UỶ BAN NHÂN DÂN -------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4046/2006/QĐ-UBND | Hải Dương, ngày 23 tháng 11 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26-1 1-2003;
Căn cứ Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10-10-2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17-3-2005 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức;
Căn cứ Thông tư số 03/2004/TT-BNV ngày 16-01-2004 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10-10-2003 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ VIỆC XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4046 /2006/QĐ-UBND ngày 23/11/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh )
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng
Quy định này áp dụng đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (gọi chung là công chức cấp xã) trên địa bàn tỉnh, gồm các chức danh: Trưởng Công an, Chỉ huy trưởng Quân sự, Văn phòng - Thống kê, Địa chính - Xây dựng, Tài chính - Kế toán, Tư pháp - Hộ tịch, Văn hoá - Xã hội.
Điều 2. Các trường hợp bị xử lý kỷ luật
Công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật trong các trường hợp sau:
1. Vi phạm nghĩa vụ của công chức cấp xã quy định tại Điều 8 Nghị định 114/2003/NĐ-CP .
2. Vi phạm những việc công chức cấp xã không được làm quy định tại Điều 11 Nghị định 114/2003/NĐ-CP .
3. Vi phạm việc thực hiện Quy chế làm việc quy định tại Điều 9 Nghị định 114/2003/NĐ-CP .
4. Vi phạm pháp luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự, Toà án tuyên là có tội nhưng chưa đến mức bị phạt tù giam.
5. Vi phạm pháp luật bị cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về hành vi vi phạm.
6. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp.
7. Trong thời gian được cử đi học tập, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ mà vi phạm quy chế đào tạo hoặc tự ý bỏ học mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
8. Nghiện hút ma tuý hoặc vi phạm các quy định của Nhà nước về phòng, chống tệ nạn cờ bạc, mại dâm.
Điều 3. Những trường hợp chưa xem xét kỷ luật
1. Đang trong thời gian nghỉ phép, nghỉ ngày lễ hoặc nghỉ bù ngày lễ, nghỉ việc riêng được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cho phép.
2. Đang điều trị tại bệnh viện.
3. Đang bị tạm giam, tạm giữ chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật.
4. Nữ công chức cấp xã đang trong thời gian nghỉ thai sản.
Điều 4. Không áp dụng hình thức kỷ luật trong các trường hợp sau:
1. Vi phạm pháp luật trong trường hợp mất năng lực hành vi dân sự theo kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
2. Vi phạm pháp luật trong tình thế bất khả kháng khi thi hành nhiệm vụ, công vụ và được cấp có thẩm quyền xác nhận.
3. Chấp hành sự điều động, quyết định phân công công tác của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền mà gây hậu quả quy định tại khoản 7 Điều 8 Nghị định 114/2003/NĐ-CP .
Điều 5. Nguyên tắc xem xét xử lý kỷ luật công chức cấp xã
1. Khách quan, công bằng, nghiêm minh, đúng thời hiệu quy định.
2. Phải thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét mức độ vi phạm và đề nghị hình thức kỷ luật, trừ trường hợp phạm tội bị toà án phạt tù mà không được hưởng án treo.
3. Quyết định xử lý kỷ luật phải do cấp có thẩm quyền ký theo quy định.
4. Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật. Nếu công chức cấp xã có nhiều hành vi vi phạm thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi và chịu hình thức kỷ luật cao hơn một mức.
5. Cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của công chức cấp xã trong quá trình xem xét kỷ luật; cấm áp dụng biện pháp phạt tiền thay cho hình thức kỷ luật.
6. Không áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với nữ công chức cấp xã khi đang có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Điều 6. Khiếu nại, khởi kiện
1. Trường hợp không đồng ý với quyết định xử lý kỷ luật thì công chức cấp xã có quyền khiếu nại đến cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
2. Công chức cấp xã bị buộc thôi việc, sau khi khiếu nại mà vẫn bị áp dụng hình thức này thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại toà án theo quy định của pháp luật.
3. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận được khiếu nại của công chức cấp xã phải có trách nhiệm xem xét trả lời đương sự theo thẩm quyền và đúng thời hạn quy định.
4. Quyết định xử lý kỷ luật nếu được cơ quan có thẩm quyền kết luận hoặc toà án phán quyết là bị oan, sai thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết luận hoặc ngày quyết định của Toà án có hiệu lực, người đứng đầu cơ quan ra quyết định kỷ luật có trách nhiệm công bố công khai kết luận hoặc phán quyết đó đối với toàn thể cán bộ, công chức trong xã, đồng thời phải có trách nhiệm bồi hoàn cho người bị oan, sai theo quy định của pháp luật.
