ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3582/QĐ-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 7 năm 2016 |
VỀ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG CỦA THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24 tháng 6 năm 2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1614/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020”;
Căn cứ Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 15/2015/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân Thành phố về Chương trình giảm nghèo bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 58/2015/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố áp dụng giai đoạn 2016 - 2020;
Xét đề nghị của Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo, tăng hộ khá Thành phố tại Tờ trình số 102/TTr-BCĐCTGNTHK ngày 08 tháng 6 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay phê duyệt Chương trình Giảm nghèo bền vững của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020, gồm các nội dung chính sau đây:
1. Tên chương trình: Chương trình Giảm nghèo bền vững của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020.
2. Mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể của chương trình:
2.1. Mục tiêu tổng quát:
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục - đào tạo, y tế, việc làm, bảo hiểm xã hội, nhà ở, điều kiện sống, thông tin) nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố, đảm bảo giảm nghèo bền vững vì một Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
2.2. Mục tiêu cụ thể:
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của Chương trình Giảm nghèo bền vững của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020, bình quân 1%/năm.
- Bình quân thu nhập của hộ nghèo Thành phố vào năm 2020 tăng lên 3,5 lần so với năm 2011 (theo Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020).
3. Về cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện chương trình:
Đổi mới cơ chế quản lý và thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 theo phương pháp đa chiều:
3.1. Thực hiện lồng ghép chương trình, kế hoạch giảm nghèo vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội thường xuyên của các ngành, các cấp hàng năm và cả giai đoạn.
Các Sở - ngành được giao nhiệm vụ theo chức năng của mình chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng các chỉ tiêu, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo theo tỷ lệ chiều nghèo thiếu hụt của người nghèo ở địa phương (quận, huyện), lồng ghép vào trong kế hoạch thường xuyên của Sở - ngành để phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức thực hiện hàng năm và cả giai đoạn (các chỉ tiêu giảm nghèo của quận, huyện cũng được lồng ghép vào trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương); đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội nói chung và chỉ tiêu giảm nghèo nói riêng của Sở - ngành và quận, huyện, phường, xã, thị trấn.
3.2. Ngân sách Thành phố và quận, huyện đầu tư cho các chính sách hỗ trợ giảm nghèo (theo tỷ lệ từng chiều nghèo bị thiếu hụt của người nghèo) được xem là một bộ phận hữu cơ trong ngân sách thường xuyên của các Sở - ngành và quận, huyện hàng năm và cả giai đoạn.
3.3. Các chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo của Thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020 được xây dựng và thực hiện theo hướng giảm dần từ trợ cấp sang tác động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo an tâm tổ chức sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên giảm nghèo và làm ăn phát đạt. Mỗi chính sách giảm nghèo có mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế và mục đích hỗ trợ cụ thể để tác động trực tiếp cho từng nhóm hộ nghèo và hộ cận nghèo (không để trùng lắp hoặc bỏ sót đối tượng); song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của hộ nghèo, hộ cận nghèo để chủ động tiếp cận các chính sách giảm nghèo phù hợp, tự vươn lên thoát nghèo, tránh tình trạng thụ động, trông chờ ỷ lại vào hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng nhằm đảm bảo giảm nghèo toàn diện và bền vững theo phương pháp đa chiều.
3.4. Xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát chặt chẽ về tốc độ giảm nghèo; tỷ lệ tăng, giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo; mức độ tăng, giảm của từng chiều nghèo; tác động và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của từng địa phương, cơ sở theo định kỳ năm và cả giai đoạn 2016 - 2020 của Chương trình Giảm nghèo bền vững của Thành phố.
4. Đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo là hộ nghèo và hộ cận nghèo Thành phố:
4.1. Hộ nghèo: được chia thành 03 nhóm:
a) Hộ nghèo nhóm 1 (là hộ dân có thu nhập bình quân từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống và có điểm thiếu hụt của 05 chiều nghèo (các dịch vụ xã hội cơ bản) từ 40 điểm trở lên):
- Tập trung ưu tiên thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ nghèo và thành viên hộ để nâng thu nhập, vượt chuẩn nghèo theo tiêu chí thu nhập của giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời, thực hiện các chính sách tác động hỗ trợ về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi để cải thiện và giảm dần các chiều nghèo, thiếu hụt của hộ.
- Khi hộ nghèo nhóm 1 vượt chuẩn nghèo theo tiêu chí thu nhập (trên 21 triệu đồng/người/năm) nhưng vẫn còn nghèo đa chiều (tổng số điểm thiếu hụt các chiều nghèo còn trên 40 điểm) thì chuyển những hộ này sang hộ nghèo nhóm 3 để theo dõi và tiếp tục hỗ trợ bằng các chính sách hỗ trợ để giảm các chiều thiếu hụt; hoặc nếu hộ cùng lúc vượt qua mức chuẩn thu nhập (trên 21 triệu đồng/người/năm) và có tổng số điểm các chiều nghèo giảm xuống dưới 40 điểm thì chuyển sang hộ cận nghèo.
b) Hộ nghèo nhóm 2 (là hộ dân có thu nhập bình quân từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống và có điểm thiếu hụt của 05 chiều nghèo (các dịch vụ xã hội cơ bản) dưới 40 điểm):
- Tập trung thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ nghèo và thành viên hộ để nâng thu nhập, vượt chuẩn nghèo theo tiêu chí thu nhập như hộ nghèo nhóm 1; đồng thời, thực hiện các giải pháp hỗ trợ để tiếp tục cải thiện, giảm chiều nghèo đang còn thiếu hụt nhưng mức độ không cao (dưới 40 điểm) của các hộ này.
- Khi hộ nghèo nhóm 2 đã vượt qua được chuẩn nghèo thu nhập thì chuyển sang hộ cận nghèo; hoặc nếu vượt mức thu nhập của hộ cận nghèo thì cắt giảm ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương vào thời điểm kiểm tra kết quả cuối năm.
c) Hộ nghèo nhóm 3 (là hộ dân có thu nhập bình quân trên 21 triệu đồng/người/năm (không nghèo thu nhập) và có điểm thiếu hụt của 05 chiều nghèo (các dịch vụ xã hội cơ bản) từ 40 điểm trở lên):
Được chia thành 02 nhóm: hộ nghèo nhóm 3a (hộ có thu nhập bình quân trên 21 triệu đồng/người/năm đến 28 triệu đồng/người/năm) và hộ nghèo nhóm 3b (hộ có thu nhập bình quân trên 28 triệu đồng/người/năm) để đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách hỗ trợ so với hộ cận nghèo.
- Tăng cường tác động các chính sách và giải pháp hỗ trợ trực tiếp vào các chiều nghèo đang thiếu hụt của hộ nghèo, tập trung các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…; đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ như: tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, miễn giảm thuế, tạo môi trường thuận lợi để hộ nghèo tổ chức sản xuất - kinh doanh - dịch vụ, cải thiện các nhu cầu xã hội cơ bản đang thiếu hụt của hộ.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nâng cao nhận thức của các thành viên hộ nghèo chủ động tham gia, tiếp cận các chính sách hỗ trợ của địa phương để có thể khắc phục nhanh các nhu cầu cơ bản đang thiếu hụt theo điều kiện, khả năng của từng thành viên hộ và của từng địa phương, cơ sở.
- Thành phố tăng cường ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng về kinh tế, kỹ thuật và xã hội đảm bảo cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản cho những địa phương (quận, huyện, phường, xã, thị trấn) có nhu cầu thiếu hụt của hộ nghèo và thành viên hộ cao theo kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội hàng năm.
- Đối với những hộ nghèo nhóm 1 chuyển sang nhóm này, tiếp tục hỗ trợ các chính sách như hộ nghèo nhóm 1 trong một thời gian ít nhất là 01 năm.
- Hộ nghèo nhóm 3a khi đã giảm các chiều thiếu hụt (dưới 40 điểm) nhưng vẫn chưa vượt được mức chuẩn thu nhập của hộ cận nghèo thì chuyển sang hộ cận nghèo.
- Hộ nghèo nhóm 3b khi đã giảm các chiều thiếu hụt (dưới 40 điểm) và đã vượt mức chuẩn thu nhập của hộ cận nghèo thì cắt giảm ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương vào thời điểm kiểm tra kết quả giảm nghèo cuối năm.
4.2. Hộ cận nghèo:
- Thực hiện các chính sách tác động và giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho hộ cận nghèo và thành viên hộ để nâng thu nhập, vượt mức chuẩn cận nghèo (các chính sách hỗ trợ sẽ giảm về mức độ và tỷ lệ kinh phí hỗ trợ so với hộ nghèo); đồng thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ cận nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản để giảm nhanh các chiều nghèo còn đang thiếu hụt của hộ.
- Khi hộ cận nghèo vượt được mức thu nhập bình quân trên 28 triệu đồng/người/năm thì cắt ra khỏi danh sách hộ cận nghèo của địa phương vào thời điểm kiểm tra kết quả giảm nghèo cuối năm.
4.3. Hộ nghèo và hộ cận nghèo Thành phố khi đã vượt mức chuẩn hộ cận nghèo Thành phố được các địa phương lập danh sách riêng để tiếp tục theo dõi và được đảm bảo thực hiện các chính sách hỗ trợ theo diện hộ cận nghèo Thành phố trong 12 tháng để đảm bảo ổn định cuộc sống, không tái nghèo.
5. Tổ chức huy động và sử dụng các nguồn lực đáp ứng cho mục tiêu giảm nghèo:
5.1. Tập trung nguồn lực vào các mục tiêu, chỉ tiêu, dự án và chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo của hộ nghèo, hộ cận nghèo ở từng địa phương, cơ sở. Thành phố dành ưu tiên nguồn ngân sách Thành phố hàng năm và trong cả giai đoạn để đầu tư đáp ứng mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo bền vững của Thành phố; đồng thời tiếp tục đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bảo đảm các điều kiện phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội nhằm cải thiện và nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống của nhân dân, nhất là cho hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố.
Tăng cường xã hội hóa, huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho Chương trình Giảm nghèo bền vững của Thành phố, tạo thành phong trào thi đua sâu rộng, thu hút sự tham gia ủng hộ của các tầng lớp dân cư, các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội, từ thiện, các nhà tài trợ có lòng hảo tâm... trên địa bàn Thành phố, cùng chung sức, chung lòng hỗ trợ, chăm lo hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố; mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, vừa vận động các nguồn tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật tài chính, vừa nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về giảm nghèo đa chiều để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo ở Thành phố.
5.2. Năm 2016, tổng nguồn vốn huy động, vận động để thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố dự tính khoảng 3.749 tỷ; đến năm 2020, tổng nguồn vốn huy động khoảng 3.326 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, từ năm 2017 giảm bình quân mỗi năm 105,7 tỷ đồng (giảm từ nguồn chi không hoàn lại do số hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ giảm dần theo từng năm). Cụ thể như sau:
- Các nguồn cho vay ưu đãi và tín dụng nhỏ cung cấp vốn vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố có nhu cầu vốn năm 2016 khoảng 2.943,8 tỷ đồng; dự kiến đến năm 2020 khoảng 3.160,8 tỷ đồng. Hàng năm, ngân sách Thành phố sẽ cân đối bố trí vốn cho Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố để bổ sung nguồn vốn Quỹ xóa đói giảm nghèo và bổ sung nguồn vốn cho các chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay người sau cai và người sống chung với HIV...
- Nguồn ngân sách Thành phố và quận, huyện chi trực tiếp cho các chính sách hỗ trợ (không hoàn lại) như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, miễn giảm học phí, học nghề, trợ cấp xã hội và các chính sách an sinh xã hội khác cho hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố và chi hỗ trợ cho hoạt động của Ban giảm nghèo bền vững các cấp và tổ trưởng Tổ tự quản giảm nghèo: năm 2016 khoảng 422 tỷ đồng và đến năm 2020 khoảng 56 tỷ đồng (giảm bình quân trên 91 tỷ đồng/năm).
- Nguồn vốn vận động cộng đồng xã hội từ năm 2016 đến năm 2020 đạt khoảng 1.191 tỷ đồng, bình quân 238 tỷ đồng/năm để cùng với ngân sách Thành phố thực hiện các chính sách hỗ trợ (không hoàn lại) cho hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố như: bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội, xây dựng nhà tình thương và sửa chữa nhà ở...
(Phụ lục số 01 - Biểu tổng nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020).
6. Các chính sách hỗ trợ và giải pháp giảm nghèo:
Các chính sách hỗ trợ và giải pháp giảm nghèo của Thành phố được thực hiện ưu tiên theo từng nhóm hộ nghèo (1, 2 và 3) và hộ cận nghèo Thành phố.
(Phụ lục số 02 - Biểu các chính sách hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng và phân công đơn vị thực hiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố).
6.1. Chính sách cho vay ưu đãi và tín dụng nhỏ:
Chính sách cho vay ưu đãi và tín dụng nhỏ được tập trung hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn để tổ chức sản xuất - kinh doanh - dịch vụ, nâng thu nhập và cải thiện cuộc sống, vượt mức chuẩn nghèo và chuẩn cận nghèo theo tiêu chí thu nhập, theo hướng:
a) Rà soát và điều chỉnh lại các chính sách cho vay vốn giảm nghèo đảm bảo đúng đối tượng, có hạn mức, yêu cầu và thời hạn cho vay hợp lý cho từng mục đích sử dụng vốn khác nhau; gắn nhu cầu vay vốn của người nghèo với hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ về cách làm ăn (dạy nghề, khuyến nông…) phù hợp với cơ cấu phát triển kinh tế, ngành nghề lao động của từng địa phương; kết nối được sản xuất với thị trường; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; xây dựng lộ trình hợp lý cho các chu kỳ vay vốn, giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát huy tối đa được hiệu quả vốn vay.
b) Thành phố có cơ chế phối hợp và phân công hợp lý các nguồn vốn cho vay giảm nghèo trên địa bàn để vừa tập trung huy động được tối đa các nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, vừa đảm bảo cho vay đúng đối tương; phát huy được hiệu quả đồng vốn cho từng nhóm đối tượng; hạn chế trùng lắp hoặc bỏ sót đối tượng có nhu cầu vay vốn:
(1) Các nguồn vốn cho vay với lãi suất ưu đãi tập trung chủ yếu vào hộ nghèo thuộc nhóm 1, 2, 3a và hộ cận nghèo.
