BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 393/QĐ-TCLN | Hà Nội, ngày 19 tháng 08 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH HƯỚNG DẪN THẨM ĐỊNH BÁO CÁO QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG CỦA CẤP TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ Về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Quyết định số 04/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Lâm nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành hướng dẫn thẩm định Báo cáo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm:
1. Kết cấu, nội dung và phương pháp xây dựng báo cáo thẩm định quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Tổng cục Lâm nghiệp thực hiện (phụ lục 1).
2. Nội dung văn bản thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (phụ lục 2).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Tổng cục, Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
PHỤ LỤC 1
HƯỚNG DẪN THẨM ĐỊNH BÁO CÁO QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG CẤP TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
(ban hành kèm theo Quyết định số 393/QĐ-TCLN ngày 19 tháng 8 năm 2011)
I. QUY TRÌNH THẨM ĐỊNH
Quy trình thẩm định báo cáo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm 04 bước công việc như sau:
- Bước 1: Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ báo cáo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Bước 2: Tiến hành thẩm định
- Bước 3: Họp tham vấn về nội dung văn bản thẩm định
- Bước 4: Hoàn thiện văn bản thẩm định trình lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
Nội dung chi tiết của các bước công việc thẩm định như sau:
1. Bước 1: Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ báo cáo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Tổng cục Lâm nghiệp là đơn vị tiếp nhận hồ sơ báo cáo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cán bộ, công chức khi được lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính giao nhiệm vụ thẩm định trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ cần phải kiểm tra hồ sơ, tài liệu theo quy định tại Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Bộ hồ sơ gồm có:
- Báo cáo quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đầy đủ phụ biểu và số liệu chi tiết kèm theo. Số lượng: 07 bộ báo cáo và 01 đĩa CD có chứa nội dung báo cáo Quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, bản đồ hiện trạng và quy hoạch cùng hệ thống phụ biểu theo quy định.
- Văn bản (tờ trình) của UBND tỉnh, thành phố đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định Báo cáo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, thành phố.
Nếu hồ sơ đầy đủ tài liệu theo quy định thì chuyển sang thực hiện bước 2.
Trong trường hợp hồ sơ, báo cáo không đạt theo yêu cầu cần thông báo ngay cho Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh (bằng văn bản, điện thoại, fax, Email) để chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện báo cáo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng để thẩm định. (thời gian thẩm định được tính từ khi nhận được tài liệu bổ sung hoàn thiện hồ sơ).
2. Bước 2: Tiến hành thẩm định
1. Thời gian thẩm định.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ, cán bộ, công chức được lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Tổng cục Lâm nghiệp giao nhiệm vụ thẩm định báo cáo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 của các tỉnh, thành phố gửi trực tiếp văn bản đề nghị thẩm định (theo mẫu) kèm theo báo cáo quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến các đơn vị có liên quan tham gia thẩm định. Các đơn vị được đề nghị thẩm định phải có văn bản trả lời Vụ Kế hoạch - Tài chính trong thời gian 05 ngày làm việc. Trong trường hợp sau 5 ngày, nếu đơn vị, cơ quan được lấy ý kiến thẩm định không có văn bản trả lời thì được coi là đơn vị, cơ quan nhất trí với dự thảo báo cáo thẩm định.
Các đơn vị, cơ quan có liên quan đến công tác thẩm định là:
- Vụ Kế hoạch - Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Tổng cục Lâm nghiệp gồm có:
+ Cục Kiểm lâm
+ Vụ Phát triển rừng
+ Vụ Sử dụng rừng
+ Vụ Bảo tồn thiên nhiên
+ Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế.
Các đơn vị của Tổng cục Lâm nghiệp ngoài nội dung tham gia vấn đề chung cần phải tham gia ý kiến cụ thể về những vấn đề có liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ quản lý của đơn vị mình.
2. Trong trường hợp có một vấn đề nào đó cần có ý kiến của đơn vị chuyên môn, Vụ Kế hoạch - Tài chính trực tiếp yêu cầu đơn vị chuyên môn có liên quan cho ý kiến trực tiếp.
Các ý kiến còn khác nhau giữa cơ quan, đơn vị tham gia thẩm định và đơn vị chủ trì thẩm định là Vụ Kế hoạch - Tài chính để báo cáo lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp hay lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét quyết định.
