ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3519/QĐ-UBND | Thanh Hóa, ngày 14 tháng 09 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ, DỰ TOÁN KHẢO SÁT VÀ THIẾT KẾ QUY HOẠCH BẢO TỒN, TÔN TẠO VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ HỆ THỐNG DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA, DANH LAM THẮNG CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ THANH HÓA
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 về quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng về quy định hồ sơ của từng loại quy hoạch đô thị;
Căn cứ Văn bản số 3030/BVHTTDL-DSVH ngày 04/9/2014 về thỏa thuận chủ trương lập Quy hoạch; Văn bản số 914/BVHTTDL-DSVH ngày 22/3/2016 về thỏa thuận nhiệm vụ Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Quyết định số 3168/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt chủ trương lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Thanh Hóa;
Xét đề nghị của Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa tại Tờ trình số 645/TTr-UBND ngày 16/8/2016 và đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 5012/TTr-SXD ngày 08/9/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ, dự toán khảo sát và thiết kế Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, với những nội dung như sau:
1. Tên đồ án: Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.
2. Phạm vi nghiên cứu:
a. Hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng
Bao gồm 94 điểm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng trên địa bàn 30 phường, xã (trên tổng số 37 phường, xã) thuộc thành phố Thanh Hóa, trong đó có 24 di tích cấp quốc gia và 70 di tích cấp tỉnh.
b. Hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh chưa được xếp hạng
Bao gồm 108 điểm di tích và danh thắng tại 26 phường xã (trên tổng số 37 phường, xã) thuộc thành phố Thanh Hóa, chưa được khoanh vùng bảo vệ và xếp hạng. Hệ thống các di tích chưa được xếp hạng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa khá đa dạng về loại hình, bao gồm di tích lịch sử văn hóa (73 di tích) là đình, đền, chùa, nghè, phủ, miếu, bia, lăng mộ, làng cổ, giếng cổ, văn chỉ, võ chỉ; di tích kiến trúc nghệ thuật (31 di tích) là nhà cổ, nhà thờ họ, cổng làng; di chỉ khảo cổ học (01 di tích); di tích lịch sử cách mạng (03 di tích).
3. Mục tiêu đồ án:
a. Mục tiêu dài hạn:
- Cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 16/01/2009.
- Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của di tích thông qua hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh hiện còn, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, phục vụ nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân.
- Là cơ sở pháp lý và khoa học để tỉnh Thanh Hóa quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được thuận lợi, đồng bộ và hiệu quả.
- Là căn cứ để lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý các dự án thành phần bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.
b. Mục tiêu ngắn hạn:
- Hệ thống hóa các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và các di tích chưa được xếp hạng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, phục vụ lập quy hoạch, dự án và thiết kế.
- Đưa ra các giải pháp bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng hiện hữu trên địa bàn thành phố Thanh Hóa; tránh tình trạng lấn chiếm, xuống cấp của di tích; phục hồi di tích đã mất trên cơ sở khoa học và tạo ra các sản phẩm đa dạng, phong phú phục vụ phát triển du lịch.
- Làm cơ sở pháp lý cho việc cắm mốc giới bảo vệ di tích và thu hồi đất cho khu vực quy hoạch, định hướng kiến trúc cảnh quan khu vực bao quanh có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích; quản lý nhà nước về di sản văn hóa trên địa bàn thành phố một cách chủ động, hiệu quả và triển khai các dự án thành phần bảo tồn, phục hồi, tu bổ tôn tạo sau này, theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
- Tái hiện hình ảnh của một vùng đất có truyền thống lâu đời thông qua việc bảo tồn, phục dựng các công trình kiến trúc quan trọng, điển hình mang ý nghĩa tâm linh hay trưng bày các hiện vật khảo cổ.., gắn liền với địa danh và các nét đẹp văn hóa dân gian trong khu vực.
- Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Thanh Hóa; gắn di tích với phát triển du lịch, đặc biệt du lịch tâm linh - lấy việc bảo tồn làm nền tảng, phát triển du lịch làm động lực; tạo điều kiện phát huy và bảo quản di tích một cách bền vững, đảm bảo tính hài hòa giữa các giá trị truyền thống với quá trình hiện đại hóa đô thị.
- Bảo vệ và gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa, các giá trị di sản văn hóa truyền thống độc đáo trong đời sống xã hội hiện đại; bảo tồn các tài nguyên du lịch, tăng cường đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.
4. Đặc điểm khu vực lập quy hoạch;
Hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Thanh Hóa là nơi sinh hoạt văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng của toàn thể nhân dân và du khách. Vì vậy việc bảo tồn, quản lý hệ thống các di tích và danh thắng này, vừa là gìn giữ được các công trình kiến trúc nghệ thuật gắn với các thời kỳ lịch sử của địa phương; đồng thời góp phần phát triển du lịch tâm linh, tham quan, nghiên cứu khoa học tại thành phố Thanh Hóa.
