BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 415/QĐ-TCTK | Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “KẾ HOẠCH XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THỐNG KÊ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2011-2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025”
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ
Căn cứ Luật Thống kê ngày 26 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 93/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê;
Căn cứ Quyết định số 312/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê;
Xét đề nghị của Viện trưởng Viện Khoa học Thống kê,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Kế hoạch xây dựng Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2025”.
Điều 2. Giao Viện Khoa học Thống kê là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức thực hiện Kế hoạch này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Viện trưởng Viện Khoa học Thống kê; Vụ trưởng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê; Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
TỔNG CỤC THỐNG KÊ
--------------------
KẾ HOẠCH XÂY DỰNG
CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THỐNG KÊ VIỆT NAM
GIAI ĐOẠN 2011-2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025
(CLTK11-20)
(Ban hành kèm theo Quyết định 415/QĐ-TCTK ngày 14 tháng 6 năm 2010)
MỤC LỤC
Danh mục các từ viết tắt
1. Bối cảnh chung
1.1. Sự kiện kinh tế, chính trị có liên quan đến xây dựng CLTK11-20
1.2. Thực trạng hệ thống thống kê nước ta
1.3. Sự cần thiết xây dựng CLTK11-20
1.4. Các văn bản pháp lý liên quan đến xây dựng CLTK11-20
1.5. Phạm vi CLTK11-20
2. Mục tiêu, nguyên tắc xây dựng và kết quả đầu ra
2.1. Mục tiêu chung và nguyên tắc xây dựng CLTK11-20
2.2. Các kết quả đầu ra của quá trình xây dựng CLTK11-20
3. Thành lập các đơn vị xây dựng CLTK11-20
4. Các giai đoạn xây dựng CLTK11-20
4.1. Giai đoạn 1: Chuẩn bị xây dựng CLTK11-20
4.2. Giai đoạn 2: Đánh giá Hệ thống Thống kê Việt Nam
4.3. Giai đoạn 3: Xác định tầm nhìn, lựa chọn các sản phẩm đầu ra ưu tiên của CLTK11-20
4.4. Giai đoạn 4: Xây dựng các chương trình hành động và kế hoạch giám sát, đánh giá; dự thảo CLTK11-20 và các văn bản có liên quan; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
5. Kinh phí thực hiện CLTK11-20
6. Lộ trình thực hiện
Phụ lục: Danh mục tài liệu
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
AFTA Khu vực mậu dịch tự do ASEAN
ASEAN Hiệp hội các nước Đông Nam Á
CĐTK Cao đẳng thống kê
CLTK11-20 Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 -2020 và tầm nhìn đến năm 2025
CNXD Công nghiệp và Xây dựng
DSLĐ Dân số và Lao động
EBOPS Bảng phân loại dịch vụ cán cân thanh toán quốc tế mở rộng
GDDS Hệ thống phổ biến số liệu chung
HTCTTKQG Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia
HTKT Hợp tác kỹ thuật
HTQT Hợp tác quốc tế
IMF Quĩ tiền tế quốc tế
ISIC Bảng phân ngành kinh tế chuẩn của quốc tế
KH&ĐT Kế hoạch và Đầu tư
KHTC Kế hoạch, tài chính
KHTK Khoa học thống kê
MDG mục tiêu phát triển Thiên Niên Kỷ
MPS Hệ thống bảng cân đối vật chất
M&E Theo dõi và đánh giá
NSNN Ngân sách Nhà nước
PPCĐ&CNTT Phương pháp chế độ thống kê và công nghệ thông tin
SEDP Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;
SNA Hệ thống tài khoản quốc gia
TCCB Tổ chức, cán bộ
TCTK Tổng cục Thống kê
TKNN Thống kê Nhà nước
TKTH Thống kê Tổng hợp
TMDVGC Thương mại, Dịch vụ và Giá cả
TTTHTK Trung tâm tin học thống kê
TTTLTK Trung tâm tư liệu thống kê
VDG mục tiêu phát triển của Việt Nam
WB Ngân hàng Thế giới
WTO Tổ chức Thương mại Thế giới
1. Bối cảnh chung
1.1. Sự kiện kinh tế, chính trị có liên quan đến xây dựng CLTK11-20
Sau hơn 30 năm kể từ khi thống nhất đất nước, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, nước ta đã có những bước phát triển nhanh về mọi mặt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trong những năm gần đây tăng liên tục ở mức trên 7%. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 5 lần so với năm 1990 (từ 200 USD/người vào năm 1990 lên 1.024 USD/người vào năm 2008); tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia giảm 4 lần so với năm 1990, từ 60% vào năm 1990 giảm xuống còn 13,5% trong đó nông thôn 16,2% và thành thị 6,7% vào năm 2008[1]. Trong vòng 10 năm gần đây đã tạo ra hơn 12,44 triệu việc làm mới, trong đó gần 9,3 triệu thông qua các chương trình phát triển kinh tế và hơn 2,6 triệu thông qua Quỹ quốc gia về việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị đã giảm từ 6,42% năm 2000 xuống còn 4,65% năm 2008[2]. Việt Nam đã được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong những nước có thành tích giảm nghèo ấn tượng nhất, đã đạt và vượt nhiều mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ; mặc dù chịu tác động của khủng hoảng toàn cầu, nhưng vẫn có thể đạt được tất cả các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ theo đúng lịch trình Việt Nam đã cam kết với quốc tế[3].
Nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và đảm bảo tính bền vững, trong những năm gần đây Việt Nam đã và đang xây dựng các chiến lược phát triển ở tầm quốc gia, cấp bộ, ngành và cấp địa phương, như: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011-2020; Chiến lược An sinh xã hội giai đoạn 2011-2020; Chiến lược Phát triển Giáo dục Việt Nam giai đoạn 2009-2020; Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020… Đặc biệt năm 2010, là năm chuẩn bị cho một số sự kiện chính trị quan trọng sẽ diễn ra vào năm 2011, như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam; Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIII. Những sự kiện chính trị, kinh tế quan trọng nói trên vừa là nền tảng, vừa là định hướng phát triển kinh tế- xã hội của đất nước giai đoạn 2011 - 2020.
