ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/2000/QĐ.UB | Cần Thơ, ngày 12 tháng 4 năm 2000 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CẦN THƠ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;
Căn cứ Nghị định số 90/CP ngày 15/12/1995 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều lệ của Bộ Luật Lao động và học nghề;
Căn cứ Quyết định số 67/1998/QĐ-TTg ngày 26/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về đào tạo nghề từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động - Thương binh và xã hội;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT-LĐTBXH-TCCP ngày 6/1/1999 của liên Bộ Lao động - Thương binh và xã hội - Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ về hướng dẫn về tổ chức làm công tác quản lý đào tạo nghề ở Trung ương và địa phương;
Căn cứ Quyết định số 1114/LĐTBXH-QĐ ngày 12/9/1996 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn việc mở và quản lý cơ sở dạy nghề;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định tạm thời về tổ chức, quản lý các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Cần Thơ”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với nội dung Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trường Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, các Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và các huyện, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan, các cơ sở hoạt động đào tạo nghề chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UBND TỈNH CẦN THƠ |
QUY CHẾ
VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CẦN THƠ
( Ban hành kèm theo Quyết định số 37/2000/QĐ.UBT ngày 12/4/2000 của UBND tỉnh Cần Thơ)
CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Các cơ sở áp dụng theo Quy định này bao gồm: trường công nhân kỹ thuật, trường trung học chuyên nghiệp, trường kỹ thuật nghiệp vụ; các trường dạy nghề; các trung tâm có dạy nghề (trung tâm dạy nghề, trung tâm dịch vụ việc làm, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp...) cơ sở đào tạo nghề trực thuộc các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề của các tổ chức đoàn thể, tư nhân và doanh nghiệp ( công ty, xí nghiệp...) các lớp tin học ngoại ngữ ( với mục tiêu đảm bảo sau khi học xong người học có khả năng hành nghề) trên địa bàn tỉnh quản lý, sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo nghề.
Điều 2. Các cơ sở đào tạo nghề được phép hoạt động, có tư cách pháp nhân có con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng và được vay vốn đầu tư phục vụ cho công tác đào tạo nghề theo quy định hiện hành của nhà nước.
Điều 3. Cơ sở đào tạo nghề thực hiện chức năng dạy nghề, bổ túc bồi dưỡng bằng nhiều hình thức: Tổ chức học lý thuyết và thực hành theo lớp, kèm cặp tại xưởng, tại nhà, lấy thực hành là chính vừa học vừa làm, bồi dưỡng, bổ túc nghề, chuyển giao công nghệ, phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh và phương thức sản xuất tiên tiến.
Điều 4. Các cơ sở đào tạo nghề ở nêu ở Điều 1 Quy định này chịu sự quản lý của Nhà nước về đào tạo nghề của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và sự kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng thuộc UBND tỉnh.
CHƯƠNG II
ĐIỀU KIỆN THỦ TỤC THÀNH LẬP
Điều 5. Điều kiện được mở các cơ sở đào tạo nghề:
Các tổ chức Nhà nước, cá nhân muốn mở các cơ sở dạy, đào tạo nghề phải có đủ các điều kiện sau:
1- Người chịu trách nhiệm xin mở cơ sở đào tạo nghề phải là công dân Việt Nam, có trình độ quản lý, có kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ từ cao đẳng hoặc tương đương trở lên đối với nghề xin mở ( nếu là người nước ngoài thì phải tuân thủ theo quy định chung của Nhà nước ).
2- Có cơ sở vật chất phục vụ học lý thuyết và thực hành; thiết bị, phương tiện trang thiết bị kỹ thuật cần thiết phục vụ giảng dạy và học tập, bảo đảm an toàn- vệ sinh lao động.
3- Người dạy nghề phải có tiêu chuẩn sau đây:
- Người trực tiếp giảng dạy (lý thuyết) phải có tối thiểu bằng tốt nghiệp trung học kỹ thuật trở lên thuộc các chuyên ngành được đăng ký giảng dạy và chứng chỉ sư phạm.
- Người hướng dẫn thực hành phải có: Năng lực sư phạm; là công nhân có trình độ nghề cao hơn hai bậc trở lên so với trình độ nghề quy định trong mục tiêu đào tạo; có kỹ năng thực hành nghề thành thạo hoặc là nghệ nhân, chuyên gia, kỹ sư thực hành...
