BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 382/QĐ-THDN | Hà Nội, ngày 27 tháng 2 năm 1993 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 382/QĐ-THDN NGÀY 27 THÁNG 2 NĂM 1993 VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY CHẾ TRƯỜNG DẠY NGHỀ NHÀ NƯỚC"
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 418/HĐBT ngày 07 tháng 12 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 196-HĐBT ngày 11 tháng 12 năm 1989 của Hội đồng Bộ trưởng quy định nhiệm vụ và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề và ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế Trường nghề Nhà nước".
Điều 2: Quyết định này thay thế cho Quyết định số 328/DN-ĐT ngày 19 tháng 11 năm 1984 của Tổng cục Trưởng Tổng cục Dạy nghề về việc ban hành qui chế trường dạy nghề Nhà nước và có hiệu lực từ ngày ký.
Điều 3: Các ông Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, các Bộ, Ngành Trung ương và địa phương có trường và các trường Nghề Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Trần Hồng Quân (Đã ký) |
QUY CHẾ
TRƯỜNG NGHỀ NHÀ NƯỚC
(Ban hành theo Quyết định số 382/QĐ-THDN của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương 1
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 1: Trường Nghề Nhà nước là một loại hình trường thực hiện chức năng giáo dục và đào tạo nghề nghiệp là đơn vị cơ sở của hệ thống giáo dục Quốc dân thống nhất, hoạt động theo Pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 2: Trường nghề Nhà nước đặt dưới sự quản lý trực tiếp của các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, hoặc thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức kinh tế Nhà nước (Tổng Công ty, Công ty, Liên hiệp các xí nghiệp, xí nghiệp ...) chịu sự chỉ đạo và quản lý Nhà nước thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 3: Trường Nghề Nhà nước có các nhiệm vụ sau:
- Giáo dục và đào tạo nghề theo mục tiêu, chương trình chuẩn của Nhà nước, đồng thời tuỳ theo yêu cầu và điều kiện cụ thể đào tạo nghề theo mục tiêu, chương trình có giới hạn (khác chuẩn).
- Bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề.
- Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ kết hợp thực tập với sản xuất và dịch vụ.
- Tham gia giáo dục nghề nghiệp cho học sinh các trường phổ thông.
Chương 2
NGUYÊN TẮC THÀNH LẬP VÀ GIẢI THỂ
Điều 4: Trường Nghề Nhà nước được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao dân trí ở các địa phương, vùng lãnh thổ, khu dân cư. Trường nghề Nhà nước phải nằm trong quy hoạch chung về mạng lưới trường học của cả nước.
Điều 5: Trường Nghề Nhà nước phải đảm bảo đủ các định mức, tiêu chuẩn về xây dựng cơ bản, trang thiết bị, phương tiện dạy học, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Điều 6: Trường Nghề Nhà nước phải có quy mô từ 300 chỗ học trở lên. Thời gian giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng tuỳ theo ngành nghề, mục tiêu và trình độ của học sinh khi vào trường do kế hoạch giáo dục và đào tạo quy định.
Điều 7: Trường Nghề Nhà nước có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và tài khoản riêng.
Điều 8: Việc thành lập, giải thể hoặc sắp xếp lại trường Nghề Nhà nước do Bộ trưởng các Bộ hoặc cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Uỷ ban tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương quyết định sau khi có văn bản thoả thuận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chương 3
TỔ CHỨC QUÁ TRÌNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
Điều 9: Quá trình giáo dục và đào tạo phải quán triệt nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động, sản xuất, nhà trường gắn liền với gia đình và xã hội.
Điều 10: Quá trình giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng phải tiến hành theo đúng mục tiêu, kế hoạch đào tạo, chương trình nội dung, hình thức tổ chức do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ và cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệu trưởng trường Nghề Nhà nước ban hành theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 11: Tổ chức giáo dục và đào tạo theo mục tiêu chương trình chuẩn:
1. Nội dung đào tạo bao gồm:
- Các môn học lý thuyết (văn hoá, xã hội, kỹ thuật cơ sở, lý thuyết nghề).
- Dạy thực hành gồm hai phần thực hành cơ bản và thực hành sản xuất.
2. Năm học chia thành 2 học kỳ, khai giảng vào tháng 9 hàng năm; nghỉ hè, lễ, tết theo quy định chung của Nhà nước.
3. Học sinh được bố trí thành lớp
4. Thời gian học lý thuyết tính bằng tiết (45 phút) học thực hành tính bằng giờ (60 phút). Mỗi ngày học lý thuyết không quá 6 tiết, học thực hành không quá số giờ quy định cho lao động cùng nghề theo chế độ lao động Nhà nước quy định.
