UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4135/QĐ-UBND | Hải Dương, ngày 23 tháng 11 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA VỀ CHĂM SÓC, BẢO VỆ VÀ NÂNG CAO SỨC KHOẺ VỊ THÀNH NIÊN VÀ THANH NIÊN TỈNH HẢI DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2007 - 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 2010/QĐ - BYT ngày 07/6/2006 của Bộ Trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể Quốc gia về Chăm sóc, bảo vệ và Nâng cao sức khoẻ vị thành niên và thanh niên Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 727/TTr-SYT ngày 14/11/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Kế hoạch tổng thể quốc gia về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ vị thành niên và thanh niên tỉnh Hải Dương giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng đến năm 2020 với các nội dung cơ bản sau:
I. MỤC TIÊU
A. Mục tiêu chung
Hạn chế tốc độ gia tăng, tiến tới làm giảm tỷ lệ có thai ngoài ý muốn, nhiễm HIV, tai nạn thương tích, lạm dụng chất gây nghiện và rối loạn tâm lý ở vị thành niên và thanh niên.
B. Mục tiêu cụ thể đến năm 2010
1. Nâng cao kiến thức, kỹ năng và hành vi của vị thành niên và thanh niên trong việc tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe bản thân liên quan đến sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục.
2. Tạo môi trường sống, làm việc, sinh hoạt và học tập hàng ngày của nhóm tuổi trẻ cần là nơi hỗ trợ cho việc BV, CS và NCSK vị thành niên và thanh niên.
3. Cải thiện tiếp cận dịch vụ thích hợp và đặc hiệu cho nhu cầu của vị thành niên và thanh niên, để bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
4. Hỗ trợ đặc biệt cho vị thành niên và thanh niên có khó khăn và có hoàn cảnh đặc biệt.
II. ĐỊNH HƯỚNG TRIỂN KHAI
1. Định hướng đến năm 2010
- Phối hợp và lồng ghép các hoạt động, chương trình, dự án có liên quan đến sức khỏe vị thành niên và thanh niên trong và ngoài ngành y tế đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
- Huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng, các ngành, đoàn thể cho hoạt động Bảo vệ, Chăm sóc và Nâng cao sức khỏe VTN và TN, trên cơ sở xác định các yếu tố nguy cơ và yếu tố bảo vệ đối với nhóm tuổi trẻ.
- Thu hút và tạo cơ hội cho vị thành niên và thanh niên tham gia vào quá trình xây dựng, tổ chức triển khai, đánh giá các chương trình can thiệp liên quan đến họ.
- Huy động nguồn lực tài chính ngân sách Nhà nước và các nguồn tài trợ, đầu tư có trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp bách và từng bước giải quyết các vấn đề lâu dài.
- Lựa chọn những phương pháp dựa trên tính khả thi dựa trên kinh nghiệm “thực hành tốt nhất” của tỉnh và toàn quốc đã triển khai có hiệu quả.
2. Định hướng can thiệp cụ thể đến năm 2010
- Hướng về gia đình và trường học bằng các biện pháp hiệu quả.
- Tổ chức dịch vụ thân thiện cho nhóm tuổi trẻ tại cộng đồng.
- Lành mạnh hoá môi trường của các nhóm tuổi trẻ (hạn chế tiếp cận với ma túy, rượu/bia, thuốc lá) kể cả biện pháp can thiệp của Pháp luật.
- Tạo các sân chơi lành mạnh với các hình thức cuốn hút và phù hợp với các nhóm trẻ, thanh niên chủ động tham gia như: Câu lạc bộ, giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể thao...
- Giáo dục đồng đẳng, đặc biệt đối với VTN và TN lớn tuổi và nhóm bị đẩy ra ngoài lề xã hội (nhóm trẻ lang thang).
- Xây dựng thông điệp truyền thông có tính thuyết phục dựa trên sự kiện thực tế phù hợp với tâm lý các nhóm tuổi, hạn chế thông điệp có nội dung hoặc hình ảnh gây khiếp sợ.
