ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/2006/QĐ-UBND | Đồng Hới, ngày 27 tháng 9 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI QUẢNG BÌNH.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 171/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 09/2004/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 09 tháng 6 năm 2004 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về Lao động - Thương binh và Xã hội ở địa phương;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 281/LĐTBXH ngày 12 tháng 6 năm 2006 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Công văn số 897/SNV-TC ngày 17 tháng 8 năm 2006,
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Bình”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 42/2002/QĐ-UB ngày 12 tháng 5 năm 2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định chức năng; nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức bộ máy; biên chế của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI QUẢNG BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 41/2006/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)
Điều 1. Vị trí và chức năng
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND tỉnh); tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lao động, thương binh và xã hội trên địa bàn tỉnh; về các dịch vụ công thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh và theo quy định của pháp luật.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để hoạt động; có trụ sở đặt tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quyết định, chỉ thị về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở và chịu trách nhiệm về nội dung các văn bản đã trình;
2. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm, các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực quản lý của Sở phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;
3. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc phân công, phân cấp quản lý về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện;
4. Hướng dẫn, kiểm tra, tổng kết, đánh giá và tổng hợp tình hình thực hiện các quy định của pháp luật, chế độ chính sách, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc các lĩnh vực quản lý của Sở theo quy định của pháp luật;
5. Về lao động, việc làm
a) Trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chương trình và các giải pháp về việc làm của tỉnh;
b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, việc làm bao gồm:
- Tuyển lao động, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất;
- Tổ chức quản lý và sử dụng nguồn lao động; thông tin thị trường lao động;
- Giải pháp tạo việc làm, giới thiệu việc làm; lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
- Tiền lương, tiền công, phụ cấp và các hình thức trả lương, trả công lao động và các chế độ vật chất khác thuộc khu vực sản xuất kinh doanh;
- Chính sách đối với lao động nữ, lao động là người tàn tật, lao động chưa thành niên, lao động là người cao tuổi;
- Nghĩa vụ lao động công ích;
- Các chính sách lao động, việc làm khác.
c) Cấp, thu hồi giấy phép lao động đối với lao động là người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;
d) Thẩm định, kiểm tra các đề án, dự án về giải quyết việc làm; tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động và quản lý các tổ chức giới thiệu việc làm theo quy định của pháp luật;
6. Về bảo hiểm xã hội:
Hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành pháp luật về bảo hiểm xã hội đối với các ngành, các cơ quan, tổ chức sử dụng lao động, người lao động và tổ chức bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh.
7. Về an toàn lao động, vệ sinh lao động
a) Trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia về an toàn lao động, bảo hộ lao động, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh và chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn lao động, bảo hộ lao động, vệ sinh lao động;
c) Đăng ký các máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Chủ trì, phối hợp tổ chức việc điều tra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động thực hiện điều tra, khai báo, xử lý và thống kê báo cáo về tai nạn lao động; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh.
8. Về dạy nghề:
a) Trình Ủy ban nhân dân tỉnh quy hoạch mạng lưới, đề án về lĩnh vực dạy nghề trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi được phê duyệt;
b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về dạy nghề.
9. Về thương binh, liệt sỹ và người có công:
a) Trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận đối tượng là thương binh, liệt sỹ và người có công đối với cách mạng theo quy định; quản lý hồ sơ, đối tượng sau khi được công nhận;
b) Hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật;
c) Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện nuôi dưỡng, điều dưỡng đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng và việc cung cấp chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện trợ giúp khác cho thương binh, bệnh binh;
d) Hướng dẫn và thực hiện lễ tưởng niệm liệt sỹ nhân các ngày lễ lớn, truy điệu liệt sỹ khi báo tử; phối hợp tổ chức cất bốc, quy tập hài cốt liệt sỹ, nâng cấp lại nghĩa trang liệt sỹ, cung cấp thông tin về tình hình mộ liệt sỹ theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; lập kế hoạch thăm hỏi các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng và tổ chức thực hiện;
đ) Thống nhất quản lý nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm và các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh; chịu trách nhiệm quản lý nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm và các công trình ghi công liệt sỹ được giao;
e) Là thành viên Hội đồng giám định y khoa về thương tật và khả năng lao động cho thương, bệnh binh và các đối tượng chính sách xã hội.
10. Về bảo trợ xã hội:
a) Trình Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chuẩn nghèo của địa phương; chủ trì thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận xã nghèo, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh;
b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh;
c) Phối hợp, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, cứu trợ xã hội, trợ giúp xã hội;
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động nhân đạo, từ thiện để giúp đỡ đời sống vật chất, tinh thần đối với người tàn tật, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già cô đơn không nơi nương tựa, người gặp khó khăn hiểm nghèo, nạn nhân chiến tranh và các đối tượng xã hội khác cần có sự cứu trợ, trợ giúp của Nhà nước và xã hội;
đ) Chỉ đạo, kiểm tra các cơ sở thực hiện nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội.
11. Về phòng, chống tệ nạn xã hội:
a) Trình Ủy ban nhân dân tỉnh chương trình, kế hoạch và giải pháp phòng ngừa tệ nạn mại dâm, cai nghiện ma túy và giải quyết tốt các vấn đề xã hội về mại dâm, ma tuý;
b) Chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục - lao động xã hội trên địa bàn tỉnh.
12. Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công thuộc các lĩnh vực quản lý của sở; quản lý các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở;
13. Thực hiện hợp tác quốc tế theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh và theo quy định của pháp luật;
14. Tổ chức nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ, cung cấp số liệu phục vụ công tác quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ;
15. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội đối với các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã;
16. Tổng hợp, thống kê, báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật;
17. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật;
18. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình cải cách hành chính trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
19. Quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ xã, phường, thị trấn làm công tác quản lý về lao động, thương binh và xã hội theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh;
20. Quản lý tài chính, tài sản của Sở theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh;
21. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 3. Tổ chức và biên chế
1. Cơ cấu tổ chức
a) Lãnh đạo sở
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc. Giám đốc Sở chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Sở.
Phó Giám đốc giúp Giám đốc Sở phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công;
Giám đốc, Phó Giám đốc Sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bổ nhiệm theo các quy định của Nhà nước về công tác cán bộ và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ do cơ quan có thẩm quyền ban hành;
Việc miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Giám đốc, Phó Giám đốc Sở thực hiện theo quy định của pháp luật.
b) Các tổ chức chuyên môn thuộc Sở
- Văn phòng;
- Phòng Kế hoạch - Tài vụ;
- Phòng Thương binh, liệt sỹ và người có công;
- Phòng Lao động việc làm - Dạy nghề;
- Phòng Bảo trợ xã hội - Phòng chống tệ nạn xã hội;
- Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội;
c) Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc
- Trung tâm dịch vụ việc làm;
- Trung tâm nuôi dưỡng người có công và đối tượng xã hội;
- Trung tâm giáo dục lao động - xã hội;
- Trường dạy nghề.
2. Biên chế
Biên chế của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bao gồm: Lãnh đạo Sở, các tổ chức chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở được giao hàng năm trong tổng số biên chế hành chính, sự nghiệp của tỉnh.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức chuyên môn và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở; đồng thời có biện pháp bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo chức danh, tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.