ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4088/2015/QĐ-UBND |
Quảng Ninh, ngày 21 tháng 12 năm 2015 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/3/2011;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Di sản Văn hóa ngày 29/6/2001, Luật số 32/2009/QH12 ngày 18/6/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
Căn cứ Luật Phòng cháy chữa cháy ngày 29/6/2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy ngày 22/11/2013.
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15/6/2004, Luật số 48/2014/QH13 ngày 17/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 14/6/2005;
Theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 5372/TTr-SGTVT ngày 18/12/2015 và Báo cáo thẩm định số 135/BC-STP ngày 08/9/2015, văn bản tham gia số 3491/STP-VB&TDTHPL ngày 18/12/2015 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 3636/2013/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của Ủy ban nhân dân Tỉnh.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Giám đốc Công an Tỉnh, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TÀU DU LỊCH TRÊN VỊNH HẠ LONG, VỊNH BÁI TỬ LONG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 của Ủy ban nhân dân Tỉnh)
Quy định này quy định về điều kiện để tàu du lịch được hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, bao gồm:
1. Điều kiện hoạt động của tàu du lịch;
2. Điều kiện đối với người làm việc trên tàu du lịch;
3. Điều kiện, tiêu chuẩn và hoạt động của cảng, bến thủy nội địa, khu vực neo đậu cho tàu du lịch;
4. Trách nhiệm của chủ tàu du lịch, thuyền viên, khách du lịch; trách nhiệm của chủ cảng bến, cơ quan cảng vụ, các cơ quan quản lý nhà nước.
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Ngoài các thuật ngữ nêu trong các tiêu chuẩn tương ứng mà phương tiện thủy nội địa, cảng, bến, luồng, tuyến điểm tham quan du lịch áp dụng, trong Quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long: Là toàn bộ vùng biển đảo có ranh giới xác định tại khoản 1 Điều 1 của Quy chế quản lý vịnh Hạ Long ban hành kèm theo Quyết định số 498/2007/QĐ-UBND ngày 07/02/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
a) Tàu tham quan: Là tàu du lịch chuyên vận chuyển và phục vụ khách tham quan;
b) Tàu lưu trú: Là tàu du lịch có buồng ngủ, trên hành trình có neo đậu lại để cho khách du lịch ngủ qua đêm;
c) Tàu nhà hàng: Là tàu du lịch có đăng ký hoạt động nhà hàng nổi phục vụ ăn uống, không bố trí các buồng ngủ lưu trú trên phương tiện.
3. Phương tiện chuyển tải: Là phương tiện thủy nội địa chuyên hoạt động chuyển tải khách và phục vụ cho tàu du lịch trong vùng nước neo đậu của cảng, bến và khu vực neo đậu.
4. Khu vực neo đậu: Là khu vực neo đậu tàu trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long được quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL .
5. Điểm dịch vụ trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long (sau đây gọi tắt là điểm dịch vụ): Là nơi cung cấp các dịch vụ cho khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, được cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động.
6. Chủ tàu du lịch là tổ chức, cá nhân sở hữu phương tiện, được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa của tàu.
7. Cảng vụ: Trong bản Quy định này, Cảng vụ được hiểu là Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh.
8. Hiệp hội tàu du lịch Quảng Ninh: Là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân hoạt động phục vụ vận chuyển khách du lịch tham quan, lưu trú ngủ đêm trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đảm bảo các điều kiện hoạt động theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh quyết định thành lập.
9. Chủ cảng, bến là tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa hoặc được chủ đầu tư giao quản lý cảng, bến thủy nội địa.
ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG TÀU DU LỊCH
Điều 4. Điều kiện an toàn, kỹ thuật.
1. Đối với tàu tham quan
a) Thỏa mãn tiêu chuẩn ổn định cấp tàu SI theo Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa TCVN 5801÷2005 hoặc QCVN 72:2013/BGTVT có hệ số an toàn (k) khi kiểm tra ổn định theo tiêu chuẩn thời tiết theo quy định phải lớn hơn hoặc bằng 1,50.
b) Tàu vỏ gỗ hoạt động đủ 15 (mười năm) năm kể từ khi cấp đăng kiểm đóng mới và tàu vỏ sắt hoạt động đủ 25 (hai năm) năm kể từ khi cấp đăng kiểm đóng mới không được vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Chấm dứt đóng mới tàu vỏ gỗ hoạt động phục vụ khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
c) Trang bị thiết bị định vị vệ tinh (GPS) đảm bảo hoạt động liên tục, đồng bộ theo yêu cầu kỹ thuật của hệ thống thông tin quản lý, điều hành hoạt động tàu du lịch.
d) Trang bị thiết bị thông tin liên lạc bằng VHF đảm bảo hoạt động tốt trong bán kính 35km, liên lạc thông suốt 24/24h.
đ) Bổ sung số lượng phao áo cho trẻ em tối thiểu bằng 10% số lượng khách.
e) Tàu đóng mới phải đóng bằng vật liệu composite, thép hoặc kim loại tương đương.
2. Đối với tàu lưu trú, tàu nhà hàng.
a) Đảm bảo tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Thông tư số 43/2012/TT-BGTVT ngày 23/10/2012 của Bộ Giao thông vận tải
b) Đảm bảo yêu cầu quy định tại khoản 1 của Điều này.
Điều 5: Điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.
1. Đối với tàu tham quan, tàu nhà hàng
a) Đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC; Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 65/2013/TT-BCA của Bộ Công an; Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 72:2013/BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa; Phương án tổ chức lực lượng cứu nạn, cứu hộ tại chỗ đối với tàu du lịch trên vịnh Hạ Long ban hành kèm theo Quyết định số 3527/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
b) Phương án chữa cháy, phương án cứu nạn cứu hộ phải được Cơ quan Cảnh sát PCCC hướng dẫn lập, phê duyệt.
2. Đối với tàu lưu trú,
a) Đảm bảo yêu cầu quy định tại khoản 1 của Điều này.
Điều 6: Điều kiện bảo vệ môi trường.
1. Đối với tàu du lịch.
a) Tàu tham quan.
Tàu phải trang bị thiết bị phân ly dầu nước hoặc tương đương sử dụng cho buồng máy (được chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền) đảm bảo nồng độ dầu trong nước đã xử lý không vượt quá 15 phần triệu và kết chứa dầu bẩn.
b) Tàu lưu trú.
