UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 36/2006/QĐ-UBND | Yên Bái, ngày 25 tháng 01 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI.
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 179/1999/NĐ - CP ngày 30 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ Qui định việc thi hành Luật Tài nguyên nước;
Căn cứ Nghị định số 149/2004/NĐ - CP ngày 27 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ Quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;
Căn cứ Nghị định số 34/2005/NĐ - CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước;
Căn cứ Thông tư số 02/2005/TT – BTNMT ngày 24 tháng 6 năm 2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 149/2004/NĐ - CP ngày 27 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 05/2005/TT – BTNMT ngày 22 tháng 7 năm 2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 34/2005/NĐ - CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại tờ trình số 13 /TTr- STNMT ngày 19 tháng 01 năm 2006,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Điều 2. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký, các quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái căn cứ quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 36/2006/QĐ-UBND ngày 25 tháng 01 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định việc quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; cấp phép hoạt động về tài nguyên nước và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong bản Qui định này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- “Nguồn nước” chỉ các dạng tích tụ nước tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác, sử dụng được, bao gồm sông, suối, kênh, rạch; biển, hồ, đầm, ao; các tầng chứa nước dưới đất; mưa, băng, tuyết và các dạng tích tụ nước khác.
- “Nước mặt” là nước tồn tại trên mặt đất liền hoặc hải đảo.
- “Nước dưới đất” là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới mặt đất.
- “Nước sinh hoạt” là nước dùng cho ăn uống, vệ sinh con người.
- “Phát triển tài nguyên nước” là biện pháp nhằm nâng cao khả năng khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước và nâng cao giá trị của tài nguyên nước.
- “Bảo vệ tài nguyên nước” là biện pháp phòng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, bảo đảm an toàn nguồn nước và bảo vệ khả năng phát triển tài nguyên nước.
- “Vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước” là vùng phụ cận khu vực lấy nước từ nguồn nước được quy định phải bảo vệ để phòng, chống ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.
- “Ô nhiễm nguồn nước” là sự thay đổi tính chất vật lý, tính hoá học, thành phần sinh học của nước vi phạm tiêu chuẩn cho phép.
- “Giấy phép về tài nguyên nước” bao gồm giấy phép thăm dò nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; giấy phép về các hoạt động phải xin phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
- “Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước” là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của nguồn nước.
- “Địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn” là địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có kết cấu hạ tầng chưa phát triển, vùng có điều kiện tự nhiên không thuận lợi.
- “Địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn” là địa bàn vùng dân tộc thiểu số ở miền núi cao, hải đảo, vùng có kết cấu hạ tầng yếu kém, vùng có điều kiện tự nhiên rất không thuận lợi.
Chương II
BẢO VỆ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC
Điều 3. Trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước.
1. Các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi cá nhân (sau đây gọi chung là các tổ chức, cá nhân) có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước.
2. Tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải tuân thủ theo quy định về phòng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước theo quy định của pháp luật và các quy định tại Quyết định này.
Điều 4. Bảo vệ nguồn nước
1. Bảo vệ vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước để phòng, chống ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.
Cấm xây dựng bất kỳ loại công trình nào cho người ở, kể cả công nhân quản lý. Cấm xả nước thải, tắm giặt, bắt cá, chăn thả trâu bò. Cấm sử dụng hoá chất độc, phân hữu cơ và các loại phân khoáng để bón cây trong phạm vi quy định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt cụ thể như sau:
a) Đối với khu vực lấy nước là sông, suối:
- Cách công trình thu về phía thượng lưu không nhỏ hơn 200 m, về phía hạ lưu không nhỏ hơn 100 m.
- Cách bờ sông phía có công trình thu tính từ mức nước cao nhất, không nhỏ hơn 100 m.
- Cách bờ sông về phía đối diện với công trình thu không nhỏ hơn 50 m tính từ mực nước cao nhất khi chiều rộng qua sông nhỏ hơn 100 m và cách công trình thu không nhỏ hơn 100 m khi chiều rộng của sông lớn hơn 100 m.
b) Đối với khu vực lấy nước là đầm, hồ:
- Theo mặt nước, cách công trình thu về mỗi hướng lớn hơn 100 m;
- Cách bờ hồ về phía có công trình thu không nhỏ hơn 100 m tính từ mực nước cao nhất.
c) Đối với khu vực khai thác nước ngầm:
Cách công trình thu theo bán kính không nhỏ hơn 50 m, đối với công trình thu có công suất nhỏ (dưới 200 m3/ngày đêm). Đối với công trình thu đặt ở vị trí không bị tác động ô nhiễm thì khoảng cách từ công trình thu đến giới hạn được phép giảm xuống 15 m.
