ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3991/QĐ-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 8 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ DUYỆT NHIỆM VỤ THIẾT KẾ ĐỂ TỔ CHỨC THI TUYỂN PHƯƠNG ÁN THIẾT KẾ “QUY HOẠCH TỔNG MẶT BẰNG TỶ LỆ 1/500 VÀ THIẾT KẾ KIẾN TRÚC CÁC CÔNG TRÌNH TRONG KHU TRUNG TÂM HÀNH CHÍNH THÀNH PHỐ”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng và Nghị định số
49/2008/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Thông tư số 23/2009/TT-BXD ngày 16 tháng 7 năm 2009 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 6708/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố về duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 (quy hoạch phân khu) Khu Trung tâm hiện hữu Thành phố (930ha);
Căn cứ Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố về duyệt Quy chế quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị Khu trung tâm hiện hữu Thành phố Hồ Chí Minh (930ha);
Căn cứ Công văn số 1357/UBND-ĐTMT ngày 25 tháng 3 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tổ chức thi tuyển phương án thiết kế “Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và thiết kế kiến trúc các công trình trong Khu Trung tâm hành chính Thành phố”;
Căn cứ Quyết định số 721/QĐ-UBND ngày 18 tháng 2 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố về duyệt Kế hoạch tổ chức thi tuyển phương án thiết kế “Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và thiết kế kiến trúc các công trình trong khu Trung tâm hành chính Thành phố”;
Căn cứ kết luận chỉ đạo của Thường trực Thành ủy (tại Công văn số 6269-CV/VPTU ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Văn phòng Thành ủy) về thiết kế quy hoạch xây dựng Khu Trung tâm hành chính thành phố;
Căn cứ Công văn số 195/UBND-ĐTMT-M ngày 31 tháng 3 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về thiết kế quy hoạch xây dựng Khu Trung tâm hành chính thành phố;
Căn cứ kết luận chỉ đạo của Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố (tại Thông báo số 392/TB-VP ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố) về nhiệm vụ đầu bài phục vụ cho việc tổ chức thi tuyển phương án thiết kế “Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và thiết kế kiến trúc các công trình trong khu Trung tâm hành chính Thành phố”;
Xét đề nghị của Sở Quy hoạch - Kiến trúc tại Tờ trình số 2135/TTr-SQHKT ngày 02 tháng 7 năm 2014, Công văn số 2130/SQHKT-QHKTT ngày 02 tháng 7 năm 2014 về trình phê duyệt duyệt Nhiệm vụ thiết kế để tổ chức thi tuyển phương án thiết kế “Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và thiết kế kiến trúc các công trình trong khu Trung tâm hành chính Thành phố”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Duyệt Nhiệm vụ thiết kế để tổ chức thi tuyển phương án thiết kế “Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và thiết kế kiến trúc các công trình trong Khu Trung tâm hành chính Thành phố” với các nội dung chính như sau:
1. Thông tin chung về Nhiệm vụ thiết kế:
- Tên công trình: Trung tâm hành chính Thành phố Hồ Chí Minh.
- Người quyết định đầu tư: Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
- Chủ đầu tư dự án: Ban quản lý dự án Quy hoạch xây dựng (thuộc Sở Quy hoạch-Kiến trúc).
- Địa điểm: ô phố giới hạn bởi các trục đường Lê Thánh Tôn, Pasteur, Lý Tự Trọng, Đồng Khởi.
2. Lý do và mục đích lập nhiệm vụ thiết kế:
a) Lý do: Làm cơ sở để tổ chức thi tuyển phương án thiết kế “Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và thiết kế kiến trúc các công trình trong Khu Trung tâm hành chính Thành phố”.
b) Mục đích: Hoàn chỉnh quy hoạch kiến trúc để xây dựng Khu Trung tâm hành chính thành phố, gắn với nhu cầu bố trí sử dụng các cơ quan hành chính thuộc thành phố theo hướng tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả nhà, đất thuộc sở hữu của Nhà nước, phù hợp với xu thế cải cách chính quyền của các nước tiên tiến trên thế giới.