(2) Các nguồn vốn tín dụng nhỏ như: Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP), Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (CWED), Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ tương trợ của Hội Cựu chiến binh… tập trung cho vay các đối tượng hộ nghèo nhóm 3b, hộ cận nghèo, hộ vượt chuẩn cận nghèo; ưu tiên cho hộ hoặc thành viên hộ là đoàn viên, hội viên của tổ chức đoàn thể mình quản lý.
(3) Xây dựng tiêu chí cụ thể đánh giá tác động và hiệu quả của chính sách cho vay vốn gắn với tạo việc làm ổn định, giúp cho hộ nghèo và hộ cận nghèo có thu nhập, tích lũy vượt mức chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo Thành phố.
- Quỹ xóa đói giảm nghèo được đổi tên là Quỹ hỗ trợ giảm nghèo và sửa đổi, bổ sung về Quy chế hoạt động phù hợp với giai đoạn mới. Quỹ được Thành phố bổ sung vốn từ nguồn ngân sách Thành phố và tổ chức vận động cộng đồng xã hội hàng năm để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thành phố quản lý và thực hiện cho vay các hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn. Những hộ vừa vượt chuẩn cận nghèo Thành phố được tiếp tục hỗ trợ cho vay từ 1 đến 2 chu kỳ vay vốn (tối đa 24 tháng) từ Quỹ này để đảm bảo không tái nghèo; sau đó, các địa phương hướng dẫn hộ vay vốn theo các chương trình tín dụng của các ngân hàng thương mại để sản xuất làm ăn, ổn định cuộc sống.
- Quỹ cho vay giải quyết việc làm (Quỹ 61) tập trung cho vay các đối tượng hộ cận nghèo, mở rộng ra cho các hộ cận nghèo đã vượt chuẩn để giải quyết việc làm, không tái nghèo; ưu tiên cho vay vốn để thành lập các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời, khuyến khích đầu tư nguồn vốn này vào các dự án sản xuất kinh doanh thu hút lao động vào làm việc trên địa bàn quận, huyện, phường, xã, thị trấn.
- Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án trên địa bàn Thành phố (Quỹ 156) được sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động và tiếp tục ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thành phố để cho vay các đối tượng thuộc Quỹ 156 có nhu cầu; đồng thời hỗ trợ vốn từ nguồn Quỹ này cho chương trình cho vay giải quyết việc làm và các chương trình an sinh xã hội khác của Thành phố.
c) Nghiên cứu điều chỉnh mức lãi suất cho vay ưu đãi của Quỹ hỗ trợ giảm nghèo và Quỹ 156 của Thành phố hợp lý so với mức lãi suất cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia hiện hành; mở rộng mục đích vay vốn (cho vay mua thẻ bảo hiểm y tế, đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ sửa chữa nhà ở…); đồng thời, nghiên cứu mở rộng hạn mức tối đa cho vay linh hoạt để tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ động thực hiện các tính toán về sinh kế có hiệu quả; bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục thực hiện chính sách bù lãi suất từ ngân sách Thành phố cho vay người nghèo theo chương trình khuyến khích chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố.
6.2. Chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm (trong nước và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài):
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung nhằm nâng cao nhận thức của người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo về tầm quan trọng của đào tạo nghề là điều kiện căn cơ để thoát nghèo bền vững; tổ chức thu thập thông tin thị trường lao động (bao gồm: khảo sát tình hình cung cầu lao động trên địa bàn; khảo sát nhu cầu học nghề, việc làm của lao động nghèo; thu thập thông tin tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất); đẩy mạnh các hoạt động liên kết chia sẻ thông tin với các trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm, các trường dạy nghề và công tác hướng nghiệp, định hướng ngành nghề phù hợp cho học sinh, sinh viên và người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động nghèo sau khi đào tạo nghề; triển khai đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm (mô hình đào tạo nghề của các doanh nghiệp xen kẽ vừa học vừa làm). Nghiên cứu các chính sách và giải pháp tạo việc làm mới trên địa bàn phường, xã, thị trấn, tập trung ưu tiên ở các xã nông thôn mới ngoại thành để cung cấp việc làm mới cho lao động nghèo từ các công trình, dự án quy mô đầu tư nhỏ trên địa bàn, giải quyết có hiệu quả chiều nghèo thiếu hụt về việc làm của người nghèo tại địa phương, cơ sở.
- Mở rộng các chương trình đào tạo nghề đưa người lao động diện hộ nghèo, hộ cận nghèo có chuyên môn tay nghề kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, nhằm tạo việc làm ổn định và có thu nhập cao, vừa giảm nghèo nhanh, vừa phát triển nguồn nhân lực của Thành phố. Tăng cường công tác tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài của các địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động; đẩy mạnh công tác thông tin cập nhật về các chủ trương, chính sách, pháp luật xuất khẩu lao động, thị trường lao động nước ngoài đến trực tiếp với người lao động để họ tự lựa chọn công việc và thị trường làm việc phù hợp. Thành phố có chính sách hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trên địa bàn Thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tư vấn cho người đi xuất khẩu lao động; đồng thời, có chính sách cho cộng tác viên làm công tác thông tin, tuyên truyền vận động, tư vấn cho người lao động nghèo đi xuất khẩu lao động. Nghiên cứu có chính sách hỗ trợ cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sau khi làm việc ở nước ngoài trở về tiếp cận việc làm tại Thành phố thuận lợi, vừa phát huy được tay nghề, kỹ năng lao động của họ, vừa đảm bảo ổn định cuộc sống không để tái nghèo.
- Các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện theo hướng hỗ trợ có điều kiện, giảm hỗ trợ cho không; tập trung hướng dẫn, tư vấn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện các dự án phát triển sinh kế bền vững theo cách phát triển cộng đồng, chủ động hỗ trợ đồng bộ việc nhân rộng các mô hình sản xuất, mô hình giảm nghèo từ các nhân tố nòng cốt, tiêu biểu, phát huy tính lan tỏa thực hành tốt trong cộng đồng; phát triển mạnh các mô hình liên kết giữa chính quyền địa phương - người nghèo - doanh nghiệp (nhất là các địa phương có khu chế xuất, khu công nghiệp) hoặc mô hình hỗ trợ của các Hội ngành nghề của Thành phố (Hội làm vườn, Hội sinh vật cảnh...) để giải quyết học nghề và tạo việc làm cho người nghèo; mô hình liên kết giữa nông dân sản xuất giỏi giúp nông dân nghèo; mô hình hợp tác của người nghèo từ hoạt động của các tổ hợp tác, tổ vay vốn tiết kiệm, tổ tự quản giảm nghèo từng bước phát triển thành hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ...; mô hình hỗ trợ kết nối hộ nghèo, hộ cận nghèo với thị trường từ cơ sở hình thành, phát triển các đơn vị cung cấp dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở địa phương.
6.3. Chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo:
Nghiên cứu áp dụng chuẩn nghèo Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện; đồng thời, có chủ trương tổ chức vận động cộng đồng xã hội tạo nguồn hỗ trợ ổn định và lâu dài cho người nghèo, cận nghèo mua bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tập trung đẩy mạnh vận động, tuyên truyền chính sách mua bảo hiểm xã hội tự nguyện, tạo điều kiện cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo quan tâm tham gia thực hiện; tập trung ưu tiên vào nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo đang thiếu hụt về chiều Bảo hiểm xã hội tại các địa phương, cơ sở.
6.4. Chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe:
- Trong giai đoạn 2016 - 2020, do chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu của người dân Thành phố, Thành phố tiếp tục thực hiện Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014 để đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người nghèo như: chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, chi phí khám chữa bệnh, tiền ăn khi điều trị bệnh nội trú cho người nghèo thuộc nhóm hộ nghèo 1, 2 và hộ cận nghèo Thành phố; đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về khám chữa bệnh cho người nghèo mắc bệnh hiểm nghèo; về nâng cao chất lượng dân số; về cung cấp dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em nghèo; hỗ trợ chi phí phẫu thuật tim, tiền ăn, tiền đi lại cho trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh...
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong, ưu tiên cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo; tập trung triển khai thực hiện lồng ghép các chương trình quốc gia về y tế với Chương trình Giảm nghèo bền vững của Thành phố.
- Kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo được bố trí ổn định hàng năm từ nguồn ngân sách Thành phố, cùng với việc đẩy mạnh phong trào vận động đóng góp của cộng đồng xã hội, các tổ chức đoàn thể (quỹ vì người nghèo, quỹ xã hội, từ thiện), các nhà tài trợ, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế để giảm nhanh chiều nghèo thiếu hụt về y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố.
6.5. Chính sách hỗ trợ về giáo dục:
- Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố tiếp tục áp dụng chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo mới để thực hiện Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 cho học sinh thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo Thành phố (hỗ trợ miễn giảm học phí (kể cả học 02 buổi), chi phí học tập, tiền ăn trưa cho trẻ em từ 03 - 05 tuổi đang học tại các cơ sở mầm non…); đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ hàng tháng cho học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo bỏ học trở lại lớp học. Kinh phí hỗ trợ cho các chính sách này được bố trí ổn định hàng năm từ nguồn ngân sách Thành phố; đồng thời đẩy mạnh vận động nguồn Quỹ Vì người nghèo, các chương trình khuyến học, khuyến tài của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, các nhà tài trợ để hỗ trợ học bổng hàng năm cho học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố.
- Thành phố đẩy mạnh vận động và có chính sách hỗ trợ nâng cao trình độ học vấn cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đang thiếu hụt chiều nghèo giáo dục bằng các hình thức tổ chức học tập tại các trung tâm giáo dục thường xuyên quận, huyện, đảm bảo thực hiện theo chỉ tiêu phổ cập giáo dục hàng năm ở từng phường, xã, thị trấn; đồng thời, có chính sách giáo dục, định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hợp lý để tạo điều kiện thay đổi cuộc sống hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tương lai; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách ưu đãi về tín dụng cho học sinh, sinh viên nghèo.
6.6. Chính sách hỗ trợ nhà ở:
- Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổ chức rà soát, nắm chắc các trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố đang thiếu hụt về diện tích nhà ở để nghiên cứu có các chính sách và giải pháp hỗ trợ phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu của hộ; trong đó, nghiên cứu huy động nguồn lực xã hội hóa để vận dụng thực hiện Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008, nay là Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg 10 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015; đồng thời tăng cường vận động kêu gọi các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nhà ở phù hợp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thu nhập thấp với phương thức xã hội hóa, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
- Trước mắt, Thành phố tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về sửa chữa, chống dột, xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố.
6.7. Chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn nước sạch:
- Thành phố tăng cường đầu tư đảm bảo đạt tỷ lệ 100% hộ dân được sử dụng nước sạch; trước mắt tập trung cho các địa phương có tỷ lệ cao về người dân chưa có nước sạch để sử dụng.
- Thành phố nghiên cứu chính sách hỗ trợ giảm giá nước cho hộ nghèo thấp hơn so với giá nước của hộ gia đình Thành phố (theo đề án xây dựng giá nước sinh hoạt giai đoạn 2016 - 2020 của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn - Sawaco).
6.8. Chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin:
- Tăng cường hoạt động thông tin tuyên truyền của các cơ quan thông tin đại chúng (báo, đài) về Chương trình Giảm nghèo bền vững của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020; đa dạng hóa các hoạt động truyền thông giúp người nghèo tiếp cận thông tin kịp thời và đầy đủ về các chính sách giảm nghèo theo phương pháp đa chiều; tăng cường cung cấp các thông tin về kiến thức, kỹ năng để phát triển kinh tế gia đình, ứng phó với thiên tai, biến đổi của khí hậu, cùng với các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về giảm nghèo đa chiều cho người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo sự an tâm để tự tin, chủ động tự vươn lên thoát nghèo, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại của họ.
- Tổ chức thực hiện tốt các chương trình đưa văn hóa, văn nghệ về cơ sở; có chính sách khuyến khích các trí thức, văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế, hòa nhập với cuộc sống của người nghèo để có nhiều dự án, tác phẩm và hoạt động phục vụ cho việc cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người nghèo trên địa bàn Thành phố, nhất là các xã nông thôn ngoại thành.
- Thành phố có chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin cho hộ nghèo như: cấp đầu thu truyền hình số mặt đất (thực hiện chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2015, kinh phí chi từ nguồn ngân sách Thành phố); đồng thời, có chủ trương vận động cộng đồng xã hội, các đơn vị, cá nhân tài trợ các phương tiện thông tin cho hộ nghèo đang bị thiếu hụt như: điện thoại di động, máy thu hình (tivi), radio.
6.9. Chính sách trợ giúp pháp lý:
Thành phố tiếp tục có chính sách đầu tư từ ngân sách Thành phố cho lĩnh vực trợ giúp pháp lý cho người nghèo:
- Tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí gắn với nhu cầu thực tế của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo hiểu biết về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, chủ động tiếp cận các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước để tự vươn lên thoát nghèo; đồng thời, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.
- Tiếp tục thực hiện các phương pháp, mô hình hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người nghèo tại cơ sở như: trợ giúp pháp lý lưu động, hình thành các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở... tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận với dịch vụ hỗ trợ pháp lý miễn phí này.
