BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3465/QĐ-BNN-TCTS | Hà Nội, ngày 06 tháng 08 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “THÍ ĐIỂM TỔ CHỨC KHAI THÁC, THU MUA, CHẾ BIẾN, TIÊU THỤ CÁ NGỪ THEO CHUỖI”
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NỒNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 199/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
Căn cứ Quyết định 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Thủy sản đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 375/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác thủy sản;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” với các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Thí điểm tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cá ngừ đại dương (cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn) theo hướng công nghiệp, hiện đại, gắn khai thác với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hài hòa lợi ích giữa ngư dân và doanh nghiệp; đồng thời khai thác hiệu quả, bền vững nguồn lợi làm cơ sở để nhân rộng cho các nhóm đối tượng khác.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đến năm 2016
- Sản lượng khai thác cá ngừ
+ Sản lượng cá ngừ vây vàng, mắt to cho phép khai thác tối đa 19 nghìn tấn/năm (1);
+ Sản lượng cá ngừ vằn đạt 50 nghìn tấn/năm.
- Số lượng tàu cá khai thác cá ngừ:
+ Tàu khai thác bằng nghề câu là: | 1.940 chiếc; |
+ Tàu khai thác bằng nghề lưới vây là: | 1.400 chiếc; |
+ Tàu khai thác bằng nghề lưới rê là: | 1.000 chiếc; |
+ Tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác cá ngừ là: | 135 chiếc. |
- Giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 15%.
- 100% ngư dân trực tiếp khai thác cá ngừ được đào tạo kỹ thuật khai thác, kỹ thuật sơ chế, bảo quản cá ngừ tiên tiến.
b) Đến năm 2020
- Sản lượng khai thác cá ngừ
+ Sản lượng cá ngừ vây vàng, mắt to cho phép khai thác tối đa 21 nghìn tấn/năm (2);
+ Sản lượng cá ngừ vằn đạt 70 nghìn tấn/năm.
- Số lượng tàu cá khai thác cá ngừ:
+ Tàu khai thác bằng nghề câu là: | 2.000 chiếc; |
+ Tàu khai thác bằng nghề lưới vây là: | 1.700 chiếc; |
+ Tàu khai thác bằng nghề lưới rê là: | 500 chiếc; |
+ Tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác cá ngừ là: | 135 chiếc. |
- Giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%.
- 100% ngư dân trực tiếp khai thác cá ngừ được đào tạo kỹ thuật khai thác, kỹ thuật sơ chế, bảo quản cá ngừ tiên tiến.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI
1. Đối tượng
Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đại dương.
2. Phạm vi
- Thực hiện tại 03 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
- Thời gian thực hiện: từ 2014 - 2020.
III. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Xây dựng, quản lý quy hoạch nghề cá ngừ đại dương
a) Xây dựng quy hoạch sản lượng cá ngừ cho phép khai thác và cơ cấu đội tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác cá ngừ theo từng địa phương trên cơ sở phù hợp với kết quả điều tra nguồn lợi để định hướng quản lý sản xuất cá ngừ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và bền vững (3).
b) Xây dựng kế hoạch điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền, sản lượng theo quy hoạch trên cơ sở hiện trạng nghề cá ngừ của mỗi địa phương.
c) Kiểm soát chặt chẽ việc đóng mới tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần cá ngừ; cấp giấy phép khai thác cá ngừ gắn với sản lượng khai thác cho phép.
2. Phát triển đội tàu khai thác cá ngừ theo hướng hiện đại
a) Đóng mới tàu khai thác và tàu dịch vụ cá ngừ hiện đại bằng vỏ thép, vật liệu mới và vỏ gỗ đối với tàu trên 400 CV theo thiết kế mẫu.
b) Nâng cấp, cải hoán tàu khai thác, tàu dịch vụ phục vụ khai thác cá ngừ đại dương; chú trọng đầu tư, nâng cấp máy tàu có công suất nhỏ hơn 400CV thành tàu từ 400CV trở lên, trang thiết bị khai thác, bảo quản sản phẩm và thông tin liên lạc...
c) Xây dựng, ban hành yêu cầu kỹ thuật, mẫu thiết kế cho tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác cá ngừ.
