ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38/2010/QĐ-UBND | Nha Trang, ngày 24 tháng 11 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP, ỦY QUYỀN VÀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG LIÊN QUAN VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ Về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 209/200/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/0204 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý, phát triển nhà và công sở;
Căn cứ Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/06/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 2747/TTr-SXD ngày 29/10/2010 về việc ban hành Quy định phân cấp, ủy quyền và những hoạt động liên quan về quản lý chất lượng trung tâm xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định phân cấp, ủy quyền và những hoạt động liên quan về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và bãi bỏ: Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16 của Quy định một số nội dung về quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ban hành kèm theo Quyết định số 84/2007/QĐ-UBND ngày 31/12/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 38/2010/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định một số nội dung về: phân cấp quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, về điều kiện năng lực trong hoạt động xây dựng, giám định tư pháp xây dựng liên quan đến chất lượng công trình xây dựng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng có liên quan đến chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Nội dung quản lý chất lượng công trình theo Quy định này được hiểu bao gồm: quản lý chất lượng trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng; bảo hành và bảo trì; quản lý và sử dụng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành bao gồm: Sở Xây dựng; Sở Giao thông vận tải; Sở Công thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các văn bản quy phạm pháp luật viện dẫn trong Quy định này sau đây được viết tắt như sau:
Nghị định 12/2009/NĐ-CP là Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Nghị định 83/CP là Nghị định 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Nghị định 209/CP là Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Nghị định 49/CP là Nghị định 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Nghị định 23/CP là Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở;
Nghị định 180/CP là Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị;
Nghị định 37/CP là Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
Nghị định 71/CP là Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở;
Nghị định 112/CP là Nghị định 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Thông tư 16/BXD là Thông tư 16/2008/TT-BXD ngày 11/9/2008 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng;
Thông tư 12/BXD là Thông tư số 12/2009/TT-BXD ngày 24/6/2009 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn chi tiết về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng;
Thông tư 22/BXD là Thông tư số 22/2009/TT-BXD ngày 06/7/2009 của Bộ Xây dựng Quy định chi tiết về điều kiện năng lực trong hoạt động xây dựng;
Thông tư 24/BXD là Thông tư số 24/2009/TT-BXD ngày 22/7/2009 của Bộ Xây dựng Quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở;
Thông tư 27/BXD là Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình;
Thông tư 35/BXD là Thông tư 35/2009/TT-BXD ngày 05/10/2009 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn giám định tư pháp xây dựng;
Thông tư 39/BXD là Thông tư số 39/2009/TT-BXD ngày 09/12/2009 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn về quản lý chất lượng nhà ở riêng lẻ;
Thông tư 05/BXD là Thông tư số 05/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn về đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng và cấp chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng;
Chương 2.
PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Điều 4. Phân cấp quản lý chất lượng công trình xây dựng
1. Trách nhiệm của Sở Xây dựng:
a) Đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
b) Hướng dẫn, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành và yêu cầu của UBND tỉnh.
c) Hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của các Sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã. Kiểm tra sự tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng của các tổ chức, cá nhân khi cần thiết; xử lý các vi phạm về chất lượng theo quy định của pháp luật.
d) Hướng dẫn, tổ chức hoặc chỉ định tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện việc giám định chất lượng, giám định sự cố công trình xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
đ) Tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng tình hình chất lượng và quản lý chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 16 Quy định này.
e) Một số chức năng, nhiệm vụ cụ thể khác được quy định tại khoản 3 Điều 8, khoản 5 Điều 10, khoản 1 Điều 12, khoản 2 Điều 14 và Điều 17 Quy định này.
2. Trách nhiệm của các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành:
a) Hướng dẫn, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng do Bộ chủ quản ban hành và yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đối với những chủ đầu tư, Ban quản lý dự án công trình xây dựng thuộc chuyên ngành mình quản lý; tham gia xử lý các vi phạm về chất lượng theo quy định của pháp luật.
c) Tham gia quản lý chất lượng các công trình xây dựng thuộc chuyên ngành mình quản lý.
d) Báo cáo về công tác quản lý chất lượng và chất lượng công trình xây dựng do mình làm chủ đầu tư về Sở Xây dựng theo quy định tại Điều 16 Quy định này.