2. Bảo vệ nguồn nước khác
a) Cấm việc đưa vào nguồn nước các chất thải độc hại, nước thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn cho phép theo quy định về bảo vệ môi trường.
b) Cấm các hành vi san lấp ao, hồ, sông, suối trái phép gây bồi lắng, ách tắc dòng chảy.
Điều 5. Nguyên tắc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất
1. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh (trừ những trường hợp nêu tại Điều 6 Quy định này) phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
2. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải tuân theo quy hoạch lưu vực sông đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm tính hệ thống của lưu vực sông, không chia cắt theo địa giới hành chính.
3. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải gắn với việc bảo vệ, phát triển rừng và khả năng tái tạo nguồn nước; thực hiện khai thác, sử dụng tổng hợp, tiết kiệm, an toàn và có hiệu quả nguồn nước.
4. Các dự án khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phải có các biện pháp đảm bảo đời sống dân cư, quốc phòng, an ninh; bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh và môi trường.
5. Nước có chất lượng tốt được ưu tiên cho mục đích phục vụ sinh hoạt.
6. Lượng nước dưới đất khai thác trong một vùng không được vượt quá trữ lượng được phép khai thác. Tại vùng khai thác nước đã đạt tới trữ lượng được phép khai thác thì không được mở rộng quy mô khai thác nếu chưa được bổ sung nguồn nước.
Điều 6. Đối tượng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không phải xin phép
1. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trong phạm vi gia đình có quy mô nhỏ không vượt quá:
a) 0,02 m3/s đối với khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp;
b) Công suất lắp máy đến 50 KW đối với khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện không có chuyển đổi dòng chảy;
c) 100 m3/ngày đêm đối với khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích khác;
d) 20 m3/ngày đêm đối với khai thác, sử dụng nước dưới đất;
đ) 10 m3/ngày đêm đối với xả nước thải.
2. Khai thác, sử dụng nước từ các ao, hồ tự nhiên được hình thành từ nước mưa trong phạm vi đất được giao, được thuê hoặc được quyền sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai.
3. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước không nhằm mục đích kinh doanh phục vụ các hoạt động lâm nghiệp, giao thông thuỷ, nuôi trồng thuỷ sản, thể thao, giải trí, du lịch (cụ thể như hội thao, hội diễn, liên hoan, lễ hội có tính chất đột xuất ít ngày), y tế, an dưỡng, nghiên cứu khoa học.
4. Khai thác nước dưới đất từ các công trình thay thế có quy mô không lớn hơn và mực nước hạ thấp nhỏ hơn giới hạn cho phép đã được xác định trong giấy phép, nằm trong khu vực đã được cấp phép.
5. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho mục đích sinh hoạt tại các cơ quan, tổ chức có quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm.
6. Xả nước thải sinh hoạt vào nguồn nước của các cơ quan, tổ chức có quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm.
Chương III
CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC
Điều 7. Thẩm quyền cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ hiệu lực và thu hồi giấy phép hoạt động về tài nguyên nước.
1. Thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ hiệu lực và thu hồi giấy phép được thực hiện theo Điều 13 Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước (sau đây gọi chung là giấy phép hoạt động về tài nguyên nước). Cụ thể trong các trường hợp sau:
a) Thăm dò, khai thác nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng nhỏ hơn 3.000 m3/ngày đêm;
b) Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp với lưu lượng nhỏ hơn 2 m3/giây;
c) Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất nhỏ hơn 2.000 KW
d) Khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích khác với lưu lượng nhỏ hơn 50.000 m3/ngày đêm;
đ) Xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nhỏ hơn 5.000 m3/ngày đêm;
g) Hành nghề khoan nước dưới đất có phạm vi hoạt động trong tỉnh Yên Bái.
2. Các trường hợp không thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh, (thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường) được thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.
3. Cơ quan tiếp nhận và quản lý hồ sơ, giấy phép
a) Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tiếp nhận và quản lý hồ sơ, giấy phép hoạt động về tài nguyên nước do Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp;
b) Các trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hồ sơ nộp về Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời nộp 1 (một) bộ hồ sơ tại Sở Tài nguyên và Môi trường.
Điều 8. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan cấp phép
Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan cấp phép hoạt động về tài nguyên nước được thực hiện theo Điều 15 Nghị định số149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. Cụ thể như sau:
1. Cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép; đình chỉ hiệu lực, thu hồi giấy phép theo đúng thẩm quyền quy định tại Điều 7 của Quy định này.
2. Thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân xin phép, nêu rõ lý do trong trường hợp từ chối cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép.
