ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3793/2010/QĐ-UBND | Việt Trì, ngày 22 tháng 11 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN TỔ CHỨC GIẢI BÁO CHÍ TỈNH PHÚ THỌ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Luật Báo chí ngày 28/12/1989; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12/6/1999;
- Căn cứ Nghị định số 51/2002/NĐ- CP, ngày 26/4/2004 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí;
- Căn cứ Quyết định số 155-QĐ/TW ngày 23 tháng 4 năm 2008 của Ban chấp hành Trung ương về việc ban hành Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong việc chỉ đạo, quản lý báo chí;.
- Căn cứ Quyết định số 369/QĐ-TTg , ngày 29/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án Giải báo chí Quốc gia;
Xét đề nghị tại Tờ trình số 12/TTr-STT&TT, ngày 01/11/2010 Sở Thông tin và Truyền thông,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Đề án Tổ chức giải Báo chí tỉnh Phú Thọ".
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Hội Nhà báo tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thực hiện./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
GIẢI BÁO CHÍ TỈNH PHÚ THỌ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3793/2010/QĐ-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2010 của UBND tỉnh Phú Thọ)
PHẦN MỞ ĐẦU
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN:
Trong những năm qua, bên cạnh sự nghiệp đổi mới kinh tế- chính trị hoạt động báo chí đã được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, xác định đúng đắn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chuyên đề tạo điều kiện để báo chí phát triển.
Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 369/QĐ-TTg , ngày 29 tháng 3 năm 2007 về việc Phê duyệt Đề án Giải báo chí quốc gia nhằm góp phần động viên, cổ vũ phong trào thi đua lao động sáng tạo của đội ngũ những người làm báo trong cả nước; phát hiện, bồi dưỡng tài năng báo chí trong xã hội. Đến nay, đã có 56/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng Đề án hoặc ban hành Quy định, Điều lệ về tổ chức Giải báo chí quy mô cấp tỉnh.
Ở tỉnh Phú Thọ, hoạt động báo chí luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND,UBND tỉnh thông qua việc ban hành các văn bản quản lý, cơ chế chính sách, nguồn nhân lực…tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động theo đúng luật định; đảm bảo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, thực hiện đúng chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, vừa là diễn đàn của nhân dân; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, biểu dương các điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt; góp phần giữ gìn ổn định chính trị xã hội, nâng cao lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Số lượng ấn phẩm, chuyên trang, chuyên mục ngày càng tăng, nội dung các lĩnh vực được báo chí tuyên truyền phản ánh đa dạng, gắn liền với đời sống xã hội, bám sát các chủ trương chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh.
Hoạt động báo chí được tổ chức, duy trì từ nhiều năm nay đó là Giải báo chí do Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Phú Thọ chủ trì, tổ chức. Thông qua việc tổ chức giải, bước đầu đã tạo được phong trào thi đua trong đội ngũ những người làm báo Đất Tổ; từng bước nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí; tạo động lực để các nhà báo phát huy tính sáng tạo, trách nhiệm trước công chúng.
Bên cạnh những mặt tích cực, công tác tổ chức Giải báo chí thời gian qua còn nhiều tồn tại, hạn chế, đó là: Giải mới chỉ dừng lại ở quy mô cấp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Phú Thọ, do đó chưa thu hút được lực lượng những người viết báo ở khắp mọi miền tổ quốc tham gia tuyên truyền, phản ánh kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác phối hợp từ khâu tổ chức đến chấm giải chưa có nhiều đổi mới dẫn đến một số tác phẩm đạt giải chưa thực sự thuyết phục độc giả, khán thính giả. Phong trào thi đua sáng tạo trong đội ngũ những người làm báo để có những tác phẩm báo chí chất lượng cao chưa được đẩy mạnh, do đó ít có những tác phẩm báo chí thực sự nổi bật, đủ sức cạnh tranh và đạt Giải báo chí quốc gia. Kinh phí chi cho công tác tổ chức và giải thưởng còn thấp, chưa động viên, khích lệ những người làm báo phát huy tính sáng tạo, tính phát hiện; tài năng báo chí chưa được quan tâm, bồi dưỡng.
