UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4123/QĐ-UBND | Thanh Hoá, ngày 12 tháng 12 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2010 ĐẾN 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030.
CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HOÁ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 về việc Lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 về việc Lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của Chính phủ; Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 114/2009/QĐ-TTg ngày 28/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1327/QĐ-TTg ngày 24/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1546/QĐ-UBND ngày 18/5/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tỉnh Thanh Hóa đoạn 2010 đến 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Văn bản số 4763/BGTVT-KHĐT ngày 09/8/2011 của Bộ GTVT về việc Góp ý điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010 đến 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa tại Tờ trình số 1308/TTr-SGTVT ngày 04/10/2011 (kèm theo hồ sơ) về việc Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010 đến 2020, định hướng đến năm 2030; kèm theo Biên bản hội nghị ngày 01/12/2011 của Hội đồng thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010 đến 2020, định hướng đến năm 2030,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010 đến 2020, định hướng đến năm 2030; với các nội dung chủ yếu sau:
A) Quan điểm phát triển
- Phát triển GTVT là nhiệm vụ trọng yếu trong phát triển hạ tầng, phải được quan tâm đi trước; Quy hoạch GTVT phải phù hợp với quy hoạch GTVT quốc gia, các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành đã cấp có thẩm quyền được duyệt.
- Đến năm 2020 Thanh Hoá có mạng lưới GTVT hiện đại, chất lượng cao; mặt cắt ngang các tuyến đường tối thiểu 2 làn xe; đường kết hợp với đê trung ương phải đưa vào cấp hạng kỹ thuật.
- Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, tranh thủ tối đa nguồn vốn ODA; khuyến khích đầu tư theo các hình thức BT, BOT, PPP…; lồng ghép các chương trình dự án; quản lý sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả.
- Hoàn thiện hệ thống thể chế, coi trọng phát triển nguồn nhân lực; tăng cường công tác quản lý nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT trong lĩnh vực GTVT.
- Phải dành quỹ đất hợp lý theo quy định để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và đảm bảo hành lang an toàn giao thông theo đúng quy định pháp luật.
B) Mục tiêu phát triển
I. Mục tiêu tổng quát
- Mạng lưới giao thông vận tải cần được ưu tiên đầu tư trước để tạo tiền đề phát triển KT-XH; phát triển giao thông bền vững, hiện đại và coi trọng công tác đầu tư, bảo trì và an toàn giao thông; phát triển cân đối, đồng bộ mạng lưới giao thông đối nội và đối ngoại, liên hoàn giữa các vùng miền. Tập trung ưu tiên đầu tư các tuyến thuộc Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Vùng nguyên liệu, khu vực miền núi, các trục chính trong đô thị và các trục nối các vùng kinh tế trọng điểm; các tuyến có ý nghĩa về an ninh quốc phòng.
- Đáp ứng các mục tiêu phát triển về tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, góp phần cải thiện đời sống nhân dân cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện phát triển văn hóa, du lịch, giáo dục, y tế, môi trường…
- Thực hiện quản lý thống nhất, đạt hiệu quả cao và giảm thiểu tai nạn giao thông.
- Phấn đấu đưa Thanh Hoá trở thành một trong những tỉnh tiên tiến.
II. Một số mục tiêu cụ thể
1. Giai đoạn đến năm 2020
a) Về kết cấu hạ tầng giao thông:
- Đầu tư, nâng cấp đưa vào cấp hạng kỹ thuật và cứng hoá toàn bộ hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện.
- Hoàn thành xây dựng các cầu vượt sông lớn, thay thế các cầu yếu trên quốc lộ và đường tỉnh. GTNT cứng hóa 100% đường huyện, 70% đường xã, 40-50% đường thôn (bản).
- Xây dựng các cảng biển theo quy hoạch của Bộ GTVT.
- Đưa sân bay Sao Vàng vào khai thác dân dụng.