Tàu lưu trú lắp động cơ diesel không phân biệt là động cơ chính hay phụ có tổng công suất lớn hơn 220 Kw phải được trang bị thiết bị phân ly dầu nước; các tàu lưu trú còn lại phải được trang bị thiết bị phân ly dầu nước hoặc tương đương sử dụng cho buồng máy (được chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền) đảm bảo nồng độ dầu trong nước đã xử lý không vượt quá 15 phần triệu và kết chứa dầu bẩn
2. Đối với chủ tàu du lịch
a) Lập kế hoạch bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
b) Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nêu trong kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận và tuân thủ tiêu chuẩn môi trường.
c) Phải khắc phục ô nhiễm môi trường do hoạt động của mình gây ra.
d) Thực hiện chế độ báo cáo về môi trường theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
đ) Trước và sau mỗi chuyến vận chuyển khách phải làm vệ sinh phương tiện sạch sẽ.
e) Có hợp đồng thu gom, xử lý chất thải trên tàu, chất thải từ bể phốt vệ sinh, dầu cặn thu được khi sử dụng thiết bị phân ly dầu nước (hoặc thiết bị tương đương) với các đơn vị có chức năng đã được cấp phép theo quy định.
f) Không được ăn ở, sinh hoạt theo quy mô hộ gia đình trên các phương tiện.
g) Trong quá trình vận chuyển khách, thuyền viên phải có trách nhiệm nhắc nhở hành khách ý thức bảo vệ môi trường.
h) Hàng ngày chủ phương tiện có trách nhiệm tập kết chất thải rắn đến các điểm thu gom tập trung đã được chủ cảng, bến quy định.
i) Thực hiện nghĩa vụ nộp phí vệ sinh môi trường theo quy định.
k) Tuân thủ các quy định về xả thải các chất thải và nước thải lẫn dầu theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 17:2011/BGTVT và các quy định khác về bảo vệ môi trường trên đường thủy nội địa.
3. Đối với chủ cảng, bến
a) Lập kế hoạch bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Có trách nhiệm tổ chức thu gom, xử lý hoặc hợp đồng thuê thu gom, xử lý các loại chất thải (rắn, lỏng) trên mặt bến và từ các tàu du lịch trong vùng nước cảng, bến theo quy định.
Điều 7. Yêu cầu thẩm mỹ, tiện nghi
1. Đối với tàu tham quan, tàu nhà hàng.
a) Sơn trắng toàn bộ mặt ngoài vỏ tàu từ mớn nước trở lên, trừ con trạch, đệm va, tời, neo, cột bích, ống khói, cột buồm, phù điêu, lô gô và các thiết bị khác trên boong. Sơn trắng toàn bộ sau 6 tháng theo định kỳ đối với tàu vỏ gỗ, 12 tháng theo định kỳ đối với tàu vỏ sắt và trong quá trình hoạt động bị bong tróc thì phải có trách nhiệm sơn dặm để đảm bảo bề mặt trắng theo quy định.
b) Bố trí đủ các phòng, bộ phận chức năng có gắn biển hiệu đáp ứng phục vụ khách du lịch.
c) Phòng khách có đủ ghế ngồi theo sức chở của tàu và bàn đặt trước các hàng ghế, cửa sổ đóng mở thuận tiện, có ri-đô che nắng; trang bị điều hòa hoặc mỗi bàn 01 quạt điện; có quay bar phục vụ đồ uống; trang bị thiết bị phát hình để hướng dẫn cho du khách sử dụng các trang thiết bị trên tàu và hướng dẫn về công tác bảo đảm an toàn cho du khách.
d) Phòng ăn và khu chế biến đảm bảo yêu cầu quy định của Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05/12/2012 của Bộ Y tế.
đ) Phòng vệ sinh (WC): bố trí tối thiểu 01 phòng cho tàu có sức chở đến 20 khách, 02 phòng cho tàu có sức chở trên 20 khách. Có bồn cầu, chậu rửa, vòi nước, gương treo tường, biển hiệu phòng vệ sinh.
2. Đối với tàu lưu trú.
a) Đảm bảo yêu cầu quy định tại điểm a, điểm b, khoản 1 Điều này.
b) Đảm bảo yêu cầu chung và tiêu chí xếp hạng đối với tàu đạt Hạng 1 (một) sao trở lên, quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9372÷2012 về tàu thủy lưu trú - xếp hạng.
c) Trang bị thiết bị phát hình để hướng dẫn cho du khách sử dụng các trang thiết bị trên tàu, các trang thiết bị trong phòng ngủ và hướng dẫn về công tác bảo đảm an toàn cho du khách.
Điều 8. Quy định về thuyền viên và nhân viên phục vụ trên tàu du lịch.
1. Đối với tàu tham quan.
a) Bố trí số lượng thuyền viên tối thiểu theo quy định của Bộ Giao thông vận tải đối với phương tiện chở khách.
b) Đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn thuyền viên, nhân viên phục vụ phù hợp với các chức danh làm việc trên tàu theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 5 và Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 110/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014; tại Điều 6, Điều 7 Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL và Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC.
c) Mỗi tàu bố trí tối thiểu 01 nhân viên phục vụ hành khách. Nhân viên phục vụ phải được tập huấn, cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ an toàn giao thông đường thủy, giấy chứng nhận nghiệp vụ du lịch, giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, huấn luyện về cứu sinh, cứu đắm và sơ cứu y tế.
d) Thuyền viên, nhân viên phục vụ phải mặc đồng phục và đeo thẻ nhân viên khi làm việc trên tàu du lịch.
2. Đối với tàu lưu trú.
a) Đảm bảo quy định tại điểm c, điểm d Khoản 1 của Điều này.
b) Bố trí đủ số lượng thuyền viên theo quy định của Bộ Giao thông vận tải đối với phương tiện lưu trú du lịch ngủ đêm.
c) Bố trí số lượng nhân viên phục vụ đảm bảo cho các loại hình dịch vụ trên tàu.
d) Đối với người có bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn Thuyền trưởng hạng Ba, khi đảm nhận chức danh thuyền trưởng phải có tối thiểu 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp trên phương tiện thủy nội địa.
3. Đối với tàu nhà hàng.
a) Đảm bảo yêu cầu quy định tại điểm a, điểm c, điểm d khoản 2 của Điều này.
b) Bố trí đủ số lượng thuyền viên theo quy định của Bộ Giao thông vận tải đối với nhà hàng nổi, khách sạn nổi.
Điều 9. Các quy định, điều kiện khác.
1. Đối với tàu tham quan.
a) Tàu đủ tiêu chuẩn hoạt động theo phân loại hàng năm.
b) Tàu phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL
c) Các hướng dẫn về an toàn và giá dịch vụ thể hiện bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung.
d) Trang bị tủ thuốc và các dụng cụ sơ cứu, cứu nạn theo danh mục quy định của ngành Y tế.
đ) Xây dựng và thực hiện phương án phòng chống giông bão, chống đắm và cứu nạn tại chỗ.
e) Mỗi tàu bố trí 01 kết sắt chống cháy có khóa bằng mật mã để bảo quản tài sản của khách du lịch.
f) Các doanh nghiệp chủ tàu nếu có trụ sở, địa chỉ hoạt động tại địa phương khác thì phải có trụ sở chi nhánh và nộp thuế tại Quảng Ninh mới được hoạt động phục vụ khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
g) Lập danh sách hành khách
- Danh sách khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long sử dụng theo mẫu quy định tại Phụ lục IV kèm theo bản Quy định này.
