BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3579/QĐ-BYT | Hà Nội, ngày 20 tháng 09 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ ÁN “HỖ TRỢ PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TẠI VIỆT NAM” TẠI CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VÀ CÁC VIỆN, BỆNH VIỆN TRỰC THUỘC BỘ Y TẾ
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ Phi chính phủ nước ngoài;
Căn cứ Quyết định số 2986/QĐ-BYT ngày 19 tháng 08 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt tiếp nhận dự án “Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam” (VAAC-US.CDC) do Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ (CDC) tài trợ và Kế hoạch hoạt động năm thứ nhất của Dự án;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn tổ chức thực hiện Dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam” tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các viện, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Giám đốc BQLDA, Thủ trưởng các đơn vị thực hiện Dự án “Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam” chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
HƯỚNG DẪN
TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ ÁN “HỖ TRỢ PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TẠI VIỆT NAM” TẠI CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VÀ CÁC VIỆN, BỆNH VIỆN TRỰC THUỘC BỘ Y TẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3579/QĐ-BYT ngày 20 tháng 09 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Thông tin chung về Dự án
1. Tên dự án:
- Tên đầy đủ: Dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam
- Tên giao dịch trong nước/viết tắt: Dự án VAAC-US.CDC
2. Tên nhà tài trợ: Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US.CDC).
3. Cơ quan phê duyệt dự án: Bộ Y tế
4. Cơ quan chủ quản: Bộ Y tế
5. Chủ Dự án: Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế (VAAC)
6. Mục tiêu của dự án:
a) Mục tiêu chung: Hỗ trợ Việt Nam để đạt được các Mục tiêu của Chiến lược Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Nâng cao năng lực của hệ thống chăm sóc y tế để cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS có chất lượng, toàn diện và bền vững cho những người nhiễm HIV và những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tại Việt Nam;
- Nâng cao năng lực thu thập, sử dụng số liệu và quản lý chương trình HIV/AIDS thông qua việc nâng cao chất lượng chương trình giám sát HIV/STD/TB và nâng cao năng lực của hệ thống phòng xét nghiệm cho việc giám sát, sàng lọc, theo dõi và điều trị bệnh;
- Nâng cao năng lực về kỹ thuật, tổ chức và tài chính của Cục Phòng, chống HIV/AIDS để điều phối các nhà tài trợ về lĩnh vực HIV/AIDS, đặc biệt là các đối tác của PEPFAR và Quỹ Toàn cầu trong việc xây dựng, ban hành các hướng dẫn kỹ thuật và giám sát các chương trình cung cấp dịch vụ có chất lượng cao.
7. Thời gian bắt đầu và kết thúc dự án: 5 năm, từ 01/07/2013 đến 30/06/2018.
8. Địa điểm thực hiện:
a) Tại 28 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, An Giang, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Sơn La, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Kiên Giang, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Vĩnh Long, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Bình Thuận, Hòa Bình, Quảng Nam.
b) Tại 8 Viện/Bệnh viện: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Da Liễu Trung ương, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh.
c) Một số tỉnh, thành phố, viện, bệnh viện khác tùy thuộc vào tình hình thực tiễn và nguồn tài trợ.
9. Tổng vốn của dự án: 45.845.455 USD
- Vốn viện trợ không hoàn lại phi chính phủ nước ngoài: 45.000.000 USD;
- Vốn đối ứng: 17.670.000.000 VND, tương đương với 845.455 USD (trong đó ngân sách trung ương 7.220.000.000 đồng bố trí cho Ban Quản lý Dự án trung ương, ngân sách địa phương 10.450.000.000 đồng do các tỉnh, thành phố và các đơn vị có tham gia thực hiện Dự án chịu trách nhiệm bố trí theo đúng quy định của Luật NSNN).
