UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/2009/QĐ-UBND | Lào Cai, ngày 26 tháng 11 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ TIÊU CHUẨN, CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI, CƠ CẤU TỔ CHỨC ĐỐI VỚI CÁN BỘ LUÂN CHUYỂN, TĂNG CƯỜNG VÀ THU HÚT TRÍ THỨC TRẺ, CÁN BỘ CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT ĐẾN CÔNG TÁC TẠI CÁC XÃ THUỘC 3 HUYỆN SI MA CAI, BẮC HÀ, MƯỜNG KHƯƠNG - TỈNH LÀO CAI
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;
Căn cứ Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg ngày 27/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã thuộc 61 huyện nghèo và chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại văn bản số 450/PTr-SNV ngày 12 tháng 11 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay quy định tiêu chuẩn, chính sách ưu đãi, cơ cấu tổ chức đối với cán bộ luân chuyển, tăng cường và thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về công tác tại các xã thuộc 3 huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương - tỉnh Lào Cai.
Điều 2. Tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ luân chuyển, tăng cường, trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật tình nguyện về công tác tại các xã thuộc 3 huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương, ngoài các quy định tại Khoản 2, Điều 2- Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg ngày 27/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ cần đảm bảo một số tiêu chuẩn sau:
1. Đối với diện cán bộ luân chuyển về đảm nhiệm chức danh chủ chốt xã:
Là cán bộ, công chức, có trình độ đại học trở lên, có khả năng tổ chức, quản lý, điều hành công tác Đảng, Chính quyền xã và nằm trong diện quy hoạch cán bộ từ trưởng, phó trưởng phòng, ban chuyên môn hoặc tương đương trở lên (nơi cơ quan cử đi luân chuyển).
2. Đối với diện cán bộ, công chức tăng cường về xã thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật:
Phải là người có trình độ đại học trở lên, nắm vững về chuyên môn, nghiệp vụ để tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền xã thực hiện một số lĩnh vực chuyên môn cụ thể ở địa phương.
3. Đối với trí thức trẻ, CB chuyên môn kỹ thuật tình nguyện về công tác tại xã:
Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm; tuổi đời không quá 35, đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ được giao; có trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ cao đẳng trở lên phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ ở địa phương (riêng chuyên ngành Xây dựng, Giao thông, Thuỷ lợi có thể lấy từ trung cấp hệ chính quy trở lên); tình nguyện công tác tại xã ít nhất từ 05 năm trở lên; ưu tiên người có hộ khẩu thường trú trong tỉnh Lào Cai.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức, số lượng và nguồn cán bộ luân chuyển đảm nhiệm chức danh cán bộ chủ chốt xã
1. Cơ cấu: Bố trí vào một trong các chức danh chủ chốt: Bí thư Đảng uỷ, Phó bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch UBND xã.
2. Số lượng: Mỗi xã chỉ bố trí 01 cán bộ luân chuyển làm cán bộ chủ chốt (chỉ tăng cường những xã thật sự khó khăn về công tác cán bộ, ưu tiên các xã yếu trước).
3. Nguồn cán bộ: Cán bộ, công chức trong biên chế các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở tỉnh, huyện hoặc sỹ quan thuộc Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Biên phòng tỉnh (chủ yếu là nguồn cán bộ của huyện).
Điều 4. Cơ cấu tổ chức, số lượng và nguồn cán bộ, công chức tăng cường về làm công tác chuyên môn và trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật tình nguyện
1. Cơ cấu về chuyên môn, nghiệp vụ tăng cường cho một xã
a) 01 người có trình độ chuyên môn thuộc nhóm chuyên ngành: Nông Lâm nghiệp, Địa chính.
b) 01 người có trình độ chuyên môn thuộc nhóm chuyên ngành: Thống kê, Kế hoạch, Tài chính.
c) 01 người có trình độ chuyên môn thuộc nhóm chuyên ngành: Xây dựng, Giao thông, Thuỷ lợi, Quản lý dự án.
2. Số lượng: Mỗi xã thuộc các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương được thành lập một tổ công tác/xã, số lượng 03 người/tổ (trong đó bao gồm cả cán bộ, công chức tăng cường về làm công tác chuyên môn và trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật tình nguyện).