Việc lập quy hoạch hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố nhằm tạo thành một chỉnh thể thống nhất, để phát triển giao lưu văn hóa, du lịch tâm linh của địa phương; góp phần khẳng định vị thế của thành phố Thanh Hóa nói riêng và của tỉnh Thanh Hóa nói chung như một điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
5. Nguyên tắc, kế hoạch và định hướng Quy hoạch:
a. Nguyên tắc quy hoạch:
Đảm bảo tính định hướng về việc bảo tồn và phát triển không gian, cảnh quan và hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các điểm di tích, gắn kết di tích gốc với cảnh quan - sinh thái và các giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng của vùng văn hóa; nhằm gìn giữ và phát huy giá trị của hệ thống các di tích.
b. Kế hoạch lập quy hoạch tổng thể di tích:
- Xác định các vùng di tích trọng điểm, khoanh vùng bảo vệ di tích, để làm cơ sở lập đồ án quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích.
- Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo các di tích, các hạng mục công trình cần bảo vệ tối đa các yếu tố nguyên gốc, đảm bảo giữ gìn môi trường cảnh quan thiên nhiên của các di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh.
- Đảm bảo kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu vực di tích trọng điểm.
c. Định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan cho việc bảo tồn, tôn tạo:
- Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan thích hợp với chức năng sử dụng đất và hài hòa với cảnh quan của từng di tích và cảnh quan tổng thể của toàn khu vực.
- Tổ chức hình khối quy mô công trình thích hợp và tương ứng với tính chất chức năng của từng khu vực cụ thể.
- Đề xuất phương án thiết kế về kiến trúc, cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo các yêu cầu quy định, thuận lợi cho công tác tu bổ, tôn tạo và xây dựng thực tế.
- Đảm bảo sự kết nối không gian kiến trúc cảnh quan, kết nối hạ tầng giữa các điểm di tích riêng biệt với hạ tầng khu vực đô thị nội - ngoại thành xung quanh và kết nối với toàn bộ hệ thống các di tích - danh thắng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.
d. Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật tuân thủ theo Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thanh Hóa đã được phê duyệt.
6. Định hướng chung cho bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích:
a. Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng
Các di tích được phân chia làm 3 loại hình dựa vào mức độ bảo tồn di tích: Phục hồi, tôn tạo, bảo tồn nguyên trạng.
* Đối với các di tích bảo tồn nguyên trạng:
- Hầu hết là các di tích mới được tôn tạo, phục hồi gần đây nên chất lượng còn tốt. Tuy nhiên trong quá trình quản lý, đưa vào sử dụng một số di tích còn chưa phát huy được hết giá trị. Vì vậy, ngoài việc giữ nguyên trạng các di tích gốc, cũng cần đưa thêm một số nội dung nhằm làm phong phú và tăng tính hấp dẫn cho di tích.
* Đối với các di tích bảo tồn, tôn tạo:
- Là các di tích có chất lượng không tốt, đang trong tình trạng xuống cấp...; vì thế cần phải được tu sửa, gia cố, bảo tồn, tôn tạo di tích để bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của di tích.
* Đối với các di tích phục hồi:
- Dựa trên các tư liệu lịch sử, khảo cổ, hình ảnh và điều tra xã hội học để lựa chọn các di tích phục hồi lại. Di tích phải là các di tích quan trọng, mang giá trị lịch sử văn hóa, có vị trí thuận tiện cho việc đi lại, tham quan du lịch.
- Ngoài việc phục hồi các công trình kiến trúc, kiến nghị đưa các chỉ dẫn, chú thích các sự kiện quan trọng diễn ra tại địa điểm di tích.
- Cảnh quan khu vực xung quanh di tích cũng cần được quan tâm đúng mức, tránh trường hợp làm “công viên hóa” di tích. Sử dụng các loại cây địa phương trồng theo hình thức tự do nhằm bảo tồn, tôn tạo không gian cảnh quan tự nhiên cho di tích.
b. Hệ thống các di tích chưa được xếp hạng
- Dựa trên các tư liệu lịch sử, khảo cổ, khảo sát, điều tra kiểm kê, hình ảnh, đánh giá thực trạng di tích, lập hồ sơ khoa học, có phương án bảo vệ cụ thể như: Khoanh vùng bảo vệ di tích và lập hồ sơ xếp hạng di tích.
- Đối với các di tích này có thể tôn tạo, tu bổ cho tương xứng với chức năng công trình; đồng thời đáp ứng nguyện vọng tín ngưỡng và tôn vinh giá trị lịch sử văn hóa.
7. Nội dung thực hiện quy hoạch:
- Khảo sát nghiên cứu, điều tra, sưu tầm tài liệu lịch sử văn hóa, chụp ảnh, đánh giá, phân tích các giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của 94 điểm di tích (đã được các cấp có thẩm quyền xếp hạng) và 108 di tích chưa được xếp hạng (danh mục kiểm kê di tích) trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, phục vụ các giai đoạn lập quy hoạch tổng thể di tích, dự án và thiết kế.