3. Sau khi nhận được văn bản tham gia góp ý về dự thảo báo cáo thẩm định của các đơn vị có liên quan trong thời gian 01 ngày, cán bộ, công chức thẩm định phải chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo báo cáo thẩm định và trình lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp.
3. Bước 3: Tổ chức họp tham vấn các cơ quan, đơn vị có liên quan
Sau khi chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo báo cáo thẩm định, Vụ Kế hoạch - Tài chính tiến hành tổ chức cuộc họp tham vấn các cơ quan, đơn vị có liên quan về dự thảo báo cáo thẩm định.
4. Bước 4: Hoàn thiện báo cáo, văn bản thẩm định trình lãnh đạo phê duyệt
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị bằng văn bản và ý kiến tham vấn tại cuộc họp thông qua kết quả thẩm định, Vụ Kế hoạch - Tài chính hoàn chỉnh báo cáo thẩm định, trình Tổng cục Lâm nghiệp thông qua và báo cáo lãnh đạo Bộ.
II. NỘI DUNG BÁO CÁO THẨM ĐỊNH
Báo cáo thẩm định bao gồm 02 nội dung chủ yếu sau:
- Kết quả thẩm định
- Đánh giá chung
Chi tiết của 02 nội dung của báo cáo thẩm định như sau:
1. Kết quả thẩm định
1.1. Tên báo cáo: Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2011-2020;
1.2. Thời gian thực hiện: 10 năm (giai đoạn 2011 - 2020)
1.3. Hiện trạng rừng và quy hoạch đất lâm nghiệp theo 3 loại rừng theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 25/12/2005 của Chính phủ.
1.3.1. Hiện trạng rừng năm trước hoặc năm lập báo cáo và quy hoạch đất lâm nghiệp theo 3 loại rừng và đánh giá kết quả hoạt động sản xuất lâm nghiệp giai đoạn quy hoạch 2001 - 2010.
- Nêu số liệu về đất và rừng của hiện trạng năm trước và năm lập báo cáo QHBV&PTR của tỉnh hoặc Quyết định công bố diễn biến rừng và đất lâm nghiệp năm trước hoặc năm lập báo cáo quy hoạch của tỉnh, thành phố.
- Lập biểu so sánh số liệu hiện trạng đất và 3 loại rừng năm 2010 với số liệu kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng của tỉnh đã được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt.
- So sánh với kết quả công bố hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp hàng năm do Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố; nếu có sự chênh lệch lớn hoặc không phù hợp thì đề nghị địa phương làm rõ.
Tham khảo ý kiến tham gia của Cục Kiểm lâm về hiện trạng rừng năm lập báo cáo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của địa phương.
Ý kiến của Tổng cục Lâm nghiệp:
Ý kiến của Tổng cục Lâm nghiệp được nêu luôn tại từng vấn đề, từng chỉ tiêu được nêu trong báo cáo quy hoạch.
1.3.2. Đánh giá kết quả hoạt động sản xuất lâm nghiệp của tỉnh giai đoạn 2001-2010
Nêu tóm tắt kết quả của những hoạt động sản xuất LN chính của địa phương và đánh giá sự phù hợp với quy hoạch đất lâm nghiệp theo 3 loại rừng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tham khảo ý kiến tham gia của Vụ Phát triển rừng về phát triển rừng của địa phương và ý kiến tham gia của Vụ Sử dụng rừng về khai thác gỗ và lâm sản cũng như công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản của địa phương.
1.3.3. Mục tiêu quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 theo báo cáo quy hoạch BV&PTR của tỉnh.
Mục tiêu quan trọng hàng đầu là tỷ lệ che phủ rừng được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố đề ra và tỷ lệ che phủ rừng do Trung ương đặt ra với địa phương.
- Quản lý, bảo vệ sử dụng bền vững diện tích rừng đến năm 2020, phân chia theo 3 loại rừng đặc dụng; phòng hộ và sản xuất. Số cây trồng phân tán bình quân/năm; diện tích rừng khai thác hàng năm tương ứng với sản lượng khai thác gỗ bình quân năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, gỗ xây dựng, gỗ gia dụng và đồ mộc xuất khẩu.
