UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40 /2005/QĐ-UB | Tam Kỳ, ngày 3 tháng 6 năm 2005 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng;
Căn cứ Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 27/2/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công cách mạng cải thiện nhà ở;
Căn cứ Quyết định số 1150/1998/QĐ-UB ngày 03/7/1998 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc ban hành quy định thực hiện chính sách hỗ trợ người có công cách mạng cải thiện nhà ở;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tại Tờ trình số 91/TTr-LĐTBXH ngày 03/6/2005,
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở cho gia đình liệt sỹ, thương bệnh binh, gia đình có công cách mạng khó khăn đặc biệt về nhà ở trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2005 - 2006.
Điều 2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan và các địa phương có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện đề án đạt mục tiêu đề ra.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thị xã căn cứ Quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM |
ĐỀ ÁN
HỖ TRỢ CẢI THIỆN NHÀ Ở CHO GIA ĐÌNH LIỆT SỸ, THƯƠNG BỆNH BINH, GIA ĐÌNH CÓ CÔNG CÁCH MẠNG KHÓ KHĂN ĐẶC BIỆT VỀ NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2005 - 2006.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 40 /2005/QĐ-UB ngày 3 /6/2005 của UBND tỉnh Quảng Nam)
I. Thực trạng khó khăn về nhà ở của gia đình liệt sỹ, thương bệnh binh, gia đình có công cách mạng (gọi tắt là gia đình chính sách) tỉnh Quảng Nam
Trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Quảng Nam được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Toàn tỉnh có 104/227 xã, 17/17 huyện, thị xã, 18 đơn vị từ cấp Đại đội đến cấp Tiểu đoàn và 78 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 6.686 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Nhưng để có được chiến thắng vinh quang đó, đã có gần 6,4 vạn cán bộ, chiến sỹ hy sinh và được công nhận liệt sỹ (chưa kể trên 2 vạn cán bộ, chiến sỹ các tỉnh, thành phố khác hy sinh trên chiến trường Quảng Nam); gần 3 vạn thương binh, bệnh binh, trong đó có gần 700 thương bệnh binh nặng (621 thương bệnh binh nặng đã về an dưỡng tại gia đình); gần 200.000 người và gia đình được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến các loại, trong đó có trên 2,5 vạn người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng; trên 22.000 người hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày.
Trước những hậu quả nặng nề của chiến tranh, 30 năm qua, nhất là sau 8 năm tái lập tỉnh, cùng với việc tập trung xây dựng và phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, Đảng bộ, quân và dân Quảng Nam luôn quan tâm giải quyết hậu quả chiến tranh, khắc phục thiệt hại do thiên tai, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, góp phần ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn. Tuy có nhiều cố gắng, nhưng trong điều kiện một tỉnh nghèo, đối tượng chính sách đông (chiếm 16% dân số) nên đời sống của các gia đình chính sách còn khó khăn, nhiều gia đình nhà ở còn tạm bợ. Qua điều tra, toàn tỉnh hiện có 93.148 hộ gia đình có công Cách mạng (chiếm tỷ lệ 28,4% tổng số hộ toàn tỉnh), trong đó có 59.824 hộ thuộc đối tượng hỗ trợ cải thiện nhà ở theo Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 27/02/1996 của Thủ tướng Chính phủ (trong số đó, có 35.280 hộ khó khăn về nhà ở cần được quan tâm hỗ trợ, đặc biệt đối với 19.083 hộ đang rất khó khăn, bức xúc về nhà ở. Ngoài ra, hậu quả nặng nề của 3 trận lũ lụt (1998 - 2000) đã cuốn trôi, làm sập trên 1.800 nhà của các đối tượng này, nâng tổng số hộ khó khăn, bức xúc, cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ cải thiện nhà ở lên 20.883 hộ (chưa kể số hỗ trợ sửa chữa nhỏ).
