BỘ NỘI VỤ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 39/2003/QĐ-BNV | Hà Nội, ngày 02 tháng 7 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ SỐ 39/2003/QĐ-BNV NGÀY 02 THÁNG 7 NĂM 2003 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT BẢN ĐIỀU LỆ CỦA QUỸ HOÀ BÌNH VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ BỘ NỘI VỤ
Căn cứ Sắc lệnh số 102/SL-L004 ngày 20/5/1957 quy định về quyền lập Hội;
Căn cứ Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Xét đề nghị của Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Chủ tịch Quỹ hoà bình và phát triển Việt Nam và của Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi Chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt bản Điều lệ của Quỹ hoà bình và phát triển Việt Nam đã được Hội nghị lần thứ I ngày 29 tháng 4 năm 2003 thông qua.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Chủ tịch Quỹ hoà bình và phát triển Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Đặng Quốc Tiến (Đã ký) |
ĐIỀU LỆ
QUỸ HOÀ BÌNH VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
Chương 1:
TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH
Điều 1. Quỹ hoà bình và phát triển Việt Nam (sau đây gọi tắt là Quỹ).
Tên tiếng Anh là Vietnam Peace and Development Foundation (viết tắt là VPDF) được thành lập nhằm huy động sự tham gia và đóng góp của xã hội cho hoạt động đối ngoại nhân dân vì hoà bình và phát triển, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Điều 2. Quỹ là tổ chức phi lợi nhuận, là tổ chức thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài sản và tài khoản riêng, trụ sở đặt tại Hà Nội.
Chương 2:
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ
Điều 3. Quỹ hoà bình và phát triển Việt Nam có chức năng tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân, tổ chức nghiên cứu, thông tin đối ngoại và các hoạt động khác liên quan tới vấn đề hoà bình và phát triển.
Điều 4. Nhiệm vụ của Quỹ
1. Tham gia nghiên cứu, trao đổi thông tin về các vấn đề hoà bình và phát triển; kiến nghị với các tổ chức có liên quan của Việt Nam về chủ trương và giải pháp hoạt động trên lĩnh vực này;
2. Hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để tổ chức hoặc tham gia các hoạt động vì hoà bình và phát triển;
3. Vận động tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước theo đúng quy định của pháp luật nhằm gây quỹ cho các hoạt động của Quỹ và hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân làm công tác đối ngoại nhân dân vì mục đích hoà bình và phát triển.
Chương 3:
TỔ CHỨC VÀ ĐIỀU HÀNH QUỸ
Điều 5. Cơ cấu tổ chức của Quỹ gồm:
- Hội đồng Quỹ và Chủ tịch Quỹ.
- Ban thường vụ Hội đồng Quỹ.
- Ban Thư ký thường trực.
- Ban kiểm tra.
- Các bộ phận chuyên môn.
Điều 6. Hội đồng Quỹ gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các thành viên Hội đồng Quỹ.
1. Chức năng, nhiệm vụ:
- Quyết định phương hướng và nội dung hoạt động của Quỹ;
- Cử Ban thường vụ Hội đồng Quỹ; quyết định tổ chức, bộ máy của Quỹ.
2. Nguyên tắc hoạt động: tự nguyện, hiệp thương, dân chủ và chế độ làm việc tập thể để quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình.
3. Hội nghị Hội đồng Quỹ được tổ chức mỗi năm một lần để:
- Đánh giá kết quả và quyết định phương hướng hoạt động của Quỹ;
- Thông qua báo cáo tài chính của Quỹ;
- Kiện toàn Ban thường vụ Hội đồng Quỹ khi có yêu cầu của Ban Thường vụ Hội đồng Quỹ hoặc của trên 1/3 thành viên Hội đồng Quỹ.
4. Chủ tịch Quỹ
Chủ tịch Quỹ là người đại diện cao nhất của Hội đồng Quỹ và chịu trách nhiệm mọi hoạt động của Quỹ trước Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và trước pháp luật. Các Phó chủ tịch là người giúp Chủ tịch phụ trách lĩnh vực hoạt động của Quỹ do Chủ tịch phân công. Trong trường hợp cần thiết, Phó chủ tịch thường trực được uỷ quyền thay mặt Chủ tịch Quỹ.
5. Thành viên Hội đồng Quỹ
- Thành viên Hội đồng Quỹ là công dân Việt Nam có kinh nghiệm chuyên sâu về các lĩnh vực chính trị, kinh tế xã hội, và đối ngoại, tán thành tôn chỉ, mục đích của Quỹ, có điều kiện và tự nguyện tham gia hoạt động cho Quỹ và được hai thành viên của Hội đồng Quỹ giới thiệu;
- Thành viên Hội đồng Quỹ có trách nhiệm chấp hành Điều lệ Quỹ, đóng hội phí, tham gia các hoạt động của Quỹ hoặc đóng góp trí tuệ, tài chính cho Quỹ;
- Thành viên Hội đồng Quỹ có quyền tham gia các hoạt động của Quỹ, được thông tin và sử dụng các kết quả hoạt động của Quỹ.
