HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33-CP | Hà Nội, ngày 15 tháng 02 năm 1977 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP TIỂU BAN NGHIÊN CỨU DỰ ÁN LUẬT VỀ QUYỀN LAO ĐỘNG CỦA CÔNG DÂN
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14-07-1960;
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp toàn thể của Hội đồng Chính phủ bàn về kế hoạch Nhà nước năm 1977 ngày 27 tháng 12 năm 1976,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay thành lập Tiểu ban nghiên cứu dự án luật về quyền lao động của công dân.
Tiểu ban có nhiệm vụ:
- Nghiên cứu thể hiện bằng luật pháp quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động về lực lượng lao động theo phương hướng của Đại hội Đảng lần thứ IV, cụ thể là:
Nghiên cứu những quy định về nội dung và quan hệ gắn bó giữa quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động trong chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa;
Nghiên cứu những quy định về mối quan hệ giữa Nhà nước và tập thể, giữa trung ương và địa phương, giữa Nhà nước và nhân dân trong việc bố trí, động viên, sử dụng mọi nguồn lao động xã hội;
Nghiên cứu những quy định về mối quan hệ và việc kết hợp giữa nghĩa vụ lao động và nghĩa vụ quân sự.
Điều 2. Tiểu ban nghiên cứu dự án luật về quyền lao động của công dân đặt dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Hội đồng Chính phủ do Phó Thủ tướng Đỗ Mười làm trưởng tiểu ban và gồm các thành viên sau đây:
- Đồng chí Nguyễn Thọ Chân, Bộ trưởng Bộ Lao động, Phó ban thường trực,
- Đồng chí Chế Viết Tấn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, ủy viên,
- Đồng chí đại diện Bộ Quốc phòng ở cấp tướng, ủy viên,
- Đồng chí Trần Công Tường, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế, ủy viên.
Thường vụ Hội đồng Chính phủ mời một đồng chí ủy viên Ban thư ký Tổng công đoàn Việt Nam và một đồng chí Bí thư trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia Tiểu ban này.
Trong quá trình nghiên cứu, tùy theo tính chất và nội dung của từng vấn đề, Tiểu ban sẽ mời thủ trưởng các ngành có liên quan đến tham gia ý kiến hoặc cung cấp tài liệu cần thiết cho việc nghiên cứu của Tiểu ban.
Điều 3. Các thành viên của Tiểu ban sử dụng tổ chức của ngành mình để tiến hành việc nghiên cứu theo sự phân công của Tiểu ban, bộ phận giúp việc thường trực của Tiểu ban đặt tại Bộ Lao động, gồm một số chuyên viên của Bộ Lao động và của một số ngành tham gia. Việc chỉ định các chuyên viên giúp việc Tiểu ban do đồng chí Trưởng Tiểu ban quyết định.
Điều 4. Dự án luật về quyền lao động của công dân phải được nghiên cứu khẩn trương và trình ra Hội đồng Chính phủ xem xét theo đúng thời gian đã ghi trong chương trình công tác năm 1977 của Hội đồng Chính phủ.
Điều 5. Các đồng chí Thủ trưởng các Bộ Lao động, Quốc phòng, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Pháp chế của Chính phủ và các đồng chí thành viên trong Tiểu ban nghiên cứu dự án luật về quyền lao động của công dân có trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.