5. Đánh giá kết quả rèn luyện đạo đức theo xếp loại: Tốt, Khá, Trung bình, Kém, Đánh giá kết quả học tập theo thang điểm 10.
6. Khoá học kéo dài thì cuối năm học, trường xét duyệt học sinh lên lớp. Sau khi hoàn thành chương trình cả khoá học đạt yêu cầu từ trung bình trở lên về đạo đức và học tập thì học sinh được thi tốt nghiệp.
Việc đánh giá kết quả rèn luyện đạo đức, học tập, xét lên lớp lưu ban và tốt nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
7. Tốt nghiệp học sinh được nhận bằng tốt nghiệp do Hiệu trưởng cấp.
Điều 12: Tổ chức đào tạo theo mục tiêu chương trình có giới hạn (Khác chuẩn):
Kế hoạch đào tạo, chương trình, nội dung, hình thức đào tạo do Hiệu trưởng ban hành sử dụng riêng cho trường mình, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được cấp quản lý trực tiếp xác nhận.
Kết thúc khoá học nếu đạt yêu cầu học sinh được Hiệu trưởng cấp chứng chỉ.
Điều 13: Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề:
Kế hoạch, chương trình, nội dung, hình thức tổ chức do Hiệu trưởng ban hành sử dụng riêng cho trường mình theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thoả thuận với người học, với cơ sở cử người đi bồi dưỡng
Kết thúc khoá học bồi dưỡng, học sinh được Hiệu trưởng cấp chứng chỉ.
Chương 4
GIÁO VIÊN, CÁN BỘ, NHÂN VIÊN
Điều 14: Giáo viên trường dạy Nghề Nhà nước là lực lượng trực tiếp đảm nhận việc giáo dục và giảng dạy, giữ vai trò chủ đạo trong mọi hoạt động giáo dục và giảng dạy.
- Giáo viên trường Nghề Nhà nước gồm giáo viên dạy nghề, dạy văn hoá, quân sự, thể dục thể thao v.v....
Giáo viên trường Nghề Nhà nước phải được đào tạo từ các trường sư phạm hoặc là cán bộ chuyên môn, các nghệ nhân có đủ trình độ quy định và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm phù hợp với chức trách và nhiệm vụ được giao.
Giáo viên trường Nghề Nhà nước phải được tuyển dụng theo đúng chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Điều 15: Giáo viên trường Nghề Nhà nước có các nhiệm vụ sau:
- Hoàn thành tốt mọi yêu cầu, nội dung của các hoạt động giáo dục, giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực nghiệm khoa học và các hoạt động xã hội khác theo đúng chương trình, kế hoạch và các hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý trường.
- Chịu sự kiểm tra giám sát của Hiệu trưởng; chấp hành đúng chế độ, chính sách, luật pháp của Nhà nước, những quy định của cơ quan quản lý cấp trên, các quyết định của Hiệu trưởng, các nội qui và thể lệ quyết định các trường; tham gia các hoạt động chung trong nhà trường cũng như ở địa phương nơi trường đóng.
- Thường xuyên học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ tư tưởng chuyên môn nghiệp vụ; rèn luyện đạo đức, xây dựng tập thể, thân ái tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau.
- Thương yêu, tôn trọng, đối xử công bằng với học sinh, đánh giá khách quan kết quả rèn luyện đào đức và học tập của học sinh.
Điều 16: Giáo viên trường Nghề Nhà nước có quyền:
- Được tôn trọng và đảm bảo số giờ dạy, giáo viên, thực nghiệm khoa học, hướng dẫn thực hành theo đúng chương trình và thời khoá biểu.
- Được sử dụng các tài liệu, phương tiện và đồ dùng dạy học, cơ sở vật chất kỹ thuật của trường để phục vụ mục đích giáo dục và giảng dạy.
- Được hưởng mọi quyền lợi về vật chất và tinh thần như các quyền lợi về lương, khen thưởng, nghỉ ngơi, bồi dưỡng nghiệp vụ theo quy định chung của Nhà nước và của ngành giáo dục và đào tạo.
- Được tham gia thảo luận, góp ý về các kế hoạch công tác, chủ trương, phương pháp giáo dục giảng dạy, tổ chức quản lý nhà trường và các vấn đề liên quan đến quyền lợi giáo viên; có quyền ứng cử và bầu cử các chức vụ trong trường.