Trước sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của hoạt động báo chí nói chung và đội ngũ những người làm báo Đất Tổ nói riêng với những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Thường trực Tỉnh uỷ Phú Thọ đã có Kết luận số 92/KL-TU ngày 14 tháng 5 năm 2001 về tổ chức Giải báo chí Hùng Vương để tặng thưởng cho những tác giải có những tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp thiết thực trong sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá trên địa bàn tỉnh. Thời gian xét trao giải thưởng là 5 năm một lần. Tuy nhiên, do đặc thù của loại hình báo chí mang tính thời sự chính trị nên việc tổ chức và triển khai Kết luận của Thường trực Tỉnh uỷ về Giải báo chí Hùng Vương đã không thực hiện được. Từ năm 2001 đến nay, Giải báo chí thường niên vẫn do Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Phú Thọ chủ trì, tổ chức với nguồn kinh phí rất hạn hẹp, chưa tạo động lực để thúc đẩy sự nghiệp báo chí phát triển cũng như chưa tạo nên những tác phẩm báo chí xứng tầm với sự nghiệp đổi mới trên quê hương Đất Tổ.
II. NHỮNG CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN:
- Luật Báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí, ngày 12 tháng 6 năm 1999;
- Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí;
- Nghị quyết số 16/NQ-TW, ngày 01/8/2007 của Ban chấp hành Trung ương về Hội nghị lần thứ V-Ban Chấp hành Trung ương khóa X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới;
- Quyết định số 155-QĐ/TW ngày 23 tháng 4 năm 2008 của Ban chấp hành Trung ương về việc ban hành Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong việc chỉ đạo, quản lý báo chí;.
- Quyết định số 369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29 tháng 3 năm 2007 về Phê duyệt Đề án Giải báo chí quốc gia.
PHẦN THỨ NHẤT
THỰC TRẠNG VỀ GIẢI BÁO CHÍ TỈNH PHÚ THỌ
I. THỰC TRẠNG:
1. Quy mô:
Phú Thọ không có Giải báo chí mang quy mô cấp tỉnh. Hàng năm Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Phú Thọ (gọi tắt là Hội Nhà báo tỉnh) chủ trì việc tổ chức tuyển chọn, thẩm định và trao Giải báo chí cho các tác phẩm báo chí xuất sắc của các nhà báo, hội viên đang sinh hoạt tại các Chi hội Nhà báo thuộc Hội Nhà báo tỉnh.
2. Đối tượng tham gia:
Các tác giả có tác phẩm tham dự giải báo chí do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức là các nhà báo, hội viên đang sinh hoạt tại các Chi hội Nhà báo thuộc Hội Nhà báo tỉnh. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có 03 cơ quan báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo chí với 04 loại hình báo chí (báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử); 03 văn phòng đại diện báo chí trung ương, 01 cơ quan báo chí của lực lượng vũ trang Quân khu II; 13 Đài Truyền thanh cấp huyện; 275 Đài Truyền thanh cấp xã. Toàn tỉnh có 183 nhà báo, hội viên và trên 400 cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan báo chí trên địa bàn. Với đối tượng tham gia chỉ tập trung tại các cơ quan báo chí của tỉnh và Hội Nhà báo tỉnh trong những năm qua đã không tạo điều kiện thu hút đội ngũ những người làm báo trong cả nước tham gia viết bài, tuyên truyền, giới thiệu về các lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh.
3. Cơ cấu giải thưởng:
Giải báo chí xuất sắc do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức chỉ cơ cấu giải chung cho các thể loại báo chí (gồm có: giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích), không quy định rõ cơ cấu giải cho từng thể loại. Tuy nhiên với đặc thù của các loại hình báo chí (bao gồm báo in, báo nói, báo hình) thì việc cơ cấu giải chung cho các thể loại báo chí là không hợp lý, chưa đánh giá đúng mức tính chất, quy mô, hình thức thể hiện của từng thể loại để bố trí mức giải phù hợp.