6.10. Các chính sách hỗ trợ đảm bảo về trợ cấp xã hội:
a) Thành phố quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ quà Tết Nguyên đán hàng năm cho hộ nghèo Thành phố; tiếp tục vận dụng các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn quốc gia của Chính phủ để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố; đồng thời có các chính sách như: trợ cấp bù giá điện, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ chi phí hỏa táng và hỗ trợ giảm tiền sử dụng đất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững của Thành phố. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Thành phố kết hợp với nguồn vận động xã hội.
b) Đẩy mạnh các cuộc vận động cộng đồng xã hội (các tập thể, đơn vị và cá nhân) nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm lo ổn định lâu dài cho những hộ nghèo thuộc diện khó khăn đặc biệt (hộ già yếu, neo đơn, không còn khả năng lao động…) không có điều kiện và khả năng tổ chức cuộc sống; đồng thời, Thành phố có chính sách hỗ trợ và vận động các hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên là người tàn tật bại liệt, người bệnh tâm thần, người già yếu… đưa những người này vào các trung tâm bảo trợ xã hội của Thành phố (hoặc các cơ sở bảo trợ xã hội tại cộng đồng) để nuôi dưỡng, chăm sóc, giảm bớt khó khăn của gia đình.
7. Thực hiện bình đẳng về giới:
- Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ hộ nghèo, hộ cận nghèo là phụ nữ tiếp cận đầy đủ và bình đẳng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, các dịch vụ xã hội cơ bản để tự vươn lên thoát nghèo.
- Ưu tiên hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập, có tích lũy và giảm nghèo; đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, đào tạo nghề phi nông nghiệp cho phụ nữ ở các xã xây dựng nông thôn mới; phát triển các tổ hợp tác tạo việc làm cho phụ nữ và hỗ trợ lẫn nhau trong kinh doanh từ nguồn quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo ở các cấp. Quan tâm chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em và nâng cao chế độ ăn uống hợp dinh dưỡng cho gia đình, bảo vệ sức khỏe bà mẹ; thực hiện phong trào nuôi con tốt, dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc; đồng thời phát động phong trào chủ hộ nghèo, hộ cận nghèo là phụ nữ sử dụng tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng và dùng các nguồn năng lượng sạch trong sinh hoạt gia đình.
8. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới:
- Tập trung thực hiện hoàn thành tiêu chí về giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm và cả giai đoạn 2016 - 2020 tại các xã nông thôn mới của các huyện ngoại thành.
- Đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình sản xuất làm ăn của hộ nghèo, hộ cận nghèo có hiệu quả theo hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp đô thị, phát triển kinh tế hợp tác; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh tại các xã nông thôn mới, khai thác nguồn nhân lực, nguyên liệu tại địa phương; tham gia hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giúp nâng cao thu nhập, góp phần giải quyết các chiều nghèo xã hội đang bị thiếu hụt của hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã nông thôn mới.
- Nghiên cứu thí điểm mô hình phân cấp, trao quyền cho cơ sở và cho người nghèo trong tổ chức thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo tại địa phương; tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp tại các khu phố/ấp để thực hiện đối thoại giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể ở địa phương và người dân về chính sách, xác định nhu cầu và năng lực tham gia của người nghèo và người dân trong các hoạt động giảm nghèo tại địa phương, cơ sở.
- Tăng cường các hoạt động giám sát, đánh giá giảm nghèo bền vững trên địa bàn Thành phố: tổ chức theo dõi, giám sát và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo, tác động của các chính sách hỗ trợ giảm nghèo ở các cấp, các ngành theo định kỳ hàng năm. Nâng cao năng lực vận hành hệ thống giám sát, đánh giá và cập nhật thông tin về giảm nghèo ở các cấp trên cơ sở mở rộng và tạo điều kiện tăng cường sự tham gia của người dân vào các hoạt động giảm nghèo, từ việc khảo sát, bình nghị công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo (đối tượng thụ hưởng) đến việc xây dựng chỉ tiêu giảm nghèo và kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo hàng năm của từng khu phố, ấp và phường, xã, thị trấn; tham gia giám sát việc quản lý nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo và giám sát, đánh giá hiệu quả giảm nghèo của địa phương, cơ sở theo định kỳ, đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch của các hoạt động giảm nghèo trên địa bàn Thành phố.
10. Các chính sách và giải pháp đảm bảo thực hiện Chương trình:
10.1. Tổ chức hệ thống thu thập thông tin về nghèo đa chiều trên địa bàn Thành phố phục vụ cho việc theo dõi, đánh giá phân tích thực trạng nghèo; xác định, công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và xây dựng các chỉ tiêu, nhiệm vụ và chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững của Thành phố và địa phương, cơ sở.
a) Tổ chức khảo sát lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố giai đoạn 2016 - 2020, mốc thời điểm khảo sát là ngày 01 tháng 01 năm 2016.
Trên cơ sở dữ liệu thông tin khảo sát này, Thành phố, các Sở - ngành chức năng và từng quận, huyện xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực (ngân sách và vận động xã hội), về chỉ tiêu và giải pháp giảm nghèo phù hợp theo lộ trình cụ thể hàng năm và cả giai đoạn, trong đó nguồn lực, các chỉ tiêu và giải pháp giảm nghèo bền vững là bộ phận hữu cơ của nguồn ngân sách và kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố (các Sở - ngành) và quận, huyện.
b) Thựờng xuyên kiểm tra, cập nhật thông tin và biến động (tăng, giảm) hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ (mỗi năm 01 lần); tổ chức quản lý chặt chẽ số lượng và danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố phục vụ cho việc đánh giá kết quả, hiệu quả giảm nghèo của Thành phố, quận, huyện và phường, xã, thị trấn hàng năm và cả giai đoạn.
c) Gắn với cuộc điều tra mức sống hộ gia đình của Thành phố (thực hiện 02 năm/lần) lồng ghép các chiều, chỉ số nghèo đa chiều để thu thập thông tin nhằm theo dõi quy mô, xu hướng nghèo đa chiều; báo cáo hiện trạng nghèo đa chiều của Thành phố (theo chu kỳ thu thập số liệu điều tra mức sống hộ gia đình) để theo dõi chuyên sâu, độc lập về quy mô cũng như tốc độ thay đổi các chiều nghèo của Thành phố; phân tích những vấn đề tồn tại, thách thức và đề xuất các chính sách, giải pháp về giảm nghèo đa chiều cho Thành phố.
10.2. Tập trung thực hiện các hoạt động giám sát Chương trình Giảm nghèo bền vững của Thành phố, trên cơ sở xây dựng hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá chương trình giảm nghèo ở các cấp (Thành phố, quận, huyện, phường, xã, thị trấn) nhằm nắm được tiến độ, kết quả thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo; đồng thời thấy được mức độ phù hợp, tính hiệu quả của Chương trình. Trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm thực tiễn, tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh các nội dung hoạt động của Chương trình đảm bảo hiệu quả cao, mang tính toàn diện và bền vững (có đề án riêng).
10.3. Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông sâu rộng về các chủ trương, chính sách và nội dung hoạt động của Chương trình Giảm nghèo bền vững của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 (theo phương pháp đa chiều) cho các ngành, các cấp và nhân dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố; tập trung cung cấp đầy đủ các thông tin về chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo một cách thường xuyên, liên tục và có hiệu quả (có đề án riêng).
10.4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các đoàn thể thành viên, các tổ chức xã hội tích cực triển khai các phong trào vận động nhân dân tham gia thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo ở từng địa phương, cơ sở:
- Tổ chức tốt phong trào “tình làng nghĩa xóm”, góp sức, góp kinh nghiệm giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo; vận động và xây dựng nhiều mô hình tổ/nhóm hỗ trợ giảm nghèo, gồm những hộ là hội viên, đoàn viên có cuộc sống khá tình nguyện nhận hỗ trợ, giúp đỡ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên từng địa bàn khu phố, ấp và trong từng cơ quan, đơn vị.
- Phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tập trung giáo dục, thuyết phục, làm chuyển biến tư tưởng từng hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa biết hoặc không biết cách làm ăn, hoặc dính vào tệ nạn xã hội để tạo ý thức tự vươn lên để giảm nghèo.
- Khuyến khích các tổ chức cộng đồng người dân tộc ít người phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương có các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc cộng đồng dân tộc người Hoa, Chăm, Khmer; các cộng đồng dân cư có đạo, để tăng cường khối đoàn kết dân tộc, đẩy nhanh quá trình giảm nghèo trong các cộng đồng dân cư này.
10.5. Củng cố, kiện toàn Tổ tự quản giảm nghèo bền vững nhằm nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của Tổ theo hướng từng bước nâng dần và xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã và phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa của hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố (có đề án riêng).
10.6. Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố làm Trưởng Ban Chỉ đạo, có sự tham gia của các thành viên là lãnh đạo các Sở - ngành chức năng và mời lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia thành viên của Ban Chỉ đạo.
a) Củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố), có nhiệm vụ tham mưu giúp cho Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố và Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức triển khai thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững của Thành phố.
b) Đối với quận, huyện: củng cố, kiện toàn Ban Giảm nghèo bền vững quận, huyện do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện làm Trưởng ban, có cơ cấu thành viên và nhiệm vụ như Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện là cơ quan thường trực của Ban Giảm nghèo bền vững quận, huyện; có 01 Phó Ban Thường trực là Trưởng Phòng và 01 Phó Ban chuyên trách (có thể phân công Phó Phòng kiêm nhiệm) và có từ 01 - 02 cán bộ chuyên trách (tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 174/2006/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố) và 01 kế toán (có thể phân công kế toán Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện kiêm nhiệm).
c) Đối với phường, xã, thị trấn: củng cố, kiện toàn Ban Giảm nghèo bền vững phường, xã, thị trấn do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn làm Trưởng ban; có cơ cấu và thành viên Ban như Ban Giảm nghèo bền vững quận, huyện; có 01 cán bộ chuyên trách làm công tác giảm nghèo phường, xã, thị trấn (bố trí 01 cán bộ không chuyên trách Lao động - Thương binh và Xã hội phường, xã, thị trấn làm công tác giảm nghèo theo Quyết định số 174/2006/QĐ-UBND và Quyết định số 59/2010/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố) để tham mưu, theo dõi, quản lý và phối hợp thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp đa chiều; tổng hợp, đánh giá hiệu quả giảm nghèo của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo định kỳ hàng năm và cả giai đoạn.
10.7. Đẩy mạnh công tác tập huấn về kiến thức và nghiệp vụ cho cán bộ làm công giảm nghèo các cấp, tổ trưởng Tổ tự quản giảm nghèo:
Hàng năm, Thành phố tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ nghiệp vụ, chuyên môn và kỹ năng tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo cho đội ngũ cán bộ công tác giảm nghèo ở các cấp, nhất là ở phường, xã, thị trấn, để đủ sức làm công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững đã đề ra (có kế hoạch riêng).
10.8. Tổ chức sơ kết, tổng kết hàng năm và giai đoạn, đánh giá, phân tích kết quả, hiệu quả và những khó khăn, tồn tại, bài học kinh nghiệm thực tiễn; phổ biến nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả theo phương pháp đa chiều (của hộ nghèo, hộ cận nghèo, các Tổ tự quản giảm nghèo; các cơ sở thu nhận lao động nghèo); gắn với động viên, khen thưởng kịp thời, tạo sự lan tỏa trong phong trào thi đua giảm nghèo bền vững của Thành phố và từng địa phương, cơ sở.
Điều 2. Về phân công trách nhiệm:
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố có nhiệm vụ tham mưu giúp Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố và Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện chương trình trên địa bàn Thành phố:
- Nghiên cứu tổng hợp và tham mưu xây dựng các chính sách, kế hoạch, chỉ tiêu giảm nghèo theo từng năm và cả giai đoạn cho Thành phố.
- Xây dựng kế hoạch, phương pháp, công cụ hướng dẫn các quận, huyện, phường, xã, thị trấn tổ chức khảo sát, xác định và công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 (đầu kỳ, cuối kỳ và hàng năm). Xây dựng phần mềm theo dõi, quản lý, cập nhật hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020.
- Hướng dẫn và phối hợp tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo cho các Sở - ngành, địa phương hàng năm; theo dõi, đánh giá tình trạng nghèo và kết quả thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo theo thu nhập và đa chiều (trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua).
- Chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành chức năng, các quận, huyện thực hiện các dự án về đào tạo nghề và giải quyết việc làm (kể cả xuất khẩu lao động), các chính sách hỗ trợ đảm bảo về an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp.
- Sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững hàng năm và giai đoạn, rút kinh nghiệm thực tiễn; xây dựng và nhân rộng cách làm giảm nghèo đa chiều có hiệu quả trên địa bàn Thành phố, gắn với phát động phong trào thi đua và tổng hợp đề xuất khen thưởng những tập thể, đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động giảm nghèo hàng năm và cả giai đoạn. Tổng hợp các kiến nghị, đề xuất về bổ sung cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững của Thành phố.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Trên cơ sở báo cáo về điều tra mức sống hộ gia đình của Cục Thống kê Thành phố và báo cáo kết quả khảo sát lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố theo phương pháp đa chiều của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đầu giai đoạn và hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố hàng năm và từng giai đoạn, trong đó có các mục tiêu, chỉ tiêu, các lĩnh vực, chính sách giảm nghèo theo phương pháp giảm nghèo đa chiều của Thành phố; cân đối nguồn lực, phân bổ thực hiện chương trình giảm nghèo này.
3. Sở Tài chính:
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân các quận, huyện tính toán cân đối nguồn ngân sách Thành phố và quận, huyện để thực hiện các chính sách và giải pháp giảm nghèo, vừa đầu tư trực tiếp cho các chính sách hỗ trợ của chương trình, vừa phân bổ lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và từng Sở - ngành, quận, huyện gắn với từng chiều nghèo, thiếu hụt cụ thể.
- Thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn kinh phí gỉảm nghèo theo quy định của Luật Ngân sách.
4. Cục Thống kê Thành phố:
- Nghiên cứu thiết kế thu thập số liệu các chiều, chỉ số nghèo đa chiều gắn với cuộc điều tra mức sống hộ gia đình (02 năm/lần) nhằm theo dõi, đánh giá thực trạng nghèo đa chiều của Thành phố; đồng thời, từ kết quả điều tra mức sống hộ gia đình này, chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội công bố về tỷ lệ thiếu hụt các chiều nghèo của người dân Thành phố và của từng quận, huyện.
- Nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu theo dõi, đánh giá về quy mô, tốc độ thay đổi nghèo đa chiều của Thành phố từ cơ sở kết quả điều tra mức sống hộ gia đình (02 năm/lần) để báo cáo kết quả đo lường và phân tích sự thay đổi tỷ lệ tiếp cận các nhu cầu xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Chủ trì, hướng dẫn thực hiện các chính sách về miễn, giảm học phí, đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo (theo các nhóm hộ) và hộ cận nghèo; phối hợp với các quận, huyện thực hiện các chính sách hỗ trợ và giải pháp nâng cao dân trí, trình độ nghề nghiệp cho lao động nghèo đang bị thiếu hụt; không để học sinh, sinh viên diện hộ nghèo, hộ cận nghèo phải bỏ học vì mưu sinh.
- Phối hợp với Ban vận động Quỹ vì người nghèo, Hội Khuyến học các cấp có kế hoạch vận động, xây dựng và phát triển cơ chế khuyến học, khuyến tài, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên diện hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố.
- Xây dựng giải pháp tăng tỷ lệ trẻ em đến trường đúng độ tuổi theo từng cấp học; giảm tỷ lệ bỏ học, lưu ban.
- Xây dựng cơ sở vật chất các trường học, trung tâm giáo dục thường xuyên để phối hợp cùng quận, huyện, phường, xã, thị trấn tổ chức vận động người nghèo (trong độ tuổi) bị thiếu hụt về trình độ văn hóa tiếp cận thuận lợi để học tập và nâng cao trình độ, phấn đấu hàng năm kéo giảm tỷ lệ người từ 18 - 30 tuổi chưa tốt nghiệp trung học cơ sở để giảm được chiều thiếu hụt này.
6. Sở Y tế:
- Chủ trì thực hiện các chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận của người dân về dịch vụ khám chữa bệnh tại các địa phương, cơ sở.
- Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố có kế hoạch tăng độ bao phủ tham gia bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.
7. Bảo hiểm xã hội Thành phố:
Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế (Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo) tổ chức cấp phát và thanh toán thẻ bảo hiểm y tế (bắt buộc) cho hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố. Xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người nghèo để phối hợp với các quận, huyện, phường, xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể triển khai vận động hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
8. Sở Giao thông vận tải:
Chủ trì, phối hợp với Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn và Ủy ban nhân dân quận, huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các giải pháp để đảm bảo 100% người dân Thành phố được cung cấp và sử dụng nước sạch sinh hoạt theo đề án được duyệt; đồng thời phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ giảm giá nước sinh hoạt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố.
9. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp các Sở - ngành chức năng, Ủy ban nhân dân quận, huyện hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng nhà ở.
- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân quận, huyện hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận sử dụng nước sạch sinh hoạt.
10. Sở Xây dựng:
- Chủ trì, hướng dẫn các quận, huyện lập kế hoạch phát triển nhà ở để tăng tỷ lệ người dân có nhà ở, bảo đảm về diện tích và chất lượng nhà ở.
- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các tổ chức đoàn thể tiếp tục vận động hỗ trợ các chương trình sửa chữa nhà ở, xây dựng nhà tình thương, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố.
11. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Chủ trì, xây dựng các chính sách và giải pháp hỗ trợ, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố.
- Mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung cấp thông tin, viễn thông, phát thanh, truyền hình, ưu tiên hỗ trợ cho các hộ nghèo được hưởng thụ các chính sách tiếp cận thông tin này.
- Phối hợp, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh các hoạt động thông tin truyền thông sâu rộng trong nhân dân Thành phố, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo về mục tiêu, nội dung hoạt động của Chương trình Giảm nghèo bền vững; trong đó tập trung tuyên truyền về các cách làm¸ mô hình giảm nghèo hiệu quả của các địa phương, cơ sở trong giai đoạn mới theo phương pháp giảm nghèo đa chiều của Thành phố.
12. Sở Văn hóa và Thể thao:
Chủ trì, xây dựng và hướng dẫn triển khai các chương trình hỗ trợ nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là ở các xã nông thôn ngoại thành; hướng dẫn xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, quản lý và sử dụng các Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thể dục thể thao quận, huyện, các Nhà văn hóa phường, xã, thị trấn hiệu quả, thiết thực, thu hút người dân tham gia sinh hoạt thường xuyên.
13. Sở Tư pháp:
Chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước Thành phố tiếp tục tổ chức các chương trình hỗ trợ miễn phí cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về pháp luật; phối hợp cùng Đoàn Luật sư Thành phố có kế hoạch tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và tư vấn pháp luật miễn phí, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố.
14. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với chương giảm nghèo bền vững ở các huyện ngoại thành.
- Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị, có chính sách ưu tiên và giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có đất sản xuất nông nghiệp để tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có tích lũy, tăng thu nhập, giảm được nghèo.
15. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thành phố:
Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các đơn vị có liên quan tổ chức quản lý, điều hành tốt Quỹ quốc gia về việc làm, các nguồn vốn ủy thác của Thành phố và các chương trình tín dụng ưu đãi của ngân hàng, đảm bảo cung cấp kịp thời và đầy đủ nguồn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tổ chức sản xuất làm ăn, cải thiện điều kiện sống để thực hiện hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững của Thành phố.
16. Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố:
Chủ trì, nghiên cứu dự báo tình hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững của Thành phố theo từng giai đoạn; nghiên cứu các đề tài khoa học có tính chuyên sâu về các lĩnh vực giảm nghèo đô thị, phân hóa giàu nghèo, khoảng cách giàu nghèo… trên địa bàn Thành phố để phục vụ hiệu quả cho việc xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp của Chương trình Giảm nghèo bền vững của Thành phố.
17. Sở Nội vụ:
Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, bố trí cán bộ làm công tác giảm nghèo theo hệ thống từ Thành phố đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn; nghiên cứu đề xuất các chính sách chăm lo tương xứng cho đội ngũ cán bộ để đảm bảo ổn định và thực hiện tốt nhiệm vụ giảm nghèo bền vững tại địa phương, cơ sở; tham mưu việc kết hợp chặt chẽ giữa phong trào thi đua hàng năm với phong trào giảm nghèo bền vững cho toàn Thành phố và từng địa phương, cơ sở gắn với tổ chức biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời.
18. Liên minh Hợp tác xã Thành phố:
Chủ trì, tổ chức tập huấn, hướng dẫn xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã của người nghèo, cận nghèo; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các quận, huyện triển khai thí điểm các hình thức hợp tác trong một số ngành nghề phù hợp với người nghèo, cận nghèo theo từng khu vực, nhất là các quận nội thành và quận đô thị hóa để rút kinh nghiệm, từng bước nhân rộng các mô hình hiệu quả.
19. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức đoàn thể các cấp:
- Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng, giúp nhau khắc phục khó khăn để giảm nghèo, vươn lên làm ăn phát đạt.
- Gắn Chương trình Giảm nghèo bền vững với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và chương trình xây dựng nông thôn mới ở các huyện ngoại thành theo hướng nâng cao chất lượng các tiêu chí của nông thôn mới trong giai đoạn 2016 - 2020. Tăng cường vận động toàn thể đoàn viên, hội viên và đông đảo nhân dân tích cực tham gia thực hiện giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều của Thành phố.
- Tham gia giám sát, kiểm tra đánh giá việc bình nghị xét hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo nguyên tắc công bằng, dân chủ, công khai từ cơ sở, khu dân cư; đồng thời, tổ chức giám sát các hoạt động thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo của địa phương, cơ sở.
20. Ủy ban nhân dân các quận - huyện:
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố), Cục Thống kê Thành phố chỉ đạo tổ chức khảo sát lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố giai đoạn 2016 - 2020; tổ chức công nhận hộ nghèo (theo các nhóm hộ), hộ cận nghèo để theo dõi, quản lý và thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ của chương trình tại địa phương, cơ sở. Thực hiện cập nhật biến động hộ nghèo, hộ cận nghèo (tăng, giảm) và rà soát, đánh giá hiệu quả giảm nghèo theo định kỳ hàng năm.
- Tổ chức lồng ghép việc thực hiện kế hoạch và các chỉ tiêu giảm nghèo với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm trên địa bàn.
- Xây dựng chương trình, kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo với lộ trình, bước đi phù hợp và cụ thể theo từng năm và giai đoạn; tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ và giải pháp tác động thiết thực, hiệu quả để tập trung đẩy nhanh tiến độ giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo theo thu nhập; đồng thời tập trung cải thiện, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo để giảm từng chiều thiếu hụt; đảm bảo thực hiện hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo bền vững của Thành phố.
- Ưu tiên bố trí nguồn lực cán bộ làm công tác giảm nghèo ở địa phương; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc lồng ghép, phối hợp thực hiện kế hoạch giảm nghèo với kế hoạch thường xuyên của các phòng ban chuyên môn và Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn; đảm bảo chỉ đạo, quản lý và điều hành có hiệu quả cơ chế hoạt động giảm nghèo theo phương pháp đa chiều. Hàng năm, tổ chức sơ kết, tổng kết công tác giảm nghèo gắn với thi đua khen thưởng. Đảm bảo thực hiện tốt chế độ báo cáo định kỳ cho cấp trên theo quy định.
21. Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn:
Là cấp tiếp xúc trực tiếp với hộ nghèo, hộ cận nghèo, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố trên địa bàn.
- Tổ chức điều tra, khảo sát, xác định và công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn theo đúng hướng dẫn của Thành phố và quận, huyện.
- Hàng năm, xây dựng chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu giảm nghèo; phối hợp với các phòng ban, đơn vị của quận, huyện thực hiện các chính sách tác động và giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tổ chức sản xuất làm ăn tự vươn lên giảm nghèo theo các chỉ tiêu giảm nghèo (thu nhập và giảm các chiều nghèo, thiếu hụt cơ bản) của quận, huyện, phường, xã, thị trấn.
- Hàng năm, tổ chức rà soát, đánh giá hiệu quả giảm nghèo, cập nhật, xử lý công nhận tăng, giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng quy định.
- Tổ chức sơ kết, tổng kết, thi đua khen thưởng và báo cáo kết quả thực hiện định kỳ cho cấp trên theo quy định.
