản lý tạm trú có thời hạn:
1. Các trường hợp phải đăng ký tạm trú có thời hạn:
a. Học sinh, sinh viên đến học tại các trường (bao gồm Phổ thông, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, Dạy nghề).
b. Người được tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng lao động tại các cơ quan, tổ chức nhà nước, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; người làm văn phòng đại diện hoặc chi nhánh nước ngoài tại Lạng sơn.
2. Thủ tục đăng ký tạm trú có thời hạn:
a. Phiếu báo thay đổi hộ khẩu (NK5).
b. Khai bản khai nhân khẩu (NK1).
c. Xuất trình giấy CMND.
d. Ngoài các loại giấy tờ trên, tuỳ từng trường hợp cụ thể cần có thêm:
d.1. Đối với học sinh, sinh viên xuất trình giấy gọi nhập học và xác nhận của Công an nơi thường trú cũ xác nhận vào phiếu báo thay đổi nhân khẩu, hộ khẩu là người của địa phương đi học (không cấp giấy chứng nhận chuyển đi).
d.2. Hợp đồng lao động (đối với người có hợp đồng).
d.3. Chứng nhận của chính quyền địa phương nơi người đó thường trú xác nhận là người của địa phương hoặc giấy báo tạm vắng để làm ăn sinh sống.
3. Các loại giấy tờ trên đương sự hoặc người đại diện cơ quan, tổ chức, cơ sở sử dụng lao động, hoặc cơ sở chứa trọ trực tiếp mang đến cơ quan Công an nơi có thẩm quyền để xem xét cấp giấy tạm trú có thời hạn.
4. Thẩm quyền cấp giấy tạm trú có thời hạn:
Do trưởng Công an cấp huyện, Thành phố thuộc Tỉnh nơi họ đến tạm trú, cấp theo thời gian học tập và hợp đồng lao động.
5. Thời gian tạm trú có thời hạn: Tối đa không quá 12 tháng.
6. Lệ phí theo Thông tư số: 77/BTC của Bộ tài chính:
Đối với cấp mới, cấp lại, đổi giấy tạm trú có thời hạn cho một nhân khẩu, Thu 5.000đ (năm nghìn đồng)/ lần đối với địa bàn phường, nội thành của Thành phố thuộc Tỉnh. 2.000đ (hai nghìn đồng)/ lần đối với xã, thị trấn miền núi, biên giới. Khu vực khác: 3.000đ (ba nghìn đồng)/ lần.
Điều 11. Đăng ký quản lý tạm vắng:
1. Những người từ 15 tuổi trở lên có việc riêng đi vắng qua đêm khỏi huyện, thành phố Lạng Sơn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì phải khai báo tạm vắng.
2. Người khai báo tạm vắng phải đến các điểm đăng ký tạm trú, tạm vắng của Công an phường, xã, thị trấn khai vào phiếu báo tạm trú, tạm vắng trong phiếu khai rõ thời gian, lý do tạm vắng và địa chỉ đến tạm trú.
3. Người đi vắng khỏi nơi thường trú quá 6 tháng mà không khai báo tạm vắng, không có lý do chính đáng thì cơ quan Công an ĐKHK xem xét từng trường hợp cụ thể, nếu xóa tên thì phải lập biên bản và báo cho chủ hộ gia đình hoặc người phụ trách nhà ở tập thể biết, khi người đó trở về thì phải làm đơn trình bày rõ lý do đi vắng và xin ĐKHK trở lại. Căn cứ đơn trình bày của đương sự và các giấy tờ, xác nhận có liên quan, cơ quan ĐKHK xem xét giải quyết.
4. Người có hộ khẩu thường trú nhưng thực tế không cư trú tại nơi ĐKHK thường trú mà không có lý do chính đáng hoặc không thể ở nơi đó được thì cơ quan đăng ký hộ khẩu thường trú yêu cầu họ trình bày lý do. Trường hợp phải xoá tên, thì lập biên bản xoá theo đúng thủ tục.
5. Lệ phí khai báo tạm vắng: Không thu.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. UBND Tỉnh giao cho Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo Công an các huyện, thành phố triển khai thực hiện cơ chế "Một cửa" theo nội dung quy định này một cách thống nhất trong toàn tỉnh.
Qúa trình thực hiện, nếu có vướng mắc, hoặc do có quy định mới của cấp trên, báo cáo Công an tỉnh (PC13) để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ xung./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.