- Mục tiêu kinh tế
Nêu chỉ số tốc độ tăng GTSX ngành lâm nghiệp (tỷ lệ %), thu hút rộng rãi các thành phần kinh tế và các tổ chức xã hội vào phát triển lâm nghiệp, góp phần tham gia tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Mục tiêu xã hội
Tạo thêm công ăn việc làm cho số lao động của địa phương, tăng thu nhập của người dân và góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Tiếp tục và đẩy mạnh chủ trương, chính sách giao đất, giao rừng cho các tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình để phát triển lâm nghiệp, ổn định sinh kế cho người dân ở vùng rừng theo hướng bền vững.
- Mục tiêu môi trường
Nâng tỷ lệ che phủ của rừng đến năm 2015 và 2020 (có chỉ tiêu cụ thể), quản lý bảo vệ và sử dụng bền vững diện tích rừng có được đến năm 2020 để bảo vệ đất, bảo vệ nguồn nước và môi trường. Tạo nguồn thu từ dịch vụ chi trả môi trường rừng để tái đầu tư trở lại cho sản xuất kinh doanh rừng.
Ý kiến của Tổng cục Lâm nghiệp:
Cần nhận xét về mục tiêu của các tỉnh có phù hợp với các mục tiêu định hướng chung và điều kiện đặc thù của địa phương hay không?
1.3.4. Nhiệm vụ Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020
- Quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp gắn liền với quy hoạch chi tiết cho 3 loại rừng.
Nêu căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn để điều chỉnh quy hoạch đất lâm nghiệp và quy hoạch chi tiết 3 loại rừng trong kỳ quy hoạch 2011-2020 như: Kết quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (trong đó có đất lâm nghiệp) 5 năm 2011 - 2015 và xét đến năm 2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường của tỉnh; Kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng của tỉnh theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 25/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ; Hiện trạng đất và quy hoạch 3 loại rừng năm 2010 của tỉnh.
Lập biểu Quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2011 - 2020
Ý kiến Tổng cục Lâm nghiệp: Nhất trí hay không nhất trí với quy hoạch đất lâm nghiệp và quy hoạch chi tiết cho 3 loại rừng của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020? Lý do. Những nội dung còn chưa rõ, chưa đầy đủ cần đề nghị địa phương chỉnh sửa, bổ sung kịp thời vào Báo cáo quy hoạch.
Đối với diện tích rừng nằm ngoài 3 loại rừng tập trung, đề nghị địa phương đưa vào quy hoạch 3 loại rừng trong thời gian tới trừ trường hợp diện tích này được quy hoạch chuyển mục đích sử dụng trong kỳ quy hoạch.
Lưu ý: Quy hoạch đất lâm nghiệp trong kỳ quy hoạch thực chất là quy hoạch chi tiết cho 3 loại rừng trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (trong đó có đất lâm nghiệp) của Sở Tài nguyên và Môi trường của tỉnh
- Quy hoạch bảo vệ rừng
Đảm bảo đưa vào bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được trồng mới (tập trung và theo chương trình cải tạo rừng nghèo kiệt), khoanh nuôi tái sinh và làm giàu rừng. Làm rõ trách nhiệm bảo vệ rừng, tổ chức bảo vệ rừng, tổng diện tích rừng cần phải bảo vệ.
Tham khảo ý kiến tham gia của Cục Kiểm lâm về hiện trạng rừng của địa phương năm lập báo cáo, phương án bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Quy hoạch phát triển rừng
+ Trồng mới rừng tập trung: Cần kiểm tra, làm rõ mức độ phù hợp của các chỉ tiêu nhiệm vụ, cụ thể:
* Trồng mới rừng tập trung cho cả 3 loại rừng: Kiểm tra, so sánh diện tích rừng trồng mới với diện tích đất trống được quy hoạch cho 3 loại rừng.
* Trồng lại rừng sản xuất sau khai thác trắng: Tối đa bằng diện tích rừng được khai thác trong kỳ quy hoạch (bằng tổng diện tích rừng trồng có trữ lượng trừ đi diện tích rừng trồng có trữ lượng không được áp dụng phương pháp khai thác trắng).
* Trồng rừng phòng hộ sau khi khai thác chọn theo băng: Đối chiếu với diện tích rừng phòng hộ được khai thác chọn.