Điều 3. Căn cứ Chương trình Giảm nghèo bền vững của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020, các Sở - ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường xã, thị trấn có trách nhiệm xây dựng Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của đơn vị, địa phương; đồng thời xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững hàng năm trình Cấp ủy và Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố, Thủ trưởng các Sở - ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
BIỂU TỔNG NGUỒN VỐN VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3582/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố)
STT | Các nguồn vốn | ĐVT | Năm 2015 | Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | Giai đoạn 2016-2020 |
| TỔNG NGUỒN VỐN ĐẢM BẢO THỰC HIỆN | Triệu đồng | 3.253.486 | 3.749.259 | 3.583.140 | 3.461.981 | 3.299.142 | 3.326.165 | 5.555.203 |
| Trong đó, nguồn bổ sung hàng năm: | Triệu đồng | 446.315 | 875.588 | 639.269 | 517.110 | 342.271 | 307.294 | 2.681.532 |
| - Nguồn ngân sách Trung ương | Triệu đồng | 31.000 | -119.000 | -189.000 | -159.000 | -109.000 | -29.000 | -605.000 |
| - Nguồn ngân sách Thành phố | Triệu đồng | 214.787 | 618.350 | 517.195 | 407.133 | 270.045 | 220.311 | 2.033.034 |
| - Nguồn vận động trong nước | Triệu đồng | 196.212 | 366.822 | 305.046 | 265.210 | 181.226 | 115.983 | 1.234.287 |
| - Nguồn khác (lãi từ tiền gửi ngân hàng, Sawaco) | Triệu đồng | 4.316 | 9.416 | 6.028 | 3.767 | 0 | 0 | 19.211 |
A | ĐẦU TƯ CHO VAY ƯU ĐÃI, TÍN DỤNG NHỎ: |
|
|
|
|
|
|
|
|
| Tổng nguồn vốn | Triệu đồng | 2.873.671 | 2.943.871 | 2.944.871 | 2.956.871 | 3.018.871 | 3.160.871 | 3.160.871 |
| Trong đó, nguồn bổ sung hàng năm: | Triệu đồng | 66.500 | 70.200 | 1.000 | 12.000 | 62.000 | 142.000 | 287.200 |
| - Vốn từ ngân sách Trung ương | Triệu đồng | 31.000 | -119.000 | -189.000 | -159.000 | -109.000 | -29.000 | -605.000 |
| - Vốn từ ngân sách Thành phố | Triệu đồng | 28.000 | 182.000 | 182.000 | 162.000 | 162.000 | 162.000 | 850.000 |
| - Vốn huy động, vận động trong nước | Triệu đồng | 7.000 | 7.000 | 8.000 | 9.000 | 9.000 | 9.000 | 42.000 |
| - Nguồn khác (lãi từ tiền gửi ngân hàng) | Triệu đồng | 500 | 200 | 0 | 0 | 0 | 0 | 200 |
I | Các chương trình cho vay vốn ưu đãi |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo (ủy thác qua NHCSXH) |
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1 | Tổng nguồn vốn | Triệu đồng | 297.886 | 455.086 | 613.086 | 742.086 | 871.086 | 1.000.086 | 1.000.086 |
| - Trong đó, nguồn bổ sung hàng năm: | Triệu đồng | 10.500 | 157.200 | 158.000 | 129.000 | 129.000 | 129.000 | 702.200 |
| + Nguồn ngân sách Thành phố | Triệu đồng | 3.000 | 150.000 | 150.000 | 120.000 | 120.000 | 120.000 | 660.000 |
| + Nguồn vận động trong nước | Triệu đồng | 7.000 | 7.000 | 8.000 | 9.000 | 9.000 | 9.000 | 42.000 |
| + Nguồn khác (lãi tiền gửi ngân hàng) | Triệu đồng | 500 | 200 | 0 | 0 | 0 | 0 | 200 |
1.2 | Số hộ vay | Lượt hộ | 19.500 | 22.754 | 30.654 | 37.104 | 43.554 | 50.004 | 184.072 |
2 | Chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH (thực hiện theo lộ trình trả vốn Trung ương) |
|
|
|
|
|
|
|
|
2.1 | Nguồn vốn ngân sách cho vay | Triệu đồng | 801.424 | 651.424 | 431.424 | 241.424 | 101.424 | 41.424 | 41.424 |
| + Hoàn trả vốn Trung ương | Triệu đồng | 0 | -150.000 | -220.000 | -190.000 | -140.000 | -60.000 | -760.000 |
2.2 | Lượt hộ vay | Lượt hộ | 40.071 | 32.571 | 21.571 | 12.071 | 5.071 | 2.071 | 73.355 |
3 | Chương trình cho vay HS-SV của NHCSXH |
|
|
|
|
|
|
|
|
3.1 | Nguồn vốn ngân sách trung ương cho vay | Triệu đồng | 566.589 | 566.589 | 566.589 | 566.589 | 566.589 | 566.589 | 566.589 |
| + Trong đó, nguồn NSTW cấp bổ sung | Triệu đồng | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
3.2 | Lượt HS-SV vay | Lượt HSSV | 51.508 | 51.508 | 51.508 | 51.508 | 51.508 | 51.508 | 257.540 |
4 | Chương trình cho vay xuất khẩu lao động của NHCSXH (lao động nghèo) |
|
|
|
|
|
|
|
|
4.1 | Nguồn vốn ngân sách Trung ương cho vay | Triệu đồng | 2.586 | 3.586 | 4.586 | 5.586 | 6.586 | 7.586 | 7.586 |
| + Trong đó, nguồn NSTW cấp bổ sung | Triệu đồng | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 5.000 |
4.2 | Lượt hộ nghèo vay | Lượt hộ | 103 | 143 | 183 | 223 | 263 | 303 | 1.117 |
5 | Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (cho hộ nghèo) của NHCSXH |
|
|
|
|
|
|
|
|
5.1 | Nguồn vốn ngân sách Trung ương cho vay | Triệu đồng | 417.595 | 447.595 | 477.595 | 507.595 | 537.595 | 567.595 | 567.595 |
| + Trong đó, nguồn NSTW cấp bổ sung | Triệu đồng | 30.000 | 30.000 | 30.000 | 30.000 | 30.000 | 30.000 | 150.000 |
5.2 | Lượt hộ nghèo vay | Lượt hộ | 69.599 | 74.599 | 79.599 | 84.599 | 89.599 | 94.599 | 422.996 |
6 | Chương trình cho vay giải quyết việc làm |
|
|
|
|
|
|
|
|
6.1 | Nguồn vốn cho vay | Triệu đồng | 360.673 | 390.673 | 420.673 | 460.673 | 500.673 | 540.673 | 540.673 |
| Trong đó, nguồn bổ sung hàng năm: | Triệu đồng | 20.000 | 30.000 | 30.000 | 40.000 | 40.000 | 40.000 | 180.000 |
| - Nguồn ngân sách Trung ương | Triệu đồng | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
| - Nguồn ngân sách Thành phố | Triệu đồng | 20.000 | 30.000 | 30.000 | 40.000 | 40.000 | 40.000 | 180.000 |
6.2 | Số hộ vay vốn | Lượt hộ | 20.037 | 21.704 | 23.371 | 25.593 | 27.815 | 30.037 | 128.520 |
| - Trong đó, hộ nghèo | Lượt hộ | 6.011 | 6.511 | 7.011 | 7.678 | 8.345 | 9.011 | 38.556 |
6.3 | Số lao động được giải quyết việc làm | LĐ | 26.049 | 23.880 | 25.469 | 27.780 | 30.092 | 32.403 | 139.624 |
| - Trong đó, lao động nghèo | LĐ | 7.815 | 8.465 | 9.115 | 9.981 | 10.848 | 11.715 | 50.123 |
7 | Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi (ủy thác qua NHCSXH) |
|
|
|
|
|
|
|
|
7.1 | Nguồn vốn cho vay | Triệu đồng | 205.000 | 205.000 | 205.000 | 205.000 | 205.000 | 205.000 | 205.000 |
| Trong đó, nguồn bổ sung hàng năm | Triệu đồng | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
7.2 | Số hộ | Lượt hộ | 8.200 | 8.200 | 8.200 | 8.200 | 8.200 | 8.200 | 41.000 |
| - Trong đó, hộ nghèo | Lượt hộ | 2.460 | 2.460 | 2.460 | 2.460 | 2.460 | 2.460 | 12.300 |
7.3 | Số lao động | LĐ | 10.660 | 10.660 | 10.660 | 10.660 | 10.660 | 10.660 | 53.300 |
| - Trong đó, lao động nghèo | LĐ | 3.198 | 3.198 | 3.198 | 3.198 | 3.198 | 3.198 | 15.990 |
8 | Quỹ cho vay người sau cai và người sống chung với HIV (ủy thác qua NHCSXH) |
|
|
|
|
|
|
|
|
8.1 | Nguồn vốn cho vay | Triệu đồng | 6.800 | 8.800 | 10.800 | 12.800 | 14.800 | 16.800 | 16.800 |
| Trong đó, nguồn bổ sung hàng năm: | Triệu đồng | 5.000 | 2.000 | 2.000 | 2.000 | 2.000 | 2.000 | 10.000 |
| - Nguồn ngân sách Trung ương | Triệu đồng | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
| - Nguồn ngân sách Thành phố | Triệu đồng | 5.000 | 2.000 | 2.000 | 2.000 | 2.000 | 2.000 | 10.000 |
8.2 | Số hộ vay vốn | Lượt hộ | 453 | 587 | 720 | 853 | 987 | 1.120 | 4.267 |
| - Trong đó, hộ nghèo | Lượt hộ | 181 | 235 | 288 | 341 | 395 | 448 | 1.707 |
8.3 | Số lao động được giải quyết việc làm | LĐ | 453 | 587 | 720 | 853 | 987 | 1.120 | 4.267 |
| - Trong đó, lao động nghèo | LĐ | 181 | 235 | 288 | 341 | 395 | 448 | 1.707 |
II | Tín dụng nhỏ của các tổ chức đoàn thể |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố |
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1 | Tổng nguồn vốn | Triệu đồng | 104.118 | 104.118 | 104.118 | 104.118 | 104.118 | 104.118 | 104.118 |
1.2 | Số lượt hộ vay | Lượt hộ | 23.137 | 23.137 | 23.137 | 23.137 | 23.137 | 23.137 | 115.687 |
2 | Hội Nông dân Thành phố |
|
|
|
|
|
|
|
|
2.1 | Tổng nguồn vốn | Triệu đồng | 20.000 | 20.000 | 20.000 | 20.000 | 20.000 | 20.000 | 20.000 |
2.2 | Số lượt hộ vay | Lượt hộ | 1.429 | 1.429 | 1.429 | 1.429 | 1.429 | 1.429 | 7.143 |
3 | Liên đoàn Lao động Thành phố (Quỹ CEP) |
|
|
|
|
|
|
|
|
3.1 | Tổng nguồn vốn huy động, vận động | Triệu đồng | 91.000 | 91.000 | 91.000 | 91.000 | 91.000 | 91.000 | 91.000 |
3.2 | Số lượt người vay | Số lượt | 318.500 | 318.500 | 318.500 | 318.500 | 318.500 | 318.500 | 1.592.500 |
B | HỖ TRỢ CHO CHÍNH SÁCH SẢN XUẤT VÀ ĐÀO TẠO NGHỀ (hỗ trợ không hoàn lại) |
|
|
|
|
|
|
|
|
| Tổng nguồn hỗ trợ | Triệu đồng | 5.000 | 9.500 | 8.800 | 9.100 | 9.400 | 9.700 | 46.500 |
| - Nguồn từ ngân sách Thành phố | Triệu đồng | 4.000 | 8.500 | 8.800 | 9.100 | 9.400 | 9.700 | 45.500 |
| - Nguồn huy động, vận động trong nước | Triệu đồng | 1.000 | 1.000 | 0 | 0 | 0 | 0 | 1.000 |
1 | Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nghèo |
|
|
|
|
|
|
|
|
| Lượt lao động được đào tạo | LĐ | 2.000 | 3.000 | 3.000 | 3.000 | 3.000 | 3.000 | 15.000 |
| Kinh phí thực hiện: | Triệu đồng | 4.000 | 5.500 | 5.800 | 6.100 | 6.400 | 6.700 | 30.500 |
| - Nguồn từ Ngân sách Thành phố (Chương trình 1956) | Triệu đồng | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 5.000 |
| - Nguồn từ ngân sách Thành phố (Vận dụng Chương trình 1956 cho nội thành và quận ven) | Triệu đồng | 3.000 | 4.500 | 4.800 | 5.100 | 5.400 | 5.700 | 25.500 |
2 | Hỗ trợ đào tạo nghề diện bị thu hồi đất (thực hiện đến 2016, kết thúc chu kỳ hỗ trợ 3 năm) |
|
|
|
|
|
|
|
|
| Lượt lao động được đào tạo | LĐ | 330 | 330 |
|
|
|
| 330 |
| - Trong đó, lao động nghèo | LĐ | 100 | 100 |
|
|
|
| 100 |
| Kinh phí thực hiện - nguồn vận động trong nước | Triệu đồng | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
| 1.000 |
3 | Hỗ trợ lãi vay cho nông dân nghèo: Hỗ trợ bù lãi suất theo Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 - Nguồn ngân sách Thành phố | Triệu đồng |
| 3.000 | 3.000 | 3.000 | 3.000 | 3.000 | 15.000 |
C | HỖ TRỢ CÁC CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI (hỗ trợ không hoàn lại) |
|
|
|
|
|
|
|
|
| Tổng nguồn hỗ trợ | Triệu đồng | 372.744 | 766.915 | 612.469 | 481.810 | 258.071 | 143.294 | 2.262.559 |
| - Nguồn từ ngân sách Thành phố | Triệu đồng | 180.716 | 398.877 | 309.395 | 221.833 | 85.845 | 36.311 | 1.052.261 |
| - Nguồn vận động trong nước | Triệu đồng | 188.212 | 358.822 | 297.046 | 256.210 | 172.226 | 106.983 | 1.191.287 |
| - Nguồn khác (Sawaco) | Triệu đồng | 3.816 | 9.216 | 6.028 | 3.767 | 0 | 0 | 19.011 |
1 | Hỗ trợ về y tế |
|
|
|
|
|
|
|
|
| Số thẻ BHYT cấp cho người nghèo | Thẻ | 79.520 | 168.000 | 109.879 | 54.939 | 0 | 0 | 332.818 |
| Số thẻ BHYT bắt buộc được NS hỗ trợ 70% chi phí | Thẻ | 136.469 | 216.000 | 192.000 | 168.000 | 96.000 | 24.000 | 696.000 |
| Số thẻ BHYT tự nguyện | Thẻ | 156.970 | 156.970 | 141.273 | 125.576 | 109.879 | 94.182 |
|
| Kinh phí mua thẻ: | Triệu đồng | 134.129 | 335.942 | 275.197 | 216.428 | 127.851 | 73.391 | 1.028.809 |
| - Nguồn ngân sách Thành phố | Triệu đồng | 108.705 | 198.223 | 151.697 | 107.147 | 41.731 | 10.433 | 509.231 |
| - Nguồn hộ dân đóng góp và vận động trong nước tặng cho | Triệu đồng | 25.424 | 137.719 | 123.500 | 109.281 | 86.120 | 62.958 | 519.578 |
| Hỗ trợ 15% đồng chi trả khám chữa bệnh | Triệu đồng | 19.000 | 22.000 | 21.000 | 20.000 | 19.000 | 19.000 | 101.000 |
2 | Hỗ trợ về giáo dục cho học sinh nghèo, cận nghèo |
|
|
|
|
|
|
|
|
| Số học sinh nghèo, cận nghèo được miễn giảm học phí | HS | 25.000 | 90.000 | 71.545 | 53.773 | 24.000 | 6.000 | 245.318 |
| Kinh phí miễn giảm học phí - Nguồn ngân sách Thành phố | Triệu đồng | 15.000 | 54.000 | 42.927 | 37.641 | 16.800 | 4.800 | 156.168 |
| Số học sinh nghèo được hỗ trợ học bổng | HS | 20.000 | 20.000 | 20.000 | 18.000 | 18.000 | 15.000 | 91.000 |
| Kinh phí hỗ trợ học bổng - Nguồn vận động trong nước | Triệu đồng | 20.000 | 20.000 | 20.000 | 18.000 | 18.000 | 15.000 | 91.000 |
| Hỗ trợ chi phí học tập - Nguồn ngân sách Thành phố | Triệu đồng | 10.735 | 22.680 | 14.834 | 7.417 | 0 | 0 | 44.931 |
3 | Hỗ trợ giáo dục diện bị thu hồi đất (thực hiện đến 2016, kết thúc chu kỳ hỗ trợ 3 năm) |
|
|
|
|
|
|
|
|
| Lượt học sinh, sinh viên | Lượt HSSV | 13.925 | 13.925 |
|
|
|
| 13.925 |
| - Trong đó, học sinh, sinh viên nghèo | Lượt HSSV | 2.785 | 2.785 |
|
|
|
| 2.785 |
| Kinh phí thực hiện - Nguồn vận động trong nước | Triệu đồng | 18.103 | 18.103 |
|
|
|
| 18.103 |
4 | Hỗ trợ bảo hiểm xã hội tự nguyện |
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Lượt lao động nghèo | Lượt LĐ |
| 19.200 | 12.558 | 6.279 |
|
| 38.037 |
| - Lượt lao động cận nghèo | Lượt LĐ |
| 28.800 | 25.600 | 22.400 | 12.800 | 3.200 | 92.800 |
| - Kinh phí hỗ trợ - Nguồn ngân sách Thành phố | Triệu đồng |
| 23.950 | 18.789 | 13.830 | 5.914 | 1.478 | 63.961 |
5 | Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo |
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Số nhà được xây, được sửa chữa | Căn | 4.263 | 6.000 | 4.962 | 3.981 | 1.962 | 981 | 17.886 |
