BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3422/QĐ-BCA-C11 | Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN KHÔNG TỆ NẠN MA TÚY”
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy đã được Quốc hội thông qua ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Quyết định số 156/2007/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 42/2002/QĐ-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy” (Đề án số 6 trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2010) kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
ĐỀ ÁN
XÂY DỰNG XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN KHÔNG TỆ NẠN MA TÚY
(Kèm theo Quyết định số 3422/QĐ-BCA-C11 ngày 28 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công an)
I. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Tính cấp thiết của đề án
Trong những năm qua, trước diễn biến phức tạp của tình hình tệ nạn ma túy, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, biện pháp thiết thực nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội. Công tác phòng, chống ma túy đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã từng bước kiềm chế sự gia tăng của người nghiện và tội phạm ma túy.
Tuy nhiên, tình hình tệ nạn ma túy vẫn còn diễn biến rất phức tạp, trong vòng 5 năm trở lại đây, mỗi năm phát hiện bắt giữ trên 12 nghìn vụ với gần 20 nghìn đối tượng phạm các tội về ma túy, thu giữ hàng trăm kg hêroin, hàng trăm ngàn viên ma túy tổng hợp, số vụ mua bán ma túy với số lượng lớn, đông người tham gia ngày càng tăng; số người nghiện ma túy mặc dù được kiềm chế nhưng hàng năm vẫn tăng từ 10 - 15%, năm 2000 cả nước có 101.036 người nghiện, đến cuối năm 2008 đã lên tới 173.603 người.
Xã, phường, thị trấn có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống ma túy. Bởi đây là nơi triển khai các hoạt động cụ thể trong công tác phòng, chống ma túy, trực tiếp quản lý giáo dục các đối tượng nghiện, là nơi có điều kiện thuận lợi để tổ chức sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, trường học đóng trên địa bàn. Lực lượng Cảnh sát khu vực; Công an huyện phụ trách xã về an ninh, trật tự; Công an xã; Trưởng thôn, Trưởng bản có thể nắm chắc tình hình di biến động, sinh hoạt của từng đối tượng liên quan đến ma túy, thông qua đó, phát hiện các tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, việc trồng cây có chứa chất ma túy; đây cũng là nơi phải tiếp tục quản lý, giáo dục những người hết thời hạn chấp hành hình phạt tù từ các trại giam, hết thời hạn ở cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc trở về. Nếu làm tốt khâu công tác này sẽ góp phần làm giảm cơ bản tình hình phạm tội về ma túy và tái nghiện ma túy.
Tổng kết Chương trình hành động phòng, chống ma túy giai đoạn 1998 - 2000 đã khẳng định: “Cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy chỉ đạt được kết quả khi có sự tham gia của đông đảo nhân dân địa phương, của cơ sở, của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức quần chúng cơ sở”. Trong phòng, chống ma túy quán triệt phương châm “lấy phòng ngừa là chính, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức là cơ bản, lấy dân làm gốc, gia đình làm tế bào, xã, phường, thôn, làng, ấp, bản, cơ quan, xí nghiệp, đơn vị, trường học làm điểm tựa, lực lượng Công an làm nòng cốt”.
Trong suốt quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động phòng chống ma túy giai đoạn 2001-2005 và cho đến nay, đề án “Xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị không có tội phạm ma túy và người nghiện ma túy” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì đã được triển khai lồng ghép với “Phong trào quần chúng bảo vệ An ninh Tổ quốc”, “Phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” …
Quyết định số 156/2007/QĐ-TTg ngày 25/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2010 đã nêu chỉ tiêu: “Phấn đấu đến năm 2010, cả nước có 60% số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy”. Song đến nay số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy chỉ đạt 43,46%.
Trong tổng số 11.017 xã, phường, thị trấn hiện nay của cả nước, có:
- 4.788 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy (43,46%).
- 6.229 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy (56,54%).
Trong đó có nhiều xã, phường, thị trấn có trên 200 người nghiện ma túy, có xã, phường có trên 350 người nghiện ma túy (Phụ lục 5).
Tuy nhiên hiện nay, ở nhiều tỉnh, thành phố số xã, phường, thị trấn không có ma túy chỉ dưới 50%, có địa phương rất thấp.
Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chủ yếu như:
- Trong Luật Phòng, chống ma túy và các chương trình, kế hoạch về phòng, chống ma túy, cấp xã, phường, thị trấn được giao rất nhiều nhiệm vụ về phòng, chống ma túy, nhưng các điều kiện về tổ chức, cán bộ, tài chính, trang bị phương tiện phòng, chống ma túy lại không được đảm bảo, khiến cho công tác phòng, chống ma túy ở các xã, phường, thị trấn gặp rất nhiều khó khăn.
- Việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống ma túy ở một số xã, phường, nhất là những địa bàn chưa có hoặc có ít tệ nạn ma túy vẫn còn mang tính hình thức, chiếu lệ, tính phòng ngừa chưa cao. Công tác tổ chức cai nghiện tại xã, phường, thị trấn có nơi bị bỏ trống hoặc chỉ làm có tính chất thời vụ, thiếu các biện pháp chủ động, triệt để. Đây chính là nguyên nhân quan trọng khiến tệ nạn ma túy lan nhanh.
- Nhiều nơi còn coi nhiệm vụ này chủ yếu là của lực lượng Công an, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân tham gia công tác phòng, chống ma túy.
Căn cứ thực trạng tình hình công tác phòng, chống ma túy nói chung, kinh nghiệm thực tiễn công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn trong những năm qua, kế thừa và rút kinh nghiệm từ việc thực hiện của đề án: “Xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, không có tội phạm ma túy và người nghiện ma túy” trong thời gian qua, đề án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy” được xây dựng và triển khai nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác phòng, chống ma túy tại cấp cơ sở, đó là xác định rõ và phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các cơ quan, đơn vị ở cấp phường, xã, thị trấn trong việc tổ chức thực hiện các mặt công tác phòng, chống ma túy tại cơ sở; đồng thời bổ sung nguồn lực cho cấp cơ sở triển khai các nhiệm vụ này nhằm từng bước đẩy lùi, tiến tới loại trừ ma túy ra khỏi đời sống xã hội.
2. Cơ sở pháp lý xây dựng đề án
- Luật Phòng, chống ma túy ngày 9 tháng 12 năm 2000;
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy ngày 03 tháng 6 năm 2008; Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
- Quyết định số 156/2007/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2010;
- Công văn số 7879/VPCP-KGVX ngày 17/11/2008 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống tệ nạn AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm về việc đồng ý để Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chuyển giao cho Bộ Công an chủ trì xây dựng đề án “Xây dựng xã, phường, thị trấn, khu dân cư không tệ nạn ma túy”.
II. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu chung
- Tăng cường, đẩy mạnh và phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các cơ quan, đơn vị ở các phường, xã, thị trấn trong phối hợp tổ chức thực hiện đồng bộ và có hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại cơ sở.
- Kiềm chế gia tăng của tội phạm ma túy và người nghiện ma túy; phấn đấu duy trì vững chắc, giữ vững số xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy hiện có, đồng thời nâng dần số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy, các xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy phấn đấu thành xã, phường, thị trấn có ít hoặc không người nghiện ma túy.
2. Mục tiêu cụ thể
- Đối với số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy phải tiến hành phòng ngừa, ngăn chặn, củng cố vững chắc không để phát sinh tệ nạn ma túy.
- Đối với xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy, phải tiến hành các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, từng bước làm giảm tệ nạn ma túy; những xã, phường, thị trấn có ít phức tạp phấn đấu sớm trở thành xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy.
- Đến cuối năm 2010, mỗi tỉnh, thành phố giảm ít nhất từ 10% số người nghiện ma túy hiện có; giảm ít nhất 10% số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy.
III. PHẠM VI, THỜI GIAN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Phạm vi thực hiện đề án
Đề án được thực hiện tại 11.017 xã, phường, thị trấn của cả nước; nhưng tập trung vào 6.229 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy (trong đó có 1.235 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy phức tạp là những xã, phường, thị trấn có từ 20 người nghiện ma túy trở lên, có người phạm tội về ma túy và có diện tích trồng cây chứa chất ma túy; 4.884 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy ít phức tạp).