Điều 2. Nguyên tắc tổ chức và thực hiện
1. Không tạo ra hệ thống tổ chức riêng biệt để quản lý và thực hiện Dự án mà dựa vào hệ thống tổ chức y tế hiện nay tại các đơn vị, địa phương. Các hoạt động của dự án được lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn của các cơ sở y tế đang thực hiện việc quản lý, tổ chức triển khai, theo dõi và giám sát chương trình phòng, chống HIV/AIDS quốc gia hiện nay.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) tham gia thực hiện Dự án là Cơ quan chủ quản của Dự án tại tỉnh, thành phố ra quyết định tiếp nhận Dự án. Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các viện, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế là cơ quan chủ Dự án, có chức năng giúp việc cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Y tế tổ chức, triển khai thực hiện Dự án tại địa phương, đơn vị. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS là đơn vị thường trực của Dự án tại tỉnh.
3. Cơ quan chủ quản Dự án (Ủy ban nhân dân tỉnh) hoặc Cơ quan chủ Dự án (Sở Y tế) được Cơ quan chủ quản Dự án ủy quyền ra quyết định thành lập Ban Quản lý Tiểu Dự án thuộc Dự án “Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam” (sau đây gọi tắt là BQLTDA) tại tỉnh, thành phố. Các thành viên của BQLTDA hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.
4. Giám đốc các Viện, Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tham gia thực hiện Dự án được Bộ Y tế (Cơ quan chủ quản Dự án) ủy quyền thành lập Ban Quản lý Tiểu Dự án tại viện/bệnh viện.
5. Việc quyết định các đơn vị tham gia thực hiện Tiểu Dự án tại tỉnh (Bệnh viện, Trung tâm y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện...) và tại các viện/bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế (các khoa, phòng) và quyết định thành lập các bộ phận chuyên môn thực hiện các hoạt động của Tiểu Dự án do Cơ quan chủ Dự án quyết định căn cứ vào các nội dung, quy mô hoạt động, nguồn ngân sách được Ban Quản lý Dự án Bộ Y tế (sau đây gọi là BQLDA trung ương) phê duyệt hàng năm.
6. Số lượng các thành viên BQLTDA và số lượng các cán bộ, viên chức của các đơn vị tham gia thực hiện Tiểu Dự án phụ thuộc vào quy mô hoạt động và kinh phí hằng năm của Tiểu Dự án được Ban Quản lý Dự án Trung ương phê duyệt, lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn theo quy định, ưu tiên những người đã tham gia Dự án LIFE-GAP giai đoạn III.
Chương II
HƯỚNG DẪN VỀ TỔ CHỨC, THỰC HIỆN DỰ ÁN TẠI TỈNH, THÀNH PHỐ VÀ VIỆN, BỆNH VIỆN TRỰC THUỘC BỘ Y TẾ
Điều 3. Ban Quản lý Tiểu Dự án
Ban Quản lý Tiểu dự án (viết tắt BQLTDA) được thành lập tại tất cả các tỉnh, thành phố và các viện, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tham gia thực hiện dự án quy định tại khoản 8, điều 1 của Hướng dẫn này.
BQLTDA là đại diện của chủ Dự án, thay mặt cho chủ Dự án quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện toàn bộ hoạt động của Tiểu Dự án từ khi bắt đầu đến khi kết thúc và chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Tiểu Dự án tại địa phương, đơn vị.
BQLTDA có tài khoản tại ngân hàng và con dấu mang tên “Ban Quản lý Tiểu Dự án VAAC-US.CDC tỉnh, thành phố hoặc viện, bệnh viện...) để giao dịch trong phạm vi nhiệm vụ được giao. BQLTDA có Văn phòng làm việc đặt tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh, thành phố và tại các viện/bệnh viện tham gia thực hiện Dự án.