Trường hợp không đồng ý với những quyết định của Hiệu trưởng, giáo viên có quyền kháng nghị lên cấp trên (trong khi chờ đợi giải quyết, giáo viên vẫn phải chấp hành quyết định của Hiệu trưởng).
Điều 17: Tất cả cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý, phục vụ trong trường Nghề Nhà nước có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh các chức trách của mình đã được Hiệu trưởng quy định, góp phần vào việc giáo dục và đào tạo học sinh; được hưởng các chế độ chính sách chung của Nhà nước quy định đối với cán bộ, công nhân viên chức.
Điều 18: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình, tất cả giáo viên, cán bộ, nhân viên có thành tích sẽ được khen thưởng, vi phạm khuyết điểm sẽ bị thi hành kỷ luật theo quy định của Nhà nước.
Chương 5
HỌC SINH
Điều 19: Trường Nghề Nhà nước tuyển học sinh là người Việt Nam có đủ các điều kiện quy định về tuổi, trình độ văn hoá, sức khoẻ và giới tính phù hợp với ngành nghề học.
Học sinh là người nước ngoài theo quy định riêng.
Điều 20: Nhiệm vụ của học sinh:
- Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định trong học tập, thực tập; hoàn thành nhiệm vụ học tập lý thuyết, thực tập tay nghề nắm vững kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp.
- Tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh nội quy nhà trường, luật pháp Nhà nước; Bảo vệ tài sản nhà trường và xã hội.
- Rèn luyện thân thể, luyện tập quân sự theo đúng chương trình quy định.
- Tham gia xây dựng trường sở, lao động công ích, sống văn hoá và lành mạnh. Tự quản trong học tập và sinh hoạt.
- Đóng học phí nếu thuộc diện phải đóng.
Điều 21: Quyền hạn và quyền lợi của học sinh.
- Được xét khen thưởng, xét cấp học bổng, miễn giảm học phí theo quy định; được hưởng một phần kết quả sản phẩm làm ra; được hưởng chế độ quy định về quyền lợi lao động nghề nghiệp của Nhà nước.
- Được sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho mục đích học tập, rèn luyện, vui chơi giải trí.
- Được tham gia thảo luận góp ý kiến để hoàn thiện nội dung, phương pháp giáo dục, giảng dạy và tổ chức quản lý Nhà trường.
- Được phát biểu ý kiến về khen thưởng kỷ luật, về tổ chức đời sống học sinh, về quyền lợi học sinh. Được khiếu nại lên Hiệu trưởng và cấp trên về mức độ thi hành kỷ luật nếu xét thấy không thoả đáng.
Điều 22: Trong quá trình học tập, học sinh có thành tích sẽ được khen thưởng, vi phạm khuyết điểm sẽ bị thi hành kỷ luật theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 23: Học sinh được nhận bằng tốt nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp hoặc nhận chứng chỉ ngay sau khi lớp học kết thúc.
Điều 24: Học sinh trượt tốt nghiệp được nhà trường tổ chức cho thi lại theo quy định.
Chương 6
TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ TRƯỜNG
Điều 24: Trong trường Nghề Nhà nước có Hội đồng nhà trường, Hội đồng nhà trường là một tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát và đôn đốc các hoạt động của Hiệu trưởng nhằm bảo đảm sự phát triển ổn định và liên tục của nhà trường.
Để tư vấn cho Hiệu trưởng trong từng lĩnh vực hoạt động, trường nghề Nhà nước có các Hội đồng khác (Hội đồng tư pháp, Hội đồng thi đua, khen thưởng kỷ luật v.v....)
Tính chất và cơ chế hoạt động của từng Hội đồng được qui định trong các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 25: Hiệu trưởng là một người chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ hoạt động của nhà trường trước pháp luật của nhà nước và cơ quan quản lý cấp trên.
Hiệu trưởng phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên, có tín nhiệm về phẩm chất đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ, có thâm niên giảng dạy ít nhất là 8 năm, được cấp trên quản lý bổ nhiệm trực tiếp hoặc bổ nhiệm sau khi trúng cử trong cuộc bầu cử ở trường với nhiệm kỳ là 4 năm. Mỗi người không được đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng quá 2 nhiệm kỳ liên tục.
Điều 26: Hiệu trưởng có nhiệm vụ điều hành toàn bộ hoạt động của nhà trường theo đúng Luật pháp Nhà nước, các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của cấp trên quản lý nhà trường.