2. Thời gian thực hiện:
Đề án thực hiện từ cuối năm 2009 đến tháng 12/2010
IV. NỘI DUNG VÀ CÁC BIỆN PHÁP CỤ THỂ
1. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy và sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã về công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn
- Cấp ủy có Nghị quyết để chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy; thường xuyên nghe báo cáo và chỉ đạo các chi bộ, Đảng viên tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy.
- Hội đồng nhân dân thực hiện tốt chức năng giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng, có Nghị quyết kịp thời để thực hiện các chủ trương mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác phòng, chống ma túy của địa phương.
- Ủy ban nhân dân quan tâm chỉ đạo, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống ma túy, chỉ đạo xây dựng và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch phòng, chống ma túy của khu dân cư, thôn, bản.
2. Tăng cường năng lực chuyên môn cho cán bộ tham gia công tác phòng chống ma túy ở xã, phường, thị trấn
- Tổ chức tập huấn cán bộ Công an xã, Mặt trận Tổ quốc, cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy ở xã, phường, thị trấn nhằm trang bị kiến thức, nghiệp vụ trong việc vận động nhân dân tham gia phòng, chống ma túy; tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy; quản lý, giáo dục, giúp đỡ người cai nghiện ma túy và quản lý sau cai; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hành vi phạm tội về ma túy.
3. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy bằng mọi hình thức. Phát hành tài liệu tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy tại các xã, phường, thị trấn.
- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền của các tổ chức, đoàn thể xã hội, những người có uy tín, chức sắc trong các tổ chức tôn giáo, các già làng, trưởng bản, người tiêu biểu trong xã, phường, thị trấn, hình thành mạng lưới tuyên truyền rộng khắp mọi nơi, đến mọi nhà, mọi người trong cộng đồng dân cư; tập trung tuyên truyền vào các đối tượng có nguy cơ cao.
- Tổ chức các cuộc thi về chủ đề phòng, chống ma túy cho cán bộ làm công tác tuyên truyền; đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền trực tiếp trong các cơ quan, đơn vị, trường học và trong nhân dân; mở các đợt cao điểm phát hiện tố giác tội phạm ma túy, tổ chức cai nghiện ma túy nhân ngày quốc tế và ngày toàn dân phòng, chống ma túy.
- Xây bảng tin hoặc làm panô tuyên truyền phòng chống ma túy tại các địa điểm đông người qua lại và ở trung tâm các xã, phường, thị trấn.
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy ở các xã, phường, thị trấn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
- Phát hành tờ rơi cho 11.017 xã, phường, thị trấn
4. Tổ chức cho các xã, phường, thị trấn đăng ký và thực hiện cam kết xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy và tổ chức cuộc vận động “Toàn dân tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy”
- Tổ chức cho tất cả các xã, phường, thị trấn, các thôn, xóm, làng, bản, khu dân cư đăng ký xây dựng xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, làng bản, khu dân cư không có tệ nạn ma túy.
- Tổ chức động viên nhân dân phát hiện, tố giác người nghiện và người phạm tội về ma túy.
- Tổ chức thiết lập, củng cố, duy trì nâng cao hiệu quả thu thập thông tin liên quan tệ nạn ma túy qua các “đường dây nóng”, “hòm thư tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy” để động viên, tạo điều kiện nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm ma túy và người nghiện ma túy tại cộng đồng dân cư.
- Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức nhân dân tự quản như: “Tổ đoàn kết”, “Khu phố tự quản”, “Tổ An ninh nhân dân” v.v… làm nòng cốt trong việc phát hiện, đấu tranh với tệ nạn ở khu dân cư.
5. Chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch cụ thể xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy cho phù hợp với từng loại xã, phường, thị trấn
- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy có kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giữ vững danh hiệu xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy.
- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phức tạp về tệ nạn ma túy sớm trở thành xã, phường, thị trấn ít phức tạp, có ít người nghiện ma túy; các xã, phường, thị trấn có ít tệ nạn ma túy sớm trở thành xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy.
- Tổ chức bình xét, cấp giấy chứng nhận xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy.
- Tổ chức Hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm và trao giấy chứng nhận xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy; tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy trong những năm sau.
6. Tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; lập hồ sơ đề nghị xét duyệt những người có đủ tiêu chuẩn đi cai nghiện tập trung; quản lý, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện
- Tổ chức cho người nghiện đăng ký tình trạng nghiện ma túy và hình thức cai nghiện.
- Rà soát, thống kê, lập danh sách những người nghiện ma túy ở xã, phường, thị trấn; phân loại đối tượng nghiện để áp dụng biện pháp cai nghiện phù hợp.
- Lập hồ sơ đề nghị xét duyệt người đi cai nghiện tập trung.
- Tổ chức các hình thức cai nghiện tại cộng đồng phù hợp với thực tiễn của địa phương mình.
- Phân công nhiệm vụ cho các lực lượng cụ thể trong việc tổ chức cai nghiện tại cộng đồng, tại gia đình, quản lý sau cai.
- Có cơ chế động viên, khuyến khích người đã cai nghiện ma túy tích cực lao động, sản xuất, phòng, chống tái nghiện.
7. Tổ chức các hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm về ma túy ở xã, phường, thị trấn
- Quản lý chặt chẽ số người nghiện ma túy.
- Phát hiện, phối hợp với các cơ quan chức năng phòng ngừa, ngăn chặn và kịp thời triệt xóa các tụ điểm, điểm mua bán lẻ ma túy tại xã, phường, thị trấn.
- Quản lý, giáo dục những người đã hoàn thành thi hành án hoặc xử phạt hành chính từ các trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc trở về địa phương.
- Các xã vùng biên giới đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các xã vùng biên, giáp ranh của nước bạn trong phòng chống ma túy.
8. Thường xuyên tổ chức kiểm tra phát hiện, vận động nhân dân không tái trồng và trồng cây có chứa chất ma túy
- Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân không trồng cây có chứa chất ma túy.
- Tổ chức cho nhân dân vùng có nguy cơ trồng cây thuốc phiện và cây cần sa ký cam kết không trồng cây có chứa chất ma túy; phát hiện, tố giác việc trồng cây có chứa chất ma túy.
- Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa cho đồng bào vùng trồng cây có chứa chất ma túy.
- Thường xuyên kiểm tra, phát hiện xóa bỏ kịp thời việc trồng cây có chứa chất ma túy.
V. CƠ QUAN QUẢN LÝ, PHỐI HỢP VÀ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Cơ quan quản lý: Bộ Công an.
2. Cơ quan chủ trì thực hiện: Tổng cục Cảnh sát (Văn phòng Thường trực phòng, chống ma túy).
3. Cơ quan phối hợp thực hiện: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
VI. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
A. Các Bộ, ngành Trung ương
1. Bộ Công an
Là cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan tham gia Đề án có trách nhiệm:
- Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình tệ nạn ma túy ở xã, phường, thị trấn (từ tháng 01 đến hết tháng 04 năm 2010).
- Xây dựng Kế hoạch, chương trình thực hiện theo từng thời gian cụ thể, hướng dẫn các địa phương thực hiện (từ tháng 01 đến hết tháng 02 năm 2010).
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành xây dựng các kế hoạch liên tịch về xét công nhận, cấp giấy chứng nhận xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy (từ tháng 01 đến hết tháng 06 năm 2010).
- Hướng dẫn Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy tại địa phương mình (từ tháng 01 đến hết tháng 03 năm 2010).
- Tổ chức tập huấn về thực hiện đề án cho cán bộ thường trực phòng, chống ma túy các tỉnh, thành phố (từ tháng 02 đến hết tháng 3 năm 2010).
- Chỉ đạo thí điểm xây dựng một số xã, phường, thị trấn, một số huyện không có tệ nạn ma túy ở các tỉnh Thái Nguyên, Sơn La, Hòa Bình, Thái Bình, Cần Thơ, Kiên Giang, Bắc Cạn, Đà Nẵng, Lào Cai, Lâm Đồng, Hà Tĩnh … (từ tháng 4 đến hết tháng 11 năm 2010).
- Chủ trì, phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan kiểm tra, đánh giá, định kỳ sơ kết, rút kinh nghiệm trong việc triển khai đề án (từ tháng 7 đến hết tháng 9 năm 2010).