1. Cơ cấu của Ban Quản lý Tiểu dự án
a) Tại các tỉnh, thành phố
- Giám đốc BQLTDA là Lãnh đạo Sở Y tế;
- Phó Giám đốc BQLTDA là lãnh đạo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS (TTPC HIV/AIDS);
- Điều phối viên là lãnh đạo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS hoặc lãnh đạo cấp khoa, phòng thuộc TTPC HIV/AIDS;
- Kế toán trưởng Tiểu Dự án là kế toán TTPC HIV/AIDS. (Trường hợp Kế toán trưởng Tiểu Dự án không phải là cán bộ kế toán thuộc TTPC HIV/AIDS, Giám đốc BQLTDA cần có văn bản nêu rõ lý do và chỉ được thực hiện sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của Giám đốc BQLDA trung ương);
- Kế toán viên của BQLTDA là người đã làm kế toán của Tiểu Dự án LIFE-GAP giai đoạn III;
- Các thành viên khác trong BQLTDA (phụ trách dự phòng, điều trị, theo dõi giám sát) là các cán bộ thuộc các khoa, phòng tương ứng của TTPC HIV/AIDS.
b) Tại các viện, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế
- Giám đốc BQLTDA là lãnh đạo viện, bệnh viện;
- Điều phối viên BQLTDA là lãnh đạo cấp khoa, phòng của viện, bệnh viện;
- Kế toán trưởng BQLTDA là kế toán của viện, bệnh viện;
- Các thành viên khác là cán bộ các khoa phòng tương ứng của viện, bệnh viện.
2. Nhiệm vụ của Ban Quản lý Tiểu Dự án
- Xây dựng kế hoạch hoạt động của Tiểu Dự án gồm Kế hoạch hoạt động, Kế hoạch kinh phí nguồn vốn viện trợ và vốn đối ứng hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Kế hoạch đấu thầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức, triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt;
- Nghiên cứu Văn kiện Dự án, các Kế hoạch, Hợp đồng đã được BQLDA trung ương và Nhà tài trợ ký/phê duyệt; các quy trình, thủ tục, các quy định hiện hành và những điều kiện thực hiện các hoạt động của dự án (chế độ chi tiêu ngân sách, chế độ kế toán, kiểm toán dự án, chế độ báo cáo...);
- Ký kết các Kế hoạch, Hợp đồng trách nhiệm với các đơn vị tham gia thực hiện Tiểu Dự án, hướng dẫn các đơn vị khác tham gia thực hiện Tiểu Dự án về các quy trình, thủ tục và những điều kiện thực hiện các hoạt động của dự án;
- Tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính, tài sản của Tiểu Dự án theo đúng quy định của pháp luật và Dự án;
- Hướng dẫn, theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bao gồm các hoạt động chuyên môn, việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm tại các đơn vị tham gia thực hiện Tiểu Dự án theo đúng các quy định của pháp luật và Dự án.
- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động của Tiểu Dự án bao gồm các hoạt động chuyên môn, việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm lên Ban Quản lý Dự án Trung ương và các cơ quan có liên quan theo đúng quy định;
- Lưu giữ toàn bộ hồ sơ, chứng từ, sổ sách kế toán, báo cáo tài chính và những tài liệu liên quan đến quản lý tài chính, tài sản của Dự án;
- Tổ chức việc bàn giao tài liệu, tài sản, tài chính và các nguồn lực khác của Tiểu Dự án khi kết thúc theo đúng quy định của pháp luật.
3. Nhiệm vụ của Giám đốc Ban Quản lý Tiểu Dự án
- Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2 điều 3 của Hướng dẫn này, đề xuất chức năng, nhiệm vụ và nhân sự cụ thể tham gia BQLTDA;
- Chỉ đạo, tổ chức xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm của Tiểu Dự án trình BQLDA trung ương và Nhà tài trợ phê duyệt; Tiến hành ký kết Kế hoạch hoạt động và Hợp đồng trách nhiệm với các đơn vị tham gia thực hiện Tiểu Dự án;
- Quản lý, chỉ đạo triển khai thực hiện các hoạt động của Dự án theo kế hoạch đã được phê duyệt;
- Chỉ đạo thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, giám sát đánh giá, sơ kết, tổng kết Tiểu Dự án;
- Thông qua các báo cáo kỹ thuật, báo cáo tài chính định kỳ hoặc đột xuất để báo cáo BQLDA trung ương và các cơ quan có liên quan;
- Tổ chức thực hiện các yêu cầu của BQLDA trung ương trong quản lý và thực hiện Tiểu Dự án;
- Vận động sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan tham gia hỗ trợ Dự án.
