UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3754/2005/QĐ-UBND | Hạ Long, ngày 06 tháng 10 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
"VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH"
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
- Căn cứ Nghị định số 104/2003/NĐ-CP , ngày 16/9/2003 của Chính phủ "Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số";
- Xét đề nghị của Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh Quảng Ninh tại tờ trình số: 404/TT-DSGĐTE ngày 28/07/2005.
QUYẾT ĐỊNH
Điều1: Ban hành kèm theo quyết định này bản Quy định tạm thời về một số chế độ chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những Quyết định do Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3: Các ông, bà: Chánh văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | T/M UBND TỈNH QUẢNG NINH |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH
(Kèm theo Quyết định số: 3754/2005/QĐ-UBND ngày 06/10/2005 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:
Điều 1: Phạm vi điều chỉnh
Bản Quy định này quy định chi tiết về thực hiện một số chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Điều 2: Đối tượng áp dụng
Bản Quy định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân sống trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, cá nhân).
Điều 3: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác dân số:
Thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ là trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi công dân; là trách nhiệm về lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Uỷ ban Nhân dân các cấp, thủ trưởng các sở, ban, ngành, các lực lượng vũ trang, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Cơ quan và tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm:
1. Tổ chức thực hiện chính sách dân số:
1.1 Xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế, điều lệ hoặc các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật để thực hiện mục tiêu chính sách dân số.
1.2 Có các biện pháp phù hợp với điều kiện của cơ quan, tổ chức; tạo điều kiện và khuyến khích để các thành viên của cơ quan, tổ chức thực hiện tốt công tác dân số.
1.3 Tạo điều kiện để các thành viên của cơ quan, tổ chức thực hiện quy chế, điều lệ hoặc các hình thức khác của cơ quan, tổ chức; các hương ước, quy ước của cộng đồng về dân số.
1.4 Đưa chỉ tiêu thực hiện công tác dân số vào kế hoạch hoạt động thường xuyên của cơ quan, tổ chức; vào tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng của cơ quan, tổ chức.
1.5 Kiểm tra, đánh giá, sơ kết và tổng kết việc thực hiện mục tiêu chính sách dân số.
2. Tạo điều kiện cho cá nhân, các thành viên gia đình thực hiện chính sách dân số:
2.1 Cung cấp thông tin, tuyên truyền, vận động và giáo dục về dân số.
2.2 Cung cấp dịch vụ dân số đa dạng, chất lượng, thuận tiện và an toàn đến tận người dân.
3. Lồng ghép các yếu tố dân số vào trong quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
4. Thực hiện xã hội hoá công tác dân số.
Điều 4: Trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện chính sách dân số:
1. Thực hiện mục tiêu chính sách dân số trên cơ sở chuẩn mực gia đình có một hoặc hai con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.
2. Thực hiện pháp luật, chính sách về dân số; và quy chế, điều lệ hoặc hình thức khác của cơ quan, tổ chức; hương ước, quy ước của cộng đồng.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:
Điều 5: Số con của mỗi cặp vợ chồng:
1. Mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con. Trường hợp sinh con lần thứ nhất mà sinh đôi trở lên coi như đã có hai con trở lên.
2. Những cặp vợ chồng tái hôn, nếu cả vợ, chồng đã có con riêng hay người vợ đã có con riêng nay muốn có con chung chỉ được sinh thêm một con chung. Nếu người vợ chưa có con riêng thì được sinh nhiều nhất là hai con.
3. Những phụ nữ đơn côi (không chồng) chỉ được sinh tối đa hai con.
4. Những cặp vợ chồng khi có ba con trở lên sẽ không coi là vi phạm quy định này trong các trường hợp:
4.1 Một hoặc cả hai con của cặp vợ chồng đó bị dị tật bẩm sinh, không có khả năng phát triển bình thường, mắc bệnh hiểm nghèo(không phải do di truyền) mà y học hiện nay chưa có khả năng điều trị phục hồi (có chứng nhận của cơ sở y tế cấp huyện trở lên).
4.2 Một hoặc cả hai con bị chết trước khi sinh đứa con thứ ba.
4.3 Trường hợp đã có một con và sinh lần thứ hai là sinh đôi trở lên.
Đối với các trường hợp quy định tại điểm a và b ở trên, mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh thêm số con thay thế đúng bằng số con dị tật bẩm sinh, không có khả năng phát triển bình thường, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc số con bị chết trước khi sinh con thứ ba trở lên.
Điều 6: Nghiêm cấm các hành vi cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình, bao gồm:
1. Đe doạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể người sử dụng biện pháp tránh thai, người sinh toàn con trai hoặc toàn con gái.
2. Gây khó khăn cho người tự nguyện sử dụng biện pháp tránh thai.
3. Ép buộc, áp đặt sử dụng biện pháp tránh thai, mang thai, sinh sớm, sinh dày, sinh nhiều con.
