ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/2009/QĐ-UBND | Tân An, ngày 29 tháng 7 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH DÂN SỐ- KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH GIAI ĐOẠN 2009- 2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh số 06/2003/PL-UBTVQH11 ngày 09/01/2003 về Dân số; Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 ngày 27/12/2008 sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số;
Căn cứ Nghị định số 104/2003/NĐ-CP ngày 16/9/2003 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số;
Căn cứ Chỉ thị số 23/2008/CT-TTg ngày 04/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình;
Căn cứ Nghị quyết số 96/2008/NQ-HĐND ngày 05/12/2008 của HĐND tỉnh khóa VII- kỳ họp thứ 19 về thực hiện công tác Dân số- Kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2009-2010 trên địa bàn tỉnh Long An;
Theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 871/TTr-SYT ngày 16/7/2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này quy định về một số chế độ, chính sách dân số- kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2009- 2010 trên địa bàn tỉnh Long An.
Điều 2. Giao Sở Y tế phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND các cấp tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 35/2006/QĐ-UBND ngày 03/8/2006 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về một số chế độ, chính sách dân số- kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2006- 2010.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, các thành viên Ban chỉ đạo công tác Dân số- Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, thủ trưởng các cơ quan liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH DÂN SỐ-KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH GIAI ĐOẠN 2009-2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
(Kèm theo Quyết định số 41 /2009/QĐ-UBND ngày 29/7/2009 của UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Quy định này quy định về quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân; về chế độ, chính sách thực hiện công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (sau đây gọi tắt là DS-KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh Long An.
Điều 2. Nguyên tắc thực hiện
1. Bảo đảm việc chủ động, tự nguyện, phù hợp với quyền và lợi ích của các cặp vợ chồng, của cá nhân và từng gia đình với lợi ích của cộng đồng và toàn xã hội, thực hiện xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.
2. Phối hợp chặt chẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác DS- KHHGĐ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, tổ chức thực hiện công tác DS- KHHGĐ; tổ chức tuyên truyền vận động kết hợp chặt chẽ với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản- kế hoạch hóa gia đình; thực hiện tốt chính sách, chế độ và tăng nguồn lực đầu tư.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA MỖI CẶP VỢ CHỒNG
Điều 3. Quy mô gia đình
1. Mỗi cặp vợ chồng thực hiện đúng quy định pháp luật về dân số, sinh một hoặc hai con, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2, 3, 4 điều này.
2. Có hai con nhưng có một hoặc cả hai con đều bị dị tật (có ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất), sinh thêm con thứ ba.
3. Có một con, sinh lần thứ hai sinh đôi trở lên.
4. Vợ chồng tái hôn, nếu vợ hoặc chồng hoặc cả hai người đã có con riêng, sinh thêm một con chung.
Điều 4. Thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình
Các cặp vợ chồng tự nguyện lựa chọn và áp dụng các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản- kế hoạch hóa gia đình thích hợp, góp phần nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần của bản thân và các thành viên trong gia đình, với việc tôn trọng lợi ích của nhà nước và cộng đồng xã hội.
Điều 5. Các hành vi nghiêm cấm theo quy định pháp luật về dân số
1. Cản trở, cưỡng bức, ép buộc vợ hoặc chồng và các thành viên khác trong gia đình thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
2. Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.
3. Tuyên truyền phổ biến hoặc đưa ra nội dung trái với chính sách DS- KHHGĐ làm ảnh hưởng xấu đến công tác DS- KHHGĐ và đời sống xã hội.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ
Điều 6. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị
Trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn quy định, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước, quy chế, điều lệ hoặc các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật, đưa chính sách DS- KHHGĐ vào chương trình, kế hoạch hoạt động và tiêu chuẩn thi đua hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Định kỳ kiểm tra kết quả thực hiện chính sách DS- KHHGĐ, gắn với kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn để xét các danh hiệu, hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Trách nhiệm của cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình
Tổ chức tuyên truyền, tư vấn, giúp đỡ các cặp vợ chồng và từng cá nhân chủ động tự nguyện thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản- kế hoạch hóa gia đình an toàn, thuận lợi và có chất lượng đến tận người sử dụng. Theo dõi, giải quyết tác dụng phụ và tai biến xảy ra đối với người sử dụng (nếu có).
Điều 8. Đầu tư kinh phí
Hàng năm, ngoài kinh phí chương trình mục tiêu, ngân sách tỉnh, UBND các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn cân đối đầu tư thêm kinh phí cho công tác DS- KHHGĐ để đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu DS- KHHGĐ ở địa phương.