5. Khi có kết luận việc xử lý kỷ luật công chức cấp xã tiến hành không đúng quy định về nội dung, hình thức, quy trình thì cấp có thẩm quyền phải huỷ quyết định xử lý kỷ luật, đồng thời chỉ đạo tổ chức lại việc xem xét kỷ luật theo đúng quy định.
6. Trường hợp công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà được cấp có thẩm quyền kết luận là oan sai thì ngoài việc được phục hồi về danh dự và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, còn được bố trí công tác phù hợp, được hưởng mức lương tương đương với mức lương trước khi bị xử lý kỷ luật. Thời gian thi hành quyết định kỷ luật mà sau đó bị kết luận là oan, sai được tính vào thời gian để nâng bậc lương.
Chương II
HÌNH THỨC, THỜI HIỆU VÀ THẨM QUYỀN XỬ LÝ KỶ LUẬT
Điều 7. Hình thức kỷ luật
Công chức cấp xã nói tại Điều 1 của Quy định này vi phạm các quy định của pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm để xem xét áp dụng theo một trong những hình thức sau:
1. Khiển trách.
2. Cảnh cáo.
3. Hạ bậc lương.
4. Cách chức.
5. Buộc thôi việc.
Điều 8. Thời hiệu xử lý kỷ luật
1. Thời hiệu xử lý kỷ luật là khoảng thời gian quy định để tiến hành xem xét xử lý kỷ luật công chức cấp xã và được tính từ thời điểm phát hiện công chức cấp xã có hành vi vi phạm cho tới thời điểm Hội đồng kỷ luật họp.
2. Thời hiệu xử lý kỷ luật là 3 tháng.
3. Trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần thêm thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thì thời hiệu có thể được kéo dài nhưng tối đa không quá 6 tháng. Quá thời hiệu xử lý kỷ luật thì chấm dứt việc xem xét kỷ luật.
4. Trường hợp công chức cấp xã liên quan đến vụ việc đang bị cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử thì thời hiệu xem xét xử lý kỷ luật tính từ ngày phán quyết của toà án về hành vi vi phạm của công chức cấp xã có hiệu lực pháp luật.
5. Trường hợp phải tiến hành xem xét lại việc xử lý kỷ luật công chức cấp xã quy định tại khoản 5 Điều 6 của Quy định này thì thời hiệu xem xét xử lý kỷ luật được tính từ khi nhận được kết luận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
6. Thời hiệu xem xét kỷ luật đối với các trường hợp quy định tại Điều 3 Quy định này được tính từ ngày công chức đi làm trở lại.
Điều 9. Thẩm quyền và trách nhiệm xử lý kỷ luật
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét và quyết định thi hành kỷ luật đối với công chức cấp xã theo Điều 7 của Quy định này.
2. Người được giao thẩm quyền xử lý kỷ luật công chức cấp xã mà không ra quyết định xử lý trong thời hiệu quy định thì tuỳ theo tính chất, mức độ nặng, nhẹ, phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương hoặc cách chức.
Điều 10. Việc tạm giam và đình chỉ công tác
1. Trong thời gian đang bị xem xét kỷ luật, công chức cấp xã có thể bị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý ra quyết định tạm đình chỉ công tác nếu xét thấy công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xác minh hoặc tiếp tục có hành vi vi phạm.
2. Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày. Trường hợp đặc biệt do có nhiều tình tiết phức tạp cần được làm rõ thì có thể kéo dài nhưng không được quá 6 tháng.
3. Hết thời hạn tạm đình chỉ công tác mà công chức cấp xã chưa bị xử lý kỷ luật thì cấp có thẩm quyền phải bố trí công chức làm việc tại vị trí công tác cũ hoặc bố trí công việc phù hợp.
4. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác, công chức cấp xã được hưởng 50% tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu có). Sau khi cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét, nếu không bị xử lý kỷ luật thì công chức được truy lĩnh tiền lương và phụ cấp (nếu có) còn lại trong thời gian tạm đình chỉ công tác và thời gian tạm đình chỉ công tác đó được tính vào thời gian để nâng bậc lương. Trường hợp công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật thì không được lĩnh phần tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu có) còn lại và thời gian tạm đình chỉ công tác tính đến khi có quyết định kỷ luật không được tính là thời gian để nâng bậc lương.
5. Công chức cấp xã bị tạm giam để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật mà chưa có kết luận đầy đủ của cơ quan có thẩm quyền về vi phạm thì chưa tiến hành xem xét xử lý kỷ luật.
