ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/2006/QĐ-UBND | Bắc Giang, ngày 04 tháng 05 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THỂ DỤC THỂ THAO Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN ĐẾN NĂM 2010
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 100/2005/QĐ-TTg ngày 10/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thể dục thể thao ở xã, phường, thị trấn đến năm 2010;
Xét đề nghị của Sở Thể dục - Thể thao tại Tờ trình số 86/TTr - TDTT ngày 10/4/2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển thể dục thể thao ở xã, phường, thị trấn đến năm 2010 kèm theo quyết định này.
Điều 2. Giao cho Sở Thể dục - Thể thao chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các ngành có liên quan triển khai thực hiện Đề án.
Điều 3. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, các đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
ĐỀ ÁN
PHÁT TRIỂN THỂ DỤC THỂ THAO Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2006/QĐ - UBND ngày 04/5/2006 của UBND tỉnh Bắc Giang)
Thực hiện Quyết định số 100/2005/QĐ - TTg ngày 10/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển TDTT ở xã, phường, thị trấn đến năm 2010 (sau đây gọi chung là cấp xã); nhằm tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", chăm lo nâng cao sức khỏe, phát triển hài hòa các yếu tố về thể chất, tinh thần của nhân dân góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước; UBND tỉnh Bắc Giang xây dựng Đề án phát triển TDTT ở cấp xã, phường, thị trấn đến năm 2010.
Phần I
THỰC TRẠNG CÔNG TÁC THỂ DỤC THỂ THAO Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN NHỮNG NĂM QUA.
I - NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC:
Thể dục thể thao quần chúng là hoạt động tập luyện, biểu diễn và thi đấu mang tính tự nguyện của đông đảo nhân dân. Trong những năm qua, phong trào thể dục thể thao quần chúng nói chung và hoạt động TDTT ở cấp xã nói riêng trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, thể hiện trên các mặt sau:
1 - Phong trào TDTT quần chúng đã phát triển ngày càng sâu rộng tới các vùng miền, khu vực dân cư, các đối tượng. Số người tham gia tập luyện TDTT ở mỗi thôn, bản, xã, phường, thị trấn ngày càng tăng. Đến nay toàn tỉnh không còn "xã trắng" về TDTT. Hiện có 20% dân số thường xuyên luyện tập TDTT; số gia đình đạt tiêu chí gia đình thể thao là 26.500 hộ, số câu lạc bộ TDTT được thành lập và duy trì hoạt động có nề nếp, hiệu quả là 750 câu lạc bộ.
2 - Hình thức tổ chức, nội dung tập luyện TDTT của nhân dân ngày càng phong phú, đa dạng và đi dần vào nề nếp. Các hình thức hoạt động như Câu lạc bộ TDTT, điểm tập luyện, cụm văn hoá - thể thao hoạt động theo phương thức tự quản, có tổ chức, có sự hướng dẫn… đã có tác dụng tích cực thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng phát triển theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động TDTT.
3 - Các hoạt động thi đấu, biểu diễn các môn thể thao: Bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, vật, võ… các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được tổ chức gắn với các ngày lễ, ngày tết, ngày truyền thống của địa phương được duy trì hàng năm. Đồng thời đã tổ chức tốt các kỳ Đại hội TDTT đặc biệt Đại hội TDTT lần thứ V - 2005, đã có 222/229 số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh tổ chức Đại hội, đạt tỷ lệ 96,94%. Đại hội TDTT cấp xã lần thứ V huy động được 395.370 người tham dự vào các hoạt động diễu hành, đồng diễn… 58.870 VĐV tham gia thi đấu, đã tích cực góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần, tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi, tăng cường mối quan hệ đoàn kết trong các cộng đồng dân cư.
4 - Các hoạt động TDTT trong các nhà trường phổ thông trên địa bàn cấp xã quản lý được quan tâm hơn, ngoài việc thực hiện 100% giờ học TDTT nội khóa, học sinh còn đựơc tạo điều kiện tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, tập luyện TDTT ngoại khóa do nhà trường và các đoàn thể quần chúng ở cấp xã tổ chức, nhất là các hoạt động tập luyện, thi đấu thể thao trong dịp nghỉ hè, góp phần quản lý, giáo dục các em tránh các tệ nạn xã hội.