+ Trồng cây phân tán: Tổng số cây trồng trong kỳ quy hoạch cần phải có sự chỉ đạo của cấp trên đối với cấp huyện (hạt Kiểm lâm, phòng Nông nghiệp và PTNT) lập kế hoạch, địa điểm trồng cây, xây dựng giải pháp kỹ thuật và tiến độ tồng cây phân tán hàng năm và dự kiến nguồn kinh phí thực hiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Trồng rừng sản xuất theo chương trình cải tạo rừng nghèo kiệt: Căn cứ vào diện tích rừng nghèo kiệt trong báo cáo để kiểm tra diện tích và đối tượng rừng được đưa vào trồng rừng theo chương trình cải tạo rừng nghèo kiệt.
+ Khoanh nuôi tái sinh
Khoanh nuôi tái sinh tự nhiên: Căn cứ diện tích đất có hiện trạng IC và một phần ở trạng thái IB nếu đủ điều kiện để đảm bảo tính hợp lý).
Khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung: Căn cứ diện tích đất có hiện trạng IC để xác định diện tích khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung cây lâm nghiệp. Trong trường hợp với diện tích khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung quá lớn, đề nghị địa phương nên chuyển một phần lớn diện tích sang khoanh nuôi tái sinh tự nhiên để đảm bảo hiệu quả hơn.
+ Chăm sóc rừng
Nêu diện tích rừng mới trồng trong kỳ quy hoạch cần phải chăm sóc theo quy trình, đối chiếu với diện tích mới trồng hàng năm.
+ Xây dựng cơ sở hạ tầng lâm sinh
- Xây dựng vườn ươm, rừng giống (nếu có), tính toán diện tích vườn ươm, năng lực sản xuất câu giống để đảm bảo cung cấp đủ cây giống cho kế hoạch trồng rừng tập trung, khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung và trồng cây tán của địa phương. Nếu năng lực cung cấp cây giống không đủ, đề nghị địa phương làm rõ giải pháp cung ứng đủ cây giống trong thời gian tới.
* Xây dựng trạm bảo vệ rừng
* Xây dựng chòi canh lửa rừng
* Xây dựng đường băng cản lửa (băng xanh hoặc băng trắng)
* Xây dựng bảng, biển chỉ dẫn công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng
- Mở mới đường lâm nghiệp hoặc duy tu, bảo dưỡng sửa chữa hệ thống đường lâm nghiệp.
Ý kiến của Tổng cục Lâm nghiệp:
Thông qua số liệu trong quá trình thẩm định, Tổng cục lâm nghiệp cần khẳng định quan điểm nếu đồng ý, hay không đồng ý với địa phương với lý do tại sao? cho từng nội dung quy hoạch phát triển rừng của tỉnh, thành phố. Các vấn đề chưa rõ hoặc chưa đầy đủ cần đề nghị địa phương bổ sung hoàn chỉnh báo cáo.
Cần tham khảo ý kiến tham gia của Vụ Phát triển rừng về các hoạt động phát triển rừng của địa phương theo báo cáo quy hoạch.
1.3.5. Quy hoạch khai thác
- Khai thác rừng tự nhiên
Căn cứ hiện trạng rừng tự nhiên theo trạng thái để làm rõ khối lượng được khai thác hợp lý theo phương án điều chế quản lý, sử dụng rừng bền vững đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Rừng gỗ: Nêu sản lượng khai thác (m3). So sánh khả năng từ tổng trữ lượng rừng tự nhiên và rừng trồng.
+ Rừng tre nứa, luồng, lồ ô: Sản lượng khai thác (cây, tấn)
+ Khai thác gỗ tận dụng: Sản lượng (m3)
- Khai thác rừng trồng và vườn rừng
+ Khai thác trắng rừng sản xuất: Diện tích đề nghị khai thác và sản lượng gỗ khai thác cần được đối chiếu với diện tích rừng trồng sẵn sàng đưa vào khai thác hàng năm.
+ Khai báo theo băng đối với rừng phòng hộ: Diện tích được khai thác chọn cùng sản lượng khai thác được so sánh, đối chiếu với diện tích rừng phòng hộ có đủ tiêu chuẩn đưa vào khai thác theo quy định.
+ Khai thác gỗ từ vườn rừng hộ gia đình và cây trồng phân tán. Nêu diện tích được khai thác, đối tượng khai thác và sản lượng ước tính khi khai thác.
- Khai thác lâm sản ngoài gỗ
Nêu sản lượng các sản phẩm chủ yếu như nhựa Thông, Song mây, Quế … v.v. Căn cứ vào hiện trạng rừng để so sánh, đối chiếu.