4. Thành phần Hội đồng và quy trình tuyển chọn tác phẩm:
Giải báo chí do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức nên thành phần Hội đồng tuyển chọn, thẩm định tác phẩm là các thành viên trong Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh. Quy trình tuyển chọn được thực hiện qua 02 vòng sơ khảo và chung khảo. Vòng sơ khảo được tiến hành tại các Chi hội Nhà báo; sau khi sơ tuyển, các Chi hội Nhà báo gửi tác phẩm đã được tuyển chọn (theo số lượng do Hội Nhà báo tỉnh quyết định) về Hội Nhà báo tỉnh để tiến hành chấm chung khảo. Hội Nhà báo tỉnh tổng hợp danh sách các tác phẩm đã qua sơ tuyển gửi cho các thành viên Hội đồng. Căn cứ vào nội dung và cơ cấu giải thưởng, các thành viên Hội đồng tiến hành thẩm định, tuyển chọn và xếp giải đối với các tác phẩm báo chí. Vị trí xếp hạng của các tác phẩm báo chí được quyết định bằng tổng số ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định đối với tác phẩm báo chí đó (Ví dụ tác phẩm đạt giải A phải được 2/3 thành viên Hội đồng thẩm định tán thành).
Hiện nay việc tuyển chọn, thẩm định và xếp hạng Giải báo chí chưa được xây dựng thành tiêu chí, quy định cụ thể; nhất là quy định đối với tác giả tham gia giải. Một thực tế tồn tại nhiều năm nay tại các Giải báo chí do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức, số thành viên Hội đồng thẩm định có tác phẩm tham gia Giải báo chí là tương đối lớn, vì vậy việc tuyển chọn, thẩm định và xếp Giải báo chí chưa đảm bảo tính khách quan, dân chủ; một số tác phẩm được xếp hạng Giải báo chí xuất sắc chưa thực sự thuyết phục độc giả, khán thính giả.
5. Kinh phí tổ chức giải:
Từ năm 1995 đến nay, kinh phí chi cho tổ chức Giải báo chí của Hội Nhà báo tỉnh nhìn chung là thấp (năm 1995 là 3 triệu đồng, năm 2009 là 15 triệu đồng). Với số lượng kinh phí hạn hẹp, trừ chi phí cho công tác tuyển chọn, in ấn tác phẩm, mức chi thưởng cho các tác phẩm đạt giải là rất khiêm tốn (giải nhất là 1 triệu đồng, giải khuyến khích là 300 ngàn đồng).
Bên cạnh nguồn kinh phí do tỉnh hỗ trợ thì việc huy động các nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp cho Giải báo chí của Hội Nhà báo tỉnh hàng năm chưa được quan tâm chú trọng, do đó chưa động viên, thu hút đội ngũ những người làm báo quan tâm tới giải để có những tác phẩm báo chí xứng tầm với sự nghiệp đổi mới trên quê hương Đất Tổ.
6. Kết quả tổ chức Giải báo chí của Hội Nhà báo tỉnh:
Tính đến tháng 6 năm 2009, Hội Nhà báo tỉnh đã tổ chức được 14 kỳ giải báo chí của Hội; trên 200 tác phẩm báo chí của các nhà báo, hội viên của tỉnh tham gia giải, trong đó 150 tác phẩm của trên 170 lượt tác giả đã đạt Giải báo chí xuất sắc Từ năm 1995 đến nay, đã có gần 30 tác phẩm báo chí xuất sắc được Hội Nhà báo tỉnh tuyển chọn gửi tham gia Giải báo chí do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức (từ năm 2006 trở lại đây giải đã được nâng cấp, đổi tên thành Giải báo chí quốc gia). Trong đó về Báo in mới chỉ đạt 01 giải Khuyến khích, 01 Bằng khen của Ban Tổ chức; Báo hình có 01 tác phẩm đạt Huy chương Bạc (không kể trên 30 tác phẩm của Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh đạt giải tại Liên hoan Phát thanh - Truyền hình toàn quốc do Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức).