3. Định hướng đến năm 2020
Tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi và hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ có hại cho sức khỏe để vị thành niên và thanh niên có cơ hội nâng cao sức khỏe, phát huy tiềm năng của mình để cống hiến cho đất nước, cho xã hội và mang lại hạnh phúc cho bản thân.
Tiếp tục giải quyết các vấn đề về sức khỏe của vị thành niên và thanh niên như: Có thai sớm, có thai ngoài ý muốn, nguy cơ lây nhiễm HIV, rối loạn tâm lý và tự tử, sử dụng chất gây nghiện và tai nạn thương tích mà chủ yếu là tai nạn giao thông thông qua các hoạt động chủ yếu như:
- Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục sức khỏe, truyền thông thay đổi hành vi.
- Triển khai mở rộng mô hình cung cấp dịch vụ thân thiện toàn diện ở cả các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa.
- Nâng cao kỹ năng nghiên cứu, giám sát đánh giá cho các tuyến tỉnh để hỗ trợ cho việc đúc rút kinh nghiệm, điều chỉnh và nhân rộng ra toàn tỉnh.
III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tăng cường thông tin - giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi là giải pháp quan trọng hàng đầu. Nâng cao kiến thức nhằm chuyển biến nhận thức, thái độ, hành vi có lợi cho việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ vị thành niên và thanh niên. Kết hợp tốt thông tin - giáo dục - truyền thông với giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp.
2. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho vị thành niên và thanh niên tại Hải Dương nhằm huy động mọi nguồn lực của Nhà nước và cộng đồng tham gia vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe vị thành niên và thanh niên.
3. Tăng cường hoạt động chuyên môn kỹ thuật.
4. Chủ động huy động các nguồn khác nhau trong đó ngân sách Nhà nước là quan trọng.
IV. CÁC BIỆN PHÁP VÀ HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ
Mục tiêu 1:
1. Tổ chức “Chiến dịch truyền thông” tập chung vào vấn đề chăm sóc Sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục, HIV, tai nạn thương tích, sử dụng chất gây nghiện.
2. Triển khai thường xuyên các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi cho phù hợp với từng đối tượng và môi trường sống, học tập, lao động của nhóm tuổi trẻ.
Mục tiêu 2:
1. Thiết lập liên kết chặt chẽ giữa cha mẹ trong gia đình và thầy cô giáo trong trường học.
2. Mời các nhân vật có uy tín xã hội được vị thành niên và thanh niên kính trọng, ái mộ tham gia hỗ trợ để ủng hộ các hoạt động BV, CS và NCSK vị thành niên và thanh niên.
3. Tổ chức các hình thức “Câu lạc bộ”, "Diễn đàn giao lưu", “Nhà văn hóa” các cuộc thi có tổ chức ... để tạo dựng và duy trì môi trường lành mạnh thu hút sự tham gia của vị thành niên và thanh niên.
4. Tổ chức “Góc bạn hữu” tại trường học và tại cộng đồng tạo điều kiện cho vị thành niên và thanh niên dễ tiếp nhận hơn các thông điệp liên quan đến BV, CS và NCSK của họ.
5. Đề cao những tấm gương tiêu biểu tại cộng đồng, trường học cho vị thành niên và thanh niên noi theo.
6. Thiết lập hoạt động tư vấn ngay trong môi trường sống, làm việc và học tập.
7. Huy động các tổ chức quần chúng ở cơ sở và các đại diện quần chúng để tăng tính hấp dẫn và thuyết phục với vị thành niên và thanh niên.
Mục tiêu 3:
1. Xây dựng các điểm dịch vụ thân thiện làm giảm được tỷ lệ có thai ngoài ý muốn.
Lồng ghép dịch vụ tư vấn với dịch vụ lâm sàng, đảm bảo tính hiệu quả và tiết kiệm được nguồn lực.
2. Tổ chức “Góc bạn hữu” trong trường học và ngoài trường học, quầy thuốc, hiệu sách … để cung cấp chuyển tải thông tin, trao đổi sự hiểu biết và kinh nghiệm.