3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng thuộc địa giới hành chính do mình quản lý.
b) Tham gia hoặc phối hợp với Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình xây dựng trên địa bàn khi có yêu cầu.
c) Tổng hợp, báo cáo tình hình chất lượng và quản lý chất lượng các công trình xây dựng theo quy định tại Điều 16 Quy định này.
d) Phòng Quản lý đô thị; phòng Kinh tế và Hạ tầng hoặc Phòng Công thương là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý chất lượng công trình xây dựng thuộc địa giới hành chính do huyện quản lý.
Điều 5. Trách nhiệm của chủ đầu tư và các bên liên quan
1. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức quản lý toàn diện chất lượng công trình xây dựng kể từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến khi bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tuân thủ các quy định của Luật Xây dựng; Chương III, IV và V Nghị định 209/CP và quy định tại Điều 4, 5, 6 Thông tư 27/BXD.
2. Chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, tư vấn giám sát và các bên liên quan thực hiện quản lý tiến độ xây dựng, quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình, quản lý an toàn lao động trên công trường xây dựng, quản lý môi trường xây dựng và phá dỡ công trình theo quy định từ Điều 28 đến Điều 32 Nghị định 12/CP và hướng dẫn tại Thông tư 27/BXD.
3. Đơn vị được giao làm chủ đầu tư có trách nhiệm mời đơn vị quản lý, sử dụng công trình tham gia trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình và đơn vị quản lý, sử dụng có trách nhiệm cử người tham gia với đơn vị được giao làm chủ đầu tư trong việc tổ chức lập dự án, thiết kế, theo dõi, quản lý, nghiệm thu và tiếp nhận đưa công trình vào khai thác, sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 03/BXD.
4. Chủ đầu tư phải thực hiện báo cáo về công tác quản lý chất lượng và chất lượng công trình xây dựng theo quy định tại Điều 16 Quy định này.
Điều 6. Chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng
1. Chủ đầu tư các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn có trách nhiệm thực hiện việc chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng theo quy định tại Thông tư 16/BXD và Quy định này.
2. Chủ đầu tư phải thực hiện chứng nhận sự phù hợp về chất lượng trước khi đưa vào sử dụng đối với những công trình quy định tại điểm 3 Mục I Thông tư 16/BXD.
3. Khuyến khích thực hiện việc chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình còn lại.
4. Đối với nhà ở riêng lẻ thực hiện quy định tại Điều 9 Quy định này.
Điều 7. Quy định về hồ sơ quản lý chất lượng
1. Chủ đầu tư Công trình xây dựng chỉ được khởi công khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 72 Luật Xây dựng; Nhà thầu khi hoạt động thi công xây dựng công trình phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 73 Luật Xây dựng và những quy định khác liên quan.
2. Chủ đầu tư có trách nhiệm thông báo ngày khởi công xây dựng bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xây dựng công trình trong thời hạn 07 ngày làm việc trước khi khởi công xây dựng công trình; gửi 01 bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật được duyệt cùng quyết định phê duyệt bản vẽ thiết kế thi công đến cơ quan quản lý xây dựng chuyên ngành theo phân cấp quản lý chất lượng quy định tại Điều 4 của Quy định này để theo dõi.
3. Thiết kế bản vẽ thi công phải được chủ đầu tư hoặc đại diện được ủy quyền của chủ đầu tư xác nhận bằng chữ ký và đóng dấu đã phê duyệt vào từng tờ bản vẽ trước khi đưa ra thi công theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 Thông tư 27/BXD.
4. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công bộ phận công trình, hạng mục công trình và công trình xây dựng do mình thi công trên cơ sở thiết kế bản vẽ thi công được duyệt để làm căn cứ nghiệm thu. Riêng các bộ phận trước khi tiến hành các công việc tiếp theo; cách lập và xác nhận bản vẽ hoàn công theo hướng dẫn tại Phụ lục 6 Thông tư 27/BXD.
5. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức lập hồ sơ hoàn thành công trình theo quy định tại Điều 18 và hướng dẫn tại Phụ lục 7 Thông tư 27/BXD.
6. Thủ tục thanh toán, quyết toán công trình thực hiện theo quy định của Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước.
Chương 3.
QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG XÂY DỰNG NHÀ Ở RIÊNG LẺ
Điều 8. Quy định về quản lý chất lượng nhà ở riêng lẻ
1. Việc quản lý chất lượng nhà ở riêng lẻ thực hiện theo quy định tại Điều 41, 42 và 43 Nghị định 71/CP, hướng dẫn tại Thông tư 39/BXD và những quy định khác có liên quan.
2. Khái niệm “Nhà ở riêng lẻ”, “Công trình liền kề”, “Công trình lân cận” được định nghĩa tại Điều 3 Thông tư 39/BXD.
3. Sở Xây dựng thực hiện và hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện xác định phạm vi quản lý cấp phép xây dựng nhà ở trên địa bàn huyện; ban hành các quy định về quản lý kiến trúc để quản lý việc xây dựng nhà ở theo thiết kế đô thị được duyệt theo quy định tại Điều 20 Thông tư 39/BXD.
Điều 9. Chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực nhà ở riêng lẻ
1. Chủ đầu tư nhà ở riêng lẻ tại đô thị có tổng diện tích sàn xây dựng từ 1.000m2 trở lên hoặc có chiều cao từ sáu tầng trở lên (tính cả tầng hầm) bắt buộc phải thực hiện chứng nhận đảm bảo an toàn chịu lực theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Nghị định 71/CP.
2. Trình tự, thủ tục chứng nhận đảm bảo an toàn chịu lực thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 16/BXD.
Điều 10. Quy định về thiết kế và quản lý thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ
1. Chủ đầu tư dự án nhà ở riêng lẻ có diện tích sàn từ 250m2 trở lên hoặc cao từ 3 tầng trở lên (tính cả tầng hầm) phải thuê nhà thầu thiết kế và nhà thầu thi công có đủ năng lực theo quy định tại Thông tư 22/BXD.
2. Nhà ở thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều 9 Quy định này mà không có chức năng cấp hoặc nhà ở thuộc diện phải xin phép xây dựng mà không có Giấy phép xây dựng thì không được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở đó.
3. Chủ đầu tư nhà ở riêng lẻ thực hiện kiểm tra ranh giới đất, chất lượng đất nền nơi dự kiến xây dựng, kiểm tra hiện trạng các công trình liền kề và các công trình lân cận khi xây dựng nhà ở tại đô hị, điểm dân cư tập trung và điểm dân cư nông thôn theo hướng dẫn tại Điều 6, 7, 8 và 9 Thông tư 39/BXD.
5. Phòng Quản lý đô thị; phòng Kinh tế và Hạ tầng; phòng Công thương là cơ quan chuyên môn giúp UBND cấp huyện hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện quản lý chất lượng công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ thuộc địa giới hành chính do huyện quản lý.
Chương 4.
ĐIỀU KIỆN NĂNG LỰC TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG
Điều 11. Điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng
1. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực quy định tại Nghị định 37/CP; Nghị định 12/CP; Nghị định 209/CP và Thông tư 22/BXD;
2. Tổ chức tham gia hoạt động xây dựng theo hướng dẫn tại các Điều 5, 6, 7, 8 Thông tư 22/BXD tự xếp hạng năng lực của tổ chức mình để các chủ đầu tư làm cơ sở lựa chọn khi ký hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
3. Các cá nhân tham gia hoạt động xây dựng phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với công việc đảm nhận do các cơ sở đào tạo hợp pháp của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp và các quy định tại Điều 3 Thông tư 22/BXD.
4. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực để thực hiện các công việc không đảm bảo chất lượng hoặc xảy ra sự cố gây thiệt hại về người và tài sản.
5. Tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng phải đăng tải thông tin về hoạt động xây dựng trên Trang thông tin về doanh nghiệp của Bộ Xây dựng theo địa chỉ: http://doanhnghiep.xaydung.gov.vn the quy định tại khoản 5 Điều 11 Thông tư 22/BXD.