| - Kinh phí hỗ trợ | Triệu đồng | 106.575 | 150.000 | 124.050 | 99.525 | 49.050 | 24.525 | 447.150 |
6 | Hỗ trợ giá nước cho hộ nghèo (theo đề án của Sawaco) | Triệu đồng |
|
|
|
|
|
|
|
| - Số hộ | Hộ | 28.400 | 60.000 | 39.242 | 19.621 |
|
| 118.864 |
| - Kinh phí hỗ trợ | Triệu đồng | 3.816 | 9.216 | 6.028 | 3.767 |
|
| 19.011 |
7 | Hỗ trợ bù giá điện |
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Số hộ | Hộ | 5.680 | 12.000 | 7.848 | 3.924 |
|
| 23.773 |
| - Kinh phí hỗ trợ - Nguồn ngân sách Thành phố | Triệu đồng | 3.136 | 6.624 | 4.333 | 2.166 |
|
| 13.123 |
8 | Trợ cấp khó khăn |
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Số hộ | Hộ | 2.100 | 2.500 | 2.200 | 1.800 | 1.200 | 500 | 8.200 |
| - Kinh phí hỗ trợ - Nguồn vận động | Triệu đồng | 1.050 | 1.500 | 1.496 | 1.404 | 1.056 | 500 | 5.956 |
9 | Hỗ trợ phí hỏa táng |
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Số người nghèo | Người |
| 2.400 | 1.570 | 785 |
|
| 4.755 |
| - Số người cận nghèo | Người |
| 3.600 | 3.200 | 2.800 | 1.600 | 400 | 11.600 |
| - Kinh phí hỗ trợ | Triệu đồng |
| 11.400 | 8.724 | 6.162 | 2.400 | 600 | 29.286 |
10 | Hỗ trợ chăm lo Tết Nguyên đán |
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Số hộ nghèo | Hộ | 28.400 | 60.000 | 39.242 | 19.621 |
|
| 118.863 |
| + Kinh phí thực hiện - Nguồn ngân sách Thành phố | Triệu đồng | 24.140 | 60.000 | 47.091 | 27.470 |
|
| 134.561 |
| - Số hộ cận nghèo | Hộ | 56.862 | 90.000 | 80.000 | 70.000 | 40.000 | 10.000 | 290.000 |
| + Kinh phí thực hiện - Nguồn vận động | Triệu đồng | 17.060 | 31.500 | 28.000 | 28.000 | 18.000 | 4.000 | 109.500 |
D | KINH PHÍ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG CÁC CẤP (Từ nguồn ngân sách Thành phố và quận, huyện) |
|
|
|
|
|
|
|
|
| Tổng kinh phí thực hiện | Triệu đồng | 2.071 | 28.973 | 17.000 | 14.200 | 12.800 | 12.300 | 85.273 |
1 | Điều tra, cập nhật và quản lý hộ nghèo | Triệu đồng | 571 | 11.773 | 500 | 500 | 300 | 300 | 13.373 |
2 | Tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo (cán bộ giảm nghèo, tổ tự quản giảm nghèo) | Triệu đồng | 800 | 1.500 | 800 | 800 | 800 | 1.500 | 5.400 |
3 | Các hoạt động truyền thông | Triệu đồng | 300 | 500 | 500 | 300 | 300 | 300 | 1.900 |
4 | Hoạt động giám sát, đánh giá chương trình | Triệu đồng | 400 | 800 | 800 | 600 | 600 | 600 | 3.400 |
5 | Kinh phí hỗ trợ tổ tự quản giảm nghèo | Triệu đồng |
| 14.400 | 14.400 | 12.000 | 10.800 | 9.600 | 61.200 |
BIỂU CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ, MỨC HỖ TRỢ, NGUỒN KINH PHÍ VÀ ĐƠN VỊ THỰC HIỆN HỖ TRỢ CHO HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3582/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố)
STT | Cơ sở pháp lý | Đối tượng hỗ trợ | Nội dung và mức hỗ trợ | Nguồn kinh phí hỗ trợ | Tổ chức thực hiện | |
Nguồn ngân sách | Nguồn vận động | |||||
I | Chính sách vay vốn ưu đãi và tín dụng nhỏ | |||||
1 | - Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; - Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; - Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm (Quỹ QGVVL); - Quyết định số 140/2006/QĐ-UB ngày 22/9/2006 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Xóa đói giảm nghèo Thành phố (Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo); - Quyết định số 156/2006/QĐ-UBND ngày 27/10/2006 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thành lập Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố (gọi tắt là Quỹ 156); - Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 23/02/2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quy định về khuyết khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 - 2020; - Quyết định số 2539/QĐ-UB ngày 15/6/2002 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thành lập Quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã (gọi tắt là Quỹ CCM); - Quyết định số 610/QĐ-UB ngày 02/11/1991 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thành lập Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (gọi tắt là Quỹ CEP); - Quyết định số 230/2003/QĐ-UB ngày 17/10/2003 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thành lập Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (gọi tắt là Quỹ CWED). | Hộ nghèo nhóm 1, 2 | Cho vay vốn để tăng thu nhập và tạo việc làm: - Sản xuất kinh doanh tạo việc làm tại chỗ; - Dự án vay vốn thu nhận lao động nghèo, cận nghèo; - Sản xuất nông nghiệp được hưởng chính sách bù lãi suất; - Phương án sản xuất kinh doanh của xã viên Hợp tác xã; - Dự án vay vốn của hộ dân có đất bị thu hồi. | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo, Quỹ QGVVL | Quỹ 156, Quỹ CCM, Quỹ của Hội đoàn thể | a) Thực hiện: UBND phường, xã, thị trấn xác nhận đối tượng; NHCSXH, Liên minh HTX, Liên đoàn Lao động, Hội đoàn thể thực hiện cho vay; b) Phối hợp: UBND quận, huyện, Thường trực BCĐ/TP, Sở Tài chính, Sở KH&ĐT lập kế hoạch cân đối nhu cầu, nguồn vốn vay hàng năm và cả giai đoạn trình UBND Thành phố phê duyệt; c) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ban Giảm nghèo quận, huyện, Ủy ban MTTQ các cấp; d) Tổng hợp báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. |
Cho vay vốn tạo việc làm ngoài nước: - Chi phí đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. - Hộ bị thu hồi đất, được hưởng chính sách vay của Quỹ 156 | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo, NHCSXH, Quỹ 156. | Ngân hàng NN&PTNT | a) Thực hiện: UBND phường, xã, thị trấn xác nhận đối tượng; NHCSXH, Ngân hàng NN&PTNT thực hiện cho vay; b) Phối hợp: UBND quận, huyện, Thường trực BCĐ/TP, Sở Tài chính và Sở KH&ĐT cân đối nhu cầu, nguồn vốn vay; c) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ban Giảm nghèo quận, huyện, Ủy ban MTTQ các cấp; d) Tổng hợp báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. | |||
Cho vay học sinh-sinh viên để mua sắm phương tiện, dụng cụ học tập, đóng học phí (học văn hóa, học nghề)... | NHCSXH, Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo | a) Thực hiện: UBND phường, xã, thị trấn xác nhận đối tượng, NHCSXH thực hiện cho vay; b) Phối hợp: UBND quận, huyện, Thường trực BCĐ/TP, Sở Tài chính và Sở KH&ĐT cân đối nhu cầu, nguồn vốn vay; c) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ban Giảm nghèo quận, huyện, Ủy ban MTTQ các cấp; d) Tổng hợp báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. | |||
Cho vay vốn đầu tư nhà ở: - Cho vay sửa chữa nhà (mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ) | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo |
| a) Thực hiện: UBND phường, xã, thị trấn xác nhận đối tượng, NHCSXH thực hiện cho vay; b) Phối hợp: UBND quận, huyện, Thường trực BCĐ/TP, Sở Tài chính và Sở KH&ĐT cân đối nhu cầu, nguồn vốn vay; c) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ban Giảm nghèo quận, huyện, Ủy ban MTTQ các cấp; d) Tổng hợp báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. | |||
Cho vay vốn đầu tư xây dựng, cải tạo công trình nước sạch: Áp dụng đối với hộ ở nông thôn | NHCSXH |
| a) Thực hiện: UBND phường, xã, thị trấn khảo sát nhu cầu, NHCSXH thực hiện cho vay; b) Phối hợp: Sở Tài chính, Sở KH&ĐT, Sawaco; c) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ủy ban MTTQ các cấp; d) Tổng hợp báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. | |||
2 | - Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; - Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; - Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm (Quỹ QGVVL); - Quyết định số 140/2006/QĐ-UB ngày 22/9/2006 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Xóa đói giảm nghèo Thành phố (Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo); - Quyết định số 156/2006/QĐ-UBND ngày 27/10/2006 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thành lập Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố (gọi tắt là Quỹ 156); - Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 23/02/2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 - 2020; - Quyết định số 2539/QĐ-UB ngày 15/6/2002 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thành lập Quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã (gọi tắt là Quỹ CCM); - Quyết định số 610/QĐ-UB ngày 02/11/1991 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thành lập Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (gọi tắt là Quỹ CEP); - Quyết định số 230/2003/QĐ-UB ngày 17/10/2003 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thành lập Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (gọi tắt là Quỹ CWED). | Hộ nghèo nhóm 3a và hộ cận nghèo | Cho vay vốn để tăng thu nhập và tạo việc làm (như hộ nghèo nhóm 1, 2): - Sản xuất kinh doanh tạo việc làm tại chỗ; - Dự án vay vốn thu nhận lao động nghèo, cận nghèo; - Sản xuất nông nghiệp được hưởng chính sách bù lãi suất; - Phương án sản xuất kinh doanh của xã viên Hợp tác xã; - Dự án vay vốn của hộ dân có đất bị thu hồi. | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo, Quỹ QGVVL | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo, Quỹ 156, Quỹ CCM, Quỹ của Hội đoàn thể | a) Thực hiện: UBND phường, xã, thị trấn xác nhận đối tượng; NHCSXH, Liên minh HTX, Liên đoàn Lao động, Hội đoàn thể thực hiện cho vay; b) Phối hợp: UBND quận, huyện, Thường trực BCĐ/TP, Sở Tài chính, Sở KH&ĐT lập kế hoạch cân đối nhu cầu, nguồn vốn vay; c) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ban Giảm nghèo quận, huyện, Ủy ban MTTQ các cấp; d) Tổng hợp báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. |
Cho vay vốn tạo việc làm ngoài nước: - Chi phí đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. - Hộ bị thu hồi đất, được hưởng chính sách vay của Quỹ 156. | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo, Quỹ QGVVL | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo, Quỹ 156, Ngân hàng NN&PTNT | a) Thực hiện: UBND phường, xã, thị trấn xác nhận đối tượng; NHCSXH, Ngân hàng NN&PTNT thực hiện cho vay; b) Phối hợp: UBND quận, huyện, Thường trực BCĐ/TP, Sở Tài chính và Sở KH&ĐT cân đối nhu cầu, nguồn vốn vay; c) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ban Giảm nghèo quận, huyện, Ủy ban MTTQ các cấp; d) Tổng hợp báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. | |||
Cho vay học sinh-sinh viên để mua sắm phương tiện, dụng cụ học tập, đóng học phí (học văn hóa, học nghề)... | NHCSXH, Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo | a) Thực hiện: UBND phường, xã, thị trấn xác nhận đối tượng, NHCSXH thực hiện cho vay; b) Phối hợp: UBND quận, huyện, Thường trực BCĐ/TP, Sở Tài chính và Sở KH&ĐT cân đối nhu cầu, nguồn vốn vay; c) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ban Giảm nghèo quận, huyện, Ủy ban MTTQ các cấp; d) Tổng hợp báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. | |||
Cho vay vốn mua BHYT: Hộ cận nghèo đóng 30% chi phí mua thẻ BHYT cho gia đình | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo | a) Thực hiện: UBND phường, xã, thị trấn khảo sát nhu cầu, xác nhận đối tượng; NHCSXH thực hiện cho vay; b) Phối hợp: UBND quận, huyện, BHXH Thành phố, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở KH&ĐT c) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ban Giảm nghèo quận, huyện, Ủy ban MTTQ các cấp; d) Tổng hợp báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. | |||
Cho vay vốn đầu tư nhà ở (như hộ nghèo nhóm 1, 2): - Cho vay sửa chữa nhà (mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ) | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo | a) Thực hiện: UBND phường, xã, thị trấn xác nhận đối tượng; NHCSXH thực hiện cho vay; b) Phối hợp: UBND quận, huyện, Thường trực BCĐ/TP, Sở Tài chính và Sở KH&ĐT cân đối nhu cầu, nguồn vốn vay; c) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ban Giảm nghèo quận, huyện, Ủy ban MTTQ các cấp; d) Tổng hợp báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. | |||
Cho vay vốn đầu tư xây dựng, cải tạo công trình nước sạch (như hộ nghèo nhóm 1, 2): Áp dụng đối với hộ ở nông thôn | NHCSXH |
| a) Thực hiện: UBND phường, xã, thị trấn khảo sát nhu cầu, NHCSXH thực hiện cho vay; b) Phối hợp: Sở Tài chính, Sở KH&ĐT, Sawaco; c) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ủy ban MTTQ các cấp. d) Tổng hợp báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. | |||