5 - Cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập, dụng cụ tập luyện, thi đấu ở các thôn, bản, xã, phường, thị trấn, trong các nhà trường đã từng bước được quan tâm đầu tư tu sửa, nâng cấp và xây dựng mới. Việc triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các hoạt động TDTT bước đầu đã có kết quả tốt. Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm xây dựng qui hoạch, dành quỹ đất để xây dựng các công trình TDTT; đến nay, toàn tỉnh có 667,88 ha đã được quy hoạch, tổng diện tích đất đang được sử dụng làm sân bãi và nhà tập là 575,69 ha. Một số địa phương đã xây dựng sân vận động đơn giản ở khu trung tâm, cấp xã hiện có 756 sân tập luyện bóng đá, 380 sân bóng chuyền, 150 nhà tập cầu lông, 1800 sân tập cầu lông ngòai trời, 108 sân điền kinh, 40 sới vật, võ…. Nhiều gia đình tự đầu tư xây dựng nhà luyện tập thi đấu cầu lông, bóng bàn; có gia đình đã đầu tư xây dựng mô hình kinh tế kết hợp tổ chức các hoạt động thể dục thể thao (xã Xuân Phú - Yên Dũng; xã Tân Sỏi - Yên Thế…).
6 - Các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh đã phân công Trưởng ban văn hoá thông tin hoặc Bí thư đoàn xã kiêm phụ trách công tác TDTT. Đội ngũ cộng tác viên, hướng dẫn viên, trọng tài các môn ở cấp xã từng bước được bổ sung, tăng cường. Hiện nay toàn tỉnh có 632 cán bộ, hướng dẫn viên, trọng tài hoạt động thường xuyên tại cơ sở; hàng năm có từ 20 - 30% được hướng dẫn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đã đóng góp tích cực cho phong trào TDTT ở địa phương phát triển.
*Nguyên nhân kết quả đạt được:
- Trong những năm qua, công tác TDTT nói chung và ở cơ sở, xã, phường, thị trấn nói riêng đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển sự nghiệp TDTT của Đảng và Nhà nước; các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và một bộ phận nhân dân đã nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí của công tác TDTT trong sự nghiệp đổi mới toàn diện của Đảng, nhằm phát huy nhân tố con người, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Công tác xã hội hóa trong các hoạt động TDTT từng bước được phát huy, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập, nhà tập luyện thi đấu…. có bước chuyển biến rõ rệt.
II - HẠN CHẾ - TỒN TẠI:
- Phong trào TDTT quần chúng phát triển chưa đồng đều giữa các vùng đô thị với các xã miền núi vùng sâu, vùng xa; một số hoạt động TDTT còn mang tính hình thức, hiệu quả còn thấp; việc khai thác, phát triển các môn thể thao truyền thống dân tộc còn ít.
- Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham các hoạt động TDTT chưa rộng khắp và thiếu thường xuyên; công tác kiểm tra, đánh giá, tổng kết kinh nghiệm còn nhiều hạn chế; việc luyện tập TDTT chưa mang tính tự giác, chưa trở thành thói quen, nếp sống hàng ngày của đông đảo quần chúng nhân dân.
- Việc chỉ đạo triển khai công tác quy hoạch đất và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện, trang bị dụng cụ TDTT của một số địa phương chưa được chú trọng nên hiệu quả còn thấp.
- Công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, tổ chức các hoạt động TDTT đối với cấp xã của ngành TDTT từ tỉnh đến cơ sở còn có mặt tồn tại, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển TDTT trong giai đoạn mới.
* Nguyên nhân:
- Một số cấp ủy Đảng, chính quyền cấp huyện, xã chưa nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tác dụng của công tác TDTT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chưa coi công tác TDTT là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy nhân tố con người, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức.
- Cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển TDTT ở cơ sở còn thiếu, một số chính sách, quy định hiện hành không còn phù hợp; việc đầu tư kinh phí cho sự nghiệp TDTT nói chung, và cấp xã nói riêng còn thấp, cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện còn thiếu và lạc hậu.
- Đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn của phòng Văn hoá thông tin - thể thao , Trung tâm văn hoá TDTT của các huyện, thành phố chưa được bổ sung, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng, nhất là cấp xã chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác TDTT.