Trong lĩnh vực thống kê, vào năm 1999 Cộng đồng Thống kê quốc tế và một số thể chế tài chính quốc tế, như Ngân hàng thế giới (WB), Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF) đã thành lập tổ chức với tên gọi là Paris21[4] [Đối tác thống kê dành cho phát triển trong thế kỷ 21] để nghiên cứu giúp Cơ quan Thống kê các nước xây dựng Chiến lược phát triển thống kê của quốc gia. Vào đầu tháng 11/2009, tại Dokar Senegal, Paris 21 đã tổ chức cuộc họp toàn thể với sự tham dự của trên 400 đại biểu từ các Cơ quan Thống kê quốc gia trên thế giới, đại diện của các tổ chức quốc tế nhằm điểm lại 10 năm (1999-2009) thực hiện Chiến lược phát triển thống kê và khởi động việc xây dựng Chiến lược phát triển thống kê của các nước cho giai đoạn 2011-2020. Trong giai đoạn 2000-2010, khoảng 80 nước trên thế giới đã xây dựng Chiến lược phát triển Thống kê quốc gia. Ở nước ta, vào năm 2003, TCTK đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng phát triển Thống kê Việt Nam đến năm 2010. Năm 2010 cũng là năm cuối cùng thực hiện định hướng này. Do đó, Thống kê Việt Nam cần phải có chiến lược phát triển phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước, khu vực và thế giới. Chính vì vậy, xây dựng Chiến lược phát triển thống kê giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2025 là yêu cầu hết sức cần thiết và cấp bách.
1.2. Thực trạng hệ thống thống kê nước ta
Hệ thống thống kê nước ta, bao gồm: (i) Hệ thống thống kê Nhà nước, gồm: Hệ thống thống kê tập trung từ Trung ương tới cấp huyện (Tổng cục Thống kê; Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Thống kê huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) và thống kê Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan Trung ương khác (sau đây gọi chung là thống kê Bộ, ngành); (ii) Thống kê cơ sở, gồm: Thống kê xã, phường, thị trấn; thống kê doanh nghiệp, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đoàn thể, hiệp hội.
Hệ thống thống kê nước ta đã có đóng góp quan trọng trong việc cung cấp thông tin kinh tế - xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và các cấp các ngành. Tuy nhiên, công tác thống kê của nước ta vẫn còn hạn chế, bất cập chưa đáp ứng kịp tiến trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Các ưu điểm và hạn chế của Hệ thống thống kê nước ta được khái quát như sau:
- Ưu điểm: Trong những thành tích đã đạt được của đất nước về kinh tế và xã hội có một phần đóng góp quan trọng của ngành Thống kê. Hệ thống Thống kê tập trung đã được thành lập và phát triển trên 60 năm và đã đạt được nhiều thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm thông tin phục vụ Đảng và Nhà nước, các cấp trong việc quản lý và điều hành nền kinh tế và nhiều đối tượng sử dụng thông tin khác. Số liệu thống kê ngày càng phát huy tác dụng và đã trở thành một trong những căn cứ quan trọng để lập kế hoạch, xây dựng chiến lược, đánh giá, phân tích thực trạng và xu hướng phát triển tình hình kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước cũng như ở từng ngành, từng địa phương. Những ưu điểm nổi bật được thể hiện ở các nội dung sau:
Thứ nhất, Hệ thống tài khoản quốc gia và các bảng cân đối, bảng phân loại thống kê theo tiêu chuẩn quốc tế được chuyển đổi và áp dụng thành công. Cùng với tiến trình đổi mới của đất nước, ngành Thống kê đã nhanh chóng chuyển đổi hệ thống phương pháp luận thống kê từ Hệ thống bảng cân đối vật chất (MPS) sang áp dụng Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Hệ thống các bảng phân loại thống kê được đặc biệt quan tâm xây dựng và triển khai áp dụng, tạo cơ sở cho việc thu thập, tổng hợp và công bố thông tin thống kê; đồng thời phục vụ cho nhiều hoạt động thống kê khác, như Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam được xây dựng và áp dụng từ năm 1993 trên cơ sở Bảng phân ngành kinh tế chuẩn của quốc tế (ISIC); đến năm 2007 được sửa đổi theo phiên bản mới nhất của Liên hợp quốc; Bảng phân loại dịch vụ cán cân thanh toán quốc tế mở rộng (EBOPS) cũng đã được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra còn xây dựng một số bảng phân loại quan trọng như: Bảng danh mục dân tộc; Bảng danh mục tôn giáo; Bảng danh mục giáo dục, đào tạo; Bảng danh mục nghề nghiệp; Bảng Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam; Bảng danh mục hành chính và các bảng phân loại thống kê chuyên ngành khác.
Trong các năm 2003-2005, Tổng cục Thống kê đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành và tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế nghiên cứu xây dựng Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia với 274 chỉ tiêu và Hệ thống chỉ tiêu này đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 305/2005/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2005. Trên cơ sở Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, một số Bộ, Ngành đã nghiên cứu xây dựng và ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê theo từng chuyên ngành, lĩnh vực do Bộ, Ngành quản lý. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) cũng đang nghiên cứu triển khai xây dựng Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã để thống nhất áp dụng trên phạm vi cả nước.
Thứ hai, các hình thức thu thập thông tin thống kê được xây dựng và áp dụng phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta và thông lệ quốc tế. Trước đây, việc thu thập thông tin thống kê chủ yếu dựa vào hình thức báo cáo thống kê thì đến nay đã sử dụng đồng thời ba hình thức thu thập thông tin thống kê là: (i) Chế độ báo cáo thống kê; (ii) điều tra thống kê; và (iii) Khai thác các hồ sơ đăng ký hành chính. Trong những năm gần đây Tổng cục Thống kê đã tổ chức thành công các cuộc Tổng điều tra và điều tra thống kê định kỳ để có thông tin đầu vào cho tổng hợp và phân tích thống kê. Một trong các kết quả nổi bật trong việc xây dựng các hình thức thu thập thông tin đó là Chương trình điều tra quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 144/2008/QĐ-TTg ngày 29/10/2008.