3. Tổ chức thí điểm một số mô hình liên kết theo chuỗi giá trị
a) Xây dựng, ban hành quy chế và triển khai thực hiện tổ chức thí điểm các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa trên cơ sở lựa chọn doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ có thị trường xuất khẩu tốt để ưu tiên liên kết với các đội tàu được tổ chức theo mô hình tổ đội liên kết sản xuất trên biển nhằm sản xuất theo nhu cầu và định hướng của thị trường.
b) Xây dựng và triển khai mô hình liên kết dọc:
- Mô hình tổ chức khai thác, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi do một doanh nghiệp trực tiếp đầu tư và tổ chức thực hiện toàn bộ chuỗi.
- Mô hình liên kết theo chuỗi do doanh nghiệp tổ chức thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ hợp tác trực tiếp với tổ chức đại diện các chủ tàu khai thác (HTX, tổ hợp tác,...);
- Mô hình liên kết theo chuỗi có vai trò của cơ sở thu mua, nậu vựa làm trung gian liên kết giữa các chủ tàu khai thác và các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ cá ngừ.
c) Xây dựng và triển khai mô hình liên kết ngang theo các khâu của chuỗi giá trị: Tổ đội, hợp tác xã liên kết sản xuất trên biển nhằm hỗ trợ sản xuất, luân phiên chuyển cá về bờ sớm; liên kết giữa khai thác với dịch vụ hậu cần thu mua trên biển; thu mua bao tiêu sản phẩm; cung ứng dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác cá ngừ.
4. Xây dựng đồng bộ cơ sở dịch vụ hậu cần cá ngừ đại dương
a) Xây dựng cảng cá ngừ chuyên dụng
- Đầu tư xây dựng, nâng cấp cảng cá ngừ chuyên dụng; quy hoạch, bố trí mặt bằng và đầu tư cơ sở dịch vụ hậu cần hiện đại, đồng bộ phục vụ khai thác, thu mua, tiêu thụ sản phẩm cá ngừ tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên.
- Tổ chức hoạt động dịch vụ hậu cần cá ngừ tại cảng đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, điều kiện an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
b) Xây dựng trung tâm giao dịch cá ngừ tại Khánh Hòa gắn với trung tâm nghề cá lớn
- Đầu tư xây dựng trung tâm giao dịch cá ngừ hiện đại, đồng bộ bao gồm: cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ cá, sàn đấu giá, kho lạnh...
- Tổ chức các hoạt động dịch vụ hậu cần, kiểm định chất lượng, phương thức đấu giá sản phẩm tại trung tâm giao dịch cá ngừ đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, giá cả phù hợp theo cơ chế thị trường trong thu mua và tiêu thụ sản phẩm cá ngừ.
c) Xây dựng, ban hành yêu cầu kỹ thuật cảng cá ngừ chuyên dụng, trung tâm dịch vụ và cơ sở dịch vụ hậu cần cho cá ngừ.
5. Đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật
Tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho ngư dân đầu tư đóng mới tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác cá ngừ bằng vật liệu vỏ thép, vật liệu mới; đào tạo, tập huấn trong và ngoài nước cho cán bộ kỹ thuật và ngư dân về công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm và sử dụng các trang thiết bị tiên tiến.
IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Về thực hiện cơ chế chính sách
Gắn việc thực hiện chính sách Đề án cá ngừ với một số chính sách phát triển thủy sản được quy định trong Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 07/7/2014 và chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp quy định tại Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 14/11/2013
2. Về khoa học công nghệ và thông tin thống kê
a) Tiếp tục điều tra nguồn lợi, xác định trữ lượng, biến động của nguồn lợi cá ngừ và triển khai có hiệu quả công tác dự báo ngư trường.
b) Xây dựng và triển khai Dự án Tăng cường nghiên cứu và dự báo ngư trường phục vụ khai thác cá ngừ.
c) Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ khai thác, bảo quản, chế biến cá ngừ tiên tiến trên tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần.
d) Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cá ngừ tại các địa phương và tích hợp với Bộ để thống nhất quản lý và truy xuất nguồn gốc.
3. Xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế
a) Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu cá ngừ.
b) Triển khai hợp tác quốc tế về đầu tư; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đấu tranh với các rào cản thương mại; tham gia các Hội chợ trong khu vực và thế giới.
c) Xây dựng và quảng bá thương hiệu cá ngừ, xây dựng nhãn sinh thái cho sản phẩm cá ngừ (nhãn MSC hoặc một số nhãn khác).
d) Tham gia vào các hoạt động của Ủy ban nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC); Trung tâm Phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) và các tổ chức quản lý nghề cá khác trong khu vực và trên thế giới.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Nguồn kinh phí
- Hỗ trợ của quốc tế thông qua các dự án nước ngoài;
- Nguồn vốn vay của các tổ chức Ngân hàng thương mại trong và ngoài nước;
- Ngân sách Nhà nước cấp kinh phí theo từng giai đoạn và hàng năm trên cơ sở có sự lồng ghép các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt.
- Huy động nguồn lực đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động kinh doanh sản phẩm cá ngừ.
Trong đó:
a) Hỗ trợ của quốc tế: Thông qua hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn, đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, đi học tập kinh nghiệm quốc tế, hỗ trợ nâng cao năng lực cho hoạt động quản lý.
b) Nguồn vốn vay của các tổ chức, Ngân hàng thương mại trong và ngoài nước: Đầu tư cơ sở hạ tầng Trung tâm nghề cá lớn tại Khánh Hòa, cảng cá, chợ cá ngừ chuyên dụng; ngư dân và các doanh nghiệp vay vốn của các ngân hàng thương mại trong nước đầu tư phương tiện, nghề, cơ sở vật chất phục vụ khai thác, bảo quản, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cá ngừ; chi phí hoạt động phục vụ sản xuất.
c) Ngân sách Nhà nước: hỗ trợ lãi suất tín dụng cho các chương trình đóng mới, cải hoán hiện đại hóa tàu cá; chương trình tín dụng cho các tác nhân trong chuỗi; xây dựng hệ thống quản lý thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ; nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách; biên soạn tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật; vốn đối ứng các nguồn vốn vay, tài trợ của các dự án từ các nước và tổ chức quốc tế.
d) Nguồn vốn ngân sách, ODA để đầu tư cảng cá ngừ chuyên dụng, Trung tâm dịch vụ hậu cần cá ngừ, chợ đấu giá cá ngừ.
e) Huy động các nguồn lực đầu tư của ngư dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước: Đầu tư đóng mới, cải hoán tàu làm nghề khai thác cá ngừ; điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ khai thác, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cá ngừ; cơ sở hạ tầng hậu cần dịch vụ phục vụ sản xuất cá ngừ; tham gia các hoạt động của chuỗi theo hướng xã hội hóa; đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm việc trong các doanh nghiệp.
2. Tổng hợp nhu cầu kinh phí:
Tổng kinh phí triển khai các nội dung đề án (05 năm): | 1.200 tỷ đồng |
(chưa tính Trung tâm nghề cá lớn tại Khánh Hòa), trong đó: |
|
- Kinh phí xây dựng trung tâm thông tin cá ngừ: | 05 tỷ đồng |
- Kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản: | 450 tỷ đồng |
- Kinh phí đào tạo, tập huấn: | 10 tỷ đồng |
- Kinh phí hỗ trợ lãi suất đóng mới, nâng cấp tàu khai thác, dịch vụ hậu cần cá ngừ: | 721 tỷ đồng |
- Kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế: | 14 tỷ đồng |
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Tổng cục Thủy sản
- Tổ chức công tác điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường và trình Bộ ban hành quy hoạch số lượng tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác cá ngừ gắn với sản lượng cá ngừ cho phép khai thác. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch.
- Hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện Đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ nằm trong Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
- Hướng dẫn các địa phương xây dựng và tổ chức triển khai thí điểm các mô hình liên kết sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị.
- Phối hợp các cơ quan chức năng và địa phương tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về quy trình kỹ thuật sử dụng tàu vỏ thép, vật liệu mới, công nghệ khai thác, xử lý, sơ chế và bảo quản sản phẩm cá ngừ trên tàu.
- Phối hợp với Hiệp hội cá ngừ Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong việc xây dựng thương hiệu, nhãn sinh thái (MSC) và quảng bá cho sản phẩm cá ngừ Việt Nam.
b) Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính
Tham mưu cho Bộ đề xuất các dự án ưu tiên để Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, bố trí vốn, kinh phí để Bộ và các địa phương triển khai thực hiện Đề án.
c) Vụ Hợp tác Quốc tế
- Cùng với Tổng cục Thủy sản tham gia các hoạt động với Trung tâm Phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC), Ủy ban nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC) và các tổ chức quản lý nghề cá khác trong khu vực và trên thế giới. Tranh thủ sự hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho ngư dân khai thác bảo quản cá ngừ theo công nghệ tiên tiến.
- Phối hợp với các bên liên quan triển khai hoạt động hợp tác quốc tế về đầu tư; liên kết sản xuất; xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng, quảng bá thương hiệu, nhãn sinh thái (MSC) cho sản phẩm cá ngừ Việt Nam; đấu tranh với các rào cản thương mại.
d) Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường
- Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ khai thác, chế biến và bảo quản nâng cao chất lượng sản phẩm cá ngừ sau thu hoạch.
- Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật đối với tàu cá, cảng cá ngừ chuyên dụng, trung tâm dịch vụ hậu cần và cơ sở hậu cần dịch vụ cho cá ngừ trình các cấp có thẩm quyền ban hành.
đ) Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
- Ưu tiên bố trí kinh phí triển khai các mô hình và đào tạo, tập huấn về công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm cá ngừ tiên tiến.
e) Viện Nghiên cứu Hải sản
- Điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường cá ngừ đại dương, phối hợp với Tổng cục Thủy sản công bố theo quy định.
g) Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn; Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản.
Nghiên cứu chuỗi giá trị cá ngừ
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện đề án với các nội dung, nhiệm vụ sau:
a) Xây dựng kế hoạch điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền, sản lượng theo quy hoạch; kiểm soát chặt chẽ việc đóng mới tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần cá ngừ; cấp giấy phép khai thác cá ngừ; tổ chức thu thập số liệu nghề cá ngừ thương phẩm;
b) Xây dựng và triển khai các mô hình tổ chức sản sản xuất theo chuỗi giá trị.
c) Làm chủ đầu tư xây dựng, cảng cá ngừ, Trung tâm giao dịch và chợ, sàn đấu giá cá ngừ; ban hành quy chế quản lý và tổ chức hoạt động tại cảng cá ngừ, trung tâm giao dịch chợ, sàn đấu giá cá ngừ.
d) Phổ biến, tuyên truyền nội dung của Đề án, chính sách phát triển thủy sản và các chính sách có liên quan khác đến hoạt động của chuỗi giá trị cá ngừ.