3. Vị trí, giới hạn khu đất và hiện trạng sử dụng đất, kiến trúc công trình trong khu vực nghiên cứu lập quy hoạch:
a) Vị trí, giới hạn khu đất:
Ranh giới quy hoạch xây dựng Khu Trung tâm hành chính bao gồm toàn bộ ô phố tiếp giáp các tuyến đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi, có diện tích khoảng 18.088 m2 (diện tích chính xác sẽ được xác định theo bản đồ hiện trạng vị trí do cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt), giới hạn bở i:
- Phía Đông Bắc giáp đường Lê Thánh Tôn;
- Phía Tây Bắc giáp đường Đồng Khởi;
- Phía Tây Nam giáp đường Lý Tự Trọng;
- Phía Đông Nam giáp đường Pasteur.
b) Hiện trạng sử dụng đất và kiến trúc công trình:
- Khu đất trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố (số 86 đường Lê Thánh Tôn) hiện là nơi làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân Thành phố, Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, diện tích khoảng 7.557 m2, bao gồm:
· Khối công trình bảo tồn phía mặt tiền đường Lê Thánh Tôn có quy mô 2 tầng, có hình thức kiến trúc đặc trưng với các họa tiết hoa văn mang đậm phong cách kiến trúc cổ điển; được sử dụng làm phòng họp, hội trường (gọi tắt là khối A, bao gồm: cụm 1 là khối công trình chính đối diện công viên tượng đài Bác và cụm 2 là 2 khối công trình có chiều cao thấp hơn kéo dài về phía 2 bên của cụm 1);
· Khối công trình phụ phía sau tầng cao 4 tầng được sử dụng làm văn phòng làm việc (gọi tắt là khối B).
- Khu đất số 213 Đồng Khởi, diện tích khoảng 1.895 m2, là chung cư cũ, quy mô 7 tầng, đã được tháo dỡ (gọi tắt là khối C).
- Khu đất số 59-61 Lý Tự Trọng hiện là trụ sở làm việc của Sở Thông tin Truyền thông và Sở Công Thương, diện tích khoảng 4.004 m2, có hiện trạng công trình 2 tầng, mái ngói, hình khối bố cục đối xứng theo dạng chữ U, các chi tiết kiến trúc cột, cửa, gờ chỉ trang trí mang phong cách kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc (gọi tắt là khối D).
- Khu đất số 63 Lý Tự Trọng, diện tích khoảng 4.634 m2, hiện là trụ sở làm việc của Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Giao thông Vận tải có hiện trạng 3 tầng, được xây dựng cơi nới thêm trong khuôn viên, hình thức kiến trúc không phù hợp và tương xứng với các công trình khác trong ô phố (gọi tắt là khối E).
4. Các yêu cầu cụ thể cho Nhiệm vụ thiết kế:
a) Các chỉ tiêu quy hoạch-kiến trúc cho toàn ô phố:
Căn cứ theo đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và Quy chế quản lý không gian kiến trúc cảnh quan khu Trung tâm hiện hữu 930ha đã được duyệt, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của ô phố tối đa như sau: mật độ xây dựng 60%, hệ số sử dụng đất 3, chiều cao công trình 30m. Đây là chỉ tiêu cơ bản để tham khảo, các đơn vị tham gia thi tuyển cần nghiên cứu đề xuất phương án thiết kế tổng mặt bằng và hình khối kiến trúc công trình Khu Trung tâm hành chính tối ưu nhất; phải đảm bảo thẩm mỹ, hài hòa và tôn tạo cho khối công trình trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố được bảo tồn. Trên cơ sở đó sẽ xác định cụ thể chiều cao công trình, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và tổng diện tích sàn sử dụng để bố trí các cơ quan vào làm việc trong Khu Trung tâm hành chính thành phố.
b) Yêu cầu về kiến trúc cảnh quan và phương án kiến trúc:
- Khu Trung tâm hành chính tọa lạc tại vị trí trang trọng nhất của thành phố, do đó việc thiết kế và xây dựng công trình tại ô phố này phải đạt yêu cầu cao nhất về thẩm mỹ, công trình phải có kiến trúc đẹp và tiêu biểu nhất, với trang thiết bị hiện đại nhất, tiêu chí xây dựng tiên tiến nhất, đảm bảo công năng sử dụng và đạt tiêu chuẩn về môi trường sinh thái nhất, độ lùi không gian hợp lý,.. Đặc biệt lưu ý về hình khối, màu sắc, chất liệu của khối công trình xây mới phía sau công trình Trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố được bảo tồn, khối công trình này là phông nền nên phải hài hòa và tôn tạo được khối công trình bảo tồn phía trước và không gian kiến trúc, cảnh quan tại khu vực trung tâm thành phố, đây là yêu cầu cốt lõi để đánh giá phương án dự thi.