Thứ ba, xử lý, tổng hợp và truyền đưa thông tin thống kê được tiến hành trên cơ sở tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. TKVN đã triển khai Chương trình nâng cao năng lực công tác thống kê thông qua việc ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin và truyền thông, tập trung vào 4 nội dung chính: (1) Tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, tiến tới tin học hóa công tác thống kê; (2) Phát triển các phần mềm ứng dụng cho các chuyên ngành nhằm tự động hóa khâu xử lý, tính toán và phân tích thống kê; (3) Xây dựng hệ thống các cơ sở dữ liệu quốc gia về thống kê kinh tế - xã hội; (4) Hoàn thiện và phát triển trang Web Thống kê kết nối intranet và internet.
Thứ tư, Hệ thống các sản phẩm thông tin thống kê tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động phổ biến thông tin thống kê được đẩy mạnh. Hiện nay, TKVN đã hoàn thiện các loại sản phẩm thông tin thống kê quan trọng như: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng, 6 tháng, 9 tháng và cả năm; niên giám thống kê quốc gia và niên giám thống kê của một số chuyên ngành; các sản phẩm về kết quả điều tra, tổng điều tra thống kê; các sản phẩm số liệu thống kê nhiều năm; các sản phẩm phân tích và dự báo thống kê. Ngoài ra, thống kê các Bộ, Ngành, địa phương còn thực hiện các báo cáo thống kê hàng tuần phản ánh tiến độ sản xuất kinh doanh theo từng chuyên ngành và nhiều báo cáo thống kê chuyên đề, báo cáo thống kê đột xuất khác. Các sản phẩm thông tin thống kê nói trên đã được phổ biến tới các đối tượng sử dụng bằng nhiều hình thức khác nhau, như: ấn phẩm truyền thống; họp báo; thông cáo báo chí; dạng điện tử (CD-ROM, Website); TKVN đã tham gia hệ thống phổ biến số liệu chung (GDDS) và thực hiện các cam kết về cung cấp số liệu thống kê đối với thống kê các nước và các tổ chức quốc tế.
Thứ năm, cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê được tạo dựng đồng bộ hơn. Luật Thống kê đã được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2004; Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia đã được xây dựng và thực hiện từ năm 2005; Chương trình điều tra thống kê quốc gia đã được ban hành. Trước đó, Định hướng phát triển Thống kê Việt Nam đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2002.
- Tồn tại: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Thống kê vẫn còn một số tồn tại và bất cập, đó là chưa theo kịp với sự phát triển chung về kinh tế xã hội của đất nước đang diễn ra ngày càng nhanh chóng, nhất là trong việc đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước cũng như quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Một số tồn tại, bất cập của ngành Thống kê thể hiện ở các mặt cụ thể sau:
Thứ nhất, tổ chức và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và phát triển của ngành Thống kê, nhất là tổ chức thống kê bộ, ngành và thống kê xã, phường còn nhiều bất cập so với Luật Thống kê qui định. Ngày 13/01/2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2010/NĐ-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức thống kê của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đối chiếu với tinh thần của Nghị định cho thấy một số Bộ, ngành đã có tổ chức thống kê, nhưng chưa được kiện toàn một cách đồng bộ giữa mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ, nhân lực, phương tiện làm việc, nên việc triển khai các hoạt động thống kê chưa kịp thời, thiếu hiệu quả. Đặc biệt, một số Bộ, ngành chưa hình thành tổ chức thống kê. Nguồn nhân lực còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng so với yêu cầu, nhất nguồn nhân lực cho thống kê Bộ, ngành ở Trung ương; thống kê Sở, ngành ở địa phương và thống kê xã, phường…
Thứ hai, các hệ thống chỉ tiêu thống kê chưa đồng bộ, đặc biệt trong khâu thu thập và phạm vi, phương pháp tính toán, nên một số chỉ tiêu thống kê có sự chênh lệch đáng kể giữa trung ương và địa phương, thậm chí giữa một số Bộ, ngành với TCTK. Ví dụ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các địa phương chưa thống nhất với tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đôi khi chưa thống nhất với tỷ lệ hộ nghèo của TCTK.
Thứ ba, chất lượng số liệu thống kê chưa được đánh giá theo 6 tiêu chí chất lượng (tính phù hợp, tính chính xác, tính kịp thời, khả năng tiếp cận, khả năng giải thích, tính chặt chẽ). Chính sách phổ biến và chia sẻ thông tin thống kê chưa được xây dựng một cách cụ thể và rõ ràng, còn có tình trạng số liệu thống kê chậm được công bố nên công dụng có phần bị hạn chế. Một số lĩnh vực kinh tế - xã hội còn thiếu thông tin thống kê đáp ứng yêu cầu của người sử dụng, ví dụ lĩnh vực thị trường lao động, bạo hành gia đình, bình đẳng giới…
Mặc dù Định hướng phát triển thống kê Việt Nam tới năm 2010 đã được xây dựng và triển khai thực hiện (năm 2010 là năm cuối cùng thực hiện Định hướng phát triển thống kê) song văn bản này mới chỉ dừng lại ở tầm định hướng, chưa đạt tới tầm Chiến lược quốc gia về phát triển thống kê, chưa xác định được tầm nhìn, sứ mạng và giá trị của ngành Thống kê. Do đó ngành Thống kê chưa phát triển đồng bộ và bền vững, nhất là trong bối cảnh nhu cầu về thông tin thống kê kinh tế - xã hội thường xuyên tăng lên cùng với tiến trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
1.3. Sự cần thiết xây dựng CLTK11-20
Yêu cầu thông tin thống kê chất lượng cao (theo 6 tiêu chí chất lượng) phục vụ sự quản lý, điều hành nền kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của các cơ quan Đảng và Nhà nước ngày càng trở nên cấp bách. Điều này càng đòi hỏi hơn trong bối cảnh chúng ta đang phấn đấu theo mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ X đã đề ra là phấn đấu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Bên cạnh đó, tronh những năm qua Việt Nam đã gia nhập AFTA, trở thành thành viên chính thức, đầy đủ của WTO cũng như tham gia nhiều diễn đàn kinh tế khu vực và thế giới, từng bước hội nhập ngày càng sâu, rộng vào quá trình phát triển chung toàn cầu, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Những biến động về kinh tế trong thời gian qua như khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế năm 2008, 2009 lại càng đặt ra nhu cầu số liệu thống kê cần được cập nhật phục vụ cho công tác phân tích, lập kế hoạch và định hướng phát triển kinh tế. Mặc dù có nhiều ưu điểm, song ngành Thống kê cũng còn những tồn tại như đã đề cập ở trên. Những tồn tại này không thể giải quyết triệt để trong kế hoạch ngắn hạn hàng năm hoặc kế hoạch 5 năm, mà đòi hỏi phải được giải quyết ở tầm chiến lược quốc gia dài hạn. Ngành Thống kê phải được đổi mới đồng bộ và toàn diện để hội nhập sâu rộng với thống kê quốc tế. Do đó, cần thiết và cấp bách phải xây dựng Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2025 để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2011-2020 và những năm tiếp theo.
