ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 35/2011/QĐ-UBND | Hậu Giang, ngày 26 tháng 10 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ VẬN ĐỘNG THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ;
Căn cứ Nghị quyết số 12/2011/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về mức đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang;
Theo đề nghị của Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Giám đốc Sở Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế vận động thu, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hậu Giang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
VẬN ĐỘNG THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 35/2011/QĐ-UBND ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy định về Quỹ quốc phòng - an ninh
Quỹ quốc phòng - an ninh được lập ở xã, phường, thị trấn do cơ quan, tổ chức, hộ gia đình hoạt động, cư trú trên địa bàn tự nguyện đóng góp; ngoài ra, Quỹ quốc phòng - an ninh còn tiếp nhận mọi khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ cho xây dựng, huấn luyện, hoạt động của dân quân tự vệ và các hoạt động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cấp xã.
Điều 2. Nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh
Việc đóng góp, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh thực hiện theo nguyên tắc công bằng, dân chủ, công khai, đúng pháp luật.
Chương II
ĐỐI TƯỢNG VẬN ĐỘNG VÀ MỨC ĐÓNG GÓP QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH
Điều 3. Đối tượng vận động đóng góp
1. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đóng trên địa bàn tỉnh.
2. Hộ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hộ nông dân, hộ lao động sống bằng các nghề khác, hộ cán bộ, công chức, viên chức.
Điều 4. Đối tượng miễn vận động đóng góp
1. Hộ gia đình bà mẹ Việt Nam Anh hùng; hộ gia đình thương binh, liệt sĩ đang hưởng trợ cấp; hộ có người thân đang tham gia trong lực lượng vũ trang (bộ đội, công an, dân quân tự vệ); hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có người là nạn nhân chất độc da cam.
2. Các đơn vị hành chính sự nghiệp, cơ quan Đảng, Đoàn thể, quân đội và Công an (trừ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của những cơ quan này).
3. Những hộ đang gặp khó khăn đột xuất như thiên tai, tai nạn.
Điều 5. Mức vận động đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh
1. Mức vận động đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh được quy định như sau:
a) Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (kể cả Nhà nước và tư nhân) đóng tại đô thị (thị trấn, phường) có bậc thuế môn bài từ bậc 1 đến bậc 4, mức đóng góp như sau:
- Thuế môn bài bậc 1: Mức đóng góp 75.000 đồng/tháng.
- Thuế môn bài bậc 2: Mức đóng góp 50.000 đồng/tháng.
- Thuế môn bài bậc 3: Mức đóng góp 40.000 đồng/tháng.
- Thuế môn bài bậc 4: Mức đóng góp 30.000 đồng/tháng.
b) Các hộ sản xuất kinh doanh, mua bán và dịch vụ ở nông thôn, mức đóng góp như sau:
- Thuế môn bài bậc 1, bậc 2: Mức đóng góp 10.000 đồng/tháng.
- Thuế môn bài bậc 3, bậc 4: Mức đóng góp 8.000 đồng/tháng.
- Thuế môn bài bậc 5, bậc 6: Mức đóng góp 6.000 đồng/tháng.
c) Các hộ cán bộ, công chức, viên chức, hộ dân ở đô thị (phường, thị trấn thuộc trung tâm huyện, thị xã, thành phố) mức đóng góp là 3.000 đồng/tháng/hộ.
d) Các hộ sản xuất nông nghiệp và hộ lao động khác ở nông thôn, mức đóng góp là 2.000 đồng/tháng/hộ.
2. Ngoài mức vận động đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh quy định tại Khoản 1 Điều này, khuyến khích những đơn vị, cá nhân tự nguyện đóng góp cao hơn mức quy định vào Quỹ quốc phòng - an ninh.
Chương III
PHƯƠNG THỨC THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH
Điều 6. Phương thức thu Quỹ quốc phòng - an ninh
Quỹ quốc phòng - an ninh được tiến hành thu hai lần trong năm. Nếu các xã, phường, thị trấn vận động được nhân dân thì được phép thu một lần cho cả năm và phải dứt điểm trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.
Điều 7. Quản lý nguồn thu Quỹ quốc phòng - an ninh
1. Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức thu Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn; đối tượng, mức vận động đóng góp được thực hiện theo quy định tại Chương II Quy định này.