Điều 12. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
1. Chứng chỉ hành nghề cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa do Giám đốc Sở Xây dựng cấp theo hướng dẫn tại Thông tư số 12/BXD. Thủ tục, trình tự xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư 12/BXD và Quy định này.
2. Người được cấp chứng chỉ hành nghề phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 6 Thông tư 12/BXD. Hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 12/BXD và khoản 3 Điều này.
3. Nội dung được phép hành nghề hoạt động xây dựng được ghi trên chứng chỉ hành nghề xác định ngành, lĩnh vực và loại công trình cá nhân được phép hành nghề. Chủ đầu tư có trách nhiệm xác định năng lực kinh nghiệm thực tế của cá nhân tham gia thực hiện các hợp đồng tư vấn phù hợp với cấp công trình theo quy định tại Chương IV Nghị định 12/CP, Chương II Nghị định 37/CP và Chương II Thông tư 22/BXD.
4. Một số quy định cụ thể:
a) Công an bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng (đối với trường hợp cấp chứng chỉ hành nghề giám sát) được cấp không quá 05 năm (kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ).
b) Trường hợp có khác biệt nội dung thông tin (ngày tháng năm sinh, tên…) ghi trên chứng minh nhân dân và các văn bằng, chứng chỉ, cá nhân đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng phải có trách nhiệm trình cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh các thông tin khác biệt trước khi nộp hồ sơ đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
c) Trường hợp bằng cấp chuyên môn không ghi rõ chuyên ngành đào tạo, cá nhân nộp hồ sơ đăng ký cấp chứng chỉ có giấy xác nhận hoặc bảng điểm có chứng thực thể hiện rõ chuyên ngành đã học của cơ sở đào tạo, để chứng minh chuyên ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề.
d) Trường hợp cơ quan, tổ chức đang quản lý trực tiếp không xác nhận kinh nghiệm của cá nhân khi hoạt động xây dựng tại cơ quan, tổ chức quản lý trước đó, thì cá nhân nộp hồ sơ đăng ký cấp chứng chỉ phải bổ sung văn bản xác nhận kinh nghiệm hoạt động xây dựng của cơ quan, tổ chức quản lý trước đó trong hồ sơ đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
đ) Người đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng trực tiếp hoặc có thể ủy quyền hợp pháp cho người khác nộp hồ sơ và nhận kết quả tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Xây dựng.
5. Hội đồng tư vấn xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng do Giám đốc Sở Xây dựng quyết định thành lập và hoạt động theo quy chế của Hội đồng tư vấn. Nội dung quy chế hoạt động do Giám đốc Sở Xây dựng ban hành theo hướng dẫn tại Phụ lục số 4 Thông tư số 12/BXD.
6. Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 5 Thông tư 12/BXD.
7. Hồ sơ đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 Quy định này và được niêm yết tại bộ phận một cửa của Sở Xây dựng.
Điều 13. Chứng chỉ Kỹ sư định giá xây dựng
1. Tổ chức, cá nhân khi thực hiện tư vấn các công việc quản lý chi phí phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định 83/CP.
2. Chứng chỉ Kỹ sư định giá xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa do Giám đốc Sở Xây dựng cấp theo hướng dẫn tại Nghị định số 112/CP. Thủ tục, trình tự xét cấp chứng chỉ Kỹ sư định giá xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư 05/BXD.
3. Người được cấp chứng chỉ Kỹ sư định giá xây dựng phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 20 Nghị định số 112/CP.
4. Tổ chức, cá nhân được cấp chứng chỉ Kỹ sư định giá xây dựng thực hiện quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 16 Thông tư 05/BXD.
5. Hồ sơ đăng ký cấp chứng chỉ Kỹ sư định giá xây dựng theo mẫu quy định tại Phụ lục Quy định này và được niêm yết tại bộ phận một cửa của Sở Xây dựng.
Chương 5.
GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ
Điều 14. Tổ chức chuyên môn giám định tư pháp
1. tổ chức chuyên môn khi thực hiện giám định tư pháp phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Có tư cách pháp nhân và có đăng ký hành nghề hoạt động xây dựng phù hợp với đối tượng và nội dung được trưng cầu giám định.
b) Có năng lực chuyên môn phù hợp đối tượng được giám định theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 35/BXD.
c) Không có vi phạm trong hoạt động xây dựng trong 3 năm gần nhất.
d) Được Bộ Xây dựng thẩm định và công bố danh sách trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.
đ) Không thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 Thông tư 35/BXD.
2. Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh rà soát, lựa chọn và đề xuất danh sách các tổ chức chuyên môn đăng ký hành nghề hoạt động xây dựng trên địa bàn có đủ điều kiện thực hiện giám định tư pháp xây dựng gửi về Bộ Xây dựng để thẩm định và công bố.
3. Trình tự, thủ tục thực hiện giám định tư pháp xây dựng thực hiện theo quy định tại Chương III Thông tư 35/BXD và những quy định liên quan.
Điều 15. Giám định viên tư pháp
1. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định viên tư pháp hoặc người giám định tư pháp theo vụ việc để giám định tư pháp xây dựng thì thực hiện the quy định của Pháp lệnh giám định tư pháp.
2. Việc lập và công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện theo quy định tại Điều 11 Pháp lệnh giám định tư pháp.
Chương 6.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Chế độ báo cáo
1. Chủ đầu tư là các Sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện, các Ban Quản lý dự án thuộc tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, Ban Quản lý Khu du lịch bán đảo Cam Ranh có trách nhiệm báo cáo về Sở Xây dựng định kỳ trước ngày 05 tháng 6 (đối với báo cáo 6 tháng), trước ngày 05 tháng 12 (đối với báo cáo năm) về tình hình chất lượng công trình xây dựng và công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng do mình làm chủ đầu tư theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 Thông tư 27/BXD.
2. Chủ đầu tư không quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện (theo phân cấp quản lý khoản 3 Điều 4 Quy định này) định kỳ trước ngày 01 tháng 6 (đối với báo cáo 6 tháng), trước ngày 01 tháng 12 (đối với báo cáo năm) về công tác quản lý chất lượng và chất lượng công trình xây dựng theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 Thông tư 27/BXD để tổng hợp báo cáo Sở Xây dựng.
3. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng tình hình chất lượng và quản lý chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh định kỳ trước ngày 15 tháng 6 (đối với báo cáo 6 tháng), trước ngày 15 tháng 12 (đối với báo cáo năm) và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu theo mẫu tại Phụ lục 2 Thông tư 27/BXD.
4. Chủ đầu tư (đối với công trình xây dựng đang thi công), chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng (đối với công trình đang sử dụng, vận hành, khai thác) có trách nhiệm lập báo cáo sự cố công trình gửi về Sở Xây dựng và UBND tỉnh (đối với sự cố cấp III); về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng (đối với sự cố cấp I, II) theo quy định tại Điều 35 Nghị định 209/CP.
5. Phân loại sự cố công trình theo quy định tại Điều 21 Thông tư 27/BXD.
Điều 17. Thanh tra, kiểm tra và xử phạt trong hoạt động xây dựng
1. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở Xây dựng chuyên ngành và các đơn vị liên quan thực hiện việc thanh toán, kiểm tra các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh. Kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý đối với những hành vi vi phạm những quy định trong lĩnh vực hoạt động xây dựng.
2. Việc xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 23/CP; Nghị định 180/CP; Thông tư 24/BXD và những quy định của thanh tra chuyên ngành xây dựng.
3. Kết quả thanh tra, kiểm tra được tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng theo quy định của pháp luật về thanh tra.
Điều 18. Điều khoản thi hành
1. Sở Xây dựng có trách nhiệm theo dõi và báo cáo tình hình thực hiện Quy định này cho Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Trong quá trình thực hiện các cơ quan, tổ chức, có thể lao động có vướng mắc hoặc phát hiện sai sót thì cần kịp thời báo cáo Sở Xây dựng để Sở Xây dựng nghiên cứu, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.