1.4. Các văn bản pháp lý liên quan đến xây dựng CLTK11-20
- Khoản 1 Điều 34 Luật Thống kê (2003) qui định nội dung quản lý Nhà nước về công tác thống kê đã chỉ rõ: “Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, qui hoạch, kế hoạch phát triển công tác thống kê, hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, chương trình điều tra thống kê quốc gia”.
- Đề án Đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê (QĐ số 312/QĐ-TTg ngày 02/3/2010) đã ghi: “Xây dựng Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2025 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2010”; Phương hướng đổi mới của Đề án cũng đã chỉ rõ “Đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê phải đặt trong tổng thể đổi mới toàn diện các hoạt động thống kê; phải thực sự trở thành cơ sở quan trọng để xây dựng Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2025”.
1.5. Phạm vi CLTK11-20
CLTK11-20 bao trùm toàn bộ Thống kê Nhà nước (TKNN). Cụ thể:
- Hệ thống thống kê tập trung, từ Trung ương tới cấp huyện, gồm: Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Thống kê huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
- Thống kê Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan Trung ương khác (sau đây gọi chung là thống kê Bộ, ngành).
2. Mục tiêu, nguyên tắc xây dựng và kết quả đầu ra
2.1. Mục tiêu và nguyên tắc xây dựng CLTK11-20
- mục tiêu: Xây dựng CLTK11-20 nhằm xác định chương trình phát triển của Thống kê Nhà nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2011-2020 và những năm tiếp theo.
- Nguyên tắc xây dựng CLTK11-20:
(1) CLTK11-20 phải phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của đất nước trong bối cảnh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, như Chương trình phát triển kinh tế và xoá đói giảm nghèo; các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) được Chính phủ cam kết với cộng đồng quốc tế, cũng như tham gia Chương trình phổ biến số liệu chung (GDDS).
(2) Xây dựng CLTK11-20 bảo đảm toàn diện và minh bạch, bao trùm tất cả các quá trình hoạt động của TKVN.
(3) Xây dựng CLTK11-20 phải phù hợp với quá trình ra quyết định của các cấp quản lý, phục vụ các hoạt động theo dõi, đánh giá cũng như nhu cầu sử dụng khác của xã hội.
(4) Xây dựng CLTK11-20 phải có sự tham gia của các đối tượng cung cấp và sử dụng thông tin thống kê, các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, người sản xuất và cung cấp thông tin, các nhà tài trợ cũng như tất cả các đối tượng liên quan khác.
2.2. Các kết quả đầu ra của quá trình xây dựng CLTK11-20:
- Bản Kế hoạch xây dựng CLTK11-20 được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các kết quả nghiên cứu liên quan đến xây dựng CLTK11-20, như: Báo cáo đánh giá hiện trạng hệ thống thống kê nước ta, tài liệu xác định tầm nhìn, kết quả các cuộc hội thảo, tham vấn, báo cáo tiến độ xây dựng CLTK11-20…;
- Bản CLTK11-20 bao gồm tầm nhìn TKVN và các chương trình hành động thực hiện CLTK11-20 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các tài liệu nói trên sẽ được phổ biến rộng rãi trên website của TCTK, website của Viện KHTK và các ấn phẩm của ngành, như Tạp chí con số và sự kiện, Tạp chí thông tin khoa học thống kê…
3. Thành lập các đơn vị xây dựng CLTK11-20
Tổng cục Thống kê sẽ thành lập Tổ Thư ký xây dựng CLTK 11-20 và các nhóm công việc phục vụ xây dựng CLTK11-20.
Tổ Thư ký xây dựng CLTK11-20 do một đồng chí Phó Tổng cục trưởng làm Tổ trưởng và Viện trưởng Viện KHTK làm Phó Tổ trưởng; thành viên là đại diện lãnh đạo một số đơn vị của TCTK. Nhiệm vụ của Tổ Thư ký sẽ qui định cụ thể trong quyết định thành lập.
Các nhóm công việc phục vụ xây dựng CLTK11-20. Căn cứ vào tình hình cụ thể trong quá trình xây dựng CLTK11-20, Tổ Thư ký sẽ đề xuất lãnh đạo Tổng cục hình thành một số nhóm công tác phục vụ xây dựng CLTK11-20. Chẳng hạn: Hình thành các nhóm đánh giá các chủ đề, như: Đánh giá về môi trường pháp lý thống kê; đánh giá về chất lượng số liệu thống kê kinh tế; đánh giá chất lượng số liệu thống kê xã hội và môi trường, thống kê dân số và lao động; đánh giá về ứng dụng CNTT; đánh giá về cơ cấu tổ chức và nguồn nhân lực; đánh giá chính sách phổ biến thông tin và các sản phẩm thống kê… Trong mỗi nhóm đánh giá, có thể hình thành các nhóm chuyên sâu theo từng lĩnh vực. Chẳng hạn, trong nhóm đánh giá về thống kê kinh tế sẽ có nhóm đánh giá chuyên sâu về thống kê tài khoản quốc gia, thống kê thương mại dịch vụ, v.v. Các nhóm này sẽ phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước (có ý nghĩa như đầu vào cần thiết) để tiến hành các hoạt động đánh giá.