3. Nguồn cán bộ
a) Nguồn cán bộ, công chức tăng cường về xã làm công tác chuyên môn: Cán bộ, công chức trong biên chế các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở tỉnh, huyện (chỉ tăng cường những xã quá yếu về chuyên môn, kỹ thuật theo đề xuất của địa phương).
b) Nguồn trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật tình nguyện: Thu hút sinh viên, học sinh đã tốt nghiệp ra trường có hộ khẩu thường trú ở trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Điều 5. Thời hạn cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường và trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật tình nguyện
1. Đối với CBCC luân chuyển, tăng cường thời hạn 05 năm; trường hợp thật cần thiết có thể được rút về sớm hơn nhưng phải đủ từ 03 năm trở lên ở cơ sở.
2. Đối với trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật tình nguyện thời hạn ít nhất là 05 năm (trong giai đoạn từ 2010 đến năm 2020).
Điều 6. Chính sách ưu đãi, khuyến khích
Chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường, thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc 3 huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương được thực hiện theo Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg ngày 27/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã thuộc 61 huyện nghèo và chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.
Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan cử CBCC đi luân chuyển, tăng cường
1. Phổ biến công khai tới toàn thể cơ quan, đơn vị về chủ trương và những quy định cụ thể của Chính phủ, của tỉnh trong việc luân chuyển, tăng cường cán bộ, công chức.
2. Chọn cử cán bộ, công chức đi luân chuyển, tăng cường phải đảm bảo tiêu chuẩn quy định.
3. Lập dự toán, trình bổ sung kinh phí, thanh quyết toán mọi chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức đi luân chuyển, tăng cường.
4. Thường xuyên giữ mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan nơi cán bộ, công chức đơn vị mình đến luân chuyển, tăng cường.
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Nội vụ
Hướng dẫn, đôn đốc thực hiện Quyết định này, định kỳ báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện; tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch luân chuyển, tăng cường cán bộ và thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về công tác tại xã; xây dựng Quy chế làm việc của Tổ công tác tăng cường theo Chương trình Nghị quyết 30a/ 2008/NQ-CP của Chính phủ;
Chủ trì, phối hợp với Tỉnh đoàn để vận động cán bộ chuyên môn - trí thức trẻ xung phong tình nguyện về công tác ở cơ sở; phối hợp với các sở, ban , ngành, huyện để tiếp nhận và phân công cán bộ.
Phối hợp với các sở: Lao động - TBXH (cơ quan thường trực); Kế hoạch- Đầu tư, Tài Chính, Nông nghiệp-PTNT, Xây dựng, Trường Chính trị tỉnh về chương trình tập huấn cho cán bộ luân chuyển, tăng cường trước khi về cơ sở.
Điều 9. Trách nhiệm của Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp các sở , ngành liên quan hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng dự toán, thanh quyết toán kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách đối với CBCC luân chuyển, tăng cường và trí thức trẻ, CB chuyên môn kỹ thuật tình nguyện về công tác tại xã; kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC cơ sở, kinh phí tập huấn, làm nhà công vụ (nếu có) theo quy định.
Điều 10. Trách nhiệm của UBND các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương
Thực hiện việc luân chuyển, tăng cường cán bộ công chức, thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại xã theo Kế hoạch của UBND tỉnh; quyết định số cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường thuộc biên chế được giao của cơ quan, đơn vị huyện quản lý.
Điều 11. Trách nhiệm của UBND xã (nơi có cán bộ tăng cường, luân chuyển, trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật tình nguyện)
1. Bố trí chỗ ở, nơi làm việc cho cán bộ luân chuyển, tăng cường và trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật đến tăng cường (đối với những xã còn khó khăn về chỗ ở, có thể bố trí thêm nhà công vụ).
2. Trực tiếp quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc mọi nhiệm vụ được giao đối với cán bộ luân chuyển, tăng cường, trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật tình nguyện đến công tác ở địa phương.
3. Thường xuyên giữ mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan cử cán bộ đến tăng cường, cơ quan cấp trên và phối hợp với Sở Nội vụ hàng năm có nhận xét, đánh giá từng cá nhân trong tổ công tác về kết quả thực hiện nhiệm vụ tăng cường tại đơn vị mình.
Điều 12. Nguồn kinh phí
1. Kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường về xã do ngân sách nhà nước bảo đảm và được tính trong tổng kinh phí thực hiện đề án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, huyện bổ sung cho cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức trước khi luân chuyển, tăng cường chi trả.
2. Kinh phí thực hiện chính sách, chế độ đối với trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật tham gia tổ công tác tại xã, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC cơ sở, kinh phí tập huấn, làm nhà công vụ (nếu có) do ngân sách nhà nước bảo đảm và được tính trong tổng kinh phí thực hiện đề án giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Điều 13. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
| TM.UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.