Phần II
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN TDTT Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN ĐẾN NĂM 2010
I. MỤC TIÊU:
1. Mục tiêu chung:
Mở rộng và nâng cao hiệu quả phong trào TDTT quần chúng tại xã, phường , thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh; huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội chăm lo giáo dục thể chất cho nhân dân, làm cho mỗi người dân được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hoá TDTT, làm cho các hoạt động TDTT thực sự trở thành hoạt động của dân, do dân và vì dân, nhằm tăng cường phục vụ sức khỏe, góp phần xây dựng con người Việt nam phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất, phục vụ lao động sản xuất, công tác, học tập; góp phần ổn định, giữ gìn an ninh chính trị và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu Kế hoạch số 33/KH - TU ngày 30/12/2002 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phát triển sự nghiệp TDTT của tỉnh đến năm 2010.
2. Mục tiêu cụ thể đến 2010:
a - Đưa việc tập luyện TDTT trở thành thói quen hàng ngày của đa số nhân dân, phấn đấu đạt tỷ lệ 25 - 26% dân số toàn tỉnh tham gia tập luyện TDTT thường xuyên.
b - Số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao: 40.000 hộ
c - Số cán bộ, hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT ở cấp xã, phường, thị trấn được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đạt trên 90%.
d - Phấn đấu 50% số xã, phường, thị trấn xây dựng được khu Trung tâm văn hoá thể thao: Có sân vận động đơn giản, thiết chế nhà văn hoá - thể thao và sân tập các môn cầu lông, bóng chuyền, sới vật, võ…., các xã còn lại đều có điểm tập luyện TDTT.
đ - Hàng năm duy trì tổ chức được từ 2 - 3 giải thể thao, hoặc tổ chức ngày hội văn hoá - thể thao cấp xã.
II. NHIỆM VỤ:
1. Phát triển phong trào thể dục thể thao
a - Tiếp tục thực hiện phong trào "Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"; mở rộng, nâng cao chất lượng cuộc vận động"Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá". Xây dựng phong trào TDTT quần chúng gắn với thực hiện kế hoạch xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, đảm bảo các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em.
b - Khôi phục, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc và các trò chơi dân gian ở mỗi địa phương. Từng bước nâng cao chất lượng các nội dung thi dấu, biểu diễn trong dịp lễ hội truyền thống, ngày hội văn hoá - thể thao, Hội khỏe Phù Đổng, Đại hội TDTT ở cơ sở, thúc đẩy phong trào TDTT phát triển, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.
2. Kiện toàn bộ máy, xây dựng cơ chế hoạt động của tổ chức thể dục thể thao.
a - Kiện toàn bộ máy tổ chức Ban văn hoá thông tin - TDTT của các xã; căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội và phong trào TDTT trên địa bàn, UBND xã, phường, thị trấn thành lập Trung tâm Văn hoá - thể thao hoặc Nhà văn hoá thể thao, câu lạc bộ, hội thể thao… để tổ chức các hoạt động TDTT trên địa bàn.
b - Xây dựng cơ chế hoạt động phối hợp với các tổ chức, đoàn thể xã hội ở xã như MTTQ và các đoàn thể nhân dân để triển khai vận động, tổ chức các hoạt động TDTT, thành lập các câu lạc bộ TDTT phù hợp với lứa tuổi, nhu cầu tập luyện của các đối tượng.
c - Tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế trên địa bàn đầu tư cho TDTT, thành lập các cơ sở dịch vụ TDTT theo quy định của Nghị định số 73/1999/NĐ - CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa trong công tác TDTT; Nghị định số 05/NQ - CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa đối với các lĩnh vực Giáo dục, Y tế, Văn hoá thông tin, TDTT.
3. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT cấp xã.
Xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT đạt các tiêu chí sau:
a - Về số lượng hướng dẫn viên TDTT cho đơn vị cấp xã: đảm bảo mỗi thôn, bản, tổ dân phố có tối thiểu 1 hướng dẫn viên, cộng tác viên thể dục thể thao.
b - Về chuyên môn nghiệp vụ: các hướng dẫn viên phải được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ TDTT tại các lớp của huyện, thành phố và của tỉnh; đảm bảo được việc hướng dẫn, tổ chức các hoạt động TDTT ở cơ sở.
c - Hướng dẫn viên TDTT cấp xã làm việc theo chế độ kiêm nhiệm hoặc hợp đồng.
4. Xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện TDTT
Căn cứ vào điều kiện quỹ đất, đặc điểm kinh tế xã hội để xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phù hợp, từng bước đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT ở các địa phương, tập trung chỉ đạo đảm bảo các tiêu chí cụ thể sau:
a - Các phường, thị trấn (nơi có quỹ đất hạn chế) cần đảm bảo tối thiểu:
- 01 sân thể thao phổ thông: 3.000 - 5.000m2.
- 01 đến 02 phòng tập đơn giản:100 - 200m2
- 04 đến 06 sân tập từng môn thể thao: 400 - 500m2
- Phấn đấu có 01 bể bơi hoặc hồ bơi đơn giản: 200 - 300m2
b - Các xã miền núi (vùng có khó khăn) cần có tối thiểu:
- 01 sân tập thể thao, vui chơi, giải trí: 3.000 - 7.000m2.
- 01 phòng tập đơn giản: 100 - 200 m2
c - Các xã, thị trấn còn lại cần có tối thiểu:
- 01 sân thể thao phổ thông: 5.000 - 8.000m2
- 01 đến 02 phòng tập đơn giản: 200 - 300m2
- 01 bể bơi hoặc bể bơi đơn giản: 500m2
- 03 đến 05 sân tập từng môn: 500 - 1000m2
d - Tập trung chỉ đạo thực hiện quy hoạch dành đất cho hoạt động TDTT; phấn đấu đến năm 2010, các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện đạt chỉ tiêu dành đất cho tập luyện TDTT bình quân 2 - 3m2 đất/1 đầu người dân; các phường, xã thuộc thành phố Bắc Giang dựa theo các tiêu chí trên để quy hoạch cho phù hợp.
III. GIẢI PHÁP:
1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các địa phương cơ sở đối với công tác TDTT.
a - Đưa nhiệm vụ phát triển TDTT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của các xã, phường, thị trấn.
b - Tiếp tục quán triệt và thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác TDTT. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh thể dục thể thao và các văn bản pháp luật của Nhà nước về TDTT.
c - Đẩy mạnh phong trào thi đua rèn luyện TDTT "Khỏe để xây dựng và bảo vệ tổ quốc", cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá".
d - Định kỳ thường xuyên và hàng năm, các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở kiểm điểm, đánh giá về kết quả công tác chỉ đạo phát triển phong trào TDTT, động viên và khen thưởng kịp thời những cá nhân, đơn vị tiêu biểu xuất sắc.
2. Xây dựng các hình thức hoạt động TDTT quần chúng và hệ thống thi đấu phù hợp.
a- Căn cứ vào điều kiện cụ thể cần định hướng các nội dung hoạt động phù hợp với đặc điểm truyền thống của mỗi địa phương, phù hợp với các đối tượng, cụ thể: các huyện, xã miền núi chú trọng khai thác, phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, tổ chức "Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số"… ; đối với thanh thiếu niên, học sinh tập trung vào các nội dung thể thao trong trường học, các môn: võ, vật, đá cầu, bóng đá, cầu lông, cờ vua, nhảy dây, thể dục thẩm mỹ, thể dục nhịp điệu…; đối với người trung, cao tuổi duy trì các nội dung đi bộ, cầu lông, cờ tướng, các bài tập dưỡng sinh (thái cực quyền, thái cực kiếm, múa quạt…).
b - Xây dựng hệ thống thi đấu thể thao quần chúng thống nhất từ cơ sở đến toàn tỉnh; các giải thể thao thường xuyên hàng năm và theo chu kỳ gồm:
+ Các giải thể thao xã, phường, thị trấn, tổ chức thi đấu các môn: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, vật,võ, đẩy gậy, bắn cung, nỏ, đua thuyền… theo lứa tuổi, phù hợp với đối tượng người cao tuổi, thanh thiếu niên, phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân…
+ Đại hội TDTT hoặc ngày Hội văn hoá - thể thao cấp xã, phường, thị trấn được tổ chức 3 năm 1 lần.
+ Cấp huyện: tổ chức giải thể thao liên xã, cụm văn hoá - thể thao, giải thể thao quần chúng toàn huyện, Hội khỏe Phù Đổng, Đại hội TDTT toàn huyện.