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
1. Ưu điểm :
- Giải báo chí đã bước đầu có tác dụng cổ vũ phong trào thi đua trong đội ngũ những người làm báo Đất Tổ nhằm nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ; góp phần tuyên truyền kịp thời và có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
- Thông qua tổ chức giải đã kịp thời huy động đội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp tham gia vào hoạt động sáng tạo, quảng bá tác phẩm báo chí; góp phần tạo nên những tác phẩm báo chí có chất lượng gửi tham gia Giải báo chí quốc gia.
2. Hạn chế, tồn tại:
- Giải báo chí chưa mang tính chuyên nghiệp, phạm vi tổ chức hẹp nên chưa thu hút lực lượng những người làm báo ở Trung ương, ở các tỉnh bạn tham gia viết bài, phản ánh, tuyên truyền về các lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh; chưa tạo được động lực thi đua mạnh mẽ trong chính đội ngũ những người làm báo của tỉnh.
- Công tác tổ chức Giải báo chí chưa có nhiều đổi mới; một số cơ quan báo chí chưa thực sự quan tâm đến giải, chưa quan tâm xây dựng tiêu chí phấn đấu có giải báo chí hàng năm; còn có tác phẩm báo chí được trao giải xuất sắc nhưng chưa thực sự thuyết phục độc giả, khán thính giả.
- Kinh phí chi cho công tác tổ chức Giải báo chí và giải thưởng thấp; chưa tạo động lực và khuyến khích những người làm báo thi đua, sáng tạo để có những tác phẩm báo chí chất lượng.
PHẦN THỨ HAI
NỘI DUNG GIẢI BÁO CHÍ TỈNH PHÚ THỌ
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Giải báo chí tỉnh Phú Thọ là giải thưởng hàng năm được trao cho các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc, đạt hiệu quả xã hội to lớn, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Phú Thọ.
2. Thông qua Giải báo chí tỉnh Phú Thọ nhằm động viên, cổ vũ phong trào thi đua lao động sáng tạo của những người làm báo và phát hiện, bồi dưỡng những tài năng báo chí trong tỉnh; ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của các tập thể, cá nhân trong xây dựng và phát triển sự nghiệp báo chí của tỉnh.
3. Các tác phẩm báo chí lựa chọn để trao giải là những tác phẩm phản ánh tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh Phú Thọ và phải đạt chất lượng cao về tư tưởng, chính trị, văn hoá, có nội dung, hình thức hấp dẫn.
4. Tổ chức giải đảm bảo tính khách quan, chính xác và công bằng; khơi dậy được tài năng sáng tạo, trách nhiệm của báo chí trước công chúng; tạo được hiệu quả xã hội cao và được dư luận nhân dân đồng tình hưởng ứng.
II. NỘI DUNG.
1. Tên gọi : Giải báo chí tỉnh Phú Thọ.
2. Quy mô và thời gian tổ chức: Giải báo chí tỉnh Phú Thọ do UBND tỉnh chủ trì tổ chức 01 năm một lần. Thời gian thực hiện Đề án bắt đầu từ năm 2011. Năm sau tuyển chọn, thẩm định, chấm và trao giải cho các tác phẩm báo chí của năm trước đó.
3. Cơ quan thực hiện: Hội Nhà báo tỉnh (là cơ quan Thường trực), Sở Thông tin và Truyền thông; mời Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tham gia.
4. Hình thức giải thưởng: Giải chính thức do Hội đồng chấm giải xét, công bố kèm theo biểu tượng của giải và tiền thưởng.
5. Đối tượng tham dự giải:
- Là công dân Việt Nam bao gồm các nhà báo hoặc nhóm nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp có tác phẩm báo chí xuất sắc viết về Phú Thọ.
- Tác giả có tác phẩm tham dự giải không bị các hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên trong thời gian tham dự giải.
- Tác giả không thuộc thành phần Hội đồng chấm Giải báo chí của tỉnh.