4. Các giai đoạn xây dựng CLTK11-20
CLTK11-20 được xây dựng theo 4 giai đoạn: (1) Chuẩn bị xây dựng CLTK11-20; (2) Đánh giá hệ thống thống kê; (3) Xác định tầm nhìn và lựa chọn các sản phẩm ưu tiên; (4) Xây dựng các chương trình hành động thực hiện chiến lược.
4.1. Giai đoạn 1: Chuẩn bị xây dựng CLTK11-20
mục tiêu: Thành lập Tổ Thư ký xây dựng CLTK11-20; soạn thảo Kế hoạch xây dựng CLTK11-20 và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thời gian hoàn thành: 10/6/2010.
Các hoạt động chủ yếu:
4.1.1. Thành lập Tổ Thư ký
- mục tiêu và đầu ra: Tổ Thư ký được thành lập (theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền) với đủ năng lực và trình độ thực hiện các nhiệm vụ được giao.
- Hoạt động: Lựa chọn các thành viên Tổ Thư ký và quy định nhiệm vụ cho đơn vị này; soạn thảo các văn bản trình Tổng cục trưởng TCTK phê duyệt.
- Đơn vị chủ trì: Viện KHTK.
4.1.2. Dự thảo Kế hoạch xây dựng CLTK11-20
- mục tiêu và đầu ra: Có được Bản dự thảo Kế hoạch xây dựng CLTK11-20.
- Hoạt động: Tìm hiểu và nghiên cứu tài liệu trong nước và quốc tế liên quan tới việc thiết kế Kế hoạch; tham vấn với các đối tượng liên quan; viết dự thảo Kế hoạch chi tiết xây dựng CLTK11-20.
- Đơn vị chủ trì: Viện KHTK.
4.1.3. Thu thập ý kiến góp ý, hoàn chỉnh và thông qua Kế hoạch CLTK11-20
- mục tiêu và đầu ra: Có được ý kiến của các đối tượng liên quan về Bản dự thảo Kế hoạch, hoàn chỉnh và thông qua Kế hoạch xây dựng CLTK11-20.
- Hoạt động: Tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến góp ý của các đối tượng có liên quan, và các nhà tài trợ; hoàn chỉnh Kế hoạch và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch xây dựng CLTK11-20.
- Đơn vị chủ trì: Viện KHTK.
4.1.4. Huy động các nguồn lực phục vụ việc xây dựng CLTK11-20.
- mục tiêu và đầu ra: Có đủ nguồn lực từ trong nước và quốc tế để xây dựng CLTK11-20.
- Hoạt động cụ thể: Tổ chức hội thảo, trao đổi và đề xuất hỗ trợ từ trong nước và quốc tế về các khoản: tài chính, chuyên gia, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho việc xây dựng CLTK11-20. Hoạt động này được lồng ghép vào hoạt động 4.1.3 ở trên.
- Đơn vị chủ trì: Viện KHTK.
4.1.5. Phác thảo Đề cương CLTK11-20
- mục tiêu và đầu ra: Có Bản phác thảo Đề cương CLTK11-20.
- Hoạt động cụ thể: Viết phác thảo Đề cương CLTK11-20.
- Đơn vị chủ trì: Viện KHTK.
4.2. Giai đoạn 2: Đánh giá Hệ thống Thống kê Nhà nước
mục tiêu: Đánh giá toàn diện thực trạng hệ thống thống kê Nhà nước, trong đó tập trung vào đánh giá Định hướng phát triển thống kê Việt Nam đến năm 2010 cũng như các Chương trình hành động để thực hiện Định hướng này, nhằm đưa ra bức tranh toàn cảnh về tình hình thực tế trên tất cả các khía cạnh, các lĩnh vực liên quan tới hoạt động của thống kê Nhà nước tại điểm khởi đầu của CLTK11-20. Đánh giá cần chỉ rõ thống kê Nhà nước hiện đang ở vị trí nào? điểm mạnh, điểm yếu; phân tích các nhân tố tác động đến hiện tại và triển vọng trong tương lai 10 đến 15 năm tiếp theo.
Thời gian hoàn thành: 20/7/2010.
Các hoạt động chủ yếu:
4.2.1. Chuẩn bị đánh giá: Xác định chủ đề đánh giá; lựa chọn đội ngũ chuyên gia đánh giá và hình thành các nhóm đánh giá sâu theo từng lĩnh vực liên quan tới toàn bộ các hoạt động của công tác thống kê; thiết lập cơ chế đánh giá…
- mục tiêu và đầu ra: Có được một danh sách các chủ đề và lĩnh vực cần đánh giá sâu; lựa chọn được đội ngũ chuyên gia, hình thành các nhóm đánh giá và thiết lập được cơ chế đánh giá để thực hiện nhiệm vụ đánh giá sâu, khách quan, trung thực, bao trùm toàn bộ hoạt động của thống kê Nhà nước, nhấn mạnh tới đánh giá việc thực hiện Định hướng chiến lược phát triển thống kê Việt nam tới năm 2010 và các lĩnh vực của hoạt động thống kê.
- Hoạt động: Tổ chức tham vấn, hội thảo, lựa chọn chủ đề và lĩnh vực; lựa chọn chuyên gia, hình thành các nhóm chuyên gia và tạo dựng được tiêu chí, khung đánh giá.
- Đơn vị chủ trì: Tổ Thư ký.
4.2.2. Tiến hành đánh giá theo các chủ đề đã lựa chọn
- Các chủ đề sẽ được lựa chọn để đánh giá bao gồm:
a) Chính sách phổ biến thông tin và nhu cầu của người dùng tin;
b) Khuôn khổ pháp lý đối với các hoạt động thống kê;
c) Khuôn khổ thể chế và hoạt động điều phối;
d) Chất lượng số liệu thống kê kinh tế (ba tư vấn);
e) Chất lượng số liệu thống kê dân số, xã hội và môi trường (hai tư vấn);
f) Chính sách và phát triển nguồn nhân lực;
g) Cơ sở vật chất và kỹ thuật (hai tư vấn);
h) Nguồn lực tài chính và điều phối các chương trình tài trợ;
i) Hệ thống thống kê Việt Nam và hệ thống thống kê của một số nước.