- Hỗ trợ và tập trung chỉ đạo điểm một số xã, phường, thị trấn trọng điểm ở Bắc Giang, Sơn La, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thái Bình … giải quyết tệ nạn ma túy (từ tháng 3 đến tháng 11 năm 2010).
- Hướng dẫn tổ chức xét công nhận xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy, tổng hợp tình hình, đề xuất khen thưởng các xã, phường, thị trấn có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy (từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2010).
- Tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện Đề án (tháng 01 năm 2011).
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Hướng dẫn công tác cai nghiện và quản lý sau cai tại gia đình và cộng đồng ở xã, phường, thị trấn, công tác lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở chữa bệnh.
- Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương phối hợp với các ngành Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Mặt trận tổ quốc cùng cấp thực hiện phân loại và đánh giá xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy theo Nghị quyết Liên tịch số 01/2008/NQLT-LĐTBXH-BCA-BVHTTDL-UBTWMTTQVN ngày 28/8/2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xét công nhận xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy.
- Tổng hợp kết quả cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ở xã, phường, thị trấn, gửi bộ Công an để tổng hợp báo cáo Chính phủ theo quy định.
3. Bộ Y tế
Chỉ đạo các sở Y tế, các cơ sở y tế, đặc biệt là y tế xã, phường, thị trấn tổ chức tốt việc phối hợp với các ngành và địa phương trong việc xét nghiệm xác định người nghiện ma túy, thực hiện phác đồ cai nghiện ma túy và thuốc hỗ trợ cắt cơn, phục hồi sức khỏe cho người cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, tổng hợp kết quả tham gia xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy gửi Bộ Công an.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục về phòng chống ma túy, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt coi trọng hoạt động của hệ thống truyền thanh của các phường, xã, thị trấn, tổng hợp kết quả gửi Bộ Công an.
5. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chỉ đạo công tác tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy ở các xã, phường, thị trấn thông qua các hình thức văn hóa nghệ thuật, các hoạt động thể dục, thể thao, hoạt động du lịch, …, tổng hợp kết quả gửi Bộ Công an.
6. Ban Thường trực UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
- Hướng dẫn và kiểm tra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ động lồng ghép các hoạt động của phong trào “Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phối hợp với các ngành chức năng cùng cấp phân loại, tổ chức bình xét công nhận xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy theo Nghị quyết Liên tịch số 01/2008/NQLT-LĐTBXH-BCA-BVHTTDL-UBTWMTTQVN ngày 28/8/2008.
- Hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện các hoạt động tuyên truyền vận động phòng, chống ma túy, tổ chức cai nghiện ma túy, quản lý giáo dục người nghiện sau cai nghiện, phòng, chống tội phạm về ma túy ở xã, phường, thị trấn.
- Hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố chỉ đạo điểm tại một số xã, phường, thị trấn, tổ chức hội nghị biểu dương những tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy, tổng hợp kết quả gửi Bộ Công an.
7. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Chỉ đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các tỉnh, thành phố có kế hoạch chỉ đạo Đoàn Thanh niên cấp xã tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy ở các xã, phường, thị trấn; chủ trì xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên ở xã, phường, thị trấn, tổng hợp kết quả gửi Bộ Công an.
8. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Có kế hoạch chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố hướng dẫn, động viên phụ nữ ở các xã, phường, thị trấn tích cực tham gia công tác phòng, chống ma túy ở xã, phường, thị trấn, xây dựng “Chi hội Phụ nữ không có tệ nạn ma túy”, “Phụ nữ không có chồng, con nghiện ma túy”, tổng hợp kết quả gửi Bộ Công an.
9. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam
- Có kế hoạch chỉ đạo Hội Nông dân các cấp tích cực tham gia công tác phòng, chống ma túy ở xã, phường, thị trấn, chủ trì xây dựng và thực hiện kế hoạch tổ chức cho Hội Nông dân các xã vùng có nguy cơ cao trồng cây thuốc phiện, cây cần sa ký cam kết không trồng cây có chứa chất ma túy.