Chương IV
CHẾ ĐỘ KHUYẾN KHÍCH
Điều 9. Khuyến khích thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình
Các cặp vợ chồng, các cá nhân thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình được hưởng các chế độ sau đây:
1. Thực hiện đình sản tại cơ sở y tế nhà nước được miễn viện phí và cấp thuốc theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài chế độ Trung ương quy định, mỗi trường hợp đình sản được hỗ trợ 200.000 đồng và cấp một thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện có thời hạn sử dụng một năm. Trường hợp sau sinh, sau nạo hút thai tự nguyện đình sản hoặc trường hợp tự nguyện đình sản mà trong quá trình phẫu thuật phát hiện bệnh lý phụ khoa ở các cơ sở y tế nhà nước trong tỉnh thì được miễn viện phí sinh, nạo hút thai và phẫu thuật điều trị.
2. Việc đặt, kiểm tra, tái khám và tháo dụng cụ tử cung, tiêm thuốc tránh thai, cấy và lấy que thuốc tránh thai tại cơ sở y tế nhà nước được thực hiện dễ dàng, miễn phí và được cấp thuốc theo quy định của Bộ Y tế.
3. Mạng lưới cộng tác viên DS- KHHGĐ, cơ sở y tế nhà nước là nơi tư vấn và cấp thuốc viên tránh thai miễn phí cho người được chỉ định sử dụng. Riêng bao cao su tránh thai được cấp hoặc bán cho đối tượng sử dụng theo quy định nhà nước.
4. Trường hợp đình sản, đặt dụng cụ tử cung, tiêm thuốc tránh thai, cấy que thuốc tránh thai tại cơ sở y tế nhà nước bị vỡ kế hoạch, thực hiện hút, nạo, phá thai (trường hợp bỏ thai), hoặc khi sinh con (trường hợp để thai); bị tác dụng phụ hoặc tai biến được chăm sóc, điều trị miễn phí tại các cơ sở y tế nhà nước trong tỉnh. Trường hợp vượt khả năng chuyên môn của tuyến tỉnh, chuyển tuyến trên theo quy định (trừ trường hợp cấp cứu) sẽ được thanh toán lại 100% kinh phí điều trị bằng nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về DS- KHHGĐ.
Điều 10. Khuyến khích cặp vợ chồng có một hoặc hai con
Các cặp vợ chồng có một hoặc hai con đăng ký thôi đẻ hẳn được cấp giấy chứng nhận thôi đẻ hẳn, giấy có giá trị khi con đi học được giảm 50% học phí từ ngành học mầm non đến bậc trung học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (mức thu học phí theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh). Việc cấp giấy chứng nhận thôi đẻ hẳn do Sở Y tế hướng dẫn thực hiện.
Điều 11. Khuyến khích người làm công tác tuyên truyền vận động
Vận động được một người đình sản, ngoài mức quy định của Trung ương, hỗ trợ thêm 50.000 đồng cho một trường hợp.
Điều 12. Khuyến khích cộng tác viên DS-KHHGĐ.
Cộng tác viên DS- KHHGĐ ở cơ sở, ngoài mức thù lao hàng tháng theo quy định của Trung ương, được hỗ trợ thêm 50.000 đồng/tháng/người và được cấp một thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện.
Điều 13. Khuyến khích các hoạt động nâng cao chất lượng và cơ cấu dân số
Được miễn phí tại các cơ sở y tế nhà nước trong tỉnh, khi:
1. Nam, nữ trước khi kết hôn thực hiện khám sức khỏe và tư vấn .
2. Các thai phụ thực hiện các kỹ thuật sàng lọc trước sinh để phát hiện sớm các trường hợp dị tật thai nhi.
3. Xét nghiệm lấy máu gót chân cho trẻ sơ sinh để phát hiện sớm một số bệnh lý bẩm sinh.
Chương V
CHẾ ĐỘ KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 14. Khen thưởng
1. Xã, phường, thị trấn đăng ký và xây dựng thành công mô hình không có người sinh con thứ ba trở lên được tặng Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tiếp tục duy trì xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ ba trở lên, mỗi năm được tặng Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh. Nếu duy trì mô hình này 05 năm liên tục trở lên thì ngoài việc được xét đề nghị Trung ương khen thưởng cao hơn, còn được xem xét đầu tư xây dựng công trình phúc lợi xã hội.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện công tác DS-KHHGĐ sẽ được xét khen thưởng theo quy định hiện hành.
Đối với các xã, phường, thị trấn ngoài việc xét khen thưởng thành tích thực hiện mô hình xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ ba trở lên, hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh xét khen thưởng như sau:
- Tặng Cờ thi đua cho 02 xã, phường, thị trấn, 01 huyện, thị xã có thành tích xếp hàng đầu trong việc vượt tất cả chỉ tiêu kế hoạch DS-KHHGĐ trong năm.