Tham khảo ý kiến tham gia của Vụ Sử dụng rừng về quy hoạch khai thác gỗ của địa phương.
Ý kiến của Tổng cục Lâm nghiệp: Nhất trí, hay không nhất trí với quy hoạch khai thác theo báo cáo của tỉnh? lý do? Các vấn đề gì chưa rõ ràng cần đề nghị địa phương bổ sung, giải thích để hoàn chỉnh báo cáo quy hoạch.
1.3.6. Quy hoạch chế biến gỗ
- Nhu cầu tiêu thụ gỗ trong kỳ quy hoạch được phân theo kỳ kế hoạch 2011-2015 và 2016-2020 theo mục đích sử dụng như gỗ xây dựng, gỗ đồ mộc dân dụng, ván sàn, bột giấy, đồ mộc mỹ nghệ, chất đốt …v.v.
- Cần kiểm tra diện tích rừng trồng được khai thác với sản lượng khai thác có đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ gỗ của công nghiệp chế biến gỗ hay không, trong trường hợp cung thấp hơn cầu đề nghị địa phương xây dựng giải pháp bổ sung đối với nguồn nguyên liệu thiếu hụt.
Ý kiến của Tổng cục Lâm nghiệp: Nhất trí, hay không nhất trí với quy hoạch chế biển gỗ theo báo cáo quy hoạch của tỉnh? lý do? Các vấn đề chưa rõ cần đề nghị địa phương cần phải bổ sung, làm rõ.
Cần tham khảo ý kiến tham gia của Vụ Sử dụng rừng về công nghiệp chế biến gỗ của địa phương.
1.3.7. Nguồn vốn đầu tư
Chú ý đến tổng vốn và cơ cấu vốn: Nếu tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước chiếm trên 50% tổng vốn, nên đề nghị địa phương cân nhắc xem xét giảm tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước xuống dưới 50% và có các giải pháp bổ sung thêm nguồn lực để thực hiện kế hoạch theo kỳ quy hoạch đã xây dựng như vốn vay tín dụng, vốn tự có, vốn liên doanh liên kết, vốn ODA, FDI …v.v.
Trong quá trình xây dựng báo cáo thẩm định, chuyên viên thẩm định liên hệ chặt chẽ với chuyên viên của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để cập nhật, bổ sung ngay các thông tin, số liệu cần thiết để hoàn thành báo cáo thẩm định theo đúng tiến độ.
2. Đánh giá chung
2.1. Nhận xét báo cáo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh so với Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ.
2.2. Những nội dung cần phải chỉnh sửa, bổ sung để hoàn chỉnh báo cáo quy hoạch trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(các nội dung từ 1-5 nếu có vấn đề tồn tại cần phải tóm tắt ở nội dung này)
PHỤ LỤC 2
VĂN BẢN THẨM ĐỊNH CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT GỬI ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
(ban hành kèm theo Quyết định số 393/QĐ-TCLN ngày 19 tháng 8 năm 2011)
Sau khi báo cáo kết quả thẩm định Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng được lãnh đạo Bộ chấp nhận, cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ thẩm định tiến hành chuẩn bị văn bản thẩm định của Bộ (1-2 trang).
Nội dung văn bản thẩm định gồm 5 phần chính, cụ thể như sau:
1. Tên báo cáo: Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2011-2020:
2. Thời gian thực hiện: 10 năm (giai đoạn 2011-2020)
3. Nêu ý kiến của Bộ Nông nghiệp và PTNT về những mục tiêu quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. Nếu có mục tiêu không phù hợp cần đề nghị địa phương cân nhắc xem xét.
4. Nhiệm vụ quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng
4.1. Quy hoạch đất lâm nghiệp theo 3 loại rừng
4.2. Quy hoạch bảo vệ rừng
4.3. Quy hoạch phát triển rừng
4.4. Quy hoạch khai thác gỗ
4.5. Quy hoạch chế biến gỗ
4.6. Nguồn vốn đầu tư
5. Các giải pháp thực hiện
Từ nội dung 3 đến 5 chỉ nêu vắn tắt những nội dung chính mà Bộ Nông nghiệp và PTNT nhất trí.
Các nội dung được Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo hoàn thiện, bổ sung hoàn chỉnh báo cáo Quy hoạch trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua được nêu chi tiết tại văn bản báo cáo thẩm định của Tổng cục Lâm nghiệp gửi kèm theo./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.