đ) Kiểm tra, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện; định kỳ báo cáo với UNND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Hội nghề nghiệp
a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh và các tổ chức quần chúng ở địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động các thành viên Hiệp hội, các tổ chức, cá nhân và ngư dân tích cực tham gia thực hiện tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp thu mua chế biến tiêu thụ cá ngừ, ngư dân xây dựng và quảng bá thương hiệu cá ngừ, xây dựng nhãn sinh thái cho sản phẩm cá ngừ.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC 1:
SẢN LƯỢNG CHO PHÉP KHAI THÁC CÁ NGỪ ĐẾN NĂM 2016
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3465/QĐ-BNN-TCTS, ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Đơn vị tính: tấn/năm
TT | TỈNH | SẢN LƯỢNG NĂM ĐẾN NĂM 2016 | GHI CHÚ | |
Cá ngừ vây vàng, mắt to | Cá ngừ vằn | |||
01 | Bình Định | 10.000 | 22.500 |
|
02 | Phú Yên | 5.800 | 14.000 |
|
03 | Khánh Hòa | 3.200 | 13.500 |
|
| Tổng cộng | 19.000 | 50.000 |
|
SẢN LƯỢNG CHO PHÉP KHAI THÁC CÁ NGỪ TỐI ĐA ĐẾN NĂM 2020
Đơn vị tính: tấn/năm
TT | TỈNH | SẢN LƯỢNG NĂM ĐẾN NĂM 2020 | GHI CHÚ | |
Cá ngừ vây vàng, mắt to | Cá ngừ vằn | |||
01 | Bình Định | 11.000 | 36.000 |
|
02 | Phú Yên | 6.500 | 17.500 |
|
03 | Khánh Hòa | 3.500 | 16.500 |
|
| Tổng cộng | 21.000 | 70.000 |
|
PHỤ LỤC 2:
SỐ LƯỢNG ĐÓNG MỚI, CẢI HOÁN, NÂNG CẤP TÀU KHAI THÁC VÀ DỊCH VỤ HẬU CẦN CÁ NGỪ ĐẾN NĂM 2016
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3465/QĐ-BNN-TCTS, ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Đơn vị tính: chiếc
TT | TỈNH | ĐÓNG MỚI | CẢI HOÁN, NÂNG CẤP | GHI CHÚ | ||||
Tàu câu | Tàu vây | Dịch vụ | Tàu câu | Tàu vây | Dịch vụ | |||
01 | Bình Định | 80 | 180 | 30 | 500 | 300 | 05 |
|
02 | Phú Yên | 70 | 100 | 15 | 300 | 150 | 15 |
|
03 | Khánh Hòa | 70 | 100 | 15 | 100 | 100 | 30 |
|
| Tổng cộng | 220 | 380 | 60 | 900 | 550 | 50 |
|
SỐ LƯỢNG ĐÓNG MỚI, CẢI HOÁN, NÂNG CẤP TÀU KHAI THÁC VÀ DỊCH VỤ HẬU CẦN CÁ NGỪ ĐẾN NĂM 2020
TT | TỈNH | ĐÓNG MỚI | CẢI HOÁN, NÂNG CẤP | GHI CHÚ | ||||
Tàu câu | Tàu vây | Dịch vụ | Tàu câu | Tàu vây | Dịch vụ | |||
01 | Bình Định | 100 | 400 | 50 | 1.000 | 550 | 05 |
|
02 | Phú Yên | 100 | 200 | 15 | 510 | 180 | 15 |
|
03 | Khánh Hòa | 100 | 200 | 20 | 190 | 170 | 30 |
|
| Tổng cộng | 300 | 800 | 85 | 1.700 | 900 | 50 |
|
TỔNG SỐ LƯỢNG TÀU ĐẾN NĂM 2020
TT | TỈNH | TỔNG SỐ TÀU ĐẾN 2020 | GHI CHÚ | ||
Tàu câu | Tàu vây | Dịch vụ | |||
01 | Bình Định | 1.100 | 950 | 55 |
|
02 | Phú Yên | 610 | 370 | 30 |
|
03 | Khánh Hòa | 290 | 380 | 50 |
|
| Tổng cộng | 2.000 | 1.700 | 135 |
|
Ghi chú: Số lượng tàu đóng mới, cải hoán, nâng cấp của các địa phương được phân kỳ thực hiện đảm bảo đạt trần trên cơ sở quy hoạch về sản lượng cho phép khai thác hàng năm và được điều chỉnh sau 05 năm thực hiện đề án
(1) (2): Tùy biến động trữ lượng nguồn lợi, sản lượng khai thác tối đa sẽ được điều chỉnh cho phù hợp
(3) Quy hoạch sản lượng và cơ cấu tàu thuyền cho các tỉnh tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.