Phát triển công nghiệp ô tô, đến năm 2020 đạt 100.000 chiếc/ năm; năm 2030 đạt 150.000 chiếc/năm; phát triển công nghiệp đóng tàu thủy đến 10.000 tấn;
- Từng bước xây dựng hoàn thiện hạ tầng phục vụ GTVT ( Trường Dạy nghề nghiệp vụ GTVT, các trung tâm kiểm định chất lượng…).
b) Về vận tải:
Tổ chức mạng lưới vận tải, đa dạng về phương tiện và phương thức vận tải, đảm bảo hiệu quả, nhanh chóng, an toàn, thuận tiện. Mục tiêu đến năm 2020 đạt 45 triệu hành khách/năm; 80 triệu tấn hàng hóa/năm ( không kể giao thông quá cảnh).
2. Định hướng đến năm 2030
- Xây dựng tuyến đường sắt từ Nam Vinh xã Đông Nam huyện Đông Sơn đến khu đô thị mới Ngọc Lặc.
- Xây dựng sân bay tại xã Hải Ninh đạt cấp 4C ( theo quyết định số 3384/QĐ-BGTVT ngày 25/11/2010của Bộ trưởng Bộ GTVT ).
- Phát triển nhà máy đóng mới và sửa chữa toa xe hành khách (đường sắt).
- Nghiên cứu xây dựng phát triển vận tải hành khách công cộng trong các khu đô thị ( tàu điện bánh lốp, trên cao ).
C) Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch GTVT
I. Quy hoạch về kết cấu hạ tầng giao thông
1. Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ
1.1. Các tuyến quốc gia:
a) Đường bộ cao tốc: Theo QH chung toàn quốc, tuyến đi về phía Tây QL1A và TP Thanh Hóa; chiều dài 100km, quy mô 4-6 làn xe; có 5 vị trí kết nối với mạng lưới giao thông địa phương tại đường Bỉm Sơn - Phố Cát; QL217, QL47, QL45 (Yên Thái) và Khu kinh tế Nghi Sơn.
b) Hệ thống quốc lộ:
Quy hoạch phát triển đến năm 2020:
- Quốc lộ 1A: Từ Dốc Xây - Khe nước lạnh, chiều dài 98km. Hoàn thiện toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 4 làn xe; mở rộng một số đoạn có lưu lượng lớn đạt tiêu chuẩn đường cấp II; thay thế toàn bộ cầu yếu.
- Quốc lộ 10: Từ Nga Sơn - Tào Xuyên, chiều dài 45km, hoàn thiện nâng cấp toàn tuyến tối thiểu đạt cấp III, 2 làn xe.
- Quốc lộ 15: Từ Hoà Bình nối vào đường Hồ Chí Minh (thị trấn Ngọc Lặc), chiều dài 86km, hoàn thiện xây dựng, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe.
- Quốc lộ 45: Từ Thành Vân ( Thạch Thành ) - Yên Cát ( Như Xuân ), chiều dài 124,5 km, hoàn thiện nâng cấp xây dựng tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, 2 làn xe
- Quốc lộ 47: Từ Sầm Sơn - Lam Sơn, chiều dài 61 km, hoàn thiện xây dựng nâng cấp toàn tuyến tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, 2 làn xe.
- Quốc lộ 217: Từ Lèn ( Km303 Quốc lộ 1A ) - cửa khẩu Quốc tế Na Mèo huyện Quan Sơn, chiều dài 191km, hoàn thiện nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp III đến IV, 2 làn xe.
- Đường Hồ Chí Minh: từ Thạch Lâm - Lâm La, chiều dài 130km, cơ bản đã hoàn thành giai đoạn 1 với quy mô 2 làn xe. Đến năm 2020, hoàn chỉnh tuyến, từng bước xây dựng các đoạn theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch được duyệt.
- Đường Nghi Sơn - Bãi Trành: nối Nghi Sơn với đường Hồ Chí Minh, chiều dài 54,5Km, hoàn thiện xây dựng nâng cấp toàn tuyến tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, 2 làn xe
Định hướng đến 2030:
- Thỏa mãn được nhu cầu vận tải và dịch vụ vận tải của xã hội với chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhanh chóng, thuận tiện, an toàn; kết nối được với các phương thức vận tải khác, nhất là các điểm chuyển tải hành khách đường dài với vận tải hành khách đô thị.
- Hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
c) Các tuyến đề nghị đưa lên quốc lộ:
- Kéo dài 4 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 157,3 km
+ Quốc lộ 10: từ cầu Thắm - đến Ghép, dài 27km, xây dựng đạt tiêu chuẩn đường cấp III, tối thiểu 2 làn xe;
+ Quốc lộ 45: từ Yên Cát - Bù Cẩm, dài 56km, xây dựng đạt tiêu chuẩn đường tối thiểu cấp IV, 2 làn xe;
+ Quốc lộ 47: Từ thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân - cửa khẩu Khẹo, dài 60,3km; xây dựng đạt tiêu chuẩn đường tối thiểu cấp IV, 2 làn xe;
- Quốc lộ 217: từ Lèn ( Km303 Quốc lộ 1 ) - ngã năm Hạnh, dài 14km. Xây dựng đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe
- Đưa 3 tuyến lên quốc lộ với tổng chiều dài 346,2km
+ Tuyến chính Tây Thanh Hóa: từ Tà Bục - Bản Phảng, dài 183,5km; xây dựng nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường từ cấp VI đến cấp IV.
+ Đường Hồi Xuân - Tén Tằn ( ĐT.520 ), dài 112,65km; xây dựng nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV.
+ Đường Bỉm Sơn - Phố Cát - Thạch Quảng ( ĐT.522 ), dài 50km; xây dựng nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe; đoạn qua đô thị theo quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt.
d) Đường bộ ven biển: Từ Nga Sơn – Khu kinh tế Nghi Sơn, dài 107,5km, xây dựng tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe; các đoạn qua khu đô thị, khu kinh tế, khu du lịch... có quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt.
1.2. Bổ sung các tuyến xây dựng mới ( chưa có trong quy hoạch đã được duyệt ): Xây dựng mới 10 tuyến đường với L= 390,14km
- Đường QL1A - Đảo Nẹ, dài 28,5km; xây dựng tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe.
- Đường Nghĩa Trang - Thiệu Long, dài 15,09km; xây dựng tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV.
- Đường từ Sân bay Sao Vàng - KKT Nghi Sơn, dài 65,5km; xây dựng tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe.
- Đường Thiệu Khánh - Thiệu Giang, dài 8,55km; xây dựng tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV.
- Đường nối ĐT.507 - QL15A - QL217 (từ ngã ba Lương Sơn - Cẩm Thành), dài 60km; xây dựng tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV
- Đường Minh Sơn - Thành Minh, dài 42,5km; xây dựng tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV.
- Tuyến nối đường Tây Thanh Hóa ( tại xã Yên Nhân ) - KKT Nghi Sơn ( Tân Trường ), dài 90km; xây dựng tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe.
- Tuyến nối QL217 - QL45 - QL47 ( từ Vĩnh Hùng - Xuân Thắng ), dài 27km; xây dựng tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV.
- Đường Cầu Đò Lèn - Cầu Nguyệt Viên, dài 25km; xây dựng tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe.
- Đường nối Hồ Chí Minh ( khu di tích Lam Kinh ) với QL217 ( Khu di tích Thành Nhà Hồ ), dài 28km; xây dựng tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV.
1.3. Cầu lớn vượt sông:
Hoàn thành xây dựng một số cầu lớn vượt sông, thay thế các bến phà trên tuyến quốc lộ ( QL10 ), cụ thể: Cầu Thắm, cầu Bút Sơn; trên sông Mã, sông Chu: cầu Hoằng Khánh, cầu Cẩm Vân, cầu Thiệu Khánh, Cầu Nguyệt Viên, cầu Đò Đại,...
1.4. Hệ thống đường tỉnh:
- Xây dựng, nâng cấp các tuyến với mục tiêu: ở vùng đồng bằng tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp III, IV, vùng miền núi đạt tiêu chuẩn cấp IV, cấp V, đoạn qua các đô thị theo quy hoạch được duyệt.
- Tỷ lệ nhựa hóa đường tỉnh đạt 100% vào năm 2020.
- Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu trên tuyến.
