ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4080/2006/QĐ-UBND | Hải Dương, ngày 24 tháng 11 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH KHEN THƯỞNG DOANH NGHIỆP TIÊU BIỂU VÀ DOANH NHÂN GIỎI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/09/2005 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành mội số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng”;
Xét đề nghị của Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh và Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định khen thưởng Doanh nghiệp tiêu biểu và Doanh nhân giỏi”, để thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện - thành phố, Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC KHEN THƯỞNG “DOANH NGHIỆP TIÊU BIỂU” VÀ “DOANH NHÂN GIỎI”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4080/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng xét thưởng
1. Doanh nghiệp tiêu biểu
Các doanh nghiệp, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, thuộc mọi thành phần kinh tế (bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) trên địa bàn tỉnh, có thành tích xuất sắc (theo tiêu chuẩn nêu tại điều 4 của quy định này và phụ lục chấm điểm thi đua kèm theo), đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật đều được xét tặng danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu”.
2. Doanh nhân giỏi
Các Giám đốc, Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ doanh nghiệp, Chủ nhiệm hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp (sau đây gọi chung là doanh nhân) trên địa bàn tỉnh có thành tích xuất sắc (theo tiêu chuẩn nói tại điều 5 quy định này), đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển của tỉnh Hải Dương, đều được xét tặng danh hiệu “Doanh nhân giỏi”.
Điều 2. Điều kiện xét khen thưởng
1. Đơn vị và cá nhân phải đăng ký thi đua từ đầu năm.
2. Không vi phạm chế độ tài chính kế toán, thống kê.
3. Không có tai nạn lao động chết người.
4. Có tổ chức công đoàn theo luật định.
5. Đạt tiêu chuẩn cơ quan, đơn vị văn hóa.
6. Không có đình công.
Điều 3. Danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu” và “Doanh nhân giỏi”.
1. Danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu”
Là danh hiệu vinh dự của tỉnh được xét tặng hàng năm, nhằm biểu dương tôn vinh doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh, đã có thành tích - xuất sắc, nổi bật, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Danh hiệu “Doanh nhân giỏi”
Là danh hiệu vinh dự của tỉnh được xét tặng hàng năm, nhằm biểu dương, tôn vinh những doanh nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chương 2.
TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG, VIỆC CHIA KHỐI ĐỂ TỔ CHỨC THI ĐUA VÀ XÉT KHEN THƯỞNG, HÌNH THỨC KHEN VÀ MỨC THƯỞNG
Điều 4. Tiêu chuẩn “Doanh nghiệp tiêu biểu”
1. Sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, tỷ suất lợi nhuận trên vốn kinh doanh đạt từ 15% trở lên và phải cao hơn so với năm trước. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các khoản thu cho ngân sách Nhà nước.
2. Đảm bảo đủ việc làm, tăng thu nhập, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động.
3. Thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
4. Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng. Tổ chức tốt các phong trào thi đua:
- “Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động”, “Phòng chống cháy nổ”, không để ô nhiễm môi trường xung quanh và ngộ độc thực phẩm trong doanh nghiệp, không có sự có cháy nổ nghiêm trọng.
- “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật”, “Đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ”, “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả”, “Chăm lo cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động”.
5. Thường xuyên tổ chức học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tay nghề, nâng bậc, nâng lương cho cán bộ công nhân viên chức, lao động hàng năm
6. Đoàn kết trong doanh nghiệp, tham gia tốt các phong trào hoạt động xã hội nhân đạo, từ thiện do địa phương và trung ương tổ chức; không có tệ nạn xã hội; tổ chức đảng, đoàn thể (nếu có) đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh.
7. Trong doanh nghiệp nhà nước, phải thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.
8. Trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các loại hình doanh nghiệp khác, không có hiện tượng sa thải người lao động trái pháp luật.
Điều 5. Tiêu chuẩn “Doanh nhân giỏi”
1. Doanh nghiệp do doanh nhân trực tiếp điều hành (từ 3 năm trở lên) phải đạt danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu”, có lãi; hoặc có biện pháp tạo được bước đột phá đưa Doanh nghiệp đi lên, đạt hiệu quả nổi bật.
2. Năng động, sáng tạo, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất và phương thức kinh doanh, chỉ đạo sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả.
3. Bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
4. Có lối sống mẫu mực, là tấm gương cho mọi người noi theo; trong gia đình không có thành viên nào (vợ, chồng hoặc con) mắc tệ nạn xã hội.
(có phụ lục kèm theo)
Điều 6. Chia khối thi đua và xét khen thưởng
1. Căn cứ vào tính chất công việc, ngành nghề trên địa bàn, các doanh nghiệp trên địa bàn được chia thành 9 khối để tổ chức thi đua và xét khen thưởng thi đua như sau:
a) Khối các đơn vị sản xuất ngành công nghiệp;
b) Khối các đơn vị ngành giao thông vận tải;
c) Khối các đơn vị ngành xây dựng;
d) Khối các đơn vị ngành thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch dịch vụ;
e) Khối các đơn vị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn;
f) Khối các đơn vị sản xuất trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh;
g) Khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
h) Khối hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, làng nghề;
i) Khối Doanh nghiệp Ngân hàng Thương mại và các Công ty Bảo hiểm.
Việc bình chọn Doanh nghiệp tiêu biểu và Doanh nhân giỏi sẽ được tiến hành từ các khối thi đua nói trên.
2. Trong những “Doanh nghiệp tiêu biểu” và “Doanh nhân giỏi” ở từng khối, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xét chọn, công nhận:
- 01 “Doanh nghiệp tiêu biểu xuất sắc”;
- 01 “Doanh nhân giỏi xuất sắc”.
(không nhất thiết 9 khối phải chọn đủ 9 đơn vị và 9 cá nhân).
Điều 7. Hình thức khen và mức thưởng.
Căn cứ phong trào thi đua của các khối và thành tích của doanh nghiệp, hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh xét và quyết định khen thưởng. Hình thức khen và mức thưởng quy định như sau:
1. Tặng giấy chứng nhận và thưởng 1.000.000 đồng/1 đơn vị cho những doanh nghiệp đạt danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu”.
2. Tặng giấy chứng nhận và thưởng 500.000 đồng/1 người cho những doanh nhân đạt danh hiệu “Doanh nhân giỏi”
3. Tặng Cờ thi đua của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và thưởng 2.000.000 đồng/1 đơn vị cho những “Doanh nghiệp tiêu biểu xuất sắc”, tặng Bằng khen và thưởng 1.000.000 đồng/1 người cho những “Doanh nhân giỏi xuất sắc”.
4. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho những Doanh nghiệp và Doanh nhân 3 năm liên tục được công nhận là “Doanh nghiệp tiêu biểu” hoặc “Doanh nhân giỏi” trong đó 01 lần được tặng Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ;
- Đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hoặc Huân chương Lao động (hạng Nhất, hạng Nhì, hoặc hạng Ba, tùy thuộc vào mức độ thành tích và các tiêu chuẩn đạt được, theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng và Nghị định 121/NĐ-CP của Chính phủ) cho những Doanh nghiệp và Doanh nhân 5 năm hoặc 10 năm liên tục được công nhận là “Doanh nghiệp tiêu biểu” và “Doanh nhân giỏi”.
Chương 3.
TỔ CHỨC VÀ TRÌNH TỰ XÉT KHEN THƯỞNG
Điều 8. Hội đồng khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân
1. Là cơ quan tư vấn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét khen thưởng các doanh nghiệp, doanh nhân.
2. Do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập.
3. Thành phần gồm:
- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là Chủ tịch Hội đồng.
- Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh là Phó chủ tịch Hội đồng.
- Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư là Phó chủ tịch Hội đồng.
- Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh là Phó chủ tịch Hội đồng.
- Các ủy viên Hội đồng gồm đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các sở, ngành: Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế , Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên môi trường, Công an tỉnh, Thanh tra Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội, Cục Thuế, Cục Thống kê, Liên minh các HTX và các cơ quan đơn vị liên quan.
- Khi xét đối tượng thuộc ngành hoặc huyện (thành phố) nào thì mời đại diện lãnh đạo của ngành, địa phương đó tham gia ủy viên Hội đồng.
4. Liên đoàn lao động tỉnh là Cơ quan thường trực của Hội đồng.
Điều 9. Trách nhiệm của Cơ quan thường trực Hội đồng khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân
1. Hướng dẫn doanh nghiệp, doanh nhân đăng ký thi đua, báo cáo thành tích sản xuất kinh doanh, tự chấm điểm (tiêu chí quy định tại phụ lục kèm theo).
