BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 369/2001/QĐ-BTP | Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ 20/2001/CT-TTG NGÀY 11 THÁNG 9 NĂM 2001 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Nghị định số 38/CP ngày 04 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 30/CP ngày 02 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên;
Căn cứ Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục quản lý thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các đồng chí Cục trưởng Cục quản lý thi hành án dân sự, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các cơ quan thi hành án, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 20/2001/CT-TTG NGÀY 11 THÁNG 9 NĂM 2001 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ "TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ"
(Ban hành kèm theo Quyết định số 369 /2001/QĐ-BTP ngày 30 tháng11 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
Để tiếp tục tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11.9.2001 của Thủ tướng Chính phủ về "tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự" như sau:
I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1- Mục đích của việc ban hành Kế hoạch là tạo cơ sở để các đơn vị trong Bộ, các Ban chỉ đạo thi hành án, các Sở Tư pháp và cơ quan thi hành án xây dựng đề án cụ thể, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ liên quan đến công tác thi hành án theo tinh thần Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác thi hành án dân sự.
2- Việc thực hiện Kế hoạch phải đạt các yêu cầu sau đây:
a- Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức xã hội và cán bộ, nhân dân trong việc thi hành nghiêm chỉnh các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, góp phần giữ vững trật tự, kỷ cương tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa;
b- Phát huy tính chủ động, sáng tạo, tận tụy trong công việc của cán bộ làm công tác thi hành án; sự phối hợp cộng đồng trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức và mọi công dân trong công tác thi hành án;
c- Tiến hành đồng bộ các giải pháp về tổ chức, biên chế nhân sự, cơ chế và cơ sở vật chất để đẩy mạnh công tác thi hành án;
d- Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, chọn địa bàn, lĩnh vực, vụ việc trọng điểm để tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm; từ đó, rút kinh nghiệm, nhân rộng điểm và diện chỉ đạo.
II- NỘI DUNG, TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
1- Thực hiện việc quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tại các địa phương.
Giám đốc Sở Tư pháp tham mưu giúp Hội đồng phối hợp công tác Phổ biến giáo dục pháp luật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc xây dựng Kế hoạch, quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về "tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự" tại địa phương từ tháng 12 năm 2001.
2- Tiếp tục việc rà soát phân loại, xử lý án tồn đọng, tạo sự chuyển biến cơ bản về thi hành án dân sự.
Cục quản lý thi hành án dân sự, Sở Tư pháp chỉ đạo cơ quan thi hành án địa phương trong quý I năm 2002 hoàn thành việc rà soát phân loại án. Đối với các vụ án có điều kiện thi hành, còn tồn đọng từ trước năm 2000 cần có biện pháp tổ chức thi hành dứt điểm xong trước quý III năm 2002.
Giám đốc Sở tư pháp chỉ đạo cơ quan thi hành án tổng hợp, báo cáo cụ thể Ban chỉ đạo thi hành án cấp tỉnh tình trạng thi hành án đối với những trường hợp bên phải thi hành án là các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội tại địa phương mình; đề xuất Ban chỉ đạo thi hành án cho ý kiến xử lý cụ thể từng trường hợp. Đối với những trường hợp có điều kiện thi hành án, thì cần có biện pháp tổ chức thi hành dứt điểm trong quý I năm 2002. Đối với những trường hợp không có điều kiện thi hành án, thì báo cáo Ban chỉ đạo thi hành án xem xét, đề nghị Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc các ngành Trung ương chỉ đạo việc hỗ trợ tài chính để bảo đảm việc thi hành án.
3- Củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức, biên chế các cơ quan thi hành án dân sự, nâng cao chất lượng đội ngũ Chấp hành viên, cán bộ làm công tác thi hành án.
3.1- Tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan thi hành án cấp tỉnh, cấp huyện và Chấp hành viên.
Cục trưởng Cục quản lý thi hành án dân sự , Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ - đào tạo và Sở Tư pháp, trong quý II năm 2002 kiện toàn xong đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan thi hành án, bổ nhiệm đủ các chức danh Trưởng Phòng thi hành án và Đội trưởng Đội thi hành án; đến hết năm 2002 không để địa phương nào còn có trường hợp Lãnh đạo cơ quan Tư pháp phải kiêm nhiệm Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự như hiện nay.
Đối với những đơn vị còn thiếu Chấp hành viên, Giám đốc Sở Tư pháp tiến hành ngay việc rà soát lại số cán bộ có đủ tiêu chuẩn để xem xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm thêm Chấp hành viên. ở những nơi thiếu nguồn tại chỗ bổ sung cán bộ, Giám đốc Sở Tư pháp có kế hoạch, chủ động đề xuất với Bộ Tư pháp, ủy ban nhân dân tăng cường cán bộ khối Nội chính cho các cơ quan thi hành án địa phương, phấn đấu từ nay đến năm 2002 đảm bảo đủ số lượng Chấp hành viên theo yêu cầu đặt ra.