3 | - Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; - Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; - Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm (Quỹ QGVVL); - Quyết định số 140/2006/QĐ-UB ngày 22/9/2006 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Xóa đói giảm nghèo Thành phố (Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo); - Quyết định số 156/2006/QĐ-UBND ngày 27/10/2006 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thành lập Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố (gọi tắt là Quỹ 156); - Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 23/02/2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quy định về khuyết khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 - 2020; - Quyết định số 2539/QĐ-UB ngày 15/6/2002 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thành lập Quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã (gọi tắt là Quỹ CCM); - Quyết định số 610/QĐ-UB ngày 02/11/1991 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thành lập Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (gọi tắt là Quỹ CEP); - Quyết định số 230/2003/QĐ-UB ngày 17/10/2003 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thành lập Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (gọi tắt là Quỹ CWED). | Hộ nghèo nhóm 3b | Cho vay vốn để tăng thu nhập và tạo việc làm trong nước (như hộ nghèo nhóm 1, 2, 3a và hộ cận nghèo): - Sản xuất kinh doanh tạo việc làm tại chỗ; - Dự án vay vốn thu nhận lao động nghèo, cận nghèo; - Sản xuất nông nghiệp được hưởng chính sách bù lãi suất; - Phương án sản xuất kinh doanh của xã viên Hợp tác xã; - Dự án vay vốn của hộ dân có đất bị thu hồi. | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo, Quỹ QGVVL | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo, Quỹ 156, Quỹ CCM, Quỹ của Hội đoàn thể | a) Thực hiện: UBND phường, xã, thị trấn xác nhận đối tượng; NHCSXH, Liên minh HTX, Liên đoàn Lao động, Hội đoàn thể thực hiện cho vay; b) Phối hợp: UBND quận, huyện, Thường trực BCĐ/TP, Sở Tài chính và Sở KH&ĐT cân đối nhu cầu, nguồn vốn vay; c) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ban Giảm nghèo quận, huyện, Ủy ban MTTQ các cấp; d) Tổng hợp báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. |
Cho vay vốn tạo việc làm nước ngoài (như nhóm hộ nghèo 3a và hộ cận nghèo): - Chi phí đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. - Hộ bị thu hồi đất, được hưởng chính sách vay của Quỹ 156 | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo, Quỹ QGVVL | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo, Quỹ 156, Ngân hàng NN&PTNT | a) Thực hiện: UBND phường, xã, thị trấn xác nhận đối tượng; NHCSXH, Ngân hàng NN&PTNT thực hiện cho vay; b) Phối hợp: UBND quận, huyện, Thường trực BCĐ/TP, Sở Tài chính và Sở KH&ĐT cân đối nhu cầu, nguồn vốn vay; c) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ban Giảm nghèo quận, huyện, Ủy ban MTTQ các cấp; d) Tổng hợp báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. | |||
Cho vay học sinh-sinh viên để mua sắm phương tiện, dụng cụ học tập, đóng học phí (học văn hóa, học nghề)... | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo | a) Thực hiện: UBND phường, xã, thị trấn xác nhận đối tượng, NHCSXH thực hiện cho vay; b) Phối hợp: UBND quận, huyện, Thường trực BCĐ/TP, Sở Tài chính và Sở KH&ĐT cân đối nhu cầu, nguồn vốn vay; c) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ban Giảm nghèo quận, huyện, Ủy ban MTTQ các cấp; d) Tổng hợp báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. | |||
Cho vay vốn mua BHYT: Chi phí mua thẻ BHYT hộ gia đình | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo | a) Thực hiện: UBND phường, xã, thị trấn khảo sát nhu cầu, xác nhận đối tượng; NHCSXH thực hiện cho vay; b) Phối hợp: UBND quận, huyện, BHXH/TP, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở KH&ĐT; c) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ban Giảm nghèo quận, huyện, Ủy ban MTTQ các cấp; d) Tổng hợp báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. | |||
Cho vay vốn đầu tư nhà ở (như hộ nghèo nhóm 1, 2, 3a và hộ cận nghèo): - Cho vay sửa chữa nhà (mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ) | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo | Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo | a) Thực hiện: UBND phường, xã, thị trấn xác nhận đối tượng; NHCSXH thực hiện cho vay; b) Phối hợp: UBND quận, huyện, Thường trực BCĐ/TP, Sở Tài chính và Sở KH&ĐT cân đối nhu cầu, nguồn vốn vay; c) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ban Giảm nghèo quận, huyện, Ủy ban MTTQ các cấp; d) Tổng hợp báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. | |||
Cho vay vốn đầu tư xây dựng, cải tạo công trình nước sạch (như hộ nghèo nhóm 1, 2, 3a và hộ cận nghèo): Áp dụng đối với hộ ở nông thôn | NHCSXH |
| a) Thực hiện: UBND phường, xã, thị trấn khảo sát nhu cầu, NHCSXH thực hiện cho vay; b) Phối hợp: Sở Tài chính, Sở KH&ĐT, Sawaco; c) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ủy ban MTTQ các cấp. d) Tổng hợp báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. | |||
II | Việc làm - Bảo hiểm xã hội | |||||
1 | Chính sách đào tạo nghề | |||||
1.1 | - Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề sơ cấp. - Chính sách của Thành phố. | Hộ nghèo nhóm 1, 2, 3a | Hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp (tiền học phí: 3.000.000 đồng/khóa học; tiền ăn: 600.000 đồng/20 ngày/ khóa học; tiền xe: 200.000 đồng/khóa học). | X |
| a) Chủ trì: Sở LĐTBXH phối hợp Sở NN & PTNT, các trung tâm dạy nghề, các cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề theo nhu cầu rà soát của quận, huyện, phường, xã, thị trấn. b) Phối hợp: Thường trực BCĐ/TP, Sở Tài chính, Sở KH&ĐT: - Thường trực BCĐ/TP: Thống kê nhu cầu học nghề từ Ban Giảm nghèo quận, huyện; - Sở Tài chính: bố trí kinh phí; - Sở KH&ĐT: đưa chi tiêu giảm nghèo vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm; - Ủy ban MTTQ: vận động Quỹ vì người nghèo hỗ trợ học phí cho lao động hộ nghèo nhóm 3b khu vực thành thị. c) Thực hiện: - UBND phường, xã, thị trấn tổ chức khảo sát nhu cầu, tư vấn hướng nghiệp cho người lao động; - Các cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề; - Phòng LĐTBXH quận, huyện thanh toán chi phí dạy nghề; d) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ủy ban MTTQ các cấp; đ) Báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. |
1.2 | Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề lao động nông thôn | Hộ nghèo nhóm 3b (đối với 05 huyện ngoại thành) | Hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp (tiền học phí: tối đa 2.000.000 đồng/khóa học). | X |
| |
1.3 | Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề lao động nông thôn | Hộ nghèo nhóm 3b (đối với khu vực thành thị) | Hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp (tiền học phí: tối đa 2.000.000 đồng/khóa học). |
| Quỹ vì người nghèo các cấp vận động hỗ trợ | |
1.4 | Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề sơ cấp. - Chính sách của Thành phố | Hộ cận nghèo | Hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp (tiền học phí: 2.500.000 đồng/khóa học; tiền ăn: 600.000 đồng/20 ngày/ khóa học; tiền xe: 200.000 đồng/khóa học). | X |
| |
2 | Chính sách giới thiệu việc làm | |||||
2.1 | Giới thiệu việc làm trong nước |
| ||||
|
| Hộ nghèo nhóm 1, 2, 3a, 3b; Hộ cận nghèo | - Giới thiệu việc làm cho các lao động có nhu cầu tìm việc làm. - Giới thiệu việc làm cho các lao động được hỗ trợ đào tạo nghề |
|
| a) Chủ trì: Sở LĐTBXH phối hợp các Sở - ngành chức năng, các trung tâm giới thiệu việc làm, các doanh nghiệp thông tin nhu cầu và tiếp nhận người lao động vào làm việc. b) Phối hợp: Văn phòng BCĐ/TP thống kê nhu cầu tìm việc làm của hộ nghèo, hộ cận nghèo từ Ban Giảm nghèo quận, huyện; c) Thực hiện: UBND phường, xã, thị trấn rà soát nhu cầu, tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động thông qua các sàn giao dịch việc làm, các cơ sở thu nhận lao động trên địa bàn phường, xã, thị trấn, quận, huyện; d) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ủy ban MTTQ các cấp; đ) Báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. |
2.2 | Giới thiệu việc làm ngoài nước |
| ||||
2.2.1 | - Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020; - Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. | Hộ nghèo nhóm 1, 2, 3a | Người lao động được hỗ trợ: 80% chi phí học nghề, ngoại ngữ, tiền ăn, sinh hoạt phí (Ngân sách hỗ trợ 50%, MTTQ hỗ trợ 30%), còn lại người lao động đóng 20% | X | Ủy ban MTTQ các cấp | a) Chủ trì: Sở LĐTBXH phối hợp các đơn vị có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để tư vấn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; b) Phối hợp: - Văn phòng BCĐ/TP thống kê số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu xuất khẩu lao động từ Ban Giảm nghèo quận, huyện; - Sở Tài chính bố trí kinh phí hỗ trợ; - Ủy ban MTTQ các cấp vận động hỗ trợ 30% chi phí học nghề, học ngoại ngữ; c) Thực hiện: - UBND phường, xã, thị trấn rà soát nhu cầu, phối hợp các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổ chức tư vấn hướng nghiệp, thông tin các thị trường tuyển dụng; - Phòng LĐTBXH quận, huyện phối hợp Ủy ban MTTQ hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ cho người lao động. d) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ủy ban MTTQ các cấp; đ) Báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. |
2.2.2 | - Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020; - Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. | Hộ nghèo nhóm 3b | Người lao động đóng 70%, MTTQ hỗ trợ 30% (2.700.000 đồng/khóa học ngoại ngữ) |
| ||
2.2.3 | - Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020; - Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia việc làm. | Hộ cận nghèo | Người lao động được hỗ trợ: 60% chi phí học nghề, ngoại ngữ, tiền ăn, sinh hoạt phí (Ngân sách hỗ trợ 30%, MTTQ hỗ trợ 30%), còn lại người lao động đóng 40%. | X | ||
3 | Chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) | |||||
3.1 | Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện | Hộ nghèo nhóm 1, 2 | Ngân sách hỗ trợ 30% của 22% mức thu nhập hàng tháng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (người lao động đóng 70% của 22% mức thu nhập hàng tháng) | X | Người lao động, các tổ chức và cá nhân ủng hộ, tài trợ. | a) Chủ trì: BHXH Thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội tự nguyện để phối hợp quận, huyện, phường, xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, vận động hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; b) Phối hợp: Sở LĐTBXH, Sở KHĐT, UBND quận, huyện; c) Thực hiện: - Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể lập thủ tục đóng BHXH cho người lao động, người lao động lập thủ tục đóng BHXH; - Sở Tài chính cấp kinh phí cho Phòng TCKH quận, huyện; - UBND phường, xã, thị trấn: xác nhận đối tượng; - Phòng LĐTBXH quận, huyện tổng hợp và đề nghị Phòng TCKH quận, huyện quyết toán kinh phí hỗ trợ mức đóng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho cơ quan BHXH quận, huyện (hoặc BHXH Thành phố); d) Giám sát: BHXH Thành phố; Thường trực BCĐ/TP, Phòng LĐTBXH, Ủy ban MTTQ các cấp; đ) Báo cáo: BHXH Thành phố. |
3.2 | Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện | Hộ nghèo nhóm 3a và hộ cận nghèo | Ngân sách hỗ trợ 25% của 22% mức thu nhập hàng tháng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (người lao động đóng 75% của 22% mức thu nhập hàng tháng) | X |
| |
3.3 | Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 | Hộ nghèo nhóm 3b | Ngân sách hỗ trợ 10% của 22% mức thu nhập hàng tháng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (người lao động đóng 90% của 22% mức thu nhập hàng tháng) | X |
| |
III | Chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố | |||||
1 | Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014 | Hộ nghèo nhóm 1, 2 | Hỗ trợ thành viên có thiếu hụt chiều y tế: 100% tiền mua thẻ BHYT (cấp thẻ) | X |
| a) Chủ trì: Sở Y tế, BHXH Thành phố xây dựng kế hoạch kinh phí, hướng dẫn cơ sở y tế thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; b) Phối hợp: TTBCĐ/TP, Sở Tài chính; c) Thực hiện: - UBND phường, xã, thị trấn, quận, huyện: rà soát, tổ chức vận động người dân tham gia BHYT, lập danh sách cấp thẻ BHYT; - Văn phòng BCĐ/TP phối hợp với BHXH Thành phố tổ chức in thẻ; - Sở Tài chính cấp kinh phí mua thẻ; - Các cơ sở y tế thực hiện hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh; d) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ủy ban MTTQ các cấp, Sở Y tế, BHXH Thành phố; đ) Báo cáo: Sở Y tế. |
- Hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh + Ngân sách hỗ trợ 5% + Quỹ BHYT chi trả 95% - Hỗ trợ tiền ăn 35.000 đồng/ngày khi điều trị nội trú tại Bệnh viện công lập (Quỹ 139) | X |
| ||||
Chủ trương của Thành phố (theo Công văn 43 32/SYT-TCKT 31/7/2014 của Sở Y tế về hướng dẫn chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố) | Hỗ trợ chính sách nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời (100% chi phí xét nghiệm) | X |