2. Tập hợp hồ sơ đề nghị khen thưởng, xem xét lựa chọn doanh nghiệp đạt những tiêu chuẩn quy định, trình Hội đồng xét duyệt.
3. Thực hiện các thủ tục và công việc cần thiết bảo đảm giúp Hội đồng tiến hành xét duyệt thuận lợi, đúng đối tượng, tiêu chuẩn và giải quyết tốt các khiếu nại (nếu có).
Điều 10. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng khen thưởng doanh nghiệp doanh nhân
Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể, bỏ phiếu kín và quyết định theo đa số. Điều kiện để cuộc họp bình xét có giá trị là phải có từ 2/3 số thành viên Hội đồng trở lên tham dự. Đơn vị và cá nhân đạt danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biếu” và “Doanh nhân giỏi” phải đạt ít nhất 2/3 tổng số phiếu tín nhiệm của các thành viên dự họp.
Điều 11. Hồ sơ và trình tự xét khen thưởng
1. Hồ sơ xét khen thưởng gồm:
a) Báo cáo thành tích của doanh nghiệp, doanh nhân; kết quả tự chấm điểm của doanh nghiệp. Văn bản báo cáo phải có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp đối với doanh nghiệp, doanh nhân (sở, ngành chủ quản đối với Doanh nghiệp Nhà nước; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố đối với các doanh nghiệp còn lại).
b) Các văn bản chứng thực về các nội dung sau: Kết quả sản xuất kinh doanh, hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, thực hiện tốt chế độ bảo hiểm xã hội và các quyền lợi của người lao động, tham gia hoạt động nhân đạo từ thiện, bảo vệ cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, xây dựng cơ quan đơn vị văn hóa; các đoàn thể, tổ chức Đảng (nếu có) trong sạch vững mạnh v.v...
c) Tờ trình của sở, ngành hoặc huyện, thành phố (cơ quan quản lý theo ngành dọc hoặc theo địa bàn).
2. Trình tự xét khen thưởng.
a) Căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh trong năm, đối chiếu với tiêu chuẩn trong quy định, doanh nghiệp và doanh nhân viết báo cáo thành tích, tự chấm điểm thi đua và tờ trình đề nghị sở, ngành (nếu là doanh nghiệp Nhà nước, doanh nhân trong doanh nghiệp Nhà nước) hoặc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xét, trình Hội đồng khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh xét duyệt; hồ sơ gửi về cơ quan thường trực của Hội đồng trước ngày 31/1 hàng năm.
b) Hội đồng khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh lựa chọn những doanh nghiệp, doanh nhân đạt tiêu chuẩn, lập danh sách đề nghị, gửi về Hội đồng Thi đua, Khen thưởng tỉnh.
c) Hội đồng Thi đua, Khen thưởng của tỉnh xét, lập danh sách trình Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định công nhận các đơn vị, cá nhân đạt danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu” và “Doanh nhân giỏi”, đồng thời lựa chọn nhiều nhất không quá 10 doanh nghiệp tiêu biểu xuất sắc và 10 doanh nhân giỏi xuất sắc để khen thưởng.
Điều 12. Thời gian xét khen, trao thưởng và công bố kết quả
1. Hàng năm, tỉnh tổ chức xét khen thưởng vào quý 1 và trao thưởng vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5
2. Kết quả được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay sau khi có quyết định và trước khi tổ chức lễ trao thưởng ít nhất 10 ngày.
Điều 13. Kinh phí
Kinh phí xét, khen thưởng, tổ chức trao thưởng do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp.
Các mức tiền thưởng nói tại điều 7 khi không còn phù hợp với tình hình thực tế thì Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh xem xét đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh cho phù hợp.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH VÀ XỬ LÝ KHIẾU NẠI
Điều 14. Điều khoản thi hành
1. Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì phối hợp với Ban thi đua khen thưởng tỉnh, các sở, ngành có liên quan triển khai tổ chức thực hiện quy định này.
2. Ban Thi đua, Khen thưởng tỉnh giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi quá trình thực hiện; có điểm gì không còn phù hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh kịp thời.
Điều 15. Xử lý khiếu nại
Trong thời gian chờ trao thưởng, nếu đơn vị, cá nhân nào khiếu nại thì gửi đơn về Cơ quan thường trực của Hội đồng để tập hợp, báo cáo Hội đồng và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.