+ Cấp tỉnh: định kỳ thường xuyên hàng năm tổ chức các giải phong trào thể thao quần chúng phù hợp với các đối tượng, lứa tuổi; tổ chức Hội thi thể thao dân tộc thiểu số miền núi theo chu kỳ 2 năm 1 lần; Đại hội TDTT 4 năm/1lần; Hội khỏe Phù Đổng theo chu kỳ của ngành giáo dục.
3. Thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển TDTT ở xã, phường, thị trấn theo chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa
a - Hoàn chỉnh việc quy hoạch đất dành cho hoạt động TDTT theo Chỉ thị số 274/TTg ngày 27/4/1996 của Thủ tướng Chính phủ.
b - Tích cực tổ chức thực hiện chủ trương chính sách theo Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ; Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ, khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động TDTT…
c - Hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý câu lạc bộ TDTT, Trung tâm văn hoá - thể thao cơ sở, gia đình văn hoá - thể thao, thôn,bản văn hoá - thể thao; tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động tập luyện, thi đấu TDTT ở cấp xã, phường, thị trấn phát triển.
d - Vận động các tổ chức kinh tế - xã hội, đoàn thể, cá nhân ủng hộ và cùng tham gia các hoạt động TDTT ở cơ sở.
4. Tăng cường sự chỉ đạo, phối hợp thực hiện có hiệu quả các Chương trình, kế hoạch liên ngành.
Sở TDTT chủ động phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo, Ban Dân tộc, các đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… thực hiện tốt các kế hoạch liên ngành; định kỳ hàng năm tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả và tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm quá trình thực hiện.
5. Xây dựng mô hình chỉ đạo điểm
Năm 2006, các huyện xây dựng và chỉ đạo 1 xã có phong trào TDTT khá, 1 xã có phong trào TDTT yếu; thành phố Bắc Giang chọn 1 phường khá, 1 xã trung bình làm điểm để rút kinh nghiệm nhân thành diện rộng vào các năm tiếp theo.
6. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thi đua khen thưởng
Thường xuyên coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực, tự nguyện tham gia luyện tập TDTT thường xuyên; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đẩy mạnh các hình thức, nội dung tuyên truyền: biểu dương các tập thể, cá nhân, các câu lạc bộ, gia đình thể thao tiêu biểu, phổ biến kiến thức về phương pháp tập luyện, tác dụng của TDTT vì "Sức khỏe" của mỗi người và tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến TDTT. Định kỳ phát động phong trào thi đua tập luyện và thi đấu các môn thể thao phù hợp trong các đối tượng, lứa tuổi, chú trọng việc sơ, tổng kết, động viên, khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào.
7. Xây dựng kế hoạch hàng năm tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT cơ sở theo quy định phân cấp hiện hành.
a - Cấp tỉnh: hàng năm mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý văn hoá - TDTT, hướng dẫn viên, trọng tài cho cấp xã.
b - Các huyện, thành phố: hàng năm mở lớp tập huấn chuyên môn cho cán bộ, hướng dẫn viên, cộng tác viên, trọng tài các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn quản lý; đầu tư chỉ đạo các xã điểm để tổng kết rút kinh nghiệm.
8. Kinh phí thực hiện đề án
Đề án phát triển TDTT ở xã, phường, thị trấn đến năm 2010 được thực hiện bằng các nguồn kinh phí sau:
a - Ngân sách Nhà nước:
- Ngân sách cấp tỉnh bảo đảm thực hiện một số nội dung của giai đoạn I bao gồm: biên soạn tài liệu hướng dẫn, đào tạo cán bộ, hướng dẫn viên, công tác tuyên truyền; đầu tư chỉ đạo mô hình làm điểm và hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng cơ sở vật chất sân bãi, trang bị dụng cụ TDTT cho một số xã đặc biệt khó khăn; kinh phí tổ chức sơ, tổng kết, thi đua, khen thưởng.
- Ngân sách cấp huyện, thành phố và cấp xã đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ: bồi dưỡng hướng dẫn viên, cộng tác viên, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm dụng cụ tập luyện và các hoạt động TDTT thường xuyên trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
b - Các nguồn vốn khác bao gồm:
- Tài trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân (trong và ngoài tỉnh).
- Kinh phí nhân dân tự nguyện đóng góp, hội phí của hội viên các câu lạc bộ TDTT.