- Người lập danh sách phải ghi đầy đủ các cột, mục theo yêu cầu, chịu trách nhiệm về tính chính xác của danh sách được lập.
- Danh sách hành khách được lập thành 02 bản cho mỗi chuyến tàu, 01 bản giao cho thuyền trưởng, 01 bản lưu tại cảng vụ nơi cấp phép rời cảng, bến trong 30 ngày.
2. Đối với tàu lưu trú.
a) Đảm bảo quy định tại khoản 1 của Điều này (trừ điểm g).
b) Đảm bảo các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL .
c) Chủ thể quản lý, sử dụng, khai thác tàu lưu trú phải là doanh nghiệp. Trong doanh nghiệp phải có bộ phận kỹ thuật - pháp chế - an toàn; người phụ trách công tác này phải có kinh nghiệm, hiểu biết về phương tiện thủy nội địa.
d) Được phân loại đạt tiêu chuẩn hạng 1 (một) sao trở lên theo quy định tại Điều 10 bản Quy định này.
đ) Trang bị mỗi phòng ngủ của khách 01 kết sắt chống cháy có khóa bằng mật mã để bảo quản tài sản của khách du lịch.
e) Khai báo tạm trú cho khách du lịch lưu trú.
- Chủ tàu lưu trú có trách nhiệm khai báo đăng ký tạm trú cho khách du lịch lưu trú với cơ quan Công an theo quy định tại Thông tư số 33/2010/TT-BCA .
- Danh sách khai báo đăng ký tạm trú cho khách du lịch lưu trú thay thế danh sách hành khách quy định tại điểm g khoản 1 của Điều này.
- Danh sách khách du lịch lưu trú sau khi truyền qua mạng được in thành 02 bản, 01 bản thuyền trưởng mang theo chuyến hành trình, 01 bản nộp cho Cảng vụ khi làm giấy phép rời cảng, bến.
- Danh sách khách du lịch lưu trú được lưu trữ tại Cảng vụ và trên tàu tối thiểu 06 tháng.
f) Tàu lưu trú chỉ được đón, trả khách nghỉ đêm tại các cảng, bến du lịch đã được công bố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
g) Khi tàu đã có khách lưu trú, chủ tàu, thuyền trưởng không được kết hợp đón khách tham quan du lịch.
h) Trường hợp có trẻ em (dưới 12 tuổi) đi cùng thì chỉ được ghép không quá 01 trẻ em/phòng và tàu phải trang bị bổ sung phao cứu sinh, thiết bị an toàn cho số khách ghép này.
3. Đối với tàu nhà hàng.
a) Có phương án hành trình, neo đậu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
b) Đảm bảo quy định tại Khoản 1 của Điều này (trừ điểm g).
PHÂN LOẠI, XẾP HẠNG TÀU DU LỊCH
Điều 10. Phân loại tàu du lịch.
1. Tàu du lịch phải được phân loại hàng năm, phân thành 3 loại từ thấp đến cao:
a) Tàu đạt tiêu chuẩn hoạt động.
b) Tàu loại Hai.
c) Tàu loại Một.
2. Tiêu chí phân loại tàu du lịch theo Phụ lục I - Bảng tiêu chí kỹ thuật an toàn kiểm tra, đánh giá phân loại tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
3. Kết quả phân loại tàu du lịch hàng năm là cơ sở để xác định tàu đủ điều kiện hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và là cơ sở để xây dựng đơn giá vận chuyển cho tàu tham quan.
Điều 11. Tổ chức kiểm tra phân loại tàu du lịch.
1. Công tác kiểm tra phân loại tàu du lịch được tổ chức thực hiện tập trung, thống nhất vào một thời điểm trong năm do Hội đồng thẩm định phân loại tàu du lịch (Hội đồng) thực hiện; Hội đồng gồm lãnh đạo các sở, ngành: Sở Giao thông vận tải - Chủ tịch hội đồng, Công an tỉnh, Sở Văn hóa thể thao du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh.
2. Cơ chế làm việc:
a) Trước khi tiến hành kiểm tra phân loại tàu du lịch hàng năm; Chủ tịch Hội đồng quyết định thành lập tổ công tác trên cơ sở danh sách thành viên do các ngành cung cấp; phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên theo chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành và tổ chức kiểm tra phân loại tàu du lịch;
b) Trong 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đợt kiểm tra. Chủ tịch Hội đồng có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh, trên cơ sở đó thông báo kết quả phân loại tàu du lịch đến các cơ quan chức năng để phối hợp quản lý;
c) Đối với tàu du lịch đóng mới hoặc chưa được kiểm tra phân loại vì lý do bất khả kháng, sẽ được kiểm tra, phân loại bổ sung sau đó.
d. Sau đợt phân loại bổ sung hàng tháng, nếu tàu du lịch không tham gia phân loại, phương tiện sẽ bị tạm dừng hoạt động cho đến khi được kiểm tra phân loại xong.
3. Quyết định công nhận phân loại tàu du lịch có giá trị trong vòng 12 tháng kể từ ngày ký. Biên bản của đoàn kiểm tra được sử dụng tạm thời cho tàu du lịch hoạt động trong thời gian chưa có quyết định công nhận chính thức của Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Điều 12. Xếp hạng tàu lưu trú.
1. Công tác xếp hạng tiêu chuẩn dịch vụ tàu lưu trú do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9372-2012 ban hành kèm theo Quyết định số 2292/QĐ-BKHCN ngày 28/8/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
2. Kết quả xếp hạng tiêu chuẩn dịch vụ tàu lưu trú dùng để xác định chất lượng dịch vụ của tàu và là cơ sở để xây dựng đơn giá bán dịch vụ lưu trú nghỉ đêm và các loại hình dịch vụ khác trên tàu.
3. Giấy chứng nhận xếp hạng tiêu chuẩn dịch vụ tàu lưu trú thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục II kèm theo bản Quy định này.
QUY ĐỊNH VỀ CẤP PHÉP CHO TÀU DU LỊCH VÀO, RỜI CẢNG BẾN
Điều 13. Cấp phép tàu vào, rời cảng, bến đón, trả khách.
1. Cảng vụ cấp giấy phép vào, rời cảng bến theo quy định hiện hành. Căn cứ cấp tàu, vùng hoạt động, khả năng khai thác và bản tin dự báo thời tiết vùng biển Quảng Ninh do Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quảng Ninh cung cấp, Cảng vụ cấp phép cho tàu hoạt động. Trường hợp Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quảng Ninh có cảnh báo thời tiết nguy hiểm khi tàu du lịch đang hành trình tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Cảng vụ thông báo cho các đơn vị liên quan và chủ tàu du lịch, thuyền trưởng biết, chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, có biện pháp phòng tránh và vào nơi trú ẩn an toàn.
2. Giấy phép vào cảng, bến có giá trị sử dụng trong 30 ngày kể từ ngày cấp.
3. Tại các cảng bến ở điểm tham quan, khu vực lưu trú, thuyền trưởng sử dụng giấy phép rời cảng, bến đã cấp cho tàu tại cảng, bến trong đất liền, để trình báo với đại diện cảng vụ và làm cơ sở xác nhận cho tàu chuyển tuyến hoặc về cảng, bến trong đất liền.