Từ thực tế trên, những năm qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng "Nhà tình nghĩa" và phong trào "Xoá nhà tạm cho đối tượng chính sách" trên địa bàn. Phong trào này đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực và có hiệu quả của Báo Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, các Bộ, Ban, ngành Trung ương, các địa phương và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước. Kết quả từ năm 1997 – 2004, toàn tỉnh đã huy động hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 14.397 hộ khó khăn, bức xúc về nhà ở, trong đó, xây mới: 12.705 nhà, hỗ trợ để gia đình tự xây dựng hoặc sửa chữa 1.692 nhà. Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 6.328 hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở, đang phải ở nhờ nhà bà con, hàng xóm hoặc ở trong các nhà tạm có kết cấu:
+ Tường che bằng phên tre, tole cũ han rỉ, vách cót ép hoặc tuy có xây nhưng chưa được tô trát vữa.
+ Sườn nhà bằng tre hoặc gỗ tạp còn để thô.
+ Mái nhà lợp tranh.
+ Nền nhà đất sét đầm chặt.
+ Nhà ở rất thấp, cửa ra vào không có, dùng miếng tole hoặc phên tre để chống lên, bỏ xuống.
(Có phụ lục danh sách và ảnh chụp từng hộ kèm theo).
Xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm và đòi hỏi của thực tế cuộc sống sau 30 năm giải phóng là phải quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, "Đền ơn đáp nghĩa" đối với những người và gia đình đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, UBND tỉnh Quảng Nam xây dựng Đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở cho gia đình liệt sỹ, thương bệnh binh và gia đình có công cách mạng có khó khăn bức xúc về nhà ở giai đoạn 2005 - 2006 với các nội dung sau:
II. Quan điểm, mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện đề án
1. Quan điểm: Hỗ trợ cải thiện nhà ở cho gia đình chính sách là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn, đối tượng chính sách đông, lại thường xuyên bị thiên tai bão lụt như Quảng Nam, việc thực hiện hỗ trợ cải thiện nhà ở cho các gia đình chính sách là yêu cầu bức xúc, nó không chỉ giúp ổn định cuộc sống, phòng ngừa và hạn chế thiệt hại do thiên tai, mà còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, phát huy tinh thần nhân ái thuỷ chung, "Lá lành đùm lá rách" của dân tộc trong công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người và gia đình có công với nước.
2. Mục tiêu: Phấn đấu trong 2 năm 2005 - 2006, cơ bản hoàn thành chương trình xoá nhà tạm, tạo điều kiện ổn định về nhà ở và từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh, thiết thực kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2007).
3. Chỉ tiêu: 6.328 nhà, thực hiện trong 2 năm:
- Năm 2005: 3.000 nhà.
- Năm 2006 : 3.328 nhà.
4. Kết cấu nhà: Nhà cấp 4, hai mái, diện tích xây dựng: 5m x 6 m = 30m2, lợp tole hoặc ngói, sườn gỗ, tường gạch xây tô, nền tráng xi măng (tuỳ khả năng và điều kiện của từng hộ có thể đóng góp thêm để xây dựng tốt hơn).
5. Nguồn và mức hỗ trợ: Mức hỗ trợ 15.000.000 đồng/nhà, được huy động từ các nguồn:
+ Cấp xã, phường: 1.000.000 đồng/nhà
+ Cấp huyện, thị xã: 2.000.000 đồng/nhà
+ Cấp tỉnh: 2.000.000 đồng/nhà
+ Gia đình, tộc họ của đối tượng: 2.000.000 đồng/nhà
+ Đề nghị Trung ương hỗ trợ: 8.000.000 đồng/nhà
Tổng kinh phí: 15.000.000 đồng x 6.328 nhà = 94.920.000.000 đồng (chín mươi bốn tỷ, chín trăm hai mươi triệu đồng chẵn), trong đó phân kỳ thực hiện như sau::
* Năm 2005: 3.000 nhà x 15.000.000 đồng/nhà = 45. 000.000.000 đồng.
Bao gồm:
- Kinh phí địa phương (tỉnh, huyện, xã): 15.000.000.000 đồng
- Nguồn vận động: 6.000.000.000 đồng
- Nguồn Trung ương hỗ trợ: 24.000.000.000 đồng
* Năm 2006: 3.328 nhà x 15.000.000 đồng/nhà = 49.920.000.000 đồng
Bao gồm:
- Nguồn kinh phí địa phương (tỉnh, huyện, xã): 16.640.000.000 đồng
- Nguồn vận động: 6.656.000.000 đồng
- Nguồn Trung ương hỗ trợ: 26.624.000.000 đồng
6. Nguyên tắc và trình tự xét duyệt hỗ trợ:
- Ưu tiên hỗ trợ trước đối với những gia đình liệt sỹ, thương bệnh binh và người có công với cách mạng có nhiều hy sinh, cống hiến trong kháng chiến, những hộ chưa có nhà ở, những hộ không còn khả năng lao động đang phải sinh sống, thờ cúng liệt sỹ trong các ngôi nhà tạm bợ.