4- Có mức vốn phù hợp với qui mô đào tạo.
5- Nội dung chương trình giảng dạy phải phù hợp với chương trình, giáo trình chuẩn theo quy định của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ chuyên ngành (đối với nghề đã có nội dung chương trình chuẩn) và phải đăng ký với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội. Riêng các bộ môn chưa có chương trình chuẩn của Bộ chuyên ngành (dạy dưới 12 tháng) do Sở Lao động- Thương binh và Xã hội xét duyệt theo chương trình chuẩn của một số trường chuyên môn và ý kiến của Tổng cục Dạy nghề.
6- Đối với các cơ sở đào tạo nghề dành riêng cho các đối tượng xã hội như: dạy cho người tàn tật, trẻ mồ côi không có nơi nương tựa, người dân tộc được hưởng ưu đãi, theo quy định của Chính phủ.
* Các cơ sở đào tạo nghề phải đăng ký nội dung hoạt động với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và được cơ quan này cấp phép, trừ trường hợp cơ sở đào tạo nghề dưới 10 người học theo hình thức kèm cặp tại xưởng, tại nhà phải báo cho Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội và UBND phường, thị trấn, xã sở tại.
Điều 6. Hồ sơ thành lập và cấp giấy phép thành lập nghề.
1- Hồ sơ thành lập cơ sở đào tạo nghề ( trường, trung tâm, cơ sở) gồm:
-Đơn xin mở cơ sở đào tạo nghề.
- Sơ yếu lý lịch người xin mở (có xác nhận của chính quyền địa phương) kèm theo văn bằng, chứng chỉ về chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, giấy chứng nhận đủ sức khỏe do cơ quan y tế cấp.
- Dự án tổ chức hoạt động của cơ sở đào tạo nghề, bao gồm: mục tiêu đào tạo, địa điểm, qui mô, tên các nghề nhận dạy, hình thức dạy, nội dung chương trình giảng dạy, thời gian dạy, danh sách tên các phương tiện, thiết bị để dạy nghề, số lượng và tính năng kỹ thuật chủ yếu của từng loại.
- Danh sách giáo viên (kèm lý lịch, bản sao văn bằng có công chứng).
2- Hồ sơ thành lập có 02 bộ, một bộ lưu giữ tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, một bộ lưu giữ tại cơ quan có thẩm quyền ra quyết định.
3- Chậm nhất là 03 ngày sau khi nhận hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phải thông báo kết quả về việc cấp giấy dạy nghề. Giấy phép dạy nghề có giá trị trong 03 năm, hết thời hạn các cơ sở dạy nghè đến Sở Lao động- Thương binh và Xã hội gia hạn. khi cấp giấy phép hoạt động, đồng thời thông báo cho các cơ quan cùng cấp: thuế, tài chính, quản lý thị trường...để phối hợp quản lý.
* Các cơ sở đào tạo nghề theo hình thức kèm cặp tại xưởng, tại thường xuyên có dưới 10 học viên thì không phải đăng ký hoạt động.
Điều 7. Thẩm quyền thành lập và cấp giấy phép
1- UBND tỉnh quyết định thành lập, xét duyệt, phê chuẩn và ban hành Quy chế tổ chức hoạt động đối với các cơ sở đào tạo nghề Nhà nước.
- UBND tỉnh Cần Thơ ủy quyền cho UBND thành phố Cần thơ, thị xã Vị Thanh và các huyện quyết định thành lập đối với các cơ sở đào tạo nghề do UBND tỉnh phân cấp.
2- Sở Lao động- Thương binh và Xã hội là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, chủ trì phối hợp với các ngành chức năng liên quan thẩm định và hoàn chỉnh hồ sơ thành lập đối với các cơ sở đào tạo nghề thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh, có trách nhiệm thẩm định và cấp giấy chứng nhận cho cơ sở đào tạo nghề được hưởng ưu đãi theo quy định; xét cấp và thu hồi giấy phép cho tất cả các cơ sở đào tạo nghề.