3.2- Tổ chức thực hiện tuyển dụng đủ biên chế cho các cơ quan thi hành án.
Cục quản lý thi hành án dân sự; Vụ Tổ chức cán bộ - đào tạo phối hợp với Sở Tư pháp đến hết quý I năm 2002 tổ chức tuyển dụng đủ biên chế còn lại cho các cơ quan thi hành án.
Trong quý I năm 2002 Cục quản lý thi hành án dân sự chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp địa phương chỉ đạo các cơ quan thi hành án tiến hành kiểm tra toàn bộ các vụ việc có điều kiện thi hành ở từng địa phương, trên cơ sở đó có biện pháp điều động tạm thời Chấp hành viên, cán bộ thi hành án từ nơi có số lượng việc thi hành án ít đến tăng cường, hỗ trợ cho nơi có số lượng vụ việc nhiều, nhằm giải quyết có hiệu quả lượng án tồn đọng. Cục quản lý thi hành án dân sự, Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Tư pháp và Giám đốc Sở Tư pháp cần triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ, chế độ phụ cấp tạm thời cho các Chấp hành viên và cán bộ thi hành án điều động đến địa phương khác, nhằm khắc phục khó khăn, tạo điều kiện cho Chấp hành viên, cán bộ thi hành án yên tâm công tác.
3.3- Thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ Chấp hành viên và cán bộ thi hành án.
Cục trưởng Cục quản lý thi hành án dân sự, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, đào tạo, Giám đốc trường Đào tạo các chức danh Tư pháp xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án; kết hợp đào tạo nghề với việc đẩy mạnh tiêu chuẩn hoá đội ngũ Chấp hành viên. Xác định rõ cả tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và tiêu chuẩn về tác phong, đạo đức, lối sống để đặt ra kế hoạch phù hợp. Bắt đầu từ năm 2002 trở đi mỗi năm mở một lớp đào tạo Chấp hành viên cho 100 cán bộ có trình độ Đại học Luật, để tạo nguồn bổ nhiệm Chấp hành viên. Thời gian đào tạo từ 10 đến 12 tháng. Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho tất cả các Chấp hành viên mới được bổ nhiệm và tổ chức lớp tập huấn cho các Chấp hành viên và Chấp hành viên trưởng.
Trước mắt, trong quý I năm 2002, Giám đốc Sở Tư pháp cần tiến hành rà soát lại việc đào tạo, nhu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ đối với Chấp hành viên. ở những nơi số lượng Chấp hành viên chưa qua lớp đào tạo nghiệp vụ chuyên môn còn nhiều, cần đề nghị Trường Đào tạo các chức danh Tư pháp, Cục quản lý thi hành án dân sự phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Chấp hành viên tại địa phương hoặc từng khu vực, đảm bảo việc bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ Chấp hành viên làm công tác thi hành án được thường xuyên, toàn diện.
4- Tăng cường công tác kiểm tra, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ làm công tác thi hành án dân sự.
4.1- Cục quản lý thi hành án dân sự và Thanh tra Bộ tiếp tục công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong công tác thi hành án dân sự. Giám đốc Sở Tư pháp có kế hoạch chỉ đạo cơ quan thi hành án định kỳ hàng năm tiến hành kiểm tra chéo, nhằm phát hiện những sai sót, vi phạm trong hoạt động thi hành án. Sau kiểm tra tổ chức rút kinh nghiệm, uốn nắn những thiếu sót, hạn chế những sai phạm trong công tác thi hành án.
4.2- Ban hành và tổ chức thực hiện Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên.
Để nâng cao tinh thần trách nhiệm, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của Chấp hành viên, Bộ Tư pháp ban hành Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên. Cục trưởng Cục quản lý thi hành án dân sự và Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm quán triệt triển khai thực hiện đến các cơ quan thi hành án và Chấp hành viên trong cả nước.
4.3- Thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ với dân.
Cục Trưởng Cục quản lý thi hành án dân sự, Giám đốc Sở Tư pháp thường xuyên có kế hoạch, chỉ đạo công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Quy chế dân chủ với dân. Những trường hợp Chấp hành viên vi phạm Quy chế dân chủ với dân, thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ, năng lực yếu, vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục thi hành án thì kịp thời xem xét, đề nghị miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ thi hành án thoái hoá, biến chất, tham ô, hối lộ, sách nhiễu gây phiền hà cho dân.
4.4- Giải quyết kịp thời, dứt điểm các khiếu nại, tố cáo về công tác thi hành án dân sự.