6. Tiêu chuẩn tác phẩm tham dự giải:
- Tác phẩm báo chí xuất sắc viết về Phú Thọ có chất lượng cao về tư tưởng, chính trị, văn hoá; đảm bảo tính chính xác, tính thuyết phục; có hiệu quả xã hội cao. Ưu tiên tác phẩm có tính phát hiện vấn đề mới, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Tác phẩm báo chí đã đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép (bao gồm các tác phẩm: báo in, báo nói, báo hình) từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 hàng năm.
- Tác giả, nhóm tác giả được quyền tham dự giải không quá 02 tác phẩm cho tất cả các thể loại báo chí.
7. Thể loại dự giải:
- Tác phẩm báo in: Tin, phóng sự, phóng sự điều tra, ghi chép, bài phản ánh, xã luận, bình luận, chuyên luận, phỏng vấn, bút ký báo chí, ảnh báo chí.
- Tác phẩm báo hình: Tin, phóng sự, phóng sự điều tra, phim tài liệu, chương trình chuyên đề, chuyên luận, giao lưu, toạ đàm, phỏng vấn.
- Tác phẩm báo nói: Tin, bài phản ánh, phóng sự, phóng sự điều tra, bình luận, chuyên luận, bút ký phát thanh, phỏng vấn.
8. Quy trình, thủ tục và thời gian gửi tác phẩm tham gia dự giải.
a).Quy trình:
- Tác giả hoặc nhóm tác giả gửi không quá 02 tác phẩm báo chí cho Ban Biên tập các cơ quan báo chí đã đăng, phát các tác phẩm của tác giả, nhóm tác giả. Ban Biên tập chủ trì, phối hợp với các Chi hội Nhà báo tổ chức tuyển chọn và làm thủ tục gửi tác phẩm tham gia dự giải cho Hội đồng chấm giải của tỉnh.
- Tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm tham gia dự giải không đăng, phát ở các cơ quan báo chí của tỉnh Phú Thọ mà đăng, phát ở các cơ quan báo chí Trung ương trực tiếp gửi tác phẩm tham gia dự giải cho Hội đồng chấm giải của tỉnh (qua Hội Nhà báo tỉnh).
b).Thủ tục:
- Tác phẩm dự giải cần ghi rõ thể loại, tên thật của tác giả, thời điểm công bố; cơ quan công bố, sử dụng tác phẩm.
- Tác phẩm báo in, ảnh báo chí phải gửi tác phẩm gốc và sao chụp tác phẩm đã được sử dụng trên báo.
- Tác phẩm báo nói, báo hình phải gửi kèm bản thuyết minh; băng, đĩa ghi hình, tiếng hoàn chỉnh, ghi rõ thời lượng phát sóng; tác phẩm tiếng dân tộc phải có phụ đề và bản tiếng Việt.
- Ban Biên tập gửi hồ sơ tác phẩm tham gia dự giải cho Hội đồng chấm giải của tỉnh gồm: các tác phẩm báo chí dự giải của các tác giả, nhóm tác giả đã được Ban Biên tập tổ chức tuyển chọn.
c). Thời gian:
- Thời gian nhận tác phẩm: Chậm nhất đến hết ngày 29 tháng 02 hàng năm, các tác giả, nhóm tác giả gửi tác phẩm dự giải tới Ban Biên tập các cơ quan báo chí để tiến hành sơ tuyển vòng một. Sau khi sơ tuyển, Ban Biên tập các cơ quan báo chí gửi các tác phẩm đã được tuyển chọn về Hội đồng chấm giải của tỉnh chậm nhất là ngày 31 tháng 3 hàng năm.
- Thời gian chấm giải: Bắt đầu từ 01 tháng 4 đến hết ngày 30 tháng 5 hàng năm.
- Thời gian công bố giải: Vào dịp Kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (ngày 21 tháng 6) hàng năm.
9. Tổ chức tuyển chọn, thẩm định và chấm giải: Giải báo chí tỉnh sẽ được tuyển chọn và chấm qua 03 vòng, thang điểm 10 theo quy chế và tiêu chí làm việc của Hội đồng.