Điều 14. Điều kiện để cấp phép tàu rời cảng, bến
1. Thủ tục hành chính của tàu: Đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm, đăng ký kinh doanh của chủ tàu.
2. Tiêu chuẩn về thuyền viên trên tàu.
3. Tiêu chuẩn về hoạt động du lịch và dịch vụ.
4. Nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước
5. Hợp đồng ký kết giữa chủ tàu và khách đi tàu về giá cước, giá dịch vụ; danh sách hành khách.
6. Hợp đồng với đơn vị thu gom chất thải.
7. Việc kê khai giá dịch vụ và niêm yết giá trên tàu.
8. Các cam kết của chủ tàu, chủ doanh nghiệp về thực hiện các quy định quản lý tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
9. Hợp đồng cảng bến đón, trả khách và hợp đồng neo đậu tại các điểm lưu trú trên vịnh Hạ Long (đối với tàu lưu trú).
10. Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự, Biên bản kiểm tra an toàn PCCC, Giấy chứng nhận cơ sở lưu trú, phân loại tàu hàng năm.
11. Danh sách thuyền viên và nhân viên phục vụ.
12. Hệ thống định vị vệ tinh (GPS) của tàu hoạt động tốt.
Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát đủ các điều kiện trước khi cấp phép cho tàu rời cảng, bến
Điều 15. Thời gian cấp phép vào cảng, bến trong đất liền.
1. Mùa hè (tính từ ngày 16/4 đến hết ngày 31/10): Chậm nhất đến 19h00.
2. Mùa đông (tính từ ngày 01/11 đến hết ngày 15/4 năm sau): Chậm nhất đến 18h30.
3. Thời gian đưa tàu vào khu vực lưu trú chậm nhất là 18h00 (đối với mùa đông), 19h00 (đối với mùa hè).
Điều 16. Không cấp phép rời cảng, bến.
Cơ quan Cảng vụ từ chối cấp phép rời cảng bến cho tàu du lịch hoạt động phục vụ khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long trong các trường hợp sau:
1. Không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo các quy định của bản Quy định này.
2. Khi thời tiết có diễn biến xấu phức tạp theo thông báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quảng Ninh và khi điều kiện thời tiết có cấp gió vượt quá mức cho phép đối với cấp kỹ thuật của tàu.
3. Tàu du lịch vận chuyển khách tham quan theo các tuyến tại Phụ lục III kèm theo bản Quy định này không có giấy phép rời cảng, bến cuối cùng; tàu đưa khách đến các điểm du lịch chưa được công bố theo quy định.
4. Khi có quyết định hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm của thuyền viên, nhân viên trên tàu du lịch hoặc chủ tàu du lịch.
5. Các trường hợp vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
QUY ĐỊNH VỀ CẢNG, BẾN, ĐIỂM, TUYẾN DU LỊCH
Điều 17. Cảng, bến tàu khách du lịch.
Cảng, bến bao gồm:
1. Cảng, bến trong đất liền.
2. Cảng, bến tại điểm tham quan.
3. Khu vực neo đậu tàu lưu trú.
1. Yêu cầu chung: Đảm bảo quy định tại Điều 4, Thông tư liên tịch số 22/TTLT-BGTVT-BVHTTDL
a) Cảng trong đất liền:
- Bố trí đầy đủ hệ thống nhà chờ, nhà điều hành trang bị đầy đủ các tiện nghi phục vụ khác du lịch như: ghế ngồi, quạt điện, điều hòa đảm bảo thoáng mát; khu vực bán vé, điểm truy cập internet; trung tâm, phương tiện thông tin hướng dẫn cho khách du lịch về tuyến, điểm du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long;
- Có các dịch vụ phục vụ cho khách du lịch: hàng ăn nhanh, giải khát, mua bán đồ lưu niệm, bưu điện, thu đối ngoại tệ...;
- Có đại lý, dịch vụ cung cấp hoặc khu vực tiếp nhận nhiên liệu, thực phẩm, nước ngọt và các dịch vụ khác phục vụ cho hoạt động của tàu du lịch;
- Có khu vực vệ sinh công cộng (WC) đảm bảo sạch, văn minh, lịch sự.
b) Cảng, bến tại điểm tham quan:
- Có các phương tiện, bảng thông tin hướng dẫn cho khách du lịch về tuyển, điểm du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long;
- Có khu vực vệ sinh công cộng (WC) đảm bảo sạch, văn minh, lịch sự.
c) Khu vực neo đậu tàu lưu trú:
- Có hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa, hệ thống phao, biển báo giới hạn vùng nước;
- Bố trí lực lượng thường trực khi có tàu neo đậu để giải quyết các công việc liên quan.
Điều 19. Trách nhiệm chủ cảng, bến.
1. Thực hiện trách nhiệm theo các quy định hiện hành.
2. Thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 5 Quyết định số 3439/QĐ-UBND ngày 26/12/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh như sau:
a) Bố trí đầy đủ và thường xuyên, duy trì, bảo dưỡng cầu bến, các trang thiết bị an toàn trên bến như: đệm va, cột bích, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, cầu dẫn cho khách xuống. Vệ sinh cầu bến, bậc lên xuống cho khách đảm bảo không bị trơn trượt.
b) Phối hợp chặt chẽ và thống nhất với Cảng vụ quy định đánh số các vị trí cập cầu trên cảng, bến, bố trí riêng khu vực dành cho phương tiện chuyền tải hoạt động.
c) Bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ sắp xếp vị trí, hướng dẫn cho phương tiện vào, ra đón, trả hành khách, hướng dẫn xếp khách xuống phương tiện đảm bảo an toàn; Phối hợp chặt chẽ với Cảng vụ để điều tiết phương tiện ra, vào cầu cảng hợp lý, an toàn theo các vị trí đã được Cảng vụ chỉ định cho phương tiện.
d) Kiểm soát khách xuống phương tiện theo danh sách hành khách, không xếp khách xuống phương tiện vượt quá sức chở người của phương tiện theo quy định.
đ) Chủ động phối hợp triển khai các biện pháp cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố xảy ra trong vùng nước cảng, bến và vùng lân cận.
e) Hướng dẫn các chủ phương tiện, thuyền viên thực hiện các quy định về an toàn trong bản quy định này.
2. Thực hiện việc ủy thác thu phí tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, bán vé hành khách, hợp đồng vận chuyển cho khách du lịch thuê tàu du lịch khi có nhu cầu của cơ quan quản lý vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, tàu du lịch và hành khách.
3. Kiểm soát biên lai thu phí tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, vé hành khách (khi được ủy thác).
4. Làm đại lý các dịch vụ phục vụ cho tàu du lịch và hành khách (trong khuôn viên của cảng, bến).
5. Duy trì tình trạng hoạt động của các trang, thiết bị đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động tại cảng, bến. Đảm bảo an toàn các công trình giao thông, trang thiết bị tài sản của cảng, bến.