3. Thanh tra, kiểm tra việc chủ giấy phép thực hiện nghĩa vụ quy định tại Điều 11 của Quy định này.
Điều 9. Trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan tiếp nhận và quản lý hồ sơ, giấy phép
Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tiếp nhận và quản lý hồ sơ, giấy phép có trách nhiệm và quyền hạn sau đây:
1. Tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn thủ tục xin cấp phép.
2. Yêu cầu tổ chức, cá nhân xin cấp phép bổ sung hồ sơ theo quy định.
3. Thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định.
4. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp phép đối với giấy phép hoạt động về tài nguyên nước thuộc thẩm quyền cấp phép của Uỷ ban nhân dân tỉnh, hoặc có ý kiến bằng văn bản, gửi Cục Quản lý tài nguyên nước đối với giấy phép hoạt động về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền cấp phép thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 10. Quyền của chủ giấy phép
Chủ giấy phép có các quyền sau đây:
1. Được thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất theo quy định của giấy phép.
2. Được Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp quy định trong giấy phép.
3. Được Nhà nước bồi thường thiệt hại trong trường hợp giấy phép bị thu hồi trước thời hạn vì lý do phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định của pháp luật.
4. Được quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân bồi thường thiệt hại đối với các quyền, lợi ích hợp pháp của mình về thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất theo quy định của pháp luật.
5. Đề nghị cơ quan cấp giấy phép gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép theo quy định.
6. Trả lại giấy phép theo quy định.
7. Khiếu nại, khởi kiện các hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất theo quy định của pháp luật.
8. Sử dụng dữ liệu, thông tin về tài nguyên nước theo quy định hiện hành.
9. Chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản đầu tư vào việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất theo quy định của pháp luật.
10. Tổ chức, cá nhân được phép hành nghề khoan nước dưới đất được tham gia đấu thầu các công trình thăm dò, khai thác nước dưới đất.
Điều 11. Nghĩa vụ của chủ giấy phép
Chủ giấy phép có các nghĩa vụ sau đây:
1. Chấp hành quy định của pháp luật về tài nguyên nước và quy định trong giấy phép.
2. Nộp lệ phí cấp phép thăm dò nước dưới đất; lệ phí cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất; nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; bồi thường thiệt hại do mình gây ra theo quy định của pháp luật.
3. Không cản trở hoặc gây thiệt hại đến việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
4. Bảo vệ nguồn nước tại khu vực thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
5. Cung cấp đầy đủ và trung thực dữ liệu, thông tin về tài nguyên nước tại khu vực mình thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
6. Thực hiện các biện pháp an toàn, phòng ngừa, khắc phục sự cố trong quá trình thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất, báo cáo kịp thời với cơ quan cấp giấy phép để có biện xử lý thích hợp.
7. Có biện pháp giám sát quá trình thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường.
8. Không được tự ý tháo dỡ, phá huỷ các công trình, thiết bị thuộc sở hữu toàn dân liên quan đến thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; khi giấy phép chấm dứt hiệu lực trong thời hạn sáu mươi (60) ngày, phải di chuyển toàn bộ tài sản của mình, của các bên liên quan ra khỏi khu vực thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất; phục hồi môi trường và đất đai theo quy định của pháp luật.
9. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân mà cơ quan quản lý nhà nước cho phép thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra, đánh giá nguồn nước tại khu vực đã được cấp phép của mình.
10. Các tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất phải thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ 06 tháng một lần và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu hoặc có sự cố xảy ra.
11. Tổ chức, cá nhân được phép hành nghề khoan nước dưới đất phải tuân thủ quy trình kỹ thuật khoan, các quy định ghi trong giấy phép và quy định bảo vệ tài nguyên nước dưới đất. Không khoan thăm dò, khoan khai thác nước dưới đất cho các tổ chức, cá nhân chưa được cấp giấy phép thăm dò, khai thác nước dưới đất.
Điều 12. Điều kiện để được cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất
Tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất phải có các điều kiện sau:
1. Năng lực nghề nghiệp của cán bộ kỹ thuật:
a) Đối với hành nghề khoan bằng máy thủ công, khoan tay các lỗ khoan nông, chiều sâu lỗ khoan nhỏ hơn 50 m, đường kính nhỏ hơn 60 mm, người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật phải có trình độ tối thiểu trung cấp các chuyên ngành địa chất, có ít nhất một năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề, hoặc là công nhân có tay nghề bậc 3/7 hoặc tương đương và có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề; có khả năng thiết kế, chỉ đạo thi công các giếng khoan thăm dò, khai thác nước;
b) Đối với hành nghề khoan bằng máy thủ công lỗ khoan có đường kính đến 110 mm, chiều sâu lỗ khoan lớn hơn 50 người chịu kỹ thuật phải là kỹ sư các chuyên ngành địa chất, có ít nhất một năm kinh nghiệm hoặc trung cấp địa chất có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề; có khả năng thiết kế và chỉ dạo thi công các giếng khoan thăm dò, khai thác; hiểu biết về kỹ thuật cách ly tầng chứa nước và bảo về nước dưới đất; có khả năng lập báo cáo kết quả thăm dò, khai thác nước dưới đất có quy mô nhỏ;
c) Đối với hành nghề khoan công trình có quy mô vừa và lớn bằng máy khoan công nghiệp, người chỉ đạo kỹ thuật phải có trình độ tối thiểu là kỹ sư chính chuyên ngành địa chất thuỷ văn; có khả năng lập đề án thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khoan khai thác, chỉ đạo thi công và lập báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất; có hiểu biết về điều kiện địa chất thuỷ văn khu vực; được thủ trưởng đơn vị đề cử bằng văn bản.