- Vòng tuyển chọn: Tiến hành ở các Chi hội, Ban Biên tập các cơ quan báo chí;
- Vòng sơ khảo: Do Hội đồng chấm giải của tỉnh xét, chọn. Những tác phẩm đạt từ 5 điểm trở lên được vào vòng chung khảo;
- Vòng chung khảo: Những tác phẩm đạt từ 6 điểm trở lên được xét để các mức giải tương ứng và đề nghị UBND tỉnh xem xét, quyết định.
10. Cơ cấu giải Báo chí tỉnh Phú Thọ:
a). Giải Báo chí tỉnh Phú Thọ có các nhóm giải tương ứng với 03 loại hình báo chí: Báo in, báo hình, báo nói. Mỗi nhóm giải thưởng có các loại giải tương ứng với các thể loại tác phẩm báo chí. Mỗi thể loại tác phẩm báo chí có 04 mức giải: Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích; trong đó: 01 giải nhất/nhóm thể loại; 02 giải nhì/nhóm thể loại; 03 giải ba/nhóm thể loại và một số giải khuyến khích (tối đa không quá 05 giải).
- Báo in có 03 loại giải:
+ Nhóm 1: Giải tin, bài phản ánh, ghi chép, phỏng vấn, ảnh báo chí.
+ Nhóm 2: Giải xã luận, bình luận, chuyện luận.
+ Nhóm 3: Giải phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí.
- Báo hình có 02 loại giải:
+ Nhóm 1: Giải tin, bình luận, phỏng vấn, chương trình chuyên đề, giao lưu, toạ đàm.
+ Nhóm 2: Giải phóng sự, phóng sự điều tra, phim tài liệu, chuyên luận.
- Báo nói (Phát thanh) có 02 loại giải:
+ Nhóm 1: Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn.
+ Nhóm 2: Giải xã luận, bình luận, phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí.
b). Hình thức và mức giải thưởng cho các tác phẩm, cá nhân được quy định theo các loại hình và nhóm thể loại như sau:
- Hình thức giải thưởng: Bằng chứng nhận của Hội Nhà báo tỉnh kèm theo biểu tượng của giải và tiền thưởng.
- Giải chính thức cho tác phẩm: Cơ cấu giải thưởng được qui định (lấy nhóm 1 làm chuẩn):
+ Giải nhất của nhóm 1: hệ số 01. Mức chuẩn hệ số 01 tương ứng từ 2.000.000đ (hai triệu đồng) đến 2.500.000đ (hai triệu năm trăm ngàn đồng). Tùy theo kết quả số lượng giải hàng năm, có thể tăng hoặc giảm.
+ Giải nhì của nhóm 1 : có hệ số bằng 0,7 giải nhất của nhóm 1.
+ Giải ba của nhóm 1: có hệ số bằng 0,5 giải nhất của nhóm 1.
+ Giải khuyến khích của nhóm 1: có hệ số bằng 0,2 giải nhất của nhóm 1. Cụ thể như sau:
Mức giải Loại hình nhóm thể loại | Giải nhất(đ/tác phẩm) | Giải nhì (đ/tác phẩm) | Giải ba ( đ/tác phẩm) | Giải Kh.khích (đ/tác phẩm) |
Báo in | ||||
Nhóm 1 | 2.500.000 | 1.750.000 | 1.250.000 | 500.000 |
Nhóm 2 | 2.000.000 | 1.400.000 | 1.000.000 | 400.000 |
Nhóm 3 | 1.500.000 | 1.050.000 | 750.000 | 300.000 |
Báo hình | ||||
Nhóm 1 | 2.500.000 | 1.750.000 | 1.250.000 | 500.000 |
Nhóm 2 | 2.000.000 | 1.400.000 | 1.000.000 | 400.000 |
Báo nói | ||||
Nhóm 1 | 2.000.000 | 1.400.000 | 1.000.000 | 400.000 |
Nhóm 2 | 1.500.000 | 1.050.000 | 750.000 | 300.000 |
c). Hàng năm, căn cứ vào thực tiễn hoạt động của báo chí, Hội đồng chấm giải của tỉnh đề xuất báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung cơ cấu giải phù hợp.