- mục tiêu và đầu ra: Có các báo cáo đánh giá sâu mô tả trung thực, khách quan thực trạng các chủ đề đã được lựa chọn để đánh giá (mỗi chủ đề có một báo cáo đánh giá riêng), tập trung đánh giá các nội dung của Định hướng phát triển thống kê đến năm 2010. Qua đó, xác định tại điểm khởi đầu của CLTK11-20 có những điểm mạnh, điểm yếu nào và phân tích các nhân tố tác động đến hiện tại và triển vọng trong tương lai 10-15 năm tiếp theo. Khung đánh giá, tiêu chí, nội dung, phương pháp và công cụ, qui trình và các dữ liệu thu thập được để đánh giá.
- Các hoạt động cụ thể: Xây dựng khung đánh giá, thu thập dữ liệu, tiến hành đánh giá theo từng lĩnh vực đã được lựa chọn.
- Đơn vị chủ trì: Tổ Thư ký.
4.2.3. Dự thảo các báo cáo kết quả đánh giá theo từng chủ đề
- mục tiêu và đầu ra: Có được dự thảo các báo cáo kết quả đánh giá và các ý kiến của các đối tượng có liên quan về các báo cáo kết quả đánh giá.
- Các hoạt động cụ thể: Viết dự thảo các báo cáo kết quả đánh giá.
- Đơn vị chủ trì: Tổ Thư ký.
4.2.4. Thu thập ý kiến góp ý về các báo cáo kết quả đánh giá của từng chủ đề
- mục tiêu và đầu ra: Có được các ý kiến tham gia góp ý vào các báo cáo đánh giá.
- Các hoạt động cụ thể: Tổ chức tham vấn, hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia và các đối tượng liên quan.
- Đơn vị chủ trì: Tổ Thư ký.
4.2.5. Hoàn chỉnh và thông qua các báo kết quả đánh giá của từng chủ đề
- mục tiêu và đầu ra: Các báo cáo kết quả đánh giá đã được thông qua.
- Các hoạt động cụ thể: Nghiên cứu các ý kiến, chỉnh sửa và hoàn thiện các báo cáo kết quả đánh giá.
- Đơn vị chủ trì: Tổ Thư ký.
4.3. Giai đoạn 3: Xác định tầm nhìn, lựa chọn các sản phẩm đầu ra ưu tiên của CLTK11-20
mục tiêu: Xác định tầm nhìn của Thống kê Nhà nước đến năm 2025 xác định mục tiêu cần đạt được đến cuối cùng của Thống kê Nhà nước đến năm 2025, trong đó có tính tới sự phát triển chung của nền kinh tế - xã hội của đất nước, bức tranh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, sự phát triển của nhu cầu thông tin thống kê ngày càng tăng cả về số lượng, chất lượng cũng như nhu cầu về các chỉ tiêu thống kê mới, kể cả những rủi ro trong quá trình phát triển.
Thời gian hoàn thành: 20/9/2010.
Các hoạt động chủ yếu:
4.3.1. Xác định tầm nhìn, sứ mệnh của TKNN tới năm 2025
- mục tiêu và đầu ra: Xác định được tầm nhìn, sứ mệnh đến năm 2025 mà TKNN mong đạt được.
- Hoạt động cụ thể: Tham vấn các đối tượng liên quan (người sản xuất và cung cấp thông tin, các đối tượng sử dụng số liệu thống kê...) về tầm nhìn của TKNN; tiến hành xác định Tầm nhìn của TKNN và soạn thảo Báo cáo xác định tầm nhìn tới năm 2025 mà TKVN sẽ vươn tới;
- Thời gian hoàn thành: 20/8/2010.
- Đơn vị chủ trì: Tổ Thư ký.
4.3.2. Lựa chọn các ưu tiên cho từng sản phẩm đầu ra của CLTK11-20
- mục tiêu và đầu ra: Có được danh sách các sản phẩm đầu ra sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cho từng năm, từng giai đoạn của CLTK11-20, nhất là 3 năm đầu tiên của thực hiện CLTK11-20. Các sản phẩm đầu ra được ưu tiên cần tính đến sự phát triển chung của nền kinh tế - xã hội đất nước, bức tranh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, sự phát triển của nhu cầu thông tin thống kê ngày càng tăng cả về số lượng, chất lượng cũng như nhu cầu về các chỉ tiêu thống kê mới.
- Hoạt động cụ thể: Tham vấn các đối tượng liên quan (người sản xuất và cung cấp thông tin, các đối tượng sử dụng số liệu thống kê...) về các sản phẩm được ưu tiên của CLTK11-20; xác định các sản phẩm ưu tiên từng năm và từng giai đoạn trong quá trình phát triển của TKVN.
- Thời gian hoàn thành: 20/8/2010.
- Đơn vị chủ trì: Tổ Thư ký.
4.3.3. Thu thập ý kiến về Tầm nhìn và các sản phẩm đầu ra ưu tiên của CLTK11-20
- mục tiêu và đầu ra: Có được các ý kiến góp ý Tầm nhìn, các sản phẩm ưu tiên của CLTK11-20.
- Hoạt động cụ thể: Tổ chức hội thảo, tham vấn các đối tượng liên quan (người sản xuất và cung cấp thông tin, các đối tượng sử dụng số liệu thống kê...).
- Thời gian hoàn thành: 10/9/2010.
- Đơn vị chủ trì: Tổ Thư ký.
4.3.4. Rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện Tầm nhìn và các sản phẩm ưu tiên
- mục tiêu và đầu ra: Hoàn thiện Tầm nhìn và các sản phẩm ưu tiên.
- Hoạt động cụ thể: Nghiên cứu các ý kiến, chỉnh sửa và hoàn thiện Tầm nhìn và các sản phẩm ưu tiên.
- Thời gian hoàn thành: 20/9/2010.