4. Nhiệm vụ các thành viên BQLTDA
a) Phó Giám đốc Ban Quản lý Tiểu Dự án
Phó Giám đốc Ban Quản lý Tiểu Dự án giúp Giám đốc thực hiện nội dung công tác trong phạm vi được phân công cụ thể hoặc được ủy quyền của Giám đốc Ban Quản lý Tiểu Dự án theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
b) Điều phối viên Tiểu Dự án
- Chịu trách nhiệm điều phối và tổng hợp kế hoạch hằng năm, kế hoạch quý, kế hoạch bổ sung từ các cán bộ phụ trách chuyên môn, các đơn vị tham gia thực hiện Tiểu Dự án trình Lãnh đạo BQLTDA và các cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Giúp Giám đốc BQLTDA điều phối các hoạt động của Tiểu Dự án;
- Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch các hoạt động chuyên môn, tiến độ giải ngân theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt, kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp giải quyết lên Lãnh đạo BQLTDA;
- Là đầu mối tiếp nhận, báo cáo Lãnh đạo BQLTDA, tổ chức thực hiện và phản hồi kết quả thực hiện các chỉ đạo, hướng dẫn của BQLDA trung ương;
- Là đầu mối phối hợp với các đoàn kiểm tra, giám sát đảm bảo chất lượng từ trung ương và chuyên gia trong nước, quốc tế đối với các hoạt động của Tiểu Dự án.
c) Kế toán trưởng
- Chịu trách nhiệm quản lý tài chính, thanh quyết toán kinh phí cho mọi hoạt động của Tiểu Dự án;
- Mở đầy đủ sổ sách kế toán để hạch toán theo đúng chế độ hiện hành;
- Phối hợp với các cán bộ Tiểu Dự án lập dự toán hằng quí, hằng năm đối với nguồn viện trợ và nguồn đối ứng;
- Chịu trách nhiệm thanh toán kinh phí hoạt động theo đúng kế hoạch của Tiểu Dự án dựa trên quy định tài chính hiện hành của Nhà nước Việt Nam và của Nhà tài trợ;
- Chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo tài chính, quyết toán hàng quí, hằng năm;
- Hướng dẫn kế toán các đơn vị tham gia thực hiện Tiểu Dự án quản lý tài chính theo quy định của Dự án;
- Thực hiện việc kiểm tra tài chính của các đơn vị tham gia Tiểu Dự án.
d) Kế toán viên
- Giúp Kế toán trưởng thực hiện các chức năng và nhiệm vụ trên.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của kế toán trưởng.
đ) Các thành viên là cán bộ phụ trách chuyên môn của BQLTDA:
- Giúp Giám đốc BQLTDA xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực phân công phụ trách.
- Theo dõi, giám sát, điều phối các hoạt động chuyên môn thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách tại các đơn vị tham gia thực hiện Tiểu Dự án.
- Tổng hợp, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động chuyên môn thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách của Tiểu Dự án.
Điều 4. Các đơn vị tham gia thực hiện Tiểu Dự án
Các đơn vị tham gia thực hiện Tiểu Dự án là các đơn vị trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn của Dự án (tiếp cận cộng đồng, tư vấn xét nghiệm tự nguyện, dự phòng lây nhiễm, điều trị ARV, điều trị methadone...).
1. Các đơn vị tham gia thực hiện Tiểu Dự án tại tuyến tỉnh, thành phố bao gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện chuyên khoa tỉnh (lao, sản, nhi...), Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh....