Nhiệm vụ chủ yếu của Hiệu trưởng:
1. Theo quy định và hướng dẫn của cấp trên tiến hành tổ chức xây dựng và thực hiện tốt các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển sinh, thực tập sản xuất hoặc dịch vụ; củng cố và tăng cường cơ sở vật chất nhà trường; bồi dưỡng cán bộ giáo viên; thường xuyên giám sát và kiểm tra các đơn vị thực hiện các kế hoạch trên.
2. Thực hiện các chính sách, chế độ quy định của Nhà nước về nghĩa vụ và quyền lợi cho mọi người trong trường; thường xuyên chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảng dạy và học tập, đời sống cho giáo viên, cán bộ, nhân viên và học sinh.
3. Thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về quản lý tài chính, ngân sách và các hoạt động kinh tế khác trong trường.
4. Sử dụng có hiệu quả và an toàn toàn bộ trang thiết bị và tài sản của nhà trường.
5. Duy trì chế độ làm việc theo quy định với Hội đồng nhà trường và các Hội đồng khác.
6. Thực hiện đầy đủ và kịp thời chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất với các cơ quan quản lý cấp trên.
7. Giải quyết các đơn thư khiếu tố thuộc thẩm quyền của mình; chấp hành các quy định về thanh tra và kiểm tra của Nhà nước và cấp trên quản lý.
8. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội và đoàn thể trong trường để thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, đồng thời phát huy tính tích cực và sáng tạo của mỗi thành viên trong trường trên các mặt công tác và tổ chức đời sống.
Điều 27: Quyền hạn của Hiệu trưởng.
1. Quyết định các chủ chương; biện pháp và tổ chức các hoạt động của nhà trường; quyết định khen thưởng và kỷ luật, tuyển dụng và thải hồi cán bộ, nhân viên và giáo viên theo đúng quy định và phân cấp quản lý của Nhà nước.
2. Thành lập, triệu tập và chủ trì các Hội đồng tư vấn.
3. Đề cử để cấp trên quản lý bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng; trực tiếp bổ nhiệm các trưởng, phó phòng; bổ nhiệm các trưởng ban giáo viên sau khi đã trúng cử trong cuộc bầu cử của Ban theo nhiệm kỳ.
4. Quyết định thành lập các tổ thanh tra để giải quyết các đơn thư khiếu tố.
5. Cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ cho học sinh; xét cấp hoặc miễn giảm học bổng, học phí cho học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo phân cấp của cấp trên quản lý, ký quyết định về lương, khen thưởng và kỷ luật với mọi thành viên trong trường.
6. Làm chủ tài khoản của nhà trường.
7. Quan hệ với các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường để giải quyết các công việc có liên quan tới trường.
Điều 28: Phó Hiệu trưởng là người giúp việc Hiệu trưởng điều hành một số công tác do Hiệu trưởng phân công. Phó Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp trước Hiệu trưởng về việc được phân công. Mỗi trường Nghề Nhà nước nhiều nhất có 2 Phó Hiệu trưởng do Hiệu trưởng đề nghị sau khi tham khảo ý kiến Hội đồng nhà trường và cấp trên quản lý bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên và có thâm niên giảng dạy hoặc công tác trong trường ít nhất là 5 năm.
Điều 29: Tổ chức giúp việc của Hiệu trưởng, mỗi trường Nghề có các phòng sau:
1. Phòng đào tạo tổ chức và quản lý các mặt công tác:
- Xây dựng, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, hướng nghiệp. Tổng hợp báo cáo, tổng kết việc thực hiện các kế hoạch trên.
- Phụ trách công tác tuyển sinh, quản lý học sinh, tốt nghiệp.
- Thực hiện các chế độ giảng dạy, học tập, khen thưởng và kỷ luật học sinh.
- Chủ trì tổ chức các hoạt động giáo dục sinh hoạt tư tưởng, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao.
- Thư ký Hội đồng sư phạm.
2. Phòng Hành chính Quản trị và tổ chức, tổ chức và quản lý các mặt công tác sau:
- Chăm lo điều kiện làm việc của Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, các Hội đồng, giáo viên và cán bộ nhân viên trong trường.
- Công tác văn thư, lưu trữ.
- Công tác bảo vệ, trật tự an toàn nhà trường.
- Tổ chức việc ăn, ở cho học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên trong khu tập thể.