6. Việc tạm đình chỉ công tác của công chức cấp xã chỉ thực hiện trong thời hiệu xử lý kỷ luật.
Điều 11. Hội đồng kỷ luật
1. Hội đồng kỷ luật công chức cấp xã do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã thành lập có số lượng là 3 thành viên do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã làm Chủ tịch Hội đồng và trưởng các đơn vị có liên quan đến công tác quản lý công chức nhưng không được trái với quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng kỷ luật và các thành phần mời tham gia dự họp Hội đồng kỷ luật
a) Nguyên tắc làm việc của Hội đồng kỷ luật
- Khách quan, công khai, dân chủ theo quy định hiện hành;
- Hội đồng kỷ luật chỉ họp khi có đầy đủ các thành viên Hội đồng;
- Kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật được thực hiện thông qua biểu quyết bằng phiếu kín và theo nguyên tắc đa số;
- Hội đồng kỷ luật họp phải có biên bản và được Hội đồng thông qua trước khi Chủ tịch Hội đồng ký.
b) Các thành phần mời tham gia dự họp Hội đồng kỷ luật
- Hội đồng kỷ luật có thể mời đại diện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội mà công chức vi phạm đang sinh hoạt đến dự họp; tham gia ý kiến và đề xuất hình thức kỷ luật nhưng không được biểu quyết.
- Công chức cấp xã vi phạm kỷ luật trong nhiệm kỳ trước, nay nhiệm kỳ mới thay đổi người lãnh đạo thì Hội đồng kỷ luật công chức có thể mời người lãnh đạo nhiệm kỳ trước tham gia dự cuộc họp Hội đồng kỷ luật.
3. Những người có quan hệ gia đình với công chức vi phạm không được tham gia thành viên Hội đồng kỷ luật:
- Cha, mẹ đẻ;
- Cha, mẹ vợ (hoặc chồng);
- Cha, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng được pháp luật thừa nhận;
- Vợ hoặc chồng của người vi phạm;
- Anh, chị, em ruột; anh, chị, em dâu (rể) được pháp luật thừa nhận;
- Con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi được pháp luật thừa nhận.
Điều 12. Trình tự và quy trình xem xét xử lý kỷ luật
1. Công tác chuẩn bị và trình tự họp Hội đồng kỷ luật
a) Công tác chuẩn bị họp Hội đồng kỷ luật
- Công chức vi phạm kỷ luật phải làm bản kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật;
- Người đứng đầu cấp có thẩm quyền sử dụng công chức cấp xã có trách nhiệm tổ chức cuộc họp để người vi phạm kiểm điểm trước tập thể. Biên bản cuộc họp kiểm điểm có kiến nghị hình thức kỷ luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Hồ sơ trình Hội đồng kỷ luật gồm: bản kiểm điểm của người vi phạm kỷ luật; biên bản họp kiểm điểm người vi phạm kỷ luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị; trích ngang sơ yếu lý lịch của người vi phạm kỷ luật, các tài liệu, hồ sơ có liên quan đến việc xử lý kỷ luật.
b) Trình tự họp Hội đồng kỷ luật
- Chủ tịch Hội đồng tuyên bố lý do, giới thiệu các thành viên tham dự;
- Thư ký Hội đồng trình bày trích ngang sơ yếu lý lịch, hồ sơ và các tài liệu có liên quan;
- Người vi phạm đọc bản kiểm điểm; trường hợp người vi phạm vắng mặt thì Thư ký Hội đồng đọc bản kiểm điểm của người vi phạm;
- Thư ký Hội đồng đọc biên bản cuộc họp kiểm điểm người vi phạm của tập thể, cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Các thành viên Hội đồng và các đại biểu dự họp phát biểu ý kiến;
- Công chức vi phạm phát biểu ý kiến về hình thức kỷ luật trước khi Hội đồng kỷ luật bỏ phiếu kín;
- Hội đồng kỷ luật bỏ phiếu kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật;
- Kiến nghị hình thức kỷ luật của Hội đồng được thông báo tại cuộc họp.
2. Công chức cấp xã vi phạm được Hội đồng kỷ luật gửi giấy báo triệu tập trước khi Hội đồng kỷ luật họp 7 ngày làm việc.
3. Trường hợp công chức cấp xã vi phạm không làm bản kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật hoặc không có mặt thì Hội đồng kỷ luật vẫn tổ chức cuộc họp để tiến hành kiểm điểm người vi phạm kỷ luật trước tập thể.
4. Đối với công chức cấp xã tự ý bỏ việc đã được cơ quan gửi giấy gọi 3 lần mà không có mặt, Hội đồng kỷ luật vẫn họp xem xét kiến nghị hình thức kỷ luật theo quy định.