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ và truyền thông cho nông dân; tiếp tục chỉ đạo xây dựng mô hình “Chi, tổ Hội nông dân 5 không về ma túy” do Ban Thường vụ Trung ương Hội nông dân Việt Nam đã phát động từ năm 2000.
- Tham gia vận động và giáo dục người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện hoặc cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, tư vấn hỗ trợ cho người nghiện học nghề, có việc làm, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội, tổng hợp kết quả gửi Bộ Công an.
10. Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam
Có kế hoạch chỉ đạo Hội Cựu chiến binh các tỉnh, thành phố, các xã, phường, thị trấn phát huy vai trò của Cựu chiến binh trong công tác phòng, chống ma túy ở xã, phường, thị trấn; phân công trách nhiệm cho hội viên tham gia phòng, chống tội phạm về ma túy, cai nghiện và phòng, chống tái nghiện ở xã, phường, thị trấn, tổng hợp kết quả gửi Bộ Công an.
B. Ủy ban nhân dân các cấp
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của đề án đến cấp xã; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và xã thực hiện đề án ở địa phương mình; theo dõi việc cấp phát, quản lý kinh phí phòng, chống ma túy của xã, phường, thị trấn.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện thống kê phân loại xác định các xã, phường, thị trấn theo từng cấp độ: “không có tệ nạn ma túy”, “có ít tệ nạn ma túy”, “phức tạp về tệ nạn ma túy”, “xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy” để xây dựng kế hoạch thực hiện cũng như làm cơ sở phân bổ kinh phí phòng, chống ma túy cho xã, phường, thị trấn.
- Chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm về xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy ở địa phương; tiêu chí bình xét và cấp giấy chứng nhận xã, phường, thị trấn không ma túy.
- Tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện đề án của địa phương gửi Bộ Công an.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn lập kế hoạch thực hiện các nội dung phòng, chống ma túy thuộc chức năng nhiệm vụ của xã, phường, thị trấn.
- Chỉ đạo các ngành Công an, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thực hiện các nhiệm vụ theo từng lĩnh vực thuộc chức năng của ngành mình.
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ phòng, chống ma túy cho cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn.
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện ở các xã, phường, thị trấn.
- Tổ chức hướng dẫn thực hiện việc lập hồ sơ và bình xét đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cấp giấy chứng nhận xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy, tổ chức công bố và trao giấy chứng nhận.
3. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
a. Chỉ đạo Công an xã, phường, thị trấn thực hiện các nhiệm vụ:
- Giúp Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm của Ủy ban nhân dân chủ trì về công tác phòng, chống ma túy; xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các mặt công tác phòng, chống ma túy; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện ở các cụm dân cư, thôn, bản, cơ quan, đơn vị.
- Tổ chức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi liên quan ma túy.
- Thực hiện việc rà soát, lập danh sách thống kê người nghiện ma túy và các đối tượng liên quan ma túy.
- Tham gia quản lý, giáo dục người nghiện ma túy và đối tượng sau cai nghiện.
- Lập hồ sơ đối tượng đưa vào trung tâm cai nghiện ma túy; tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự cho công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và các cơ sở cai nghiện khác đóng trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
- Tổ chức xây dựng và duy trì hoạt động của “hòm thư” tố giác tội phạm và người liên quan đến ma túy.
b. Chỉ đạo Trạm Y tế xã, phường, thị trấn tham gia tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng, thực hiện tư vấn và tham gia quản lý cai nghiện ma túy tại gia đình cho các đối tượng có nhu cầu cai nghiện.
c. Chỉ đạo cán bộ khối Văn hóa - Xã hội, Tư pháp xã, phường, thị trấn thực hiện các nhiệm vụ:
- Có kế hoạch cụ thể tuyên truyền phòng, chống ma túy phù hợp với từng địa bàn dân cư, trình độ dân trí và đến được các đối tượng có nguy cơ cao.
- Tham gia hướng dẫn, tư vấn về pháp luật, phương pháp cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và giải quyết các vấn đề sau cai nghiện.