6. Ban hành nội quy, quy định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và các nội dung có liên quan tại bản Quy định này.
7. Tổ chức thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật trong phạm vi quản lý.
8. Phối hợp với cảng vụ quy định vị trí neo đậu của các nhóm, đội tàu trong khu vực vùng nước quản lý.
9. Tham gia vào quá trình lập biên bản điều tra, kết luận và giải quyết tai nạn; phòng chống giông bão, cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy tại vùng nước cảng, bến.
10. Tổ chức dịch vụ tập trung thu gom, xử lý chất thải từ tàu du lịch.
Tuyến, điểm du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long quy định chi tiết tại Phụ lục III kèm theo bản Quy định này.
Điều 21. Lập, điều chỉnh, bổ sung danh bạ thuyền viên.
1. Đối với tổ chức doanh nghiệp, chủ tàu, hợp tác xã: Nội dung lập, điều chỉnh, bổ sung danh bạ thuyền viên do Giám đốc doanh nghiệp, tổ chức, chủ nhiệm hợp tác xã, chủ tàu ký, đóng dấu xác nhận vào danh bạ thuyền viên sau khi đã kiểm tra bằng, chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ và các giấy tờ có liên quan theo quy định.
2. Đối với hộ kinh doanh cá thể:
a) Lập danh bạ thuyền viên: Chủ hộ kinh doanh cá thể lập, ký xác nhận danh bạ thuyền viên, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi chủ hộ kinh doanh cá thể đăng ký hộ khẩu thường trú chứng thực chữ ký và đóng dấu giáp lai số danh bạ thuyền viên;
b) Điều chỉnh, bổ sung danh bạ thuyền viên: Khi có sự thay đổi thuyền viên, chủ hộ kinh doanh cá thể điều chỉnh, bổ sung vào danh bạ thuyền viên, ký xác nhận sau khi đã kiểm tra bằng, chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ và các giấy tờ có liên quan theo quy định.
Điều 22. Giá cước, hợp đồng thuê tàu và các dịch vụ khác.
1. Xây dựng, kê khai, niêm yết giá:
a) Chủ tàu du lịch phải thực hiện kê khai giá cước dịch vụ vận chuyển, giá dịch vụ lưu trú, niêm yết và bán theo giá niêm yết theo quy định tại Quyết định số 334/2015/QĐ-UBND ngày 04/02/2015 của Ủy ban nhân dân Tỉnh và các quy định hiện hành khác.
b) Chủ tàu du lịch phải thực hiện kê khai giá cước dịch vụ vận chuyển và lưu trú theo biểu mẫu, cách thức thực hiện quy định tại Thông tư 56/2014/TT-BTC ngày 28/4/2014 của Bộ Tài chính. Đối với các chủ tàu là tổ chức, doanh nghiệp gửi hồ sơ kê khai giá tới Sở Tài chính; đối với chủ tàu là cá nhân, hộ gia đình gửi hồ sơ kê khai giá tới UBND cấp huyện trên địa bàn hoạt động.
c) Giá kê khai quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này được xây dựng trên cơ sở các tuyến, điểm tham quan, thời gian hành trình, chất lượng tàu theo kết quả phân loại và xếp hạng tàu và phải đảm bảo phù hợp với giá thực tế giao dịch thông thường trên thị trường;
d) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hạ Long, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, Sở Công thương, Cục thuế, Cảng vụ đường thủy nội địa, hiệp hội nghề nghiệp và các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan thống nhất khung giá vận chuyển, các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch để làm cơ sở thống nhất thực hiện.
đ) Chủ tàu du lịch phải thực hiện việc niêm yết công khai giá cước vận chuyển khách, giá phòng (buồng) nghỉ trên tàu theo mức giá đã kê khai;
e) Khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ phải theo đúng giá niêm yết, lập hóa đơn đầy đủ theo đúng quy định; Trường hợp chủ tàu lập hóa đơn (giá vận chuyển, lưu trú) thấp hơn giá tối thiểu thì xác định mức thuế phải nộp theo mức giá tối thiểu; Mức giá tối thiểu căn cứ theo khung giá quy định tại điểm d Khoản 1 Điều này
f) Giá vận chuyển không bao gồm phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và các dịch vụ phục vụ khác.
2. Vé hành khách, hợp đồng vận chuyển:
a) Chủ tàu phải thực hiện phát hành vé hành khách theo quy định;
b) Khi khách thuê trọn gói cả chuyến tàu mà chủ tàu không phát hành vé thì phải có hợp đồng vận chuyển bằng văn bản theo từng chuyến;
c) Các trường hợp khách liên hệ tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long không thuộc đối tượng tại điểm điểm b Khoản 2 Điều này, Chủ cảng, bến thực hiện bán vé hành khách hoặc sắp xếp cho khách thuê tàu trọn chuyến và bố trí tàu vận chuyển hành khách.
d) Chủ cảng, bến có trách nhiệm soạn thảo mẫu hợp đồng đảm bảo đúng, đủ các nội dung theo quy định; yêu cầu các chủ tàu thống nhất thực hiện đối với các trường hợp quy định tại điểm b Khoản 2 Điều này.
đ) Hợp đồng thuê tàu, danh sách hành khách, danh sách khách lưu trú nghỉ đêm trên tàu, giấy phép rời cảng, bến... phải được lưu giữ theo quy định.
3. Đối với các yêu cầu dịch vụ phát sinh ngoài hợp đồng vận chuyển, vé hành khách; chủ tàu phải thỏa thuận, thống nhất trước với khách về giá, số lượng, giá dịch vụ... trước khi cung cấp dịch vụ và chịu trách nhiệm về giải quyết thắc mắc, khiếu nại của khách du lịch.
Điều 23. Nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí.
1. Chủ tàu du lịch phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về đăng ký thuế, khai và nộp thuế, phí, lệ phí... theo đúng các quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản pháp luật về thuế, phí, lệ phí hiện hành.
2. Phải thực hiện đăng ký kê khai và nộp thuế tại Quảng Ninh.
3. Phí, lệ phí được thực hiện thu theo danh mục và mức thu phí, lệ phí của cơ quan có thẩm quyền quy định.
4. Đối với cơ sở kinh doanh có nhiều hoạt động khác nhau như: vận chuyển khách, lưu trú, ăn uống, bán hàng lưu niệm... thì lập hóa đơn và khai thuế phải tách riêng hoạt động vận chuyển khách, hoạt động lưu trú.
Điều 24. Các khoản thu dịch vụ.
1. Chủ cảng, bến được thu tiền đối với các dịch vụ đã cung cấp cho người sử dụng.
2. Mức tiền dịch vụ, phương thức thanh toán... do các bên thống nhất, thỏa thuận bằng văn bản hợp đồng hoặc các hình thức khác và phải được công khai, niêm yết tại cảng.