- Đơn vị chủ trì: Tổ Thư ký.
4.4. Giai đoạn 4: Xây dựng các chương trình hành động và kế hoạch giám sát, đánh giá; dự thảo CLTK11-20 và các văn bản có liên quan; trình Bộ trưởng Bộ KH&ĐT xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
mục tiêu: Xây dựng chương trình hành động thực hiện CLTK11-20 và kế hoạch giám sát, đánh giá việc thực hiện CLTK11-20. Dự thảo CLTK11-20 và các văn bản có liên quan; thẩm định và trình các cấp phê duyệt.
Thời gian hoàn thành: 14/12/2010.
Các hoạt động chủ yếu:
4.4.1. Dự thảo các chương trình hành động và kế hoạch giám sát, đánh giá thực hiện CLTK11-20
- mục tiêu và đầu ra: có các chương trình hành động để thực hiện CLTK11-20, trong đó có kế hoạch thực hiện trong 3 năm đầu tiên (2011-2013) của CLTK11-20 (các chương trình hành động phải thể hiện rõ từng công việc, thời gian, yêu cầu kinh phí...). Kế hoạch giám sát, đánh giá (M&E).
- Hoạt động cụ thể: Dự thảo các chương trình hành động thực hiện CLTK11-20, kế hoạch thực hiện cho 3 năm đầu tiên của việc thực hiện CLTK11-20; dự thảo kế hoạch giám sát, đánh giá
- Thời gian hoàn thành: 10/2010.
- Đơn vị chủ trì: Tổ Thư ký.
4.4.2. Thu thập ý kiến góp ý cho dự thảo chương trình hành động và kế hoạch giám sát, đánh giá việc thực hiện CLTK11-20
- mục tiêu và đầu ra: Có được các ý kiến góp ý cho bản dự thảo chương trình hành động và kế hoạch giám sát việc thực hiện CLTK11-20.
- Hoạt động cụ thể: Tổ chức các cuộc hội thảo, tham vấn để lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia trong và ngoài nước, các đối tượng liên quan (người sản xuất và cung cấp thông tin, các đối tượng sử dụng số liệu thống kê...) về các chương trình hành động và kế hoạch giám sát, đánh giá việc thực hiện CLTK11-20.
- Thời gian hoàn thành: 10/2010.
- Đơn vị chủ trì: Tổ Thư ký.
4.4.3. Rà soát, hoàn chỉnh các chương trình hành động và kế hoạch giám sát, đánh giá việc thực hiện CLTK11-20
- mục tiêu và đầu ra: Hoàn thiện các chương trình hành động, kế hoạch giám sát, đánh giá việc thực hiện CLTK11-20
- Hoạt động cụ thể: Nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến góp ý, trên cơ sở đó hoàn chỉnh các chương trình hành động, kế hoạch giám sát, đánh giá việc thực hiện CLTK11-20.
- Thời gian hoàn thành: 10/2010.
- Đơn vị chủ trì: Tổ Thư ký.
4.4.4. Dự thảo CLTK11-20 và các văn bản có liên quan
- mục tiêu và đầu ra: có bản dự thảo CLTK11-20 và các văn bản có liên quan.
- Hoạt động cụ thể: Trên cơ sở đề cương đã được phê duyệt và đầu ra của các hoạt động ở trên, tiến hành soạn thảo CLTK11-20 và các văn bản có liên quan đến CLTK11-20 .
- Thời gian hoàn thành: 10/2010.
- Đơn vị chủ trì: Tổ Thư ký.
4.4.5. Thu thập ý kiến góp ý cho dự thảo CLTK11-20 và các văn bản liên quan
- mục tiêu và đầu ra: Có được các ý kiến góp ý cho bản dự thảo CLTK11-20 và các văn bản có liên quan đến CLTK11-20.
- Hoạt động cụ thể: Tổ chức các cuộc hội thảo, tham vấn để lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia trong và ngoài nước, các đối tượng liên quan (người sản xuất và cung cấp thông tin, các đối tượng sử dụng số liệu thống kê...) về dự thảo CLTK11-20 và các văn bản có liên quan.
- Thời gian hoàn thành: 10/11/2010.
- Đơn vị chủ trì: Tổ Thư ký.
4.4.6. Rà soát, hoàn chỉnh CLTK11-20 và các văn bản có liên quan
- mục tiêu và đầu ra: Có bản dự thảo (hoàn chỉnh) CLTK11-20 để gửi đến các cơ quan chức năng xin ý kiến trước khi trình Thủ tướng.
- Hoạt động cụ thể: Rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo CLTK11-20 và các văn bản có liên quan đến CLTK11-20.
- Thời gian hoàn thành: 15/11/2010.
- Đơn vị chủ trì: Tổ Thư ký.
4.4.8. Thẩm định dự thảo CLTK11-20 và các văn bản liên quan, báo cáo Tổng cục trưởng TCTK để trình Bộ trưởng Bộ KH&ĐT
- mục tiêu và đầu ra: Có được ý kiến thẩm định bằng văn bản; hoàn chỉnh dự thảo CLTK11-20 và các văn bản liên quan, báo cáo Tổng cục trưởng để trình Bộ trưởng Bộ KH&ĐT xem xét CLTK11-20.
- Hoạt động cụ thể: Tổng rà soát, hoàn chỉnh CLTK11-20 và các văn bản liên quan; thẩm định văn bản CLTK11-20; Hoàn chỉnh văn bản CLTK11-20 sau thẩm định; báo cáo Tổng cục trưởng TCTK, trình Bộ trưởng Bộ KH&ĐT xem xét dự thảo CLTK11-20.
- Thời gian hoàn thành: 14/12/2010;
- Đơn vị chủ trì: Tổ Thư ký (báo cáo lãnh đạo Tổng cục); lãnh đạo Tổng cục (trình Bộ trưởng Bộ KH&ĐT).
4.4.9. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt CLTK11-20
- Đơn vị chủ trì: Bộ KH&ĐT.
- Thời gian: 15/12/2010.