- Về khu đất trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố (khối A): Phải bảo tồn công trình kiến trúc (cụm 1). Việc đề xuất tháo dỡ cụm 2 để xây dựng mới và gắn kết với cụm 1 tạo thành 1 quần thể kiến trúc công trình thống nhất, nhằm tôn tạo công trình bảo tồn sẽ do các đơn vị tham dự thi tuyển khảo sát, đánh giá kỹ và đề xuất trong cuộc thi.
- Nghiên cứu đề xuất phương án phân khu chức năng hợp lý, các hạng mục công trình phải đáp ứng nhu cầu hoạt động, với môi trường làm việc “xanh”, hiện đại cho trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân - thành phố, Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân Thành phố. Cụ thể tại khối công trình được bảo tồn phía đường Lê Thánh Tôn bố trí phòng làm việc của Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố, Thường trực Hội đồng nhân dân, và các phòng tiếp khách, phòng họp, thư viện, khu trưng bày về thành tựu của thành phố, về truyền thống của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố,... để người dân có thể tham quan nghiên cứu (tầng dưới). Thiết kế công trình có giải pháp kiến trúc sáng tạo, tận dụng được chiếu sáng thông thoáng tự nhiên, ứng dụng được công nghệ xanh, sử dụng vật liệu lâu bền phù hợp tiêu chuẩn và điều kiện khí hậu của thành phố Hồ Chí Minh.
- Nghiên cứu đề xuất vị trí xây dựng Hội trường đa năng của Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân Thành phố đáp ứng yêu cầu hoạt động (tối thiểu 300 người); đề xuất bố trí khu vực tổ chức phòng truyền thống, phòng tiếp khách, phòng tiệc để tiếp khách quốc tế, đầy đủ tiện nghi. Hội trường phải có sân khấu, hậu trường, trang âm, cách âm hiện đại, nhà vệ sinh, sảnh giải lao, phòng diễn giả, báo đài… có thể đáp ứng mọi yêu cầu. Bố trí thêm các phòng họp với sức chứa khác nhau phù hợp với mục đích sử dụng.
c) Yêu cầu về giao thông:
Nghiên cứu đề xuất giải pháp giao thông đối nội của Khu Trung tâm hành chính thành phố kết nối với các tuyến giao thông đối ngoại tại khu vực này hợp lý, đảm bảo giao thông thông suốt, thuận lợi cho việc tiếp cận và không ùn tắc giao thông. Nghiên cứu giải pháp tiếp cận Khu Trung tâm hành chính theo các hướng: tiếp cận ra vào tầng hầm dành cho đối tượng sử dụng xe cá nhân; đối tượng sử dụng phương tiện công cộng (xe bus, taxi…) cần có vịnh đậu xe; lối tiếp cận riêng cho khu vực Hội trường đa năng khi tổ chức Hội nghị; lối tiếp cận riêng cho Thường trực Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân thành phố và đón tiếp khách quốc tế (phía đường Lê Thánh Tôn).
Lưu ý phân khu chức năng rõ ràng, giao thông đối nội giữa các sở ngành trong Khu Trung tâm hành chính phải tách biệt với khu đất bố trí trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân Thành phố và Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố để đảm bảo an ninh tuyệt đối. Nghiên cứu đề xuất bố trí sân bay dành cho máy bay trực thăng trong phạm vi khu vực trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố và có đường hầm băng qua đường Lý Tự Trọng kết nối an toàn tuyệt đối với đơn vị cần thiết theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy.
d) Yêu cầu về kỹ thuật và công năng sử dụng:
- Công trình thiết kế phải đảm bảo tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và các quy định hiện hành về an toàn, thoát nạn, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường.