| |||
Chính sách của Thành phố | Hỗ trợ chi phí phẫu thuật tim, tiền ăn, tiền đi lại khi trẻ em bị tim bẩm sinh (Quỹ 139) | X |
| |||
2 | Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014 | Hộ nghèo nhóm 3a và hộ cận nghèo | Hỗ trợ cho thành viên có thiếu hụt chiều y tế: 70% chi phí mua thẻ BHYT; còn lại 30% hộ cùng đóng góp | X |
| |
- Hỗ trợ 95% chi phí khám chữa bệnh, bao gồm: + Ngân sách hỗ trợ 15% + Quỹ BHYT chi trả 80% - Người bệnh đồng chi trả 5% chi phí. | X |
| ||||
Chủ trương của Thành phố (theo Công văn 4332/SYT-TCKT 31/7/2014 của Sở Y tế về hướng dẫn chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố) | Hỗ trợ chính sách nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời (50% chi phí xét nghiệm) | X |
| |||
Chính sách của Thành phố | Hỗ trợ chi phí phẫu thuật tim, tiền ăn, tiền đi lại khi trẻ em bị tim bẩm sinh (Quỹ 139) | X |
| |||
3 | Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014 | Hộ nghèo nhóm 3b | Vận động tuyên truyền hộ tham gia mua thẻ BHYT hộ gia đình. Trường hợp hộ khó khăn, vận động mạnh thường quân, tổ chức đoàn thể, MTTQ hỗ trợ 30% chi phí mua thẻ BHYT |
| X | |
Thành viên hộ nghèo nhóm 3b đang chạy thận nhân tạo | Hỗ trợ thành viên đang chạy thận: 70% chi phí mua thẻ BHYT | X |
| |||
- Hỗ trợ 95% chi phí khám chữa bệnh, bao gồm: + Ngân sách hỗ trợ 15% + Quỹ BHYT chi trả 80% - Người chạy thận đồng chi trả 5% | X |
| ||||
IV | Chính sách hỗ trợ giáo dục cho học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố | |||||
1 | - Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020 - 2021; | Hộ nghèo nhóm 1, 2 | - Thực hiện miễn, giảm học phí: + Miễn 100% học phí cho học sinh từ mẫu giáo đến trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên; sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. + Giảm 50% học phí cho học sinh là con thứ ba của hộ đang học từ mẫu giáo đến trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. | X |
| a) Chủ trì: Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch và giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục hàng năm; tổ chức vận động người nghèo (trong độ tuổi) bị thiếu hụt trình độ văn hóa nâng cao trình độ để giảm được chiều thiếu hụt này; b) Phối hợp: Sở Tài chính, Ban Dân tộc Thành phố, Ủy ban MTTQ, các Hội đoàn thể, mạnh thường quân; c) Thực hiện: - UBND phường, xã, thị trấn: chịu trách nhiệm xác nhận đối tượng thụ hưởng; phối hợp cùng Phòng Giáo dục quận, huyện tuyên truyền, vận động trẻ em bỏ học vì lý do mưu sinh trở lại lớp; - Các cơ sở giáo dục: thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo dục cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; - Phòng LĐTBXH quận, huyện: phối hợp Phòng Giáo dục tổng hợp số lượng học sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ chính sách giáo dục hàng năm theo quy định; - Ủy ban MTTQ, các Hội đoàn thể: tổ chức vận động tặng học bổng, phương tiện đi học,.. d) Giám sát:Thường trực BCĐ/TP, Ủy ban MTTQ các cấp; đ) Báo cáo: Sở GD&ĐT. |
Hỗ trợ 100% chi phí học tập cho học sinh từ mẫu giáo đến trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên | X |
| ||||
Hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em 3, 4 và 5 tuổi đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non (120.000 đồng/em/tháng) | X |
| ||||
Hỗ trợ học bổng (tùy theo từng quỹ học bổng và từng cấp học, bình quân 1.000.000 đồng/suất) |
| X | ||||
Hỗ trợ 690.000 đồng/tháng/học sinh đi học lại (áp dụng học sinh bỏ học vì lý do mưu sinh) |
| Các tổ chức và cá nhân tài trợ | ||||
- Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục và xóa mù chữ | Miễn đóng học phí tại các lớp phổ cập do quận, huyện tổ chức | X |
| |||
2 | - Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020 - 2021; | Hộ nghèo nhóm 3a và hộ cận nghèo | Thực hiện giảm 50% học phí cho học sinh là con thứ nhất và con thứ hai của hộ đang theo học từ mẫu giáo đến trung học phổ thông; trung tâm giáo dục thường xuyên | X |
| |
Hỗ trợ học bổng theo mức quy định của các đoàn thể |
| X | ||||
Hỗ trợ 345.000 đồng/tháng/học sinh đi học lại (áp dụng học sinh bỏ học vì lý do mưu sinh) |
| Các tổ chức và cá nhân tài trợ | ||||
- Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục và xóa mù chữ | Miễn đóng học phí tại các lớp phổ cập do quận, huyện tổ chức | X |
| |||
3 | - Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số đang học tại các cơ sở giáo dục đại học; - Công văn số 5985/UBND-VX ngày 05/10/2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tiếp tục hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên người dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020 học tại các cơ sở giáo dục đại học. | Hộ dân tộc thuộc hộ nghèo nhóm 1, 2, 3a, 3b và hộ cận nghèo | Sinh viên người dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% học phí tại các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn Thành phố. | X |
| |
Sinh viên người dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% chi phí học tập theo chính sách đối với người dân tộc (690.000 đồng/tháng/sinh viên, không quá 10 tháng/năm học). | X |
| ||||
4 | - Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 -2016 đến năm học 2020 - 2021; | Hộ nghèo nhóm 3b | Vận động gia đình quan tâm tạo điều kiện cho thành viên trong hộ tham gia học tập |
| X | |
Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục và xóa mù chữ | Tham gia học phổ cập giáo dục và xóa mù chữ |
|
| |||
V | Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo | |||||
1 | Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo | Hộ nghèo nhóm 1, 2, 3a và hộ cận nghèo | Hỗ trợ nhà ở: sửa chữa chống dột, xây nhà tình thương (mức hỗ trợ theo quy định của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố) |
| X | a) Chủ trì: Sở Xây dựng hướng dẫn các quận, huyện lập kế hoạch phát triển nhà ở tăng tỷ lệ người dân có nhà ở được đảm bảo về diện tích và chất lượng nhà ở. b) Phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban MTTQ; c) Thực hiện: - UBND phường, xã, thị trấn thống kê, xác nhận hộ nghèo, cận nghèo, - Ủy ban MTTQ quận, huyện, phường, xã, thị trấn thực hiện hỗ trợ, - Sở Xây dựng (lập đề án hỗ trợ hoặc hỗ trợ pháp lý nếu không có đề án hỗ trợ). d) Giám sát: Sở Xây dựng, Ủy ban MTTQ các cấp,Thường trực BCĐ/TP; - Báo cáo: Sở Xây dựng |
VI | Chính sách hỗ trợ giảm giá nước sinh hoạt | |||||
1 | Theo đề án của Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Sawaco) | Hộ nghèo nhóm 1, 2 | - Lắp đặt đồng hồ nước; cung cấp nước sạch; - Hỗ trợ giảm giá nước sinh hoạt từ 800 đồng - 1.000 đồng/m3, mỗi nhân khẩu 4m3/tháng (bình quân 16m3/hộ/tháng). |
| Sawaco | a) Chủ trì: Sở Giao thông vận tải; b) Phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sawaco, Thường trực BCĐ/TP, UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn; c) Thực hiện: Sawaco; d) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ủy ban MTTQ các cấp; đ) Báo cáo: Sở Giao thông vận tải |
2 | Theo đề án của Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Sawaco) | Hộ nghèo nhóm 3a và hộ cận nghèo | Lắp đặt đồng hồ nước; cung cấp nước sạch; |
| Sawaco | a) Chủ trì: Sở Giao thông vận tải; b) Phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sawaco, Thường trực BCĐ/TP, UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn; c) Thực hiện: Sawaco; d) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ủy ban MTTQ các cấp; đ) Báo cáo: Sở Giao thông vận tải |
VII | Chính sách an sinh xã hội | |||||
1 | Chủ trương của Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố | Hộ nghèo nhóm 1, 2 | Trợ cấp Tết (1.000.000 đồng/hộ) | X |
| a) Chủ trì: Thường trực BCĐ/TP; b) Phối hợp: Sở Tài chính; c) Thực hiện: Ban GN phường, xã, thị trấn; d) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ủy ban MTTQ các cấp; đ) Báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. |
Chủ trương của Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố | Trợ cấp khó khăn (600.000 đồng/hộ/tháng) | X |
| a) Chủ trì: Thường trực BCĐ/TP; b) Phối hợp: Sở Tài chính, UBND quận, huyện; c) Thực hiện: Ban GN phường, xã, thị trấn; d) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ủy ban MTTQ các cấp; đ) Báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. | ||
Quyết định số 14/2015/QĐ-UBND ngày 10/3/2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố quy định về chính sách hỗ trợ chi phí khuyến khích hỏa táng trên địa bàn Thành phố | Hỗ trợ hỏa táng (2.500.000 đồng/lượt hỏa táng) | X |
| a) Chủ trì: Sở LĐTBXH, Thường trực BCĐ/TP; b) Phối hợp: Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Văn hóa và Thể thao. c) Thực hiện: Phòng LĐTBXH, Ban GN phường, xã, thị trấn; d) Giám sát: Sở LĐTBXH, Thường trực BCĐ/TP, Ủy ban MTTQ các cấp; đ) Báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. | ||
Thông tư 190/2014/BTC ngày 11/12/2014 của Bộ Tài chính quy định chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội | Hỗ trợ bù giá điện (49.000 đồng/hộ/tháng) | X |
| a) Chủ trì: Thường trực BCĐ/TP; b) Phối hợp: Sở Tài chính; c) Thực hiện: Ban GN phường, xã, thị trấn thực hiện chi hỗ trợ; d) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ủy ban MTTQ các cấp; đ) Báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. | ||
Đề án của Tổng Công ty Điện lực Thành phố | Hỗ trợ lắp đặt đồng hồ điện, hỗ trợ giá điện sinh hoạt |
| Tổng Công ty Điện lực Thành phố | a) Chủ trì; Tổng Công ty Điện lực Thành phố; b) Phối hợp: Thường trực BCĐ/TP, UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn; c) Thực hiện: Tổng Công ty Điện lực TP; d) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ủy ban MTTQ các cấp; đ) Báo cáo Tổng Công ty Điện lực TP. | ||
2 | Chủ trương của Thành phố | Hộ nghèo nhóm 3a, hộ cận nghèo | Vận động Ủy ban MTTQ, các Hội đoàn thể và tập thể, cá nhân ủng hộ, tài trợ quà, kinh phí trợ cấp Tết và trợ cấp khó khăn |
| X | a) Chủ trì: Thường trực BCĐ/TP; b) Phối hợp: Ủy ban MTTQ, Hội đoàn thể, mạnh thường quân; c) Thực hiện: Ban GN phường, xã, thị trấn; d) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ủy ban MTTQ các cấp; đ) Báo cáo: các quận, huyện và Thường trực BCĐ/TP. |
Quyết định số 14/2015/QĐ-UBND ngày 10/3/2015 Ủy ban nhân dân Thành phố quy định về chính sách hỗ trợ chi phí khuyến khích hỏa táng trên địa bàn Thành phố | Hỗ trợ hỏa táng (1.500.000 đồng/lượt hỏa táng) | X |
| a) Chủ trì: Sở LĐTBXH, Thường trực BCĐ/TP; b) Phối hợp: Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Văn hóa và Thể thao. c) Thực hiện: Phòng LĐTBXH, Ban GN phường, xã, thị trấn; d) Giám sát: Sở LĐTBXH, Thường trực BCĐ/TP, Ủy ban MTTQ các cấp; đ) Báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. | ||
3 | Quyết định số 14/2015/QĐ-UBND ngày 10/3/2015 Ủy ban nhân dân Thành phố quy định về chính sách hỗ trợ chi phí khuyến khích hỏa táng trên địa bàn Thành phố | Hộ nghèo nhóm 3b | - Hỗ trợ hỏa táng (1.500.000 đồng/lượt hỏa táng) | X |
| a) Chủ trì: Sở LĐTBXH, Thường trực BCĐ/TP; b) Phối hợp: Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Văn hóa và Thể thao. c) Thực hiện: Phòng LĐTBXH, Ban GN phường, xã, thị trấn; d) Giám sát: Sở LĐTBXH, Thường trực BCĐ/TP, Ủy ban MTTQ các cấp; đ) Báo cáo: Thường trực BCĐ/TP. |
VIII | Chính sách trợ giúp pháp lý | |||||
| - Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trợ giúp pháp lý; - Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 5/02/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ; - Nghị định số 80/2015/NĐ-CP ngày 17/9/2015 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP . | Hộ nghèo nhóm 1, 2 | Hỗ trợ pháp lý theo quy định tại Khoản 1, Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý là người thuộc chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật | X |
| a) Chủ trì: Sở Tư pháp; b) Phối hợp: Thường trực BCĐ/TP, Sở Tài chính, Đoàn Luật sư Thành phố; c) Thực hiện: Trung tâm Hỗ trợ pháp lý Nhà nước Thành phố; d) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ủy ban MTTQ các cấp; đ) Báo cáo: Sở Tư pháp. |
IX | Chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin | |||||
| Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24/07/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 | Hộ nghèo nhóm 1, 2, 3a và 3b | Hỗ trợ đầu thu truyền hình mặt đất |
| X | a) Chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông; b) Phối hợp: Thường trực BCĐ/TP, Sở Tài chính; c) Thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông, Ban GN phường, xã, thị trấn; d) Giám sát: Thường trực BCĐ/TP, Ủy ban MTTQ các cấp; đ) Báo cáo: Sở Thông tin và Truyền thông. |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.