11. Kinh phí thực hiện.
- Kinh phí chi cho Giải báo chí tỉnh Phú Thọ gồm các mục sau:
+ Chi giải thưởng.
+ Thù lao cho các thành viên Hội đồng chấm giải.
+ Chi phí hành chính cho việc chấm giải (văn phòng phẩm, in sao tác phẩm, thuê thiết bị chấm tác phẩm báo hình, báo nói, nước uống...).
- Nguồn kinh phí:
+ Ngân sách tỉnh bố trí trong kế hoạch hàng năm.
+ Huy động các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ.
12. Tổ chức điều hành giải Báo chí tỉnh Phú Thọ:
- UBND tỉnh quyết định thành lập Hội đồng chấm giải của tỉnh, thành phần gồm: Lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đại diện lãnh đạo cơ quan báo chí và một số nhà báo có uy tín của tỉnh và trung ương.
+ Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh là Chủ tịch Hội đồng chấm giải;
+ Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng chấm giải;
+ Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là Phó Chủ tịch Hội đồng chấm giải.
- Thư ký và các thành viên giúp việc cho Hội đồng chấm giải.
- Hội đồng chấm giải chịu trách nhiệm xây dựng quy chế làm việc và tiêu chí chấm giải phù hợp với yêu cầu nội dung của Đề án này.
PHẦN THỨ BA
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả xã hội của Giải báo chí tỉnh Phú Thọ;
- Phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh xây dựng tiêu chí, quy chế tuyển chọn, thẩm định và chấm tác phẩm tham dự giải. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Giải báo chí của tỉnh theo Đề án đã được phê duyệt;
- Chủ trì, phối hợp Hội Nhà báo tỉnh tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức Giải báo chí của tỉnh báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định;
- Chủ trì, phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh lập dự toán kinh phí tổ chức Giải báo chí hàng năm gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt.
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động của Giải báo chí theo các quy định của pháp luật về Báo chí.
2. Hội Nhà báo tỉnh:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề xuất thành phần tham gia Ban Tổ chức, Hội đồng chấm Giải báo chí của tỉnh; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng chấm giải báo chí của tỉnh trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
- Xây dựng, trình Hội đồng chấm Giải báo chí của tỉnh ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng Giải báo chí của tỉnh; tiêu chí, quy chế tuyển chọn, thẩm định và chấm tác phẩm tham dự giải bảo đảm công bằng, khách quan, minh bạch..
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông lập dự toán kinh phí tổ chức Giải báo chí tỉnh Phú Thọ gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt.
- Hàng năm thực hiện việc báo cáo quyết toán kinh phí theo các quy định hiện hành về quản lý tài chính.
3. Sở Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông bố trí kinh phí thực hiện Giải báo chí của tỉnh trong dự toán chi hoạt động của Hội Nhà báo tỉnh hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách; hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí Giải báo chí tỉnh Phú Thọ theo các chế độ tài chính hiện hành.
- Hàng năm, chủ trì, phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh kiểm tra, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho Giải báo chí tỉnh Phú Thọ.
4. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy:
- Chỉ đạo công tác định hướng tư tưởng đối với các cơ quan báo chí.
- Phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tốt Giải báo chí tỉnh Phú Thọ, đảm bảo mục đích, yêu cầu đề ra.
5. Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Đất
Tổ và các Văn phòng đại diện báo chí Trung ương trên địa bàn tỉnh:
- Tổ chức phát động các chương trình thi đua sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao trong cán bộ, phóng viên, hội viên nhằm thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; nâng cao chất lượng các hoạt động báo chí trong tình hình mới.
- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và trung ương về
Đề án tổ chức Giải báo chí tỉnh Phú Thọ nhằm thu hút đông đảo những người làm báo trong cả nước viết về quê hương Phú Thọ.
- Phát hiện, bồi dưỡng những tài năng báo chí ngay từ cơ quan báo chí, các Chi hội Nhà báo để cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động báo chí cho tỉnh.
- Phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong việc tổ chức xét chọn, chấm giải và đề xuất khen thưởng đối với báo chí đảm bảo các tiêu chí đề ra./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.