- Đề nghị chuyển 4 tuyến nâng lên quốc lộ, chiều dài 237km:
+ Thường Xuân - Bát Mọt - Cửa khẩu Khẹo ( ĐT.507 ),
+ Hà Ninh - Ngã Năm Hạnh ( ĐT.508 ),
+ Hồi Xuân - Tén Tằn (ĐT.520),
+ Bỉm Sơn - Phố Cát - Thạch Quảng ( ĐT.522 )
- Chuyển 1 tuyến sang đường đô thị L=4,5km (Trường Thi – Hàm Rồng);
- Điều chỉnh chiều dài 2 tuyến:
+ Kim Tân - Phố Châu (ĐT.516B): Chiều dài tuyến từ 58,5Km xuống 50Km.
+ Cầu Cừ - Kim Tân - Thành Mỹ (ĐT.523): Chiều dài tuyến từ 50Km xuống 44Km.
- Nâng cấp 25 tuyến đường huyện lên đường tỉnh với tổng chiều dài 621,5km. (tiêu chí theo Nghị định 11/2010/NĐ-CP)
Tổng số tuyến đường tỉnh sau khi điều chỉnh, bổ sung tối thiểu 61 tuyến, tổng chiều dài khoảng 1406km.
1.5.Hệ thống đường đô thị:
- Nâng cấp, cải tạo các tuyến hiện tại trong các đô thị theo quy hoạch được duyệt.
- Rà soát quy hoạch đã được duyệt của các đô thị để quy hoạch xây dựng đến năm 2020 các tuyến đường chính đô thị quy mô tối thiểu 4 làn xe, có hệ thống đường gom 2 bên và tối thiểu chỉ giới đường đỏ 36m, nếu có quỹ đất thì mở rộng hơn.
- Quy mô các tuyến đường phố và đường gom theo tiêu chuẩn đường đô thị.
- Khi xây dựng cần nghiên cứu phối hợp chức năng giao thông và không gian, coi trọng đến thiết kế cảnh quan, gắn kết với xây dựng đô thị; đầu tư hệ thống hộp kỹ thuật, tránh tình trạng đào đường để bố trí đường điện, cấp nước, thông tin liên lạc ….
1.6. Hệ thống đường GTNT:
Tổng số 16.483 km ( sau khi đã chuyển 25 tuyến L= 621,5km tuyến đường huyện lên đường tỉnh ).
- Xây dựng 100% đường huyện, đường xã, thôn ( bản ), quy mô tối thiểu một làn xe cơ giới.
- Tỷ lệ cứng hóa mặt đường 100%.
- 100% đường huyện, đường xã được bảo trì.
1.7. Hệ thống đường tuần tra biên giới:
Xây dựng toàn bộ 700km đường ô tô đi được, trong đó: Cứng hóa và đưa vào cấp kỹ thuật 100% tuyến dọc biên giới ( 289km ); 100% tuyến lên các mốc ( 49km ); 40% tuyến từ TT xã và Đồn Biên Phòng ra đường tuần tra (145/362km).
1.8. Hệ thống đường giao thông kết hợp với đê:
Cứng hóa mặt đê 100% đê Trung ương ( 307km); phối hợp với đê điều, cứng hóa mặt đê địa phương (còn lại 716 Km).
Kết hợp xây dựng đê để đưa vào cấp hạng kỹ thuật tuyến đường; Đối với những đoạn xung yếu, cần nghiên cứu đường 2 làn xe khác cốt.
2. Hệ thống bến xe
Thực hiện theo quyết định số 1059/QĐ-UBND ngày 10/4/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới bến xe ô tô khách tỉnh Thanh Hóa, đến năm 2020 tổng số bến ( loại 1 – 5 ) là 83 bến.
3. Hệ thống đường thủy nội địa
Thực hiện theo quyết định số 69/QĐ-CT ngày 07/1/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc quy hoạch phát triển mạng lưới đường thủy nội địa đến năm 2020, đồng thời điều chỉnh, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với quy hoạch, cụ thể:
- Bổ sung thêm tuyến từ cảng Lạch Bạng – Cảng đảo Hòn Mê vào hệ thống đường thủy nội địa (theo quyết định số 970/QĐ – BGTVT).
- Hệ thống sông Yên: Bổ sung thêm tuyến sông Nông Giang (48.7km) và sông Thị Long (23km ).
