BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4078/QĐ-BNN-VPĐP | Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2019 |
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH KHUNG CHỈ ĐẠO ĐIỂM TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1760/QĐ-TTg ngày 10/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020; Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm;
Căn cứ Thông tư 04/2019/TT-BNNPTNT ngày 01/4/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 05/2017/TT-BNNPTNT ngày 01/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Văn bản hợp nhất số 05/VBHN- BNNPTNT ngày 05/6/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hợp nhất Thông tư hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Thông tư số 08/2019/TT-BTC ngày 30/01/2019 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số đều của Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Quyết định số 01/QĐ-BCĐTW ngày 22/8/2018 của Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020;
Xét đề nghị của Cục trưởng - Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch khung chỉ đạo điểm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (sau đây gọi tắt là OCOP).
(Có Kế hoạch chi tiết gửi kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia thực hiện Kế hoạch chỉ đạo điểm, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
CHỈ ĐẠO ĐIỂM TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4078/QĐ-BNN-VPĐP ngày 28/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
1. Mục đích:
Chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện một số mô hình điểm của Chương trình OCOP theo các nhóm sản phẩm cụ thể theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng một số mô hình thí điểm thuộc các dự án thành phần của Chương trình OCOP (Làng văn hóa du lịch; khởi nghiệp sáng tạo trong OCOP gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn) làm cơ sở để phát triển, nhân rộng và tạo hiệu ứng lan tỏa của Chương trình OCOP. Trên cơ sở đó, hoàn thiện khung chính sách và cơ chế quản lý, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP sau năm 2020.
2. Yêu cầu:
- Các mô hình chỉ đạo điểm phải phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, gắn với những giải pháp trọng tâm của Chương trình OCOP, có tính thiết thực, khai thác và phát huy được lợi thế của địa phương. Đồng thời, phải có cam kết về nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương, cũng như các nguồn lực huy động hợp pháp khác để thực hiện.
- Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị tham gia và tiến độ thực hiện để đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương.
II. MỤC TIÊU ĐẾN HẾT NĂM 2020:
1. Chuẩn hóa và nâng cao chuẩn xếp hạng cho 26 sản phẩm OCOP đủ điều kiện xem xét công nhận đạt chuẩn 5 sao.
2. Hình thành 10 mô hình thí điểm Làng văn hóa du lịch và xây dựng Dự thảo Bộ tiêu chí về Làng Văn hóa du lịch theo tiêu chuẩn của Chương trình OCOP.
3. Xây dựng và hoàn thiện được một số mô hình khởi nghiệp sáng tạo trong OCOP gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
4. Hoàn thiện và đề xuất khung cơ chế, chính sách và cơ chế quản lý, chỉ đạo Chương trình OCOP sau năm 2020.
5. Nâng cao năng lực cho các cơ quan, đơn vị triển khai Chương trình OCOP; hỗ trợ đào tạo nghề cho cộng đồng và người dân tham gia thực hiện chu trình OCOP của các địa phương trong phạm vi của kế hoạch.
1. Chỉ đạo điểm phát triển các nhóm sản phẩm OCOP
a) Nội dung thực hiện: Tập trung chỉ đạo một số địa phương chuẩn hóa và nâng cao chuẩn xếp hạng cho 26 sản phẩm OCOP đủ điều kiện xem xét công nhận đạt chuẩn 05 sao.
b) Các địa phương được lựa chọn chỉ đạo điểm bao gồm: Hà Giang, Sơn La, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đắk Nông, Bến Tre, Đồng Tháp và 02 địa phương tự túc ngân sách (thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh).
c) Danh mục các mô hình chỉ đạo điểm:
- Nhóm Thực phẩm (17 sản phẩm):
+ Mật ong bạc hà (huyện Mèo Vạc) và Chè sạch (huyện Hoàng Su Phì) của tỉnh Hà Giang;
+ Cà phê Sơn La (thành phố Sơn La) của tỉnh Sơn La;
+ Chả mực Hạ Long, Nước mắm sá sùng, các sản phẩm chế biến từ hàu biển và Chè hoa vàng trên địa bàn các huyện của tỉnh Quảng Ninh;
+ Bánh cáy Làng Nguyễn (huyện Đông Hưng) và Bánh đa sợi (huyện Quỳnh Phụ) của tỉnh Thái Bình;
+ Gạo hữu cơ trồng trên ruộng rươi, cáy (huyện Đức Thọ) của tỉnh Hà Tĩnh;
+ Nước mắm và mắm làng nghề Tân Thành (huyện Quảng Điền); Nước mắm và mắm các loại Như Ý (huyện Phú Vang) của tỉnh Thừa Thiên Huế;
+ Hạt mắc ca sấy (huyện Lâm Hà) của tỉnh Lâm Đồng;
+ Tiêu hữu cơ và các sản phẩm từ tiêu (huyện Đăk Rlap) của tỉnh Đắk Nông;
+ Mứt dừa hữu cơ (huyện Bình Đại) của tỉnh Bến Tre;
+ Sản phẩm xoài chế biến (huyện Cao Lãnh) và Sản phẩm từ sen (huyện Tháp Mười) của tỉnh Đồng Tháp.