5. Trường hợp có nhiều công chức cấp xã trong cùng cơ quan vi phạm kỷ luật thì Hội đồng kỷ luật có thể xem xét xử lý trong cùng một phiên họp. Biên bản cuộc họp được lập theo trình tự xem xét kỷ luật đối với từng người vi phạm.
6. Quản lý hồ sơ kỷ luật công chức cấp xã
a) Cấp có thẩm quyền quản lý công chức cấp xã có trách nhiệm quản lý hồ sơ kỷ luật của công chức cấp xã;
b) Các hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc xử lý kỷ luật và quyết định thi hành kỷ luật phải được lưu giữ trong hồ sơ công chức cấp xã;
c) Hình thức kỷ luật phải ghi vào lý lịch của công chức cấp xã.
7. Trường hợp công chức cấp xã đang nghỉ công tác chờ thủ tục hưu trí hoặc đã thuyên chuyển công tác về cơ quan, tổ chức khác mới phát hiện vi phạm thì cơ quan vẫn tiến hành xem xét kỷ luật theo quy định hiện hành. Sau đó gửi toàn bộ hồ sơ và quyết định kỷ luật về cơ quan tổ chức đang quản lý công chức cấp xã đó để lưu vào hồ sơ công chức và theo dõi quản lý.
8. Trường hợp khi thành lập mới, sáp nhập, chia tách xã, phường, thị trấn mới phát hiện công chức cấp xã vi phạm kỷ luật trong thời gian trước đó thì cơ quan quản lý công chức cấp xã trước đây tiến hành xử lý kỷ luật và gửi toàn bộ hồ sơ, quyết định kỷ luật về cơ quan đang quản lý công chức đó để lưu vào hồ sơ công chức theo dõi quản lý.
Điều 13. Việc xem xét áp dụng hình thức kỷ luật
1. Hình thức khiển trách.
Ap dụng đối với công chức cấp xã có hành vi vi phạm lần đầu và ở mức độ nhẹ.
2. Hình thức cảnh cáo.
Ap dụng đối với công chức cấp xã đã bị khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm ở mức độ nhẹ nhưng khuyết điểm có tính chất thường xuyên; vi phạm lần đầu nhưng tính chất tương đối nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tư cách, phẩm chất cán bộ và uy tín của cơ quan, tổ chức; vi phạm nghĩa vụ công chức cấp xã liên quan đến trách nhiệm học tập, rèn luyện, kỷ cương, tác phong công chức; làm giả hồ sơ lý lịch và sử dụng văn bằng chứng chỉ không hợp pháp để hợp thức tiêu chuẩn xét nâng lương hoặc được cử đi đào tạo, bồi dưỡng bị phát hiện.
3. Hình thức hạ bậc lương.
Ap dụng đối với công chức cấp xã vi phạm nghĩa vụ, đang trong thời gian bị kỷ luật cảnh cáo mà tái phạm; liên quan đến đạo đức công vụ và vi phạm quy định của cơ quan, tổ chức; làm giả hồ sơ lý lịch và sử dụng văn bằng chứng chỉ không hợp pháp để được nâng bậc lương; vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong khi thi hành công vụ hoặc vi phạm tương đối nghiêm trọng những điều công chức cấp xã không được làm theo quy định.
4. Hình thức cách chức.
Ap dụng đối với công chức cấp xã giữ chức vụ mà có hành vi vi phạm kỷ luật và vi phạm pháp luật nghiêm trọng:
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để vi phạm những điều công chức cấp xã không được làm quy định tại khoản 2, Điều 2 Quy định này;
- Ban hành các quyết định trái pháp luật gây ảnh hưởng xấu, tổn hại đến lợi ích nhà nước, tổ chức và nhân dân.
- Lợi dụng chúc vụ quyền hạn để vụ lợi.
- Sử dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chia rẽ, gây mất đoàn kết trong cơ quan, đơn vị đến mức nghiêm trọng.
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo bị phát hiện.
5. Hình thức buộc thôi việc.
Ap dụng đối với:
- Công chức cấp xã phạm tội bị Toà án phạt tù giam;
- Đang thi hành hình thức kỷ luật cách chức mà tái phạm;
- Vi phạm lần đầu nhưng tính chất và mức độ vi phạm rất nghiêm trọng không xứng đáng là công chức;
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để được tuyển dụng vào công chức cấp xã; nghiệm ma tuý; tự ý bỏ việc mà cơ quan, tổ chức gửi giấy gọi 3 lần không đến.