Cục trưởng Cục quản lý thi hành án dân sự, Chánh Thanh tra Bộ và Giám đốc Sở Tư pháp phối hợp chỉ đạo cơ quan thi hành án địa phương giải quyết kịp thời, dứt điểm các khiếu nại, tố cáo của công dân, tránh việc khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Định kỳ thành lập Đoàn kiểm tra trực tiếp làm việc tại địa phương xem xét, giải quyết dứt điểm ngay tại chỗ các khiếu nại, tố cáo của dân, kiên quyết xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân.
5- Họp liên ngành giao ban rút kinh nghiệm về công tác thi hành án và kiểm tra liên ngành về công tác thi hành án dân sự.
5.1- Họp liên ngành, giao ban thường kỳ về công tác thi hành án.
Hàng năm, Bộ Tư pháp có kế hoạch phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tổng cục Địa chính...tổ chức cuộc họp giao ban về công tác thi hành án dân sự, trong đó tập trung xem xét đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện quyết định kháng nghị và yêu cầu hoãn thi hành án, về bảo vệ cưỡng chế thi hành án; thảo luận biện pháp giải quyết những vướng mắc, khắc phục thiếu sót, thống nhất chỉ đạo thực hiện công tác thi hành án đạt hiệu quả.
Trong quý I năm 2002, Cục quản lý thi hành án dân sự chuẩn bị nội dung cuộc họp liên ngành giữa Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, nhằm rút kinh nghiệm việc yêu cầu hoãn và thực hiện kháng nghị về thi hành án
5.2- Triển khai kế hoạch kiểm tra liên ngành về công tác thi hành án.
Cục quản lý thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan của Viện kiểm sát nhân dân tối cao hàng năm tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác thi hành án.
Cục quản lý thi hành án dân sự chủ động phối hợp với Vụ kiểm sát thi hành án - Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng kế hoạch tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác thi hành án dân sự tại một số địa phương vào tháng 12 .2001.
6- Thành lập Ban chỉ đạo thi hành án các cấp, ban hành và hướng dẫn Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành án.
6.1- Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp về Quy chế tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành án, Giám đốc Sở Tư pháp chủ động tham mưu, đề nghị Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong tháng 12 năm 2001 triển khai thực hiện Quy chế tổ chức hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành án cấp tỉnh và huyện trên địa bàn địa phương mình.
6.2- ở những nơi chưa thành lập Ban chỉ đạo thi hành án, căn cứ văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp về việc thành lập Ban chỉ đạo thi hành án, trong quý IV năm 2001 Giám đốc Sở Tư pháp có kế hoạch chủ động liên hệ với các ngành, cơ quan hữu quan chuẩn bị nhân sự, báo cáo Chủ tịch ủy ban nhân dân thành lập Ban chỉ đaọ thi hành án của cấp tỉnh, đồng thời hướng dẫn các cơ quan Tư pháp cấp huyện có kế hoạch đề nghị ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Ban chỉ đạo công tác thi hành án.
6.3- Giám đốc Sở Tư pháp chỉ đạo cơ quan thi hành án địa phương chủ động đề nghị Ban chỉ đạo thi hành án có biện pháp xử lý nghiêm đối với những công dân, cơ quan, tổ chức... có điều kiện thi hành án, nhưng cố tình dây dưa, không chịu thi hành bản án; đề nghị Ban chỉ đạo thi hành án báo cáo Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân và Lãnh đạo khối Nội chính chỉ đạo các ngành Toà án, Công an, Kiểm sát ở địa phương lựa chọn một số vụ điển hình về hành vi cản trở, chống đối việc thi hành án mà có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm để truy tố, đưa ra xét xử lưu động, tuyên truyền rộng rãi, làm gương cho các đối tượng khác.
7- Thực hiện từng bước phân cấp cho địa phương trong công tác thi hành án dân sự.
7.1- Việc phân cấp cho địa phương trong công tác thi hành án dân sự.
Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Cục quản lý thi hành án dân sự phối hợp với các đơn vị hữu quan trong Bộ đề xuất các phương án trình Lãnh đạo Bộ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định cụ thể. Trong tháng 12 năm 2001 Cục quản lý thi hành án dân sự hoàn chỉnh Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc chuyển giao cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trực tiếp đôn đốc thi hành những vụ việc đơn giản, số tiền, tài sản thi hành án có giá trị không quá 500.000 đồng, để ban hành và bắt đầu thực hiện từ ngày 01.01.2002.
Cục quản lý thi hành án dân sự khẩn trương biên soạn tài liệu cung cấp cho các địa phương để tổ chức tập huấn cho cán bộ xã, phường về nội dung Thông tư nói trên.