- Rà soát điều chỉnh cấp sông có xem xét đến việc xây dựng thủy điện thượng nguồn và biến đổi khí hậu, phù hợp với các cầu hiện có và không ảnh hưởng đến việc xây dựng mới các cầu ( tĩnh không ). Cụ thể:
Sông Tào: Đoạn từ Ngã ba sông Tào - Ngã ba Hoàng Hà, cấp kỹ thuật QH đạt cấp 5; Đoạn từ Ngã ba Hoàng Hà - cửa Lạch Trường, cấp kỹ thuật QH đạt cấp 3.
4. Hệ thống bến thủy nội địa
- Tiếp tục triển khai theo quy hoạch được duyệt ( quyết định số 69/QĐ-CT ) gồm: 2 cụm cảng ( Hàm rồng, Đò Lèn ) và 24 bến thủy. Tổng công suất 5,9 triệu tấn/năm.
- Trên hệ thống sông Lèn thay đổi bến Đò Thạch Giản thành bến Đò Ghểnh và trên kênh Nga bến Hói Đào thay thành bến Mộng Dường.
5. Hệ thống cảng biển
- Cảng Nghi Sơn: Theo quyết định số 1401/QĐ-BGTVT ngày 26/5/2010 của Bộ GTVT gồm các khu bến chức năng sau:
+ Khu phía Bắc: Bến chuyên dùng (lọc dầu, XM, hàng rời, hàng lỏng), tầu 3 – 5 vạn tấn;
+ Khu phía Nam: Bến tổng hợp, container, chuyên dùng ( nhiệt điện ) tầu 3 - 5 vạn tấn;
+ Khu đảo Mê: bến chuyển tải, neo trú bão và du lịch, quốc phòng.
Đến năm 2020 lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 44,6 triệu tấn/năm; năm 2015 xây dựng 16 bến (cảng dầu, cảng nhiệt điện, tổng hợp...), tiếp nhận cỡ tàu 3 vạn đến 5 vạn tấn; Khu vực chuyền tải đảo Mê cho tàu 100.000 tấn.
- Giữ nguyên cảng Lễ Môn với công suất hiện tại và kết hợp làm cảng dịch vụ du lịch; quy hoạch xây dựng cảng Quảng Nham ( 2 bến ) cho tầu từ 1.000 - 2.000 tấn; cảng Quảng Châu cho tầu đến 1.000 tấn.
- Đề nghị triển khai lập bổ sung QH cảng Nẹ ( Hậu Lộc ); chuyển cụm cảng Lèn thành cảng thủy nội địa.
6. Hệ thống đường sắt
- Xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc theo lộ trình của Thủ tướng Chính phủ.
- Tuyến đường sắt Bắc Nam:
+ Nâng cấp ga hiện tại, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách;
+ Nâng cấp cải tạo một số đoạn tuyến, các cầu yếu, hệ thống thông tin tín hiệu đạt tiêu chuẩn đường Xuyên Á;
- Xây dựng tuyến nối đường sắt Bắc Nam với KKT Nghi Sơn và 01 nhà ga theo quy hoạch Khu Kinh tế Nghi Sơn, (theo quyết định số 1364/QĐ-TTg).
- Giai đoạn sau năm 2020 xây dựng tuyến đường sắt từ Nam Vinh xã Đông Nam huyện Đông Sơn đến khu đô thị mới Ngọc Lặc.
7. Hệ thống đường hàng không
Quy hoạch phát triển đến năm 2020:
- Sử dụng một phần năng lực của sân bay Sao Vàng để phục vụ dân dụng.
Định hướng đến 2030:
- Xây dựng sân bay tại xã Hải Ninh đạt cấp 4C ( theo quyết định số 3384/QĐ-BGTVT ).
8. Kho tàng, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ
- Dành quỹ đất xây dựng kho tàng, bãi đỗ xe phù hợp với quy hoạch đô thị.
- Rà soát trên các tuyến quốc lộ lựa chọn vị trí phù hợp để bố trí trạm dừng nghỉ; Xây dựng hoàn thiện các trạm trả đón khách cho các tuyến xe buýt.
9. Đảm bảo an toàn giao thông
- Mục tiêu: Kiềm chế TNGT, giảm về số vụ, số người chết và bị thương.