2. Việc thu Quỹ quốc phòng - an ninh phải sử dụng biên lai thu theo mẫu thống nhất do Sở Tài chính phát hành để ghi thu tiền đóng góp của nhân dân và các tổ chức. Toàn bộ số thu từ Quỹ quốc phòng - an ninh phải nộp vào tài khoản tiền gửi mở tại Kho bạc Nhà nước địa phương và điều tiết 100% cho ngân sách xã, phường, thị trấn để chi các hoạt động phục vụ cho công tác quốc phòng - an ninh tại địa phương.
Hàng quý, đơn vị phải thực hiện ghi thu theo chương 860 - loại 340 - khoản 345 - mục 4500 - tiểu mục 4504 và ghi chi tương ứng theo đúng chế độ quy định hiện hành và theo Mục lục Ngân sách vào Ngân sách địa phương;
Điều 8. Sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh
1. Trích 1% trên số thực thu Quỹ quốc phòng - an ninh để chi trả thù lao cho người trực tiếp làm công tác vận động, đi thu.
2. Chi hoạt động giữ gìn quốc phòng, an ninh:
a) Đối tượng chi:
Tất cả các cán bộ chiến sĩ (công an, quân sự cấp xã), hội viên, đoàn viên, lực lượng công an viên phụ trách ấp, ban bảo vệ dân phố, dân phòng, xung kích, tổ dân quân tự quản và công dân khi trực tiếp làm nhiệm vụ an ninh trật tự, tham gia tấn công tội phạm.
b) Nội dung chi gồm các khoản:
- Chi hỗ trợ cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự.
- Tập huấn nghiệp vụ hàng năm cho lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, an ninh xung kích, dân quân tự vệ.
- Khen thưởng.
- Mua sắm, sửa chữa phương tiện, công cụ, sổ sách phục vụ cho công tác bảo vệ an ninh trật tự.
c) Định mức chi:
- Các lực lượng trực tiếp tham gia hoạt động tuần tra, canh gác, truy quét, vây bắt tội phạm (không thuộc lực lượng thường trực của xã) được Chỉ huy Công an và Quân sự cấp xã xác nhận thì được chi hỗ trợ (tiền công) không quá 20.000 đồng/người/ngày đêm.
- Lực lượng Công an viên phụ trách ấp, dân phòng, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ, an ninh xung kích được điều lên trực sẵn sàng làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự tại xã, phường, thị trấn thì được chi tiền ăn không quá 20.000 đồng/người/ngày đêm.
- Chi cho công tác tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn do xã, phường, thị trấn tổ chức theo kế hoạch được công an, quân sự cấp trên phê duyệt: Thực hiện chi theo chế độ hội nghị hiện hành.
- Chi mua sắm, sửa chữa dụng cụ, quân phục, trang phục, phương tiện, sổ sách huấn luyện phục vụ cho công tác giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương: Phải lập kế hoạch thông qua Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét phê duyệt.
- Chi khen thưởng: Thực hiện theo quy định hiện hành.
- Chi hỗ trợ tiền thuốc trị bệnh cho lực lượng khi tham gia làm nhiệm vụ công tác bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương.
3. Các đơn vị không được sử dụng nguồn thu từ Quỹ quốc phòng - an ninh để chi cho các nội dung khác ngoài những quy định trên.
Điều 9. Lập dự toán, Quyết toán Quỹ quốc phòng - an ninh
Hàng năm, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập dự toán thu, chi Quỹ quốc phòng - an ninh để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.
Hàng tháng, các đơn vị thu Quỹ quốc phòng - an ninh phải quyết toán biên lai thu với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thị xã, thành phố theo đúng quy định. Cơ quan Tài chính có trách nhiệm kiểm tra việc thu, chi Quỹ quốc phòng - an ninh theo đúng chế độ quy định hiện hành, đảm bảo quyết toán thu, chi đúng quy định; đôn đốc các đơn vị trực tiếp thu nộp đầy đủ số tiền thu được vào Kho bạc Nhà nước, không được chiếm dụng dưới bất cứ hình thức nào. Việc chi tiêu, quyết toán phải đúng nội dung và thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm thi hành
1. Giám đốc Sở Tài chính phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh triển khai và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện Quy chế này.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng cấp kiểm tra việc thực hiện thu, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh tại các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn quản lý.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Tài chính, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chỉ đạo kịp thời./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.