2. Máy, thiết bị thi công khoan phải đảm bảo các tính năng kỹ thuật và an toàn lao động theo quy định hiện hành.
Điều 13. Thời hạn, gia hạn giấy phép hoạt động về tài nguyên nước
1. Thời hạn của giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt không quá hai mươi (20) năm và được xem xét gia hạn nhưng thời gian gia hạn không quá mười (10) năm.
2. Thời hạn của giấy phép thăm dò nước dưới đất không quá ba (3) năm và được xem xét gia hạn nhưng thời gian gia hạn không quá hai (2) năm.
3. Thời hạn của giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất không quá mười lăm (15) năm và được xem xét gia hạn nhưng thời gian gia hạn không quá mười (10) năm.
4. Thời hạn của giấy phép xả nước thải vào nguồn nước không quá mười (10) năm và được xem xét gia hạn nhưng thời gian gia hạn không quá năm (5) năm.
5. Thời hạn giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất không quá năm (5) năm và được xem xét gia hạn nhưng thời gian gia hạn không quá hai (2) năm.
6. Việc gia hạn giấy phép hoạt động về tài nguyên nước phải căn cứ vào các điều kiện sau:
a) Tại thời điểm xin gia hạn, chủ giấy phép đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại Điều 11 của Quy định này;
b) Giấy phép hoạt động về tài nguyên nước còn hiệu lực không ít hơn ba (3) tháng tại thời điểm xin gia hạn.
Điều 14. Thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép hoạt động về tài nguyên nước
Việc thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
1. Đối với giấy phép thăm dò nước dưới đất:
a) Điều kiện mặt bằng không cho phép thi công một số hạng mục trong đề án thăm dò đã được phê duyệt;
b) Có sự khác biệt giữa cấu trúc địa chất thuỷ văn thực tế và cấu trúc địa chất thuỷ văn dự kiến trong đề án thăm dò đã được phê duyệt;
c) Khối lượng các hạng mục thăm dò thay đổi vượt quá 10% so với khối lượng tương ứng đã được phê duyệt.
2. Đối với giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước:
a) Nguồn nước không bảo đảm việc cung cấp nước bình thường;
b) Nhu cầu khai thác, sử dụng nước tăng mà chưa có biện pháp xử lý, bổ sung nguồn nước;
c) Xảy ra các tình huống đặc biệt cần phải hạn chế việc khai thác, sử dụng nước;
d) Khai thác nước gây sụt lún mặt đất, biến dạng công trình, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước dưới đất.
3. Đối với giấy phép xả nước thải vào nguồn nước:
a) Nguồn nước không còn khả năng tiếp nhận nước thải;
b) Nhu cầu xả nước thải tăng mà chưa có biện pháp xử lý, khắc phục;
c) Xảy ra các tình huống đặc biệt cần hạn chế việc xả nước thải vào nguồn nước.
Điều 15. Đình chỉ hiệu lực giấy phép
1. Giấy phép bị đình chỉ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
a) Chủ giấy phép vi phạm nội dung quy định của giấy phép;
b) Chủ giấy phép tự ý chuyển nhượng giấy phép;
c) Chủ giấy phép lợi dụng giấy phép để tổ chức hoạt động không đúng quy định trong nội dung giấy phép .
2. Trong thời hạn giấy phép bị đình chỉ hiệu lực, thì chủ giấy phép không có các quyền liên quan đến giấy phép.
Điều 16. Thu hồi giấy phép
1. Việc thu hồi giấy phép được thực hiện trong các trường hợp sau:
a) Tổ chức là chủ giấy phép bị giải thể hoặc bị Toà án tuyên bố phá sản; cá nhân là chủ giấy phép bị chết hoặc bị Toà án tuyên bố bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị tuyên bố mất tích;
b) Giấy phép được cấp nhưng không sử dụng trong thời gian mười hai (12) tháng liên tục mà không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về tài nguyên nước cho phép;
c) Chủ giấy phép vi phạm quyết định đình chỉ hiệu lực của giấy phép;
d) Chủ giấy phép vi phạm nội dung quy định của giấy phép, gây cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước;
đ) Giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền,
e) Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi giấy phép vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
2. Trong trường hợp giấy phép bị thu hồi do vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều này, chủ giấy phép chỉ được xem xét cấp giấy phép mới sau ba (3) năm, kể từ ngày thu hồi, nếu đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến lý do thu hồi giấy phép cũ.