Việc lựa chọn các đơn vị tham gia thực hiện Tiểu Dự án tại tuyến tỉnh, thành phố do Chủ Dự án tỉnh, thành phố ra quyết định trên cơ sở kế hoạch hoạt động của Tiểu Dự án tại tỉnh, thành phố đã được Ban Quản lý dự án Trung ương phê duyệt và cơ sở vật chất, năng lực của các cơ sở y tế tuyến tỉnh trên địa bàn tỉnh, thành phố.
2. Các đơn vị tham gia thực hiện Tiểu Dự án tại tuyến quận/huyện bao gồm Trung tâm Y tế quận/huyện, Bệnh viện đa khoa quận/huyện...
Việc lựa chọn các đơn vị tham gia thực hiện Tiểu Dự án tại tuyến quận/huyện do Chủ Dự án tỉnh, thành phố ra quyết định trên cơ sở kế hoạch hoạt động của Tiểu Dự án tại tỉnh, thành phố đã được Ban Quản lý dự án Trung ương phê duyệt và cơ sở vật chất, năng lực của các cơ sở y tế tuyến quận/huyện trên địa bàn tỉnh, thành phố.
3. Các đơn vị tham gia thực hiện Tiểu Dự án tại viện, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế bao gồm các khoa, phòng của viện/bệnh viện;
Việc lựa chọn các đơn vị tham gia thực hiện Tiểu Dự án tại viện, bệnh viện do Lãnh đạo Viện, Bệnh viện quyết định trên cơ sở kế hoạch hoạt động của Tiểu Dự án tại Viện, Bệnh viện đã được Ban Quản lý dự án Trung ương phê duyệt và cơ sở vật chất, năng lực của các khoa, phòng thuộc viện, bệnh viện.
4. Nhiệm vụ của các đơn vị tham gia thực hiện Tiểu Dự án
- Tham gia với BQLTDA trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động và kế hoạch kinh phí hằng năm của Tiểu Dự án trong đơn vị, địa bàn quản lý;
- Ký kết các hợp đồng trách nhiệm triển khai Tiểu Dự án với BQLTDA;
- Tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn của Tiểu Dự án trong đơn vị, địa bàn quản lý đảm bảo tiến độ và chỉ tiêu theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt và tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật và Dự án;
- Hướng dẫn, theo dõi, giám sát, kiểm tra các cá nhân, các nhóm chuyên môn tham gia thực hiện các hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật và Dự án, đạt chỉ tiêu kế hoạch đã được phê duyệt;
- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động bao gồm các hoạt động chuyên môn, việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm của Dự án lên BQLTDA theo đúng quy định;
- Quản lý, sử dụng các nguồn tài chính, tài sản của Dự án theo đúng các quy định của pháp luật và của Dự án;
- Lưu giữ toàn bộ hồ sơ, chứng từ, sổ sách kế toán, báo cáo tài chính và những tài liệu liên quan đến quản lý tài chính, tài sản của Dự án theo phân cấp.
Điều 5. Các nhóm chuyên môn thực hiện các hoạt động của Tiểu Dự án
Căn cứ theo Hợp đồng trách nhiệm và Kế hoạch hoạt động hằng năm của Tiểu Dự án tại đơn vị tham gia thực hiện Tiểu Dự án, dựa trên cơ sở các hướng dẫn thực hiện hoạt động chuyên môn trong phòng, chống HIV/AIDS, Thủ trưởng các Đơn vị tham gia thực hiện Tiểu Dự án ra quyết định thành lập các nhóm chuyên môn để thực hiện các hoạt động chuyên môn của Dự án (tiếp cận cộng đồng, tư vấn xét nghiệm tự nguyện, dự phòng lây nhiễm, điều trị ARV, điều trị methadone...) sau khi có ý kiến bằng văn bản của Giám đốc BQLTDA tỉnh, thành phố.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.