Điều 7. Ban Thường vụ Hội đồng Quỹ
Ban Thường vụ Hội đồng Quỹ là cơ quan lãnh đạo Quỹ giữa hai kỳ Hội nghị Hội đồng Quỹ, Ban Thường vụ họp định kỳ 6 tháng 1 lần, có các quyền hạn và nhiệm vụ như sau:
1. Chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ:
- Quyết định chương trình, kế hoạch, biện pháp để thực hiện phương hướng hoạt động do Hội đồng Quỹ đề ra;
- Quyết định cử Tổng thư ký, thành lập các bộ phận chuyên môn của Quỹ, thành lập hoặc giải quyết các nhóm làm việc phục vụ cho hoạt động của Quỹ;
- Ban hành các quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu của Quỹ, xem xét chuẩn y kế hoạch tài chính của Quỹ, thông qua Báo cáo tài chính và quyết định các biện pháp về quản lý và phát triển tài chính;
- Giám sát kiểm tra hoạt động của Ban Thư ký thường trực;
- Chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Hội đồng Quỹ.
2. Thành phần Ban Thường vụ Hội đồng Quỹ
Ban Thường vụ Hội đồng Quỹ gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch thường trực, các Phó chủ tịch, Tổng Thư ký và các uỷ viên. Số lượng và thành phần Ban thường vụ do Hội nghị Hội đồng Quỹ quyết định.
Chủ tịch và các Phó chủ tịch Quỹ được bổ nhiệm theo quy trình bổ nhiệm Chủ tịch, Phó chủ tịch, các tổ chức thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Điều 8. Ban Thư ký thường trực và Tổng Thư ký
- Chức năng, nhiệm vụ của Ban thư ký Thường trực:
Thay mặt Hội đồng Quỹ và Ban Thường vụ Quỹ chỉ đạo, tổ chức, quản lý các hoạt động, giải quyết các vấn đề của Quỹ giữa hai kỳ họp Ban Thường vụ Hội đồng Quỹ.
Ban Thư ký thường trực gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch thường trực, Tổng thư ký và một số thành viên khác do Ban Thường vụ Hội đồng Quỹ quyết định cử theo đề nghị của Chủ tịch Quỹ.
- Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Thư ký:
Tổng thư ký trực tiếp chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Hội đồng Quỹ điều hành công việc hàng ngày của Quỹ nhằm thực hiện các chương trình và kế hoạch do Ban Thường vụ Hội đồng Quỹ thông qua, quản lý vốn và tài sản của Quỹ, báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động của Quỹ với Ban Thường vụ Hội đồng Quỹ.
Điều 9. Ban kiểm tra
Ban kiểm tra gồm Trưởng ban, Phó trưởng ban và một uỷ viên do Ban Thường vụ giới thiệu và do Chủ tịch Quỹ quyết định.
Ban Kiểm tra hoạt động độc lập, có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ theo đúng Điều lệ và các quy định của pháp luật, báo cáo, kiến nghị với Ban Thường vụ Hội đồng Quỹ về kết quả kiểm tra và tình hình tài chính của Quỹ.
Điều 10. Các bộ phận chuyên môn
Các bộ phận chuyên môn của Quỹ được thành lập theo quyết định của Chủ tịch Quỹ để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được giao và hoạt động theo quy chế do Ban Thường vụ Hội đồng Quỹ quy định.
Khi cần thiết Quỹ có thể đặt chi nhánh, văn phòng đại diện ở nơi khác với nơi đặt trụ sở của Quỹ và phải có sự chấp thuận của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện. Ban Thường vụ quyết định việc thành lập và quy định quyền hạn, trách nhiệm của chi nhánh, văn phòng đại diện theo đề nghị của Tổng Thư ký và báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập Quỹ
Chương 4:
TÀI CHÍNH CỦA QUỸ
Điều 11. Nguồn thu của Quỹ gồm:
- Hội phí;
- Đóng góp tự nguyện của các thành viên, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật;
- Tài trợ của các tổ chức, cá nhân cho các đề tài nghiên cứu, dự án hoặc các hoạt động khác của Quỹ;
- Thu lãi từ tài khoản tiền gửi và các khoản thu khác phù hợp với pháp luật.
Điều 12. Tài chính của Quỹ được sử dụng để:
- Chi cho các hoạt động thực hiện các nhiệm vụ theo điều lệ Quỹ.
- Hỗ trợ cho các hoạt động đối ngoại nhân dân.
- Chi cho hoạt động quản lý Quỹ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 13. Quản lý tài chính của Quỹ
Tài chính của Quỹ được quản lý theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê và quản lý sử dụng Quỹ.
Tổng Thư ký Quỹ chịu trách nhiệm quản lý tài chính của Quỹ, báo cáo về tài chính của Quỹ với Ban Thư ký thường trực, Ban Thường vụ Hội đồng Quỹ, cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập Quỹ và các cơ quan nhà nước có liên quan.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Điều lệ của Quỹ hòa bình và phát triển Việt Nam do Hội nghị Hội đồng Quỹ thông qua. Chỉ có Hội nghị Hội đồng Quỹ có quyền sửa đổi, bổ sung điều lệ Quỹ.
Điều lệ Quỹ có hiệu lực kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê quyệt
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.