3. Trong trường hợp giấy phép bị thu hồi theo quy định tại các điểm đ và e khoản 1 Điều này thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tài nguyên nước xem xét việc cấp giấy phép mới.
4. Đối với những trường hợp bị thu hồi giấy phép theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều này, cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép có trách nhiệm thông báo cho chủ giấy phép biết trước ba mươi (30) ngày.
Điều 17. Trả lại giấy phép
1. Trường hợp không sử dụng giấy phép, chủ giấy phép có quyền trả lại giấy phép cho cơ quan cấp phép, đồng thời có văn bản giải trình lý do cho cơ quan cấp phép.
2. Tổ chức, cá nhân đã trả lại giấy phép chỉ được xem xét cấp giấy phép mới sau hai (2) năm, kể từ ngày trả lại giấy phép.
Điều 18. Chấm dứt hiệu lực của giấy phép
1. Giấy phép bị chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
a) Giấy phép bị thu hồi;
b) Giấy phép đã hết hạn;
c) Giấy phép đã được trả lại.
2. Khi giấy phép bị chấm dứt hiệu lực thì các quyền liên quan đến giấy phép cũng đương nhiên bị chấm dứt.
Điều 19. Hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép hoạt động về tài nguyên nước
1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép;
b) Đề án thăm dò nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng từ 200 m3/ngày đêm trở lên; thiết kế giếng thăm dò đối với công trình có lưu lượng nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm;
c) Bản sao có công chứng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai tại nơi thăm dò nước dưới đất, hoặc văn bản của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng đất để thăm dò.
d) Bản đồ địa hình khu vực và vị trí công trình thăm dò nước dưới đất có tỷ lệ nhỏ tối thiểu đến 1/50.000 theo hệ toạ độ VN 2000.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép;
b) Đề án khai thác nước dưới đất;
c) Bản đồ địa hình khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất có tỷ lệ nhỏ tối thiểu đến 1/50.000 theo hệ toạ độ VN 2000;
d) Báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất đối với trường hợp công trình có lưu lượng từ 200 m3/ngày đêm trở lên; báo cáo kết quả thi công giếng khai thác đối với công trình có lưu lượng nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm; báo cáo hiện trạng khai thác đối với trường hợp công trình khai thác nước dưới đất đang hoạt động;
đ) Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước cho mục đích sử dụng theo quy định của Nhà nước tại thời điểm xin cấp phép;
e) Bản sao có công chứng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai tại nơi đặt giếng khai thác. Trường hợp đất nơi đặt giếng khai thác không thuộc quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân xin phép thì phải có văn bản thoả thuận về sử dụng đất giữa tổ chức, cá nhân khai thác với tổ chức, cá nhân đang có quyền sử dụng đất, được Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi đặt công trình xác nhận.
3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép;
b) Đề án khai thác nước, sử dụng nước kèm theo quy trình vận hành đối với trường hợp chưa có công trình khai thác; báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước đối với trường hợp đang có công trình khai thác;
c) Bản đồ địa hình khu vực và vị trí công trình khai thác nước mặt có tỷ lệ nhỏ tối thiểu đến 1/50.000 theo hệ toạ độ VN 2000;
d) Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước cho mục đích sử dụng theo quy định của Nhà nước tại thời điểm xin cấp phép;
đ) Bản sao có công chứng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai tại nơi đặt công trình khai thác. Trường hợp đất nơi đặt công trình khai thác không thuộc quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân xin phép thì phải có văn bản thoả thuận về sử dụng đất giữa tổ chức, cá nhân khai thác với tổ chức, cá nhân đang có quyền sử dụng đất, được Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi đặt công trình xác nhận.
4. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép;
b) Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước nơi tiếp nhận nước thải theo quy định của Nhà nước tại thời điểm xin cấp phép;
c) Quy định vùng bảo hộ vệ sinh (nếu có) do cơ quan có thẩm quyền quy định tại nơi dự kiến xả nước thải;
d) Đề án xả nước thải vào nguồn nước, kèm theo quy trình vận hành đối với hệ thống xử lý nước thải đối với trường hợp chưa có công trình xử lý nước thải; báo cáo hiện trạng xả nước thải, kèm theo kết quả phân tích thành phần nước thải và giấy xác nhận đã nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trong trường hợp đang xả nước thải và đã có công trình xử lý nước thải;
đ) Bản đồ địa hình khu vực và vị trí xả nước thải vào nguồn nước có tỷ lệ nhỏ tối thiểu đến 1/50.000 theo hệ toạ độ VN 2000;
e) Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
g) Bản sao có công chứng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai tại nơi đặt công trình xả nước thải. Trường hợp đất nơi đặt công trình xả nước thải không thuộc quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân xin phép thì phải có văn bản thoả thuận về sử dụng đất giữa tổ chức, cá nhân xả nước thải với tổ chức, cá nhân đang có quyền sử dụng đất, được Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi đặt công trình xác nhận.