- UBND xã, phường, thị trấn tổ chức bình chọn, xét duyệt từ cơ sở và lập danh sách đối tượng đề nghị hỗ trợ cải thiện nhà ở của địa phương (đính kèm hình ảnh nhà ở tạm của từng hộ gia đình) trình UBND huyện, thị xã.
- Từ danh sách đề nghị của các địa phương, UBND huyện, thị xã xây dựng Đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở cho đối tượng chính sách trên địa bàn huyện, thị xã đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh và các ngành liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt và cấp kinh phí. Trên cơ sở đề án được duyệt, UBND huyện, thị xã ra quyết định hỗ trợ cho từng hộ. Việc hỗ trợ được thực hiện cùng với tiến độ xây dựng hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở tạm. Sau khi hoàn thành, tiến hành nghiệm thu, bàn giao, quyết toán và chụp ảnh lưu.
III. Các giải pháp thực hiện đề án
1. Về đất ở: Chủ yếu thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đối tượng chính sách trên diện tích đất cũ của hộ gia đình đang ở. Trường hợp hộ chưa có nhà ở, đất ở, thì căn cứ vào quy hoạch của địa phương (xã, phường, thị trấn) mà bố trí cho phù hợp (đối với miền núi, kết hợp với việc thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ để bố trí đất cho hộ gia đình chính sách người dân tộc thiểu số làm nhà ở).
2. Nguồn kinh phí đầu tư:
- Căn cứ khả năng huy động nguồn và trên cơ sở định mức chung, hàng năm các ngành, các địa phương có kế hoạch bố trí kinh phí để thực hiện đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở cho đối tượng chính sách trên địa bàn đạt kết quả.
- Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá công tác đền ơn đáp nghĩa và cuộc vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện, thị xã và xã phường, thị trấn nhằm huy động nguồn lực cộng đồng cùng với nhà nước thực hiện hỗ trợ cải thiện nhà ở cho đối tượng chính sách.
- Các địa phương cần tích cực vận động sự đóng góp của tộc họ, gia đình đối tượng, nhân dân địa phương, bà con quê hương đang làm ăn, sinh sống ở các tỉnh, thành phố trong cả nước và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng, tặng nhà tình nghĩa cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và giúp hỗ trợ cải thiện nhà ở cho đối tượng chính sách trên địa bàn.
- Các cấp tiết kiệm chi thường xuyên, giành tỷ lệ thích hợp cho việc thực hiện đề án ở cấp mình.
- Tiếp tục phối hợp với Báo Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Tiếng nói Việt Nam và các Bộ, Ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố có điều kiện để đẩy mạnh cuộc vận động “Vì mục tiêu 10.000 nhà ở cho các gia đình chính sách tỉnh Quảng Nam".
- Đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện đề án với mức: 8.000.000 đồng/nhà.
3. Tổ chức thực hiện:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về truyền thống đấu tranh cách mạng, sự hy sinh to lớn của các Anh hùng liệt sỹ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, qua đó giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong việc thực hiện chính sách thương binh liệt sỹ, chăm sóc người có công, từng bước xã hội hoá công tác đền ơn đáp nghĩa, huy động các nguồn lực đầu tư thực hiện đề án.
- Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cần tăng cường phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có kết quả đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở cho đối tượng chính sách trên địa bàn, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên ở địa phương mình.
- Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với việc triển khai thực hiện đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở cho đối tượng chính sách trên địa bàn một cách hợp lý và có hiệu quả.
- Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan theo dõi, đôn đốc và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện đề án đạt kết quả. Hằng năm tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện nhằm điều chỉnh, xử lý những vướng mắc phát sinh và khen thưởng động viên kịp thời các đơn vị, địa phương thực hiện tốt đề án.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.