- Lập bản đồ vị trí di tích trên nền bản đồ đo đạc địa hình khu vực tỷ lệ 1/50.000 hoặc 1/100.000 cho hệ thống các di tích và danh thắng đã được xếp hạng và chưa xếp hạng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, phục vụ lập quy hoạch.
- Lập bản đồ xác định các vùng di tích trọng điểm; bản đồ định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật liên kết các vùng di tích trọng điểm trên nền bản đồ đo đạc địa hình tỷ lệ 1/10.000 hoặc có tỷ lệ thích hợp với khu vực lập quy hoạch.
- Lập đồ án Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận; Sở Xây dựng Thanh Hóa thẩm định, trình UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt.
- Xây dựng quy chế quản lý, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Thanh Hóa theo quy hoạch.
8. Yêu cầu về hồ sơ sản phẩm
a. Hồ sơ sản phẩm khảo sát điều tra, chụp ảnh tư liệu cho hệ thống các điểm di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh thành phố Thanh Hóa, phục vụ lập đồ án Quy hoạch và lập dự án.
Hồ sơ giao nộp bao gồm:
- 07 bộ Hồ sơ ảnh hiện trạng của tất cả các điểm di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh thành phố Thanh Hóa, tại 30 xã phường (trên 37 phường, xã), khổ A3.
- 07 bộ Dự toán chi phí phần khảo sát, chụp ảnh hiện trạng của tất cả các điểm thuộc hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh thành phố Thanh Hóa, tại 30 xã phường (trên 37 phường, xã), khổ A4 + đĩa CD lưu trữ.
b. Hồ sơ sản phẩm Đồ án
* Phần bản vẽ, giao nộp cho bên A 07 bộ và đĩa CD lưu trữ toàn bộ nội dung đồ án, bao gồm:
- Bản đồ vị trí di tích trên nền bản đồ đo đạc địa hình khu vực, tỷ lệ 1/50.000 hoặc 1/100.000.
- Bản đồ xác định các vùng di tích trọng điểm trên nền bản đồ đo đạc địa hình khu vực lập quy hoạch tỷ lệ 1/10.000.
- Bản đồ định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật liên kết các vùng di tích trọng điểm tỷ lệ 1/10.000.
* Báo cáo thuyết minh tổng hợp, văn bản liên quan giao nộp cho bên A 07 bộ, bao gồm:
Thuyết minh tổng hợp, các văn bản thỏa thuận chủ trương, thẩm định nhiệm vụ, thẩm định đồ án quy hoạch di tích, các văn bản pháp lý liên quan, điều lệ quản lý quy hoạch, tờ trình phê duyệt đồ án Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.
9. Nguồn vốn và kinh phí thực hiện:
a. Nguồn vốn thực hiện: vốn ngân sách tỉnh (vốn sự nghiệp kinh tế), vốn ngân sách thành phố và các nguồn huy động hợp pháp khác.
b. Dự toán kinh phí: 2.105.033.030 VNĐ (Hai tỷ, một trăm lẻ năm triệu, không trăm ba mươi ba nghìn, ba mươi đồng).
Trong đó:
- Chi phí lập nhiệm vụ quy hoạch: 80.510.179 đồng;
- Chi phí thẩm định nhiệm vụ quy hoạch: 16.102.036 đồng;
- Khảo sát điều tra, chụp ảnh, sưu tầm tài liệu LSVH các điểm di tích (phục vụ lập nhiệm vụ Quy hoạch): 239.890.000 đồng;
- Khảo sát điều tra, chụp ảnh, sưu tầm tài liệu LSVH các điểm di tích (phục vụ lập đồ án Quy hoạch): 461.605.000 đồng;
- Chi phí lập quy hoạch: 1.125.421.714 đồng;
- Chi phí đấu thầu: 4.250.843 đồng;
- Chi phí quản lý quy hoạch: 65.006.187 đồng;
- Chi phí thẩm định đồ án quy hoạch: 76.008.492 đồng;
- Chi phí công bố đồ án quy hoạch: 33.762.651 đồng;
- Chi phí quyết toán: 2.475.928 đồng.
10. Thời gian thực hiện: 15 tháng (kể từ ngày nhiệm vụ Quy hoạch được phê duyệt).
11. Tổ chức thực hiện:
- Cơ quan thỏa thuận: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Cơ quan thẩm định: Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa;
- Cơ quan phê duyệt: UBND tỉnh Thanh Hóa;
- Cơ quan chủ đầu tư: UBND thành phố Thanh Hóa;
- Cơ quan tổ chức lập Quy hoạch: Ban Quản lý các dự án quy hoạch xây dựng thành phố Thanh Hóa;
- Đơn vị tư vấn: Lựa chọn theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; giám đốc các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.