Điều 25. Chuyển tải khách trong vùng nước cảng, bến.
1. Tàu lưu trú được phép neo đậu trong vùng nước cảng, bến để chuyển tải khách từ cầu cảng, bến ra tàu và ngược lại. Chủ tàu du lịch, thuyền trưởng phải chịu trách nhiệm về an toàn trong quá trình chuyển tải khách.
2. Khi hoạt động chuyển tải phải thực hiện theo các quy định sau:
a) Phải đảm bảo các điều kiện an toàn và có đầy đủ các giấy tờ theo quy định của pháp luật, bố trí đủ số lượng phao cứu sinh trên phương tiện chuyển tải cho thuyền viên, cho hành khách theo sức chở của phương tiện.
b) Chỉ được chuyển tải khách từ tàu lưu trú vào cầu cảng, bến và ngược lại khi tàu lưu trú neo đậu trong phạm vi vùng nước của cảng bến. Thuyền trưởng phải chịu trách nhiệm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khách trong quá trình cập mạn để đón, trả khách.
c) Đối với phương tiện chuyển tải có sức chở trên 12 người khi hoạt động chuyển tải khách phải bố trí 02 thuyền viên (01 người điều khiển phương tiện; 01 thủy thủ hướng dẫn khách và cảnh giới).
d) Thuyền viên làm việc trên phương tiện chuyển tải phải có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với loại phương tiện theo quy định.
đ) Khi phương tiện chuyển tải cập cầu bến tại vị trí đã được chỉ định hoặc cập mạn tàu du lịch, thuyền viên đã buộc dây, neo đậu chắc chắn đảm bảo an toàn, mới cho khách lên, xuống phương tiện.
e) Thuyền viên hướng dẫn khách lên, xuống phương tiện chuyển tải, chỉ được nhận hành khách xuống phương tiện đúng trọng tải cho phép.
f) Trước khi khởi hành, thuyền viên hướng dẫn yêu cầu khách ngồi ổn định, cân bằng, không để khách đứng trên phương tiện chuyển tải, khi khách ngồi ổn định mới cho phương tiện chuyển tải hoạt động.
g) Khi hành trình, người điều khiển phương tiện chuyển tải phải tuân theo quy tắc giao thông quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa, quan sát các điều kiện an toàn, giữ khoảng cách an toàn giữa phương tiện mình đang điều khiển với phương tiện khác.
3. Phương tiện chuyển tải không được dùng để vận chuyển khách tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
4. Khi hoạt động chuyển tải, thuyền viên phải mặc áo phao cứu sinh và hướng dẫn, yêu cầu hành khách mặc áo phao cứu sinh trong suốt thời gian hành trình của phương tiện. Phương tiện chuyển tải khách chạy trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa phải giảm tốc độ đến dưới tốc độ lượn vòng cho phép được ghi trong hồ sơ kỹ thuật của phương tiện.
5. Chủ cảng, bến quy định khu vực dành riêng cho phương tiện chuyên tải hoạt động.
Điều 26. Những hành vi không được thực hiện.
Ngoài các hành vi bị cấm quy định tại Điều 8 Luật Giao thông đường thủy nội địa, Điều 12 Luật Du lịch và Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường, tổ chức, cá nhân liên quan muốn hoạt động vận chuyển khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và khách lưu trú trên tàu không được thực hiện các hành vi sau đây:
1. Đối với chủ tàu du lịch:
a) Sử dụng tàu không đủ điều kiện quy định vào vận chuyển khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, để khách lưu trú trên tàu;
b) Nhận chở khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và khách lưu trú trên tàu nhưng không có hợp đồng bằng văn bản hoặc vé hành khách hợp lệ theo quy định tại Bản Quy định này. Thu tiền cao hơn giá niêm yết; thu tiền không có thỏa thuận, thống nhất trước với khách; thu tiền thấp hơn giá tối thiểu theo quy định của cơ quan có thẩm quyền;
c) Có hành vi lừa đảo hoặc cấu kết với người khác để lừa đảo khách du lịch. Không xuất hóa đơn, vé hành khách hợp lệ cho khách theo quy định;
d) Sử dụng tàu không đủ các giấy tờ, điều kiện theo quy định đối với tàu lưu trú để lừa dối khách, mạo nhận là tàu lưu trú cho khách thuê nghỉ đêm;
đ) Tự ý hoán cải, thay đổi kết cấu, tính năng, công dụng hoặc đóng mới tàu du lịch;
e) Không bố trí đủ người làm việc trên tàu đảm bảo thực hiện các chức danh theo quy định.
2. Đối với thuyền trưởng
a) Tự ý đón, trả khách ở cảng, bến hoặc địa điểm chưa được công bố, cấp phép hoạt động; điểm không được ghi trong giấy phép do Cảng vụ cấp, trừ trường hợp khẩn cấp, cứu nạn hoặc bất khả kháng;
b) Lập danh sách khách du lịch không đúng tên người, địa chỉ, số lượng người so với thực tế. Vận chuyển khách không đúng tên đã lập trong danh sách hành khách;
c) Đưa khách đi tham quan sai tuyến du lịch quy định. Không đưa khách đi đủ thời gian đã ký kết, thỏa thuận; tự ý cắt xén hành trình du lịch; thông đồng với người bán để khách du lịch mua bán hàng hóa, hải sản, sử dụng dịch vụ với giá sai niêm yết; trộm cắp tài sản của khách; để các phương tiện khác đeo bám vào phương tiện của mình để bán hàng hóa, dịch vụ; cho người không có tên trong danh sách thuyền viên lên tàu thực hiện việc bán hàng, cung cấp dịch vụ;
d) Cho tàu lưu trú neo đậu không đúng vị trí quy định được ghi trong giấy phép rời cảng, bến. Không khai báo đăng ký tạm trú cho khách du lịch nghỉ đêm trên tàu;
đ) Chuyển nhượng khách du lịch sang tàu khác; bỏ khách du lịch tại điểm tham quan; chuyển tải khách trái quy định;
3. Chủ tàu du lịch, thuyền viên, người tham gia hoạt động dịch vụ có các hành vi vi phạm nội quy, quy định của cảng, bến;
4. Chủ tàu du lịch, thuyền viên, khách du lịch có hành vi liên quan đến tệ nạn xã hội, buôn bán hàng cấm hoặc vi phạm đạo đức, lối sống, tín ngưỡng, văn hóa... của người Việt Nam.
5. Tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ (ăn uống, đồ lưu niệm, hải sản...) có hành vi gian lận thương mại; cung cấp hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; ép khách hàng sử dụng dịch vụ, không niêm yết giá, không có thỏa thuận với khách hàng trước khi bán, thu tiền cao hơn giá niêm yết, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, số lượng, không xuất hóa đơn theo quy định.