- Nhóm Đồ uống (01 sản phẩm): Rượu Ba kích của tỉnh Quảng Ninh.
- Nhóm Thảo dược (01 sản phẩm): Sản phẩm chế biến từ quế Trà My của tỉnh Quảng Nam.
- Nhóm Thủ công mỹ nghệ (01 sản phẩm): Sản phẩm mây tre đan Bao La, Quảng Phú của tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Nhóm Dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng (06 sản phẩm):
+ Dịch vụ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với vùng du lịch: huyện Đồng Văn và huyện Quản Bạ của tỉnh Hà Giang; thành phố Hội An của tỉnh Quảng Nam; thành phố Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng; thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế;
+ Dịch vụ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, trình diễn văn hóa ẩm thực tại phố đi bộ, thành phố Hà Nội;
+ Dịch vụ giới thiệu và quảng bá sản phẩm tại Hội chợ OCOP tại Quảng Ninh.
d) Nội dung hỗ trợ:
- Nội dung hỗ trợ từ ngân sách Trung ương:
+ Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, đào tạo nghề phát triển sản phẩm OCOP;
+ Hỗ trợ quản lý nhãn hiệu các sản phẩm OCOP, bao gồm chi phí đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, thiết kế nhãn hiệu sản phẩm tham gia chu trình OCOP, in tem, giấy chứng nhận;
+ Hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm đạt sao OCOP, bao gồm chi phí đánh giá, xác định yêu cầu thị trường, xây dựng phương án phát triển thị trường, kênh phân phối sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm;
+ Hỗ trợ tư vấn thiết kế, xây dựng hệ thống nhận diện các điểm quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP và các hoạt động dịch vụ du lịch nông thôn;
+ Hỗ trợ xây dựng mới các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ các sản phẩm OCOP có sự tham gia của doanh nghiệp/hợp tác xã nhằm khai thác hiệu quả các thương hiệu địa phương.
- Nội dung hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh tham gia mô hình và các nguồn xã hội hóa khác...):
+ Đầu tư trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng; đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến nhằm phát triển ý tưởng sản phẩm mới, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn, chất lượng sản phẩm;
+ Hỗ trợ phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ các sản phẩm OCOP có sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm khai thác hiệu quả các thương hiệu địa phương;
+ Hỗ trợ xây dựng và tổ chức vận hành các điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh;
+ Hỗ trợ áp dụng quy trình kỹ thuật và xây dựng các chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng gắn với vùng nguyên liệu;
+ Các nội dung khác phù hợp với điều kiện thực tế và quy định của pháp luật hiện hành.
d) Thời gian hoàn thành: Cơ bản hoàn thành trong năm 2020.
2. Xây dựng thí điểm 10 mô hình Làng Văn hóa du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới
a) Nội dung thực hiện: Hỗ trợ các địa phương xây dựng thí điểm 10 mô hình Làng Văn hóa du lịch để đánh giá, rút kinh nghiệm phục vụ nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí về Làng Văn hóa du lịch theo tiêu chuẩn OCOP trong thời gian tới.