- Kinh phí thu được qua các dịch vụ và các khoản thu hợp pháp khác.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. THỜI GIAN VÀ CÁC GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN:
Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2006 đến 2010 chia làm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn I : 2006 - 2007 (2 năm).
- Giai đoạn II: 2008 - 2010 (3 năm).
1. Giai đoạn 1: (2006 - 2007): Nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn này là hoàn tất việc chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đề án, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu của đề án tại các xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình điểm, nội dung gồm:
a - Thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh để tổ chức thực hiện đề án.
b - Khảo sát, điều tra, thống kê hiện trạng hoạt động TDTT ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.
c - Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển thể dục thể thao ở các xã, phường, thị trấn đến năm 2010.
d - Mở lớp đào tạo đội ngũ, cán bộ, hướng dẫn viên TDTT cơ sở về công tác quản lý, phương pháp tổ chức các hoạt động phong trào, tổ chức thi đấu, công tác trọng tài… theo kế hoạch hàng năm.
e - Triển khai chỉ đạo các xã, phường làm điểm để rút kinh nghiệm.
g - Chỉ đạo lập quy hoạch chi tiết dành quỹ đất cho TDTT và tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các công trình, sân thể thao, nhà tập luyện, thi đấu, từng bước đáp ứng nhu cầu phục vụ các hoạt động văn hoá thể thao ở địa phương.
h - Tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn I.
2. Giai đoạn II (2008 - 2010): Triển khai thực hiện đề án trong phạm vi toàn tỉnh, nội dung gồm:
a - Dựa trên cơ sở kết quả của giai đoạn I tổ chức nhân rộng các mô hình xã, phường, thị trấn điểm về thể dục thể thao quần chúng.
b - Tổ chức tuyên truyền sâu rộng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các thôn bản, các gia đình văn hoá, thể thao tiêu biểu.
c- Năm 2010 tiến hành tổng kết đánh giá kết quả thực hiện đề án và triển khai xây dựng các mục tiêu, định hướng phát triển TDTT ở xã, phường, thị trấn giai đoạn tiếp theo.
II. TRÁCH NHIỆM CỦA SỞ THỂ DỤC THỂ THAO, CÁC SỞ, BAN, NGÀNH, ĐOÀN THỂ VÀ UBND CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ.
1. Sở Thể dục - Thể thao:
a - Chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các Sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức thực hiện; chỉ đạo các phòng Văn hoá TT - TT xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án phát triển TDTT cấp xã; thường xuyên đôn đốc tiến trình thực hiện đề án, định kỳ tổ chức sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm báo cáo Ban chỉ đạo và UBND tỉnh.
b - Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn áp dụng các chính sách hiện hành về bộ máy tổ chức, về quy hoạch đất và đầu tư xây dựng các công trình TDTT; phối hợp với Sở Tài chính thống nhất dự trù kinh phí từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho cấp xã hàng năm để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án.
c - Chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức đoàn thể khác, chỉ đạo tổ chức và triển khai các hoạt động TDTT ở cấp xã đạt và vượt các mục tiêu của Đề án.
2. Sở Văn hoá - Thông tin:
- Chủ trì phối hợp với Sở TDTT hướng dẫn thực hiện các nội dung tiêu chuẩn làng, bản văn hoá - thể thao, gia đình văn hoá - thể thao; xây dựng thiết chế văn hoá - thể thao cơ sở.
- Phối hợp hướng dẫn thực hiện quy chế thành lập và hoạt động của các câu lạc bộ văn hoá - thể thao, trung tâm văn hoá thể thao các xã, phường, thị trấn.
3. Các Sở, ban, ngành cơ quan thuộc UBND tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Sở Thể dục - Thể thao đảm bảo các điều kiện thực hiện Đề án có hiệu quả.
4. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: Trên cơ sở nội dung đề án đã được phê duyệt, lập kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm của địa phương để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án; bố trí cán bộ chuyên trách văn hoá, thể thao phù hợp với từng loại hình xã, phường, thị trấn và đúng với quy định của pháp luật hiện hành.
5. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể nhân dân:
Phối hợp với ngành TDTT vận động và tổ chức các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã, phường, thị trấn tham gia thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đề ra trong đề án này.
Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ chịu trách nhiệm thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ban chỉ đạo thực hiện Đề án và UBND tỉnh./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.