4. Ủy ban Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các cơ quan đơn vị trên địa bàn xã, phường, thị trấn
a. Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn
- Đưa nội dung và các hoạt động phòng, chống ma túy vào nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
- Tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức ký cam kết không có ma túy và tham gia công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; quản lý, giáo dục, tạo công ăn việc làm cho người đã cai nghiện hòa nhập cộng đồng; phòng ngừa tái nghiện.
b. Các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội của xã, phường, thị trấn: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi tổ chức các hoạt động vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia phòng, chống ma túy; thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Liên tịch trong phát động “Phong trào Quần chúng phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội”.
c. Các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, trường học đóng trên địa bàn xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xây dựng cơ quan, doanh nghiệp, trường học trong sạch, không ma túy; cam kết thực hiện trong nội bộ và phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã, phường, thị trấn trong phòng, chống ma túy.
VII. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Kinh phí thực hiện đề án
Kinh phí thực hiện đề án từ nguồn kinh phí chi thường xuyên hàng năm của Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy và kinh phí của các tỉnh, thành phố. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện năm 2010 là 245.145.000.000 đồng, trong đó:
- Chi từ nguồn kinh phí thường xuyên của Bộ Công an cấp cho Ban chỉ đạo đề án ở Trung ương: 5.000.000.000 đồng
- Từ nguồn kinh phí phòng, chống ma túy theo phân cấp ngân sách hiện hành của Ủy ban quốc gia cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: 240.145.000.000 đồng
+ Kinh phí chỉ đạo của cấp tỉnh và cấp huyện 63 tỉnh, thành phố (63 x 200 triệu): 12.600.000.000 đồng
+ 6.229 xã, p, tt có tệ nạn ma túy x 25 triệu: 155.725.000.000 đồng
+ 4.788 xã p, tt không tệ nạn ma túy x 15 triệu: 71.820.000.000 đồng
- Mức kinh phí trên đây là mức chi tối thiểu cho các hoạt động; căn cứ nguồn kinh phí do Chương trình mục tiêu Quốc gia cấp và nguồn ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách cho các xã, phường, thị trấn đảm bảo thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ của đề án.
2. Cơ chế quản lý và cấp kinh phí đề án
- Trên cơ sở nguồn ngân sách được Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính thông báo cho UBND các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành ở Trung ương để tổ chức thực hiện.
- Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí của đề án thực hiện theo các quy định tài chính, kế toán hiện hành.
VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Thành lập Ban Chỉ đạo đề án của Trung ương do đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an, phụ trách công tác phòng, chống ma túy là Trưởng ban, một đồng chí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát là Phó ban, thành viên khác là đại diện các đơn vị: Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động - TB&XH, Bộ Y tế , Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng cục Cảnh sát (Văn phòng thường trực phòng, chống ma túy), các cơ quan trực tiếp thực hiện đề án.
Ban chỉ đạo đề án có nhiệm vụ hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nội dung của đề án, hướng dẫn việc sử dụng và thanh quyết toán kinh phí của đề án. Việc chỉ đạo thực hiện đề án thông qua hình thức ký hợp đồng trách nhiệm giữa Ban chỉ đạo đề án và các cơ quan có liên quan.
Tổng cục Cảnh sát (Văn phòng Thường trực phòng, chống ma túy) giúp Bộ Công an phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện và tổng hợp tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí của đề án, hướng dẫn các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện; phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng kinh phí thực hiện đề án, đảm bảo việc sử dụng kinh phí tiết kiệm, đúng mục đích, chặt chẽ về tài chính và có hiệu quả cao.
3. Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp thực hiện đề án này, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị, tổ chức mình ở các địa phương thực hiện; tổng hợp tình hình thực hiện gửi Bộ Công an trước ngày 30/12/2010.
4. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào đề án này xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đề án ở địa phương gửi báo cáo tình hình thực hiện đề án về Bộ Công an trước ngày 30/12/2010 để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
5. Công an các tỉnh, thành phố có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện đề án này, gửi báo cáo tình hình thực hiện đề án về Bộ Công an qua Văn phòng Thường trực phòng, chống ma túy trước ngày 20/12/2010 để tổng hợp.
6. Giao Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo Văn phòng Thường trực phòng, chống ma túy đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện đề án này, giúp lãnh đạo Bộ tổng hợp tình hình báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.