5. Hồ sơ đề nghị gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước bao gồm:
a) Đơn đề nghị gia hạn, hoặc thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép;
b) Giấy phép đã được cấp;
c) Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước theo quy định của nhà nước tại thời điểm xin gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép;
d) Báo cáo việc thực hiện các quy định trong giấy phép;
đ) Đề án thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong trường hợp đề nghị điều chỉnh nội dung giấy phép;
e) Bản đồ địa hình khu vực hoạt động tài nguyên nước có tỷ lệ nhỏ tối thiểu đến 1/50.000 theo hệ toạ độ VN 2000, (áp dụng đối với những trường hợp đề nghị gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước có sự thay đổi phạm vi, vị trí hoạt động so với giấy phép cũ)
6. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất bao gồm:
a) Đơn xin phép hành nghề khoan nước dưới đất.;
b) Bản sao có công chứng quyết định thành lập tổ chức hoặc đăng ký kinh doanh có thẩm quyền;
c) Bản tường trình năng lực kỹ thuật.
7. Hồ sơ đề nghị gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất bao gồm:
a) Thống kê các công trình đã thi công;
b) Báo cáo thay đổi về nhân lực, thiết bị chuyên môn của đơn vị.
8. Mẫu hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép hoạt động về tài nguyên nước được quy định trong phụ lục danh mục mẫu hồ sơ cấp phép kèm theo quy định này.
9. Các tài liệu về thăm dò, khảo sát địa hình, địa chất, địa chất thuỷ văn, thuỷ văn, khí tượng, chất lượng nước và các tài liệu khác sử dụng để lập đề án, báo cáo của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải được tổ chức có tư cách pháp lý về các lĩnh vực nêu trên cung cấp; đề án, báo cáo thăm dò nước dưới đất trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò, khai thác nước dưới đất phải được cơ quan cấp phép phê duyệt.
10. Việc xây dựng đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải tuân theo các quy chuẩn, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; nếu áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật nước ngoài thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép áp dụng.
Điều 20. Trình tự cấp giấy phép hoạt động về tài nguyên nước
1. Tiếp nhận hồ sơ.
Tổ chức, cá nhân xin cấp phép, điều chỉnh nội dung giấy phép hoạt động về tài nguyên nước gửi hồ sơ tới cơ quan tiếp nhận và quản lý hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Quy định này,
2. Thời gian thẩm định hồ sơ cấp giấy phép hoạt động về tài nguyên nước.
a) Thời hạn thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất là hai mươi (20) ngày làm việc;
b) Thời hạn thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất là hai mươi (20) ngày làm việc đối với trường hợp đã có giếng khai thác. Trường hợp chưa có giếng khai thác thì thời hạn thẩm định và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ra văn bản cho phép thi công giếng khai thác là mười lăm (15) ngày làm việc;
c) Thời hạn thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt là ba mươi năm (35) ngày làm việc;
d) Thời gian thẩm định hồ sơ cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước là ba mươi năm (35) ngày làm việc;
đ) Thời hạn thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất là ba mươi năm (35) ngày làm việc.
3. Thời hạn thẩm định hồ sơ gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép hoạt động về tài nguyên nước là hai năm (25) ngày làm việc.
Thời hạn thẩm định hồ sơ được tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ, kiểm tra năng lực thực tế của tổ chức, cá nhân xin phép hoạt động về tài nguyên nước, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định cấp giấy phép. Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép thì Sở Tài nguyên và Môi trường trả lại hồ sơ cho bên xin phép và nêu rõ lý do.
Chương IV
PHÒNG, CHỐNG, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TÁC HẠI DO NƯỚC GÂY RA.
Điều 21. Trách nhiệm, nghĩa vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
1. Các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi cá nhân có nghĩa vụ tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ, lụt và tác hại khác do nước gây ra.
2. Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống khắc phục hậu quả lũ, lụt và tác hại khác do nước gây ra.
Điều 22. Xây dựng phương án phòng, chống hậu quả tác hại do nước gây ra, phòng chống và khác phục hậu quả hạn hán.
1. Uỷ ban nhân dân các cấp phải xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt ở địa phương; xây dựng kế hoạch chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác để xử lý khi có lũ, lụt xảy ra.
2. Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho việc xây dựng các công trình thuỷ lợi ở các vùng thường xuyên xảy ra hạn hán để có nước cho sinh hoạt và phòng chống cháy rừng.
3. Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ tham gia phòng chống và khác phục hậu quả hạn hán.
4. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm lập phương án và tổ chức, chỉ đạo có hiệu quả việc phòng chống và khắc phục hậu quả hạn hán tại địa phương.
Điều 23. Quy hoạch bố trí dân cư, bố trí sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng ngập lũ.
1. Việc quy hoạch bố trí dân cư, bố trí sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng ngập lũ phải tuân thủ theo quy hoạch phòng, chống lũ, lụt của lưu vực sông và phù hợp với đặc điểm lũ, lụt của từng vùng.
2. Không quy hoạch bố trí dân cư sinh sống tại ven các khe, lạch, sông, suối có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống nhằm tránh thiệt hại về người và tài sản khi bị lũ, lụt.
3. Việc xây dựng các kho chứa lương thực, chất độc hại, chất nổ, nhiên liệu, vật tư thiết yếu và tài sản quan trọng khác trong vùng phân lũ, chậm lũ, vùng thường bị ngập lũ phải tuân theo quy hoạch phòng, chống lũ, lụt của lưu vực sông và phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 24. Huy động lực lượng, phương tiện cho việc phòng, chống và khắc phục hậu quả lũ, lụt.
1. Trong tình huống khẩn cấp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có quyền huy động lực lượng, vật tư, phương tiện của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để cứu hộ người, cứu hộ công trình và tài sản bị lũ, lụt uy hiếp hoặc gây hư hại và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.
2. Tổ chức cá nhân được huy động phải chấp hành các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Tổ chức, cá nhân có vật tư, phương tiện được huy động theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu bị thiệt hại thì được bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 25. Bảo vệ công trình thuỷ lợi
1. Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ công trình thuỷ lợi.
2. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bảo vệ công trình thuỷ lợi thuộc phạm vi địa phương.
3. Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi chịu trách nhiệm trực tiếp bảo vệ công trình.
4. Người phát hiện hành vi, hiện tượng gây tổn hại hoặc đe doạ đến an toàn công trình thuỷ lợi có trách nhiệm ngăn chặn, khắc phục hoặc báo cho chính quyền địa phương, đơn vị quản lý công trình, cơ quan, tổ chức gần nhất để kịp thời xử lý.
Điều 26. Bảo vệ đê điều
1. Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thường xuyên bảo vệ đê và các công trình có liên quan.
2. Hộ đê phải được tiến hành thường xuyên trong mùa lũ, bão và phải bảo đảm cứu hộ đê kịp thời khi đê bị lũ, bão uy hiếp hoặc có nguy cơ bị lũ, bão uy hiếp.
Chương V
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC
Điều 27. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường:
Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn, có trách nhiệm:
1. Tham mưu cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh xây dựng và chỉ đạo thực hiện các quy hoạch và kế hoạch về bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
2. Tham mưu cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền nhằm cụ thể hoá và hướng dẫn thực hiện Luật Tài nguyên nước và các văn bản của Trung ương tại địa phương.
3. Tổ chức thực hiện điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước, lập cơ sở dữ liệu tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, Ngành liên quan.
4. Thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp, thu hồi, gia hạn giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép hành nghề khoan thăm dò, thi công công trình khai thác nước dưới đất theo phân cấp.
5. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành, các cơ sở thực hiện các quy định pháp luật về tài nguyên nước trên địa bàn. Theo dõi, tổng hợp tình hình hoạt động về tài nguyên nước tại địa phương, định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đề xuất, kiến nghị với Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường về các vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý tài nguyên nước.
6. Quản lý, kiểm tra, giám sát các công trình thăm dò, khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước đang hoạt động theo nội dung của đề án và giấy phép đã được phê duyệt.
7. Tham gia xây dựng phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai do nước gây ra.
8. Tổ chức công tác thanh tra về tài nguyên nước, giải quyết hoặc tham gia giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về tài nguyên nước và xử lý các vi phạm về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền quy định.
9. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước.
Điều 28. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn
1. Tham mưu cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh xây dựng phương án phòng chống lũ lụt, hạn hán; xây dựng kế hoạch chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện và các điều kiện khác để xử lý khi lũ lụt, hạn hán xảy ra.
2. Quản lý việc khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh.
3. Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
4. Tiến hành định kỳ rà soát quy hoạch công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước công nghiệp, phục vụ du lịch, giao thông trên địa bàn toàn tỉnh hoặc từng vùng, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt làm căn cứ xây dựng kế hoạch thuỷ lợi dài hạn, ngắn hạn.
Điều 29. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể khác
1. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về tài nguyên nước.
2. Tham gia phòng, chống, khắc phục các hậu quả lũ lụt, hạn hán và tác hại khác do nước gây ra.
3. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước.