b) Danh mục các mô hình thí điểm:
- Làng Văn hóa du lịch thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang;
- Làng Văn hóa du lịch Na Lo, xã Tà Chài, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai;
- Làng Văn hóa du lịch “Miền quê đáng sống” của đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn (Bản Pa Phách, xã Đông Sang), huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La;
- Làng Văn hóa du lịch xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình;
- Làng Văn hóa du lịch Lục Ngù, xã Húc Động, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh;
Làng Văn hóa du lịch bán Kho Mường (xã Thành Sơn) gắn với chuỗi du lịch sinh thái Pù Luông, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa;
- Làng Văn hóa du lịch cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam;
- Làng Văn hóa du lịch Bhờ Hôồng (Xã Sông Côn), huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam;
- Làng Văn hóa du lịch Vĩnh Nam (xã Vĩnh Thành) thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre;
- Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
c) Nội dung hỗ trợ:
- Nội dung hỗ trợ từ ngân sách Trung ương:
+ Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch về kiến trúc, cảnh quan của các thôn trong Đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới nhằm phát huy các lợi thế đặc trưng về tự nhiên và văn hóa phù hợp với phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới;
+ Tuyên truyền, kết nối, quảng bá và xúc tiến du lịch cho các làng;
+ Xây dựng chương trình đào tạo; biên soạn tài liệu và tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cộng đồng, nhất là đào tạo thuyết minh viên người dân tộc thiểu số và đào tạo, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người dân tộc thiểu số tại các thôn, xã phát triển du lịch; tổ chức đi tham quan thực tế để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch giữa các địa phương;
+ Nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm du lịch tại các làng văn hóa du lịch và đề xuất bộ tiêu chí đánh giá Làng Văn hóa du lịch trong Chương trình OCOP.
- Nội dung hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ dân tham gia mô hình và các nguồn xã hội hóa khác...):
+ Đầu tư hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại các làng (hệ thống đường giao thông, điện, xử lý môi trường, công trình nước sạch tập trung, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh...), cải tạo cảnh quan môi trường...;
+ Xây dựng và phát triển nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng tại các làng, gắn với phát triển sản phẩm nông nghiệp truyền thống, nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm OCOP của địa phương để hình thành chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp;
+ Tổ chức kết nối, tìm kiếm và xây dựng phát triển mối quan hệ giữa các doanh nghiệp lữ hành với cộng đồng; ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành kinh doanh các dịch vụ; tìm nguồn khách theo hướng ổn định và dài hạn.
+ Xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất của các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch...;
+ Các nội dung khác phù hợp với điều kiện thực tế và quy định của pháp luật hiện hành.
d) Thời gian hoàn thành: Cơ bản hoàn thành trong năm 2020.
3. Xây dựng thí điểm một số mô hình khỏi nghiệp sáng tạo Chương trình OCOP gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Theo Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
a) Nội dung thực hiện: Triển khai xây dựng thí điểm một số mô hình khởi nghiệp sáng tạo Chương trình OCOP gắn với tập huấn về Chương trình OCOP và đào tạo nghề cho cộng đồng và người dân nông thôn tham gia thực hiện chu trình OCOP tại các vùng, miền.
b) Đối tượng thực hiện thí điểm: Một số Trường, trung tâm đào tạo nghề có năng lực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số địa phương đại diện cho các vùng, miền của cả nước; một số Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo Chương trình OCOP theo hình thức xã hội hóa tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm có lợi thế phát triển Chương trình OCOP (Theo danh sách cụ thể của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở đề xuất của các địa phương và các Trường đáp ứng được yêu cầu về năng lực, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị). Riêng thành phố Hà Nội nghiên cứu đề xuất xây dựng mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của Quốc gia tại Thủ đô Hà Nội.
c) Nội dung hỗ trợ:
- Hỗ trợ khảo sát xây dựng mô hình khởi nghiệp sáng tạo Chương trình OCOP;
-Tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ Chương trình OCOP theo Quyết định số 490/QĐ-TTg , các chuyên đề của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, chuyên gia, nghệ nhân, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất,... tham gia Chương trình OCOP;
- Tổ chức đào tạo nghề, xây dựng ý tưởng sáng tạo, thực hành và phát triển sản phẩm OCOP cho người lao động theo nhu cầu của các địa phương;
- Hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề và các nội dung khác theo điều kiện thực tế và quy định của pháp luật hiện hành.
IV. KẾ HOẠCH VÀ NGUỒN VỐN THỰC HIỆN
a) Xây dựng và phê duyệt kế hoạch chi tiết triển khai các mô hình:
- Trên cơ sở Kế hoạch khung chỉ đạo điểm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan lập Dự án xây dựng mô hình điểm gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thẩm định về nội dung và cơ cấu nguồn vốn thực hiện trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thuyết minh Dự án thể hiện đầy đủ về mục tiêu, nội dung, tiến độ triển khai các mô hình, phù hợp với các nguồn kinh phí (bao gồm vốn ngân sách Trung ương, vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác) theo văn bản đăng ký triển khai mô hình điểm với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Thời gian hoàn thành: Quý IV năm 2019.
b) Tổ chức triển khai mô hình chỉ đạo điểm:
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tổ chức triển khai các nội dung xây dựng mô hình theo Dự án được phê duyệt, đảm bảo đúng mục đích, tiến độ và kết quả;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương, các đơn vị có liên quan trong công tác chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật, tổ chức kiểm tra, giám sát công tác thực hiện mô hình chỉ đạo điểm.
- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2020.
c) Tổng kết, đánh giá các mô hình để xây dựng khung cơ chế, chính sách cho giai đoạn sau năm 2020:
- Tổng kết, đánh giá về kết quả thực hiện Các mô hình điểm ở các địa phương, xác định các bài học kinh nghiệm và xây dựng đề xuất khung cơ chế chính sách và cơ chế quản lý, chỉ đạo Chương trình OCOP sau năm 2020;
- Trước tháng 11/2020, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hoàn thành công tác tổng kết, đánh giá mô hình chỉ đạo điểm. Trước tháng 12/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành công tác đánh giá, tổng kết và đề xuất khung chính sách, cơ chế quản lý, điều hành Chương trình OCOP giai đoạn sau năm 2020.
2. Nguồn vốn huy động để thực hiện:
a) Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các tỉnh, thành phố tham gia thực hiện các mô hình thí điểm (Không bao gồm thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh là 02 địa phương tự cân đối được ngân sách):
- Căn cứ kế hoạch vốn ngân sách Trung ương còn lại của giai đoạn 2016-2020 bố trí thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn (đã được Thông báo tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ) được giao trong năm 2020, các địa phương ưu tiên hỗ trợ kinh phí để thực hiện các mô hình thí điểm;
- Nguồn vốn ngân sách Trung ương (kinh phí sự nghiệp) thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới thuộc kế hoạch vốn năm 2020 cấp bổ sung cho các địa phương và các đơn vị có liên quan để hỗ trợ triển khai các mô hình điểm (theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
b) Nguồn vốn ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã).
c) Nguồn vốn lồng ghép từ các Chương trình khoa học và công nghệ, khuyến nông, khuyến công, quỹ đầu tư phát triển, quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa địa phương và các chương trình, dự án khác có liên quan.
d) Nguồn vốn đối ứng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh tham gia mô hình (tiền mặt, đất, nhà xưởng, công lao động, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị đối ứng...) và các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác.
V. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương có liên quan thẩm định về nội dung và cơ cấu nguồn vốn thực hiện Dự án thành phần thuộc các mô hình chỉ đạo điểm Chương trình OCOP và mô hình Làng Văn hóa du lịch của các địa phương theo quy định;
- Chỉ đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thuộc Bộ và địa phương tham mưu xây dựng thí điểm một số mô hình “Khởi nghiệp sáng tạo trong OCOP gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn” tại một số trường, trung tâm đào tạo thuộc Bộ và của địa phương, Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo Chương trình OCOP tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm của cả nước, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đê thực hiện;
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng phương án bổ sung kinh phí chỉ đạo điểm và hướng dẫn cho các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương thực hiện theo quy định;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành Trung ương có liên quan nghiên cứu, đề xuất xây dựng đề án, kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với Chương trình OCOP;
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan tổ chức tổng kết đánh giá hiệu quả của các mô hình, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách và cơ chế chỉ đạo, quản lý thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn sau năm 2020;
- Kiểm tra, đôn đốc và giám sát các địa phương và đơn vị có liên quan về kết quả và tiến độ triển khai Kế hoạch chỉ đạo điểm.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:
- Chỉ đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan lập dự án thành phần triển khai các mô hình điểm phát triển sản phẩm OCOP và mô hình Làng văn hóa du lịch theo quy định gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Ưu tiên bố trí đủ vốn từ ngân sách Trung ương được giao, vốn ngân sách địa phương theo như cam kết; chủ động lồng ghép nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án, các quỹ hỗ trợ trên địa bàn, cũng như huy động các nguồn lực hợp pháp khác để triển khai có hiệu quả các mô hình;
- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (06 tháng, 01 năm) và đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương để tổng hợp;
- Tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả các mô hình và các chính sách của địa phương trong năm 2020, đề xuất chính sách, giải pháp triển khai Chương trình OCOP giai đoạn tiếp theo.
3. Các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia mô hình chỉ đạo điểm
Có trách nhiệm thực hiện, triển khai dự án đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích và tiến độ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật hiện hành./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.