- Công tác vệ sinh và bảo vệ sức khoẻ.
- Thực hiện các chế độ, chính sách, quản lý nhân sự và tổ chức.
3. Phòng sản xuất dịch vụ, tổ chức và quản lý các mặt công tác sau:
- Xây dựng và quản lý việc thực hiện kế hoạch thực tập kết hợp với sản xuất dịch vụ trong toàn trường.
- Cung ứng vật chất kỹ thuật phục vụ giảng dạy, học tập, sản xuất và dịch vụ.
- Sửa chữa, bảo quản cơ sở vật chất nhà trường.
- Lập kế hoạch để Hiệu trưởng huy động lực lượng toàn trường tham gia xây dựng trường sở và các lao động công ích khác.
- Chuẩn bị điều kiện để Hiệu trưởng ký kết các hợp đồng; theo dõi, đôn đốc các đơn vị trong trường được phân công thực hiện hợp đồng.
4. Phòng (hoặc tổ) kế toán - tài vụ, quản lý các mặt sau:
- Lập kế hoạch tài chính.
- Quản lý ngân sách, thu chi tài chính.
- Thống kê, quyết toán ngân sách theo chế độ quy định.
Trong trường hợp qui mô và khối lượng thực tập sản xuất dịch vụ của trường không lớn thì không tổ chức hoặc duy trì phòng sản xuất dịch vụ mà tiến hành phân chia những nội dung công tác của phòng này cho phòng đào tạo và phòng hành chính quản trị và tổ chức đảm nhiệm.
Điều 30: Các Ban giáo viên.
Giáo viên được tổ chức thành các Ban. Ban nghề gồm các giáo viên dạy lý thuyết nghề và thực hành nghề. Ban Văn hoá gồm các giáo viên dạy các môn khoa học cơ bản. Ban kỹ thuật cơ sở gồm các giáo viên dạy các môn kỹ thuật cơ sở v.v... mỗi Ban giáo viên có ít nhất 7 người; nếu số lượng không đủ thì ghép các Ban với nhau.
Ban Giáo viên có nhiệm vụ:
- Quản lý và thực hiện đầy đủ các kế hoạch giáo dục, giảng dạy và thực tập sản xuất.
- Sử dụng, bảo quản, tu sửa các trang thiết bị đồ dùng và phương tiện giảng dạy; xây dựng các phòng học chuyên môn.
Đối với Ban Nghề ngoài nhiệm vụ kể trên còn có nhiệm vụ quản lý học tập, rèn luyện đạo đức của học sinh thuộc Ban mình phụ trách.
Đứng đầu các Ban Giáo viên là Trưởng Ban do các giáo viên trong ban bầu ra và được Hiệu trưởng bổ nhiệm với nhiệm kỳ là 2 năm.
Điều 31: Mỗi lớp học có một giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm là giáo viên có kinh nghiệm tổ chức và quản lý công tác giáo dục, học tập, sinh hoạt của học sinh do Trưởng Ban giáo viên đề cử và Hiệu trưởng quyết định.
Chương 7
TÀI SẢN VÀ NGÂN SÁCH
Điều 32: Toàn bộ cơ sở vật chất của trường nghề là tài sản của Nhà nước. Tất cả giáo viên, cán bộ, nhân viên và học sinh có nhiệm vụ tôn trọng, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả đúng chế độ quy định của Nhà nước. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ tài sản của nhà trường đều phải xử lý theo pháp luật Nhà nước.
Điều 33: Kinh phí hoạt động của trường nghề Nhà nước từ các nguồn thu sau:
- Kinh phí sự nghiệp do Nhà nước cấp (ngân sách Trung ương và địa phương).
- Kinh phí do cơ quan, xí nghiệp... đóng góp thông qua hợp đồng đào tạo, bồi dưỡng.
- Kinh phí tự có do thực tập kết hợp với lao động sản xuất dịch vụ, nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại.
- Kinh phí do các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước tài trợ (nếu có).
- Học phí do học sinh đóng góp theo quy định chung.
Điều 34: Việc lập kế hoạch, thu chi và kế toán ngân sách hàng năm của trường phải chấp hành đúng những quy định chung của Nhà nước.
Chương 8
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 35: Qui chế này áp dụng thống nhất cho tất cả các trường nghề Nhà nước. Ông Vụ trưởng Vụ Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề có trách nhiệm hướng dẫn thi hành qui chế này.
Những quy định trước đây trái với qui chế này đều bãi bỏ.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.