ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3593/QĐ-UBND | Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 31 tháng 8 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH QUỸ TIỀN LƯƠNG, ĐƠN GIÁ TIỀN LƯƠNG TỈNH NINH THUẬN
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 206/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương, thu nhập trong các công ty Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 207/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương, tiền thưởng và chế độ trách nhiệm đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc công ty Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 198/1999/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về tiền lương của cán bộ, viên chức làm việc tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 3405/CT ngày 16 tháng 11 năm 1995 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc thành lập Hội đồng duyệt đơn giá tiền lương cho các doanh nghiệp và Quyết định số 1761/CT ngày 05 tháng 6 năm 1997 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc bổ sung thay thế Chủ tịch Hội đồng xét duyệt đơn giá tiền lương cho các doanh nghiệp Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 36/QĐ-UBND ngày 07 tháng 02 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về chương trình xây dựng Quyết định, Chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh năm 2007;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 565/TTr-SLĐTBXH ngày 17 tháng 8 năm 2007 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 311/TTr-SNV ngày 28 tháng 8 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định quỹ tiền lương, đơn giá tiền lương tỉnh Ninh Thuận; gồm 3 Chương, 20 Điều.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định quỹ tiền lương, đơn giá tiền lương tỉnh Ninh Thuận ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Nội vụ; Cục trưởng Cục Thuế; Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; thủ trưởng các sở, ngành quản lý doanh nghiệp; các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh quản lý; các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH QUỸ TIỀN LƯƠNG, ĐƠN GIÁ TIỀN LƯƠNG TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3593/QĐ-UBND ngày 31/8/2007 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng thẩm định quỹ tiền lương, đơn giá tiền lương bao gồm: thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc và toàn thể cán bộ, công nhân viên chức (theo chế độ hợp đồng lao động được quy định của Bộ Luật Lao động) còn lại của đơn vị.
Điều 2. Phạm vi thẩm định quỹ tiền lương, đơn giá tiền lương theo Quy chế này bao gồm:
1. Các Tổng công ty, công ty, xí nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh quản lý.
2. Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và các công ty, đơn vị thuộc tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập.
3. Đối với các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện, thành phố thành lập do Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thẩm định.
Các công ty, xí nghiệp, Ban Quản lý dự án thuộc phạm vi thẩm định quy định tại Điều này sau đây gọi tắt là đơn vị.
Điều 3. Thành phần Hội đồng thẩm định quỹ tiền lương, đơn giá tiền lương của đơn vị bao gồm:
- Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ tịch Hội đồng;
- Lãnh đạo Sở Tài chính: Phó Chủ tịch Hội đồng;
- Lãnh đạo Cục Thuế: Thành viên;
- Lãnh đạo Sở Nội vụ: Thành viên;
- Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh: Thành viên;
- Khi thẩm định đơn giá tiền lương, quỹ tiền lương đơn vị nào, mời đại diện lãnh đạo đơn vị đó tham gia thành viên Hội đồng;
- Hội đồng thẩm định quỹ tiền lương, đơn giá tiền lương (sau đây gọi tắt là Hội đồng) có tổ giúp việc do từng thành viên Hội đồng phân công là những công chức am hiểu nghiệp vụ chuyên ngành, có tinh thần trách nhiệm cao. Thành viên tổ giúp việc chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của số liệu thẩm định trước thành viên Hội đồng phân công và cơ quan quản lý.
Điều 4. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng:
1. Có quyền yêu cầu các đơn vị xây dựng quỹ tiền lương, đơn giá tiền lương năm kế hoạch theo quy định.
2. Thẩm định đơn giá tiền lương, quỹ tiền lương các đơn vị quy định tại Điều 2 Quy chế này. Trong quá trình thẩm định Hội đồng có quyền yêu cầu đơn vị bổ sung, giải trình những chỉ tiêu và nội dung có liên quan đến đơn giá tiền lương, quỹ tiền lương theo quy định.
3. Sau khi thẩm định xong, Hội đồng tổng hợp và báo cáo kết quả thẩm định về Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản trước khi thông báo cho các đơn vị thực hiện.
4. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng tại các đơn vị theo quy định của pháp luật.
5. Thực hiện đúng các quy định của Trung ương và tỉnh trong lĩnh vực lao động tiền lương.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ
Điều 5. Đối với tất cả các sản phẩm, dịch vụ đều phải xây dựng định mức lao động hoặc định biên lao động. Khi thay đổi kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh thì phải điều chỉnh định mức lao động. Đối với những định mức lao động chi tiết mới xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thì phải áp dụng thử tối đa không quá 3 tháng trước khi đi vào áp dụng chính thức. Hằng năm, đơn vị phải tổ chức đánh giá tình hình thực hiện định mức lao động để hoàn thiện, nâng cao chất lượng định mức. Nếu mức lao động thực tế thực hiện thấp hơn 5% hoặc cao hơn 15% so với mức lao động được giao thì trong thời hạn 3 tháng đơn vị phải xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
Điều 6. Khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung, áp dụng thử định mức lao động, đơn vị phải tham khảo ý kiến của Ban chấp hành Công đoàn cùng cấp và công bố công khai trong đơn vị.