3- Phòng (ban) Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố, thị xã, huyện là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, phối hợp với các ngành chức năng liên quan thẩm định và hoàn chỉnh hồ sơ thành lập của các cơ sở đào tạo nghề thuộc thẩm quyền quyền quyết định của UBND thành phố, huyện, thị xã; xét cấp giấy chứng nhận cho cơ sở dạy nghề theo hình thức kèm cặp tại xưởng, tại nhà thường xuyên, có dưới 10 người theo học (không phải đăng ký hoạt động).
4- Các trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề, cơ sở của nhà nước phải nằm trong qui hoạch mạng lưới trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề của tỉnh.
Điều 8. Về đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia tách, giải thể:
1- Việc đình chỉ hoạt động, chia tách, sáp nhập, giải thể trường địa phương do chủ tịch UBND tỉnh quyết định trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Trưởng ban Ban Tổ chức chính quyền tỉnh và thỏa thuận của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (Tổng cục Dạy nghề).
2- Việc đình chỉ hoạt động, chia tách, sáp nhập, giải thể các trung tâm dạy nghề của nhà nước thuộc tỉnh do chủ tịch UBND tỉnh quyết định trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Trưởng ban Ban Tổ chức chính quyền tỉnh .
3- Việc đình chỉ hoạt động, giải thể các cơ sở dạy nghề do Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội quyết định trên cơ sở đề nghị của các phòng, ban chức năng.
CHƯƠNG II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ SỞ ĐÀO TẠO, DẠY NGHỀ
Điều 9. Tất cả các cơ sở đào tạo nghề của Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể, tư nhân hiện đang hoạt động nhưng chưa quyết định thành lập, chưa có giấy phép hoạt động dạy nghề phải làm lại thủ tục thành lập mới theo quy định tại Điều 6, Chương II Quy định này.
Điều 10. Các cơ sở đào tạo nghề phải hoạt động theo đúng mục tiêu nội dung đã đăng ký ghi trong quyết định thành lập và quy chế tổ chức hoạt động. Trường hợp thay đổi, bổ sung nội dung hoạt động phải đăng ký bổ sung với cơ quan cấp giấy phép của tỉnh, thành phố, thị xã, huyện, hoặc báo với Phòng (ban) Lao động- Thương binh và Xã hội và UBND xã, phường, thị trấn nếu cơ sở dưới 10 người.
Các Hiệu trưởng (Giám đốc) trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề của Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội về tất cả các hoạt động có liên quan đến dạy nghề của đơn vị.
Khi cơ sở đào tạo dạy nghề của đơn vị chấm dứt hoạt động phải báo và trả lại giấy phép cho cơ quan cấp giấy phép.
Được miễn, giảm thuế theo quy định của Bộ Tài chính.
Được liên kết đào tạo nghề, bổ túc nghề, đào tạo lại nghề mới với các đơn vị trong và ngoài tỉnh nhưng phải báo cáo với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội để nhận và cấp bằng, chứng chỉ cho những người đã học nghề sau mổi khóa học theo đúng qui chế cấp bằng và chứng chỉ nghề hiện hành của Nhà nước (kể cả các cơ sở dạy nghề của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh).
Những người làm việc trong các cơ sở đào tạo nghề của Nhà nước, đoàn thể và tư nhân (có từ 10 lao động trở lên) nếu không phải là cán bộ công chức Nhà nước thì phải ký hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ bảo hiểm y tế theo quy định.
Điều 11. Tài chính của cơ sở đào tạo nghề được hình thành từ các nguồn:
- Đóng góp của học viên thông qua học phí, hợp đồng dạy nghề, bổ túc và bồi dưỡng nghề.
- Kinh phí tự có do kết hợp dạy nghề với các hoạt động sản xuất, dịch vụ khác.
- Kinh phí sự nghiệp do ngân sách cấp; thu hút vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Mọi hoạt động tài chính của cơ sở đào tạo nghề phải tuân thủ theo những qui định hiện hành của Nhà nước về quản lý hành chính.
Điều 12. Các cơ sở đào tạo nghề có trách nhiệm báo cáo định kỳ (quý, năm) và đột xuất bằng văn bản cho Sở Lao động- Thương binh và Xã hội về các hoạt động đào tạo nghề.