+ Đường bộ: Xây dựng khoảng 25 điểm giao cắt khác mức và đồng mức để giải quyết các điểm xung đột; quản lý hành lang ATGT; xây dựng các vị trí cầu vượt dành cho người đi bộ tại các đô thị lớn và hệ thống đường gom.
+ Đường thủy: Triển khai xây dựng các cầu treo, cầu cứng để thay thế các bến bãi tạm và các đò ngang thô sơ như cầu Thắm, cầu Bút Sơn, cầu Đò Đại, cầu Hoằng Khánh,…
+ Đường sắt: Triển khai thực hiện quyết định số 1856/CP về việc giải tỏa hành lang an toàn GTĐS, làm đường gom, xây dựng tường hộ lan; rà soát, giải quyết 161 đường ngang không đủ tiêu chuẩn.
10. Nhu cầu sử dụng đất
Trên cơ sở QH mạng lưới hạ tầng GTVT, tính toán quỹ đất dành cho phát triển kết cấu hạ tầng GTVT tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 là 42.300ha và định hướng đến năm 2030 là 59.400ha.
11. Nhu cầu sử dụng vốn đầu tư
Tổng nhu cầu vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng GTVT đến năm 2015 khoảng 65.000 tỷ đồng, giai đoạn 2015 - 2020 là 67.000 tỷ đồng, giai đoạn 2020 - 2030 là 240.000 tỷ đồng. Tổng nhu cầu vốn đầu tư là: 372.000 tỷ đồng.
II. Quy hoạch công nghiệp GTVT và hệ thống trường, trạm đăng kiểm
1. Quy hoạch công nghiệp GTVT
a) Khu công nghiệp đóng tàu thủy Nghi Sơn: Điều chỉnh chuyển sang phát triển cảng biển nước sâu.
b) Phát triển nghành công nghiệp ô tô, đóng tàu và công nghiệp phụ trợ trên địa bàn tỉnh, coi việc phát triển các ngành công nghiệp này là lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
c) Tiếp tục đẩy nhanh phát triển ngành công nghiệp ô tô tại TX Bỉm Sơn, TP Thanh Hóa, huyện Hậu Lộc và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh (TP Thanh Hóa, KKT Nghi Sơn); Mục tiêu sản xuất đến năm 2020 là 100.000 chiếc và đến năm 2030 là 150.000 chiếc.
- Phát triển các cơ sở đóng, sửa tàu nhỏ đến 10.000 tấn tại các khu vực cửa Lạch Trường, Lạch Bạng, cảng Nẹ
a) Mở rộng quy mô, nâng cao năng lực các cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện đường bộ, đường thủy vừa và nhỏ.
- Sau năm 2020, phát triển nhà máy đóng mới và sửa chữa toa xe hành khách (đường sắt).
2. Hệ thống trường, trạm đăng kiểm
a) Tiếp tục đầu tư xây dựng đưa trường Trung cấp nghề GTVT lên trường cao đẳng.
b) Xây dựng trung tâm sát hạch tại Ngọc Lặc, KKT Nghi Sơn và TX Bỉm Sơn.
c) Xây dựng trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ tại TP Thanh Hóa, Nghi Sơn, Tĩnh Gia, Ngọc Lặc.
III. Hệ thống vận tải
1. Vận tải đường bộ:
1.1. Phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách:
Phát triển đa dạng hoá các loại phương tiện và phương thức vận tải.
a) Vận tải hàng hoá: Phát triển vận tải nhẹ trong đô thị, vận tải chuyên dùng có trọng tải vừa và nhỏ. Đến năm 2020 đạt 37.122 phương tiện.
b) Vận tải hành khách: Mở rộng các tuyến vận tải liên tỉnh, trong đó chú trọng đến việc điều tiết các tuyến vận tải hành khách đi các tỉnh phía Nam. Đến năm 2020 đạt 23.000 phương tiện.
1.2. Phương tiện vận tải công cộng đô thị:
a) Tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở khu vực TP Thanh Hóa và các khu vực lân cận. Mở các tuyến xe buýt từ trung tâm TP Thanh Hóa đi các huyện, thị.
b) Định hướng đến năm 2030 nghiên cứu xây dựng phát triển vận tải hành khách công cộng trong các khu đô thị (tàu điện bánh lốp, tàu điện ngầm, trên cao).