6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý, hoạt động của tàu du lịch có hành vi hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu, tiêu cực, tự đặt ra các quy định, thủ tục giấy tờ, lệ phí, thu tiền... trái pháp luật và trái với bản Quy định này; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trách nhiệm, có các biểu hiện ép buộc để gây khó khăn cho chủ tàu du lịch, thuyền viên và khách du lịch dưới mọi hình thức;
7. Các hành vi đổ chất thải, rác thải xuống vùng nước vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long dưới mọi hình thức.
8. Các hành vi khác trái với các quy định của pháp luật, trái với quy định này và các quy định khác có liên quan.
Điều 27. Phát triển tàu du lịch.
Thực hiện theo Quy hoạch phát triển đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Các dự án đóng mới tàu phải được Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt trước khi thực hiện.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
Điều 28. Trách nhiệm của Chủ tàu du lịch.
1. Ký hợp đồng neo đậu, đón trả khách, thỏa thuận sử dụng dịch vụ với chủ khai thác cảng, bến.
2. Lập sổ danh bạ thuyền viên, định biên đủ thuyền viên theo ca làm việc vào danh bạ khi tàu hoạt động. Đối với tàu lưu trú phải đảm bảo định biên trực ca 24/24h theo quy định.
3. Phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của thuyền viên và nhân viên phục vụ; thường xuyên kiểm tra để có biện pháp khắc phục kịp thời những thiếu sót, vi phạm và chịu trách nhiệm về các hoạt động của người được giao quyền quản lý điều hành, thuyền viên, người làm việc trên tàu trong quá trình hoạt động.
4. Lập và chịu trách nhiệm về nội dung, tính chính xác của danh sách hành khách mỗi chuyến đi.
5. Thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa. Chịu trách nhiệm về hoạt động của tàu du lịch có liên quan đến hoạt động, an toàn của phương tiện, hành khách, khiếu nại của hành khách.
6. Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối trong mọi trường hợp cho người và phương tiện trong quá trình hoạt động. Khi có sự cố xảy ra, phải chủ động có biện pháp xử lý (cứu người, cứu phương tiện, cứu tài sản...), báo cáo ngay với các cơ quan có liên quan tham gia giải quyết; chịu toàn bộ chi phí cho việc khắc phục sự cố và bồi thường nếu lỗi do người hoặc phương tiện của mình gây ra.
7. Đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm.
8. Đại diện cho toàn bộ thuyền viên cam kết với chủ cảng, bến; Cảng vụ và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước và các quy định của bản Quy định này.
9. Thông báo cho các doanh nghiệp lữ hành, khách du lịch biết các quy định có liên quan để phối hợp thực hiện.
10. Phản ánh kịp thời với cơ quan chức năng về những việc làm sai trái, vi phạm những hành vi không được làm quy định tại Điều 34 Bản Quy định này của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định.
11. Khuyến khích các chủ tàu tham gia Hiệp hội tàu du lịch Quảng Ninh để tạo sự thống nhất, đồng thuận trong việc thực hiện các quy định, đảm bảo môi trường hoạt động dịch vụ du lịch lành mạnh, hiệu quả.
12. Thường xuyên tổ chức cho thuyền viên, nhân viên tham gia các lớp huấn luyện, bồi dưỡng, cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy định tại Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP .
Điều 29. Trách nhiệm của thuyền trưởng.
1. Thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư liên tịch số 22/TTLT-BGTVT-BVHTTDL.
2. Hàng ngày, phải thường xuyên đôn đốc thuyền viên kiểm tra, thay thế các trang thiết bị an toàn, thiết bị phòng cháy chữa cháy, các vị trí có nguy cơ xảy ra dễ cháy nổ trên tàu.
3. Phân công trách nhiệm cho từng thuyền viên trên tàu theo từng vị trí; phân ca, kíp làm việc cụ thể, đảm bảo trực 24/24h; đôn đốc thuyền viên thực hiện các trách nhiệm đã được phân công. Việc phân công phải được ghi lại cụ thể và lưu trên tàu.
4. Thường xuyên trực tiếp kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện, biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy; lập, lưu trữ, bổ sung kịp thời hồ sơ quản lý hoạt động phòng cháy chữa cháy của tàu.
5. Tổ chức việc hướng dẫn về nội quy an toàn, sử dụng các trang thiết bị an toàn cá nhân (áo phao, búa phá cửa thoát hiểm, bình cứu hỏa...) cho khách du lịch.
6. Trước khi rời khỏi cảng, bến hoặc các điểm tham quan, neo đậu phải kiểm tra, đối chiếu danh sách hành khách với số khách thực tế tàu. Trong trường hợp kết thúc hành trình đi tham quan, lưu trú sớm hơn so với hợp đồng phải được sự đồng ý của khách và được xác nhận bằng văn bản.
7. Kịp thời ngăn chặn và thông báo ngay cho các cơ quan chức năng xử lý các hoạt động trái pháp luật dưới mọi hình thức trên tàu.
8. Chịu trách nhiệm nhắc nhở hành khách thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm được quy định tại bản Quy định này.
9. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những vấn đề có liên quan đến khách du lịch; về các hoạt động của thuyền viên trên tàu trong quá trình hoạt động.
10. Chỉ cho phép đi tàu đối với khách du lịch đã có biên lai thu phí tham quan, có vé hành khách và có tên trong danh sách hành khách; thuyền viên có tên trong danh bạ thuyền viên.
Điều 30. Trách nhiệm của khách du lịch.
1. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Luật du lịch, Điều 10 Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL ; các quy định, nội quy trên tàu du lịch và tại các điểm tham quan; giữ gìn môi trường, cảnh quan thiên nhiên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
2. Phải có hợp đồng thuê tàu, vé hành khách hợp lệ. Khai đúng tên, tuổi, địa chỉ của mình và trẻ em từ 01 tuổi trở lên đi kèm để chủ tàu du lịch lập danh sách hành khách. Yêu cầu chủ phương tiện, người bán hàng dịch vụ giao hóa đơn, vé hành khách hợp lệ. Phải mua vé tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
3. Trường hợp đối với khách du lịch là người nước ngoài, hướng dẫn viên người Việt Nam phải chủ động lập danh sách hành khách chính xác và phổ biến cho khách biết các quy định có liên quan.
4. Trường hợp có khiếu nại với cơ quan quản lý phải có văn bản làm cơ sở để giải quyết, xử lý.
5. Tuân thủ các nội quy về bảo vệ môi trường tại các bến cảng, trên các phương tiện hoạt động du lịch và những điểm đến du lịch; không được xả các chất thải, rác thải xuống vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long; không mang hóa chất độc hại, chất nổ, chất dễ gây cháy khi tham gia các hoạt động du lịch.
6. Không lợi dụng hoạt động du lịch để tuyên truyền, phát tán tài liệu, băng đĩa... mang tính phản động chống phá Nhà nước, trái pháp luật và các quy định khác.
Điều 31. Trách nhiệm của hiệp hội tàu du lịch Quảng Ninh.
2. Hỗ trợ các hội viên về việc khắc phục và giải quyết các sự cố rủi ro trong hoạt động.
3. Tập hợp, nghiên cứu những ý kiến, đề nghị của hội viên để phản ánh, đề xuất với Ủy ban nhân dân Tỉnh và các ban, ngành chức năng của nhà nước về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển hoạt động của hội viên.
