ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/2017/QĐ-UBND | Lâm Đồng, ngày 19 tháng 05 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VIỆC HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;
Căn cứ Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;
Căn cứ Thông tư số 02/2016/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hướng dẫn hỗ trợ lãi suất đối với tổ chức, cá nhân vay vốn tại tổ chức tín dụng để thực hiện các dự án đầu tư phương tiện, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định việc hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 5 năm 2017.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VIỆC HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 37/2017/QĐ-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định việc hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Hỗ trợ về quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng
1. Ngân sách tỉnh trang trải toàn bộ kinh phí cho công tác lập, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; các chỉ tiêu phải được thể hiện trong quy hoạch gồm: tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng, quỹ đất, giải pháp kết nối với các phương thức vận tải khác, tỷ lệ phương tiện sử dụng năng lượng sạch, tỷ lệ phương tiện đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận.
2. Tỉnh Lâm Đồng khuyến khích đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt từ các nguồn vốn: vốn vay viện trợ phát triển chính thức (ODA), vốn tín dụng ưu đãi.
3. Ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Mức (tỷ lệ) hỗ trợ lãi suất bằng mức chênh lệch giữa lãi suất vay Ngân hàng thương mại và lãi suất ưu đãi do Chính phủ quy định trong thời gian không quá 36 tháng.
Điều 4. Hỗ trợ đầu tư phương tiện vận tải
Ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng đối với các dự án đầu tư mua sắm phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Mức (tỷ lệ) hỗ trợ lãi suất bằng mức chênh lệch giữa lãi suất vay Ngân hàng thương mại và lãi suất ưu đãi do Chính phủ quy định trong thời gian không quá 36 tháng.
Điều 5. Hỗ trợ hoạt động khai thác vận tải
1. Ngân sách tỉnh trợ giá hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đối với các tuyến xe buýt cần khuyến khích đầu tư khai thác để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Tài chính thẩm định đề xuất của đơn vị tham gia khai thác tuyến để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định phương thức và mức hỗ trợ, cụ thể như sau:
a) Phương thức trợ giá theo chuyển đổi với từng tuyến:
Kinh phí trợ giá = Tổng chi phí chuyến xe (đã tính lợi nhuận) - doanh thu khoán.
b) Phương thức trợ giá cho hành khách đi lại trên tuyến để thu hút khách:
Kinh phí trợ giá = Tỷ lệ trợ giá x giá vé x số vé bán ra trong tháng.
c) Phương thức hỗ trợ một phần chi phí hoạt động khai thác theo chuyến (như: phí cầu đường, bến bãi, bù giá xăng dầu,...):
Kinh phí hỗ trợ = số chuyến x chi phí được hỗ trợ/chuyến.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định mô hình quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương để tăng cường công tác giám sát, quản lý chất lượng dịch vụ xe buýt.
Điều 6. Trợ giá cho một số đối tượng sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt
1. Nhà nước trợ giá 100% cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt khi vận chuyển trẻ em dưới 06 tuổi, người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng (đối tượng được miễn tiền vé xe buýt).
2. Nhà nước trợ giá 50% cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt khi vận chuyển người có công với cách mạng theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ, người cao tuổi (người trên 60 tuổi), học sinh, sinh viên là công dân Việt Nam (đối tượng được giảm 50% tiền vé xe buýt),
Kinh phí trợ giá = Tỷ lệ trợ giá x giá vé x số vé bán ra cho đối tượng được trợ giá trong tháng.
Điều 7. Điều kiện được áp dụng ưu đãi trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được áp dụng ưu đãi theo quy định tại Điều 3, Điều 4 và Khoản 1, Điều 5 Quy định này, phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Có dự án đầu tư phương tiện, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư;
b) Có vay vốn tại tổ chức tín dụng để thực hiện các dự án quy định tại điểm a, Khoản 1 Điều này và sử dụng vốn vay đúng mục đích;
c) Đảm bảo các quy định hiện hành trong kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
2. Trường hợp trong cùng thời gian, có nhiều chính sách hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác nhau thì một (01) đối tượng thụ hưởng chỉ được lựa chọn áp dụng một chính sách hỗ trợ có lợi nhất.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước
1. Sở Giao thông Vận tải:
a) Tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã được phê duyệt;
b) Tổ chức thực hiện công tác quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo quy định của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải;
c) Kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;
d) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và địa phương tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; hằng năm lập dự toán kinh phí để thực hiện công tác này, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt các dự án đầu tư phát triển hoạt động xe buýt;
b) Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bố trí ngân sách địa phương trong kế hoạch hàng năm để hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
3. Sở Tài chính:
a) Chủ trì thẩm định, trình UBND tỉnh giá sản phẩm dịch vụ xe buýt theo quy định.
b) Chủ trì thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho hoạt động khai thác vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và các đối tượng được trợ giá.
c) Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bố trí ngân sách địa phương trong kế hoạch hàng năm để hỗ trợ một số loại phí và giá dịch vụ trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo Quy định này và các quy định hiện hành có liên quan.
d) Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải kiểm tra tình hình thực hiện giá cước, các loại phí và các khoản chi có hỗ trợ từ kinh phí ngân sách trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
e) Chủ trì, phối hợp với Quỹ đầu tư phát triển tỉnh trình UBND tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ lãi suất vốn vay; hướng dẫn cụ thể về thủ tục hỗ trợ lãi suất và ủy thác thực hiện theo quy định hiện hành.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và UBND các huyện, thành phố, căn cứ quy hoạch sử dụng đất xem xét, đề xuất UBND tỉnh quyết định việc bố trí quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
5. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông Vận tải, Ban An toàn giao thông tỉnh trong công tác thông tin, truyền thông để khuyến khích học sinh, sinh viên và nhân dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
6. Quỹ đầu tư phát triển tỉnh là đơn vị nhận ủy thác để tổ chức thực hiện việc hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các Nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc:
a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải xem xét, đề xuất UBND tỉnh quyết định việc bố trí đất đai để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
b) Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thực hiện công tác quản lý, thanh kiểm tra hoạt động hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn.
Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân thực hiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh
1. Được hỗ trợ trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; đầu tư mua sắm phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và trong hoạt động khai thác vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 7 của Quy định này.
2. Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư, mua sắm phương tiện; vận chuyển hành khách đảm bảo an toàn giao thông. Lập dự án đầu tư phương tiện vận tải, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng phương án giá, chi phí hỗ trợ lãi vay để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
3. Quản lý và sử dụng số tiền trợ giá, tiền hỗ trợ lãi suất vay theo đúng quy định của Nhà nước.
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc; các tổ chức, cá nhân trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện Quy định này; nếu có khó khăn, vướng mắc, các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ảnh về Sở Giao thông Vận tải để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung kịp thời./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.