2. Vận tải đường thủy
Phát triển đa dạng phương tiện vận tải đường sông, đường biển, mục tiêu đến năm 2020 tăng phương tiện vận tải đường thủy lên 15%/năm (đạt 1640 tàu):
a) Phương tiện vận tải đường sông: trọng tải từ 5-1000 tấn.
b) Phương tiện vận tải biển và biển pha sông: Trọng tải từ 1000 đến 100.000 tấn; Tạo điều kiện phát triển đội tàu đáp ứng vận tải viễn dương.
3. Vận tải đường sắt
a) Vận tải đường sắt theo hướng vận tải hàng hóa khối lượng lớn, hành khách đường dài.
b) Phát triển vận tải với cự ly trung bình theo hướng nối giữa trung tâm TP Thanh Hóa với các khu đô thị; vận tải hàng hoá KKT Nghi Sơn theo quyết định số 1364/QĐ-TTg .
IV. Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư
( Có phụ biểu chi tiết kèm theo )
V. Các giải pháp thực hiện
1. Tập trung nguồn lực, huy động các nguồn vốn đầu tư (ODA, BOT, BT, PPP…), nâng cao hiệu quả vốn đầu tư; Hoàn thiện cơ chế hỗ trợ vốn cho các địa phương thực hiện GTNT; Xây dựng cơ chế, chính sách phát huy lợi thế của tỉnh nhà.
2. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, có chính sách thu hút nguồn nhân lực ngành GTVT chất lượng cao về địa phương.
3. Cải cách hành chính trong lĩnh vực GTVT. Tăng cường công tác QLNN về đầu tư xây dựng; Nâng cao năng lực cán bộ quản lý GTVT từ cấp Tỉnh đến cấp Sở, các Chủ đầu tư, các Ban QLDA và các Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT.
4. Đổi mới công nghệ, thiết bị, phương tiện, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào lĩnh vực GTVT. Tạo cơ chế hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực GTVT.
5. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác quản lý duy tu bảo dưỡng công trình giao thông, công tác vận tải hành khách bằng xe chất lượng cao, xe buýt, khuyến khích thành lập các hợp tác xã vận tải chuyên nghiệp...
6. Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật an toàn giao thông, bảo vệ công trình giao thông.
Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch
1. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nội dung sau:
a) Tổ chức công bố, phổ biến rộng rãi Quy hoạch “Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010 đến 2020, định hướng đến năm 2030” đến các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.
b) Theo dõi, xây dựng quy hoạch chi tiết, các chương trình, nhiệm vụ, đề án, dự án và tổ chức thực hiện quy hoạch.
c) Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống GTVT phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
d) Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp GTVT thực hiện xây dựng hạ tầng mạng lưới và cung cấp dịch vụ GTVT trên địa bàn tỉnh theo đúng quy hoạch.
e) Chủ động đấu mối với Bộ GTVT và các Bộ, Ngành liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các chương trình, đề án của Chính phủ, ngành GTVT trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với sở, ban, ngành liên quan căn cứ nội dung quy hoạch này và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 của tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh về các nguồn lực đảm bảo việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển GTVT.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu bố trí, đề xuất các giải pháp đảm bảo kinh phí cho các chương trình, dự án GTVT theo kế hoạch được duyệt.
4. Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giao thông vận tải, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan xây dựng các kế hoạch, cơ chế chính sách, đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực GTVT cho các ngành, các cấp trong tỉnh.
5. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện căn cứ nội dung quy hoạch này, phối hợp với Sở GTVT để xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch của đơn vị theo thời kỳ, giai đoạn đảm bảo hiệu quả.
6. Các doanh nghiệp, hiệp hội GTVT: Chấp hành nghiêm túc các qui định của nhà nước và tại quy hoạch này trong việc triển khai xây dựng hạ tầng, cung cấp dịch vụ GTVT trên địa bàn tỉnh; tăng cường các hoạt động của mình nhằm phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh phát triển GTVT theo quy hoạch, kế hoạch của tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các doanh nghiệp GTVT hoạt động trên địa bàn tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.