Điều 13. Hoạt động đào tạo nghề của các cơ sở được chấm dứt trong các trường hợp sau:
1- Hết thời hạn ghi trong giấy phép dạy nghề nhưng không đăng ký lại .
2- Bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ hoạt động do vi phạm nghiêm trọng qui chế và nội dung giấy phép dạy nghề hoặc vi phạm pháp luật của Nhà nước.
3- Trong thời gian 03 tháng kể từ ngày giấy phép hết hạn hoạt động hoặc bị thu hồi giấy phép hoạt động dạy nghề, các cơ sở phải thanh toán mọi công nợ đối với các cá nhân và tổ chức có liên quan.
CHƯƠNG IV
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO NGHỀ
Điều 14. Đối với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội.
UBND tỉnh Cần Thơ giao Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh và quản lý toàn diện đối với các cơ sở đào tạo nghề được UBND tỉnh giao quản lý trực tiếp, cụ thể:
1- Nghiên cứu, xây dựng trình UBND tỉnh ban hành các văn bản (quyết định,chỉ thị), qui chế hoặc điều lệ, tiêu chuẩn về hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề trên cơ sở, văn bản pháp luật của Nhà nước để thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp thông tin về đào tạo nghề và các văn bản có liên quan đến hoạt động đào tạo nghề.
2- Xây dựng qui hoạch hệ thống cơ sở đào tạo nghề của tỉnh; xây dựng kế hoạch dài hạn và hàng năm về đào tạo nghề; xây dựng chương trình kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nghề của tỉnh.
3- Duyệt nội dung, chương trình dạy nghề (dưới 12 tháng) đối với những môn không nằm trong chương trình chuẩn của bộ chuyên ngành; kiểm tra, hướng dẫn, giúp đỡ các cơ sở đào tạo nghề thực hiện, hoạt động đúng qui chế, nội dung chương trình đào tạo nghề và việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ và đào tạo nghề đối với cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh.
4- Chủ trì cùng các ngành chức năng xem xét và thẩm định hồ sơ để trình UBND tỉnh quyết định thành lập; giải thể các cơ sở đào tạo nghề do tỉnh quản lý. Cấp và thu hồi giấy phép dạy nghề, kiểm tra việc thanh toán công nợ của các cơ sở đào tạo nghề, tiêu chuẩn giáo viên, tiêu chuẩn trường lớp, quy chế thi tuyển, qui chế cấp các văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp cho các loại cơ sở đào tạo nghề thuộc địa phương phù hợp với quy định của Nhà nhà nước.
5- Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các qui chế của Nhà nước, uốn nắn những sai lệch hoặc đề xuất UBND tỉnh để xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật của các cơ sở đào tạo và dạy nghề.
6- Xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện kế hoạch sử dụng nguồn chính, đề án xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở đào tạo nghề, các dự án đào tạo nghề theo quy định của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng liên quan.
7- Chỉ đạo hướng dẫn các cơ sở đào tạo nghề, tổ chức hội thi, hội giảng, thi cuối khóa, công nhận tay nghề cho học viên của cơ sở đào tạo nghề; hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc thi nâng bậc nghề cho các đối tượng theo quy định của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Tổng cục Dạy nghề.
8- Có trách nhiệm tổng hợp báo cáo định kỳ và hàng năm cho Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (Tổng cục Dạy nghề), và UBND tỉnh về tình hình tổ chức, hoạt động của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
Điều 15. Đối với cấp thành phố, thị xã và các huyện:
UBND thành phố Cần Thơ, thị xã, các huyện (nơi có các cơ sở hoạt động dạy nghề), có trách nhiệm phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đào tạo nghề theo phân cấp của UBND tỉnh.
Phòng (ban) Lao động- Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp UBND thành phố, thị xã, các huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đào tạo nghề tại địa phương mình. Xác nhận đào tạo nghề theo hình thức kèm cặp tại xưởng, tại nhà thường xuyên có dưới 10 học viên.
CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Giao Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, triển khai và tổ chức thực hiện Quy định này.
Điều 17. Việc sửa đổi, bổ sung các qui định về tổ chức quản lý các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Cần Thơ do Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thống nhất với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh trình UBND tỉnh quyết định.
Trong quá trình thực hiện nếu có những vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để trình UBND tỉnh xem xét và quyết định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.