Mục tiêu 4:
1. Thiết lập và giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ vị thành niên và thanh niên có thể phục vụ được cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, thích hợp với các nhu cầu khác nhau của các nhóm đối tượng cụ thể.
2. Xác định ưu tiên là tập trung vào vị thành niên và thanh niên thuộc đối tượng lang thang, mồ côi, gia đình nghèo và các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
3. Xây dựng các dự án riêng có mục tiêu và can thiệp đồng bộ hướng tới các nhóm đối tượng ưu tiên cụ thể như: Trẻ lang thang, mồ côi, gia đình nghèo.
4. Tổ chức phối kết hợp liên ngành trên cơ sở có sự phân công trách nhiệm rõ ràng.
V. DỰ TOÁN KINH PHÍ VÀ NGUỒN KINH PHÍ
1. Tổng dự toán kinh phí: 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng chẵn)
Trong đó:
- Chi thu thập thông tin, xây dựng kế hoạch hành động, thử nghiệm mô hình: 50.000.000 đồng.
- Chi xây dựng và duy trì hoạt động mô hình điểm ở huyện điểm: 800.000.000 đồng.
- Chi đánh giá và nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh: 1.050.000.000 đồng.
- Chi hoạt động Ban chỉ đạo, Tổ chuyên gia: 100.000.000 đồng.
2. Nguồn kinh phí:
- Ngân sách của tỉnh cấp: 30%.
- Huy động cộng đồng thông qua các dịch vụ: 20%.
- Ngân sách Trung ương và hợp tác quốc tế: 50%.
VI. QUẢN LÝ ĐIỀU HÀNH VÀ PHÂN KỲ THỰC HIỆN
A. QUẢN LÝ ĐIỀU HÀNH
1. Thành lập Ban chỉ đạo các cấp
Gồm lãnh đạo UBND và các ngành đoàn thể liên quan: Y tế, GD và ĐT, Phát thanh truyền hình, Thanh niên, Phụ nữ, Lao động - Thương binh - Xã hội... Y tế đóng vai trò điều phối; tổng số từ 10 - 15 thành viên.
Thành lập Tổ thư ký chuyên trách từ 4 - 6 thành viên gồm đại diện của ngành Y tế và các ngành liên quan trực tiếp.
2. Hỗ trợ kỹ thuật
Thành lập các Nhóm kỹ thuật gồm các chuyên gia trong các lĩnh vực từ các ngành, đoàn thể.
3. Cơ chế phối hợp lồng ghép
- Bổ sung thêm các hoạt động của kế hoạch hành động cho các dự án, chương trình do các ban, ngành, đoàn thể đang triển khai trên địa bàn trên cơ sở cam kết trách nhiệm.
- Lồng ghép các hoạt động của kế hoạch hành động cho các dự án, chương trình Y tế đang triển khai trên địa bàn trong hệ thống chăm sóc sức khỏe đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản. Trên cơ sở xây dựng, thông qua kế hoạch lồng ghép với nguồn lực đầu tư cụ thể tránh chồng chéo.
- Có bộ phận tổng hợp chung các hoạt động từ các chương trình dự án liên quan trong và ngoài ngành Y tế trên địa bàn tỉnh để theo dõi đánh giá rút kinh nghiệm.
B. PHÂN KỲ THỰC HIỆN
Năm 2007: Tập trung thu thập thông tin, xây dựng kế hoạch hành động.
Năm 2008 – 2009: Xây dựng mô hình điểm ở 4 huyện, Thành phố. Trong 4 huyện triển khai có một huyện triển khai toàn diện các mục tiêu, 3 huyện còn lại triển khai truyền thông thay đổi hành vi và một nhóm hoạt động khác.
Năm 2010: Nhân rộng các mô hình hoạt động chéo trong các huyện điểm, ưu tiên mở rộng truyền thông giáo dục thay đổi hành vi và thiết lập các dịch vụ thân thiện cho toàn bộ số huyện còn lại.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế và thủ trưởng các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.