Điều 30. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp
1. Thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước tại địa phương về tài nguyên nước theo quy định của pháp luật, đảm bảo việc sử dụng tài nguyên nước bền vững, ngăn ngừa và khắc phục các sự cố do công trình khai thác nước gây ra như sụt, lún đất, suy thoái, ô nhiễm nguồn nước.
2. Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục các hậu quả lũ lụt, hạn hán và tác hại khác do nước gây ra tại địa phương;
3. Giải quyết các thủ tục liên quan về đất đai, cơ sở hạ tầng và các điều kiện liên quan khác để tổ chức, cá nhân được phép hoạt động tài nguyên nước thực hiện dự án.
4. Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân để mọi người quán triệt, tự giác thực hiện các chính sách, pháp luật về tài nguyên nước; tham gia giải quyết tranh chấp về hoạt động tài nguyên nước.
5. Thanh tra, kiểm tra, phát hiện và ngăn ngừa kịp thời các sai phạm, xử lý hành chính những vi phạm của các tổ chức, cá nhân thăm dò; khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xả nước thải vào nguồn nước; hành nghề khoan thăm dò, khai thác nước trái pháp luật.
Điều 31. Trách nhiệm của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn
1. Về lĩnh vực phòng chống lụt bão:
a) Đôn đốc, kiểm tra các ngành, các địa phương lập và thực hiện các phương án, kế hoạch công tác phòng, chống lụt, bão hàng năm;
b) Điều động nhân lực, phương tiện để ứng cứu kịp thời những tình huống cấp bách vượt quá khả năng xử lý của ngành, địa phương;
c) Chỉ đạo các địa phương tổ chức khắc phục hậu quả do lũ, bão gây ra;
d) Tổ chức tổng kết, phổ biến kinh nghiệm và tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác phòng, chống lụt, bão cho các ngành, các địa phương;
2. Về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn:
a) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tìm kiếm cứu nạn người và phương tiện giao thông bị tai nạn trên địa bàn quản lý; người, tài sản của nhân dân và nhà nước trong trường hợp thiên tai, lụt, bão;
b) Chủ động và tổ chức phối hợp các địa phương, các loại phương tiện của các tổ chức, cá nhân tại địa phương thực hiện việc tìm kiếm cứu nạn kịp thời;
c) Xây dựng kế hoạch, phương án tìm kiếm cứu nạn cho người và phương tiện trong các tình huống, kiểm tra đôn đốc các địa phương thực hiện các quy định của nhà nước và Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
Chương VI
THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM , KHIẾU NẠI TỐ CÁO
Điều 32. Thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước
Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
Điều 33. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước
1. Thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước có những nhiệm vụ sau:
a) Thanh tra việc lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch, phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;
b) Thanh tra việc thực hiện quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;
c) Phối hợp với Thanh tra nhà nước, Thanh tra chuyên ngành của các Bộ, ngành và địa phương trong thanh tra việc tuân theo pháp luật về tài nguyên nước và các hoạt động liên quan đến tài nguyên nước.
2. Trong qúa trình thanh tra, Đoàn thanh tra và Thanh tra viên có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin và trả lời những vấn đề cần thiết;
b) Thu thập, xác minh chứng cứ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra và tiến hành những biện pháp kiểm tra kỹ thuật tại hiện trường;
c) Quyết định đình chỉ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép; tạm đình chỉ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và các hoạt động khác có nguy cơ gây tác hại nghiêm trọng đến nguồn nước và gây mất an toàn công trình thuỷ lợi; đồng thời báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
d) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước;
3. Đoàn thanh tra, Thanh tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình.
Điều 34. Xử lý vi phạm
1. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra theo quy định này và các quy định pháp luật khác về tài nguyên nước thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Việc xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo Nghị định số 34/2005/QĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Điều 35. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động của Thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước
1. Tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra có nghĩa vụ thực hiện yêu cầu của Đoàn thanh tra, Thanh tra viên và chấp hành quyết định của Đoàn thanh tra, Thanh tra viên.
2. Tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm tạo điều kiện cho Đoàn thanh tra, Thanh tra viên thi hành nhiệm vụ.
Điều 36. Quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện
1. Tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện về quyết định hoặc biện pháp xử lý của Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước.
3. Cơ quan nhận được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện có trách nhiệm xem xét và giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các quy định khác của pháp luật.
Điều 37. Giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước
1. Nhà nước khuyến khích việc hoà giải các tranh chấp về tài nguyên nước.
Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc hoà giải các tranh chấp về tài nguyên nước phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép về tài nguyên nước thì có trách nhiệm giải quyết khiếu nại phát sinh từ việc thực hiện giấy phép đó. Trong trường hợp đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật.
3. Những tranh chấp khác về tài nguyên nước được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 38. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã, hướng dẫn, tổ chức chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.