Điều 7: Nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, bao gồm:
1. Tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới các hình thức: tổ chức nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi hình, ghi âm; tàng trữ, lưu truyền tài liệu, phương tiện và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác về phương pháp tạo giới tính thai nhi.
2. Chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp: xác định qua triệu chứng, bắt mạch; xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào; siêu âm...
3. Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hoá chất, thuốc và các biện pháp khác.
Điều 8: Nghiêm cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và cung cấp một số phương tiện tránh thai, bao gồm:
1. Phương tiện tránh thai không đúng tiêu chuẩn chất lượng và nhãn hiệu hàng hoá theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Phương tiện tránh thai kém chất lượng đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra chất lượng, kiểm định và kết luận bằng văn bản.
3. Phương tiện tránh thai quá hạn sử dụng ghi trên sản phẩm, bao bì sản phẩm hoặc tuy chưa quá hạn sử dụng ghi trên sản phẩm, bao bì sản phẩm, nhưng đã có thông báo không được tiếp tục sử dụng của cơ quan có thẩm quyền.
4. Phương tiện tránh thai chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép lưu hành ở Việt Nam.
Điều 9: Nghiêm cấm một số hành vi truyên truyền, phổ biến về thông tin dân số, bao gồm:
1. Tuyên truyền, phổ biến thông tin về dân số trái đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
2. Tuyên truyền, phổ biến thông tin về dân số không chính xác, sai lệch gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện công tác dân số, đời sống xã hội và các lĩnh vực khác.
3. Lợi dụng tuyên truyền, phổ biến thông tin về dân số, sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình để phát tán tài liệu, vật phẩm hoặc có các hành vi khác trái với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội.
Chương III
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM:
Điều 10: Khen thưởng:
1. Thưởng cho những người trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận biện pháp đình sản nam hoặc nữ: 200.000 đồng.
2. Thưởng5.000.000đồng/xã miền núi, hải đảo; 3.000.000đồng/xã, phường, thị trấn trong 3 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên.
3. Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các mục tiêu dân số(theo qui chế khen thưởng thi đua).
4. Những cơ quan, tổ chức nếu có người sinh con thứ ba trở lên trái với quy định tại Điều 5 của bản Quy định này thì tập thể cơ quan, tổ chức đó không được xét khen thưởng các danh hiệu thi đua trong năm vi phạm.
Giao cho Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh và Thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng tỉnh căn cứ vào kết quả cụ thể đề xuất hàng năm với Uỷ ban Nhân dân tỉnh.
Điều 11: Xử lý vi phạm:
Người nào có hành vi vi phạm các quy định trong bản Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
1. Đối với cán bộ, công chức, các thành viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị, xã hội, nếu sinh quá số con quy định thì gia đình bị xử lý theo mục 4 điều 11 của quy định này, đồng thời phải chịu xử lý kỷ luật theo các điều lệ, quy chế hoặc các hình thức khác của cơ quan, tổ chức quy định. Việc xử lý vi phạm thực hiện đối với cả vợ lẫn chồng.
2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ xã, phường nếu sinh quá số con quy định tại Điều 5 của bản Quy định này, thì sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Pháp Lệnh cán bộ, công chức và Nghị định số 35/2005/NĐ- CP ngày 17/03/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
3. Đối với người lao động không phải là cán bộ, công chức làm việc trong các tổ chức kinh tế; các thành viên, đoàn viên, hội viên của các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp địa phương nếu sinh quá số con theo quy định tại Điều 5 của bản Quy định này, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các địa phương cần đưa quy định về việc không sinh con thứ ba trở lên theo quy định tại Điều 5 của bản Quy định này vào quy chế, điều lệ hoạt động của cơ quan, tổ chức.
4. Các khu dân cư cần đưa quy định về việc không sinh con thứ ba theo quy định tại Điều 5 của bản Quy định này vào hương ước, quy ước của làng, bản, khu phố. Các cặp vợ chồng sinh con thứ ba trở lên trái với quy định tại Điều 5 của bản Quy định này phải bị tiến hành kiểm điểm tại địa bàn dân cư nơi sinh sống, đồng thời sẽ không được công nhận là gia đình văn hoá trong năm vi phạm, không được ưu tiên khi xem xét giải quyết các chính sách về vay vốn, đất ở, nhà ở.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Điều 12: Uỷ ban Nhân dân các cấp, thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định này.
Điều 13: Uỷ ban nhân dân các địa phương chỉ đạo việc đưa các quy định cụ thể về hình thức xử lý vi phạm chính sách dân số vào hương ước, quy ước của các thôn, bản, khu phố theo đúng pháp luật và nội dung của Quy định này.
Điều 14: Giao Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh cùng các ngành chức năng theo dõi, giám sát việc thi hành quy định này và định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Điều 15: Trong quá trình thực hiện, nếu thấy phát sinh những vấn đề mới, hoặc chưa phù hợp, các ban ngành, cơ quan đoàn thể, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội và Uỷ ban Nhân dân các cấp báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh (qua Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh tổng hợp) để bổ sung sửa đổi kịp thời./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.