Điều 7. Vào tháng 01 hằng năm, các đơn vị căn cứ vào khối lượng, chất lượng, công việc theo yêu cầu nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, định mức lao động và tình hình sử dụng lao động của năm trước liền kề, lập kế hoạch sử dụng lao động, trong đó xác định tổng số lao động sử dụng năm kế hoạch, số lao động cần tuyển dụng mới, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật của từng loại lao động và đăng ký với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
Điều 8. Quý IV hằng năm, đơn vị đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch lao động. Nếu số lao động thực tế vượt quá nhu cầu sử dụng lao động, dẫn đến người lao động không có việc làm thì đơn vị phải có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại và sắp xếp việc làm cho số lao động này. Trong trường hợp đã tìm mọi biện pháp nhưng không sắp xếp được thì chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết chế độ cho người lao động không có việc làm theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Căn cứ vào tính chất, đặc điểm sản xuất, kinh doanh, đơn vị lựa chọn các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh sau đây để xây dựng đơn giá tiền lương:
1. Tổng doanh thu.
2. Tổng doanh thu trừ (-) tổng chi phí (chưa có lương).
3. Lợi nhuận.
4. Tổng sản phẩm (kể cả sản phẩm quy đổi) tiêu thụ.
Điều 10. Đăng ký đơn giá tiền lương, quỹ tiền lương.
Sau khi xây dựng xong đơn giá tiền lương, quỹ tiền lương trước khi thực hiện đơn vị phải đăng ký với đại diện chủ sở hữu để thẩm định, cụ thể:
1. Đối với đơn vị không có Hội đồng quản trị thì đăng ký gửi Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) và các thành viên Hội đồng thẩm định quỹ tiền lương, đơn giá tiền lương được quy định tại Điều 3 Quy chế này; đồng thời gửi cơ quan Thuế để làm căn cứ tính thuế.
2. Đối với đơn vị có Hội đồng quản trị, các đơn vị thành viên xây dựng đơn giá tiền lương gửi Tổng Giám đốc, Giám đốc tổng hợp báo cáo Hội đồng quản trị thông qua.
Điều 11. Xây dựng quy chế trả lương, quy chế thưởng.
Đơn vị phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cùng cấp có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chế trả lương, quy chế thưởng trong đơn vị theo quy định của pháp luật, đảm bảo theo nguyên tắc: dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, khuyến khích người có tài năng, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đóng góp nhiều công sức cho hoạt động phát triển của đơn vị và phải đăng ký tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
Điều 12. Đơn vị chịu trách nhiệm về tính pháp lý, tính chính xác và tính trung thực các số liệu trình trước Hội đồng thẩm định quỹ tiền lương, đơn giá tiền lương của tỉnh.
Mục 2. ĐỐI VỚI CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH QUỸ TIỀN LƯƠNG, ĐƠN GIÁ TIỀN LƯƠNG
Điều 13. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ chịu trách nhiệm:
1. Hướng dẫn các đơn vị phương pháp xây dựng định mức lao động, định biên lao động, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, kiểm tra tình hình thực hiện định mức lao động, định biên lao động của các đơn vị; hướng dẫn phương pháp xây dựng quỹ tiền lương, đơn giá tiền lương, quy chế trả lương, quy chế thưởng; xác định lương cấp bậc, các khoản phụ cấp được tính vào đơn giá tiền lương, quỹ tiền lương.
2. Phối hợp với các thành viên Hội đồng, xem xét các điều kiện về nộp ngân sách, lợi nhuận, tốc độ tăng năng suất lao động tăng tiền lương để xác định hệ số điều chỉnh tăng thêm nếu hội đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
3. Xây dựng lịch thẩm định đơn giá tiền lương, quỹ tiền lương của các đơn vị, gửi cho các thành viên Hội đồng, cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đơn vị và đơn vị để tham gia.
4. Sau khi thẩm định xong xây dựng dự thảo báo cáo, tổ chức họp Hội đồng thông qua và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, có ý kiến chỉ đạo. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thông báo quỹ tiền lương, đơn giá tiền lương đối với từng loại sản phẩm của từng đơn vị để biết và thực hiện.
5. Tổ chức kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện quỹ tiền lương, đơn giá tiền lương tại các đơn vị.
Điều 14. Sở Tài chính chịu trách nhiệm:
1. Hướng dẫn các đơn vị trong việc xác định chi phí, lợi nhuận, phối hợp với cơ quan quản lý ngành trực tiếp và đơn vị xem xét chỉ tiêu doanh thu.
2. Rà soát, xem xét chỉ tiêu tăng năng suất lao động.
3. Phối hợp với Cục Thuế xem xét, thẩm định chỉ tiêu chi phí và lợi nhuận.
Điều 15. Cục Thuế chịu trách nhiệm:
1. Hướng dẫn các đơn vị và kiểm tra trong việc xác định các chỉ tiêu nộp ngân sách Nhà nước theo luật định.
2. Xem xét, thẩm định chỉ tiêu chi phí và lợi nhuận.
Điều 16. Liên đoàn Lao động tỉnh chịu trách nhiệm:
Giám sát việc thực hiện thẩm định quỹ tiền lương, đơn giá tiền lương, định mức lao động, quy chế trả lương, trả thưởng. Thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người sử dụng lao động và người lao động.
Điều 17. Cơ quan quản lý ngành phối hợp với Hội đồng có trách nhiệm rà soát, xem xét toàn diện các chỉ tiêu thẩm định của Hội đồng đối với đơn vị.
Điều 18. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm thành lập Tổ Thẩm định quỹ tiền lương với thành phần quy định như Điều 3 Quy chế này để thẩm định quỹ tiền lương của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng do Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thành lập, thông báo cho đơn vị thực hiện và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thẩm định.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.
Điều 20. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các thành viên Hội đồng thẩm định Quỹ tiền lương, đơn giá tiền lương tỉnh Ninh Thuận có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc hoặc thay đổi, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp, dự thảo sửa đổi, bổ sung trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.