4. Tư vấn và hỗ trợ xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm, dịch vụ và nâng cao uy tín doanh nghiệp.
6. Xây dựng và giám sát hội viên thực hiện các quy chế hoạt động của hiệp hội.
7. Tham gia xây dựng khung giá vận chuyển, giá dịch vụ lưu trú.
8. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy chế hoạt động của hiệp hội.
9. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ, có chương trình làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan đến quản lý hoạt động tàu du lịch để trao đổi thông tin, tháo gỡ các vướng mắc nhằm nâng cao công tác phối hợp quản lý đối với tàu du lịch và để hoạt động vận chuyển khách ngày càng văn minh, lịch sự, thuận tiện.
Mục 2. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Điều 32. Sở Giao thông vận tải.
1. Kiểm tra, giám sát các quy định về an toàn, kỹ thuật đối với tàu du lịch, cảng, bến, khu vực neo đậu, luồng tuyến thủy nội địa và các công trình khác có liên quan; cấp phép hoạt động, công bố cảng bến, điểm neo đậu, tuyến, luồng... theo quy định của pháp luật và Bản Quy định này.
2. Chỉ đạo Cảng vụ đường thủy nội địa thực hiện quản lý cấp phép rời cảng, bến theo quy định của pháp luật và các quy định của bản Quy định này.
3. Cấp giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ an toàn giao thông cho nhân viên phục vụ trên tàu du lịch.
4. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục đội ngũ thuyền viên chấp hành các quy định của Nhà nước về giao thông đường thủy và các quy định về hoạt động phục vụ vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
5. Chủ trì việc tổ chức phân loại tàu du lịch hàng năm.
6. Là cơ quan thường trực của Ủy ban nhân dân Tỉnh, chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện; đề xuất các biện pháp giải quyết các phát sinh trong quá trình thực hiện bản Quy định này.
Điều 33. Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long.
1. Quản lý nhà nước trên địa bàn về toàn bộ hoạt động dịch vụ và vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long trừ các nội dung quản lý thuộc trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải theo Luật và Thông tư hiện hành.
2. Quản lý và chuẩn bị các điều kiện đảm bảo yêu cầu về an toàn, thuận tiện cho khách và tàu du lịch ra, vào các điểm tham quan, điểm neo đậu trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
3. Thực hiện bảo vệ cảnh quan, bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
4. Duy trì hoạt động 24/24h của hệ thống thông tin (VHF) liên lạc với các tàu du lịch trên kênh thường trực của Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh (kênh 1 hoặc kênh 3).
5. Là cơ quan thường trực cứu hộ, cứu nạn; chủ động phối hợp với các ngành, địa phương liên quan giải quyết các sự cố xảy ra trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Bố trí phương tiện để phục vụ nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ.
6. Tổ chức thu gom rác tại các điểm tham quan, điểm neo đậu và vùng nước được giao quản lý theo quy định.
7. Chủ trì xây dựng quy định quản lý đối với điểm dịch vụ, loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
8. Tổ chức và phối hợp với các ngành và địa phương liên quan quản lý, kiểm tra, phát hiện và xử lý theo quy định đối với các hành vi vi phạm về vé tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, các hành vi gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long quy định tại Quy chế quản lý vịnh Hạ Long ban hành kèm theo quyết định số 498/2007/QĐ-UBND ngày 07/02/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Điều 34. Các Sở, ban, ngành có liên quan
Chịu trách nhiệm tham mưu đề xuất các quy định, các tiêu chuẩn liên quan theo chuyên ngành và phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long trong công tác quản lý hoạt động của tàu du lịch.
THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
1. Các cơ quan có thẩm quyền được thực hiện việc thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật đối với hoạt động vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
2. Việc thanh tra, kiểm tra phải được thực hiện theo đúng trình tự quy định của pháp luật.
3. Việc kiểm tra hành chính chỉ được thực hiện tại các bến, cảng, điểm neo đậu. Không được tùy tiện dừng tàu để kiểm tra khi chưa phát hiện các dấu hiệu vi phạm, trừ các trường hợp đã được pháp luật cho phép.
4. Các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính có trách nhiệm trao đổi thông tin về vi phạm hành chính của các tàu du lịch cho Cảng vụ, chủ khai thác cảng, bến để làm cơ sở xử lý theo các cam kết được quy định.
1. Chủ doanh nghiệp tàu du lịch, thuyền viên, nhân viên phục vụ trên tàu du lịch, các tổ chức, cá nhân có liên quan phải cam kết nghiêm chỉnh chấp hành bản Quy định này, nếu vi phạm thì Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh từ chối cấp phép cho tàu rời cảng, bến với phương tiện vi phạm và cả đội tàu của chủ tàu, chủ phương tiện. Thời gian từ chối cấp phép tối thiểu 10 ngày. Khi khắc phục xong và sau 10 ngày có kết quả kiểm tra đảm bảo các điều kiện mới cho hoạt động trở lại.
- Vi phạm lần thứ 3, căn cứ các điều kiện, mức độ vi phạm liên ngành, thành phố Hạ Long xem xét đề nghị cơ quan Cảng vụ từ chối cấp phép rời cảng, bến từ 6 tháng trở lên hoặc từ chối vĩnh viễn với tàu hoặc đội tàu hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
- Kiên quyết từ chối cấp phép rời cảng, bến tàu du lịch thuộc các tổ chức, cá nhân không thực hiện kê khai, đăng ký, nộp thuế tại Quảng Ninh hoặc trốn tránh nghĩa vụ thuế.
2. Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long thực hiện toàn bộ công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm của chủ tàu, chủ phương tiện, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động du lịch bằng tàu trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Ủy ban nhân dân các địa phương: Cẩm Phả, Vân Đồn thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long; chủ động xử lý hoặc phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long xử lý vi phạm.
3. Sở Giao thông vận tải thực hiện kiểm tra, xử lý không cấp phép rời cảng, bến với các phương tiện vi phạm các điều kiện quy định nêu trên, xử lý hành chính vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, thông báo về Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long biết để phối hợp quản lý và báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh.
4. Các Sở, ngành liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo ngành; chủ động kiểm tra xử lý vi phạm hoặc bàn giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long xử lý theo quy định của pháp luật.
5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý hoạt động của tàu du lịch có hành vi hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu, tiêu cực, tự đặt ra các quy định, thủ tục giấy tờ, lệ phí, thu tiền... trái pháp luật và trái với bản Quy định này; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trách nhiệm, có các biểu hiện ép buộc để gây khó khăn cho chủ tàu du lịch, thuyền viên và khách du lịch dưới mọi hình thức sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 37. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu phát sinh những vấn đề mới, không phù hợp, các cơ quan chức năng có liên quan kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật.
Điều 38. Định kỳ hàng quý, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm tổng hợp tình hình hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.