Kết thúc các hoạt động xây dựng CLTK11-20
5. Kinh phí thực hiện CLTK11-20
Kinh phí cho xây dựng CLTK11-20 và kinh phí thực hiện CLTK11-20 từ nguồn ngân sách Nhà nước và từ các Dự án hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Sau khi CLTK11-20 được phê duyệt, TCTK sẽ tổ chức Hội nghị kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí thực hiện các chương trình hành động của Chiến lược.
6. Lộ trình thực hiện
- 10/ 6/2010: Hoàn thành giai đoạn 1- Chuẩn bị xây dựng CLTK11-20;
- 20/7/2010: Hoàn thành giai đoạn 2 - Đánh giá hệ thống thống kê;
- 20/9/2010: Hoàn thành giai đoạn 3 - Xác định tầm nhìn, lựa chọn các sản phẩm đầu ra ưu tiên của CLTK11-20;
- 14/12/2010: Hoàn thành giai đoạn 4 - Xây dựng các chương trình hành động và kế hoạch giám sát, đánh giá; dự thảo CLTK11-20 và các văn bản có liên quan; trình Bộ trưởng Bộ KH&ĐT xem xét CLTK11-20;
- 15/12/2010: Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt CLTK11-20;
- 2011 - 2020: Tổ chức thực hiện CLTK11-20 (hàng năm báo cáo kết quả giám sát và đánh giá quá trình thực hiện CLTK11-20).
- Năm 2021: Tổng kết thực hiện CLTK11-20.
PHỤ LỤC: DANH MỤC TÀI LIỆU
- Quyết định số 312/QĐ-TTg ngày 02/3/2010 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê;
- Văn bản số 548/TTg-KTTH ngày 10 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ KH&ĐT xây dựng "Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê";
- TCTK: "Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành"; Nhà xuất bản Thống kê; Hà Nội - 2004;
- Nghị định số 93/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê;
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Số 141/2002/QĐ-TTg ngày 21/10/2002 Phê duyệt Định hướng phát triển Thống kê Việt Nam đến năm 2010;
- Văn bản số 301/TCTK-VP ngày 02 tháng 5 năm 2003: "Chương trình hành động thực hiện Định hướng phát triển Thống kê Việt Nam đến năm 2010";
- Nghị định số 40/2004/CP-NĐ ngày 13 tháng 02 năm 2004 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê;
- Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X;
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 305/2005/QĐ-TTg ngày 24/11/2005 về việc ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia;
- Quyết định số 111/2008/QĐ-TTg ngày 15/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp;
- Quyết định số 153/2002/QĐ-TTg ngày 7/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ về Cơ quan điều phối của Việt Nam trong việc tham gia Hệ thống phổ biến số liệu chung (GDDS) của Quỹ tiền tệ quốc tế.
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1910/TTg-QHQT ngày 15/10/2009 về việc phê duyệt danh mục Dự án HTKT Xây dựng chiến lược phát triển thống kê Việt Nam.
- Tổng cục Thống kê, Kết quả điều tra nhu cầu thông tin thống kê năm 2008.
- PARIS 21 hoặc cộng tác thống kê để phát triển trong thế kỷ 21, http://www.paris21.org
- Kế hoạch hành động thống kê Marrakech, http://www.maps.org
- Báo cáo Chương trình điều tra quốc gia của Đào Ngọc Lâm, tháng 10/2007, VIE-0040722-UNDP-DFID Hỗ trợ Giám sát Phát triển Kinh tế Xã hội.
- Đánh giá thực trạng phối hợp thống kê giữa những nhà sản xuất số liệu trong hệ thống thống kê Việt Nam, Nguyễn Văn Phẩm, Chuyên gia trong nước, tháng 9/ 2008, VIE-0040722-UNDP-DFID Hỗ trợ Giám sát Phát triển Kinh tế Xã hội.
- Thực trạng phối hợp thống kê ở tỉnh Quảng Nam, Đặng Phước Cương, Chuyên gia địa phương và Ngô Doãn Gác, Chuyên gia trong nước, tháng 11/ 2008, VIE-0040722-UNDP-DFID Hỗ trợ Giám sát Phát triển Kinh tế Xã hội.
- Báo cáo về tổ chức thống kê, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vũ Thanh Hương, Chuyên gia trong nước, 10/9/2008, VIE-0040722-UNDP-DFID Hỗ trợ Giám sát Phát triển Kinh tế Xã hội.
- Báo cáo tổng kết: Phân tích thực trạng phối hợp thống kê ở Việt Nam, Romulo A. Virola, Chuyên gia quốc tế, tháng 11/2008, VIE-0040722-UNDP- DFID Hỗ trợ Giám sát Phát triển Kinh tế Xã hội.
- Đề xuất khung và cơ cấu tổ chức phối hợp thống kê cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp ngành trong hệ thống Thống kê Việt Nam, Romulo A. Virola, Chuyên gia quốc tế, VIE-0040722-UNDP-DFID Hỗ trợ Giám sát Phát triển Kinh tế Xã hội.
- Đề xuất tăng cường thống kê cho 5 Bộ ở Việt Nam, Josie B. Perez, VIE-0040722-UNDP-DFID Hỗ trợ Giám sát Phát triển Kinh tế Xã hội.
- Đề xuất xây dựng năng lực cho Tổng cục Thống kê, Yahya Jammal, VIE-0040722-UNDP-DFID Hỗ trợ Giám sát Phát triển Kinh tế Xã hội.
- Rà soát kết quả thực hiện các Chương trình hành động thực hiện Định hướng phát triển thống kê đến năm 2010, Trần Kim Đồng, VIE-0040722- UNDP-DFID Hỗ trợ Giám sát Phát triển Kinh tế Xã hội.
- Chức năng hoạt động thống kê của một số Bộ, VIE-0040722-UNDP- DFID Hỗ trợ Giám sát Phát triển Kinh tế Xã hội.
[1] Niên giám Thống kê Việt Nam 2008, trang 619
[2] Niên giám Thống kê Việt Nam 2008, trang 61
[3] Tạp chí Cộng sản, số 801, 7-2009, trang 11
[4] Partnership in Statistics for Development in the 21th Centery 21
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.