7.2- Để tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí cho các ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác, trực tiếp đôn đốc việc thi hành án, trong tháng 12 năm 2001, Cục quản lý thi hành án dân sự, Vụ kế hoạch, Tài chính - Bộ Tư pháp phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Tài chính hoàn chỉnh, trình Lãnh đạo hai ngành ký Thông tư hướng dẫn việc trích lại cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn số tiền mà cơ quan này trực tiếp đôn đốc thi hành án và đã thu được cho ngân sách nhà nước, để hỗ trợ cho công tác thi hành án tại cơ sở; Thông tư hướng dẫn việc quản lý tài chính về tạm ứng kinh phí cưỡng chế thi hành án; chi phí tổ chức thi hành án đối với các trường hợp cơ quan thi hành án tiến hành thủ tục thu tài sản nộp ngân sách nhà nước.
8- Phổ biến tuyên truyền pháp luật về thi hành án.
Vụ Phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật, Báo Pháp luật và Tạp chí Dân chủ - Pháp luật giúp Hội đồng phối hợp công tác Phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ, phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Văn hoá Thông tin, Đài phát thanh truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam..., trong tháng 12 năm 2001 xây dựng Đề án tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thi hành án, mở mục giải đáp pháp luật về thi hành án dân sự trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, thực hiện các phóng sự điều tra về thi hành án dân sự; phát hành tài liệu, cung cấp cho tủ sách xã, phường hướng dẫn ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện đôn đốc thi hành án.
Sở Tư pháp phối hợp với Sở Văn hoá Thông tin, Đài phát thanh truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng khác giúp Hội đồng phối hợp công tác Phổ biến giáo dục pháp luật mở đợt tuyên truyền sâu rộng về pháp luật thi hành án đến tận cơ sở.
9- Xây dựng kho tang tài vật, phục vụ công tác thi hành án dân sự.
Cục quản lý thi hành án dân sự, Vụ Kế hoạch - Tài chính phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành trong quý I năm 2002 Đề án về kế hoạch xây dựng kho tang tài vật phục vụ cho công tác thi hành án theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
10- Tăng cường công tác bảo vệ, bảo đảm cho việc cưỡng chế thi hành án.
Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ công an chỉ đạo cơ quan tư pháp và Công an các cấp có biện pháp tăng cường công tác bảo vệ, bảo đảm cho việc cưỡng chế thi hành án. Quý II năm 2002 Cục quản lý thi hành án dân sự chủ động phối hợp với Vụ kiểm sát thi hành án - Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cục Cảnh sát bảo vệ - Bộ Công an, tiến hành sơ kết công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự, chuẩn bị nội dung cuộc họp của Lãnh đạo ba ngành, để rút kinh nghiệm về việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự.
ở địa phương, Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan thường xuyên rút kinh nghiệm về công tác bảo vệ thi hành án.
11- Xây dựng Đề án về Cảnh sát Tư pháp bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự.
Vụ pháp luật Hành chính - Hình sự, Cục quản lý thi hành án dân sự và Viện nghiên cứu khoa học pháp lý giúp Lãnh đạo Bộ Tư pháp chủ động phối hợp với các đơn vị hữu quan thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Cảnh sát Tư pháp.
12- Bổ sung kinh phí, đảm bảo phương tiện cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho các cơ quan thi hành án.
Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục quản lý thi hành án dân sự chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoach - Đầu tư, Bộ Tài chính lập Đề án cân đối, bổ sung nguồn kinh phí, xác định tiến độ, để từ nay đến năm 2003 hoàn thành việc xây dựng nơi làm việc của các cơ quan thi hành án trong toàn quốc, trang bị đủ phương tiện làm việc cần thiết cho các cơ quan thi hành án, trước hết ưu tiên đối với những địa phương có lượng án lớn, phức tạp. Đề án phải được hoàn thành, trình Lãnh đạo Bộ Tư pháp và các ngành liên quan vào quý I năm 2002.
13- Hoàn thiện cơ sở pháp lý, nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác thi hành án dân sự, góp phần giải quyết tình trạng án tồn đọng.
Cục quản lý thi hành án dân sự, Vụ pháp luật dân sự kinh tế, Viện nghiên cứu khoa học pháp lý cùng Tổ biên tập Dự thảo Pháp lệnh thi hành án dân sự sửa đổi phối hợp với các đơn vị có liên quan trong Bộ, các ngành, cơ quan hữu quan, tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án "Pháp lệnh thi hành án dân sự sửa đổi" và các văn bản hướng dẫn thi hành, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Pháp lệnh trong quí I năm 2002. Tiếp tục nghiên cứu đẩy nhanh tiến độ soạn thảo dự án Luật thi hành án.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN;
Trên cơ sở nội dung, biện pháp, tiến độ thực hiện được quy định tại bản Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì phải lập kế hoạch cụ thể, đề ra các giải pháp để hoàn thành đúng thời hạn.
Cục quản lý thi hành án dân sự, Văn phòng Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc đảm bảo thực hiện kịp thời, đúng tiến độ, nội dung Kế hoạch báo cáo Lãnh đạo Bộ về kết quả thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch này.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.