- Tặng thưởng Bằng khen cho xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, cơ sở y tế nhà nước cấp huyện có thành tích thực hiện vượt các chỉ tiêu kế hoạch DS- KHHGĐ trong năm.
- Tặng thưởng Bằng khen cho 100 cá nhân là cộng tác viên DS-KHHGĐ có thành tích xuất sắc trong công tác DS-KHHGĐ.
3. Đối với các tập thể và cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong giai đoạn 2009-2010, khi tổng kết công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2009-2010, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có quy định riêng về xét khen thưởng.
4. Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ thực tế và kết quả thực hiện công tác DS- KHHGĐ, Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã quy định việc xét khen thưởng theo thẩm quyền cấp mình theo quy định của pháp luật về thi đua- khen thưởng.
Điều 15. Kỷ luật
1. Đối với cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC); cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang; cán bộ xã, phường, thị trấn:
a. Sinh con thứ ba, trừ các trường hợp nêu tại các khoản 2, 3, 4 Điều 3 của Quy định này thì tiến hành kiểm điểm, xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo; nếu có hưởng chế độ một hoặc hai con thôi đẻ hẳn thì thu hồi toàn bộ chế độ đã được hưởng. Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật, nếu tiếp tục tái phạm thì tiến hành xử lý kỷ luật với hình thức cao hơn một bậc so với hình thức kỷ luật trước đó.
b. Trường hợp có một con đã đăng ký và được cấp giấy chứng nhận thôi đẻ hẳn, khi sinh con thứ hai bị xử lý kỷ luật như trường hợp sinh con thứ ba.
c. Các trường hợp vi phạm chính sách DS- KHHGĐ ngoài việc xử lý theo điểm a, b khoản 1 Điều này còn không xem xét bổ nhiệm chức vụ, nếu có chức vụ thì xem xét miễn nhiệm chức vụ và không được xem xét thi đua-khen thưởng.
2. Cơ quan, đơn vị, tổ chức nếu không tổ chức phát động CBCCVC, cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang, cán bộ xã, phường, thị trấn đăng ký cam kết thực hiện chính sách DS- KHHGĐ hàng năm và không có biện pháp tác động, dẫn đến có người sinh con thứ ba trở lên hoặc cơ quan, đơn vị có CBCCVC, lực lượng vũ trang, cán bộ xã, phường, thị trấn sinh con thứ ba trở lên, mà không có hình thức xử lý kỷ luật thì thủ trưởng trực tiếp bị xử lý theo quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu và tập thể cơ quan, đơn vị không được xét khen thưởng các danh hiệu thi đua trong năm.
3. Đối với cơ sở y tế và người làm dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản- kế hoạch hóa gia đình nếu không thực hiện đúng quy định chuyên môn để xảy ra tai biến làm ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng của người thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản- kế hoạch hóa gia đình, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của ngành Y tế và pháp luật hiện hành.
4. Hội viên, đoàn viên của các tổ chức hội, đoàn thể sinh con thứ ba trở lên thì xử lý kỷ luật theo điều lệ.
5. Đối với nhân dân sinh con thứ ba trở lên thì nhắc nhở, phê bình và cam kết không tái phạm theo quy ước, tại các cuộc họp của khu phố, ấp và không xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa.
6. Xã, phường, thị trấn, khu phố, ấp không hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên trong năm, khi xét bình chọn xã, phường, thị trấn, khu phố, ấp văn hóa thì hạ một bậc theo thang điểm thi đua khen thưởng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Chương VI
NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN
Điều 16. Nguồn kinh phí thực hiện
Ngoài kinh phí do Trung ương hỗ trợ và vận động cộng đồng, phần còn lại do ngân sách tỉnh đảm bảo chi các chế độ theo quy định này .
Chương VII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17. Trách nhiệm thực hiện
1. Sở Y tế chủ trì phối hợp với các ngành chức năng liên quan hướng dẫn thực hiện và chịu trách nhiệm theo dõi tổng hợp báo cáo định kỳ về Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các ngành chức năng liên quan hướng dẫn chi tiết việc lập dự toán và sử dụng nguồn ngân sách theo quy định này.
3. Sở Nội vụ chủ trì hướng dẫn thang điểm thi đua và đề nghị khen thưởng về công tác DS- KHHGĐ.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc đầu tư xây dựng công trình phúc lợi.
5. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định này.
6. Đề nghị thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh chỉ đạo cơ sở phối hợp với ngành Y tế cùng cấp tham gia triển khai thực hiện tốt chính sách DS- KHHGĐ./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.