6. Công chức cấp xã đang hưởng hệ số lương ở bậc 1 ngạch công chức nếu vi phạm kỷ luật thì áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.
7. Nếu công chức cấp xã vi phạm kỷ luật, Hội đồng kỷ luật đã xem xét và kiến nghị hình thức kỷ luật nhưng cấp có thẩm quyền chưa ra quyết định kỷ luật mà cơ quan lại phát hiện thêm các tình tiết mới liên quan đến vi phạm kỷ luật hoặc phát hiện có hành vi vi phạm kỷ luật khác thì cơ quan có thẩm quyền trả hồ sơ để hội đồng kỷ luật xem xét kiến nghị lại hình thức kỷ luật. Trong trường hợp này, thời hiệu xem xét xử lý kỷ luật được tính từ khi phát hiện thêm các tình tiết liên quan đến vi phạm kỷ luật hoặc phát hiện có hành vi vi phạm kỷ luật khác.
Điều 14. Các quy định liên quan đến công chức cấp xã bị kỷ luật
1. Công chức cấp xã vi phạm bị phạt tù cho hưởng án treo, sau khi bị xử lý kỷ luật (trừ trường hợp kỷ luật buộc thôi việc) được bố trí công việc phù hợp với yêu cầu giám sát, giáo dục và được hưởng chế độ, chính sách theo công việc được giao.
2. Trường hợp công chức cấp xã đang trong thời gian thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo nếu chuyển đi nơi khác thì cơ quan được giao giám sát, giáo dục có trách nhiệm thông báo ngay cho Toà án làm thủ tục cần thiết giao cho cơ quan nơi người được hưởng án treo chuyển đến để tiếp tục giám sát, giáo dục.
3. Công chức cấp xã trong thời gian thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo (kể cả thời gian thử thách) thì không xem xét nâng bậc lương hoặc bổ nhiệm. Thời gian thử thách được tính vào thời gian công tác liên tục của công chức đó.
4. Công chức cấp xã đang nghỉ chế độ chờ làm thủ tục hưu trí mà bị phát hiện có vi phạm pháp luật trong thời gian thi hành nhiệm vụ, công vụ trước đó thì cơ quan tạm thời dừng việc giải quyết thủ tục hưu trí cho đến khi cơ quan có thẩm quyền kết thúc việc xem xét xử lý kỷ luật.
5. Các quy định khác liên quan đến công chức cấp xã bị kỷ luật buộc thôi việc
a) Công chức cấp xã bị kỷ luật buộc thôi việc không được hưởng chế độ thôi việc theo quy định của Nhà nước, nhưng được cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian làm việc đã đóng bảo hiểm xã hội để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;
b) Hồ sơ công chức cấp xã bị kỷ luật buộc thôi việc do cấp có thẩm quyền quản lý. Trường hợp công chức cấp xã sau khi bị kỷ luật buộc thôi việc mà cần hồ sơ, lý lịch của mình thì được cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức cấp xã cấp bản sao hồ sơ, lý lịch (có xác nhận);
c) Công chức cấp xã bị kỷ luật ở hình thức buộc thôi việc thì sau 12 tháng (tính từ ngày ký quyết định kỷ luật) có thể được đăng ký dự tuyển lại vào làm cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước, nhưng không được đăng ký dự tuyển vào các vị trí công tác có liên quan đến nhiệm vụ, công vụ đã đảm nhiệm trước đây.
6. Đối với công chức cấp xã bị kỷ luật hạ bậc lương thì thực hiện như sau: Công chức cấp xã đang hưởng bậc lương theo ngạch công chức nào thì hạ xuống bậc thấp hơn liền kề của ngạch đó. Thời gian xét nâng lương lần sau tính từ thời điểm giữ mức lương hưởng trước khi bị vi phạm kỷ luật. Nếu đang hưởng lương bậc 1 của ngạnh thì áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.
Điều 15. Chấm dứt hiệu lực của Quyết định kỷ luật
1. Sau 12 tháng kể từ ngày có quyết định kỷ luật mà công chức cấp xã không tái phạm hoặc không có những vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì đương nhiên được chấm dứt hiệu lực của quyết định kỷ luật.
2. Cấp có thẩm quyền ban hành quyết định kỷ luật phải có điều khoản ghi rõ thời gian công chức cấp xã bị thi hành kỷ luật, tính từ khi ban hành quyết định kỷ luật đến thời điểm đủ 12 tháng theo quy định và không phải ra Quyết định chấm dứt hiệu lực của Quyết định kỷ luật.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thực hiện Quy định này. Giám đốc Sở Nội vụ chịu trách nhiệm kiểm tra thực hiện quy định.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.