- Tổng mặt bằng: tiết kiệm diện tích xây dựng, tận dụng tối đa không gian để dành chỗ cho cây xanh, lối đi. Chú ý dành diện tích cho sân vườn, khoảng trống có thể tập trung đông người trong các dịp tổ chức hội nghị, sinh hoạt thể thao nội bộ... Thiết kế đường giao thông nội bộ chú ý đến sự phân khu rõ ràng, hợp lý giữa các cơ quan. Mối liên hệ giữa các bộ phận, dây chuyền công năng phải hợp lý trong suốt quá trình sử dụng. Về chức năng, hoạt động của các sở ngành tuy độc lập với nhau, nhưng dây chuyền công năng cần được nghiên cứu gắn kết để tạo sự hỗ tương tốt nhất trong công việc, dễ dàng thống nhất, tập trung quản lý và sử dụng.
- Thiết kế xây dựng tầng hầm đảm bảo đủ chỗ để xe cho cán bộ công chức, nhân viên làm việc tại Khu Trung tâm hành chính, cho khách đến liên hệ công tác và tham dự hội nghị.
- Việc thiết kế các kho lưu trữ cần được nghiên cứu theo các thiết kế hiện đại nhất nhằm tập trung bảo quản hồ sơ một cách tối ưu theo hướng bền vững tương lai và thuận tiện khi tra cứu, sao lục.
- Bố trí phòng trung tâm quản lý điều hành hệ thống cấp điện, cấp nước, phòng cháy chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc...đặc biệt phải có phương án cụ thể đảm bảo an ninh khu vực...
- Cốt nền (vỉa hè hiện hữu) của Trụ sở Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân thành phố làm chuẩn cho cốt nền Khu Trung tâm hành chính thành phố và cốt nền tuyến đường Nguyễn Huệ.
5. Sản phẩm thiết kế:
5.1. Thuyết minh ý tưởng:
Bản thuyết minh gồm các phân tích, giải thích và lý luận các nội dung ý tưởng do nhóm nghiên cứu đề xuất. Thuyết minh được lập trên khổ giấy A3, in ngang.
5.2. Các bản vẽ:
- Bản vẽ 1: tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 có thể hiện sơ đồ vị trí, giới hạn khu đất tỷ lệ 1/2000 hoặc 1/5000.
- Bản vẽ 2: bao gồm các nội dung đề xuất ý tưởng về tổ chức không gian, phân khu các khu vực bảo tồn và xây dựng mới.
- Bản vẽ 3: các mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt triển khai tỷ lệ 1/200 hoặc 1/500, phối cảnh, chi tiết minh họa các ý tưởng.
5.3. Mô hình: Lập mô hình 3D và sa bàn tỷ lệ 1/500 cho khu vực nghiên cứu để minh họa cho ý tưởng thiết kế.
5.4. Đĩa CD: chứa bản thuyết minh bằng chương trình Microsoft Powerpoint và file các bản vẽ.
Điều 2. Trách nhiệm của Chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị có liên quan:
- Chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp các tài liệu, số liệu, thông tin về kiến trúc, quy hoạch và các thông tin khác có liên quan đến khu đất xây dựng công trình cho các đơn vị dự thi đầy đủ, kịp thời; đồng thời khẩn trương hoàn tất các thủ tục pháp lý và tổ chức thực hiện theo quy định.
- Nguồn kinh phí thực hiện từ Ngân sách thành phố và được tính vào tổng mức đầu tư xây dựng công trình. Chủ đầu tư làm việc với cơ quan chức năng để được hướng dẫn thanh quyết toán theo quy định hiện hành.
- Hội đồng đánh giá, xếp hạng các phương án dự thi chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đảm bảo bí mật, khách quan, trung thực và không có hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến kết quả đánh giá, xếp hạng.
- Các đơn vị tham dự thi tuyển phương án đều phải có đủ điều kiện năng lực, hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Đơn vị có phương án kiến trúc được chọn để xây dựng công trình được đảm bảo quyền tác giả, được thực hiện lập dự án và các bước thiết kế tiếp theo khi có đủ điều kiện năng lực. Trường hợp tổ chức, cá nhân có phương án kiến trúc được lựa chọn từ chối thực hiện các bước thiết kế tiếp theo thì chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu phù hợp để thực hiện nhưng quyền tác giả vẫn thuộc về tổ chức, cá nhân có phương án kiến trúc được lựa chọn.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký và hết hiệu lực khi kết quả thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình kết thúc theo quy định.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Giao Thông vận tải, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố, Thủ trưởng các Sở - Ban - Ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 1, Giám đốc Ban quản lý dự án Quy hoạch xây dựng và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.